Hôm nay,  

Lê Văn Tâm Tình Với Bạn Đọc

09/11/200500:00:00(Xem: 5499)
LỜI TÒA SOẠN: Ông Lê Văn, cựu chủ biên chương trình Việt ngữ đài VOA, vừa hòan thành cuốn sách đầu tiên về rượu vang viết bằng tiếng Việt, nhan đề "Rượu Vang, Món Quà Của Thượng Đế", được biên soạn rất công phu, và sẽ cho ra mắt độc giả tại Orange County vào ngày Thứ Sáu, 18 tháng 11 này. Đoạn "Một Chút Tâm Tình Với Bạn Đọc" sau đây được trích ra từ cuốn sách đặc biệt này.

Bạn bè thấy tôi ưa thích rượu vang và say mê nghiên cứu lãnh vực này trong mấy chục năm qua, đều lấy làm lạ và nhất định hỏi cho biết duyên cớ tại sao. Thưa: Có gì đâu! Tôi với rượu vang hình như có mối duyên sao đó nên khi mới bắt đầu được làm quen với nó là tôi đã cảm thấy thích nó ngay. Chắc cũng vì có duyên nên tôi đã được thân phụ cho nếm rượu vang từ rất sớm.

Ông Bố tôi vốn là nhà Nho nhưng ra đời vào lúc Nho học đã tàn nên ông chuyển sang học chữ Tây rồi bỏ quê lên tỉnh tìm kế sinh nhai. Ông không đi làm thày Thông thày Phán mà mở hãng thầu xây cất, nhờ vậy gia đình cũng khá giả. Tôi lại là con trai duy nhất trong nhà nên được Bố cưng chiều và thỉnh thoảng lại được theo Bố đi ăn cơm Tây, uống rượu vang.

Ở nước Mỹ này con nít mà uống rượu, bất cứ thứ rượu gì, cũng sẽ bị phạt nặng. Nhưng trong nền văn hóa Pháp thì rượu vang là một phần không thể thiếu của bữa ăn, và con nít Pháp từ thuở nhỏ đã bắt đầu được Bố Mẹ cho uống rượu vang pha với một chút nước lã. Ông Bố tôi, trong một bữa đưa thằng con mới 9, 10 tuổi đi ăn cơm Tây, cũng cao hứng cho tôi nếm thử một chút rượu vang pha loãng xem sao. Thấy thằng nhỏ nhắp vào một ngụm mà không nhăn mặt, lại còn tỏ vẻ thích thú, ông lấy làm khoái chí về khoe ầm lên với mọi người rằng con trai ông biết uống rượu vang.

Thuở ấy, nó chỉ là một câu chuyện vui cười trong gia đình thôi, nhưng sau này nhìn lại, tôi mới hiểu ra đó là khởi điểm cho niềm say mê rượu vang của đời tôi.

Lớn lên đi dạy Anh văn ở Saigon, tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu về rượu vang như người ta theo đuổi một thú đam mê. Nhưng thị trường rượu vang ở Saigon vào thời đó rất nghèo nàn kém cỏi, nghĩa là không có rượu thượng hạng. Ngay cả ở những tiệm sang vào cỡ Alimentation Générale Thái Thạch trên đường Tự Do, khách muốn tìm những chai rượu Pháp cũng chỉ thấy có Beaujolais hay Macon Blanc là cao cấp lắm rồi. Tôi còn nhớ ở giữa tiệm Thái Thạch là một cái tủ kính lát gương để trưng bày những chai rượu quý, có cửa khóa cẩn thận, đèn chiếu long lanh rất đẹp, trong số đó có mấy chai thuộc loại Grands Crus Classés ở Bordeaux, giá đắt bằng cả một tháng lương của tôi. Nghe đâu chủ nhân trong những chuyến đi sang Pháp đã đích thân đem về mấy chai với mục đích để trang hoàng cửa tiệm nhiều hơn là để bán lấy lời vì số lượng quá ít.

Quả thật là cho tới lúc ấy tôi mới chỉ được đọc về những chai Grands Crus Classés trong sách vở chứ chưa bao giờ được nếm thử. Bởi vậy, tôi chỉ dám nhìn chúng như nhìn những bảo vật mà chưa biết đến bao giờ mình mới có đủ tiền mua về thưởng thức.

