Hôm nay,  

Tiếng Hát Người Tín Nữ Ni Sư

04/06/201907:28:00(Xem: 3824)

Tiếng Hát Người Tín Nữ Ni Sư
 

Nguyễn Văn Sâm

 

1.

Chợ Tết đông đảo và vui nhộn với những loa phóng thanh quảng cáo những món hàng đặc biệt của các gian hàng chưng dọn xinh xắn: mứt bí, mứt hột sen, … mới ra lò, chà là Nam Dương, thèo lèo lấy từ xưởng ở Bình Tây, bánh in Bổn Lập gốc Chợ Thiếc … Những gian hàng chỉ dựng lên buôn bán chừng độ mười ngày giáp Tết nhưng đem đến cho dân Sàigòn một không khí đặc biệt mà hình như họ chờ đợi suốt cả năm trường. Các cô gái bán hàng tươi đẹp, nói năng ngọt lịm phóng ra muôn vàn sợi tơ ràng buộc lòng khách đa tình đi tìm lại người năm ngoái năm xưa, nhắc lại những câu nói ỡm ờ của mình một hai năm trước. Lắm khi trao tiền, nhận hàng xong, khách còn hẹn giáp Tết năm tới hi vọng thấy lại người hôm nay chớ không phải bẽ bàng như khách yêu câu đối không thấy nữa ông Đồ già đã biến mất giữa lòng phố thị những năm gần đây.

Vòng bùng binh xe cộ chạy chầm chậm và thân thiện, những người đàn bà nghèo khó dưới quê lên tỉnh kiếm chút đỉnh công việc mấy ngày Tết, tụ tập dưới chưn bức tượng Quách Thị Trang, tạm quên nỗi khổ của mình mà vui lây cái vui của thiên hạ dư ăn dư để…

Song rủ rê tôi tiến về phía một gian hàng bánh mứt, nơi đây khách cũng hơi đông. Anh bước tới gần một thiếu nữ đương nói chuyện với khách, để lộ ra hai cái răng vàng bên mép rất có duyên, nói nhỏ với tôi:

“Nguyện đó, người đẹp mỗi năm ai có cơ duyên mới gặp được chừng mươi ngày. Ba bốn năm rồi, tao được gặp, được trò chuyện, được nàng cười tình khi từ giã, tưởng là năm nay nàng đã theo chồng bỏ bán buôn ai dè vẫn còn độc thân chờ… Không biết chờ ai nhưng hoa chưa có chủ thì mình đến ngắm nhìn cũng đủ lãng quên đời.”

Ý chừng còn nhớ mặt người mỗi năm đến nói chuyện với mình, Nguyện gật đầu chào Song và tôi. Nụ cười nhè nhẹ, giọng nói thanh và dịu. Tôi chỉ đứng nhìn lời trao đổi nhiều tình ý của hai người. Người mà bạn mình tình si thì mình tránh khỏi si tình cho được việc.

Tiếng loa phóng thanh rao hàng ồn ào. Tiếng xe Honda nổ đinh tai, tôi tự nói với mình rằng trong trường hợp nầy nên thưởng thức cảnh bằng mắt hơn là bằng tai. Nhiều khi mình đứng trong một khung cảnh nào đó không nên cho mở nút hoạt động hết cả các cơ quan tri giác của mình vậy mà tốt. Tôi làm mờ khung cảnh chung quanh để chỉ thấy nụ cười hé lộ răng vàng và cặp mắt lúng liếng thân thiện nhưng nghiêm trang của Nguyện. Và mái tóc nữa, buông xõa tới bờ vai tròn, những sợi đàng trước lạc loài lòa xòa cố ý tạo nên vẻ ngây thơ trẻ trung của Nguyện. Tôi nói thầm. Song mà bắt dính được nàng thì đời nó hạnh phúc biết bao. Và tôi mong cho bạn được sở vọng.

Chúng tôi tà tà trở về khu trường. Nhập với nhóm ngồi sẵn trên hàng rào kết hợp bằng những thanh sắt tròn cứng rắn nằm ngang, ngó qua bên kia đường nhìn cô đi ra em đi vào tòa nhà trước mặt hay lơ đãng ngó xéo xéo nơi đường Lê Thánh Tôn, khu rộn rịp mua sắm giày dép, bóp xách, áo quần thời thượng của khách hàng những ngày cuối tuần. Con đường Nguyễn Trung Trực có cái hay là kế nơi thị tứ nhưng không náo nhiệt như những con đường lân cận chỉ cách đó một vài khu phố. Hầu hết người đi bộ là bọn sinh viên chúng tôi, những đứa học hành mà tâm trí cứ dao động mong tìm một công việc gì đó cho đủ sống trong những ngày chờ xách ba lô đáp lời sông núi…

  

2.

