Hôm nay,  

Việt Nam: Báo Chí Tự Do Trong Cũi Sắt .lê Dõan Hợp: “Phải Có Một Vụ Mạnh Để Qủan Lý Báo Chí.”

09/08/200700:00:00(Xem: 9347)

Hoa Thịnh Đốn.- Việt Nam càng khoe có Tự do Báo chí thì người làm báo càng bị nhốt chặt vào Cũi sắt để phải làm theo những điều nhà nước muốn.  Đây là một Đảng lệnh sẽ được thi hành từ nay về sau nhằm kiểm soát  đội ngũ những người làm báo sẽ được đảng huấn luyện và chỉ định phụ trách biện tập tại mỗi tờ báo.

Lê Doãn Hợp, người vừa được chỉ định điều hành Bộ nới rộng Thông tin và Truyền thông (TTTT) trong Chính phủ khóa XII cho biết Bộ này có trách nhiệm “quản lý 6 mảng vấn đề lớn: báo chí, xuất bản, phát hành, in ấn, bưu điện, bưu chính và viễn thông.”

Hợp nói với Báo chí trong nước hôm 3-8 (07) : “ Tôi nghĩ đó là một bộ bao quát rất nhiều những mảng quan trọng của đất nước, gần như là lĩnh vực thời đại cho việc đổi mới của đất nước, để hội nhập quốc tế.”

Theo lời Hợp,  thời gian tới Bộ TTTT sẽ đặt trọng tâm vào 3 nhiệm vụ : “ 1. Hoàn chỉnh và sửa đổi Luật Báo chí để tự do hơn, tạo hành lang tốt hơn nhưng trách nhiệm quản lý cũng tốt hơn. 2. Vấn đề quy hoạch lại báo chí: hình thành các tập đoàn báo chí trong đó có những tập đoàn mạnh chứ không phải rải ra rất nhiều loại hình báo chí mà không có đầu mối; phải có một Vụ mạnh để quản lý. 3. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ kể cả tổng biên tập, biên tập viên, phóng viên.”

Nhưng thế nào là “tự do hơn” và tạo “hành lang tốt hơn” cho những người hành nghề báo chí khi họ được chuyển từ cách làm việc hiện nay phần lớn theo “mệnh lệnh”, có khi trái ngược  nhau,  của nhiều cấp lãnh đạo Đảng sang cách hành nghề theo  các Quy chế bên ngoài  Luật Báo chí " Và liệu những điều bắt người làm báo phải làm theo Quy chế có tước bỏ các quyền của họ đã quy định trong Luật Báo Chí , hay cao hơn là đã ghi trong Hiến pháp là nghi vấn chưa ai biết.

Có điều, theo kế hoạch “đảng phải nắm báo chí”  thì  các tổ chức quản lý Báo chí tương lai sẽ chặt chẽ hơn bây giờ, chẳng hạn như  người trách nhiệm phần Biên tập của mỗi tờ báo thường được gọi là Tổng Biên tập, sẽ không còn thuộc quyền lựa chọn của Cơ quan Chủ quản tờ báo (đứng tên Chủ báo) nữa mà sẽ phải là Cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định đặt vào mỗi tờ báo.

Nhưng tiêu chuẩn chọn lựa như thế nào thì chưa thấy Hợp tiết lộ.
Hợp  chỉ nói về chức vụ này một cách tổng quát : “ Tổng biên tập là quan trọng nhất trong một tờ báo. Theo tôi, cấp trên chỉ quản lý một người đó là TBT. Khi chúng ta đã chọn TBT chính xác, vừa có chuyên môn, vừa nhạy cảm chính trị, vừa có ý thức chính trị, bản lĩnh quản lý, khả năng nắm bắt trong nước và hội nhập quốc tế thì chắc chắn TBT sẽ làm tốt. Chúng tôi đang suy nghĩ khi thành lập bộ máy mới này sẽ có thể tôn vinh các TBT sau từng năm. Tên danh hiệu đó thì đang bàn nhưng những TBT phải được tôn vinh hàng năm, điều đó làm cho các TBT giỏi nhiều hơn và làm tờ báo phát triển tốt hơn”.

