Hôm nay,  

Từ ngọn đuốc tuệ 1963 đến tình yêu thương

16/05/201710:48:00(Xem: 5179)

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Ý nghĩa của hành động bi hùng nầy có nhiều nhưng ngay lúc đó không ngoài việc Ngài đã dùng chính thân xác mình để đốt đuốc soi đường cho những ai dính dáng xa gần đến cuộc đàn áp và tranh đấu của Phật giáo dưới thời Tổng Thống  VNCH, Ngô Đình Diệm. Hơn 50 năm qua, thời gian đủ để chúng ta bình tâm nhìn lại sự kiện lịch sử nầy không phải như một kỷ niệm đau buồn, hay bi hùng, cũng không phải như một kiến thức lịch sử cần phải biết mà là để rút ra bài học cho những bước tiến tương lai của dân tộc và cho chính mỗi con người nhỏ bé chúng ta trong cõi ta bà mê muội này.


blank


Ngày 11 tháng 06 năm 1963 Ngài tự thiêu ngay tại trung tâm Sàigòn, góc đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Thế giới rúng động vì cử chỉ từ tốn của Ngài khi chấp tay lạy bốn phương rồi ung dung ngồi xuống kiết già để thực hành việc tự thiêu. Thân xác Ngài chừng một giờ đồng hồ sau đã biến mất. Vâng, biến mất, cuối cùng chỉ còn lại trái tim. Trái tim bất diệt về thực thể và về tượng trưng. Với dân chúng và tín hữu thì trái tim bất diệt thực thể ai cũng thấy được, cũng xuýt xoa thán phục sự linh thiêng của Ngài, thân xác đã thành tro bụi nhưng trái tim không mất. Để lại như một dấu ấn rằng Ngài đã đến thế gian nầy và đã ra đi theo một cách thế đặc biệt trong một hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước và của Phật giáo, để lại như một chứng tích của lòng dũng cảm, dám từ bỏ chính thân xác mình khi cần thiết. Về tượng trưng thì trái tim Ngài biểu lộ trong hành vi tự thiêu. Người vô minh, mê muội còn chấp nhất đạo nầy đạo kia, còn ganh tỵ về sự lớn mạnh của một đạo nào đó không phải là đạo của mình nên có những cử chỉ gọi là đàn áp. Mê nên chỉ thấy ph
ần tự do tín ngưỡng của mình mà quên quyền tự do tín ngưỡng của người khác, của thành phần khác trong cộng đồng dân tộc. Mê nên chỉ thấy cần đàn áp để mình được chút vinh danh, chút bổng lộc, chút tư thế trong guồng máy cai trị. Ngọn đuốc thắp sáng lên nếu bằng những vật liệu bình thường thì tác dụng thiệt là bình thường, có thể nói là không có gì đáng kể. Đàng nầy Ngài đã lựa chọn phần quí nhứt của con người: mạng sống của chính Ngài. Với một người tu hành, tuy được thấm nhuần trong lý thuyết là thân thể nầy vốn huyn ảo, có có không không, chẳng gì khác hơn là sự kết hợp của ngũ uẩn và tứ đại nhưng về mặt khác cũng được lưu ý là ta không thể hủy hoại thân thể mình, nó kết hợp với thần thức ta để tạo nên con người ta. Hủy hoại thân xác tức là hủy hoại luôn thần thức của một người. Đó là chưa kể đạo lý bình thường nhứt là phụ công cha mẹ sinh thành nuôi nấng, theo lời dạy của Kinh Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng vốn được lưu truyền trong giới Phật giáo đồ từ thế kỷ 17 đến ngày nay bằng bản chữ Hán và cả bản dịch Nôm được phổ biến sâu rộng trong các chùa chiềng. Thế nên ta biết chắc rằng trước khi quyết định tự thiêu Ngài đã  suy nghĩ thao thức, cân phân coi đây phải là hành động cần thiết hay không.