Sau hơn ba tháng ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, tôi ra Sàigòn trong bộ quân phục thùng thình và đôi giày trận nặng nề. Gặp lại Song ở trước cửa trường.

 “Mình không gặp nhau bốn năm rồi!’ Song nói trong tiếng thở dài. Bốn năm giam mình ở quận nhỏ xa xôi về lại Sàigòn rất ít. Tuy dạy học, không nguy hiểm nhiều như quân nhân nhưng cũng gánh chịu  bất trắc của những lần tụi nó tấn công vô quận, vô xã. Mà ở đó chuyện nầy thì liền xì như cơm bữa. Cũng lên ruột những chiều tối đi về từ xã xa, không biết đống rơm nào hiền, đống nào làm cho ông địa cười mà dân đen thì tang tóc.”

Tôi ngây thơ:

“Mà ông đi thăm bao nhiêu thôn nữ trong xã xa để đến nỗi phải về khi trời tối?”

Song không giận, chỉ trả lời thiệt hiền:

“Quá nhiều trường ở xã thiếu Giáo Sư Pháp Văn nên mình xung phong đi xuống. Không thôi bỏ tụi học trò lông bông cho ai? Tội nghiệp, mấy em thấy có thầy ở Quận về thì mừng hết lớn. Mà dạy thì chiều phải lo lên xe liền, bữa nào hết xe thì phải tìm mọi cách thăng cho bằng được, ở lại chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra mà chắc chắn là đêm đó sẽ mất ngủ.”

“Có khi nào ông bị trễ xe về không được?”

“Thì chui vô đồn Địa Phương Quân ngủ đỡ. Một hai đứa trong đó là bạn với mình thời Trung Học. Tập cho quen lần sinh hoạt của quân đội. Trước sau rồi thì mình cũng nhập ngũ thôi. Tốt nghiệp trường nầy chúng mình là con ghẻ của Bộ Giáo Dục mà, ông biết rồi đó!”

Tôi kéo bạn đi về phía rạp hát Lê Lợi. Mấy năm đi học, chúng tôi thường đóng chốt ở đây. Không có những ánh mắt chết người, không có những tà áo dài xanh đỏ tím vàng nhưng có những ly sinh tố sạch sẽ cho tôi, tách cà-phê đen pha đúng điệu cho Song và đặc biệt là mấy miếng bánh mì chiên tôm chế nước Maggi thơm phức không đâu bằng cho hai đứa. Chúng tôi cũng thích mấy cái ghế cao cẳng, trẻ trung, ngồi đong đưa thoải mái dễ quay ra sau ngắm nghía những tờ quảng cáo các phim kế tới.

“Hôm xé Hiến Chương Vũng Tàu không thấy bạn mình?”

“Hôm đó mình đương thi Chứng Chỉ Triết Đông. Thằng Lam vô phòng thi kêu gọi bãi khóa. Mình hối hả làm bài cho có rồi ra theo anh em, đông nghẹt con đường Thống Nhất nhưng mình cũng leo rào vô được, đứng kế ông Đại Tướng Quốc Trưởng, chứng kiến cảnh ông ta hứa sẽ hủy bỏ và lấy tay xé bản Hiến Chương giơ lên cho anh em sinh viên coi.”

“Ông ta coi hề như vậy mà cũng biết chuyện và hợp lý trong cách giải quyết. Gặp thứ cứng đầu, cố ăn hay lật lọng thì dầu sinh viên tụi mình có xuống đường bao nhiêu cũng chẳng nhằm nhò gì. Đóng cửa trường, bắt bỏ tù hay cho đi binh nhì hết là xong, cùng lắm thì cho xe tăng đến cán dẹp.”

Tôi gật:

“Vận nước của mình lúc đó rủi mà còn may. Có những người như ông ta. Chẳng làm gì hay cho nước, nhưng ít ra cũng không làm hại nước hại dân.”

Cô bé bán hàng theo thói quen một tay bưng tách cà-phê, một tay cầm hộp đường đưa ra từ phía sau quày.

Song nói mau:

“Cám ơn cô, dẹp giùm hộp đường nầy đi cho trống chỗ. Tôi chỉ cà-phê đen. Cà-phê mà bỏ đường vô thì còn đâu là cà-phê nữa!”

