Hôm nay,  

43 Năm Aikido Tenshinkai Và 23 Năm Westminster Aikikai

12/02/201100:00:00(Xem: 4893)
43 Năm Aikido Tenshinkai Và 23 Năm Westminster Aikikai

GS_DANG_THONG_PHONG-contentGS Đặng Thông Phong

(LTS. Vào ngày Chủ Nhật 13-2-2011, một buổi lễ sẽ trang trọng tổ chức ở Đạo Đường Westminster Aikikai từ 10 giờ sáng tới 2 giờ chiều để kỷ niệm 43 Năm Thành Lập Tổng Cuộc Aikido Tenshinkai, và 23 Năm Thành Lập Đạo Đường Westminster Aikikai. Một Thư Mời ký tên GS Đặng Thông Phong đã gửi tới các phụ huynh và thành viên võ đường Tenshinkai Aikido, cho biết chương trình ngoài buổi lễ sẽ có lễ thăng đai, thăng cấp, biểu diễn võ Aikido và ăn trưa potluck. Sau đây là bài nói chuyện đặc biệt soạn trước nhan đề “43 Năm Thành Lập Tổng Cuộc Aikido Tenshinkai, 23 Năm Thành Lập Đạo Đường Westminster Aikikai” do GS Đặng Thông Phong sẽ đọc trong lễ naỳ.)
*
Kính thưa quí vị Phụ huynh,
các bạn thân hữu, các môn sinh thân mến,
Trước thềm năm mới năm Tân Mão 2011, thay mặt cho môn sinh tại Đạo đường Westminster Aikikai, tôi chân thành kính chúc quí vị Phụ huynh, các môn sinh cùng gia đình một năm mới được vạn sựï an lành và thịnh vượng.
Kính thưa quí vị,
Hôm nay là ngày kỷ niệm 43 năm thành lập Tổng cuộc Hiệp Khí Đạo Thiên Tâm Hội (Tenshinkai Aikido Federation) (1968-2011) đồng thời cũng kỷ niệm 23 năm thành lập Đạo đường Westminster Aikikai tại thị xã Westminster (1988 - 2011)
Tôi xin mạn phép được dài dòng để quí vị và các môn sinh hiểu được diến tiến sự hình thành Tổng cuộc Aikido Tenshinkai:
Ngược dòng thời gian, chính bào huynh của tôi, Giáo sư Đăïng Thông Trị, là người đầu tiên giới thiệu bộ môn Aikido đến với quần chúng Việt Nam vào năm 1958. Từ đó Aikido Việt Nam đã có những bước trải dài bắt đầu việc với GS Mutsuro Nakazono từ Nhật bản sang đặt nền tảng cho sự phát triển. Cuối năm 1961, GS Nakazono rời Việt nam và tháng 10 năm 1964, GS Đặng Thông Trị cũng rời Việt nam và giao lại Hội Hiệp Khí Nhu đạo cho tôi điều hành. Thời bấy giờ, với cấp bậc đai đen 2 đẳng tôi cảm thấy chưa đủ uy tín để thành lập và phát triển một Tổng cuộc Hiệp Khí Đạo mạnh mẽ như các bộ môn Nhu đạo và Thái Cực đạo. Do đó tôi mới nuôi một ước vọng là phải sang tận Tổ đình Aikido, cái nôi của bộ môn là Hombu Dojo đặt tại Tokyo, Nhật bản, để học hỏi thêm hầu nâng cao kiến thức kỹ thuật và xin dự thi lên một đẳng cấp cao hơn hầu có thêm uy tín trong môn phái.
Để thực hiện được điều đó không phải là chuyện dễ dàng vì là một quân nhân trong thời chiến, ngoài việc phục vụ trong quân đội tôi còn điều hành cả 2 bộ môn Nhu đạo và Hiệp khí đạo tại Đạo đường trung ương, nhưng tôi vẫn nuôi và hy vọng sẽ có ngày thành tựu là được gặp Tổ sư Morihei Ueshiba và luyện tập tại đây. Điều trước tiên là tôi phải làm việc tận lực để dành dụm một số tiền cho chuyến đi khi có dịp.

Cuối năm 1967, Trung tướng Choi Hong Hi, chủ tịch Tổng cuộc Taekwondo quốc tế mời sang Đại Hàn để quan sát cách tổ chức của Tổng cuộc này. Thời cơ đã đến, đây là dịp duy nhất hiếm có để có thể xin Bộ Nội vụ được phép đến Tokyo. Nhờ Ơn Trên phù hộ mọi việc đều suông sẻ. Sau hai tuần lễ tại Đại Hàn, tôi đến Hombu Dojo để xin Tổ sư chấp nhận là một môn sinh của Ngài. Diểm phúc cho tôi là Tổ sư Morihei Ueshiba vẫn còn ra sân dạy hằng ngày. Tôi cố gắng luyện tập 2 lần một ngày để chuẩn bị cho kỳ thi lên 3 đẳng. Cuộc thi thật vất vã vì phải thi triển với những người Nhật khỏe mạnh gấp bội. Kết quả là đạt được 3 đẳng tại Tổng đàn Aikido thế giới vào năm 1967.
Trở về nước, tôi thành lập Tổng cuộc Aikido Việt nam với sự chấp thuận của Bộ Nội Vụ.
Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Ở cái tuổi 76, nhìn lại quảng thời gian hơn một nửa thế kỷ miệt mài luyện tập và dấn thân trao truyền võ nghiệp, tôi rất toại nguyện và hạnh phúc vì đã thực hiện được phần lớn các hoài bão của đời mình.
Dù vậy tôi vẫn cảm thấy chưa làm tròn nhiệm vụ của mình đối với thế hệ tương lai nếu chưa chia xẻ một cách trọn vẹn và trung thực lịch sử hình thành và phát triển của môn phái mà tôi đã may mắn vừa là một chứng nhân vừa là một tác nhân rất thiết thực trong sự phát triển đó.
Cùng các bạn môn sinh,
Sự luyện tập của chúng ta không mang lại lợi ích gì nếu không được áp dụng vào đời sống hằng ngày. Aikido không những soạn sửa cho chúng ta lên đường vào đời mà còn chính là cuộc đời của những người tập luyện nó. Hãy giữ gìn sự hài hòa giữa chúng ta với môi trường chung quanh, với cộng đồng , với gia đình, và trong mỗi chúng ta. Sự đóng góp sâu sắc và tích cực đó chắc chắn sẽ làm giảm bớt, nếu không muốn nói là xoay ngược lại, khuynh hướng bạo động và hũy diệt của xã hội vật chất hôm nay.
Tôi đã vun xới được một môi trường để hạt giống thương yêu và hài hòa trong tất cả chúng ta được đơm bông và kết trái thì ước nguyện lớn nhất của tôi được thành tựu vậy. " Không Gì Hơn Cái Đẹp Của Một Tấm Lòng". Mọi sự đều khởi từ cái Tâm của mình. Sự Tĩnh Lặng của nội tâm trong mỗi cá nhân sẽ đưa đến Hòa Bình cho nhân loại. Để đạt được điều ấy chúng ta phải thực tập tỉnh thức qua các kỹ thuật của Aikido nhưng hãy quên đi cái tính Nhị Nguyên để cho Tiểu ngã được hòa nhập vào Đại ngã uyên nguyên.
Xin đừng xao lãng mà nhớ là phải chuyên cần rèn luyện mãi. Chúc các bạn thành công.
Đặng Thông Phong

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.