Hôm nay,  

Thiền Viện Sùng Nghiêm Triển Lãm Tranh, Ảnh Phật...

19/05/200900:00:00(Xem: 3785)

Thiền Viện Sùng Nghiêm Triển Lãm Tranh, Ảnh Phật...
Tượng Phật Nhập Diệt bằng đá.


Quảng Hương


Mười một giờ sáng thứ bảy, trước giờ khai mạc Triển Lãm Tranh và Tượng Phật, Thiền Viện Sùng Nghiêm đã đầy ắp người từ ngoài sân vào đến Thiền Đường. Người ta nhận thấy những khuôn mặt văn nghệ quen thuộc: Nhà Văn Nhã Ca, Nhà Thơ Trần Dạ Từ, các Nhà Báo Nguyên Huy, Thanh Huy, Thanh Phong, Phan Tấn Hải…, các Họa Sĩ Hồ Thành Đức, Bé Ký, Nguyên Khai, Khánh Trường, Lam Thủy, Chính Mung, ViVi, Diễm Châu, Văn Mộch, Hồ Anh, Lương văn Tỷ… Mọi người vui vẻ bên nhau, những lời chào hỏi thân tình, những nụ cười hiền hòa trên môi, những nét hân hoan trên khuôn mặt… để chào đón giờ khai mạc triển lãm Tranh, Ảnh và Tượng Phật lần đầu tiên có một không hai được Thiền Viện Sùng Nghiêm tổ chức tại Orange County nhân Mùa Phật Đản.
Thiền Đường Sùng Nghiêm trang trọng và ấm cúng, những chiếc ghế xanh xếp san sát vào nhau không còn một chỗ trống. Một số đông người phải đứng ngoài sân. Ca Sĩ Phương Hồng Quế điều khiển chương trình. Cô đã mời mọi người cùng đứng lên để chào Quốc Kỳ Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và Phật Giáo Kỳ. Sau một phút mặc niệm, Phương Hồng Quế mời Ni Sư Thanh Tịnh Liên Thích Nữ Chân Thiền ban đôi lời về ý nghĩa và mục đích của buổi triển lãm. Bằng giọng nói từ tốn với nụ cười trên môi, Sư Chân Thiền đã mời toàn thể hội trường cùng Thiền một phút để chiêu cảm Pháp Giới dung thông, thanh tịnh Thân Tâm cúng dường Phật Đản. Sư nói: "Thiền Viện Sùng Nghiêm tổ chức triển lãm toàn Tranh, Tượng Phật và những gì liên quan đến Phật là không ngoài mục đích tán dương, tri ân và nhớ ơn Đức Phật đã thương sót chúng sinh vì si mê, vì vô minh mà mãi ngụp lặn trong vòng sinh tử luân hồi, Ngài mới để lại 84 ngàn Pháp Môn và 12 Đại Tạng Kinh để khai ngộ cho mọi người biết là ai cũng có Phật Tính. Đó là cái thường hằng, bất biến nơi muôn loài, muôn vật mà theo Ni Sư Chân Thiền thì "bất cứ  ai nhận ra được Phật Tâm của mình, đều là "Phật Đản Sinh". Do đó Phật Đản không phải chỉ có một ngày, mà chúng ta có Phật Đản trong mọi thời, mọi lúc, mọi sát na!"
