Hôm nay,  

Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm Kỳ Thứ 20 Tại Miền Nam Californi: Tiếng Việt Mến Yêu Đáng Yêu, Và... Phải Yêu

14/08/200800:00:00(Xem: 4313)

Bà Superintendent Laura Schwalm và GS Nguyễn-Lâm Kim Oanh chụp với các khóa sinh từ học khu Garden Grove:  Linh Bùi, Tami Trần, và Hồng Chi Nguyễn.

Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm Kỳ Thứ 20 – Chủ Đề Tiếng Việt Mến Yêu -  do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ miền Nam California tổ chức đã thành công mỹ mãn và kết thúc vào chiều Chúa Nhật ngày 10 tháng 8 vừa qua.

Có khoảng 250 khóa sinh tham dự từ 46 trường và trung tâm Việt Ngữ xa gần khác nhau tụ tập ba ngày trong khuôn viên trường đại học cộng đồng Orange Coast College. Trung Tâm Việt Ngữ gần nhất là từ  thành phố Costa Mesa và xa nhất là trường Việt ngữ từ quốc gia Thụy Điển và gần hơn là Gia Nã Đại (Canada).  Ngoài ra có tham dự viên đến từ các tiểu bang: Arizona, Louisiana (New Orleans), Maryland, New York, Oregon (Portland), và Washington State (Seattle).

Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm bắt đầu chiều thứ Sáu (8 tháng 8) trong một buổi nghi lễ cổ truyền, có các đại diện thầy cô giáo, học sinh, và phụ huynh dâng hương lên bàn thờ tổ tiên, có bài điếu song thất lục bát đọc lên trong tiếng đệm chiêng trống, và có chào cờ Mỹ,Việt cùng phút mặc niệm cho các anh hùng dân tộc và chiến sĩ văn hóa. Các khóa sinh từ nơi xa gần về được đón tiếp nồng hậu và chia nhóm sinh hoạt ngay ngày hôm đó.  Sau buổi lễ ban ẩm thực khoản đãi khóa sinh và quan khách món cháo gà nóng hổi và thơm phức.

Suốt ngày thứ bảy, khóa sinh tham dự nhiều lớp học khác nhau, từ các lớp huấn luyện Dạy Ráp Vần, Dạy Luận Văn, Điều Hành Lớp Học v..v... đến các lớp tu nghiệp với các đề tài hấp dẫn như Luyện Trí Nhớ (Gs Phan Tâm), Tâm Lý Trẻ Em (cô Xuyến Đông) Duy Trì Tiếng Việt Trong Gia Đình (nhà báo Yến Tuyết), v..v... Trong lớp Dùng Sử Việt Để Dạy Việt Ngữ của GS Nguyễn-Lâm Kim Oanh, các khóa sinh đã được thực tập dùng huyền sử Phù Đổng Thiên Vương và truyện sử Ngô Quyền để soạn bài dạy Việt ngữ cho học sinh Việt hải ngoại. Trong dịp này GS Kim Oanh giới thiệu bộ sử bằng tranh ba thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp) do cụ Bùi Văn Bảo biên soạn.  Theo cô đây là một tập tài liệu quý báu mà mỗi trung tâm cần phải có để làm tài liệu dạy Việt ngữ.  Người để liên lạc tìm mua bộ sử này là thứ nam của tác giả, ông Bùi Bảo Sơn ở Canada qua điện thư sonbui@yahoo.com.  GS Kim Oanh cũng chia sẻ với các thầy cô giáo Việt ngữ giáo trình Người Việt Tị Nạn do chính cô đảm trách dựa theo Phim Vượt Sóng để làm tài liệu dạy cho học sinh.

