Hôm nay,  

Triển Lãm Tranh Duy Thanh: Những Nét Thiền Thơ Mộng

16/01/201300:00:00(Xem: 5597)
Cuộc triển lãm tranh của Duy Thanh hôm Chủ Nhật 13-1-2013 tại Việt Báo Gallery đã thực hiện rất mực đơn giản, thân tình và trang trọng, cũng như những nét vẽ nghệch ngoạc rất mực là Thiền của một Duy Thanh sau tám thập niên trong đời.

Họa sĩ Duy Thanh bệnh, không về Quận Cam tham dự được, nhưng buổi triển lãm đã được mọi người tham dự trân trọng thưởng lãm, trong khi các nghệ sĩ thân tình tới dự tiệc trà, kể với nhau về những kỷ niệm với nhà hoạ sĩ 82 tuổi đang bị ung thư cột sống này.

Người giời thiệu chương trình là nhà báo Đinh Quang Anh Thái nói rằng, không ngờ khách tham dự đông hơn dự trù của ban tổ chức.

Nhà văn Nhã Ca trong lời chào mừng đã nói rằng đây chỉ là một tiệc trà, họp mặt thân mật và xem tranh của một họa sĩ, nhưng vị nào yêu mến thì mua tranh chứ tuyệt nhiên không phải chuyẹn gây quỹ. Bà nói rằng Nhóm Sáng Tạo khởi đi từ 8 nghệ sĩ, mở ra một hướng đi mới trong văn học và bây giờ chỉ còn có ba người – trong đó, nơi đây đang có mặt của nhà văn Doãn Quốc Sỹ trong buổi tiệc trà xem tranh này, và có hiện diện của họa sĩ Duy Thanh qua các tranh vẽ đang trưng bày.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã kế tiếp kể về Nhóm Sáng Tạo, thưở ban đầu có bảy người -- Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền. Nay còn lại ba người là Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp và Duy Thanh. Trong khi Duy Thanh 83 tuổi, thì họ Doãn đã 90 tuổi rồi. Ông nói, truyện của ông viết thường có những nhân vật họa sĩ, cũng là mô phỏng theo đời thực của hai họa sĩ Ngọc Dũng và Duy Thanh.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ kể rằng Nhóm Sáng Tạo thường gặp nhau ở nhà ông, trong một hẽm trên đường Thành Thái; Mai Thảo thường nhắc rằng hôm nay gặp phải có cái gì, thế là bà Doãn Quốc Sỹ đều có những món ăn đặc biệt khi Nhóm Sáng Tạo gặp nhau. Nhà văn họ Doãn noí, “Năm ngoái lên San Francisco gặp Duy Thanh, hiện đang bị ung thư tủy sống, 83 tuổi rồi. Còn tôi đã 90 tuổi rồi.” Ông nhắc lại hai câu thơ Nguyễn Đình Toàn về hoàn cảnh bạn cũ, đi xa gặp lại, rằng vui thì vui vậy nhưng rồi biết ngaỳ nàò xa...

Nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh kể rằng bà từng cùng nhà văn Mai Thảo tới thăm họa sĩ Duy Thanh. Bà nhắc rằng anh Mai Thảo có 2 tấm tranh Duy Thanh treo trên tường, nói là “để giữ 2 tranh này cho Kiều Chinh,” nhưng khi Mai Thảo từ trần, 2 tranh này không rõ lưu lạc về đây. Bây giờ bà biết rằng 2 tranh này đang được bà Hạnh Tuyền, phu nhân của nhà thơ Du Tử Lê, cất giữ. Bà Kiều Chinh noí, như thế cũng tốt, và bà nói rằng đã đọc bài của nhà thơ Du Tử Lê viết về chuyến đi cùng chị Hạnh Tuyền thăm họa sĩ Duy Thanh, qua đó bà hình dung ra nơi Duy Thanh cư ngụ “và cảm ơn anh Du Tử Lê, hôm nay chúng ta sẽ được nhiều kỷ niệm.”
trien_lam_ann_phong_duy_thanh
Họa sĩ Ann Phong trình bày về Duy Thanh: thế hệ họa sĩ đàn anh thiệt thòi vì chiến tranh.
Đinh Quang Anh Thái tiếp lời nói đùa, rằng sau chị hạnh Tuyền sẽ tới lượt anh sẽ giữ 2 tấm tranh đó của Duy Thanh...

Nhà thơ Du Tử Lê lên kể về Nhóm Sáng Tạo, trong đó “Duy Thanh là một trong những chìa khóa để tìm hiểu 20 năm văn học Việt Nam với tranh vẽ như ném vào những chân trời khác biệt... Nếu không có Duy Thanh, tôi không hình dung được văn học bây giờ ra sao. Duy Thanh khiêm tốn, những nét vẽ nghệch ngoạc cuối đời, với tôi đó là những kỹ thuật thượng thừa được buông bỏ để về với nét vẽ trẻ thơ. Tôi nghĩ, cũng như các cao thủ võ lâm khi từ bỏ công thức. Chúng ta may mắn, hạnh phúc được thưởng thức tranh thượng thừa của Duy Thanh.”