Rồi mấy năm sau tôi được học bổng sang Mỹ du học, chân trời rượu vang của tôi được mở rộng hẳn ra, và ngay khi có đủ phương tiện tài chánh, tôi liền tạo cho mình một hầm rượu vào khoảng vài ngàn chai mà hồi đó bạn bè văn nghệ sĩ như Mai Thảo, Phạm Đình Chương, đến chơi rất lấy làm thích thú.

Hằng năm, sau khi đã đưa các con đi nghỉ hè như phần đông mọi gia đình, vợ chồng tôi thường gởi con cho bà ngoại rồi trốn sang Pháp vào mùa Thu để đi thăm các vùng làm rượu danh tiếng nhất, từ Cognac sang Bordeaux, từ Champagne qua Bourgogne xuống tận Chateauneuf-du-Pape. Cứ như thế trong hơn 30 năm trời.

Chúng tôi không đi kiểu cưỡi ngựa xem hoa, coi chơi cho biết, mà mất công đi sâu vào các làng nhỏ, tìm cách nói chuyện với những người làm rượu, theo bước họ từ ngoài ruộng nho vào đến cơ sở sản xuất để nghe họ chi dẫn về những đặc tính của các loại nho, về các vùng đất trồng nho, khí hậu, thời tiết, phương pháp làm rượu, v.v... có ảnh hưởng đến phẩm chất của rượu như thế nào.

Và sau đó, như để chứng minh những điều vừa nói, họ cho tôi nếm rượu ngay trong hầm, từ thùng này qua thùng khác, từ mùa nho này đến mùa nho kia. Có năm tôi chỉ tập trung vào mấy làng danh tiếng nhất của vùng Côte d’ Or. Năm khác, tôi lại đi rong ruổi sang bên Ý, tới vùng Tuscany để tìm hiểu những thứ rượu đặc sản của vùng này. Càng đi sâu vào thế giới rất đa dạng của rượu vang, tôi càng thấy mình còn nhiều điều phải học hỏi và càng muốn học hỏi thêm.

Và học tới đâu tôi chia sẻ với bạn bè tới đó. Tôi quan niệm rằng rượu vang thì phải có bạn bè cùng uống mới ngon. Bạn của tôi gồm từ văn nghệ sĩ đến chính trị gia, cựu quân nhân, rồi truyền thông báo chí, nha, y, dược, sĩ, v.v... nên rất đông. Tất cả dường như đều vui vẻ đón nhận cái thú uống rượu vang mà tôi đem đến cho họ.

Khi tôi quyết định về hưu sau gần 40 năm làm việc cho đài VOA, bạn bè hỏi: Ông về hưu sẽ làm gì" Tôi trả lời: Chắc tôi sẽ viết sách. Mọi người đều khuyên tôi nên viết hồi ký, vì họ biết là tôi đã có cái may mắn làm chủ biên cho một đài phát thanh quốc tế trong một thời gian có rất nhiều biến cố quan trọng xảy ra cho đất nước mình và cả trên chính trường quốc tế.

Bạn bè muốn tôi kể lại những tiếp xúc trực tiếp của tôi với rất nhiều nhân vật đầu não trong chính phủ Mỹ, từ tổng thống, bộ trưởng đến dân biểu, nghị sĩ, đại sứ v.v..., cũng như những chuyến đi công tác đến nhiều nơi xa lạ, từ những thị trấn hẻo lánh ở Mã Lai Á đến khung cảnh huy hoàng của tòa thánh Vatican; hay những lúc tôi đi làm phóng sự về nạn buôn lậu ma túy ở những chỗ nguy hiểm như vùng biên giới giữa 3 nước Lào, Thái, Miến, gọi là vùng Tam Giác Vàng; hoặc lúc tôi tới khúc sông Mékong ở biên giới Việt-Miên để tường thuật về số phận thảm thương của những người Việt bị nạn “cáp-duồn”, tức là bị dân Miên nổi lên giết chết, một đêm bị chém tới gần 300 thủ cấp, nên hốt hoảng chạy về Việt Nam mà không được nhà cầm quyền Việt Nam nhận cho tị nạn. Nhiều người đã bảo tôi: “Những chuyện như vậy ông nên viết lại trong hồi ký, về sau rất quý“.