Sự suy nghĩ đó nằm trong hai tài liệu quan trọng mà Ngài để lại là  Đơn Xin Thiêu Thân gởi cho Giáo Hội Tăng Già Việt Nam viết bằng chữ Quốc Ngữ và Lời Nguyện Tâm Quyết viết bằng chữ Nôm mà ít người được biết trong đó có những câu toát lên lòng vị tha của Ngài.

Trong Đơn Xin Thiêu Thân Ngài xác nhận rằng mình đi theo con đường chung của Phật Giáo đồ là tranh đấu bất bạo động. Ngài nói rất rõ ràng:

Nguyện luôn luôn son sắt bền chí với lý tưởng tranh đấu hợp tình hợp lý, bất bạo động của Phật giáo đồ Việt Nam.

Tự thiêu là con đường bất bạo động tuyệt cùng. Không muốn làm đau đớn cũng như làm hại người khác, dầu cho người khác đó có bách hại tôn giáo mình, tàn sát tín hữu mình.

Trong Lời Nguyện Tâm Quyết mà ta có thể coi là lời tuyệt mệnh của Ngài, ta không thấy một chút xíu giận ghét nào, chỉ thấy lòng Ngài bao la, bình tâm cầu mong cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt giải quyết vấn đề êm đẹp, cầu mong cho Tổng Thống lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo.

Ta hãy đi vào chính văn bức thơ, ở đoạn quan trọng đó:

Một là mong ơn Phật Trời gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên cáo.

Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác.

Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo….

Chắc chắn rằng dưới mắt Ngài, Tổng Thống Ngô Đình Diệm không phải là người đối nghịch cần phải triệt diệt, mà chỉ là người vướng mắc trong sự mê lầm nhứt thời cho nên Ngài cầu mong Tổng Thống sáng suốt, sáng suốt với vấn đề và sáng suốt áp dụng sự bình đẳng đối với toàn thể quốc dân. Nhứt là đem tấm lòng từ bi bác ái của con người má áp dụng cho toàn thể quốc dân.

Những sự việc xảy ra kế đó về sự thay vế đổi ngôi có chết choc, có bắn giết… sau ngày Ngài tự thiêu là những sự việc của chánh trị trên cao từng, của sự sắp xếp bàn cờ thế giới, của những bàn tay cao thủ ngoài dự kiến của người Việt Nam, kể cả Ngài.

Trở lại sự kiện tự thiêu. Bình luận, khen chê, trách móc, phục tôn đối với một hành vi nào đó thế thường luôn luôn có, huống chi là sự tự thiêu. Đây là chuyện bình thường của cuộc đời xã hội. Tôi chỉ xin lược qua mấy ý từ bài thơ Lửa Từ Bi của thi sĩ Vũ Hoàng Chương để soi rõ hơn bài nói chuyện hôm nay.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương coi sự Tự Thiêu Thân của Ngài là hành động bi hùng khiến rơi lệ cả thế giới, cả vũ trụ:   

Hai vầng sáng rưng rưng

Đông Tây nhòa lệ ngọc.

Kết quả là:

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt.

Toàn dân trong nước lúc đó có bớt sân si chăng? Điều nầy tùy thuộc nghiệp lực của cả dân tộc: cộng nghiệp của quốc gia Việt Nam ta, việc nầy liên quan đến nhiều yếu tố, khó lòng mà thấy ngay được.

Mỗi cá nhân có bớt sân si chăng? Điều nầy nằm trong cái nghiệp của mỗi con người. Hòa Thượng đốt đuốc soi đường, nhưng mỗi cá nhân phải nhìn vào đó bằng chính con tim mình, bằng chính cái tuệ giác của mình để sửa lại đường đi của bản thân cho đúng. Đúng đường đời và đúng đường đạo. Chính mỗi con người thời đó và mãi mãi về sau phải tự rút ra bài học hướng dẫn đời mình. Hòa Thượng chỉ hiến thân mình làm Đuốc Tuệ, chẳng mưu cầu gì ở lời ca tụng, ở bia ký, ở đài kỷ niệm, ở bút giấy ghi công, ở lời ngợi ca sùng thượng:

Ngọc hay đá tượng chẳng cần ai tạc,

Lụa hay tre nào khiến bút ai ghi…

Vầng điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác.