Nhà thơ Du Tử Lê cũng gửi lời cảm ơn các bạn trẻ ở VAALA như Y Sa, Ann Phong và Việt Báo với Hòa Bình đã giúp thực hiện phòng tranh này.

Họa sĩ Ann Phong trình bày rằng khi thoạt nghe tới họa sĩ Duy Thanh, bà tò mò vì không được đọc sách và xem tranh về Duy Thanh, và khi tìm hiểu mới thấy rằng thế hệ họa sĩ đàn anh đã bị thiệt thòi quá nhiều: trước 1975 họ đã bị chiến tranh che phủ, sau đó là đi tù và ly tán.
trien_lam_tranh_duy_thanh
Từ trái: Doãn Quốc Sỹ, và nhà báo Thanh Thương Hoàng từ Bắc Calif. tới.
Hoạ sĩ Ann Phong nói khi nhìn thấy nét vẽ Duy Thanh, bà rất mừng khi thấy trừu tượng VN đã có Duy Thanh với những nté vẽ độc đáo, vẽ như hơi thở phầp phồng, vẽ như bằng khuỷ tay với nét cọ chỉ đi trong tầm khủy tay họa sĩ, nét vẽ này là sức sống, là hơi thở, là nét vẽ rất thật và “khi vẽ không hề nghĩ là để bán... Khi đó Duy Thanh đã buông bỏ màu sắc, bố cục...” Bà nói, trong kỳ tái bản cuốn sách biên khảỏ hội họa của Huỳnh Hữu Ủy, bà sẽ đề nghị bổ túc phần của Duy Thanh vào.

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn nói rằng, người ta biết Duy Thanh như một họa sĩ, nhưng ông biết Duy Thanh còn như một nhà thơ và người viết truyện xuất sắc. Ông đọc vài câu thơ của Duy Thanh, và nói rằng duy nhất một truyện Duy Thanh ông được đọc đã cho ông nỗi tiếc rằng, phải chi Duy Thanh viết nhiều hơn nữa – đó là truyện kể theo dòng ý thức, của một cô gái nói chuyện với đứa con trong bụng... đọc dần dần mới hiểu rằng cô tàn tật, có 2 chân tê liệt, phải bò đi xin ăn hàng ngày, và truyện là tình mẹ với con. Ông nói, Duy Thanh không viết nhiều là uổng, vì dàn dựng bố cục truyện rất đẹp, người ta không hiểu vì sao cô nhân vật chính mang bầu, nhưng hiểu rằng có một điều rất cao cả: chờ đứa con ra đời.

Đỗ Quý Toàn kể, một lần gặp Duy Thanh ở Sài Gòn, hỏi học hội hoạ ở đâu, mới biết rằng Duy Thanh học vẽ ở trường Trí Tri (Hà Nội) với họa sĩ Hoàng Lập Ngôn; lúc đó, nhà thơ họ Đỗ học cùng trường, lớp nhỏ hơn.

Bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa kể rằng ông từng ở San Francisco với Duy Thanh, gần đó. Mỗi khi Mai Thảo bắt Phạm Đình Chương đưa lên S.F. thăm Duy Thanh đều ghé nhà ông Nghĩa, và đó là cơ duyên để bình luận gia này gặp Duy Thanh. Và họ Nguyễn bùi ngùì biết rằng Duy Thanh, người có công sáng lập tờ Sáng Tạo, lúc đó đang ở San Francisco làm thợ in cho một công ty đường, “tự dưng mình đau lòng nghĩ tới thời Cách Mạng Nga khi hàng loạt giới trí thức ly tán, lưu vong.” Ông nói, tuy thân với Mai Thảo, nhưng Duy Thanh không bao giờ uống rượu, và về hưu thì đã vẽ nhiều hơn, “May mắn, chúng ta có những tấm tranh này là khung trời không thể bị tiêu diệt.”
trien_lam_duy_thanh_combo
Hàng trên, từ trái: Nhã Ca, Doãn Quốc Sỹ, Du Tử Lê, Kiều Chinh; Hàng dưới, từ trái: Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Xuân Nghĩa, Y Sa, Đinh Quang Anh Thái.
Tranh của Duy Thanh rất gần với Thiền Tông... Đó là nhận xét riêng của nhà phê bình Đặng Phú Phong hôm Chủ Nhật khi được phóng viên Việt Báo phỏng vấn: “Màu, sắc, đen, trắng... là điều xoay trong tâm trí một họa sĩ. Duy Thanh đạt được là đã ra ngoài 4 điều đó, vì tâm Duy Thanh qua nét vẽ này rất gần Thiền Tông, đầy những bước đi phá lệ. Màu, sắc, đen, trắng... nơi nào là chốn về họa sĩ.”

Cũng trả lời riêng với Việt Báo, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nhận xét rằng ông đã xem tranh Duy Thanh từ xưa lắm rồi, nhưng loạt tranh mới đã hiện ra khác hẳn với một bút lực mạnh mẽ và khoáng đạt của một họa sĩ tài hoa của VN.

Muốn tìm hiểu thêm về cuộc triển lãm tranh Duy Thanh, độc giả có thể liên lạc với hội Vietnamese American Arts & Letters Association (VAALA) ở địa chỉ http://www.vaala.org.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.