Vâng, chuyện viết hồi ký thì cứ để hồi sau sẽ hay. Nhưng ngay lúc này, tôi muốn dành trọn thì giờ để viết một cuốn sách về rượu vang, cái thú đam mê mà tôi đã từng theo đuổi trong suốt cả cuộc đời. Một lý do nữa khiến tôi muốn làm điều đó trước là vì khi tìm kiếm trong thư tịch VN, cả ở hải ngoại lẫn ở trong nước, tôi không hề thấy một cuốn sách nào viết về đề tài này một cách đầy đủ và nghiêm chỉnh. Vậy nếu một người từng say mê nghiên cứu rượu vang như tôi mà còn không bỏ công ra viết thì ai viết đây"

Nhưng rồi tôi lại đâm “rét”. Bây giờ không phải chuyện giỡn nữa, liệu mình đã đủ công lực để nhảy ùm vào địa hạt mới này như một chuyên gia thực sự không" Cách duy nhất để có câu trả lời là đi lấy “credentials”, tức là một cái chứng chỉ hay bằng cấp của một viện đại học như UC Davis hay một học viện chuyên môn như The Society Of Wine Educators.

Tôi bèn bỏ thì giờ ra đi học, và học rồi mới thấy là mớ kiến thức và kinh nghiệm kiểu “amateur” của tôi trong hơn 30 năm qua cũng chỉ đủ để tán dóc với bạn bè cho vui trong những lúc trà dư tửu hậu nhưng chưa đủ để chỉ dẫn cho ai cả. Đến hết khóa học, tôi đi dự những kỳ thi cùng với các học viên người Mỹ cũng như người từ các nước Âu châu, Úc châu gởi sang và đã có được cái chứng chỉ Chuyên Gia Về Rượu Vang gọi là Certified Specialist Of Wine. Cũng chẳng phải là ghê gớm gì, nhưng đủ để biết chắc là kiến thức của mình không thua kém các chuyên gia ngoại quốc, yên trí được một chuyện.

Khi bắt đầu viết cuốn sách về rượu vang, tôi cho rằng chắc cũng chẳng mất nhiều công phu và thì giờ cho lắm. Tôi chỉ cần lấy một đống sách bằng tiếng Anh và tiếng Pháp mà nhiều chuyên gia danh tiếng đã viết trước đây rồi mô phỏng theo đó mà làm ra cuốn sách của mình. Nhầm to! Đến khi thực sự bắt tay vào việc mới biết chuyện không phải giản dị như vậy.

Thứ nhất là khi đọc kỹ lại các tác giả Mỹ và Pháp, tôi thấy không đồng ý hoàn toàn với một người nào cả, về sự lựa chọn đề tài cũng như cách trình bày những điều cần biết. Hình như ai cũng ham “giảng” mà không ai chịu “chỉ” một cách dễ hiểu, kiểu “mì ăn liền”. Tôi bèn bỏ công cấu tạo một sườn bài mà tôi hài lòng là sẽ “hữu ích ngay” cho độc giả.

Chưa hết. Còn rất nhiều vấn đề khó khăn tiềm ẩn ở bên trong. Tôi chỉ xin đan cử một khó khăn tiêu biểu là vấn đề từ ngữ. Người Tây phương khi viết về rượu vang đã có sẵn nhiều cuốn từ điển (glossary of wine terms) gồm những chữ đã được công chúng nghe quen, chấp nhận và xử dụng hằng ngày. Còn tôi khi viết bằng tiếng Việt mà muốn tìm những danh từ, động từ hay hình dung từ cho chính xác để mô tả hay chỉ định rượu vang thì là cả một vấn đề khó khăn phức tạp.

Thí dụ như chữ “dry” của tiếng Anh. “Dry” có nghĩa là khô. Người Tây phương đều dùng cái ý niệm dry để đối chọi với ý niệm sweet (ngọt) khi mô tả rượu. Chỉ cần nói ly rượu này “dry”, hay “sec” hay “seco” là người ta hiểu ngay rằng vị của nó không ngọt. Nhưng nếu tôi phiên dịch một cách ngu ngơ là ly rượu này khô thì đồng bào của tôi đọc lên sẽ cười bể bụng. Rượu là chất lỏng, làm sao mà khô được" Tôi đành phải nói là “không ngọt” mặc dầu nó hơi dài dòng.

Một thí dụ khác: Để phân biệt rượu sủi bọt như Champagne với rượu thường, ở thể tĩnh lặng, người Tây phương dùng 2 chữ “Sparkling Wine” và “Still Wine”. Nhưng nếu tôi gọi đó là rượu “tĩnh lặng” thì nghe giống như nhà sư ngồi thiền hơn là ly rượu chát. Hay cứ nói một cách giản dị là rượu thường chăng" Cũng không ổn. Rõ ràng đây là chai Mouton-Rothschild, Premier Cru Classé, làm sao tôi dám gọi nó là rượu thường chỉ vì nó không sủi bọt" Và “Sparkling Wine” mà gọi là Rượu Sủi Bọt thì cũng chưa chỉnh lắm. Rượu Bia cũng sủi bọt kia kìa.

