Hôm nay,  

Thử Vào Lòng Người Viết Nhạc Để Hiểu Nhạc

30/04/201300:00:00(Xem: 4685)
le-van-khoa-thuyet-trinh-20-4-13
GS Lê Văn Khoa giải thích về âm nhạc.
Ngọc Lan
Hôm tối Thứ Bảy 20-4-2013 có một buổi nói chuyện về âm nhạc hơi khác thường, tại phòng hòa nhạc của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, số 9445 đường Edinger, thị xã Westminster, California. Trong một phòng rộng vừa phải, trình bày trang nhã, đầy khán giả chọn lọc, nhạc sĩ Lê Văn Khoa trình bày đề tài “Thử Vào Lòng Người Viết Nhạc Để Hiểu Nhạc.”
Thoạt tiên người ta nghĩ đề tài có vẻ kỳ quái. Muốn hiểu nhạc thì đã có giai điệu và lời ca giải bày hết rồi. Nhưng khi nghe nhạc sĩ Lê Văn Khoa nói người ta mới thấy chỗ cao diệu của âm nhạc mà sự hiểu biết của người nghe nhạc bị giới hạn rất nhiều. Âm nhạc có liên hệ đến nghệ thuật, khoa học và cả triết học, và chính hai phần sau ít khi được đề cập tới.
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa nêu ra một số bộ ba kỳ diệu trong âm nhạc. Ví dụ âm nhạc có ba phần: tiết nhịp (rythmn), giai điệu (melody) và hòa điệu (harmony), nếu thiếu một trong ba thì âm nhạc bất toàn, giống như khi nhỏ ta học cách trí, thân thể người ta chia làm ba phần: đầu, mình và tay chân, thiếu bất cứ phần nào cũng không ổn. Cái nguyên lý này nhiều khi chính người viết nhạc không hiểu hoặc không chú ý đến vì nhạc Việt phần lớn (ca khúc) chỉ có giai điệu và lời ca. Ông Khoa cho biết ông đã từng từ chối viết hòa âm cho một ca khúc nói lên lòng thương nhớ người tình bị đi tù cải tạo. Nét nhạc buồn, những mỗi khi nhắc “người ấy” bị hành hạ hay ở trong tù thì nét nhạc xứng hợp với hòa âm vui tươi, trong sáng. Đến đây người nghe thấy có gì bí ẩn trong nhạc, trong sự tương quan của nhạc với lời, phần thiếu vắng trong các nhạc bản nơi thị trường là hòa âm, và họ chú ý theo dõi hơn.
Nhạc không lời là bộ môn nghệ thuật trừu tượng, không dễ hiểu. Người ta phân loại nhạc làm hai: Nhạc thuần túy (absolute music) và nhạc diễn tả (program music)
Ta có thể viện dẫn lời của nhạc sĩ Aaron Copland cho loại nhạc thuần túy như sau: “Nhà soạn nhạc không cần kể một câu chuyện như tiểu thuyết gia, hắn cũng không cần 'sao chép' thiên nhiên như một điêu khắc gia, tác phẩm của hắn không cần có chức năng thực tiễn tức thời như họa đồ của một kiến trúc sư . . .”
Nhạc diễn tả tuy đã có từ trước nhưng thịnh hành hơn vào thời đại lãng mạn ở thế kỷ 19. Người ta dùng nhạc để vẽ nên bức tranh, kể lại câu chuyện bằng âm thanh. Để giúp người nghe biết nội dung của bài nhạc, người ta cho nó một cái tên, như Moonlight Sonata, Pastoral Symphony, Pictures At An Exhibition, 1812 Overture, Finlandia, v.v. . . hay những bài nhạc ngắn, như Moonlight, The Swan, Lullaby, Reverie v.v. . . Trong khía cạnh này nếu chúng ta hiểu ý nghĩa của nhạc hay ý nghĩ thầm kín của người viết nhạc khi viết nhạc khúc ấy, sự thưởng thức của ta sẽ lý thú hơn, trọn vẹn hơn, dễ cảm thông với tác giả và câu chuyện hơn.
Cuộc nói chuyện lý thú cho khán giả Việt ở chỗ người nghe không phải đi vòng khắp thế giới hay lui lại 400, 500 năm trước để nghe nhạc ở một phương trời khác. Họ được nghe nhạc Việt của những tên tuổi quen thuộc từ thế hệ rất gần với chúng ta. Người ta thường nghe nhạc Việt với lời ca và phần đệm của các nhịp điệu khiêu vũ. Nhưng khi cũng bài nhạc ấy được viết qua loại nhạc giao hưởng có diễn tả, nó trở nên phức tạp và khác hẵn. Một trong các bộ ba của âm nhạc mà Lê Văn Khoa nêu ra là: Sáng tác, Trình diễn và Thưởng thức, phải có sự đồng đều mới ra nhạc đúng nghĩa. Chính nơi đây người ta cần “vào lòng người viết nhạc để hiểu nhạc” như chủ đề của buổi nói chuyện. Lê Văn Khoa đã mở ra một chân trời mới cho tôi cũng như cho nhiều người khác, giúp chúng tôi nghe nhạc thận trọng hơn.

