Hôm nay,  

Sarkozy Dàn Trận

16/11/200700:00:00(Xem: 7317)

Và có thể làm thay đổi nước Pháp...

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là người xông xáo cựa quậy. Và có lẽ bị dư luận ở nhà - và tại Mỹ - coi thường khi tỏ vẻ ngưỡng mộ Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm chính thức vừa qua.

Thật ra, ông là nhân vật cách mạng trong một quốc gia chỉ thích nói về cách mạng.

Cách mạng vì dám nói, và sau đó dám làm những điều đã nói khi tranh cử.

Khi ra tranh cử tổng thống, Nicolas Sarkozzy nói đến nhu cầu cải cách kinh tế và xã hội Pháp, sau khi đắc cử, ông bắt đầu tiến hành việc đó. Tuần này, kế hoạch cải tổ của ông bị các nghiệp đoàn thách đố với hàng loạt những vụ đình công nối tiếp, bắt đầu từ trong ngành giao thông vận tải (xe điện, xe buýt), rồi tiện ích công cộng (điện, ga). Tuần tới sẽ là giáo viên rồi công chức, trong khi hiệp hội sinh viên Unef cũng sẵn sàng nhập cuộc...

Dân Pháp đã quen với những vụ đình công theo mùa như vậy, thường xảy ra sau kỳ nghỉ hè khi chính trường tái nhóm họp và đường phố biến thành chiến trường giữa thành viên nghiệp đoàn, sinh viên, giáo chức,... và nhân viên công lực. Quy luật phổ biến là rốt cuộc chính phủ cũng sẽ nhượng bộ, rút lại những đề nghị cải cách, trong khi nước Pháp lụn bại dần, bị thua sút về cạnh tranh với một tỷ lệ thất nghiệp mấp mé 10%.

Mười hai năm trước, Tổng thống Jacques Chirac cũng tưng bừng khai trương nhiệm kỳ đầu với kế hoạch chấm dứt chế độ ưu đãi công nhân mà nước Pháp thừa hưởng từ sau Thế chiến II. Các nghiệp đoàn lập tức dàn quân ứng chiến và sau mấy tuần hỗn loạn ngoài đường, hàng hoá bị tắc nghẽn, chính phủ của ông đã âm thầm kéo cờ trắng. Tình trạng ấy tái diễn định kỳ và các Thủ tướng Alain Juppé hay Dominique de Villepin đều buông tay lãnh đạn cho thượng cấp.

Nicolas Sarkozy không hèn như Chirac. Ông nhận lãnh trách nhiệm chính trị, đã nói là làm. Ngay từ khi tranh cử, ông đã nói trước là xã hội Pháp phải thay đổi và nếu muốn thay đổi thì dân Pháp hãy bỏ phiếu cho ông. Sau khi thắng cử, ông công khai xúc tiến kế hoạch cải tổ ấy, chứ không lồng việc cải tổ bên dưới những khẩu hiệu mị dân để đạt một vài thành quả biểu kiến. Trong tinh thần ấy, Sarkozy cũng đã khác với Thủ tưởng Lionel Jospin của đảng Xã hội.

Thứ nữa, Sarkozy trực tiếp thi hành việc cải cách chứ không ủy thác cho Chính phủ, hầu nếu có thua thì sẽ cho Thủ tướng Francois Fillon hay các Tổng trưởng liên hệ thủ vai con dê tế thần. Và ông được bầu làm Tổng thống cho một nhiệm kỳ năm năm, mới chỉ khai mạc có năm tháng!

Thật ra, ngay trong từng bước cải cách, Sarkozy vẫn giữ thái độ tương kính và trân trọng với các lãnh tụ nghiệp đoàn. Không coi thường họ, ông sẵn sàng đối thoại, nhưng chẳng nhượng bộ hoặc phục kích họ bằng những đề luật bất ngờ.

Sarkozy đánh bài ngỏ trước sự chứng kiến của công chúng, những người trọng tài chính yếu của trận đấu trí đấu lực này.

Và khác với các vị tiền nhiệm, Nicolas Sarkozy có hy vọng thành công.

Là người thừa kế chủ nghĩa de Gaulle, và lãnh đạo một đảng Gaulliste, Sarkozy đã minh định ngay từ khi tranh cử tinh thần của de Gaulle từ thời thành lập nền Đệ ngũ Cộng hoà là xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền và công nhân.

Vào thời đó, tức là từ sau Thế chiến II, Pháp đã quốc hữu hoá nhiều doanh nghiệp và hệ thống chuyên chở công cộng nằm trong chế độ công quản. Việc giải tư hay tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước và quy chế lao động hay quyền lợi nghiệp đoàn thường do nhà nước và các nghiệp đoàn quyết định, với sự nhượng bộ dễ hiểu của chính quyền.

