Hôm nay,  

Dân Mỹ Gốc La-tinh Quận Cam Tìm Niềm An Ủi Nơi Đạo Phật

13/11/201800:00:00(Xem: 4516)
OC BUDDHIST CHURCH Festival
Múa trong một lễ hội  Phật giáo ở Orange County Buddhist Church.

 
Cộng đồng những đạo hữu của Ngôi Chùa Phật giáo ở Quận Cam (Orange County Buddhist Church – OCBC) trở nên càng lúc càng đa dạng về chủng tộc, và một số cho rằng nguyên nhân là những tương đồng với Thiên Chúa giáo.

Từ khi được thành lập hơn 80 năm trước đây, Ngôi Chùa Phật giáo ở Quận Cam (OCBC) là nơi dung thân của những di dân Nhật Bản và gia đình họ.

Đặc biệt sau Thế chiến Thứ II, vốn là thời điểm 120.000 người Mỹ gốc Nhật bị lùa vào các trại tập trung, OCBC đã trở thành một nơi an toàn, một chốn để cộng đồng sắc tộc này có thể thực hành và gìn giữ những nghi lễ tôn giáo của tổ tiên họ.

Nhưng với ảnh hưởng của đạo Phật ngày càng phổ quát tại Hoa Kỳ, OCBC đã trở nên đa dạng về chủng tộc và, cho đến hôm nay, người ta ước lượng một phần tư các đạo hữu đến chùa tu tập không phải là người Nhật nữa. Ngoài con số ngày càng gia tăng các đạo hữu người da trắng (theo Pew Research Center, 44% những người Mỹ theo đạo Phật là người da trắng), OCBC hiện là nơi quy tụ của một nhóm Phật tử người Mỹ gốc Châu Mỹ La Tinh vốn đang phát triển mạnh mẽ.

Theo Jon Turner, một nhà sư tại OCBC, “Điều làm nhiều người thích đạo Phật là chúng tôi không có nhiều luật lệ để ràng buộc bạn phải sống cuộc đời bạn như thế nào. Chúng tôi không có nhiều những điều luật trắng đen rõ rệt. Do đó, nếu bạn thấy mình không thích hợp với khuôn mẫu của Cơ đốc giáo thì bạn đi đâu? Rất nhiều khi người ta chọn đến với đạo Phật.”

Đây là trường hợp của Hector Ortiz. Vốn là một tín hữu Tin Lành (Baptist), nhưng vì là một người đồng tính luyến ái, anh cho biết đã phải trải qua một giai đoạn đấu tranh với những lời giáo huấn của Tin Lành (Baptist) về tình dục. Đạo Phật phù hợp với anh hơn.

Anh nói: “Điều tôi thấy hợp lý là trên khía cạnh tâm linh, tôi phải chịu trách nhiệm đối với hành động của mình và đối với nhân sinh quan của mình, thay vì dựa vào người khác hay nhìn ra bên ngoài để tìm hạnh phúc cá nhân. Đạo Phật lôi kéo tôi vì các thuộc tính như trách nhiệm cá nhân, đi tìm hạnh phúc và chấp nhận chính mình từ trong nội tâm. Trên khía cạnh tâm linh tôi có cảm tưởng mình đến với Đạo Phật như mình đã trở về đến nhà.”

Nhưng trở thành Phật tử không có nghĩa là phải bỏ lại sau lưng tôn giáo của quá khứ. Ortiz chơi đàn dương cầm và hồ cầm (cello) trong các buổi lễ hàng tuần của OCBC, vốn cũng là công việc của anh trước đây tại giáo đường Tin Lành (Baptist) từ khi còn bé.

Anh nói, “Đối với tôi thì đây là một sự chuyển đổi suôn sẽ.”

Ortiz là một người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ. Anh cũng thấy những tương đồng giữa nguồn cội văn hoá của mình với nền văn hoá Nhật Bản. Anh nói, cả hai đều đậm tính gia đình và đây cũng là cây cầu nối cho anh khi anh bắt đầu lui tới OCBC từ cả chục năm trước và lúc đó chưa biết nhiều về phong tục Nhật Bản.

Nhưng đối với Andy Saldana thì ngược lại. Anh đến với OCBC trước hết vì sự quen thuộc với văn hoá Nhật Bản.

Từ ba thập kỷ trước, Saldana đã lập gia đình với một phụ nữ Phật tử người Mỹ gốc Nhật. Còn anh, vốn là một người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ và theo đạo Tin Lành (Protestant), Saldana bắt đầu đến chùa để dự các đám cưới và những công việc của gia đình. Vào thập niên 1980, anh là lính Thuỷ Quân Lục Chiến đồn trú ở Nhật Bản suốt hai năm. Trong thời gian đó anh đã tham dự những lễ hội Phật giáo và đến chùa gần như hàng tuần.

Thành ra Saldana đã quen thuộc với Đạo Phật từ trước khi anh trở thành đạo hữu của OCBC năm năm trước đây. Anh nói quyết định trở thành Phật tử của mình là do Đạo Phật nhấn mạnh đến sự tìm tòi, tìm hiểu.

Anh nói: “Trong thời gian khôn lớn, với 17 năm theo đạo Tin Lành, tôi không được phép đặt câu hỏi. Tôi không được phép thắc mắc về tôn giáo của mình, về kinh thánh, về những lời thuyết giảng – về bất cứ điều gì. Vì đó là cả một sự xúc phạm. Nhưng trong Đạo Phật thì mình được khuyến khích phải tìm tòi, phải đặt câu hỏi, phải thắc mắc.”