Người con gái ngước mắt ngó mau về phía Song nhưng không nói gì, chỉ cầm hộp đường để vô chỗ cũ.

Tôi quậy ly sinh tố, hỏi:

“Có tin tức gì của Nguyện?”

“Sau chục lần đi chơi dzung dzăng, cũng thâm tình, cũng nghe nàng say sưa hát nho nhỏ bài tình ca cho riêng mình. Nhưng năm ngoái hình như Nguyện thấy đường đời của đối tượng coi bộ không mấy sáng sủa nên đã nói một câu nghe rớt nước mắt. Chắc cưng phải đi lấy chồng. Cưng còn ba má già và 6, 7 đứa em nhỏ phải lo. Lông bông hoài ba má rầy rà quá. Mình đi dạy chắc thế nào rồi cũng gặp được cô nào đó dễ thương hơn cưng. Sau đó Nguyện không cho mình gặp nữa. Hình như lấy một ông sắp tốt nghiệp Quân Y!”

Người bạn tôi bưng ly cà-phê lên, chu mỏ húp từng ngụm nhỏ, để xuống, giọng vui vui. Tôi ngó trái cổ của bạn chạy lên chạy xuống theo từng cái nuốt hơi của anh. Thương bạn thất vọng nên tôi giận ngang người con gái kia, phán:

“Nói chuyện đưa đò không. Trớt quớt!”

Song không nói gì, anh biết tôi nặng lời người vắng mặt chỉ là vì bạn nên từ tốn giải bày:

“Mình mê Nguyện nhiều thứ, trong đó có cách xưng hô trật đời của em. Nói chuyện với người thân thiết thì tự gọi mình bằng cưng, gọi người đối thoại bằng mình. Mới nghe lần đầu lạ chịu không được, nhưng nghe thét rồi ghiền, không được nghe nữa thì nhớ còn hơn Lưu Nguyễn nhớ tiên nữ ở Thiên Thai.

Tôi bỗng thành người triết lý vụn:

“Đời có thành công có thất bại. Quan trọng là không tự mãn hay không sụm quỵ xuống luôn. Ông nên mong cho Nguyện có được cuộc đời tốt đẹp. Người đẹp nào cũng đáng hưởng cuộc sống hạnh phúc.”

Bàn tay tôi vỗ vỗ vai bạn, miệng nói câu nham nhở cốt giúp bạn thoát ra khỏi không khí buồn bã:

“Mà có sơ múi cưng được lần nào không? Khai thiệt đi!”

Song vớt tay trái vô sau ót tôi, phản đối hơi cao giọng:

“Hỏi sảng! Chuyện sống để bụng chết mang đi, đừng hỏi!” Rồi anh nói nhỏ hơn. “Nói cho bạn mình biết là chúng tôi yêu nhau thiệt nhiều. Nhiều lắm. Và tôi thần thánh mối tình đó.”

Tôi biện giải như để xin lỗi bạn trong khi chỉ vô tên mình trên ngực áo:

“Ông coi kỹ đi, tôi không còn là bạch diện thư sinh như ngày xưa nên đã thực tế hơn.”

Hình như ông bạn tôi đang buồn. Anh cúi đầu nhìn ly cà-phê đã vơi nhiều, làm thinh thiệt là lâu.

Tôi hát nho nhỏ bài Lệ Đá của Trần Trịnh. Hắn vẫn lầm lỳ, cử chỉ thiệt là đáng thương mà cũng đáng ghét biết bao…

  

3.

Đời đưa đẩy tôi hơn mười năm sau mới gặp lại Song. Hai đứa đều te tua. Anh đương cầm tiền chạy lo dịch vụ để làm hồ sơ ra đi theo chương trình H. O. Song nói mình chán việc chạy hồ sơ theo đường dịch vụ nhưng không có cách nào khác. Anh giơ tay lên trời tỏ dấu sự bất lực của mình trước thời thế: “Không chạy bằng dịch vụ thì lâu chẳng biết đến bao giờ! Chúng ta trả nợ chiến tranh đứa thì bảy năm, đứa thì tám năm. May mà còn sống để lại gặp nhau. Chờ thêm nữa ở đây…”

Người nói không cần hết câu, bỏ tay xuống, ra dấu chỉ vô căn nhà kế bên rồi ngoặc ngón tay cái về phía chiếc xe Honda 50 của anh.

