Hôm nay,  

Tại sao tổng thống Hoa Kỳ được phép ân xá cho bất kỳ ai – kể cả tội phản quốc?

14/08/202320:43:00(Xem: 2286)
ân xá trump
Đặc quyền ân xá của tổng thống Hoa Kỳ có một bề dày lịch sử phong phú về những nhân vật được ân xá và không ít tranh cãi xoay quanh. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)

 

Cụm từ ‘quyền ân xá của tổng thống’ một lần nữa xuất hiện trên các trang tin tức khi cựu tổng thống Donald Trump – và là ứng cử viên tổng thống của GOP năm 2024 – đang ‘dây dưa’ với bản cáo trạng liên bang thứ ba cáo buộc ông can thiệp bầu cử, và bản cáo trạng thứ tư vừa được đưa ra tối nay ngày 14 tháng 8 liên quan đến âm mưu can thiệp bầu cử tổng thống ở tiểu bang Georgia.

Đây là lần thứ tư vị cựu tổng thống bị truy tố hình sự, và là lần thứ nhì bị truy tố liên quan đến âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống 2020 mà ông đã chính thức thua Ông Joe Biden. Sau hơn hai năm điều tra, đại bồi thẩm đoàn Fulton County đưa ra bản cáo trạng, sau cú điện thoại mà ông Trump, lúc đó còn là tổng thống, gọi cho ông Brad Raffensperger, bộ trưởng Hành Chánh tiểu bang, người phụ trách bầu cử ở Georgia, vào ngày 2 Tháng Giêng, 2021, ông Trump nói ông Raffensperger giúp “kiếm 11,780 lá phiếu” cần thiết để ông thắng ông Biden sau khi ông thua phiếu.

Với các bản cáo trạng liên bang và tiểu bang hiện nay, câu hỏi đặt ra là nếu tái đắc cử, liệu Trump có thể tự ân xá cho mình? Hay sẽ có một vị tổng thống khác lên và ân xá cho ông, như Gerald Ford từng làm với Richard Nixon?

 

Quyền ân xá của tổng thống Hoa Kỳ cũng lâu đời như Tòa Bạch Ốc; và những tranh cãi xoay quanh đặc quyền này cũng lâu đời cỡ đó. Dù quyền ân xá của tổng thống có một bề dày lịch sử phong phú về những nhân vật được ân xá gây tranh cãi, nhưng vẫn có một kiểu ân xá mà chưa có tổng thống Hoa Kỳ nào từng thử: tự ân xá cho bản thân.

 

Tại sao tổng thống có đặc quyền ân xá?

 

Tại Hội Nghị Lập Hiến (Constitutional Convention) năm 1787, Alexander Hamilton đề nghị rằng tổng thống Hoa Kỳ nên có đặc quyền ân xá hoặc giảm án cho những người đã phạm tội, với lời giải thích rằng ân xá có thể giúp “khôi phục sự yên bình của khối thịnh vượng chung” trong thời loạn. Đây không phải là một khái niệm mới lạ: Luật pháp Anh từ lâu cũng đã trao cho các vị vua, nữ hoàng của họ các đặc quyền riêng.

 

Hầu hết những người tham gia soạn thảo Hiến pháp đã đồng ý với Hamilton. Article II của Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho tổng thống “đặc quyền ban hành các lệnh khoan hồng và ân xá cho các hành vi phạm tội.” Nhưng có một ngoại lệ được liệt kê trong Hiến pháp, đó là các tổng thống không được sử dụng quyền khoan hồng của mình để giúp bản thân hoặc những người khác tránh bị Quốc Hội luận tội.

 

Đặc quyền ân xá của tổng thống có bốn loại, chỉ áp dụng cho tội phạm cấp liên bang, chứ không có hiệu lực ở cấp tiểu bang. Tổng thống có thể ban hành lệnh ân xá để xá tội toàn bộ tội trạng, rút ngắn hoặc giảm nhẹ bản án hình sự, phóng thích một người khỏi các nghĩa vụ pháp lý (như nộp phạt để được giảm án) hoặc trì hoãn thi hành một bản án, được gọi là hoãn thi hành án.

