Hôm nay,  

10 Năm Lễ Giỗ: Đức Cố Hồng-Y Francois-Xavier-Nguyễn-Văn-Thuận

01/09/201200:00:00(Xem: 13824)
“…Chúng ta hãy tỉnh-thức để thức-tỉnh kẻ khác. Nếu người Công-Giáo không ý thức trách nhiệm của mình, nếu đời sống đạo của họ chỉ thu hẹp trong nhà thờ với vài việc đạo đức thì lầm lạc lắm”.

Đó chính là lời của người để lại trong tập sách “Tin Vui Media 2000”, trang 98. Chủ đề: “Nhìn Việt-Nam, Á-Châu Thế-Giới Trong 33 Năm Làm Giám-Mục”. Chúng tôi muốn nói về Đức Cố Hồng-Y Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận.

Theo tự-điển Bách-Khoa Toàn-Thư: “Ông sinh tại Phủ Cam, Huế ngày 17 tháng 4 năm 1928, là anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em, cha là ông Nguyễn Văn Ấm, mẹ là bà Ngô Đình Thị Hiệp – bà là em ruột của giám mục Ngô-Đình-Thục và tổng thống Ngô-Đình-Diệm.

Ông theo học tại Tiểu chủng viện An Ninh, Quảng-Trị và Đại chủng viện Kim Long, Huế. Ngày 11 tháng 6 năm 1953, ông được thụ phong linh mục và ngay sau đó được bổ nhiệm làm cha phó xứ tại họ đạo Phanxicô.

Năm 1956, Giám mục của Giáo phận Huế cử ông đi du học giáo luật tại đại-học Urban, Rome. Năm 1959, ông đậu bằng tiến sĩ giáo luật với luận án tiến sĩ "Tổ chức Tuyên úy Quân đội trên thế giới" và trở về dạy tại Tiểu chủng-viện Hoan-Thiện, Huế. Một năm sau ông được cử làm Giám đốc (Bề trên) tiểu chủng viện. Từ năm 1963 đến năm 1967 ông còn đảm nhận chức vụ Tổng đại diện giáo phận Huế.

Ngày 24 tháng 6, năm 1967, ông được tấn phong giám-mục tại Huế, và nhậm chức Giám mục chính tòa giáo phận Nha-Trang thay thế Giám mục Raymond Paul Piquet, vào ngày 10 tháng 7 cùng năm. Ông đã chọn khẩu hiệu trong cuộc đời làm giám mục theo như tên một Hiến chế của Công đồng Vatican thứ II là "Vui mừng và Hy vọng" (Gaudium et Spes). Trong thời gian làm giám mục giáo-phận Nha-Trang ông còn được trao các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban Truyền thông xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam (1967-1975), Chủ tịch Ủy ban Phát triển của Hội đồng Giám mục Việt Nam (1967-1975), Cố-vấn Ủy ban Giáo hoàng về giáo dân (1971-1978).
hong_y_diamond_bich_ngoc
Đức Hồng-Y Thuận và Diamond Bích-Ngọc – Roma 2001.
Năm 1970, Giám mục Nguyễn Văn Thuận sáng lập chủng-viện truyền giáo Lâm-Bích. Danh xưng này vừa nhắc nhớ Giám mục Lambert De La Motte (phiên âm tên Việt là Lâm-Bích), mà giáo phận mừng 300 năm, ngày ông tới Nha-Trang, còn mang ý nghĩa màu xanh hy vọng của rừng núi bạt ngàn và sông biển bao la của vùng đất Nha Trang.

Ngày 23 tháng 4 năm 1975, ông được Tòa-Thánh bổ nhiệm làm Tổng giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng giám mục phó Tổng giáo-phận Saigon với quyền kế vị. Ông đến Sài Gòn ngày 7 tháng 5 năm 1975 để nhận nhiệm vụ mới, nhưng không được vì Cộng-Sản đã chiếm miền Nam.

Ngày 15 tháng 8 sau đó, ông bị bắt giam chuyển từ trại tù này sang trại khác; cho đến ngày 21 tháng 11 năm 1988 thì được thả tự do nhưng lại bị quản chế tại Hà-Nội.

