Hôm nay,  

Đêm Hát Nhạc Cộng Đồng: Chúng Ta Cùng Hát

28/11/200000:00:00(Xem: 5388)
Hát Nhạc Cộng Đồng là chất liệu cần thiết cho việc hun đút bầu nhiệt huyết thanh niên trong giai đoạn chuẩn bị ngày "Về Với Mẹ Cha" cất cao tiếng "Hát Cho Đồng Bào Tôi" và "Dưới Ánh Mặt Trời" cùng kể nhau nghe "Chuyện Quê Ta": "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" (VTN)

Hoa Thịnh Đốn (Lê Thùy Lan) - Sáng ngày Lễ Tạ Ơn, 23/11/2000, các anh chị em sinh viên cùng các thanh thiếu niên thuộc Gia Đình Phật Tử, Hướng Đạo Việt Nam vùng phụ cận Hoa Thịnh Đốn đã cùng nhau làm một nghĩa cử đẹp trước khi về với gia đình an hưởng buổi cơm chiều mừng ngày Lễ Tạ Ơn. Các em cùng các huynh trưởng đã tụ họp tại Maryland Homeless Center, trung tâm an trú cho những khổ nhân vô gia cư vào lúc 10 giờ sáng và cùng nhau làm vệ sinh và thu dọn sạch sẽ khu đất quanh trung tâm. Sau đó, các em đã lần lượt bầy biện những phần cơm còn nóng và thơm nồng để cung cấp cho 69 miệng ăn tại trung tâm với ước mong họ sẽ hưởng được những giây phút ấm cúng của tình người trong một ngày mùa Thu lạnh gió rét. Cùng lúc tại Washiungton DC, các anh chị em Phật Tử Giác Hoàng mang thức ăn cho trung tâm homeless gần bộ Lao Động, góc đường D và số 3 Street.

Nghĩa cử cao đẹp ấy cũng là lý do các anh chị Huynh Trưởng Hướng Đạo và Gia Đình Phật Tử từ Bắc và Nam California về vùng thủ đô để cùng chung vui và hát với các em trong "Đêm Hát Nhạc Cộng Đồng" tại nhà hàng Ngân Đình Galaxy, thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia. Cũng nhờ các anh chị đem chút nắng ấm California sang nên thời tiết hôm sau không lạnh buốt như ngày Lễ Tạ Ơn. Trong bầu không khí ấm cúng của phòng dạ vũ, khoảng 8 giờ 30 tối ngày thứ Sáu, 24/11/2000, đêm sinh hoạt Hát Nhạc Cộng Đồng được sống lại dưới sự điều khiển chương trình của anh Nguyễn Minh Nữu, chủ nhiệm tuần báo Văn Nghệ tại vùng thủ đô, và qua tiếng đàn guitar cùng những giọng ca ấm cúng của các anh chị Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Nữ Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận và Trưởng Trần Anh Kiệt.

Chương trình được liên tục qua những tác phẩm Du Ca của Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang, trong hùng hồn vang dậy khát vọng cho tự do và hòa bình của thanh niên đượm thêm những ảo não thân thương cho số phận khổ đau của người dân Việt, nạn nhân của một cuộc chiến tương tàn. Ngoài ra, các anh chị em trong gia đình Phật Tử chùa Hoa Nghiêm, các đoàn sinh Hướng Đạo và sinh viên học sinh cũng tham gia giúp vui. Điều làm tôi ngạc nhiên không kém là phần trình diễn hai nhạc phẩm của anh Đỗ Hồng Anh. Tôi đã được hân hạnh sinh hoạt chung với anh qua những buổi điều khiển chương trình Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam và biết anh cũng đang sinh hoạt truyền thông báo chí, nhưng đâu có ngờ anh cũng lãng mạng trầm tư như các anh chị ca nhạc sĩ tối nay. Đối với một tiểu tử mới tập sự viết bài, nhận thấy quý huynh trưởng của mình đa tài, đa cảm tôi thật phục sát đất! Có cảm giác mình như một nhân vật trong phim kiếm hiệp, cứ giang hồ tri bạc gặp được những vị Đạo sĩ truyền võ nghệ cho mình vậy.