 

Quyền ân xá gần như vô hạn của tổng thống Hoa Kỳ là vấn đề gây tranh cãi đến mức nó khiến cho George Mason, đại diện cho Virginia, quyết định không ký vào Hiến pháp vì lo sợ chính phủ liên bang sẽ có quyền lực quá mạnh mẽ. George Mason cảnh báo rằng nếu tổng thống có quyền ân xá cho những kẻ phản quốc, họ “có thể lợi dụng nó một cách nguy hiểm,” ân xá cho những tội ác mà chính họ cũng là đồng phạm. Mason tin rằng điều này có thể khiến cho nền cộng hòa sụp đổ.

 

Những lệnh ân xá đầu tiên

 

Và hóa ra, những lệnh ân xá của tổng thống đầu tiên đã ban phát sự khoan hồng cho những kẻ phạm tội phản quốc. Năm 1795, Tổng thống George Washington ân xá cho hai người đàn ông đã tổ chức Whiskey Rebellion năm 1794, một cuộc nổi dậy ở miền tây Pennsylvania để chống lại khoản thuế liên bang đánh vào rượu mạnh; phải mất 13,000 dân quân mới dập tắt được cuộc nổi dậy này. Năm 1797, vào ngày cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai, Washington đã ân xá cho người cuối cùng trong số những người tham gia Whiskey Rebellion, với “mong muốn làm cho luật pháp vừa có tình vừa có lý.”

 

Rồi truyền thống ân xá cho những kẻ nổi loạn và những nhân vật gây chia rẽ vẫn cứ tiếp nối qua nhiều năm. Sau cuộc bầu cử năm 1800, Thomas Jefferson đã ân xá cho tất cả những người bị kết án theo Sedition Act of 1798, đạo luật được thông qua trong nhiệm kỳ của tổng thống tiền nhiệm, quy định rằng việc bôi nhọ chính phủ là bất hợp pháp.

 

Cũng có một lệnh ân xá của tổng thống bị chính người được ân xá từ chối. Năm 1833, Tổng thống Andrew Jackson ân xá cho George Wilson, bị kết án tử hình vì tội cướp thư của Hoa Kỳ và khiến tính mạng của người đưa thư gặp nguy hiểm. Không biết vì lý do gì, Wilson đã từ chối lệnh ân xá. Vụ việc đã được Tối Cao Pháp Viện xét xử, phán quyết rằng Wilson có thể từ chối lệnh ân xá. Sau đó, Wilson đã bị treo cổ.

 

Ân xá hàng loạt

 

Năm 1862, Abraham Lincoln đã ban hành một lệnh ân xá làm dấy lên nhiều tranh cãi: ân xá cho 265 người đàn ông Dakota ở Minnesota khỏi bị xử tử. Bị vi phạm hiệp ước và phải chịu đói khổ triền miên, những người đàn ông này đã cố gắng đánh đuổi những người định cư gốc da trắng ra khỏi vùng đất tổ tiên của họ. Họ đã phóng hỏa các khu định cư và sát hại thường dân. Với khoảng 600 đến 700 người định cư bị giết, đây là vụ thảm sát tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Không chỉ vậy, còn có hơn 500 người bản địa bị giết để trả thù.

 

Quyết định ân xá của Lincoln không được ủng hộ về mặt chính trị. Nhưng Lincoln thấy kinh hoàng trước những phiên tòa bất công và thiếu chuyên nghiệp khiến cho nhiều người vô tội bị kết án. Lincoln đã nói rằng ông “không thể treo cổ người ta để lấy phiếu bầu.” (Dù vậy, vẫn có 38 người không được ân xá và bị treo cổ trong năm 1862. Đây là vụ hành quyết hàng loạt lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ).