Cuối ngày, các khóa sinh tụ tập trong giảng đường để nghe một buổi hội thảo về Đề Tài: Tiếng Việt Phải Yêu – Vai Trò Tiếng Việt Cho Tương Lai Tuổi Trẻ Việt Nam do GS Trần Chấn Trí và GS Nguyễn-Lâm Kim Oanh điều hợp.  Trong phần trình bày các nghiên cứu giáo dục, GS Kim Oanh nói về ảnh hưởng tích cực của việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa gia đình trong việc thành công trong học đường và xã hội. Cô cũng nêu ra những yếu tố và dữ kiện ghi nhận tầm quan trọng của ngoại ngữ trên ba phương diện: an bình xã hội, an ninh quốc gia, và cạnh tranh kinh tế hoàn cầu. Cô cho biết tiếng Việt được liệt kê vào hạng nhì theo phân định của liên bang. Kế tiếp, GS Trần Chấn Trí giới thiệu anh Ben Hamatake - một người mang hai dòng máu (Mẹ gốc Nhật Bản, Bố gốc Hoa Kỳ).  Anh Ben nói tiếng Việt giọng nam lưu loát và dí dỏm, chia sẻ quá trình học tiếng Việt của anh và cho biết hiện tại anh làm việc cho văn phòng tranh cử Quận Cam – đặc biệt giữ trách nhiệm giúp các cử tri gốc Việt hiểu rõ hơn các vấn đề bầu cử nếu không rành Anh ngữ. Theo lời anh cho biết, chính vì thông thạo hai ngôn ngữ Anh Việt mà anh dễ dàng tìm các công việc anh thích. Ngoài ra chính vì giỏi tiếng Việt mà anh...tìm được vợ Việt Nam, khi anh tham gia sinh hoạt với Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam miền nam California!

Thầy Đặng Ngọc Sinh và GS Kim Oanh trong lớp Dạy Việt Ngữ Qua Huyền Sử.

Tiếp đó ban tổ chức giới thiệu một gia đình Bố Mỹ Mẹ Việt mà cả hai cô con gái 6-7 tuổi nói tiếng Việt tuyệt vời! Cả hai em nói tiếng Việt chính xác, làm thơ bằng tiếng Việt và kể một câu truyện từ Cổ Học Tinh Hoa cho mọi người nghe.  Người bố là luật sư Richard Lenard cho biết gia đình ông xuất xứ từ Đông Âu và tiếc là đã không duy trì được ngôn ngữ dòng giống của mình. Ông hổ trợ và khuyến khích con học tiếng Việt và được biết chính ông cũng là học sinh của một trường Việt ngữ trong vùng!

Tối thứ Bảy, các khóa sinh, các thuyết trình viên và giảng viên, các quan khách và toàn ban tổ chức tụ họp tại nhà hàng Emerald Bay để vừa dự tiệc vừa tham dự các tiết mục văn nghệ hết sức ngoạn mục do các nhóm khóa sinh là thầy cô giáo Việt ngữ diễn xuất. Cô Linh Bạch và thầy Quyên Di điều hợp chương trình với những câu pha trò dí dõm làm bầu khí buổi tiệc vui nhộn. Mặc dầu các khóa sinh chỉ mới gặp nhau và tập duợt trong một khoảng thời gian rất ngắn (trong những giờ ăn và giải lao giữa các khóa học), các màn hát , vũ kịch rất hấp dẫn với phần hóa trang rất thú vị và đầy óc sáng tạo!  Trong mục thi áo dài, cô Xuyến Đông-Matsuda đã đoạt giải Hoa Hậu trong chiếc áo dài trắng cổ cao thật là mượt mà.

