Hôm nay,  

Passport Lên Niết Bàn Vào Giờ Thứ 24

13/02/201600:00:00(Xem: 6529)
Một ngày có 24 giờ. Đời người là trăm năm. Trăm năm mà giáp với 24 thì sự đời coi như đã xong, an nhiên tự tại đi về thế giới bên kia! Ai cũng phải bước qua cảnh đời vào giờ thứ 24 nhưng khi nhìn lại câu chuyện của Bố tôi nói riêng hay thế gian này nói chung thì thiên hạ thường thấy có điều gì bất ổn vào hồi chung cuộc...

Thời sinh viên bên Pháp, hai mối tình nổi bật nhất trong tâm hồn tuổi thanh niên mới lớn là tình gia đình và lòng yêu nước. Mỗi năm qua đi, niềm mong ước trở về càng dồn dập cho dù nơi đây, xã hội văn minh cùng với hình bóng thiếu nữ phương Tây u ẩn quyến rũ vô ngần... Tôi mang Passport Việt Nam Cộng Hòa ở hải ngoại khoảng thời gian 5 năm đi học, tốt nghiệp rồi 5 năm đi làm, tu nghiệp cho đến tháng 4, 1975 thì thông hành của tôi hết hiệu lực.

Ở sở tại, có người bạn Đức khuyên tôi nên lấy quốc tịch Pháp với lý do rất thực tế... Nếu cư trú nơi đâu trên 5 năm mà hợp tình hợp cảnh thì nên đổi quốc tịch để đời sống có nhiều phúc lợi hơn vì tình quê hương nằm ở trái tim chứ đâu trên giấy tờ mà sợ mai một! Nghe thì thuận tai hợp lý nhưng thời gian ấy, tuổi trẻ còn đầy nhiệt huyết hăng say nên với tôi, nước Pháp chỉ hợp cảnh chứ chưa hợp tình bởi lòng vẫn luôn canh cánh một ngày về.

Nơi xứ người, những buổi chiều đông cô đơn, điều làm tôi duy nhất lo sợ là chẳng may bố mẹ qua đời mà ở xa không về kịp thì tiếc thương biết làm sao vơi! Cảnh tượng ấy ám ảnh tôi mỗi khi nghĩ đến... Do lẽ đó, tôi có thói quen tự động xin trước visa xuất cảnh, đóng dấu sẵn trên passport để tránh trường hợp giấy tờ bị chậm trễ lúc cần đến. Sau 75, chính thể Việt Nam Cộng Hòa tan rã thì mất tòa Đại sứ, tôi bắt buộc phải dùng “Titre de Voyage” để ra nước ngoài làm việc. Đó là tấm giấy mầu xanh kéo ra gấp vào như chiếc accordeon dành riêng cho những ai cư trú ở Pháp không passport. Mỗi lần đến phi cảng một nước lạ, tôi đều gặp rắc rối với tấm giấy này. Chẳng may ở vào trường hợp phức tạp hơn, cũng bơ vơ không thể nhờ cậy cơ quan nào giúp đỡ nên sau cùng, tôi đành làm đơn xin nhập quốc tịch Pháp.

Vào năm 1978, sẵn quen anh bạn Phú Lang Sa có liên hệ với ông Tổng trưởng bộ Tư pháp Jean Paul Mourot nên họ giới thiệu hồ sơ quốc tịch của tôi với ông Robert Boulin Bộ trưởng bộ Lao Động. Thư từ gởi gấm cấp Bộ trưởng mà rồi cũng thất bại với lý do bao năm sống trên đất Pháp tôi không xin, đợi khi ở nước ngoài mới lập hồ sơ thì thiếu sự thành tâm ngoài điều lệ # 61 ghi trong hiến pháp.

Còn lại giải pháp cuối cùng là sử dụng tình yêu cho mục đích... Nếu lấy vợ Đầm, tôi sẽ chính thức trở thành công dân Pháp rồi có passport francais.

Trên bến sông Seine một chiều đông... lúc thành phố vừa lên đèn, ngồi ở quán vắng đối diện với người yêu tôi. Nàng có nước da trắng nổi bật giữa đêm tối, mái tóc hạt dẻ buông từng sợi nhỏ, đôi mắt to in mầu chiều hoàng hôn say đắm nhìn... như chờ đợi lời kết cho một cuộc tình! Nét đẹp hồn nhiên của người con gái Tây phương thật thà như hơi thở sẵn sàng cho phép tôi lợi dụng tình yêu này đổi lấy passport quốc tịch Pháp nhưng ngần ngại vì ít nhiều thiếu sự thành tâm. Thế rồi trước cảnh “người thật, việc thật” không thể dối lòng, tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày được mẹ bảo lãnh sang Mỹ.