Năm 1989, ông được phép xuất ngoại sang Úc thăm cha mẹ đang sống tại đây, sau đó qua Roma gặp Đức-Giáo-Hoàng. Quay trở về Việt Nam, tháng 11-1989 ông lâm trọng bệnh (viêm tiền liệt tuyến), rồi được đưa vào bệnh-viện Việt-Đức Hà Nội giải phẫu, nhưng bệnh tình nặng kéo dài, nên mới được phép đi Roma tiếp tục điều trị. Ông đến Roma tháng 4-1990. Trong khi đang được điều trị, chính-quyền Việt Nam tuyên bố ông không còn được trở lại Việt Nam nữa (persona non grata). Tại Roma, ông được mời làm thành viên Ủy ban Quốc tế về Di trú và Di dân.

Ngày 9 tháng 4 năm 1994, Tòa-Thánh bổ nhiệm ông làm Phó chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Ngày 11 tháng 5 năm 1996 ông được nhận bằng Tiến sĩ Danh dự tại Đại-Chủng-Viện Notre Dame ở New Orleans, Louisiana, Hoa-Kỳ.

Ngày 24 tháng 6 năm, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế cho Hồng y Y. R. Etchegaray nghỉ hưu.

Ngày 21 tháng 1 năm 2001, Đức Giáo-Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị (II) công bố tuyển chọn ông vào Hồng y đoàn, tước hiệu Hồng Y nhà thờ Santa Maria della Scala.
hong_y_huy_hieu
Huy hiệu Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, có khẩu hiệu La-Tinh nghĩa là: "Vui mừng và hy vọng".
Thời gian này, dư luận công-giáo trên thế giới đặc biệt chú ý đến ông. Trong số phàt hành ngày 21 tháng 2 năm 2001, nhật báo The Los Angeles Times có bài với nhan đề "The Men Who Would Be Pope?" (Người có thể lên ngôi Giáo hoàng?) đã dự đoán danh sách 14 vị hồng ý có nhiều khả năng kế vị giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong đó có Đức Hồng-Y Thuận.

Link: http://articles.latimes.com/2001/feb/21/news/mn-28257

(…Francois Xavier Nguyen Van Thuan, 73, president of the Pontifical Council for Justice and Peace. Arrested in his native Vietnam after the 1975 Communist takeover of the south, he spent 13 years in prison camps and later wrote spiritual books on his suffering. As pope, his message would be similar--the value of the gospel for a godless world….)

Ngày 16 tháng 9 năm 2002, ông qua đời tại Roma do bệnh ung thư ruột.

Ngày 17 tháng 9 năm 2007, Giáo hội Công giáo Rôma bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho việc tuyên phong chân phước và phong thánh cho ông và đây cũng là lần đầu tiên có một người Việt Nam được khởi sự án phong chân phước mà không phải là Thánh tử đạo.

Theo tiến trình phong thánh của Giáo hội Công giáo Rôma thì Đức Cố Hồng-Y Nguyễn-Văn- Thuận đang ở bậc Tôi tớ Chúa (một trong bốn bậc phong thánh: Đấng Đáng kính, Tôi tớ Chúa, Chân phước, Thánh). Ngày 16 tháng 1 năm 2009, Tòa giám quản Rôma ban Án lệnh chính thức để vận động thu thập những chứng cứ, tài liệu, tác phẩm về ngài Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong tiến-trình án phong chân phước cho ngài.

Ngày 22 tháng 10 năm 2010, án phong chân phước cho Đức Hồng-Y Phanxicô Xaviê Nguyễn- Văn-Thuận đã được chính thức khởi sự.” (ngưng trích)

Từ cuối năm 2000 đến đầu 2001, trong cuộc hành-trình làm phim tài-liệu ở Rome (nước Ý). Tôi được duyên may diện kiến và hôn nhẫn Đức Giáo-Hoàng Gioan Phao-Lô đệ Nhị (II) tại Tòa-Thánh Vatican. “Vatican” xuất phát từ chữ La-Tinh Mons Vaticanus, nghĩa là ngọn đồi Vatican. Đây là một quốc-gia độc-lập nhỏ nhất thế-giới được thành-lập năm 1929 theo hiệp-ước Lateran Treaty với tư-cách là hậu-thân của quốc-gia Giáo-Hoàng; theo nền quân-chủ lập hiến.