Sáng Chúa Nhật các khóa sinh tụ tập trong hội trường và được nghe nhà văn Quyên Di nói về Các Nét Đáng Yêu của tiếng Việt qua văn thơ Việt ngữ.  Các khóa sinh ngồi nghe một cách say mê tài diễn giải hấp dẫn của nhà văn Quyên Di, từ  bài Chân Quê của Nguyễn Bính đến Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của Kiên Giang Hà Huy Hà. Tiếp theo sau đó họa sĩ Châu Thụy đã trình bày đề tài Tiếng Việt Mến Yêu qua Bút Họa.  Châu Thụy đã thần tình diễn tả cái hay, cái đẹp và cái thâm thúy của chữ quốc ngữ qua các nét bay lượn viết bằng cọ lông và mực tàu đen. Trong bức Thuyền Nhân, các nét chữ không chỉ tượng thanh mà còn thật sự tượng hình vì nét bút họa của Châu Thụy chứa đựng và diễn tả được con tàu chênh vênh trên đầu ngọn sóng và mỗi nét chữ là một thuyền nhân đang phó thác cho định mệnh trên con thuyền ấy.  Trong nét chữ Yêu Mẹ, Châu Thụy cho thấy tình mẹ đẹp như chiếc bông hồng và êm như vòng tay mẹ ấp ủ con. Bức Châu Thụy đặc biết viết cho các khóa sinh chỉ vỏn vẹn chữ Sư nhưng nói lên được sự cao cả và tôn kính văn hóa Á Đông dành cho ngành giáo. Sau đó một vài thầy cô giáo được ở lại thực tập trong khi các khóa sinh khác bắt đầu các buổi học kế tiếp và được xem phim dạy mẫu các môn đã được học ngày hôm trước. Các phim dạy mẫu này được hoàn tất rất công phu và giúp cho khóa sinh hiểu được cách thức áp dụng các phương thức dạy Việt ngữ cho học sinh Việt Nam hải ngoại.

Chương trình học kết thúc vào chiều Chúa Nhật sau khi khóa sinh chia sẻ cảm xúc và nhận xét về khóa học vừa qua. Một cô giáo rất trẻ tâm sự lý do khiến cô bỏ ba ngày cuối tuần đẹp trời để theo học khóa này vì cô nhận thức được là các thầy cô giáo dạy Việt Ngữ đa số đã lớn tuổi hết rồi nên cô và lớp người trẻ phải “tiếp bước...” Một số khóa sinh lên tiếng cảm tạ ban tổ chức, nhất là thầy Vũ Hoàng, chủ tịch Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California.  Sau đó ban Giảng Huấn trao Chứng Chỉ Hoàn Tất Khóa Học cho Khóa Sinh. Một số quan khách đến tham dự lễ Bế Giảng:  GS và bà Lưu Trung Khảo, LS và bà Phạm Văn Phổ (Cô Gia Thuận là một giảng viên trong khóa), MS Trần Thanh Vân, TS Phạm Thị Huê (người giúp cho mượn phòng ốc tổ chức) và kỹ sư Nguyễn Thanh Long. Đặc biệt có Bà Phó Khoa Trưởng Phân Khoa Giáo Dục Sư Phạm Dr. Zuniga-Dunlap của đại học CSU Fullerton và bà Tổng Giám Đốc học khu Garden Grove Dr. Laura Schwalm. Bà TS Dunlap kêu gọi thêm người Việt Nam vào ngành dạy học đào tạo thêm các giáo chức có khả năng dạy Việt Ngữ cấp tiểu học và trung học công lập Hoa Kỳ.  Bà TS Schwalm, rất duyên dáng trong chiếc áo dài Việt Nam màu nõn chuối, cho biết là luôn ủng hộ việc học sinh duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ và tìm hiểu về nguồn gốc mình.  Bà cho biết GS Kim Oanh đã giới thiệu phim và giáo trình Vượt Sóng cho bà và bà rất cảm động khi xem phim này. Bà đã chấp nhận lời đề nghị của cô Kim Oanh là cho tất cả giáo viên trong học khu Garden Grove xem phim này mỗi đầu năm để họ hiểu thêm về cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ cũng như dùng giáo trình này trong các lớp sử Hoa Kỳ.   Đây là một bước tiến lớn cho việc đưa văn hóa lịch sử cộng đồng vào dòng chính.  Các thầy cô giáo và trung tâm trưởng sau đó đã hỏi chuyện với GS Kim Oanh để biết cách vận động trong vùng họ ở và làm việc.

GS Kim Oanh chụp với các thầy cô giáo trường Việt Ngữ Văn Lang San Jose trước khi chia tay lên đường cuối khóa học.

