Hôm nay,  

Mục Sư Nguyễn Quang Minh Bổ Túc Buổi Mạn Đàm Với Đức Ông Hoài

20/02/200000:00:00(Xem: 8761)
Tôi là Mục sư Nguyễn Quang Minh, vào đêm Thứ Sáu tuần qua trong buổi mạn đàm với Đức Ông Trần Văn Hoài tại Phòng sinh hoạt Nhật Báo Kinh Tế, tôi có đề cập dến một câu của Tông đồ Phao Lồ trong Thánh Kinh: “Hãy vâng phục nhà cầm quyền, vì mọi quyền bính đều do Đức Chúa Trời sắp đặt. Nếu ai không bằng lòng nhà cầm quyền thì trước hết hãy nên làm việc lành.” Tôi không nhớ chính xác từng chữ nhưng cái ý là như vậy. VBKT đã đưa tin này ngay ngày hôm sau 12-2-2000 nên có một số độc giả đã hiểu lầm lời nói của tôi, nên tôi có đôi lời giải thích sau đây.

Tôi đến buổi mạn đàm vì có cảm tình với một tu sĩ Công Giáo uyên thâm là Đức Ông Hoài. Đặc biệt là gần 10 năm trước Ngài đã có thơ mời tôi sang La Mã dự lễ Cầu Nguyện Hòa Bình cho Việt Nam xuyên qua giáo hội Tin Lành Nazarene Hoa Kỳ. Tôi không đi được nhưng Mục sư Giám mục Trần Minh Hải tại Hoa Thịnh Đốn là người bạn rất thân của tôi đã đi dự nhân đang có mặt tại Âu châu. Từ Ngài mà đã thành lập được Hội Đồng Hợp Tác Tôn Giáo tại Mỹ để cùng lo cho việc Đạo. Hội đồng sau đã tên là Hội Đồng Liên Tôn.

Tại buổi mạn đàm nầy Đức Ông Hoài dã mở lời về chữ chính trị và giải nghĩa rằng đạo đức đã nằm sẳn trong danh từ nầy, mục đích để đem phúc lợi cho toàn dân. Tôi có xin phép ra ngoài đề của Ngài một chút và chỉ cần ngài giải thích với anh em Công Giáo tránh dùng chữ người đạo Tin Lành khi gặp chữ Protestants đa số là các giáo phái Đạo Cải Cách bên Âu châu. Thí dụ bên Ái Nhỉ Lan thì đó là sự tranh chấp giữa người đi đạo Công Giáo và người đi đạo Cải Cách (Reformation hay Protestants) chớ không phải là người đi đạo Tin Lành.

Tin Lành vào Việt Nam từ gần một thế kỷ qua chỉ là Evangelical mà thôi. Và tôi muốn không có sự hiểu lầm vì danh xưng trên giữa người Công Giáo và người Tin Lành VN đều là anh em nhau, đều cùng là con của Chúa.

Điều thứ hai tôi thưa với Đức Ông để hỏi Ngài về phản ứng của người Công Giáo trong nước lẫn hải ngoại về các quyết định “Trở về nguồn cội Á châu” của đạo Chúa do Hội Đồng Giám Mục Á Châu hợp tại Rome vào đầu năm 1998.

Nhưng sau khi độ 5 hay 6 vị phát biểu trong tinh thần rất là vui vẻ, êm ái thì đã có một vị trong cử tọa có những lời nhận định rằng Hội Đồng Liên Tôn và các tôn giáo khác đã không cùng một lúc mạnh dạn công khai cổ võ giáo dân hay đạo hữu của tôn giáo mình chống lại chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Vị nầy có vẻ chất vấn Đức Ông lý do tại sao.

Cũng vì nhận định nầy mà tôi cũng đă cảm thấy xúc phạm. Sao vị đó biết rằng “đạo Tin Lành” tại VN hay ở hải ngoại lâu nay không chống Cộng" “Đạo Tin Lành” phần rất lớn là thuộc các Giáo Hội quốc tế tại Hoa Kỳ đều có đường lối tranh đấu bằng cách riêng của họ. Như Thánh Gandhi đâu cần bạo động mà cũng vẫn buộc một đế quốc Anh hùng mạnh phải rút quân khỏi Ấn Độ. Như Ngài Đạt Lai Lạt Ma với đức tu hành và bác ái của Ngài đã đạt giải Nobel Hòa Bình. Như Đức Giáo Hoàng đã vận động ngoại giao mà Trung Cộng phải kiêng nể, và một cách âm thần mà Ngài đã giúp làm sụp đổ cả một đế quốc cộng sản Sô Viết mà không đổ một giọt máu. Trong khi các tôn giáo bị bách hại nhiều năm qua, mà vẫn còn bị chỉ trích là tránh né, hay nhát sợ đã không tham dự các phong trào chống cộng, cho nên cũng muốn nhân dịp này giải thích những lý do chính đáng của họ. Mặc dù tôi không đại diện cho một hệ phái Tin Lành Việt Nam nào trong nước hay ở hải ngoại, và cũng không từng làm thành viên của Hội Đồng Liên Tôn tại Hoa Kỳ.

Vì quý mến Đức Ông Hoài là một chân tu hiền lành, là một vị khách phương xa đến, là đại diện cho một giáo hội lớn là Công Giáo La Mã (có đến 1 tỷ tín đồ), tôi đã hăng hái tình nguyện đỡ lời cho Đức Ông khỏi phải trả lời một câu hỏi và một nhận định có thể đã không hiểu rõ giáo lý thâm sâu của Ky Tô Giáo hay Cơ Đốc Giáo (tức Đạo Chúa) áp dụng cho người Công Giáo lẫn người Tin Lành. Ngoài vấn đề giáo lý lại còn có vấn đề hành chánh và chính sách trực thuộc vào những cơ cấu cao hơn và quốc tế. Công Giáo thì có Tòa Thánh Vatican mà Tin Lành hay Cải Cách Giáo thì có các trụ sở toàn cầu của họ. Không thể bắt mọi người chống Cộng ồn ào và giống như nhau được.

Tôi rất tiếc là bài báo VBKT không đủ thì giờ ghi hết được các diễn tiến của buổi mạn đàm này và lý do đưa đến câu nói trên của tôi. Tôi đáng lẽ phải nói rõ hơn về giới hạn của câu giáo lý trên: (Rôma 13). Đó là nhà cầm quyền không được lấn qua phần đạo của tín đồ Chúa: “Trả cho Xê-Sa điều gì thuộc về Xê-Sa và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa” (Phúc Âm Mathiơ 22:21). và khi mà nhà cầm quyền đi quá trớn thì Kinh Thánh đã dạy: “Thà vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người” (Sách Công Vụ 5:29). Ta đều nhớ món quà mà Thiên Chúa tặng cho tổ phụ loài người trong vườn địa đàng Eden là: Sự Tự Do để lựa chọn Thiện hoặc Ác. Lập trường của tôi luôn luôn là: Tổ Quốc trường tồn, công bằng xã hội và mọi người đều được quyền thờ phượng Chúa Trời.

Mục Sư Nguyễn Quang Minh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.