Hôm nay,  

TỪ GÓC NHÌN CỦA NHÀ BIÊN ĐẠO MÚA…HÀNH TRÌNH CỦA VẾT LĂN TRẦM

24/09/201100:00:00(Xem: 4623)

TỪ GÓC NHÌN CỦA NHÀ BIÊN ĐẠO MÚA…

HÀNH TRÌNH CỦA VẾT LĂN TRẦM

thang_dao_headshot-large-contentHình ảnh Thắng Đào.

thang_dao_c10189-8-7-large-contentthang_dao_movedarci-large-contentHình ảnh nghệ sĩ trình diễn.

Thắng Đào (chuyển ngữ: Bình Mathew)

"Sứ mạng lớn nhất của người vũ công là cống hiến những gì tốt đẹp hơn cho nhân loại…để trở thành…một công dân của thế giới nghệ thuật và phục vụ sứ mệnh của họ -- đưa đường dẫn lối thay vì theo gót chân người, sáng tạo mở mang thay vì lập đi lập lại, và làm thế nào biến sự cảm nhận đến mức diễn đạt cao nhất. Nhưng để truyền đạt cảm xúc và nhận thức một cách trọn vẹn qua các vũ điệu,…nghệ thuật… tuyệt đối không thể là sự tôn sùng, tín ngưỡng mà chính là biểu tượng và ngôn ngữ để truyền đạt tâm linh thực thụ."

--Ruth St. Denis

Hai năm vừa qua, tôi đã bỏ công sức vào một dự án đem lại những cảm xúc gần gũi, những lối dẫn đưa tôi "về nhà": (1) về những nơi chốn cho tôi nền tảng để trưởng thành và vun đắp gốc gác của một người Việt sống tại nước Mỹ; (2) về với gia đình, bạn bè và tinh thần đồng cảm;(3) về tìm lại di sản nguồn cội của tôi qua ngôn ngữ, lịch sử và âm nhạc; (4) vềø gần với tâm linh thực thụ. Trên hành trình đầy suy tư này, tôi đã có cái nhìn đại cương về tâm linh qua góc nhìn của người nghệ sĩ - những góc độ không ngừng gây cảm hứng và khiến người ta soi thấu bản thân.

Dự án này có tên Vết Lăn Trầm, một vở ba-lê được sự tài sợ đặc biệt của hiệp hội Princess Grace Foundation với sự hợp tác của vũ đoàn Ballet Austin II. Chương trình miêu tả những ngày khói lửa của cuộc chiến tranh Việt Nam qua mười bài hát của Trịnh Công Sơn, được thể hiện với giọng hát truyền cảm của Khánh Ly. Vết Lăn Trầm được biên soạn qua cái nhìn và nhận thức của một người mang trái tim Việt - những gì còn tồn động và hình thành cái tôi và gia đình tôi của ngày hôm nay sau cuộc chiến. Vở ba-lê gợi lại cảnh người Việt Nam trong giai đoạn u ám và khốc liệt. Mỗi bài hát đan quyện vào nhau để chuyên chở một hành trình khó khăn mà bao nhiêu người phải chịu đựng. Đối với nhiều người, chiến tranh để lại một dấu ấn lặng lẽ in hằn trong đời sống của họ, Emiko Tokunaga, một giáo sư yêu thích của tôi, đã tóm tắt ảnh hưởng của chiến tranh, rằng "Nếu chiến tranh không cướp đi mạng sống của người ta, thì cũng biến họ thành những kẻ vô gia cư." Thật vậy, những mất mát từ cuộc tản loạn đã in hằn trong tâm khảm của vô số người Việt một dấu ấn tang thương-cho dù là từ thương tật, tình cảm, địa hình hay tác động tâm lý.