Theo thông lệ, GS Quyên Di đã xướng lên bài ca chia tay “Gần nhau, trao cho nhau yêu thương tình loài người. Gần nhau, trao cho nhau, tin yêu đừng gian dối. Gần nhau, trao cho nhau, ánh mắt với nụ cười....” Mọi người có mặt trong hội trường, từ khóa sinh đến quan khách đã chòang vai nhau hát trong tình thân trước khi giã biệt để hẹn trở lại trong khóa học sang năm. Ban Tổ Chức ở lại dọn dẹp và chuyên chở máy móc, dụng cụ, và các tài liệu đã dùng trong ba ngày qua về.  Trong sự mệt mỏi rã rời vì đã làm việc ròng rã từ mấy tháng qua, mọi người vẫn nỡ nụ cười tươi vì lòng thấy rộn ràng đã hoàn tất một công tác có ý nghĩa trong một mối tình thân phục vụ cho lý tưởng chung.....

Là một người ở xa (vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn) mới về tham gia một vài công tác giáo dục trong cộng đồng Việt Nam miền nam California nắng ấm, tôi rất khâm phục tinh thần phục vụ của các thầy cô thiện nguyện viên trong việc chuẩn bị và thi hành khóa Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 20 vừa qua dưới sự lãnh đạo của thầy chủ tịch Vũ Hoàng.  Từ những người rất bận rộn với công việc doanh thương như thầy Nguyễn Văn Khoa, thầy Phạm Quốc Định, thầy Trần Văn Minh, cho đến những người công tư chức lo kế sinh nhai hằng ngày - tất cả tụ họp hằng tuần, hằng đêm tại văn phòng thầy Đoàn Thanh Khiết để bàn bạc và vạch định chương trình.  Thầy Đặng Ngọc Sinh với biệt tài hội họa đã hoàn thành hình bìa kỷ niệm 20 năm cho cuốn cẩm nang và đặc san.  Cô thủ quỹ Trần Thị Sử phải đi khắp khu phố L.A. lùng mua những cuốn bìa (binder) và thùng giấy giá thật thấp. Thầy Văn Tường và ký giả Vương Trùng Dương trong ban thông tin cùng thầy Phạm Quốc Định, “chú tiểu trang nhà” đã đưa các tin tức về Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm đi khắp năm châu nên mới có những khóa sinh từ nhiều tiểu bang và quốc gia về tham dự. Có những thầy cô âm thầm làm công việc đã đảm nhận một cách tận tình và hoàn chỉnh như cô Liên Hương, người giữ tất cả sổ sách ghi danh và chương trình; thầy Lại Đình Thăng và thầy Nguyễn Hồng Chi lo phần kỹ thuật để tất cả các lớp học và phòng hội có những hình ảnh cập nhật, tạo cho việc học và hội thảo tăng thêm phần thú vị; GS Minh Tâm, đảm nhận công việc hướng dẫn các thiện nguyện viên điều hợp lớp học và giới thiệu diễn giả. Tiểu ban ẨmThực gồm có chị Lệ Hằng, chị Lộc, Cô Hạnh và Anh Mẫm là những người đáng yêu nhất – Lúc nào cũng lo sẵn các thức ăn ngon lành và bổ dưỡng cho các khóa sinh. Có những người như cô Bắc Hà, cô Ngọc Thu, cô Mỹ Hạnh, cô Lê, .... luôn có mặt và vui vẻ sẵn sàng làm bất cứ những gì cần làm.  Bên cạnh các thầy cô là các em học sinh, sinh viên trẻ cũng đắc lực kề vai, góp sức làm việc vui vẻ.  Tôi tin là những sinh hoạt hoặc tổ chức nào có thế hệ hai tham dự thì sẽ tiếp tục bành trướng và thành công.  Những hình ảnh này để lại cho tôi một hình ảnh đẹp, một ấn tượng tích cực về sự hòa đồng giữa các thế hệ, sự hy sinh không vụ lợi, và sự phục vụ cho tha nhân của một tổ chức trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại. 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Forbes Travel Guide đã thông báo Yaamava’ Resort & Casino được đánh giá sao cao quý ở ba hạng mục trong hai năm liên tiếp. Serrano Spa đã giành được 5-Sao, Pines Modern Steakhouse và Yaamava’ Resort mỗi nơi được bình chọn 4-Sao từ Forbes Travel Guide. “Chúng tôi rất vinh dự vì dịch vụ chăm sóc khách hàng mà chúng tôi luôn ưu tiên hàng đầu đã được công nhận,” Kenji Hall, Giám Đốc Điều Hành của Yaamava’ Resort & Casino cho hay. “Serrano Spa, Pines Modern Steakhouse và Yaamava’ Resort đại diện cho những trải nghiệm tuyệt vời và cao cấp mà khách hàng của chúng tôi mong đợi. Chúng tôi xin tri ân San Manuel Band of Mission Indians đã tin tưởng và trao trách nhiệm để chúng tôi vận hành khu nghỉ dưỡng và giải trí của bộ lạc.”
