Hôm nay,  

Nâng Giá Tiền Trung Quốc?

29/07/200300:00:00(Xem: 22867)
Trong tuần qua, các thị trường tài chính quốc tế nói rất nhiều đến việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái đồng bạc Trung Quốc, và cả việc thả nổi đồng bạc gọi là “Nhân dân tệ” hay “Renminbi” của Hoa Lục.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Đài RFA về vấn đề này với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
Hỏi: Tuần qua, các thị trường tài chính thế giới đã tranh luận nhiều về tương lai đồng bạc Trung Quốc là đồng “nhân dân tệ” và nói rộng hơn, về chính sách hối đoái của chính quyền Hoa Lục. Xin ông cho biết trước tiên bối cảnh của cuộc tranh luận.
-- Trung Quốc hiện áp dụng hối suất cố định trong chế độ kiểm soát hối đoái bằng cách ấn định trị giá đồng quan hay nhân dân tệ hoặc Renminbi căn cứ trên đồng Mỹ kim. Một cách cụ thể thì chính quyền Bắc Kinh giàng giá đồng quan vào tiền Mỹ, dù tiền Mỹ có lên hay xuống thì một đô la Mỹ vẫn ăn tám đồng 28 xu, hay đồng nhân dân tệ là một phần 8,28 của một đô la. Từ 19 tháng nay, đồng đô la Mỹ đã tuột giá trên các thị trường hối đoái vì cả hai loại khiếm hụt là bội chi ngân sách và nhập siêu về mậu dịch và vì tiền Trung Quốc giàng giá vào tiền Mỹ nên cũng tuột theo cùng mức độ. Nói khác đi, đồng nhân dân tệ đã được mặc nhiên phá giá để có trị giá thấp hơn thực tế. Nhiều trung tâm nghiên cứu về hối đoái cho rằng thực giá, là trị giá thật, của tiền Trung Quốc hiện cao hơn từ 30 đến 50% so với tiền Mỹ. Vấn đề đang gây sôi nổi trên các thị trường tài chính vì sự khác biệt giữa hối suất chính thức và tỷ giá thực tế và nhiều người đề nghị là chính quyền Bắc Kinh phải nâng giá chính thức, hoặc bãi bỏ luôn chế độ hối suất cố định, nghĩa là thả nổi đồng nhân dân tệ cho lên xuống tự do theo quy luật cung cầu.
Hỏi: Nói vắn tắt thì có nên hay chăng thả nổi đồng nhân dân tệ phải không" Mà vì sao lại có cuộc tranh luận này"
-- Vì hai chiều hướng trái ngược của hai nền kinh tế. Trong khi kinh tế Mỹ bị khiếm hụt mậu dịch ngày một nhiều, vì nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, thì kinh tế Trung Quốc lại đạt mức thặng dư ngày một lớn. Khi tiền Mỹ bị sụt giá vì nạn nhập siêu đó thì đáng lý ra tiền Trung Quốc cũng phải lên giá nhờ sự thặng dư này. Nhưng, nếu đồng nhân dân tệ lại sụt theo tiền Mỹ vì được giàng giá vào đô la Mỹ như hiện nay thì hàng hóa Trung Quốc vẫn thành rẻ hơn một cách bất thường và Trung Quốc được thế cạnh tranh mạnh hơn.
Hỏi: Xin ông trình bày cho lập luận của hai bên, của những người chủ trương giữ nguyên trạng và những người chủ trương phải nâng giá hoặc thả nổi đồng nhân dân tệ.
-- Trước hết, ta nên đặt vấn đề này vào bối cảnh của nó. Tại Hoa Kỳ, giới kinh doanh và xu hướng bảo hộ mậu dịch trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhất là đảng Dân chủ, đều cho là Trung Quốc có lợi thế bất thường nhờ đồng bạc được định giá quá thấp nên có gây áp lực để Bắc Kinh hoặc nâng giá đồng bạc hoặc thả nổi đồng bạc cho gia tăng theo hoàn cảnh mậu dịch của xứ này. Trong một năm tranh cử, chính quyền Mỹ không thể không đếm xỉa gì tới những áp lực đó. Nhiều quốc gia Á châu đang bị điêu đứng vì thế cạnh tranh quá mạnh của Trung Quốc cũng đồng ý với chủ trương này và muốn Bắc Kinh nâng giá đồng bạc. Tại Trung Quốc, nhiều người thì cho rằng điều đó nằm trong âm mưu gây sức ép để Bắc Kinh phải nâng giá đồng bạc và mất lợi thế cạnh tranh về ngoại thương. Cũng cần nói thêm là tại Trung Quốc, tuần qua người ta còn thổi phồng sức ép đó để gây ấn tượng là đồng nhân dân tệ sẽ lên giá trong tương lai hầu đạt kết quả trước mắt là bán ra một số chứng phiếu công ty hoặc cả trái phiếu ngân hàng cho những ai muốn đầu cơ. Sau cùng, phải nói thêm là trong khi các công ty sản xuất Mỹ thì muốn đồng nhân dân tệ phải được nâng giá thì giới tài chính Mỹ lại muốn giữ nguyên trạng vì điều đó có lợi cho nghiệp vụ môi giới về đầu tư của họ, nghĩa là họ bênh vực lập trường của Bắc Kinh. Cho nên trước khi tìm hiểu về lập luận của hai bên, ta cần thấy dù là khái quát động lực tiềm ẩn bên dưới các lập luận trên, kể cả những động lực chính trị.