Sư Turner nói rằng lịch sử lâu đời của OCBC đã giúp lôi kéo được những đạo hữu có gốc nguồn văn hoá khác nhau đến để cùng tu tập.

Vì ngôi chùa đã hiện hữu tại Quận Cam qua nhiều thế hệ, tiếng Anh trở thành sinh ngữ chính trong mọi sinh hoạt, khác với những ngôi chùa Phật giáo khác trong vùng vốn thoả mãn nhu cầu tâm linh của những cộng đồng di dân mới hơn và thường dùng tiếng Việt hay tiếng Hoa trong pháp thoại.

Sư Turner nói: “Chúng tôi muốn tạo ra một mô hình Phật giáo đã được Mỹ hoá nhằm lôi kéo những người Mỹ gốc Nhật thuộc thế hệ thứ tư cũng như những người Mỹ gốc Châu Mỹ La Tinh mới đến chùa lần đầu tiên. Chúng tôi phải đến được với cả hai cộng đồng này, nếu không thì chúng tôi không thể tồn tại.”

OCBC thuộc tông phái Shin của Đạo Phật vốn rất phổ quát ở Nhật Bản.

Marcia Taborga thuộc gia đình đến từ Bolivia. Cô nói tuy Đạo Phật khác với Thiên Chúa giáo, vốn là tôn giáo của cô từ thời niên thiếu, nhưng trong một khía cạnh nào đó, chính Thiên Chúa giáo đã sửa soạn tốt để cô đến được với OCBC.

Những nghi lễ, những lời kinh tụng – và cái ý tưởng phải có niềm tin – đến với cô thật dễ dàng vì cô đã từng thực hành như vậy với Thiên Chúa giáo.

“Tôi thật sự ngạc nhiên không ngờ trong Đạo Phật mà mình cũng phải có một chút niềm tin. Nhưng tôi thấy không sao và nghĩ rằng quá khứ Thiên Chúa giáo của mình đã giúp mình chấp nhận phải có niềm tin.”

Mặc cho những tương liên giữa Đạo Phật và Thiên Chúa giáo, và mặc cho sự gia tăng của con số đạo hữu người Mỹ gốc Châu Mỹ La Tinh, Đạo Phật vẫn là điều gì hiếm hoi trong cộng đồng này.

Theo Pew Research Center, người Mỹ gốc Châu Mỹ La Tinh chiếm 12% tổng số Phật tử Mỹ, nhưng theo Joe Garcia, một người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ đã tu tập từ năm năm qua tại OCBC, người Mỹ gốc Châu Mỹ La Tinh ít có cơ hội để biết về Đạo Phật.

Anh Garcia, chồng của cô Taborga, nói rằng, “Tôi không nghĩ người Mễ có thể ý thức được rằng trở thành Phật tử là một điều khả thể.”

“Nhưng tuy vậy, nói chung, tôi biết trong nước Mỹ này người ta rời bỏ Thiên Chúa giáo, nhiều khi cả đám đông. Cuối cùng, họ chuyển qua Tin Lành (Protestant) hay rời bỏ tôn giáo luôn. Do vậy tôi vẫn mong có một cách nào đó để có thể giới thiệu Đạo Phật với họ, giúp họ có một chọn lựa khác.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chất phóng xạ theo định nghĩa được chia làm hai loại: phóng xạ ion hóa và phóng xạ không ion hóa. Phóng xạ không ion hóa đến từ các dạng như ánh sáng, các làn sóng điện radio hay radar
Bài báo của phóng viên Martin Wisckol ghi nhận là năm 2000 chỉ có một vị dân cử gốc Việt tại Quận Cam. Vậy mà bây giờ có tới 10 dân cử gó6c Việt, trong đó 4 người mới thắng cử
Ở Việt Nam, năm 2006 ghi nhận hai sự kiện quan trọng nổi bật. Một là, Việt Nam được gia nhập WTO. Hai là, tổng thống Hoa Kỳ George Bush sang thăm Việt Nam nhân Hội nghị APEC 14
Sáng nay tiết trời Hà nội lạnh, không khí bị phủ một lớp sương mờ, không có ánh mặt trời. Ngày đầu tiên của năm 2007
Nhưng nếu không có sự đụng chạm giữa các nền văn minh, thế giới chúng ta cũng đang đối đối đầu trước một sự đụng chạm khác. Học giả Dominique Moĩsi, một cố vấn thâm niên của
Thời gian thắm thoát trôi, mới đó mà đã 22 năm kể từ ngày các Anh vĩnh viễn ra đi. Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại có rất nhiều đổi thay, nhưng các anh nào có biết! Hôm nay nhân ngày giỗ
tôi mong là từ năm nay, Hà Nội nên có chính sách văn minh hơn với người dân của mình. Đó là bình thường hóa quan hệ với người Việt Nam chứ đừng chỉ có sợ người ngoại quốc...
Gerald R. Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, lên nắm quyền sau khi Tổng Thống Richard Nixon 
Tổng thống Ford là một người tử tế. Nhưng thiếu mưu mô... Trong một số báo đầu năm, chúng ta nên nói về chuyện tử tế. Không có gì tử tế hơn là nói về nhân vật đang được quốc táng
Căn cứ Khe Sanh nằm lọt giữa một thung lũng, các ngọn đồi bao bọc chung quanh, do đó đây không hẳn là một vị trí có thể quan sát bao quát hết các vị trí địch.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.