Vào trưa ngày Thứ Năm 29 tháng 2 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với hai tổ chức Asian Americans Advancing Justice (AAAJ), Asian Americans Advancing Justice Southern California (AJSOCAL) có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo là giới thiệu trang mạng cung cấp công cụ chống lại tệ nạn thù hận người Gốc Á https://asianresourcehub.org/vi/. Điểm đáng chú ý là trang mạng này sử dụng nhiều ngôn ngữ của cộng đồng gốc Á, trong đó có tiếng Việt.
Trưa thứ bảy ngày 2/3/2024 trước Quốc Hội tiểu bang Victoria, Úc, hàng ngàn người thuộc Cộng đồng người Việt Tự do cùng Cộng đồng người Cam Bốt hải ngoại, Cộng đồng người Miến Điện tự do và Cộng đồng người Lào tự do đã tổ chức biểu tình phản đối các nhà cầm quyền độc tài cộng sản, đàn áp người dân tại các quốc gia quê nhà...
Chiều Chủ nhật 3-3-2024, tại nhà sách Tự Lực trên đường Brookhurst của thủ đô tị nạn Little Saigon, nhiều đồng hương đến dự buổi ra mắt cuốn sách thứ nhì của ca sĩ kiêm nhà văn Thanh Lan có tên là Trắng Đêm...
Chủ đề của buổi họp báo là giới thiệu trang mạng cung cấp công cụ chống lại tệ nạn thù hận người Gốc Á https://asianresourcehub.org/vi/. Điểm đáng chú ý là trang mạng này sử dụng nhiều ngôn ngữ của cộng đồng gốc Á, trong đó có tiếng Việt.
Tháng 3 năm 2024, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đã thành lập được 14 năm. Trong gần 8 năm qua với mục đích đào tạo và khuyến khích tài năng trẻ, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đã thực hiện chương trình "Đào Tạo và Phát Triển Tài Năng Trẻ" với các lớp dạy tiếng Việt, dạy múa và hát hoàn toàn miễn phí cho các em...
Theo thông lệ hằng năm vào dịp đầu Xuân các Liên Đoàn Hướng Đạo Miền Tây Nam Hoa Kỳ, thuộc Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam đều tổ chức lễ chào cờ đầu năm để giúp các em gìn giữ và bảo tồn truyền thống văn hóa cũng như tập tục Việt Nam.
Vào chiều ngày Chủ Nhật 02/25/2024, nhân dịp những ngày đầu năm Giáp Thìn, Hòa Thượng Thích Phước Tịnh đã ghé thăm và có một buổi pháp thoại tại Thiền Đường Huệ Hải. Thiền đường này được thành lập cách đây hơn một năm bởi một người học trò cũ của Thầy, hiện nay là nơi sinh hoạt của một số nhóm Phật tử ở khu vực Little Saigon.
Chánh Án Chris Phan tốt nghiệp đại học Indiana- đại học Purdue tại Indianapolis với văn bằng Cử Nhân Nghệ Thuật (BA Biology, 1996), tiến sĩ Luật khoa năm 1999 tại đại học Southern Illinois. Ông là chủ biên tạp chí luật Southern Illinois, tác giả sách “Physicians Unionization’s Impact on the Medical Profession”, Journal of Legal Medicine, March, 1999...
Hiệp Hội Phát Huy Công Lý cho người Mỹ gốc Á, Nam California (AJSOCAL) được thành lập năm 1983, là tổ chức vô vụ lợi về quyền công dân và pháp lý lớn nhất quốc gia dành cho người Mỹ gốc Á Châu và người dân các đảo Thái Bình Dương...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.