Trong buổi nói chuyện này có sự góp ý của nhạc trưởng Trần Chúc về phần hòa phối của nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho bài Việt Nam! Việt Nam của Phạm Duy. Trước khi phát biểu ý kiến, đoạn video ban hợp xướng Ngàn Khơi hát bài này dưới quyền chỉ huy của Trần Chúc được chiếu trên màn ảnh. Xong, Trần Chúc nhận xét riêng về phần cuối của bài nhạc. Ông nói theo sự nghiên cứu và khám phá từ bản tổng phổ của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, từ sau chữ “Việt Nam muôn đời”, phần nhạc của Lê Văn Khoa thêm vào để kết. Nhờ phần đó, giai điệu được nâng cao lên quãng tám, nét nhạc trở nên hào hùng, âm thanh tươi sáng thích hợp cho giọng ca soprano và các giọng khác để ca tụng Việt Nam. Ông nhấn mạnh về tiết nhịp và nhạc cụ chính mà Lê Văn Khoa dùng cho phần này. Chính chỗ đó là kích thích tố ngầm đã làm cho ngót bốn triệu người vào xem “you tube” bài này. Người ta thích phần trình diễn bài Việt Nam, Việt Nam của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi nhưng có thể không biết tại sao.
Lê Văn Khoa lên cám ơn Trần Chúc đã có nhận xét rất xác thực về phần kỹ thuật của bản hòa âm và phối khí, nhưng trên thực tế, chưa vào lòng Lê Văn Khoa. Ông nói một arranger là một composer mà ông là arranger (cải soạn) của bài ca đó. Rồi bằng giọng dí dỏm ông hỏi khán giả có muốn vào lòng ông không? Nhiều cánh tay giơ lên, nhiều lới phát biểu “muốn”.
Ông Khoa cho biết khi viết nhạc ông thường thấy hình ảnh và dùng nhạc cụ thích hợp để “vẽ lại và tô màu” hình ảnh ấy. Những hình ảnh này được người đồng điệu nhận ra. Alla Kulbaba, nhạc trưởng chính của Ukranian National Opera và Kiev Symphony Orchestra xác nhận: “Nhạc của Lê Văn Khoa có rất nhiều hình ảnh nên dễ diễn tả”.
Lê Văn Khoa cho biết khi làm hòa phối cho bài Việt Nam, Việt Nam của Phạm Duy, câu nhạc cuối cùng của Phạm Duy ba lần hô to Việt Nam, ông thấy như con rồng Việt Nam vương cao móng vuốt, ngạo nghễ trên trời xanh, rồi như bị thương, nó sụm xuống với tiếng Việt Nam thứ hai, qua tiếng Việt Nam muôn đời. . . ông thấy nó oằn oại và nằm im bất động. Ông nói thầm: “Ông Phạm Duy ơi, tôi để yên con rồng Việt Nam của ông ở đây, con rồng Việt Nam của tôi phải khác hơn.” Lê Văn Khoa nói tiếp: “Tôi cho con rồng Việt Nam của tôi trở mình, vùng dậy và ngẩng cao đầu nhìn thế giới.” Khán thính giả cảm được, nhưng có thể không hiểu tại sao có nét nhạc hào hùng ấy. Bây giờ quý vị đã vào được lòng người viết nhạc để thấy, biết và hiểu nhạc, tôi tin từ nay quý vị sẽ thưởng thức tác phẩm Việt Nam, Việt Nam của Phạm Duy với phần hòa phối của Lê Văn Khoa thú vị hơn trước.
Một đoạn nhạc kế, khá quen thuộc, được nhạc sĩ Lê Văn Khoa dẫn giải cho mọi người biết, đó là bài Hồn Tử Sĩ của Lưu Hữu Phước, thường được dùng cho phút mặc niệm trong các buổi lễ chào cờ chính thức. Ông nói nhiều tôn giáo có lễ cầu hồn, vì vậy ông mở đầu bằng tiếng đại thần chung, kế đó có tiếng gõ mỏ như trong Phật giáo, rồi tiếng chuông nhà thờ Công Giáo, tất cả đều bằng nhạc cụ chứ không phải chuông mõ thật. Thỉnh thoảng có tiếng nhịp trống như quân nhạc. Người nghe hiểu ý ông muốn nói mọi người đều hướng lòng đến người đã hy sinh, không phân biệt tôn giáo. Đoạn video dàn nhạc The Ukranian National Presidential Orchestra trình diễn bài Hồn Tử Sĩ, giai điệu của Lưu Hữu Phước với phần hòa phối của Lê Văn Khoa được chiếu cho mọi người xem. Người xem rất xúc động với hình ảnh một ban nhạc toàn người da trắng nghiêm chỉnh, kính cẩn, trang trọng, nâng niu từng nhạc cụ để nắn nót âm thanh theo sự chỉ huy của ông nhạc trưởng.
Rất tiếc thì giờ không cho phép nhạc sĩ Lê Văn Khoa chia sẽ thêm. Người ta nghĩ suốt một đời viết nhạc chắc chắn ông có rất nhiều điều cần nói ra để người nghe nhạc hiểu thấu đáo hơn, giúp khoảng cách giữa người viết nhạc và người thưởng thức, qua trung gian của người trình diễn, sẽ ngắn hơn.
Theo sự thăm dò của tôi, mọi người đều muốn nhạc sĩ Lê Văn Khoa tiếp nối những buổi nói chuyện về nhạc Việt có tính cách hội học như hôm nay. Thật đáng buồn khi chúng ta, người Việt Nam, có thể nói thao thao bất tuyệt về nhạc cổ điển Tây phương, nhưng không nói được gì về nhạc Việt của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.