Hôm nay,  

Hòa Thượng Thích Phước Tịnh Giảng Pháp Nhân Đại Lễ Phật Đản 2020

04/05/202015:22:00(Xem: 3227)

20200503_172845_resized
Vào lúc 5:00 giờ chiều Chủ Nhật 03/05/2020, Hòa Thượng Thích Phước Tịnh đã có buổi giảng pháp với chủ đề Phật Đản cho nhóm Phật tử Giới Trẻ Mây Từ và đạo hữu. Có ít nhất hơn 250 người theo dõi qua facebook của Giới Trẻ Mây Từ. Buổi pháp thoại được thâu hình và phát lại sau đó.

Trước buổi giảng pháp, nhóm Giới Trẻ Mây Từ cũng đã thực hiện nghi thức Lễ Phật Đản trên mạng để mời quí Phật tử cùng tham gia, vì rất nhiều người sẽ không thể đến chùa để dự lễ trong mùa đại dịch COVID-19. Nghi lễ bắt đầu bằng việc ngồi thiền, đọc kinh, lễ Phật mừng đản sanh, và hồi hướng công đức đến muôn loài.

Thầy Phước Tịnh nói rằng cho dù trong mùa đại dịch không tiếp đón khách , tu viện Lộc Uyển vẫn tổ chức một buổi lễ Phật Đản thật thanh bình, an lạc. Nhiều chùa chiền trên nước Mỹ cũng sẽ phải tổ chức nghi lễ Phật Đản trên mạng để thích ứng với tình hình mới chưa từng xảy ra như hiện nay. Và cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Phật Đản vẫn là một ngày lễ hội không riêng đối với Phật tử mà còn cả nhân loại. Đức Phật không phải là thần linh hay thượng đế. Ngài không chỉ là vị giáo chủ của một tôn giáo, mà còn là một nhà văn hóa vĩ đại. Dòng văn hóa Phật Giáo đến nay được xem như một di sản chung của thế giới. Liên Hiệp Quốc và Unessco đã công nhận ngày Phật Đản (Day of Vesak) là ngày lễ hội quốc tế. Thầy kể một số câu chuyện về nhân cách của Đức Phật. Thí dụ như việc ngài tiếp tục đời sống khiêm cung, ngày ngày cầm bát đi khất thực giống như tất cả những người khác trong Tăng Đoàn. Cũng như việc Ngài thể hiện đạo hiếu của bậc Giác Ngộ khi trở về vương quốc để hướng dẫn tam qui, ngũ giới cho  cha, khi Tịnh Phạn Vương lâm trọng bệnh.

Kinh văn của Đức Phật cũng là một kho tàng. Những lời giảng của Ngài đã trải qua gần 3,000 năm mà vẫn là chân lý, chưa bao giờ phải điều chỉnh lại dưới cái nhìn của khoa học kỹ thuật hiện đại. Một ví dụ điển hình đó là lý nhân quả. Lý nhân quả sâu xa, ảnh hưởng qua nhiều kiếp. Những gì ta làm trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến đời hiện tại và cả trong tương lai. Thầy Phước Tịnh lấy hai quốc gia ra làm ví dụ tương phản trong đại dịch COVID 19. Thứ nhất là Trung Cộng, quốc gia phát sinh ra đại dịch. Những hậu quả của virus Corona để lại cho Trung Cộng là  vô cùng nặng nề, và có thể làm thay đổi lớn quốc gia này trong tương lai khi nó đang bị nhiều nước trên thế giới xoay lưng lại. Điều này có thể xuất phát từ những hành động tàn ác, kém lành thiện của lãnh đạo nước này đối với thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua. Ngược lại là hình ảnh của vương quốc Bhutan. Cho đến thời điểm hiện tại, Bhutan chưa có ca nhiễm bệnh COVID 19 nào được phát hiện. Cần nhắc lại là quốc gia nhỏ bé, chỉ có hơn 700,000 dân này không giàu có, khoa học kỹ thuật cũng phát triển không đáng kể. Nhưng dân tộc họ được xem là “hạnh phúc nhất trên thế giới”. Sự hạnh phúc người dân của Bhutan có được là do lấy Phật Giáo làm nền tảng đạo đức, có cái nhìn nhân quả, tương tức giữa con người và cả môi trường chung quanh. Vị thủ tướng của nước này đã từng hãnh diện tuyên bố rằng quốc gia của ông đã “xuất khẩu” rất nhiều oxy, góp phần làm trong lành bầu khí quyển của thế giới.