Tôi sinh ra sau cuộc chiến, nhưng tác động của nó vẫn còn bám trên da thịt tôi, ảnh hưởng đến những quyết định, hành động và triết lý sống của tôi. Cũng biết rằng những người như cha mẹ của tôi - những người chứng kiến tận mắt bom đạn của chiến tranh đã muốn xoá bỏ những đau buồn của quá khứ để tiếp tục sống. Nhưng làm thế họ cũng đã xóa bỏ đi lịch sử, ký ức và một phần gốc gác của chính họ và vô tình họ đã tạo nên một khoảng trống với những nỗi ám ảnh không lối thoát. Vết Lăn Trầm dọi ánh sáng vào cái khoảng trống vô hình mà tôi từng cảm nghiệm trong những năm cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, đặc biệt là những khoảng trống tê liệt giữa các bậc cha mẹ và con cái của họ mà tôi đã chứng kiến. Giai đoạn này đánh dấu thời điểm nơi quan hệ gia đình của những người mới định cư bị mâu thuẫn bởi truyền thống và xã hội. Cho dù trên một miền đất mới, chiến tranh vẫn có tác động dây chuyền. Cha mẹ bị dấu ấn của thời chiến muốn bảo bọc, che chở con cái trong khi đó con trẻ lại cho rằng cha mẹ của họ không cởi mở, khắt khe và bất công, dẫn đến những xung đột văn hóa, tạo khoảng trống trong nhiều gia đình, ngay cả trong gia đình tôi. Có lẽ khoảng trống này đã theo tôi suốt một quảng thời gian và nẩy sinh, châm mồi cho Vết Lăn Trầm.

Nếu khoảng trống này là mồi lửa, thì tiếng hát của danh ca Khánh Ly chính là ngọn lửa thắp sáng sân khấu. Giọng ca có chất nhựa, khàn đục, đầy sắc thái quyến rũ của cô khơi dậy những cảm xúc sâu lắng. Vì Vết Lăn Trầm được dàn dựng để kể lại câu chuyện, diễn tả những nỗi niềm qua các vũ điệu, giọng hát thật truyền cảm của Khánh Ly quả thật là phù hợp. Tôi cũng muốn tạo cơ hội để nối nhịp cầu cho nghệ thuật ba-lê với âm nhạc Việt như một cách để phổ biến và gìn giữ lịch sử và văn hoá Việt Nam đồng thời tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mà gia đình của tôi cũng có thể cảm nhận.

Bản thảo cho Vết Lăn Trầm được biên soạn sau khi tôi tình cờ khám phá ra một thước phim trắng đen với Khánh Ly hát mộc bài Ru Ta Ngậm Ngùi trước thành phần khán giả của Quán Văn. Bài hát ngấm vào khoảng trống mà tôi hằng khát khao, hằng mong muốn được có một cái gì của Việt Nam thuộc về mình. Tiếng hát đầy cảm xúc của Khánh Ly đưa tôi về miền quê trong tâm tưởng. Bài hát theo đuổi tôi và cho tôi hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ được hồi hương và nhìn thấy quê cha đất tổ.

Tôi nhớ rõ một ngày tôi trở về nhà tại New York sau hai chuyến lưu diễn dài tại Úc và Đại Hàn. Trong suốt chuyến lưu diễn, lòng tôi không hiểu sao nặng chĩu với những nỗi trống vắng, trăn trở. Về đến New York, ghé vào một quán cà phê Việt trong khu phố Tàu, vừa nhấm nháp ly cà phê và ổ bánh mì, tôi bỗng nghiệm ra rằng, tôi đi trình diễn ở hai nước kế cạnh quê hương mình nhưng lại không được đặt chân lên quê mẹ. Ýù nghĩ đó hối thúc trái tim, khiến tôi tìm tòi, lục lọi các dĩa nhạc Việt Nam trong quán và tìm thấy bốn dĩa nhạc Ca Khúc Da Vàng của Khánh Ly. Chiều hôm đó tôi để nỗi buồn xâm chiếm mình với giọng hát mê hoặc của Khánh Ly. Cho đến bài hát Hãy Sống Giùm Tôi, tôi phải ngừng lại. Âm nhạc - giai điệu, ca từ, giọng hát và tất cả mọi thứ - thấm vào từng tế bào, nhịp tim. Yêu nhạc. Nghe nhạc nhiều. Nhưng tôi chưa từng bị bài hát thống trị và làm mất ngủ bao giờ. Tôi nằm thao đêm hình dung ra các bước nhảy, điệu vũ cho bài hát Hãy Sống Giùm Tôi. Bài hát có lời ca trung thực và đơn giản, nhưng lại chất chứa tình cảm mênh mang và đầy tính nhân đạo. Đối với tôi, bài này là chìa khoá để khám phá ra một thế giới đầy những cảm giác thênh thang của nhạc Trịnh Công Sơn.