Hỏi: Xin cám ơn ông, bây giờ ta hãy nói về lập luận của phe đòi nâng giá hoặc thả nổi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

-- Trị giá của một đồng bạc so với một đồng bạc khác mà ta gọi là tỷ giá ngoại hối hay hối suất phải phản ảnh tương quan trao đổi giữa hai nền kinh tế. Khi Trung Quốc bán cho Mỹ ngày một nhiều hơn thì đồng bạc Trung Quốc phải có giá trị cao hơn so với đồng bạc Mỹ. Nay, nếu đồng bạc đó lại được giàng giá vào tiền Mỹ và sụt theo tiền Mỹ thì Trung Quốc mặc nhiên phá giá đồng bạc của mình để ngấm ngầm cạnh tranh, và cạnh tranh một cách bất chính nhờ chế độ hối đoái đó. Thứ hai, và đây là lập luận của xu hướng bảo hộ mậu dịch hoặc chống toàn cầu hóa ở các nước giàu, kể cả ở Mỹ nhất là trong đảng Dân chủ, là khi đồng bạc Trung Quốc được định giá thấp như vậy, nó khiến các doanh nghiệp đóng cửa hãng xưởng ở trong nước để chuyển vốn đầu tư vào Hoa Lục, làm công nhân Mỹ bị mất việc. Thứ ba, chúng ta còn lập luận của xu hướng kinh tế tự do khá phổ thông trong đảng Cộng hòa tại Mỹ, lập luận này rất đáng chú ý nên mình phải phân tách cho kỹ.
Hỏi: Vâng, xin ông nói về lập luận này.
-- Họ cho rằng kinh tế Trung Quốc là loại kinh tế hỗn hợp, “trong bá ngoài vương”, ngoài thì nói là mở cửa theo xu hướng thị trường, bên trong là một chế độ tư bản nhà nước, hoặc tư bản thân tộc là “crony capitalism” kiểu Á châu, dưới chế độ tập trung trá hình. Nhà nước Bắc Kinh vẫn có quá nhiều quyền, kể cả quyền ấn định tỷ giá đồng bạc một cách độc đoán, hoặc đưa ra thông tin thiếu trung thực cho thị trường, lại thường được các định chế tài chính quốc tế phổ biến ra ngoài. Nếu Trung Quốc bãi bỏ chế độ hối đoái cố định và thả nổi đồng bạc thì cả thế giới nhất là các nhà đầu tư sẽ có cơ sở thẩm định tình hình kinh tế Hoa Lục một cách trung thực hơn. Cụ thể là tốc độ tăng trưởng thật có cao như thống kê nhà nước công bố hay chăng, hoặc tình hình lời lỗ của các ngân hàng hay tỷ trọng của các khoản nợ khó đòi hoặc sẽ mất luôn, phải được thấy rõ hơn y hệt như trong các nền kinh tế tự do khác. Dĩ nhiên là vì cả lý do chính trị lẫn kinh tế và cạnh tranh mậu dịch, Trung Quốc chống lại việc thả nổi như vậy, nhưng cũng không thể coi thường áp lực đó khi trở thành một nền kinh tế mạnh, có hơn 400 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ và đòi hội nhập vào kinh tế thế giới...