Bài học, cái nhìn ý nghĩa từ hành động của Ngài và sự cố gắng của mỗi người để thực hành bài học đó mới đáng kể, kỳ dư chỉ là phù phiếm, vô ích hay lợi dụng. Ngọn Đuốc Tuệ đã được thắp lên, soi tỏ cho chúng sinh để từ đó giúp chúng sinh thoát khỏi mê lầm. Nhưng chúng sinh có mở mắt chăng đó mới là điều quan trọng.

Tiếp theo Ngọn Đuốc Tuệ của Ngài, nương theo ánh sáng đạo mầu dẫn dắt nên trong suốt thời gian mấy mươi năm trôi qua, biết bao nhiêu tăng ni đã theo gương ngài mà dùng chính thân mình soi sáng đường cho thế gian bớt mê lầm, không phải chỉ trong nước Việt ta mà ở trong các nước Phật giáo khác nữa. Tây Tạng là một trường hợp điển hình với ít nhứt hơn vài trăm cuộc tự thiêu mà báo chí có thể biết được.

Nhưng than ôi, con người vốn dễ mê lầm nên nhân loại còn chiến tranh, còn chia rẽ và còn đày đọa nhau vì lợi ích của chính mình và gia đình mình. Chúng ta hằng năm ôn lại hành động của Ngài để tỉnh thức, thoát ra ngoài những mê lầm, sống nương theo Phật tính, bởi vì Tỉnh thời Là Phật, Mê là Chúng Sanh (Toàn Nhật Quang Đài).

Vì Ngài đã thành một nhân vật lịch sử sáng giá. Hành động của Ngài là hành động đặc biệt trong lịch s Việt Nam, tuy vô tình nhưng đem đến hệ quả làm thay đổi một giai đoạn lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa cho nên nhà cầm quyền hiện tại ở VN cố lái ý nghĩa của sự tự thiêu nầy, cố mập mờ về tiểu sử của Ngài, cố tạo cho Ngài một ý muốn mà tôi biết rằng thâm tâm Ngài không hề có là:

(1) Muốn đánh đổ chế độ Cộng Hòa của Miền Nam, và

(2) Đòi cho được sự không kỳ thị tôn giáo đối với Phật giáo đồ ở giai đoạn 1963.

Thật ra theo tôi Hòa Thượng Thích Quảng Đức không chủ trương hai điều nầy: Xin xem lại Lời Nguyện Tâm Quyết:

Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc nghĩa là không có đánh giết nhau để giành dân chiếm đất, không có giết hại dân đen vô tội, không có khủng bố viên chức, càng không có chuyện làm xụp đổ chế độ nọ để áp dụng chế độ kia. Chuyện đánh đổ chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm là chuyện chắc chắn không có trong ý niệm của Ngài Quảng Đức khi Ngài toan tính thực hiện chuyện tự thiêu.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo….

Tổng Thống nên lấy lòng bác ái đối với quốc dân, thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo có nghĩa là bình đẳng đối với tất cả tôn giáo, không có một sự quá trọng đối với bất cứ một tôn giáo nào mà coi thường những tôn giáo khác. Sự đòi hỏi của Ngài tuy không nói ra rõ ràng nhưng hàm chứa phải có sự bình đẳng đối với 4 tôn giáo lớn của Miền Nam là Thiên Chúa giáo, Phật Giáo, đạo Hòa Hảo, Cao Đài giáo… Đòi hỏi sự bình đẳng chung cho các tôn giáo hiện diện trong nước vượt trên sự đòi hỏi không bị kỳ thị chỉ riêng cho tôn giáo của mình. Tâm hồn cao đẹp của Ngài nằm trong mấy chữ vừa nêu lên: bình đẳng tôn giáo.

Xin nói thêm một lần nữa về sự tự thiêu.