 

Sau Cuộc Nội Chiến năm 1865, người kế vị của Lincoln, Andrew Johnson, đã gây nhiều tranh cãi hơn nữa khi đề nghị ân xá cho toàn bộ cựu quân nhân của Liên minh miền Nam (Confederates), trừ những người đã đích thân giúp dàn dựng cuộc ly khai của miền Nam và cuộc chiến chống lại Liên bang. Nói là làm, Johnson bắt đầu thực hiện quyền khoan hồng của mình, ân xá cho gần như toàn bộ các cựu quân nhân của Liên minh miền Nam.

 

Johnson đã ân xá cho tới 90% số người nộp đơn, tổng cộng hơn 13,000 người, bao gồm nhiều viên chức cấp cao của Liên minh miền Nam. Đến năm 1867, sử học gia Jonathan Truman Dorris viết, Johnson đã ân xá cho “86 thành viên Hạ Viện của Quốc hội Liên minh miền Nam, và con số thành viên thượng viện được ân xá còn nhiều hơn vậy. Và có lẽ còn có thêm khoảng hơn chục thống đốc Liên minh miền Nam.” Nhiều người trong số đó sau này đã tham gia đặt nền móng cho Jim Crow, các luật lệ kỳ thị được thiết kế để tái thiết lập hệ thống phân cấp chủng tộc tàn bạo trong Liên minh miền Nam trước đây.

 

Augustus Hill Garland, cựu TNS và luật sư của Liên minh miền Nam, là một trong những người được ân xá năm 1865, nhưng vẫn bị tước giấy phép hành nghề luật sư theo một đạo luật được thông qua cùng năm. Augustus Hill Garland đệ đơn kiện lên TCPV, lập luận rằng ông ta đúng ra không bị tước giấy phép luật sư vì đã được xóa sạch tội trạng. Các thẩm phán đã đồng ý, và trong phán quyết, họ thừa nhận quyền hạn vô biên của tổng thống trong việc ban hành các lệnh ân xá – bao gồm cả quyền ban hành lệnh ân xá cho một người trước khi người đó bị buộc tội.

 

‘Ân xá phủ đầu’

 

Quyền ‘ân xá phủ đầu’ đã bị thử thách trong lần ân xá gây tranh cãi nhất của Hoa Kỳ – ân xá cho một cựu tổng thống. Vào tháng 9 năm 1974, một tháng sau khi Tổng thống Richard Nixon từ chức do vụ bê bối Watergate, người kế nhiệm là Gerald Ford đã ân xá vô điều kiện cho Nixon về mọi tội trạng mà cựu tổng thống có thể đã phạm phải.

 

Dù Nixon chưa chính thức bị buộc tội với bất kỳ tội danh nào, nhưng giờ ông đã là một công dân bình thường và có thể bị truy tố vì dính líu đến việc che đậy âm mưu giám sát trụ sở của Democratic National Committee. Ford, từng là phó tổng thống của Nixon, tin rằng quốc gia sẽ không thể chịu đựng được sự chia rẽ của một phiên tòa hình sự xét xử một vị tổng thống đã từ chức. Nhưng quyết định của Ford đã phản tác dụng, khiến cho cả công chúng và Quốc Hội phản ứng dữ dội, và được cho là đã khiến ông phải trả giá bằng cả sự nghiệp chính trị của mình.

 

Sau lệnh ân xá dành cho Nixon là một lệnh ân xá phủ đầu khác. Tháng 1 năm 1977, vào ngày đầu tiên Jimmy Carter nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, ông đã ban hành lệnh ân xá vô điều kiện cho hầu hết những người trốn quân dịch trong Chiến tranh Việt Nam, kể cả những người chưa bị truy tố. Dù lệnh ân xá này là một nỗ lực để hàn gắn những rạn nứt sâu sắc do chiến tranh gây ra, nhưng cũng đã bị các nhóm cựu chiến binh lên án.