Bước sang câu chuyện của bố tôi lúc tâm thần cụ đã hoàn toàn sa sút, không thể tự quyết định bất cứ một việc gì thì gia đình lại mời Thầy đến nhà ban pháp danh cho cụ. Vì sống gần bố những năm tháng cuối đời nên tôi hiểu cụ đặt nhẹ vấn đề tôn giáo từ khi còn trẻ đến nay tuổi đã trăm năm. Đối với cụ, chùa chiền chỉ để làm cảnh, sư sãi mặc áo cà sa có người đắc đạo có kẻ không nhưng quan trọng vẫn là hành động dựa theo trí tuệ để thích ứng với đạo lý làm người. Cụ không bài bác bất cứ đạo nào chả thế mà các con cụ người theo Tin lành, người xuống tóc quy Phật và cả hai trường hợp cụ thản nhiên không hề đặt câu hỏi. Thời sinh tiền, cụ và tôi đắc chí về việc thờ cúng ông bà tổ tiên chứ không tìm hiểu về những niềm tin tôn giáo kém thực tế.

Gia đình giấu tôi khi mời Thầy đến nhà làm lễ đặt pháp danh cho cụ khi biết ngày ra đi vĩnh biệt gần kề! Ai cũng biết ấy là một hành động vị tha nhưng khi quay đầu nhìn lại... Bệnh hoạn, đau yếu, đầu óc hoang tưởng, hình ảnh cụ ví như “con cắc kè say khói thuốc lào” thì người ta đặt tên cho cụ là Thân Khai Chỉ để ghi vào “Passport Lên Niết Bàn Vào Giờ Thứ 24”. Tôi không có mặt ở buổi lễ nên không biết chính xác những gì đã xảy ra nhưng chắc chắn một điều là sự việc đã được dàn xếp, tổ chức ngoài ý muốn của cụ.

Nếu thực tâm muốn xin vào quốc tịch Pháp thì tôi đã làm đơn từ ngày đầu khi nước mất nhà tan và giống như tôi, hẳn cụ cũng đã tự nguyện lấy pháp danh như mọi người con Phật để hy vọng lên Niết Bàn từ lúc tinh thần còn minh mẫn! Ngược lại, tâm thần ngơ ngác như cắc kè say thuốc mà được Thầy ban pháp danh thì thử hỏi gia đình và vị sư hoằng pháp có trách nhiệm gì với bố tôi không?

Không chút sân hận vì nước Pháp đã từ chối đơn xin quốc tịch của tôi sau nhiều thư từ trao đổi cấp Bộ trưởng từ tháng 9, 1978 kéo dài đến tháng 8, 1980... Ngược lại, tôi ngưỡng mộ con người đất nước này sáng suốt vì họ đã nhìn thấy sự thiếu thành tâm ở nơi tôi. Người con gái Tây phương ở quán vắng trên bến sông Seine ngày nào, đến nay chắc đã hiểu hành lý của chàng thanh niên xa nhà, ấp ủ nhiều món nợ tình nặng hơn tình yêu đôi lứa nên sẵn lòng tha thứ cho câu chuyện năm xưa chỉ vì vấn đề lương tâm với lòng thành.

Việc đời đã thế! Việc đạo thì sao? Phải chăng lòng từ bi cho phép gia đình và các tu sĩ xưng tội, xưng tên cho những kẻ sắp lìa trần vào giờ phút cuối khi mà thân tâm họ hoàn toàn mất tự chủ? Liệu chúng ta có nên đặt lại câu hỏi, suy xét lòng thành tâm của người nhận trước khi ban pháp danh bởi hình ảnh con cắc kè say thuốc mà lĩnh hội cái tên mới để ghi vào “Passport Lên Niết Bàn Vào Giờ Thứ 24” bằng con đường tắt chẳng khác gì câu chuyện đi mây về gió, sẵn có điều gì bất ổn ở lương tâm và hành động hay chăng?

01/20/2016

Ý kiến bạn đọc
14/02/201615:28:05
Khách
qua dung: tai ca chi lam cho nguoi con song ma thoi
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.