Buổi Triển Lãm với sự đóng góp các tác phẩm của 70 Nghệ Nhân và đặc biệt là của hơn 30 em bé Thiền Sinh thuộc Thiền Viện Sùng Nghiêm, mà Sư Chân Thiền đã gọi các tác phẩm ấy là "những nén Tâm Hương mà cũng là những Đóa Hoa Tâm tinh khiết nhất dâng lên Cúng Dường Phật Đản".
Sau phần phát biểu và cám ơn của Sư Chân Thiền, Họa Sĩ Hồ Thành Đức được mời nói về những thiện duyên đã đưa đẩy để Ông có được cái nhìn bao quát tạo nên những tác phẩm về Phật Giáo một cách sâu sắc. Kế đó, Sư Chân Thiền đã mời một số người tiêu biểu cắt băng khánh thành triển lãm. Những mãng giấy che được lần lượt tháo xuống để phơi bày những bức tranh Phật tuyệt vời. Bước vào phòng trưng bày đầu tiên, người thưởng lãm sẽ được chiêmngưỡng 12 bức tranh của những Họa Sĩ nổi danh. Mỗi người một vẻ… Đây là Họa Sĩ Bé Ký với bà mẹ già mộc mạc đang lần chuỗi cầu nguyện, kia là Họa Sĩ ViVi với các thanh thiếu niên của đủ mọi thành phần đang cùng "Đắp Bồi Thương Yêu". Này là Họa Sĩ Nguyễn thị Hợp hồn nhiên với bức tranh mầu nước cho thấy nét an lạc của một Vị xuất gia, kia là Họa Sĩ Khánh Trường với những mãng mầu nóng nhưng thể hiện hình ảnh tự tại của một Thiền Giả. Đây là Họa Sĩ Hồ Thành Đức với những đường cong của bộ xương sườn hằn rõ nét sau lớp da nhăn nheo của một nhà Tu khổ hạnh, và kia là Họa Sĩ Lam Thủy dịu dàng với bức tranh Phật Bà Quan Âm tươi mát và trau chuốt. Nhìn vào bức tường đối diện với cổng, người xem sẽ dễ dàng nhận thấy hình ảnh Tổ Bồ Đề Đạt Ma với đôi mắt dữ dằn nhưng từ bi của Kiến Trúc Sư Nguyễn Ngọc Nhâm. Giữa là bức tranh chạm nổi Phật Bà Quan Âm do Kiến Trúc Sư Sang Nguyễn sưu tầm. Cạnh đó là một bức tranh cổ quí giá trong bộ sưu tập của Họa Sĩ Văn Mộch. Phải chú ý để nhìn là bức tranh "Niêm Hoa Thị Chúng" của Họa Sĩ Nguyên Khai được làm thành từ những mãng mầu nhỏ ghép lại một cách công phu.  Họa Sĩ Chính Mung, qua bức tranh sơn dầu đã thể hiện được Chân Lý của Đức Thích Ca là chỉ có một Phật Tâm và tất cả đều là Phật. Bức tranh Hạc của Họa Sĩ Hồ Anh phảng phất sự nhẹ nhàng, siêu thoát của Thiền Định…