Chúng tôi chở nhau trên chiếc xe cà tàng đó. Khi chạy tới chợ Sàigòn, trên đường Tạ Thu Thâu cũ thì Song nắm tay tôi mắt láo liên, như là nghe ngóng chuyện gì. Tôi còn đương ngạc nhiên thì anh nói nhỏ:

“Tiếng ai hát như là tiếng Nguyện. Tôi chắc chắn đó là tiếng của Nguyện. Bài hát đó, những âm luyến láy, những chỗ nuốt hơi quá quen thuộc, không thể sai được. Nhưng đó là tiếng hát của một người ăn xin giữa chợ. Sao kỳ lạ vậy kìa?”

Tôi chưa biết trả lời sao, chỉ biết cùng anh đi về hướng có tiếng hát sau khi đã gởi xe.

Một đám đông nho nhỏ đương bao quanh một người đàn bà ăn xin mù, mặt thẹo bằng hai ba đường ngang dọc như bị dao chém, đường ngang ngạnh nhứt là đường chặt ngang sóng mũi làm một con mắt chỉ còn là lỗ trống và mắt kia bị hư, láo liên nhưng tôi chắc chắn chủ nhơn không thấy rõ.… Tôi nhìn cái đầu trọc của bà với một cái thẹo lồi thịt lớn bằng hai ngón tay mà rùng mình. Trời ạ! Sao lại có người phụ nữ chịu cảnh đau thương, xé ruột người bàng quan như vậy kìa?

Bà ta đương hát một bản nhạc vàng quen thuộc. Tấm bảng bà mang trước mặt có in hình của Nguyện với nụ cười hớp hồn và hai cái răng vàng duyên bên khóe mép. Tôi lờ mờ hiểu chuyện, nhưng không biết tại sao Nguyện lại ra nông nỗi.

Giọng hát của bà-Nguyện đương say sưa thì chợt ngừng ngang, ngước mặt lên, ngó dáo dác chung quanh bằng con mắt độc nhứt trắng đục như tìm kiếm ai:

“Anh Song phải không? Cưng biết mình đứng quanh quất đâu đây mà. Cưng nghe hơi thở của mình, mùi nước hoa mình xài. Mình đưa tay cho cưng nắm đi. Chỉ nắm tay thôi, cưng không theo mình luôn đâu. Song ơi! Song ơi!”

Người đàn bà van lơn tha thiết. Những cặp mắt người chung quanh dáo dác tìm kiếm để đoán coi ai là Song. Cuối cùng có nhiều người chăm bẳm ngó vô chúng tôi chờ đợi phản ứng. Song lùi ra sau đoàn người, móc bóp lấy ra hết xấp tiền trong đó, nhờ một thanh niên đưa cho người đàn bà tội nghiệp kia.

Cầm xấp tiền, bà ta khóc lớn:

“Tiền nhiều như thế nầy là của mình rồi Song ơi. Cám ơn mình, nhưng cho cưng cầm tay mình lần chót đi…..”

Song đưa một ngón tay lên môi, tay kia lôi tôi ra xa đám đông, đi về phía chỗ gởi xe. Ánh mắt bạn tôi ươn ướt, bối rối. Từ đó cho tới lúc chia tay, chúng tôi chẳng nói thêm với nhau lời nào nữa.

  

4.

Tôi đương ngồi đọc kinh trước Phật đài thì thấy một ông lão tóc bạc phơ, dài chấm ót, mặc áo dài trắng, bước ra từ sau lưng tượng Phật, không, hình như là xuất ra từ tượng Phật, gương mặt thiệt quen thuộc nhưng tôi không thể nhớ là ai.

Tôi đứng dậy chào ông. Ông tới trước mặt tôi, ra dấu biểu ngồi xuống lại rồi ông chậm rãi ngồi xuống một cái ghế tràng kỷ sau cái bàn trà trước mặt tôi. Tôi hơi ngờ ngợ, bộ tràng kỷ chạm lộng mỗi ngày tôi lau chùi cẩn thận bằng cả tấm lòng mình, được đặt ở khách phòng chớ đâu phải ở trước Phật đài đâu, nhưng sự ngạc nhiên không ở lâu trong trí tôi vì ông lão đã cất giọng ôn tồn hỏi:

Con đọc kinh mà có hiểu không?”

Dạ, con không hiểu nhiều, đọc chỉ mong cho lòng con không dao động mà thôi.”