Toàn lãnh thổ gồm một vùng đất được bao bọc kín cổng cao tường, nằm trong lòng thành phố Rome, Ý-Đại-Lợi. Diện tích khoảng 0,44km vuông = 44 hectares = 108.7 mẫu Anh (acres), có hơn 800 dân số. Vatican thường có sương mù, khí-hậu giống như Rome của vùng Địa-Trung-Hải êm dịu, những cơn mưa tuyết bắt đầu từ tháng 9 đến giữa tháng 10 và mùa hạ khô nóng từ tháng 5 đến tháng 8.

Thành-phố (hay quốc-gia) Vatican là nơi có những công-trình xây cất cổ xưa vô cùng giá-trị, có Vương-Cung-Thánh-Đường Thánh Phêrô và nhà nguyện Sistine; tập hợp nhiều tác-phẩm nghệ-thuật nổi tiếng trên thế-giới như Botticelli, Bernini và Michelangelo. Thư viện Vatican cùng những bộ sưu-tập của viện bảo tàng vương-quốc này có tầm quan-trọng rất lớn về lịch-sử, khoa-học và văn-hóa. Năm 1984, Vatican đã được UNESCO công nhận là di-sản thế-giới.

Khách hành-hương hoặc du-lịch muốn vào tham-quan Vương-Cung-Thánh-Đường Thánh Phêrô phải theo những quy-luật; đó là KHÔNG: đội mũ, nón, KHÔNG mặc quần short hay váy ngắn trên đầu gối, áo không có tay, áo hở rốn, hở ngực, áo có in những chữ thô-tục và cũng KHÔNG được mang quá nhiều đồ trang-sức.Vì những công-trình của Vatican là nhà thờ trang-nghiêm nên cần phải được tôn kính, trân-trọng.

Trong Tự-Điển-Bách-Khoa-Toàn-Thư cũng ghi nhận rằng: với số lượng hàng triệu khách du lịch mỗi năm đến đây nên tội phạm ở Vatican nếu tính trên đầu người cao hơn gấp hai mươi lần so với nước Ý. Số khách du-lịch trở thành nạn-nhân của móc túi và giật giỏ, giật tiền rất nhiều đã đưa tỷ-lệ “Crime Rate” của vương-quốc Vatican trở thành cao nhất trên toàn thế-giới. Khiến lực- lượng cảnh-sát là Corpo Della Vigilanza phải điên đầu giải-quyết hằng ngày. Quý đọc giả có thể bấm vào những “Link” dưới đây để tìm hiểu thêm:

http://cantuar.blogspot.com/2012/06/vatican-city-has-highest-crime-rate-in.html
http://www.catholicsun.org/2012/05/30/unique-vatican-court-system-tackles-petty-to-serious-crimes/
http://news.bbc.co.uk/2/hi/europe/2639777.stm
http://www.slate.com/articles/news_and_politics/explainer/2012/05/paolo_gabriele_case_how_does_the_vatican_deal_with_criminals_.html

Chúng tôi vừa lược sơ qua về vùng đất Thánh mà Đức cố Hồng-Y Thuận đã sống lưu-vong suốt quãng đời còn lại của ngài sau bao năm tháng tù đày, lao khổ tại Việt-Nam. Được những người quen thu-xếp để thực-hiện một cuộc phỏng-vấn Đức-Hồng-Y Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận ngay tại tư-gia của ngài trong lần đến Rome năm ấy quả là một điều diễm-phúc cho chúng tôi. Đó cũng là lần đầu tiên tôi làm quen với chị Quyên, người phụ-nữ có dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, mái tóc ngắn thật dầy và đôi mắt to - đen nhánh hạt huyền. Nụ cười tươi lúc nào cũng thấp thoáng trên môi. Chị là người đã phải chạy xe gắn máy đi chợ mua thức ăn; chuẩn bị thêm cho bữa cơm tối đãi đoàn làm phim chúng tôi hôm ấy; mãi lúc sau được giới-thiệu, mới biết ra chị là Ngô-Đình-Lệ-Quyên; con út của ông-bà Ngô-Đình-Nhu, cùng họ bên mẹ với Đức-Hồng-Y Thuận (bà Ngô-Đình-Thị-Hiệp).