Thầy Phước Tịnh nhắc nhở Phật tử rằng khi nắm được lý nhân quả, thì việc mỗi cá nhân tiếp tục tinh tấn  tu tập ngay trong mùa đại dịch là điều cần thiết. Thầy nhắc lại hình ảnh của lưới trời Đế Thích: một mắt lưới rung lên sẽ lan tỏa ra khắp lưới trời. Một cá nhân có tu học sẽ có được đời sống an lành cho chính mình, và ảnh hưởng đến những người thân chung quanh, rồi lan ra đến xã hội, quốc gia. Hãy làm việc lành thiện, nói lời lành thiện, tránh làm khổ đau cho người thân. Nếu không làm được việc thiện gì to lớn, chỉ cần mỗi ngày đọc một thời kinh, niệm một bài chú để gởi năng lượng lành đến với người bệnh, người chết trong mùa dịch cũng là đáng trân quí.

Trong phần giải đáp thắc mắc, có Phật tử hỏi về hai quan niệm trái ngược: có nên tiếp tục đóng cửa cách ly, hay mở cửa xã hội trở lại bình thường? Có người nói nếu nghiệp một người sẽ phải chết vì COVID-19 thì họ sẽ phải chịu, có cách ly cũng không cứu được. Thầy nói rằng không nên có cái nhìn cứng ngắc về nghiệp như vậy. Cái chết của một người phải hội tụ cả ba yếu tố thọ mạng, nghiệp và phước. Mà nghiệp của một cá nhân thì vẫn có thể thay đổi được bởi chính cá nhân đó. Hành động cách ly, đeo khẩu trang… vừa để bảo vệ mình, vừa để bảo vệ người khác là một việc nên làm. Không nên sợ hãi thái quá, nhưng cũng không nên hành động cẩu thả, thiếu suy tính có thể gây hại cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao.

Nhiều câu hỏi có liên quan đến pháp hành. Một Phật tử hỏi rằng làm sao có thể kết hợp Tinh Độ & Thiền trong sinh hoạt hằng ngày. Thầy nói rằng tùy theo hoàn cảnh mà chọn pháp hành cho phù hợp. Đừng nên cứng ngắc với một pháp môn. Thí dụ với người đi làm nếu có thì giờ nghỉ trong ngày có thể dành vài phút để thực tập thiền hành, thiền tọa. Còn những người đang may khẩu trang có thể thực tập việc niệm chú để gởi năng lượng lành vào chiếc khẩu trang mình may.

Một Phật tử hỏi tu cách nào để có từ bi, trí tuệ? Thầy dạy rằng từ bi và trí tuệ là hai phạm trù lớn bao trùm giáo lý của Đức Phật, không thể giải thích ngắn gọn trong vài phút. Tuy nhiên, có thể nói rằng tùy theo căn cơ của mà mỗi người có thể phát triển từ bi trí tuệ cho chính mình. Tâm dẫn dắt mọi hành động. Thấy được điều này là đã có trí tuệ. Rồi từ đó chuyển hóa tâm từ bi, tập thực hành nói lời lành thiện, hành động nhân ái. Điều này tưởng đơn giản nhưng có khi mất cả đời người để thực hiện. Và từ bi- trí tuệ tuy hai mà một. Có trí tuệ thì dễ có hành động từ bi, và ngược lại làm việc lành thiện dần dần cũng phát triển tuệ giác.

Buổi pháp thoại kết thúc sau hơn hai giờ, đem lại nhiều lợi lạc cho thính chúng. Giới Trẻ Mây Từ đã xin Thầy Phước Tịnh tiếp tục có buổi pháp thoại trong Chủ Nhật tới, cũng đúng là ngày của Mẹ. (VB)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.