Con dao động vì xót xa đời con nhiều chướng nghiệp. Ta biết! Nhưng chướng nghiệp người đời ai mà không có đâu con. Chướng nghiệp tới không do con tạo kiếp này thì nên quên nó và tha thứ cho người gây hại; chướng nghiệp tới do con huân tập kiếp nầy thì nên thành tâm sám hối. Không nên dùng kinh kệ để mong quên bất cứ điều gì.”

Tôi ngờ ngợ về lời khuyên đó. Vậy thì tôi phải quên bất hạnh xé nát đời tôi do những nhát mã tấu ghen tuông mà người đàn bà đanh ác kia dàn dựng hay sao? Và tôi phải tha luôn tội ác của bà khi quả quyết rằng sự chà lê quết xảm của chồng bà ta ở nhà tôi là do tôi quyến rũ, chớ không phải do lòng ham hố và sự ỷ quyền cậy thế của ông ta?

“Thưa lão trượng, quên và tha thứ quả là điều khó khi oan khiên quá to lớn, ảnh hưởng tới suốt cuộc đời mình.”

“Bởi nghĩ như vậy nên con mãi mãi là người tín nữ, chưa đạt được thời điểm thọ phái qui y, càng chưa đủ duyên để thọ ni giới.”

Ông lão nói trúng điều tôi băn khoăn. Bao nhiêu năm nay sư cụ trụ trì cứ khuyên tôi chờ tâm hồn mình lắng nhẹ xuống hơn nữa mới cho làm lễ thế phát.

“Thưa lão trượng làm sao cho tâm hồn con lắng nhẹ xuống, không thù hận và biết tha thứ?”

“Khi con ca hát bằng tất cả hồn con, không cầu mong cho người nghe thương hại, không mong họ đứng về phía con. Con hát cho lòng con vui, cho lòng người nghe phơi phới hân hoan chớ không hát để kéo bè kéo cánh với sự căm hờn buồn tức của con. Nghĩa là con che mặt lại để hát, không cần mang tấm bảng hình hài xưa trước ngực để bắt thiên hạ so sánh với hình dạng con bây giờ. Con hát sao cho người nghe cảm nhận cái cười của con lướt trên những đau khổ sau khăn che mặt là được. Ta biết con để nguyên mặt trần là muốn tạo xúc cảm cho người nhìn.”

Tôi trầm ngâm suy nghĩ thiệt lâu. Ông lão nói đúng: Lâu nay tôi đi xin xỏ lòng thương hại, tôi cố kéo bè kéo cánh về phía tôi. Từ nay tôi sẽ đi theo con đường khác. Tôi hỏi:

Vậy thưa lão trượng, con người phải làm thế nào để hiểu kinh thấu đáo?”

Con nhìn cuộc đời của người chung quanh, con ôn lại đời con từ lúc bé thơ cho tới ngày nay, con quan sát bất cứ một thứ gì theo dòng thời gian thì sẽ hiểu rõ kinh kệ.”

Ông lão nói vậy thì tôi thấm. Tất cả vạn vật trên đời nầy chỉ là do hai thứ hoại và sanh điều khiển. Nhan sắc và cuộc đời tôi đã bị hoại nhưng một thứ khác sẽ nẩy sanh là tâm hồn thơ thới của tôi với phong thái mới trong khi ca hát nếu tôi biết hướng dẫn cái tâm của mình.

Tôi ngước mắt lên, muốn nhìn ông cho rõ ràng hơn và cám ơn thì ông đã đi mất rồi, trước mặt tôi chỉ còn lại bộ bàn trà, cái trường kỷ với bình tách nước ở vị trí cũ. Tất cả chỉ biến mất đi khi tôi nháy mắt kiểm chứng coi mình tỉnh hay mê.

Ông lão lại hiện ra một lần nữa, lúc nhá nhem tối ba mươi tháng Mười, ngày tôi tình cờ thu dọn tủ kinh, thấy lại hình vị sư thiết lập chùa cách đây hơn trăm năm. Tôi có tánh hay lau chùi, dọn dẹp. Lau chùi một chút bụi bặm bám trên vật dụng trong chùa  như lau sạch lòng mình khỏi những bợn nhơ sân hận, lau chùi cái ngã mạn mình cho nó mòn đi, biến mất đi. Sắp xếp lại những vật bừa bộn đây đó tôi cảm thấy vui vui, như xếp đặt những ý tứ suy nghĩ về ý nghĩa đời sống, về tư tưởng đạo pháp. Dưới bức hình ông lão, ai đó ghi chú bằng chữ Hán tôi đọc được lỏm bỏm do mới học được gần đây: Sư…, thập bát tổ Thiền phái Lâm Tế. Ngộ đạo  Kỷ Hợi niên… Hình của lão trượng mà tôi được cơ may tiếp chuyện, chỉ khác ở bộ áo và mái đầu không có tóc. Trời! Tôi gặp Tổ mà không biết, Tổ hiện ra để chỉ điểm cho mình mà mình nữa tin nữa ngờ.