Hơn 10 năm sau, sáng thứ Hai: 16 tháng 4, 2012 tôi bàng-hoàng, ngậm ngùi nhận tin Ngô-Đình-Lệ-Quyên bị tử nạn trên đường đi làm việc tại cây số thứ 12 trên đường Pontina, gần Mostacciano cửa vào Thủ đô nước Ý. Cảnh-sát cho biết do mặt đường trơn trợt sau những cơn mưa hôm trước, xe gắn máy của chị bị tông vào một chiếc xe buýt đang chở 23 trẻ mồ côi và những nhân viên xã hội đến trường học. Chị ra đi thật bất ngờ trước sự tiếc thương của bao nhiêu người tại-thế (trong đó có tôi). Từ đó đến nay, tên chị hôm nào cũng có trong lời kinh hằng ngày cho các linh-hồn do chính tôi cầu-nguyện.

Bây giờ là thời-gian cuối mùa hè California: tháng 9, 2012 – chuẩn bị cho lễ giỗ năm thứ 10 của Đức cố Hồng-Y Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận (16 tháng 9, 2002 – 16 tháng 9, 2012). Tôi muốn viết lại đây những lời tâm-sự của chính ngài trong thời gian tù ngục; để cho những ai còn đang trong vòng lao-lý hãy noi gương ngài mà kiên-trì cầu-nguyện, vì niềm tin sẽ là ánh đuốc soi đường cho tự-do và công-lý đời đời. Trong buổi phỏng-vấn năm xưa, ngài đã nói rằng:

“…Đêm ấy, mùng 7 tháng 5, 1975 khi tôi ghi-âm những lời tạm-biệt giáo-phận Nha-Trang, tôi đã khóc nhiều. Đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn-thức trong 8 năm ở Nha-Trang vì thương nhớ giáo-phận. Nhưng tâm-hồn tôi rất bình-an vì tôi vâng lời Đức Thánh Cha. Tiếp đến là gian-khổ thử-thách tại Saigon; lại bị bắt đưa trở lại Nha-Trang; nơi mà tôi đã bị biệt giam khắc-nghiệt nhất, không xa Tòa Giám-Mục của tôi trước đây. Sáng tối, tôi nghe tiếng chuông nhà Thờ Chánh-Tòa như xé nát tim tôi. Đêm đến nghe sóng biển vỗ cạnh buồng biệt giam. Từ Nha-Trang tôi bị đưa trở lại Saigon ở trại Thủ-Đức, vùng Tam-Hà.Ngày đêm nghe không biết bao nhiêu tiếng chuông nhà Thờ.

Đêm mùng 1 tháng 12, năm 1975 cùng với 1500 bạn tù; đói, mệt, chán nản; còng tay hai người chung một khóa số 8, bước xuống gầm tàu Hải-Phòng đậu tại bến Tân-Cảng gần cầu xa-lộ để chở ra trại cải-tạo Vĩnh-Quang, tỉnh Vĩnh-Phú trong thung-lũng núi Tam-Đảo. Mùa đông 1976-77 rét 2 độ C. Đặc biệt nhất là nỗi gian-khổ của 9 năm biệt giam một mình với hai người gác. Không bạn bè, không có việc làm. Tôi ở trong một sự trống rỗng tuyệt-đối đến mức có thể điên lên được. Tôi đi lại suốt ngày trong buồng giam để vận-động cơ-thể kẻo nằm luôn thì tôi sẽ chết vì thấp-khớp, viêm phổi. Nhiều lúc một mình tôi bị đau-khổ dày vò. Tại-sao đang lúc mình 48 tuổi trưởng-thành và khỏe mạnh, sau 8 năm Giám-Mục, tôi đã có nhiều kinh-nghiệm mục-vụ; lại phải vào phòng biệt giam xa giáo-phận những 1700 cây số? Một đêm thanh vắng, một tiếng từ đáy lòng nhắc nhở tôi: Tại-sao con quẩn trí hoang-mang như thế để làm gì?...”