Chương trình này không thể thực hiện được nếu không có sự khuyến khích tinh thầân và ủng hộ tài chánh của một số các vị mạnh thường quân. Người đỡ đầu cho buổi sinh hoạt của chúng tôi là anh Lê Thiệp. Anh là người đã đơm mớm những suy nghĩ tinh thần và tài trợ để chúng tôi có thể tiến hành công tác này. Ông bà Huỳnh Thái Bình cũng đã giúp đỡ trang trải chi phí mướn nhà hàng. Ban tổ chức cũng đã nhận được những hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần của Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng và Nha Sĩ Đặng Thị Loan, anh Ngô Hoàng, Võ Sư Vương Đình Thanh (Việt Nam Thái Cực Đạo), Giáo Sư Đặng Đình Khiết (Gia Đình Phật Tử), Nhà Văn Trần Ngọc Toàn, GS Hoàng Quý Nam, GS Hồ Bửu (Võ Học Tây Sơn), Ông Nguyễn Văn Toàn (Cảnh Sát Quốc Gia Miền Đông Hoa Kỳ), Ông Đoàn Hữu Định (Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH), anh chị Mai Vàng, Trưởng Dương Hồng Châu, Ông Trần Tử Thanh, Ông Trần Văn Thư, các anh chị em Cựu Sinh Viên vùng Hoa Thịnh Đốn và các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử và Hướng Đạo Việt Nam. Chúng tôi cũng may mắn được sự bảo trợ truyền thông của Tuần Báo Phố Nhỏ, Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, Tuần Báo Sóng Thần, Tuần Báo Văn Nghệ, Tuần Báo Thương Mãi Miền Đông, Tuần Báo Đời Nay, Thủ Đô Thời Báo, Truyền Hình Việt Nam, MVMA Highlights và Vietnamese American News Networks. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện một chương trình sinh hoạt văn nghệ có tính cách du ca và đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt của thân hữu và các anh chị em trẻ. Sự hiện diện của số đông người trẻ là điều mong muốn nhất của chúng tôi. Tuy chỉ có hai tiếng đồng hồ ngắn ngủi, chúng tôi nghĩ mọi người đã hưởng những giây phút vui tươi và sống thực khi chúng ta cùng nhau chung hát những lời ca thân thương như chia xẻ cho nhau chút ngọt bùi của kiếp sống tha hương.

Dựa theo bài viết của Phạm Hoàng trong tập san Thụ Nhân Houston 2000, Phong Trào Du Ca được thành lập bởi các anh chị trong ban Trầm Ca. Ban Trầm Ca là đứa con tinh thần đầu tay của 6 vị Tráng Sinh cư ngụ tại Thành Phố Đà Lạt. Họ là quý anh Nguyễn Đức Quang, Mai Thái Lĩnh, Hoàng Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Đinh Gia Lập và Nguyễn Quốc Văn. Mùa Hè năm 1965, họ cùng với Giáo Sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc, Cô Đỗ Phương Oanh, thành lập ban Trầm Ca. Châm ngôn của Tráng Sinh là "Giúp Ích". Cho nên ban Trầm Ca đã làm một viễn chinh trên khắp mọi miền đất nước mang tiếng hát lời ca để phục vụ tha nhân và tạo sinh khí cho cuộc sống khổ nạn của dân tộc Việt. Bất kể nguy hiểm, họ vẫn hiên ngang bộ hành trên những đại lộ xuyên thành phố, nằm đất, ngủ dưới mưa, hát ở bất cứ nơi nào. Tiếng hát và sinh hoạt của ban Trầm ca được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các anh chị em sinh viên khắp nơi và số người tham gia các khóa huấn luyện Thanh Ca Tác Động rất đông. Chính họ là những "hạt nhân của phong trào du ca" về sau.

