Hôm nay,  

Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Sân Khấu Hải Ngoại Tổ Chức Lễ Giỗ Tổ

15/09/201100:00:00(Xem: 4963)
Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Sân Khấu Hải Ngoại Tổ Chức Lễ Giỗ Tổ

gio_to_san_khau_dsc_0300-large-contentTrong Lễ Giỗ Tổ ngành sân khấu.

Fountain Valley (Bình Sa)- - Lúc 6 giờ tối Thứ Bảy ngày 10 tháng 9 năm 2011 tại hội trường Đài Truyền Hiình VHN, Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Sân Khấu Hải Ngoại phối hợp với đài Truyền Hình VHN Tổ Chức Lễ Giỗ Tổ. Lễ giỗ tổ được trực tiếp truyền hình qua hệ thống Direct TV trên khắp các Tiểu Bang Hoa Kỳ. Khoảng 300 nghệ sĩ, thân hữu, các cơ quan truyền thông, báo chí và đồng hương tham dự, trong giới Nghệ Sĩ có các Nghệ Sĩ tên tuổi như: Văn Chung, Hương Huyền, Phượng Liên, Ngọc Đáng, Túy Hồng, Soạn giả Yên Lang, Mai Thế Hiệp, Thanh Vũ, Tuấn Hải, Vĩnh Khang, Cảnh Trân, Hồng Loan, Bình Trang, Kim Tuyến, Ngân Lành. . .
Điều hợp chương trình MC Mai Thế Hiệp.
Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, phút mặc niệm, tiếp theo là Lẽ giổ tổ, trên bàn thờ tổ khóai nhang nghi ngút với đầy đủ phẩm vật theo phong tục cổ truyền ngày giỗ tổ. Sau ba hồi chiêng trống chấm dứt, lễ nhạc cúng tổ do đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng dưới sự điều khiển của Giáo Sư Nguyễn Châu. Sau đó toàn thể ban Chấp Hành Hội Nghệ Sĩ Hải Ngoại cùng Ông Bà Bruce Trần Tổng Giám Đốc Đài truyền Hình VHN lên đốt nhang cúng tổ, tiếp theo các nghệ sĩ lần lượt lên đốt nhang để cầu mong Tổ phù hộ cho anh chị em nghệ sĩ "chân cứng đá mềm" để tiếp tục con đường phục vuụ tha nhân, bảo tồn truyền thống dân tộc tại quê người. Tiếp theo các Nghệ Sĩ lên trình diễn bài ca "Giăng Tơ" để dâng lên Tổ. Sau đó giới thiệu một số thành viên trong Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Hải Ngoại gồm có Ông Nguyễn Minh Chiêu Hội Trưởng, Giáo Sư Nhà Văn Trần Văn Chi và Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu Hội Phó, Soạn Giả Yên Lang Ủy Viên Nghệ Thuật, Nhà Báo Tô Kiều Phương Ủy Viên Báo Chí và nhiều ủy viên chuyên môn khác.
Tiếp theo chương trình Ông Hội Trưởng Nguyễn Minh Chiêu và Ông Bruce Trần Tổng Giám Đốc Đài Truyền Hình VHN lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự tham dự ngày Giỗ Tổ của tất cả qúy vị. Trong phần phát biểu Ông Nguyễn Minh Chiêu tiếp: "...Trước năm 1975 ngày 12 tháng 8 âm lịch là ngày long trọng nhất của ngành sân khấu cải lương, từ nhà của các diễn viên đấn các gánh hát, các đoàn đại ban đều lấy ngày đó để cúng tổ, họ hát dâng lên tổ không bán vé, không lấy tiền khán