Hôm nay,  

Đêm Nhạc Nguyễn Đình Toàn Với Những Ca Khúc Mới

14/05/201300:00:00(Xem: 5527)
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã bị đẩy vào trại tù cải tạo nhiều năm, và từ đây ông đã tìm ra một nơi trú ẩn mới: sáng tác âm nhạc.

Chế độ đã cướp đi tự do của ông, giựt mất giấy bút của ông, xóa sổ những năm tháng sung mãn trong đời một nhà văn, làm suy sụp sức khỏe của ông, nhưng họ không ngăn được một cõi âm nhạc lớn dần trong ông -- nhiều năm sau, một nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn bước ra, tuy vẫn là một tấm lòng nhân hậu và thơ mộng, nhưng đã mang cho cuộc đời một cõi ánh sáng hoàn toàn mới lạ.

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn một thời cũng được ghi nhớ như một hình ảnh độc đáo của Sài Gòn: chương trình nhạc chủ đề Nguyễn Đình Toàn hàng tuần trên Đài Phát Thanh Sài Gòn với giọng nói trầm ấm Hà Nội của ông, với lời dẫn thơ mộng vào không gian của các ca khúc mà ông giới thiệu.

Trong Đêm Nhạc Nguyễn Đình Toàn Với Những Ca Khúc Mới hôm Thứ Bảy 11-5-2013 tại Viện Việt Học, MC Bùi Đường kể rằng, anh may mắn có thời trung học say mê chương trình nhạc chủ đề Nguyễn Đình Toàn, và khi du học, có những lúc nhớ quay quắt về Sài Gòn, anh nhớ ngay tới giọng nói trầm ấm và lời dẫn thơ mộng của Nguyễn Đình Toàn trên làn sóng Đài Phát Thanh Sài Gòn. Bùi Đường nói, anh đã đồng nhất những cảm xúc Nguyễn Đình Toàn bộc lộ trên làn sóng radio đó với Sài Gòn, và sau này khi làm MC giới thiệu nhạc, anh đã học rất nhiều từ Nguyễn Đình Toàn, rất nhiều những vẫn là một khoảng cách còn rất xa.

Khởi đầu đêm nhạc hôm Thứ Bảy, Nguyễn Minh và Kim Ngân – hai viên chức trong Viện Việt Học – cho biết đây là lần thứ nhì thực hiện trình diễn nhạc Nguyễn Đình Toàn, nhưng laị là lần đầu ở hội trường Viện Việt Học, nơi không gian khiêm tốn.

Nguyễn Minh nói rằng, đêm nhạc này thực hiện được nhờ nhạc sĩ Nguyễn Đình Thư, con của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, chuẩn bị nhiều ngày và mang tất cả dàn âm thanh tới, cũng như có 40 ngườì trẻ đã góp sức thực hiện đêm nhạc này.

Kim Ngân nói rằng các ca khúc của Nguyễn Đình Toàn mang nhiều uất ức, thương đau, nhưng luôn luôn đầy ắp tình người, và đặc biệt cũng có hình ảnh thương yêu của người mẹ trong một ca khúc sẽ trình diễn một ngày trước Ngày Lễ Mẹ.
nhac_b_duong_maid_dung_nd_toan_vo_b
Từ trái: Bùi Đường, Mai Dung, Nguyễn Đình Toàn và phu nhân.
Kim Ngân nói, nhìn lại 38 năm qua mới thấy những công trình tốt đẹp nhất của dòng văn hóa dân tộc là thời gian hai mươi năm, từ 1954 tới 1975 tại Miền Nam, vùng đất tự do đã nuôi lớn được nhiều tác phẩm đầy khám phá.

MC Bùi Đường nói rằng, nhạc Nguyễn Đình Toàn là nhân chứng cho một Miền Nam vỡ vụn, nhạc của anh là nỗi lo, là nỗi nhớ, là tình yêu với lời lẽ như trần tình với đất trời.

MC Mai Dung kể, có người nói nhạc Nguyễn Đình Toàn là giọt máu của âm thanh...

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và phu nhân được mời lên sân khấu để chào khán giả. Nhạc sĩ rất kiệm lời, như dường lòng ông mang nhiều nỗi ưu tư không diễn được ra lời.

Người đầu tiên hát là ca sĩ Hàn Phúc, với bài “Tôi Muốn Nói Với Em,” một ca khúc nhắn nhủ thế hệ tương lai, với nỗi băn khoăn của một người ở thế hệ đi trước:

“...dù Việt Nam có khi chỉ còn,
là bóng dáng héo mòn 
lắt lay trong hồn...”

Kế tiếp, ca sĩ Tạ Chương hát bài “Em Còn Yêu Anh.” Tạ Chương là một trong những giọng ca tuyệt vời, khó tìm. Với phong thái rất riêng, một kiểu đội mũ beret như giữa trời sương gió, giọng ca Hà Nội 54 của Tạ Chương như thổi vào hội trường một mùa thu Paris, với lời ca tha thiết cuả Nguyễn Đình Toàn:

nhac_ng_minh_ngoc_tinh_kim_ngan
Từ trái: Nguyễn Minh, Ngọc Tịnh, Kim Ngân.
“Ta đã xa nhau như trời xa đất.