Tự thiêu khác với ‘gài mìn’ hay ‘đánh bom tự sát’ về nhiều mặt. Tự thiêu không có mục tiêu sát thương dân chúng và chức quyền của đối phương. Cũng không có ý rằng cái chết của mình sẽ được đền bù gì đó cho mình ở Thiên Đàng hay Niết Bàn trên thượng giới hay là sự vinh danh ở cõi đời nầy…. Tự thiêu là hành vi vô hóa xác thân mình bằng đường hòa bình, đem từ tâm mình thức tỉnh mê tâm của bên phe mà mình đương nói chuyện với. Tự thiêu do đó được nể phục bởi phe đương đối thoại, được kính trọng khắp nơi trên thế giới do mình hiểu thấu sự huyn ảo của thân xác mà hành động, do thấu hiểu sự từ bi mà đem thân làm đuốc soi đường để mong giải quyết bế tắc.

Một bài thơ nhỏ trong một tác phẩm xưa (Tuồng Lôi Phong Tháp, thế kỷ 19) như sau, diễn tả sự có-không của tất cả mọi thứ theo quan niệm của người thấu hiểu Phật đạo, chắc chắn rằng Ngài Thích Quảng Đức đã đọc hay ít nhứt đã nghiền ngẫm những ý tưởng tương tợ rải rác đây đó trong các kinh kệ:

Tự không nhi sắc, sắc nhi không, 自空而色色而空,

Tịch mịch hư vô lý mạc cùng.  寂寬虚無理莫

Thố giác trượng khiêu đàm để nguyệt, 兔角杖挑潭底月

Qui mao thằng truyện thụ đầu phong. 龜毛绳傳𣗳頭風

dịch:

Từ không thành có, có thành không,
Tịch mịch hư vô, lý chẳng cùng.

Sừng thỏ đem khều trăng đáy nước,

Lông rùa lại buộc gió trên cây.

Vâng! Sừng thỏ vốn không có, trăng đáy nước như có mà cũng là không nên chẳng thể dùng sừng thỏ để khều lấy mặt trăng dưới đáy nước được. Lông rùa vốn không hiện hữu, gió trên đầu cây như có mà cũng là không nên không thể dùng lông rùa để buộc gió trên đầu ngọn cây được.

Thì sự có - không của thân xác một đời người chỉ là một sát na của thời gian miên viễn, có gì đâu là quan trọng. Thì một người liễu đạo tự thiêu vì lý do chánh đáng cũng là lẽ bình thường.

Xưa Đức Phật một đêm nọ bỏ cung điện ra đi và nguyện: ‘Ta sẽ trở về khi thấy Đạo, khi giải thoát nhân gian thoát bể sầu đau.’ Bể sầu đau của nhân sinh, cách nầy hay cách khác, do Sinh Lão Bịnh Tử và do lòng sân si, đam mê vọng động của Tâm thường tình ở bên trong mỗi con người.

Đức Phật ngày xưa bỏ hết để đi vào rừng tìm đường cứu vớt nhân sinh, năm 1963 Hoà Thượng Thích Quảng Đức bỏ hết để đi vào lửa trao ra một thông điệp yêu thương, bình đẳng, ngày nay tuổi trẻ Việt Nam cũng đang bỏ hết để hằng ngày gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đại họa mất đất, mất biển, mất nước, mất tự do mà đân tộc ta đương gánh chịu.

Con đường thương yêu đồng bào, thương yêu đồng loại là con đường liên tục nhưng thể hiện bằng nhiều cách thế. Cái khó là nhìn thấy hướng đúng, hướng phù hợp với từng người! Cái khó vạn nan kế tiếp là hăn hái bước lên đi vào hành động

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nguyễn văn Sâm

(Nguyên Giáo Sư tại các Viện Đại Học Vạn Hạnh, Cao Đài, Hòa Hảo trước năm 1975)

(Bài nói chuyện tại chùa Bát Nhã, CA, USA, ngày 23 tháng 06 năm 2012 nhân ngày lễ Hòa Thượng Thích Quảng Đức, sửa lại và thêm năm 2013.)



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.