Đại khái, những cái khó của người đi tiên phong khai phá một vùng đất mới nó lỉnh kỉnh và không tiên liệu được như vậy. Thôi thì đành cứ dùng tạm những từ ngữ nào mà mình nghĩ là tương đối đúng nhất, đồng thời mở một cái ngoặc để ghi những từ tương đương bằng tiếng Anh và tiếng Pháp như những tiêu chuẩn quốc tế cho độc giả dễ tham khảo. Ở cuốn sách đầu tiên này, tôi không muốn dùng từ ngữ một cách gượng ép quá, và tự nhủ sẽ soạn một Từ Điển Rượu Vang trong một tương lai gần đây.

Một cái khó khăn nữa là làm sao dùng những câu ngắn gọn, giản dị, không cầu kỳ văn vẻ, để diễn giải một đề tài còn xa lạ phần nào đối với người Việt chúng ta, mà không bị bạn bè trong văn giới cười là ngô nghê. Vậy nên, muốn cho cuốn sách này dễ đọc, dễ hiểu đối với mọi tầng lớp độc giả, kể cả thế hệ trẻ lớn lên ở nước ngoài, tôi đã dùng rất nhiều hình ảnh để dẫn giải thay vì viết dài dòng. Tôi vẫn tin câu ngạn ngữ của Tây phương rằng “Một tấm hình có hiệu quả bằng một nghìn lời mô tả.”

Một điều khác nữa cũng làm tôi băn khoăn trăn trở khá nhiều là nên viết những gì và nên bỏ những gì trong cái địa hạt rượu vang hết sức phong phú và đa dạng này. Mỗi chương, hay mỗi phần của một chương tôi viết ở đây đều có thể tự nó là đề tài cho cả một cuốn sách được.

Thí dụ chương Bốn nói về Các Vùng Sản Xuất Rượu Vang Trên Thế Giới thì trong đó mỗi nước như Pháp, Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, v.v... chỉ được dành cho một đoạn ngắn. Trong khi ấy, Robert Parker viết ra cả một cuốn sách dày 540 trang chỉ để nói về một vùng Bordeaux của nước Pháp mà thôi. Bởi vậy, việc tỉnh lược loại bỏ là chuyện bắt buộc.

Vị tiền bối lão thành Alexis Lichine, người đã được dân Mỹ tặng cho cái danh hiệu là Giáo Chủ của Rượu Vang (The Pope of Wine), đã dành một phần lớn cuộc đời mình để hoàn thành cuốn Bách Khoa Tự Điển về Rượu Vang, Encyclopedia of Wine. Ai muốn biết bất cứ điều gì về lãnh vực này chỉ cần mở cuốn sách của ông ra tìm kiếm là có hết. Tôi không dám, và cũng không hề có tham vọng làm như vậy. Tôi chỉ muốn viết một cuốn sách dễ đọc, trình bày những kiến thức cần biết và tóm gọn để giúp người đọc thưởng thức rượu vang một cách tự tín và thú vị hơn phần nào.

Cuốn sách tuy sơ lược giản dị nhưng là công trình đúc kết của nhiều ngày đêm làm việc. Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết kết quả tạo ra có tương xứng với những công trình đó hay không, hay là mình lại mang tâm trạng giống như ông Giả Đảo đời Đường.

Ông này mất 3 năm suy nghĩ gò gẫm mãi mới làm ra được 2 câu thơ (Nhị cú tam niên đắc). Làm xong ngâm lên, nghĩ thương cho công trình của mình mà rơi 2 hàng nước mắt (Nhất ngâm song lệ lưu). Vậy mà nếu những khách tri âm lại không thưởng thức (Tri âm như bất thưởng). Thì ông đành quay về ngủ trong mùa Thu trên dãy núi xưa thôi (Quy ngọa cố sơn Thu).

Nếu cuốn sách khiêm nhượng này của tôi mà được nhiều bạn tri âm trên cõi đời này thưởng thức, thì đó chính là niềm ước mong của tác giả vậy.

Houston, Mùa Thu năm Ất Dậu, 2005

Lê Văn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.