Có bao giờ

Còn có bao giờ ta thấy lại nhau không...”

Nhạc Nguyễn Đình Toàn đã hiển lộ đầy chất thơ, nơi đó với lời ca tự thân đã đầy chất nhạc, và khi hát lên để trở thành những nốt nhạc rơi vào hồn người nghe – như nhịp tim đau đớn, khi tình nhân xa nhau như trời xa đất.

Tương tự, chất thơ trong nhạc Nguyễn Đình Toàn cũng được ca kế tiếp bởi Tạ Chương với bản "Dạ Khúc" – trong đó, lời nhạc đã mang những hình ảnh thương nhớ khôn nguôi, như:

“Ôi son trên môi còn in dấu người. Và tóc như dáo chia tình đôi. Đêm hay gương soi nỗi buồn xa ấy. Yêu người đã bỏ đời vui. Thuyền tình còn trôi lạc ngoài trời...”

Khi giới thiệu ca sĩ Hoàng Khôi hát bài “Nếu” của Nguyễn Đình Toàn, hai MC Bùi Đừơng và Mai Dung kể rằng, có lần được nghe Nguyễn Đình Toàn giải thích, rằng nghệ thuật phảỉ như 6 sợi dây đàn phảỉ có một sợi lầm lỡ mới hay được.

Xin góp lời rằng, hình như điều đó chỉ nên đúng với nghệ thuật thôi. Vì lịch sử, mỗi lần lầm lỡ là sẽ có cả triệu người chết, và cả vài trăm ngàn người biến mất dưới lòng biển...
nhac_hphuc_htho_hkhoi_tchuong_mphuong
Hàng trên, từ trái, theo chiều kim đồng hồ: Hàn Phúc, Hương Thơ, Hoàng Khôi, Tạ Chương, Minh Phượng.
Nhạc của Nguyễn Đình Toàn cũng mang nhiều hình ảnh quá khứ. Một thế giới rất Việt Nam không thể phai mờ trong tâm trí ông. Qua nhạc của ông, người ta có thể tìm hiểu được về một khung trời thơ mộng của một Việt Nam, những hình ảnh đơn giản và đời thường nhưng đã chuyển thành một dòng nhạc rất mực tha thiết, như qua ca khúc “Căn Nhà Xưa,” do Minh Phượng vừa đàn dương cầm, vừa hát:

“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cà
Nơi những sớm mai nằm nghe
Nắng ròn trên mái
Ở đó có những lũ sên bò quanh
những vết nứt rêu tường xanh
Ở đó có lá cuốn giây ngoài song
có giếng nước soi trời trong...”

Vào giữa chương trình nhạc, Nguyễn Minh và Kim Ngân đã giải thích về chủ trương Viện Việt Học, rằng vào cửa đêm nhạc là tự do, nhưng vì để duy trì một nơi sinh hoạt để giữ hồn Việt học cho thế hệ sau, nên mời mọi người “từ bi đóng góp tùy hỷ.” Đặc biệt, chị Ngọc Tịnh, một doanh gia từng góp sức cho một số chương trình từ thiện điạ phương, được mời lên trình bày về nhu cầu của Viện Việt Học cần hỗ trợ tài chánh.

Chương trình nhạc đã thu hút khoảng hơn 150 khán giả. Cũng có sự góp mặt của ban nhạc Sao Biển: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hòa, Dương Thụy, Hoàng Khôi, Đặng Ngọc Bảo. Ca sĩ góp mặt cũng có Hồng Hạnh, Hương Thơ, Kim Ngân...

Trong đó, Hương Thơ trình bày ca khúc “Còn Tiếng Hát Gửi Người,” trong khi Kim Ngân hát một ca khúc về ngợi ca mẹ, một ca khúc với ngôn ngữ thơ độc đáo, như “Trong tim con Mẹ san máu xuân thì...”

Nhạc của Nguyễn Đình Toàn là một thế giới độc đáo. Khi vào trại tù cải tạo, nhạc là nơi trú ẩn của ông. Và rồi nhạc của ông đã hóa thân thành một chiếc đũa thần mới: nó làm cuộc đời hiện ra tươi mới hơn; nó không làm chúng ta quên đi cuộc đời bất toàn và đau đớn này, nhưng đang làm chúng ta yêu thương hơn và trân trọng hơn đối với thế giới này, cho dù đó là những “gương soi nỗi buồn, lũ sên bò quanh, vết nứt rêu tường quanh...” của một cõi không mấy khi như ý, và cả khi người xa người như đất với trời.

Điều rất lạ rằng, những hình ảnh hư vỡ trong thế giới nhạc Nguyễn Đình Toàn đã làm chúng ta yêu thương cuộc đời đầy những hư vỡ này. Có phải không?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.