Hôm nay,  

CLB Văn Nghệ Viện Việt Học Mời Dự Đêm Nhạc Biệt Ly, 7:30PM-10:30PM, Thứ Bảy, Ngày 12 Tháng 9 Năm 2015

15/08/201500:00:00(Xem: 3694)
WESTMINSTER (VB) – Một đêm nhạc đặc biệt, với chủ đề “Biệt Ly,” nói lên một trong những thực trạng lịch sử, văn hóa và xã hội của Việt Nam qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm, sẽ được Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học tổ chức từ lúc 7:30 tới 10:30 tối Thứ Bảy, ngày 12 tháng 9 năm 2015 tại Viện Việt Học, thành phố Westminster, theo lời quý vị trong Ban Điều Hành và Ban Hợp Xướng Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học cho biết nhân chuyến thăm tòa soạn Việt Báo vào trưa Thứ Sáu, ngày 14 tháng 8 năm 2015.

Chủ đề “Biệt Ly” của đêm nhạc gợi lên trong tâm tư người nghe một cảm thức đau buồn, một hoài niệm xót xa nào đó mà ở đây không chỉ là thân phận bé bỏng của từng con người Việt Nam mà còn là vận mệnh trớ trêu, thăng trầm của lịch sử, văn hóa và xã hội của cả nước Việt Nam. Theo lời ông Nguyễn Minh Lân, Ban Điều Hành Viện Việt Học, tổ chức chương trình đêm nhạc Biệt Ly này, Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học và Viện Việt Học muốn nhìn lại một hiện tượng mà cũng là một thực trạng có mặt hầu như ở mọi khúc quanh của lịch sử đất nước. Và qua đó góp phần gầy dựng ý thức về thảm họa của Biệt Ly để cùng nhau xây dựng ngày “Hội Trùng Dương” cho dân tộc, cho mọi người dân Việt trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Minh Lân nhắc rằng vào năm 1936 nhà thơ Vũ Đình Liên trong bài Ông Đồ đã cảnh giác về tình trạng biệt ly của dân tộc trước nạn Tây hóa với, “Năm nay đào lại nở / Không thấy ông đồ xưa / Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ...” Đó là một trong nhiều thực trạng Biệt Ly của dân tộc đã trải qua.

blank
Từ trái theo chiều kim đồng hồ, Lâm Dung, Tuyết Dzung, An Hảo, Trần Chúc, và Nguyễn Minh Lân tại tòa soạn Việt Báo. (Photo VB)

Chị Tuyết Dzung, ca viên của Ban Hợp Xướng CLB Văn Nghệ Viện Việt Học, tiếp lời ông Nguyễn Minh Lân, lượt qua một số bài hát sẽ được trình diễn trong đêm nhạc Biệt Ly nói lên ý nghĩa và nội dung của thực trạng biệt ly tang thương của đất nước như, bài hát “Hận Sông Gianh,” nói lên nỗi biệt ly phân chia nam bắc từ thời Trịnh Nguyễn đến thời Hiệp Định Geneva chi đôi đất nước; bài hát “Tiễn Em” nói lên thảm trạng bi thương của người tù dưới chế độ Cộng Sản sau năm 1975; và bài hát “Tiễn Chân Anh Khóa Xuống Tàu,” của Á Nam Trần Tuấn Khải, nói lên thân phận người thanh niên Việt vào đầu thế kỷ 20 phải bị bắt buộc chiến đấu trong đội quân Lê Dương của thực dân Pháp.

Anh Nguyễn Minh Lân cho biết thêm rằng Viện Việt Học lúc đầu cố gắng mời ái nữ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải là chị Trần Thị Hồng Khương đến trình bày ca khúc này. Nhưng rất tiếc là cuối cùng chị Hồng Khương vì bận sẽ không đến được.


Chị Tuyết Dzung cho biết thêm một chi tiết rất hấp dẫn trong đêm nhạc Biệt Ly là ca khúc “Tiễn Chân Anh Khóa Xuống Tàu,” sẽ được nữ ca sĩ Xuân Mai trình bày qua điệu hát Xẫm, hay còn gọi là Hát Xẫm Tàu Điện, của người Miền Bắc Việt Nam. Đây là một trong những điệu hát cổ mà hiện nay có rất ít ca sĩ hát được.

Chị Lâm Dung, người điều hành Ban Hợp Xướng Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học, nói thêm về mấy bài hát sẽ được trình diễn trong đêm nhạc Biệt Ly. Trong đó có bài “Về Miền Nam,” sẽ được các giọng ca Trần Thạch, Hoàng Anh, Thanh Chi, Duyên Hà và Thanh Giang hợp ca với trích đoạn ở đoạn cuối của bài hát để mô tả một miền Nam tự do đáng yêu trong cuộc biệt ly năm bắc.

Với chương trình công phu như đêm nhạc Biệt Ly thì chắc phải tốn công tập luyện và dàn dựng, mà một trong người đóng góp lớn nhất là nhạc sĩ Trần Chúc, nhạc trưởng của Ban Hợp Xướng CLB Văn Nghệ Viện Việt Học. Nhạc sĩ Trần Chúc đã trình bày tống quát công việc chuẩn bị cho đêm nhạc, gồm việc tuyển chọn ca sĩ, tập luyện giọng, nhịp điệu cho toàn Ban Hợp Xướng với khoảng trung bình 30 vị sinh hoạt tập luyện hàng tuần tại Viện Việt Học.

Chị An Hảo, ca viên của Ban Hợp Xướng CLB Văn Nghệ Viện Việt Học, nói lên cảm nghĩ của một người tham gia sinh hoạt của Ban Hợp Xướng CLB Văn Nghệ Viện Việt Học, từ cảm tình đến yêu thích và dấn thân trọn vẹn vào các sinh hoạt văn nghệ của Viện Việt Học. Chị cũng cho biết sự khó nhọc của nhạc sĩ Trần Trúc cũng như các ca viên trong Ban Hợp Xướng tập luyện chuẩn bị cho đêm nhạc Biệt Ly, mà đặc biệt là tập luyện với bản “Hội Trùng Dương,” là bản nhạc kết thúc của đêm nhạc.

Theo quý anh chị Viện Việt Học, đêm nhạc “Biệt Ly” sẽ do Quỳnh Như, Lily Nguyễn điều hợp, nhạc trưởng là nhạc sĩ Trần Chúc, với các tay đàn, Piano: Mỹ Lệ, Keyboard: Huy Cường, Guitar: Trần Toản, Ngọc Thạch, Violin: Uy Vũ, Sáo: Ngọc Nôi, Âm thanh: Quốc Đông, Kim Trung, và các ca sĩ: Kim Thoa, Kim Yến, Quỳnh Như, Khanh Huy, Lâm Dung, Xuân Thanh, Hồng Tước, Phi Loan, Ngọc Nôi, Duy Tân, Lily Nguyễn, Ngọc Diệp, Như An, Vương Lan, Nguyên Phong, Hàn Phúc, Hoàng Anh, Thanh Chi, Duyên Hà, Thanh Giang, Kỳ Hương, Kim Ngân, và Trường Việt Ngữ Viện Việt Học, Ban Hợp Ca, và Ban Hợp Xướng.

Giá vé: $20.
Liên lạc: Email: info@viethoc.com Điện thoại: (714) 270-8110.
Địa chỉ Viện Việt Học: 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Westminster, CA 92683.
Website: www.viethoc.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.