Sarkozy đề nghị cải thiện mối quan hệ đó theo những hoàn cảnh hiện đại, để nước Pháp giành lại ưu thế trên trường quốc tế - một chủ trương khác của de Gaulle. Ông hiện đại hoá quan hệ đó trong kế hoạch cải cách kinh tế và xã hội của mình. Và mặc nhiên phá vỡ ưu thế về quyền lợi mà các nghiệp đoàn - nhất là giao thông vận tải - đã giành được từ sau Thế chiến II.

Một đề mục tiêu biểu là việc đoàn viên nghiệp đoàn được về hưu với trọn vẹn quyền lợi hưu bổng chỉ sau 37 năm rưỡi lao động - trong khi những người khác cũng ở trong khu vực công thì phải chờ 40 năm. Chế độ ưu đãi ấy khiến nhiều công nhân đã có thể về hưu ở tuổi 55, thậm chí 50, và lãnh trọn vẹn quyền lợi hưu bổng của mình.

Sarkozy tấn công thẳng vào cái thế đặc quyền đó và biết rằng khác với trước đây, giờ này ông có hậu thuẫn của công chúng. Các cuộc khảo sát dân ý đều cho thấy tâm lý dân Pháp đã xoay chiều, ngày càng có nhiều người bất bình với ưu thế của loại công nhân quý tộc và với cái lối bắt bí của nghiệp đoàn. Gần 60% dân Pháp ủng hộ quyết định của Sarkozy - khác hẳn tình hình năm 1995.

Vả lại, nếu so sánh với các xứ khác, như Anh, Đức, hay Hoa Kỳ, tỷ lệ gia nhập nghiệp đoàn tại Pháp thuộc loại thấp nhất, nhưng nghiệp đoàn Pháp lại có ảnh hưởng lớn nhất. Dưới sự điều động của đảng Cộng sản (chỉ còn gần 3% lá phiếu dân chúng trong cuộc bầu cử tháng Sáu vừa qua), nghiệp đoàn CGT là một định chế có thể làm rung chuyển nội các và tê liệt nước Pháp.

Vì vậy, trận thử lửa kỳ này báo hiệu hàng loạt thay đổi trên nhiều lãnh vực khác, từ tư pháp qua lao động, thí dụ như các nghiệp đoàn phải bảo đảm một mức dịch vụ tối thiểu nào đó cho hệ thống chuyên chở công cộng chứ không thể bắt bí cả xã hội với các cuộc đình công của mình.

Nhiều người đã so sánh trận thư hùng này với trường hợp của Thủ tướng Margaret Thatcher với công nhân hầm mỏ tại Anh, hay Tổng thống Ronald Reagan với nghiệp đoàn kiểm soát không lưu tại Mỹ. Phương pháp của Sarkozy có thể uyển chuyển hơn, nhưng ý chí hiển nhiên thì không khác.

Một hồ sơ đáng theo dõi, để xem nước Pháp sẽ chiếm lại tư thế cường quốc như thế nào.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khó ai biết là vì tình hình Iraq thì 10 năm nữa những gì sẽ xảy ra tại Trung Đông. Mười năm về trước, người ta cũng không biết những gì sẽ xảy ra
Khó ai biết là vì tình hình Iraq thì 10 năm nữa những gì sẽ xảy ra tại Trung Đông. Mười năm về trước, người ta cũng không biết những gì sẽ xảy ra
Vào tháng 3 đầu năm nay 2007, một nhóm chuyên gia về giáo dục từ Trường Đại Học Stanford đã phổ biến bản tường trình
Victims Of Communism Memorial Foundation đã  tổ chức lễ trao tặng huy chương Truman-Reagan Freedom 2007
Khó ai biết là vì tình hình Iraq thì 10 năm nữa những gì sẽ xảy ra tại Trung Đông. Mười năm về trước, người ta cũng không biết những gì sẽ xảy ra
Nhân dịp Văn Bút Quốc Tế tổ chức Ngày Thế Giới Đoàn Kết với Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù, thay mặt Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong
Bằng chứng không cần chứng minh nhiều mà chỉ căn cứ vào những lời thú nhận của cán bộ có chức, có quyền từ Nông Đức Mạnh
Sau khi được ngồi vào ghế thành viên bất thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liền lập ngay
Các khoa học gia Hoa Kỳ vừa xác định được trình tự genome (sequencing genome) của loại mèo nhà
Thầy Thích Linh Quang cho biết sẽ rời Quận Cam, Hoa Kỳ để về lại Chùa Linh Sơn ở Nepal vào cuối tháng 12-2007
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.