Tôi đã lựa chọn, cân nhắc, rồi lại lựa chọn rất nhiều bài cho vở Vết Lăn Trầm. Nhiều bài được chọn sơ khởi. Cứ vài bài bị bỏ thì vài bài được thay thế. Và có một hai bài được lồng vào những giây phút cuối của quá trình sáng tạo: Và danh sách cuối cùng cho chương trình theo thứ tự như sau: 1. Hãy Sống Giùm Tôi, 2. Phôi Pha, 3. Người Con Gái Việt Nam, 4. Ru Ta Ngậm Ngùi, 5. Đại Bác Ru Đêm, 6. Ngủ Đi Con, 7. Ngày Dài Trên Quê Hương, 8. Hát Cho Người Nằm Xuống, 9. Người Về Bỗng Nhớ 10. Biển Nhớ.

Có rất nhiều bài hát gây xúc động trong tập nhạc của Trịnh Công Sơn, nhiều đến mức tôi nghĩ là mình có thể làm đến… 30 vở ba-lê. Tuy nhiên Vết LănTrằm chỉ được kéo dài 40 phút theo yêu cầu của hiệp hội Princess Grace Foundation. Do vậy những bài hát chọn lọc phải phản ánh một cách thích hợp đến tâm trạng và nội dung, chủ đề được kể qua các vũ điệu. Tôi có hỏi ý kiến của cô Khánh Ly về nhiều bài hát bao gồm các bài hát được thay thế. Mười bài được chọn cuối cùng có chủ đề rõ rệt và kết nối với nhau nhịp nhàng tạo nên vở ba-lê Vết Lăn Trầm.

Quá trình biên tập cho vở ba-lê rấtù thú vị vì những bài hát được chọn có sức hút mãnh liệt và tạo cảm hứng cho các vũ điệu. Bài Phôi Pha được chọn cho màn nhảy solo của một nam vũ công - thể hiện hình ảnh chàng trai trẻ với những tâm tư. Anh thấy tương lai mù mịt, mỏng manh, thấy "đời người như gió qua." Bài Người Con Gái Việt Nam diễn đạt sự ảnh hưởng của chiến tranh đến nét đẹp ngây thơ, trong trắng của người con gái Việt Nam Da Vàng. Trong khi nhiều bài nhạc Trịnh mang nét buồn mông lung và mang nhiều tâm sự, Người Con Gái Việt Nam tuy phản ảnh tính hủy diệt nhưng lại mang một giai điệu tươi vui lạc quan, yêu người, yêu đời.

Hát Cho Người Nằm Xuống được dàn dựng hoạt cảnh để tưởng niệm cho những người trai trẻ ra đi quá sớm. Lần đầu tiên tôi nghe bài hát này, tôi hình dung ra hai thế giới trên sân khấu: một thực tại với Khánh Ly hát và bước theo một con đường rọi đèn trắng trong khi tôi nhảy bồng bềnh như một linh hồn từ thế giới bên ngoài đang muốn liên lạc với người thân của mình. Và theo hoạt cảnh, âm nhạc khám phá quan hệ thiêng liêng giữa những người đã ra đi và những người còn sống, và sức mạnh của ký ức nối kết chúng ta lại với nhau.