giả để đồng bào được xem tự do. . . Sau năm 1975 chúng ta ra hải ngoại ai cũng bận lo đời sống, mãi đến năm 1980 mới có vài đoàn hát tổ chức trình diễn tại Nam California. . . Lễ giổ tổ trở lại cũng bắt đầu từ đó. Ông cho biết đây là lần thứ ba hội Nghệ Sĩ Hải Ngoại tại Hoa Kỳ cùng anh chị em nghệ sĩ chung sức đứng ra tổ chức. . . Năm nay với tư cách Ban Chấp Hành Lâm Thời được sự đồng thuận của Đài Truyền Hình VHN băng tần 2073 đứng ra tổ chức nhằm kết hợp các anh chị em nghệ sĩ hầu duy trì nền văn hóa cổ truyền của dân tộc. . ."
Tiếp theo Giáo Sư Trần Văn Chi lên nói về ý nghĩa lễ giỗ tổ, trong suốt thời gian dài ông đã tìm hiểu về Tổ của Ngành Sân Khấu ông cho biết:
Phải nói là đến nay chẳng ai biết ông tổ sân khấu là ai và lễ giỗ tổ xuất phát từ đâu. Theo lời kể thì những nghệ sĩ lão thành như Thành Tôn, Năm Châu, Phùng Há… còn nhỏ xíu chưa đi hát thì đã thấy có lễ giỗ tổ hát bội rồi. Còn các học giả Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Đinh Bằng Phi,… đã đưa ra nhiều giai thoại, truyền thuyết nhưng không chuyện nào giống chuyện nào.
Chúng ta chỉ biết chắc rằng ở trụ sở Hội Tương tế Nghệ sĩ số 133 đường Cô Bắc, Quận 1, Sài Gòn có khánh thờ Ông Tổ làm bằng một loại danh mộc, chạm trổ rất công phu, bên trong có Tam Vị Thánh Tổ và 12 cốt ông, tính đến nay có gần một trăm năm rồi. Khánh thờ do bà Tám Đi tặng cho giới nghệ sĩ. Bà Tám Đi là một nhà phú hào, có đồn điền cao su ở Củ Chi và là chủ gánh hát bội và rạp hát tên là Rạp Bà Tám Đi ở đường Les Marins , nay là đường Trần Hưng Đạo Chợ Lớn, người bỏ tiền ra xây cất đình Phú Nhuận.
Tổ Cải lương là ai
Theo quan niêm chung thì Tổ Nghiệp của nghề hát là danh xưng để gọi chung các bậc tiền bối đã dày công sáng lập nên sự nghiệp có liên quan tới sân khấu như các vị : Tổ Sư, Thánh Sư, Tiên Sư, Tam Giáo đạo Sư, Lão lang Thần (tức Ông Làng theo cách gọi miền Nam) và đặc biệt là mười hai ông Tổ các ngành nghề như nghề thợ mộc, nghề dệt vải, ngành âm nhạc, nghề múa, nghề kim khí, nghề vẽ, vân. .. vân. . . có liên hệ đến n ghề hát.
Phải chăng 12 ông Tổ của các ngành nghề được thờ ở Cô Bắc như biểu tượng cho Tổ Cải lương"
Có truyền thuyết cho rằng Tổ sân khấu là hình ảnh của ba nhân vật tiêu biểu thường xuất hiện trong sân khấu xưa là ông vua, ông ăn cướp và ông ăn mày. Truyền thuyết này ảnh hưởng mạnh đến mức cho tới tận nay, giới nghệ sĩ rất kiêng cho tiền người ăn xin.
Trước 1975 theo lời kể Nghệ sĩ Thành Được lúc nào cũng bảnh bao, tay đeo nhẫn hột xoàn nhưng ông không bao giờ cho tiền người ăn xin, chỉ bảo họ muốn ăn uống gì thì kêu đi rồi ông trả tiền.