Bước thêm một chút vào phòng trưng bày kế tiếp, người xem sẽ rất thích thú với những họa phẩm đủ mầu sắc, những bức Tượng Phật Bà Quan Âm bằng gỗ lớn hiếm hoi được xếp ở giữa đường đi, còn hai bên là những Tượng Bồ Đề Đạt Ma. Đặc biệt nhất, mọi người đã không thể nào không dừng lại và trầm trồ trước một bức hình chụp Phật Nhập Diệt bằng đá nằm sừng sững giữa một núi đá hùng vĩ. Vi diệu làm sao, những tảng đá khổng lồ trong một rừng toàn đá là đá như có sự sắp đặt một cách tự nhiên làm nổi bật hình ảnh Đức Phật Nhập Diệt rất thanh tịnh, uy nghi, và sống động… Sư Chân Diệu cho biết: sở dĩ có bức Tượng Phật không thể nghĩ bàn đến như thế là do sự lần mò tìm kiếm của các Ni Sư trong hai tháng trước để đi tìm những Tượng Phật bằng đá cho buổi triển lãm này! Trong đoàn người đi tìm Tượng Phật, Sư Chân Thiền chính là người có đầy đủ thiện duyên tìm ra bức Tượng Phật này. Nhiều người đã đề nghị, cũng như gọi điện thoại xin Thiền Viện Sùng Nghiêm tổ chức hành hương để mọi người được dịp chiêm bái cũng như được nhìn tận mắt sự việc nhiệm mầu, vi diệu có một không hai này.
Trước khi bước vào Hội Trường 2, người xem cũng rất thích thú trước những họa phẩm của các em bé Thiền Sinh. Những bức tranh của các em bé từ 5 đến 15 tuổi vẽ về Phật đã làm ngạc nhiên rất nhiều người. Có những bức tranh ngộ nghĩnh của em bé 5 tuổi, có những bức tranh hồn nhiên của các em bé 9 tuổi, 10 tuổi, nhưng hầu hết em nào cũng xuất sắc tuyệt vời. Jenny Huỳnh, tuổi chưa đến 12 đã có hai họa phẩm rất linh động, một mầu, một đen trắng, về Phật Bà Quan Âm. Hugh Đặng 13 tuổi đã có những bức vẽ đẹp về Đức Phật Thích Ca. Lynn Phạm 12 tuổi vẽ Phật Bà Quan Âm một cách tài tình, Kevin Trần chỉ 8 tuổi nhưng đã vẽ hình Bồ Tát Địa Tạng rất đẹp… còn nhiều, nhiều nữa những bàn tay khéo léo của các em bé Thiền Sinh. Bằng tâm hồn ngây thơ, trong trắng, các em đã tô điểm nên những bức hình Phật thật dễ thương, thật sống động để đóng góp cho buổi triển lãm trong Mùa Lễ Phật Đản.
Hội Trường 2 mở ra một khung cảnh toàn Phật và Phật. Trước nhất là những Tượng Phật Bà Quan Âm cổ kính đón chào mọi người ngay từ cửa bước vào, kế đến là Tổ Bồ Đề Đạt Ma với những dãy bàn dài kê ngay ngắn ở giữa với khung cảnh Phật Nhập Diệt và vô số Phật chung quanh. Những bức Tượng Quan Thế Âm trắng muốt,  xen lẫn với những bức Tượng Phật Thích Ca bằng đồng, bằng gỗ, bằng đá làm tăng nét tôn nghiêm của Hội Trường. Rải rác là những Tượng Địa Tạng Vương trắng, đỏ xen với những bức Tượng Phật Di Lặc khiến người xem cảm thấy tâm hồn dịu xuống theo nụ cười tươi vui của Đức Di Lặc. Trên sân khấu, những bức Tượng Phật Thích Ca cổ xưa quí giá cũng được bày trên cao, có nhiều Tượng lâu đời, rất quí. Người thưởng lãm cũng sẽ thấy một số tranh vẽ, tranh chạm trên đá của một số Thiền Sinh được trưng bày ở đó.
Bàn phía bên trái từ ngoài bước vào là những Tượng Phật cổ quí được sưu tập bởi Họa Sĩ Văn Mộch. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng những hình Tượng Phật Thích Ca Đản Sinh, Phật Di Đà, cũng như những Tượng Phật được khắc từ Nhật Bản, Trung Hoa và những quốc gia khác…. Bàn phía bên phải là nơi trưng bày những Tượng Phật Quan Âm đủ loại…. Trong dịp triển lãm này, nhằm để gieo duyên cho đại chúng, đồng hương và Phật Tử cũng có thể thỉnh những Tượng Phật hay Tranh ảnh mình ưa thích.
Cùng khắp Thiền Viện từ ngoài vào trong, thỉnh thoảng người xem thấy đâu đó có những chậu hoa được cắm, tỉa một cách mỹ thuật làm tăng thêm sự trang trọng cho buổi triển lãm. Được biết những chậu hoa đẹp này là do sự đóng góp của phu nhân Họa Sĩ Văn Mộch là Chị Phúc, chị Ngọc Châu cùng bạn hữu.
Bên ngoài Thiền Viện, một khoảng sân rộng là nơi có những chậu cây bonsai được uốn nắn một cách công phu và tỉ mỉ do Hội cây kiểng Bonsai đảm trách làm tăng vẻ tươi mát, mỹ thuật cho buổi triển lãm của Thiền Viện.
Buổi triển lãm Tranh và Tượng Phật được kéo dài trong hai tuần lễ từ nay cho đến hết ngày 23 tháng 5 năm 2009. Ngày bế mạc triển lãm 24 tháng 5 lúc 2 giờ chiều sẽ có tiệc trà và văn nghệ do Ban Lạc Hồng phụ trách. Quí đồng hương Phật Tử nào muốn chiêm ngưỡng thật nhiều Tranh và Tượng Phật, nhất là để được xem bức hình Tượng Phật Nhập Diệt bằng đá không thể nghĩ bàn ấy, xin mời đến Thiền Viện Sùng Nghiêm, địa chỉ: 11561 Magnolia Street, Garden Grove, CA 92681. Điện thoại (714) 636-0118.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.