Tôi hỏi ông:

“Thưa Tổ, Tổ xuất gia cho đến khi tỵ trần, sao tóc Tổ dài và y phục lại không phải là màu của đệ tử Phật gia?”

“Tóc tai, y phục cốt để phân biệt người ở nhà và kẻ ở chùa, không thay thế cho việc tu hành cũng không nhứt thiết tăng ni phải trọc đầu, phải mặc áo thâm, áo dà, áo vàng bá nạp ê a tụng kinh gõ mõ. Cũng vậy, con sống trong chùa nầy như một tín hữu, nhưng nếu hiểu rõ lẽ đạo, biết tường tận về Phật, Pháp, Tăng thì con đã là một ni sư, ngay cả Tổ cũng không thể coi con như một tín hữu bình thường chỉ đến chùa mươi lần trong đời…”

Nói xong ông biến mất, tôi không bao giờ thấy ông lại nữa.

Và kể từ đó tôi hát rất hồn nhiên, hát chào mặt trời mọc, hát tiễn đưa mặt trời lặn, hát mừng mưa, hát đón nắng, hát ca ngợi sương sớm mây chiều, hát bắt tay cơn gió trận giông. Hát thanh thản, không thù hận, không mong ai tội nghiệp bi thương cho mình, chẳng mong kéo bè cánh với ai để chửi bới mạ lỵ người đã tạo chướng nghiệp vào đời tôi.

Tôi hát trong thanh thản như ông đã thấy.

  

5.

Người nghệ sĩ ni sư ngừng kể, châm tách nước cho tôi, nước đã nguội từ lâu. Tôi nói:

“Tôi quả quyết rằng lão trượng mà bà thấy chỉ là cái tâm lý trí của mỗi người chúng ta mà thôi. Cái tâm đó đối thoại với cái tâm bình thường hằng ngày của ta để chỉnh sửa sự suy nghĩ và hành động của mọi người. Cái bậy của con người là thường xuyên coi thường sự đối thoại cần thiết đó.”

Người đối thoại, mở mắt lớn nhìn tôi, trầm ngâm rồi từ tốn gật gật nhẹ đầu.

Tôi rời chùa với lòng hân hoan. Nguyện đã tìm được sự thanh thản tuyệt đối ngay trong đời sống nầy, đã trút bỏ được sự sầu khổ đeo mang nặng nề từ khi bị nạn đến giờ.

Tôi chợt nhớ rằng mình đến chùa khi về nước lần nầy là muốn hỏi Nguyện nhờ đâu  ngày trước chị nhận ra được sự có mặt của Song trong đám đông, nhờ đâu chị được sáng con mắt đã gần như bị hư để có thể đọc kinh kệ và làm việc công quả cho chùa. Còn anh gì đó, quân y sĩ chồng của chị đâu sao không bao giờ nghe nhắc tới. Nhưng thôi, những chuyện nho nhỏ của đời như vậy có gì quan trọng đâu. Có thể là do tình yêu sâu đậm đầu đời hướng dẫn. Có thể do một sự chữa trị nào đó hay do sức mạnh của sinh tồn chẳng hạn. Còn anh ấy, có thể đã bị mất trong trại, có thể như tôi, đang sống lưu vong ở xứ người. Có thể và có thể… Nhưng sự chắc chắn nhứt là người tín nữ tên Nguyện đã sống đời sống thuần khiết của một người tu hành bằng cả tâm hồn mình.

Trong sự lâng lâng vui đó tôi đi qua khu vườn trước sân chùa mà cảm thấy tiếng hát của người tín nữ ni sư nầy quyện trong từng lá cây, từng ngọn gió; tôi hình dung được nụ cười mãn nguyện của bà sau tấm khăn che mặt, che những vết thẹo như xóa bỏ vết tích tội lỗi của người gây nghiệp chướng cho bà, nói theo cách nói ở đây bây giờ: nản toàn tập đã kết thúc, bà đương mở ra những chương mới của cuộc đời thanh thoát….

 

 

Nguyễn Văn Sâm

(Victorville, CA cuối tháng 11-2012)

 



 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.