 

Tổng thống có thể tự ân xá bản thân không?

 

Khi nói đến đặc quyền ân xá của tổng thống, chỉ có một khía cạnh thực sự chưa từng được thử qua: liệu một tổng thống có thể ân xá cho chính mình hay không?

 

Vấn đề đang được tranh luận sôi nổi giữa các học giả pháp lý vì nó chưa từng có tiền lệ. Không có điều lệ, quy định nào trong Hiến pháp ngăn cản việc tổng thống tự ân xá – hoặc không cho phép một tổng thống tạm thời từ chức, để cho phó tổng thống lên giữ quyền tổng thống rồi ban hành lệnh ân xá cho mình.

 

Một số học giả pháp lý lưu ý rằng việc Hiến pháp không có quy định cụ thể để chống lại việc tự ân xá có thể được hiểu là tổng thống có quyền tự ân xá.

 

Tuy nhiên, một số ý kiến khác thì cho rằng tự ân xá vốn là bất hợp pháp rành rành, bởi vì Hiến pháp có cấm một người tự xét xử chính mình. Ý kiến đó được chia sẻ bởi cựu phó bộ trưởng tư pháp Mary C. Lawton, ông đã nghiên cứu vấn đề này theo lệnh của Nixon năm 1974. Nếu một tổng thống được phép tự ân xá, nó có thể sẽ châm ngòi một vụ kiện, giải quyết dứt điểm những tranh cãi về vấn đề này.

 

Mà cuối cùng, nếu một tổng thống có tự ân xá cho bản thân đi nữa, nó cũng chẳng ngăn được tất cả nguy cơ bị truy tố. Bởi vì đặc quyền ân xá của tổng thống chỉ áp dụng đối với tội phạm cấp liên bang, các tiểu bang vẫn có thể đưa ra các cáo buộc hình sự đối với những người được liên bang ân xá – bất kể họ là ai.

Vì vậy, có một khả năng rõ ràng là Donald Trump nếu có đắc cử Tổng thống ngay cả khi bị kết án liên bang, sau đó có thể cố gắng tự ân xá cho bản thân, vẫn có thể phải vào nhà tù Georgia nếu ông ấy bị kết án ở một bang mà ông ấy không thể tự ân xá cho bản thân, cùng với 19 đồng phạm.

 