Đại Bác Ru Đêm phác hoạ ra một bức tranh sống động của một ngày bom đạn. Sự hối thúc trong bài nhạc là giai điệu nhanh và hào hứng nếu so với giai điệu của Hãy Sống Giùm Tôi, Phôi Pha và Ru Ta Ngậm Ngùi. Các hình ảnh có tính chất tư liệu phụ trợ cho hoạt cảnh Đại Bác Ru Đêm. Đạn bay. Xe tăng tiến vào thành phố. Người phu quét đường lặng thinh ở dưới. Máy bay ầm ầm ở trên. Người mẹ trẻ. Đứa con côi… Tôi đặt bài Đại Bác Ru Đêm vào giữa chương trình vì đỉnh cao của sự hủy diệt cũng là biểu tượng cho sự kết thúc của tàn phá của chiến tranh và những hậu quả âm ĩ.

Ngủ Đi Con là bài cuối cùng tìm đường đến Vết Lăn Trầm trong lúc tôi đang đóng đô tại vũ đoàn Ballet Austin. Tôi tình cờ nghe bản nhạc này qua mạng youtube, thoạt nghe Khánh Ly "hò o o ớ o o hò," thì đã ngấm ngay. Cái gì thiêng liêng thuộc tình mẫu tử bao giờ cũng dễ làm rung động. Và khi lời ca đến khúc "sao ngủ tuổi hai mươi" thì tôi cảm thấy buốt nhói, thấy đau lòng và thấy nước mắt rơi… đồng cảm cho những người cùng một vết lăn trầm. 

Là người nghệ sĩ, tôi muốn biểu lộ những ý nghĩ mà lời nói không thể hiện được. Tôi muốn kiến tạo cái đẹp từ những gì rất bình thường. Và hy vọng tạo ra tiếng nói cho những người không có cơ hội để bày tỏ, diễn đạt ý tưởng của mình. Có lẽ dự án Vết Lăn Trầm là câu trả lời cho mục đích nghệ thuật của tôi, cũng như điền vào khoảng trống mà bấy lâu này đã làm tôi xa cách những gì thân thiết và gần gũi nhất. Những giai điệu gợi cảm hứng như Ngủ Đi Con và Ru Ta Ngậm Ngùi là những yếu tố thiết yếu thách thức người nghệ sĩ phát triển, dùng cảm hứng trong những hoạt động hàng ngày để đốt lên ngọn lửa sáng tạo. Chính là cảm hứng từ giọng hát của Khánh Ly, nhạc Trịnh Công Sơn, chiếc nón lá, hoặc một giai điệu, một giây phút tim về cội nguồn làm bùng cháy ngọn lửa sáng tạo và niềm đam mê. Ý định đơn giản của người nghệ sĩ chính là sử dụng nghệ thuật để chuyên chở những điều mà ngôn từ không thể diễn đạt, từ đó nhận ra và trực diện với sự mâu thuẫn nội tâm, những trăn trở của chính mình, dân tộc mình, để hiểu ra và đồng cảm sự khác biệt, và trên hết, là ý muốn đem lại giai điệu, màu sắc đến với một thế giới đôi khi quá đỗi lặng thinh .

Thắng Đào

Vết Lăn Trầm

Tại Rose Theater, Westminster:

ngày 8 và 9 tháng Mười

* Thứ Bảy, 8 tháng Mười: 7:30PM

tiếp nối với Dạ Tiệc VIP

* Chủ Nhật, 9 tháng Mười: 4PM và 8PM

Giá vé: $25, $50, $100

Vé bán tại: Tú Quỳnh, Tự Lực, Zippost, Bolsa Ticket (bolsaticket.com) & Việt Báo: 714-894-2500

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.