Máy quay hình phải tạm ngừng vì chính cá-nhân tôi, một người đang phỏng-vấn Đức Hồng-Y Thuận lúc ấy đã không cầm được nước mắt và những tiếng khóc bật ra nức nở, nghẹn ngào. Dường như tôi đã cảm được tất-cả nỗi đau đớn về linh-hồn lẫn thể xác của ngài. Phải chăng nhờ niềm tin tuyệt-đối vào bàn tay quan-phòng của Chúa và nhờ vào sự cầu bầu của Đức Mẹ Maria mà ngày 21 tháng 11, năm 1988 nhằm ngày lễ “Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đến Thánh”, Cha Thuận đã được trả tự-do rồi 3 năm sau đó ngài được xuất-cảnh ra nước ngoài và bắt đầu cuộc đời lưu-vong cho đến ngày viên mãn về nước Trời: 19 tháng 6, năm 2002.

Đức Hồng-Y Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận đã luôn luôn hiện-diện với giáo-hội và quê-hương Việt-Nam như lời ngài đã viết trong cuốn sách mang tựa đề: “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá”:

"Con có một Tổ Quốc: Việt Nam. Quê hương yêu quý ngàn đời. Con hãnh diện. Con vui sướng. Con yêu non sông gấm vóc. Con yêu lịch sử vẻ vang.”

Đức Hồng-Y Thuận đã luôn lo-lắng và giúp đỡ những công-tác xã-hội từ-thiện cho các trại phong cùi. Các công-trình nghiên-cứu và phổ biến văn-hóa Việt-Nam, việc trùng-tu cùng xây cất các Thánh-Đường, việc huấn-luyện những chủng-sinh và giáo-dân theo khả năng ngài có thể trong lúc sinh thời.

Trước mọi đau khổ và bị bách hại bản-thân, ngài luôn sống trong sứ-điệp tình-thương và tha-thứ:

"Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Ki Tô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu." (Trích trong sách “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá”.)

Đức Hồng-Y Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận đã từ-giã cõi nhân-gian vào lúc 18giờ ngày 16 tháng 9, năm 2002 tại Rome. Ngài đã nằm xuống và làm hạt giống tốt vươn lên cho đời những mầm trái xanh tươi trong hy-vọng. Từ những chuỗi ngày gian-khổ, tù đày đau thương cùng-cực. Nhất là khi cơn bệnh hành trong xác khiến linh-hồn buồn-bã, thất-vọng; ngài vẫn không để mất đi niềm cậy trông vào Đấng tối cao. Ngài cũng không quên trao lại lời nhắn-nhủ cho chúng tôi đến các bạn trẻ Việt-Nam là:

“Hỡi các bạn trẻ hôm nay! Các bạn được mời gọi để đón nhận một sứ-điệp và lớn tiếng loan báo sứ-điệp ấy cho bạn-bè cùng lứa tuổi rằng: loài người được Thiên-Chúa yêu-thương. Thiên-Chúa yêu thương con người vô-hạn! Đó là sứ-điệp đơn-giản nhất mà Hội Thánh có nhiệm-vụ chuyển đến cho nhân-loại.”

Và một câu mà chúng tôi vô cùng tâm đắc; cũng có trong cuốn sách “Đường Hy-Vọng” của ngài nhằm thức-tỉnh mọi người trong xã-hội bôn-ba vật-chất hôm nay là:

"Đồng tiền nếu bạn đặt dưới chân sẽ là bệ đỡ còn nếu bạn đặt trên đầu nó sẽ là gánh nặng vô biên”./.

Tác-giả: Diamond Bích-Ngọc (viết trong niềm tôn kính Đức cố Hồng-Y Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận nhân kỷ-niệm lễ giỗ lần thứ 10. Tháng 9, 2012. California-Hoa-Kỳ).

*Ghi-Chú: quý vị có thể nghe lại chính giọng nói tâm-sự của Đức Hồng-Y Thuận trong chương-trình Nhạc-Chủ-Đề Tháng 9 trên trang báo điện-tử toàn-cầu: www.diamondbichngoc.com

Trang web trên cũng đăng nhiều hình-ảnh & tài-liệu bản chính (Original) mà Đức Hồng-Y Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận đã trao tặng cho Diamond Bích-Ngọc sau lần phỏng-vấn ngài năm 2001 tại Rome, nước Ý.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.