“Chúng tôi sẽ làm rõ quy chế trách nhiệm của TBT, khi có quy chế này, TBT hoàn toàn tự do trong quy chế được thể hiện. Tôi đang cố gắng làm điều đó.”
Nhưng làm báo mà lại chỉ được “Tự do trong quy chế” thì có  khác gì với ‘tự do trong Cũi sắt” hay “trong Cái rọ” hoặc “tự do có phép” "

Ngoài chuyên môn, người cột trụ của Ban Biên tập, theo quan điểm của Hợp còn phải có “nhạy cảm chính trị” và “có ý thức chính trị”.  Hai điều kiện này có khác gì những ràng buộc Báo chí phải tuân hành từ trước đến nay như là họ phải :Trung thành với Đảng; phải kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh; phải tuyên truyền cho chủ trương và đường lối của đảng "

Hợp cũng  nói thêm về những biện pháp xiết chặt Báo chí  mà Nhà nước sẽ thực hiện trong tương lai như : “ Hoàn chỉnh các quy chế quản lý để mỗi người trên mỗi cương vị quản lý đúng trách nhiệm của mình. Gồm 5 nhiệm vụ: 1. Quy chế trách nhiệm của tổng biên tập (TBT), vì nếu không nêu cao trách nhiệm của TBT thì dù Cục Báo chí có đông đến bao nhiêu cũng không làm được. Tôi nghĩ TBT chính là người của Cục Báo chí, của Bộ Thông tin Truyền thông sau này cắm ở các báo. 2. Quy chế quản lý các phóng viên thường trú. 3. Quy chế cộng tác viên. 4. Quy chế miễn nhiệm và bổ nhiệm của TBT. Bộ chỉ nắm 1 người thôi, Phó TBT là người giúp việc cho TBT. 5. Quy chế quản lý tài chính.”

Trước những ràng buộc mới,  Hợp trấn an các phóng viên: “ Hoàn chỉnh các quy chế quản lý chính là để cho báo chí tự do hơn. Lâu nay chúng ta cứ quản lý theo mệnh lệnh, làm cho báo chí mất tự do. Chúng ta hòan toàn có tự do nếu chúng ta đi đúng lề đường bên phải. Tôi cố gắng để cho báo chí có một lề đường đó, để từ đó các nhà báo đi vào lề đường nhưng đi rộng hơn, thông thoáng hơn, đó chính là tự do.”
Lối nói bóng gió  “đi đúng lề đường bên phải” của Hợp có nghĩa nào khác hơn là “phải đi đúng đường đảng đã vạch ra"”. Như vậy dù nó có “rộng hơn” hay “thông thóang hơn” thì cũng chỉ là con đường tù túng, ngột ngạt mà những người làm báo trong nước phải cam phận chịu đựng, không có chọn lựa nào khác để bảo vệ  miếng cơm, manh áo.

Nhưng đối với Hợp thì “qủan lý” báo chí như thề vẫn chưa đủ  nên Nhà nước còn chụp lên đầu đội ngũ những người  làm báo thêm 3 tầng quản lý nữa, theo lời Hợp gồm : “Ban Chuyên gia Trung uơng, Bộ Thông tin Truyền thông và cơ quan chủ quản.”
Như vậy thì “làm báo hay làm tôi” " Cái quyền “nhân dân làm chủ đất nước”, đối với những người làm báo cho đảng đã  biến thành những “con hầu đầy tớ” cho chế độ.
Liên quan đến việc sửa đổi Luật Báo chí, Hợp chỉ ra những thiếu sót của Luật đương thời không đáp ứng được nhu cầu của thay đổi từ báo viết sang báo điện tử.  Hợp nói : “ Trong Luật Báo chí hiện nay của mình ra đời từ rất sớm, nên rất nhiều lĩnh vực bây giờ không bao quát được. Ví dụ toàn bộ mảng thông tin liên quan đến điện tử, internet trong luật rất mỏng, mà báo điện tử phát triển rất nhanh, xu hướng rất dữ đội, rõ ràng nếu không đưa ra được những định hướng thì nó sẽ hoạt động tự phát hoặc là tự do không theo kịp tình hình. Vì thế luật sửa đổi báo chí là đáp ứng được yêu cầu phát triển của báo chí trong tình hình mới.”

Việc làm này của đảng CSVN không chỉ nhắm riêng vào hệ thống Báo diện tử của nhà nước mà còn đánh  vào các mạng báo Điện tử của tư nhân, của các cơ sở thương mại, nhưng quan trọng nhất là của các tổ chức đấu tranh Dân chủ trong  nước, tự phát từ 2 năm qua, đang gây nhức nhối cho đảng và nhà nước CSVN.