Nguyên Hòa biên dịch và tổng hợp

Theo bài “Why are U.S. presidents allowed to pardon anyone—even for treason?” của Erin Blakemore, được đăng trên trang NationalGeographic kết hợp với tin cập nhật AP,  tối thứ Hai 14 tháng 8.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà xuất bản Người Việt Books giới thiệu tập Ký (xuất bản năm 2018) của Đinh Anh Quang Thái “như nén hương lòng thắp tạ những nhân vật của một thời”: Hồ Hữu Tường, Hoàng Cơ Trường, Trần Văn Bá, Nguyễn Tất Nhiên, Như Phong Lê Văn Tiến, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Chí Thiện, Đoàn Kế Tường, Nguyễn Ngọc Bích, Bùi Bảo Trúc, Trần Hồng Hà…
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Joe Biden từ ngày 10 đến 11 tháng 9 nhằm nâng quan hệ ngoại giao hai nước lên cấp “chiến lược” là hành động chinh trị giúp các nước Á Châu và Thái Bình Dương an tâm, nhưng sẽ khiến Trung Quốc nhăn mặt...
Sau khi Trung Quốc gia nhập kinh tế thế giới vào năm 1978, đất nước này đã trở thành câu chuyện tăng trưởng ngoạn mục nhất trong lịch sử. Cải cách nông nghiệp, công nghiệp hóa, thu nhập gia tăng đã đưa gần 800 triệu người lúc đó thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực. Sản xuất chỉ bằng 1/10 so với Hoa Kỳ vào năm 1980, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay có quy mô bằng khoảng 3/4. Tuy nhiên, thay vì quay trở lại con đường tăng trưởng sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) từ bỏ chính sách “Zero-Covid” vào cuối năm 2022, nó lại đang có triệu chứng chao đảo từ bờ mương này sang bờ mương khác.
Tới cuối thế kỷ, cũng từ Hải Phòng, Việt Nam lại phát động một phong trào Đông Du khác, ngó bộ rầm rộ và khí thế hơn nhiều. Đợt này thì Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia (Hà Nội) chưa kịp cập nhật, tôi cũng chỉ biết được (phần nào) là nhờ nghe qua nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ông kể lại mẩu chuyện nhỏ của một vị bác sĩ, một ông công nhân và một chàng thủy thủ – cả ba đều là nhân viên thuộc công ty Liên Hợp Hải Sản Biển Đông – và chuyến Đông Du ngắn ngủi của họ (vào năm 1990) khi Nhà Nước Việt Nam vừa quyết định mở cửa ra với thế giới bên ngoài
Việt Nam cãi lý rằng “quyền con người không thể cao hơn chủ quyền”, nhưng lợi dụng “chủ quyền” để đàn áp dân chủ và xây dựng chế độ độc tài một đảng cầm quyền là chống lại quyền làm người của công dân...
Chuyện gì phải xảy ra, đã xảy ra. Hôm thứ Tư 23/8 vừa qua, chiếc phi cơ phản lực chở Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu công ty quân sự tư nhân Wagner, cùng bộ chỉ huy của ông ta đang trên đường từ Moskva đi St. Petersburg (nơi đặt đại bản doanh của Wagner) phát nổ trên không trung, và tất cả mọi người trên phi cơ, kể cả phi hành đoàn, đều tử nạn...
Trong phần lời tựa của cuốn Bố Già, bản Việt ngữ, dịch giả Ngọc Thứ Lang còn cho biết thêm đôi điều lý thú khác nữa: “Nhiều tư liệu gần đây về Mafia và ‘The Godfather’ cho chúng ta biết rằng nhân vật ‘Bố Già’ ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh quan trọng đầu tiên của giới Mafia Ý di cư sang Mỹ. Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, ‘Bố Già’ gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là ‘Mafia’ theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.”
Sau 11 năm chống Tham nhũng, Tiêu cực (2012-2023), tình trạng suy thoái tư tưởng và đạo đức lối sống trong cán bộ đảng viên, nguyên nhân đẻ ra tham nhũng, vẫn nghiêm trọng, lan rộng và tinh vi trong mọi lĩnh vực...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với ông Lê Nguyễn, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch Sử độc lập, cựu Phụ tá Tỉnh trưởng đặc trách Phát triển Kinh tế dưới thời VNCH, hiện đang cư ngụ tại Sài Gòn...
Trong lá thư xuất hiện trên mạng thông tin xã hội của cựu tổng thống Barrack Obama, ngày 17 tháng 7 năm 2023. Ông viết: “Ngày nay, một số cuốn sách đã định hình cuộc đời tôi—và cuộc đời của rất nhiều người khác—đang bị thách thức bởi những người không đồng ý với những ý tưởng hoặc quan điểm nhất định. “Không phải ngẫu nhiên mà những ‘cuốn sách bị cấm’ này thường được viết bởi hoặc có hình ảnh của người da màu, người bản địa và các thành viên của cộng đồng LGBTQ+…” (Trích một đoạn.) (*) Chuyện cấm một số sách mỗi năm không được tuyển vào thư viện, không được đưa vào trường học, đã có một lịch sử khá dài ở Hoa Kỳ. Người Việt cũng có kinh nghiệm về sách bị cấm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi đảng cộng Sản miền bắc cai quản miền nam. Dĩ nhiên hai lệnh cấm sách này có nhiều yếu tố và quan điểm khác nhau giữa thể chế tự do và độc tài. Tuy nhiên chúng giống nhau ở một số điểm:
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.