Hôm nay,  

Cô Đơn Dưới Đáy

14/12/200600:00:00(Xem: 9237)

Cô Đơn Dưới Đáy

Hoa Kỳ là siêu cường cô đơn - bị cô lập...

"Hội chứng Tiêu Bán Sơn" là tâm lý trống vắng của một người hết còn kẻ thù truyền kiếp nên hết cả lẽ sống. Hiện tượng ấy được Kim Dung minh diễn trong bộ võ hiệp "Thiên Long Bát Bộ", qua mối cừu thù trải dài máy chục năm giữa hai nhân vật Mộ Dung Bác và Tiêu Bán Sơn, phụ thân của Tiêu Phong (hay Kiều Phong).

Khi một nhà sư không tên áo xám tung chưởng giết chết Mộ Dung Bác, Tiêu Bán Sơn bỗng thấy nhẹ người, nhưng lại thê lương trống trải. Và tự hỏi là từ nay mình sống để làm gì….

Đó là truyện lãng mạn trong văn chương hư cấu.

Chuyện thực tế trong chính trị toàn cầu thì Hoa Kỳ không kịp thấy mình cô đơn trống vắng sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ vào cuối năm 1991. Thê thảm hơn, dường như chính người Mỹ ưu tú cũng không biết!

Thời ấy, Cố vấn An ninh của Tổng thống George H. Bush (ông Bush 41) là Brent Scowcroft đã chợt nghĩ ra nhãn hiệu "Trật tự mới của Thế giới" (New World Order) dán lên một cái chai rỗng mà thực ra chưa biết trong chai sẽ chứa những gì. Ông cựu Thiếu tướng Không quân này thuộc trường phái thực tiễn - và chống chủ trương hữu vi hiện nay của Tổng thống George W. Bush -  nhưng thiếu viễn kiến và chẳng biết cái trật tự mới đó là thế nào.

Học giả Francis Fukuyama, một giáo sư Đại học, thì vẽ ra một viễn ảnh hào hùng hơn: "Lịch sử Cáo chung" (the End of History). Lấy cảm hứng từ lý luận Hegel sau khi triều đại Napoléon sụp đổ và các cuộc chiến Âu châu kết thúc, Fukuyama nói đến sự thắng thế tất yếu của chủ nghĩa tư bản và tư tưởng dân chủ trên toàn cầu. Từ đấy, thiên hạ thái bình và chẳng còn cuộc tranh luận nào là đáng kể nữa.

Là một trí thức siêu hạng và chính khách đại tài, Tổng thống Bill Clinton lên nhậm chức từ năm 1993 thì không lý gì đến những khái niệm trừu tượng hay phạm trù uyên áo như vậy. Chẳng khác gì chàng Xuân tóc đỏ đú đởn với bà Phó Đoan hay dợt banh với cô Tuyết trong truyện Vũ Trọng Phụng, ông Clinton rong chơi trong lịch sử.

Khi thì vụt banh qua Bosnia, khi ngỏn ngoẻn hòa giải Israel với Palestine, khi rót đạn vào Kosovo, vì lý do nhân đạo hơn là quyền lợi, ông Clinton đã có tám năm bình an.

Thế giới tưởng như vậy. Dân Mỹ cũng nghĩ như thế. Từ nay Hoa Kỳ là một siêu cường không đối thủ, có thể ban phát đây đó cho nhân lại vài ba cử chỉ hào hiệp và hiếu hòa…

Thật ra, 10 năm sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, thế giới đã có những thay đổi mãnh liệt hơn nửa thế kỷ chiến tranh nóng lạnh trước đó. Và George W. Bush đang lãnh di sản này, mà không biết. Hoặc chưa biết làm sao…

Sau khi Thế chiến II kết thúc năm 1945, thế giới không bị thế chiến hay đại chiến, điều hãn hữu nếu ta nhớ lại chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870 rồi Thế chiến I năm 1914 qua Thế chiến II năm 1939. Trong giai đoạn gọi là Chiến tranh lạnh ấy, chỉ có vài ngoặc đơn không đáng kể cho các sử gia và trí thức Tây phương, là Cách mạng tại Liên Xô, Trung Quốc hay chiến tranh tại Cao Ly, Việt Nam hoặc đàn áp tại Đông Âu khiến mấy chục triệu người mất mạng.