Bàn đến việc thời gian gần đây nhiều phóng viên đã bị Bộ Công an gọi lên chất vấn về những bài viết của họ liên quan đến các vụ án Tham nhũng, đặc biệt là vụ PMU 18 tại Bộ Giao thông – Vận tải,  Hợp trấn an : “Việc các cơ quan thanh tra điều tra, khi xem xét một vấn đề, mời nhà báo đến để trao đổi về nguồn gốc, mức độ chính xác của thông tin, hãy coi đó là việc bình thường. Chúng ta hiểu biết được đến đâu chúng ta nói đến đó. Các cơ quan điều tra muốn làm rõ cũng là để cho việc xử lý vụ việc sát hơn, chứ không phải là điều gì nặng nề lắm. Tôi nghĩ các phóng viên cũng nên bình tĩnh để cung cấp các thông tin cần thiết cho cơ quan điều tra để xử lý.”

Hỏi : Điều này gây áp lực khá lớn cho phóng viên"
Lê Doãn Hợp:  “ Bất kỳ làm điều gì cũng có 2 mặt. Tôi cũng không nói ngay được vấn đề này mà phải xem mức độ đến đâu, những phóng viên nào cụ thể để tôi có những lời khuyên chính xác hơn. Mọi cơ quan đều có quyền thẩm định của họ, vấn đề là chúng ta tôn trọng sự thật và luôn luôn phải bảo vệ sự thật và đưa đầy đủ những thông tin cần thiết để cho các cơ quan quản lý hiểu tường tận vấn đề. Tôi nghĩ không có gì cản trở nhau cả.”
Nguyên do xung đột giữa phóng viên và Bộ Công an vì nhiều nhà báo đã “tự ý” đi tìm tin đăng trước các cuộc điều tra hay trước khi được nhà nước chính thức công bố nên đã có những người  trong đảng cáo buộc nhà báo “làm lộ bí mật quốc gia” hay “vạch áo cho người xem lưng”  để cho các “thế lực thù địch” lợi dụng  tuyên truyền chống  đảng và nhà nước.
Hồi vụ án Năm Cam còn sôi nổi, Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương  đã ra lệnh cho báo chí không được đăng tin trước khi có thông cáo điều tra chính thức của Bộ Công an.  Lệnh này đã khiến nhiều báo phải ngưng các cuộc  điều tra về sự liên hệ làm ăn và bảo vệ cho băng đảng  Năm Cam của một số viên chức lãnh đạo Nhà nước.
 Hai trường hợp này đã nói lên chủ trương “Báo phải thông tin theo Nhà nước” khi có những tin xấu  không có lợi cho đảng. Và đây cũng là lý do tại sao tệ nạn  tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên vẫn còn tràn lan sau hơn một năm thi hành Luật phòng, chống Tham nhũng.

NGUYÊN NHÂN CÓ CŨI SẮT
Nhưng tại sao đảng CSVN phải cấp thời “khóa miệng” báo chí " Lý do vì trong thời gian gần đây, nhiều cơ quan Báo chí đã tự ý “chệch hướng tư tưởng” làm báo không theo ý đảng, hay có tờ đã nghiêng hẳng sang thương mại kiếm tiền . Thậm chí có báo đã quên cả nhiệm vụ tuyên truyền cho đảng!

Nhân kỷ niệm 82 năm ngày  được gọi là “Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6 -1925 – 21/6-2007)” ,Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí đảng đạ phê bình  báo chí : “ Bên cạnh ưu điểm nổi bật và thành tích to lớn nêu trên, hoạt động báo chí và công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trong những năm qua cũng bộc lộ một số thiếu sót, khuyết điểm cần nhìn nhận đúng, rõ để tập trung sức khắc phục. Một số cơ quan báo chí có biểu hiện coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng, giáo dục của báo chí cách mạng; chưa coi trọng phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, sa đà khi phản ánh các vụ án, mặt tiêu cực, mặt trái của xã hội. Một số cơ quan báo, đài chậm đổi mới về nội dung và hình thức, chưa đủ sức chi phối, định hướng thông tin. Hội Nhà báo Việt Nam chưa tham gia có hiệu quả và việc xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về báo chí; vào việc chỉ đạo, quản lý báo chí. Công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên chưa được tiến hành thường xuyên và hiệu quả.”

Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương cũng hùa theo nhân dịp này : “ Bên cạnh ưu điểm nổi bật và thành tích to lớn đã nêu, hoạt động báo chí và công tác lãnh đạo, quản lý báo chí những năm qua cũng bộc lộ một số yếu kém cần nhìn nhận đúng, tìm giải pháp khắc phục có hiệu quả. Một bộ phận không nhỏ người làm báo, kể cả một số cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về báo chí; chưa thấy rõ và thực thi đầy đủ trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo. Chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, địa phương, đoàn thể mình. Chưa quan tâm đúng mức việc nêu gương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, tạo khí thế, niềm tin để thực hiện các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước.”
Trước đó, ngày 9/5/2007, Ban Bí thư Trung ương  đảng CSVN đã đưa ra Kế hoạch số 03-KH/TW quy định những  “biện pháp tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí” trong giai đọan hiện nay.