Nghệ sĩ Kim Cương nhớ cha bà (chủ gánh hát bội Phước Cương) còn trai trẻ, đi hát bằng ghe, ở những vùng xa, ăn cướp đi thành bang bằng ghe lớn như hải tặc nhưng không bao giờ đánh cướp ghe hát. Ghe của cha bà mỗi khi gặp cướp chỉ cần đánh trống thùng thùng thật lớn, họ biết là ghe hát là yên chuyện.
Truyền thuyết khác nói về hai vị hoàng tử mê hát, bị vua cha đang truy tìm, trốn trong hậu trường gánh hát rồi chết cháy mà hiển linh thành tổ sân khấu. Cho nên bàn thờ tổ luôn được đặt trong hậu trường.
Tổ Cải lương xuất phát từ Tổ Hát Bội
Nghệ sĩ Kim Cương kể lại lễ giỗ tổ trong gia đình bốn đời theo nghề hát của mình gần với lời thuật của cụ Vương Hồng Sển :
"Bà nội tôi - bà Ba Ngoạn - là bầu đến mấy gánh hát bội là người đứng ra cúng tổ. Bà mặc áo dài đỏ uy nghiêm, các cô chú đào kép trong đoàn cũng mặc áo dài, nam một hàng, nữ một hàng. Bà tôi thắp nhang xong khai trống, liền đó các hàng trống khác đổ rần rần theo từng bước đi của bà. Theo thứ bậc, từng đoàn đào kép vào lạy tổ… Với tôi, ngày cúng tổ là một ngày tết đầy vui sướng, được ăn uống thỏa thuê…". Nghệ sĩ, như Kim Cương, coi giỗ tổ là tết - với mọi hoạt động thăm viếng, xã giao, kể cả làm ăn - vì ngày tết truyền thống nghệ sĩ phải diễn mỗi ngày có khi đến bốn suất phục vụ khán giả.
Theo lịch sử, khi chúa Nguyễn vào mở đất Phương Nam thì ngành hát bội xuất hiện rồi cải lương sau này khi người Pháp chiếm Nam Kỳ.
Lúc bấy giờ , cải lương là phương tiện giải trí độc tôn của cả vùng đất phía Nam nên ngày lễ giỗ tổ Hát Bội gọi là giỗ tổ Cải lương và không chỉ phổ biến trong giới nghệ sĩ cải lương mà được đông đảo người dân quan tâm . Nên những từ ngữ như tổ trác, tổ đãi… của giới sân khấu đã trở thành từ cửa miệng phổ thông ở miền Nam tới nay để chỉ sự may mắn hay xui rủi trong nghề nghiệp.
Nên chúng ta có thể xem tổ Cải lương xuất phát từ hát bội.
Giỗ tổ ngày nào
Trước 1975, lễ giỗ tổ cải lương thường cúng ba hoặc hai ngày, khởi từ ngày 10 đến 13-8 âm lịch.Ngày chánh giỗ là ngày 12 tháng 8. Ngày đầu cúng chay, ngày sau cúng mặn với lễ chính là heo quay, tiệc mặn, ngày thứ ba cúng gà để xem chân gà đoán tốt xấu.
Quan khách và nghệ sĩ tề tựu đông đủ trước bàn thờ Tổ, mở đầu, ông chấp sự, là người đạo cao đức trọng, được người trong giới nghệ sĩ đề cử thay mặt làm lể xây chầu, tức là lể khai tràng. Ông Chấp sự nâng cặp roi trống chiến, xá ba cái, ban ba hồi thỉnh tổ.
Ngoài lễ cúng chanh tại đoàn trong ngày 12-8, ngày 11-8 bầu gánh và giới nghệ sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn tụ về làm lễ tại Hội Ái hữu tương tế nghệ sĩ. Các ông bà bầu muốn mời đào kép của đoàn khác về hát cho mình thường chờ đến ngày này để tiếp xúc với họ. Vì nếu nếu làm như vậy trong những ngày khác thì sẽ bị bầu đoàn đó mướn người chặn đánh. Với đào kép chưa nổi danh, trong ngày cúng tổ có tục lệ hát hầu tổ, bất cứ ai trong đoàn cũng sẽ hát - diễn một đoạn ngắn nào đó mình tâm đắc nhất trước bàn thờ tổ và trước mặt cả đoàn. Đây là dịp các đào kép nhỏ nhắc các ông bà bầu về sự tiến bộ của mình để được lên hạng, lên lương.
Ngày đó đời của người nghệ sĩ xoay quanh ngày cúng tổ này còn được thể hiện khá rõ thân phận giàu nghèo, sang hèn. Những đoàn hát lớn, giỗ tổ luôn rình rang, heo quay để chật sân khấu, như nhà giàu ăn tết lớn. Những đoàn nghèo gọi là đoàn bầu tèo, hát ở những nơi heo hút, có khi cơm còn không đủ ăn, ngày giỗ tổ có được con gà cúng tổ đã là sang .
Một chút lịch sử
Theo sử sách thì Lý Nguyên Cát và Liên Thu Tâm vốn là kép hát người Tàu theo đoàn quân Nguyên qua xâm chiếm nước ta, bị bắt làm tù binh. Vì Lý Nguyên Cát có tài hát xướng nên vua Trần dùng để dạy hát trong cung vua. Khi đó thì dân nước ta đã có biết nghề ca hát rồi, họ chỉ dạy thêm múa mà thôi. Lý nguyên Cát không thể là tổ ngành ca hát của chúng ta như một vài người hiểu sai.
Riêng người đã khai sinh ra trường phái cổ nhạc Bạc Liêu, thường gọi ông là Nhạc Khị từ lâu đã được giới nghệ sĩ cổ nhạc tôn xưng là Hậu Tổ Cải lương mà thôi. Ông không phải là Tổ Cải Lương.
Gọi là nhạc Khị bởi vào thời đóngười Bạc Liêu ít khi gọi những thầy đàn cổ nhạc là nhạc sư hay nhạc sĩ, mà chỉ gọi vắn tắt là "nhạc" cộng thêm cái tên của người đó. Từ "nhạc" vừa để chỉ nghề nghiệp vừa để chỉ tính chất chuyên nghiệp.
Nhạc Khị còn có công đào tạo một lực lượng lớn ca sĩ, nhạc sĩ, soạn giả cho các tổ chức ca nhạc cổ và sân khấu cải lương trong buổi đầu. Trong số người thừa kế sự nghiệp của ông, chỉ riêng bốn người: Cao Văn Lầu, Ba Chột, Trịnh Thiên Tư và Mộng Vân.
Tiếp theo chương trình văn nghệ do MC Ngọc Hân, Mỹ Lan và Mai Thế Hiệp phụ trách.
Chương trình tiếp nối qua những bản độc chiếc, song ca và những trích đoạn cải lương thật xuất sắc qua sự trình diễn của các nghệ siĩ danh tiếng. Xen lẫn chương trình văn nghệ có phần tâm tình của các Nghệ Sĩ như Văn Chung, Yên Lang, Phượng Liên, Túy Hồng. . . Mọi người cùng xem văn nghệ cùng thưởng thức các món ăn quê hương do Hội Nghệ Sĩ, Đài Truyền Hình VHN và chợ Sàigon City Market Place cùng anh chị em Nghệ Sĩ khoản đãi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.