Ít ra thì không có bom nguyên tử và kinh tế thị trường cùng chính trị dân chủ bành trướng khắp nơi. Thiên hạ quả là thái bình và thịnh vượng hơn trước, với tốc độ chưa hề thấy trong lịch sử. Francis Fukuyama có lạc quan kết luận như trên thì cũng hiểu được nên người ta tạm quên những ngoặc đơn u ám đã thấy trong thế giới cộng sản hay vùng tiếp cận với cuộc cách mạng vô sản hoang tưởng và điên khùng đó - như tại miền Nam Việt Nam.

Suốt nửa thế kỷ "hoà bình" này, Hoa Kỳ là siêu cường có khả năng đối đầu và đối thoại với Liên xô trong khi mở rộng ảnh hưởng gọi là "ổn định" trên thế giới.

Những quốc gia áp dụng quy luật kinh tế tự do thì phát đạt rất nhanh và chuyển dần qua chính trị dân chủ. Họ làm nên phép lạ kinh tế dưới cái dù nguyên tử của Mỹ. Khi Liên xô tự sụp đổ dưới sức nặng tai hại của chủ nghĩa cộng sản, Hoa Kỳ và các nhà lý luận lạc quan của Tây phương bèn kết luận là chủ nghĩa tư bản đã đại thắng.

Kể từ nay, cứ làm như Mỹ là sẽ thành công, những dị biệt trong cách thi hành chỉ là tiểu tiết.

Người ta, từ Scowcroft tới Fukuyama hay Clinton và rất nhiều chiến lược gia uyên bác khác đã không lường ra một sự thể bi đát hơn kể từ khi "lịch sử cáo chung".

Ấn Độ, Pakistan rồi Bắc Hàn và Iran nay đã hoặc sắp có võ khí nguyên tử, chưa kể Israel, qua  lời tiết lộ cố tình vụng về của Thủ tướng Ehud Olmert vào tuần qua. Võ khí tàn sát ấy đang được phổ biến khắp nơi và sẽ có ngày rơi vào tay quân khủng bố. Mà Hoa Kỳ không thể làm gì được để ngăn ngừa.

Võ khí ấy càng dễ phổ biến khi hai nước cừu thù của Hoa Kỳ là Trung Quốc và Liên bang Nga góp phần quảng bá hoặc cản trở nỗ lực gián chỉ của Hoa Kỳ. Hiện tượng ấy bị chìm trong một trào lưu khác: được giải phóng khỏi nỗi lo đại chiến sau khi Liên xô tan rã, các đồng minh cố hữu của Hoa Kỳ đi tìm lấy một định mệnh riêng của mình, trên lưng nước Mỹ.

Từ Pháp tới Nam Hàn, từ Đức, Ý tới Mexico hay Brazil, xứ nào cũng sẵn sàng gióng lên tiếng nói khác và ngược với Mỹ. Liên hiệp quốc trở thành một diễn đàn chống Mỹ gay gắt nhất, với sự cổ võ của truyền thông Mỹ, ở dòng chính lưu.

Sau 15 năm suy sụp, Liên bang Nga đang tự khẳng định lại tư thế đại cường bằng cách gây rối cho Hoa Kỳ trên từng hồ sơ quốc tế, từ Georgia qua Ukraine tới Iran. Sau 25 năm được Hoa Kỳ giải vây và nâng đỡ, Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế và mở rộng ảnh hưởng qua Phi châu và Nam Mỹ. Cường quốc này còn muốn trở thành đại cường hải dương có khả năng thách thức Hoa Kỳ trên Thái bình dương. Con con như Venezuela cũng ngồi trên giếng dầu quảng bá tư tưởng chống Mỹ tại Tây bán cầu, có khi còn kín đáo giúp cho quân khủng bố có giấy tờ giả để cùng đoàn di dân nhập lậu vào Mỹ

Trong lịch sử rất mỏng của mình, chưa khi nào ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ lại gặp nhiều trở lực như ngày nay. Thậm chí, chưa khi nào khuynh hướng tự cô lập của Hoa Kỳ lại thắng thế như vậy ở trong nước.