Theo chỉ thị này, Ban Tuyên giáo Trung ương có nhiệm vụ : “  Chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Văn hoá - Thông tin (nay gọi là Thông tin và Truyền thông)  và các cơ quan có liên quan xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Ban để chỉ đạo kịp thời, có hiệu lực, hiệu quả việc định hướng chính trị, tư tưởng trong nội dung thông tin trên báo chí cả nước; nhất là đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm về đối nội, đối ngoại.”

“Chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Văn hoá - Thông tin, Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chủ quản báo chí xây dựng, hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo báo chí của Đảng, cơ quan quản lý báo chí của Nhà nước, Hội Nhà báo và các cơ quan chủ quản báo chí trong việc chỉ đạo và quản lý báo chí. Nội dung của Quy chế này gồm: trách nhiệm của các cơ quan trong việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về báo chí; công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí; việc cấp phép, thu hồi giấy phép, đình bản, tăng kỳ, ra thêm phụ san, phụ trương, chuyên san, chuyên đề, mở thêm kênh truyền hình, phát thanh...”

“Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan chủ quản và các cơ quan hữu quan rà soát, kiểm tra, xử lý một số báo, tạp chí, chương trình truyền hình, ấn phẩm phụ, chuyên đề, chuyên trang... xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm Luật Báo chí, để tư nhân núp bóng và một số sai phạm nghiêm trọng về chính trị, tư tưởng trong hoạt động báo chí.”

“Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý báo chí: Quy chế người phát ngôn và cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí; Quy chế thu hồi ấn phẩm, đình bản tạm thời và thu hồi giấy phép hoạt động báo chí; Quy chế cải chính trên báo chí; Quy chế khai thác và sử dụng nguồn tin, Quy chế cấp phép hoạt động báo chí; Thông tư hướng dẫn việc cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo….”

Tất cả những việc làm này  là nội dung công tác của Lê Dõan Hợp trong thời gian tới, đặt dưới sự phối hợp của Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.  Mục tiêu chính của kế hoạch là phải  bảo đảm quyền kiểm soát sát sao của đảng trong  các ngành “ báo chí, xuất bản, phát hành, in ấn, bưu điện, bưu chính và viễn thông.”
Nhưng liệu các biện pháp mới nhằm bóp nghẹt quyền tự do báo chí và ngôn luận có giúp đảng  CSVN tồn tại vững chắn hơn hay đảng này sẽ phải đương đầu với thử thách mới khi những người làm báo  bị dồn vào chân tường " -/-

(08/07)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cờ bạc và lễ hội là một trong những đặc thù của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Xã hội cổ Việt Nam xây dựng trên căn bản nông nghiệp
Chỉ còn hơn một tuần nữa là Đại-hội lần thứ 21 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ sẽ diễn ra từ ngày thứ Sáu 24 đến ngày Chủ-nhật 26/8
Đêm nay, bổng nhiên trong lòng tôi trằn trọc không sao dỗ an giấc ngủ, tôi có cảm giác rạo rực, day dứt, nôn nao
Bạn đã được đọc một bài bài báo rất hay "Người Dân Lớn" của nhà văn Nguyễn Quang Thân, từ báo Thể thao & Văn Hoá trong nước số 90
Lê Phước Tuấn đã thọ án tù kể từ tháng Giêng 2007 vì tội danh hành hung một quan chức tháp tùng trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ
Hội Đồng Bảo An gồm có 15 quốc gia thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực (TVTT) và 10 thành viên không thường trực (TVKTT)
Chính phủ Hoa kỳ, từ thời TT Clinton đến nay, đều chủ trương đối thoại với Việt cộng, không chỉ trong lãnh vực kinh tế
Trong năm nay giới quốc phòng Hoa Kỳ và Âu châu đặc biệt quan tâm đến sự phát triển quân lực của Trung quốc
Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Đảng cộng sản Trung Quốc, mới đây đưa ra đường lối của đảng ấy gồm có 4 điều
Ngày mùng tám tháng Tám vừa qua, Bắc Kinh khởi sự tiến trình "đếm ngược" (count down) tới ngày tám tháng Tám năm lẻ Tám
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.