Hỏi: Và trong chiều hướng này, Trung Quốc cũng được sự hỗ trợ về lý luận của giới tài chính, kể cả các ngân hàng đầu tư Mỹ"
-- Lập luận của thành phần chống thả nổi này cũng có vẻ thuyết phục lắm. Thứ nhất, họ cho rằng ai muốn Bắc Kinh thả nổi đồng bạc là có tinh thần bài bác Trung Quốc. Về chuyên môn, họ cho là nếu tính gộp số nhập siêu của cả Hoa Lục lẫn Hong Kong thì số đó không nhiều, tổng cộng có gần 100 tỷ trong 10 năm qua và thặng dư mậu dịch của Trung Quốc sẽ không kéo dài mãi mãi. Thứ hai, vì mức sống dân cư Hoa Lục còn quá thấp, nếu nâng giá nhân dân tệ thì ta sẽ có nạn giảm phát. Thứ ba, nếu kinh tế cứ tăng trưởng là đồng bạc lại lên giá thì các nước nghèo sẽ khó bắt kịp các nước giàu. Thứ tư, nếu tình hình tiền tệ mà được ổn định là điều chính quyền Bắc Kinh đang muốn làm, dù làm chưa nổi, thì ta khỏi cần đụng tới lãnh vực hối đoái, tức là nâng hối suất. Thứ năm, vì Hoa Lục đang cung cấp hàng hóa cho nhiều thị trường trên thế giới, nên sự ổn định hối suất như hiện nay sẽ tránh được nguy cơ khủng hoảng hối đoái. Và sau cùng, Trung Quốc cũng bắt đầu gặp rủi ro đầu cơ nên thả nổi đồng bạc hoặc nói đến việc nâng giá đồng bạc sẽ gây nguy cơ khủng hoảng. Dĩ nhiên, ta phải nói là các lập luận này đều bênh vực lập trường của Bắc Kinh và nếu giới tài chính Mỹ có nêu ra mấy lập luận đó thì cũng vì họ có lợi nhờ chế độ hối đoái hiện tại, tức là ta cũng nên biết trừ hao những yếu tố thật giả bên trong.
Hỏi: Câu hỏi cuối vẫn thiên về Việt Nam, ông nghĩ là chế độ nào sẽ có lợi nhất cho kinh tế Việt Nam"
-- Vì quyền lợi riêng của họ, tôi không mấy tin vào lý luận của giới tài chính nhằm bảo vệ hiện trạng hối đoái của Trung Quốc, trong đó có nhiều điều mâu thuẫn với nhau. Nhìn trong viễn ảnh dài thì sẽ có lúc Trung Quốc phải ngả theo chiều hướng chung là áp dụng chế độ hối suất linh động hơn, để phản ảnh trung thực hơn quy luật cung cầu; nếu không dám thả nổi thì cũng phải có điều chỉnh trong một biên độ nào đó như Việt Nam. Và sự điều chỉnh này, cụ thể là nâng cao trị giá đồng bạc như áp lực đang có bây giờ, là điều có lợi cho Việt Nam vì giảm bớt cái thế cạnh tranh quá mạnh hiện nay của Trung Quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1972, trong đêm lửa trại của học sinh liên trường tại Quy Nhơn tổ chức tại Sân Vận Động thị xã, Việt Cộng đã ném lựu đạn giết chết 14 học sinh
Trên thế gian nầy, ngoại trừ các bậc hiền thánh, những bậc quên mình vì người, không ai không nghĩ đến và thương yêu chính bản thân mình
Thời còn đi học, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những truyện lịch sử truyền thống Việt Nam, chỉ quan niệm các vị anh hùng phải là thuộc giai tầng ưu tú xã hội
Tạp chí Cộng sản số 11 đăng bài viết của tác giả Trần Duy Hương vu khống, xuyên tạc cuộc đấu tranh của chúng ta, quy kết những nhà đấu tranh cho Dân chủ
Tất cả chúng ta đều mong ước sống trong một thế giới an lạc và hạnh phúc hơn. Nhưng nếu chúng ta muốn biến nó trở thành hiện thực
Phương pháp luyện lực gTum-mo của truyền thống Tây Tạng đã được nhóm nghiên cứu ngành y khoa của đại học Harvard khảo sát tận nơi
Cảm ơn trang mạng tuyệt vời của quý vị, luôn cập nhật kịp thời mọi tình huống Phật giáo đang xảy ra khắp nơi trên thế giới.
Benazir Bhutto đã thoát chết trong vụ mưu sát tối 18 tháng 10 tại Karachi của xứ Pakistan. Dư luận được biết như vậy về một đòn khủng bố tự sát
Trước sự kiện các nhà dân chủ Trung quốc, đối lập với chế độ độc đảng hiện hành ở trung Quốc do Mao dựng lên, đang khẩn trương đưa nội dung cuốn sách
Ta phải nhận thức rõ ràng là mọi người mà ta tiếp xúc đều giống như ta trên nguyên tăc căn bản:  họ muốn được hạnh phúc.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.