Khi Phong Trào Du Ca được Bộ Thanh Niên ban giấy phép hoạt động trên toàn lãnh thổ miền Nam thì anh Nguyễn Đức Quang đã trở thành cánh chim đầu đàn. Các toán Du Ca lần lượt được thành lập, đầu tiên ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Sài Gòn, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang ... Càng ngày đoàn viên tham dự càng đông. Trụ sở của phong trào Du ca được đặt tại số 114 Sương Nguyệt Ánh. Chủ tịch đầu tiên là anh Hoàng Ngọc Tuệ và anh Nguyễn Đức Quang là Trưởng Xưởng. Ngoài việc du hành trình diễn, Phong trào tiếp tục mở các xưởng huấn luyện để đào tạo thêm Huynh Trưởng Du Ca. Số nhạc sĩ du ca cũng là những nhạc sĩ tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam như Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Quyết Thắng, Trần Đình Quân, Tôn Thất Lan, Trương Quang Mẫn, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Minh Nữu, Vũ Hữu Định, Phạm Minh Hùng, Trần Trọng Nam, Trầm Tử Thiêng, Giang Châu, Nguyễn Thiện Cơ, Bùi Công Thuấn, Lưu Quang Diệp...

Được phép của Cha Viện Trưởng, ngày 19 tháng 12 năm 1966 tại Giảng Đường Spellman, đại học Đà Lạt, đêm văn nghệ ra mắt Phong Trào Du Ca được thực hiện và thành công mỹ mãn. Xin mượn lời văn của tác giả Phạm Hoàng để mô tả lại buổi văn nghệ ra mắt Phong Trào Du Ca 34 năm về trước: "Trong cái lạnh cắt da của mùa Giáng Sinh Đà Lạt, những ánh đuốc bập bùng kéo dài từ cổng Viện vào đến giảng đường do những sinh viên mặc những bộ đồ đen cầm đuốc soi đường. Ban tổ chức là một số các anh chị tự nguyện của trường Chánh Trị Kinh Doanh Khóa 1 như Trần Văn Chang, Trần Văn Hùng, Trần Phú Hữu, Nguyễn Quang Tuyến, Trần Trọng Thức, Đoàn Công Chánh Phú Lộc, Trần Tiễn Tuấn, các chị Trần Khánh Tuyết, Hoàng Lan Anh, Bùi Thị Ngọc Nga...Ngoài các thành viên sáng lập Phong Trào còn có sự hiện diện của các nhà thơ Đỗ Quý Toàn, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Viên Linh, Tú Kếu và nhà báo Nguyễn Ngu Í cùng các anh Hoàng Ngọc Tuệ. Đỗ Ngọc Yến, Hà Tường Cát... Ngoài sự yểm trợ tinh thần và vật chất của Cha Viện Trưởng, còn có sự yểm trợ rất đắc lực của anh Phương Thảo Đào Văn Hòa, giám đốc cơ quan USIS Đà Lạt. Bảy thành viên sáng lập trình diễn ca nhạc, kịch ngắn, thơ. Các nhà thơ Đỗ Quý Toàn, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Viên Linh, Tú Kếu đã diễn đọc những bài thơ "rất nóng" của chính họ cùng với tiếng đàn dương cầm của Thanh Thoại. Không khí ấm cúng, thân tình, chứa chan tình dân tộc qua các bài ca cổ, dân ca ba miền và các sắc tộc, các bài nhận thức ca...khiến cho khán giả đa số là anh chị em sinh viên nhận thấy rằng đáng có một thứ văn nghệ lành mạnh, ý thức, mời gọi, thúc giục để đối kháng với cái gọi là văn nghệ ái tình ru ngủ, văn nghệ phản kháng vô trách nhiệm."

Ở thế hệ sau, tôi không biết gì nhiều về Phong Trào Du Ca, vì khi các anh chị viễn hành trên khắp nẻo đường Việt Nam thì tôi vẫn còn là một trẻ nhỏ bận rộn nhẩy lò cò với bạn bè. Khi tôi nghe đến Phong Trào Du Ca cũng là lúc tôi theo gia đình rời quê hương. 25 năm sau, đêm nay, tôi mới có cơ hội được lắng nghe lời tình tự dân tộc qua những giòng tâm tưởng từ đáy tim của các anh chị trong nhóm Du Ca ngày nào. Những bài hát tôi vẫn nghêu ngao hát theo băng nhạc và trong những lúc sinh hoạt Hướng Đạo bây chừ mới thấm vào tâm tưởng tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.