Bên trong, nước Mỹ lạc quan và phóng túng không cần nhìn vào sổ sách kế toán và nhân khẩu của mình: ngân sách bị bội chi, ngoại thương bị nhập siêu, quỹ An sinh Xã hội có ngày phá sản, chế độ bảo hiểm y tế sẽ bị khủng hoảng. Trong khi ấy, dân Mỹ tranh luận về chuyện hôn nhân đồng tính hoặc phá thai và không nên can thiệp quá nhiều vào chuyện thế giới.

Giới trẻ tại Mỹ, thế hệ 18-25 tuổi đang nhìn qua hướng khác. Đa số chỉ quan tâm đến sở thích phù du hay lý tưởng của mình và không muốn nước Mỹ lý vào chuyện thiên hạ.

Vụ khủng bố 9-11 năm 2001 là biến cố đánh thức nước Mỹ, rằng thời "lịch sử cáo chung" cũng mở ra một kỷ nguyên mới, một không gian chưa định hình, một đại dương không có hải đồ. Chính quyền Bush và giới lãnh đạo tư tưởng của Hoa Kỳ có thể thấy đó là cơ hội vạch ra những lý luận hay tư tưởng giải thích cho "một trật tự mới", một "thiên hạ đại thế" khác.

Hoặc những lý do hợp tình để Hoa Kỳ đảm nhiệm vai trò của một đế quốc có từ tâm. Nhưng cuối cùng thì Chính quyền Bush tuột xích và đổ dốc.

Chỉ năm năm sau đó thôi, Hoa Kỳ đã thấy mình cô đơn, không phải trên đỉnh mà dưới đáy.

Ảnh hưởng quốc tế của đệ nhất siêu cường này bị ngăn chặn hay thách thức ở khắp nơi. Kinh hãi hơn vậy, thế giới dễ dàng thông cảm với quân khủng bố, Sunni hay Shia, Hezbollah hay Hamas, Iran hay Syria. Mà sẵn sàng kết tội Hoa Kỳ về mọi tai họa của nhân loại, từ chuyện khủng bố đến nhiệt hoá địa cầu. Cử tri Mỹ cũng phản ứng như vậy trong cuộc bầu cử vừa qua. Dân chủ chính trị và tự do mậu dịch cho thế giới nghèo đói chỉ là chuyện hão huyền, không đáng kể. Mối nguy bị khủng bố cũng vậy!

Ông Bush còn hai năm để tìm ra một hướng khác cho nước Mỹ - là điều rất khó sau 15 năm ngủ quên trên đỉnh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Việt Minh thừa cơ nước đục thả câu phục kích đám tàn quân Pháp chạy trốn sang Tầu tịch thu được nhiều súng đạn
Tôi thực sự không thoải mái khi thấy ông Scott Marciel, Phụ tá Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao đặc trách về Đông Á phát biểu trong cuộc điều trần trước Tiểu ban
Người Ý vốn nổi tiếng là có máu nghệ thuật cao, từ văn chương, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, đến âm nhạc... Ai có dịp qua Ý thăm các kho tàng nghệ thuật đều để ý
Mục đích cuối cùng của những người thực hành theo Phật giáo là đạt đến quả vị hoàn toàn giác ngộ và thấu suốt mọi sự vật của một đức Phật.
Tôi ngồi lặng lẽ, nhìn những lá phong vàng sậm và đỏ ối, âm thầm rơi trong không gian tinh mơ quanh khu nhà quàn
Thời sinh viên, một buổi tối có người đến ký túc xá tìm tôi và tỏ ý muốn tìm hiểu về đời sống ở Việt Nam
Trong một bài báo hôm qua, 29-11-2007, với tựa đề "Nhà cầm quyền CSVN bị kẹt giữa đàn áp và cải tổ"
Như dư luận đã biết: Kể từ đầu tháng 11/2007 đến nay đồng bào dân oan các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ
Tại Việt Nam chỉ có một nghề duy nhất được vinh danh hai lần trong một năm đó là: Nghề đi dạy! Ngoài ngày Hiến Chương Nhà Giáo 20/11
Tổng thống George W. Bush có thể đã hoàn lương và... thọ giới tửu. Từ hai chục năm nay, ông không uống rượu nữa. Cho nên, tối 27 ông không uống rượu ăn mừng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.