Hôm nay,  

Nghĩ Về Cuba Nghĩ Về Việt Nam

29/08/201500:00:00(Xem: 4357)
Một ngày cuối tháng Tư năm 1992, khi nghe tin Tổng thống George W.H. Bush (cha) quyết định nới lỏng một phần lệnh cấm vận đối với Việt Nam bằng cách cho nối lại liên lạc viễn thông giữa hai quốc gia, ngay chiều hôm đó, từ California tôi gọi điện thoại về Sài Gòn cho người quen và đường dây đã thực sự được nối lại ngay, chuyển những âm giọng cho nhau nghe giữa hai bờ đại dương sau 17 năm cắt tiếng.

Thời đó rất ít gia đình người Việt có điện thoại. Tôi nhớ, khi cần nói chuyện với bố mẹ, qua điện thoại của nhà người quen, tôi phải gọi trước, nhờ nhắn với người nhà vào một giờ nhất định tôi sẽ gọi lại. Sau bao năm không được nghe giọng người thân, nay điện thoại nối lại cho mình cảm giác như gia đình và quê hương sau bao năm rời xa đã gần lại, dù địa lý vẫn còn cách nhau cả một đại dương bao la. Giá gọi điện lúc đó là 3 đô-la một phút. Với nền kinh tế đã mở ra cho kinh doanh cá thể nên nhiều nơi ở Sài Gòn có dịch vụ điện thoại để người trong nước nói chuyện với thân nhân từ Mỹ. Sau điện thoại, dịch vụ quay video sinh hoạt gia đình để gửi qua Mỹ cũng nở rộ một thời.

blank
Phố cổ Havana (ảnh Bùi Văn Phú).

Tuần trước, kênh CNN đưa tin những người trẻ Cuba tìm đến vài khu vực ở Thủ đô Havana có Wi-Fi để lên mạng trò chuyện với người thân ở Mỹ. Bản tin cho biết hiện nay có chưa đến 40 địa điểm trên toàn quốc Cuba có Wi-Fi.

Dân Cuba ngày nay giống như dân Việt cách đây 23 năm muốn được liên lạc trực tiếp với thân nhân ở Mỹ.

Từ tháng 12 năm ngoái, sau khi Hoa Kỳ và Cuba quyết định mở ra những thảo luận để tiến đến bình thường hoá quan hệ, các công ty Mỹ đã bắt đầu phác thảo kế hoạch nối lại liên lạc giữa hai nước, bằng viễn thông, bằng du lịch đường hàng không, đường phà và du thuyền.

blank
Havana có nhiều xe cổ của Mỹ thời thập niên 1950 (ảnh Bùi Văn Phú).

Bây giờ bàn chuyện liên lạc giữa hai nước thì nối đường dây điện thoại là xưa cũ rồi. Ngày nay liên lạc với nhau là dùng Wi-Fi, qua internet để hai bên không những được nghe giọng nói mà còn thấy hình ảnh người thân sống động trên màn hình nhỏ.

Nhưng tiến trình phát triển quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba vừa được mở ra có những bước trái chiều với tiến trình quan hệ Mỹ-Việt.

Với Hà Nội, từ đầu thập niên 1990 Washington đã cho phép công ty Mỹ vào Việt Nam khảo sát thị trường, tổ chức tua du lịch, cho các tổ chức thiện nguyện NGO vào làm việc, cho Việt Nam được vay tiền của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB). Mỹ hoàn toàn bỏ cấm vận vào đầu năm 1994, sau 30 năm áp dụng chính sách này với Bắc Việt từ 1964 và toàn cõi Việt Nam sau năm 1975.

blank
Điện thoại công cộng còn được nhiều người sử dụng (ảnh Bùi Văn Phú).

Sau đó Hoa Kỳ và Việt Nam đồng ý trao trả tài sản trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/7/1995, hai mươi năm sau khi cuộc chiến chấm dứt và người Mỹ rút lui.

Trong quan hệ với Cuba, sau hơn nửa thế kỷ không bang giao, cuối năm vừa qua Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raúl Castro đã đồng ý mở ra những thảo luận để tiến tới bang giao. Hôm 20/7 vừa qua Havana và Washington đã chính thức nối lại quan hệ trước, các vấn đề khác sẽ được đưa vào nghị trình thương thảo sau. Lệnh cấm vận Cuba từ năm 1961 đến nay vẫn còn hiệu lực.

Dù đã bang giao nhưng công dân Mỹ vẫn chưa được tự do du lịch đến Cuba mà phải đi theo các chương trình văn hoá, giáo dục, y tế hay tôn giáo. Havana chưa thể vay tiền từ các tổ chức tài chính quốc tế để phát triển.

blank
Xe bán rau và cây trái bên đường (ảnh Bùi Văn Phú).

Hai năm trước tôi đến Cuba và nhận ra nơi đây vẫn thực sự là một đất nước cộng sản. Đường phố không có một bảng quảng cáo thương hiệu và hai bên đường hay những nơi cao có khẩu hiệu hoan hô cách mạng, tán dương xã hội chủ nghĩa. Muốn mua tờ báo hay tạp chí để đọc thật là khó tìm, chỉ có tuần báo Granma, ấn bản tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha, là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba.

Từ Cuba muốn liên lạc về Mỹ qua điện thoại phải trả 2 đô 55 xu một phút, cùng giá khi gọi châu Mỹ còn các nơi khác 4 đô một phút. Thủ đô Havana chưa có café internet, không thấy ai có điện thoại cầm tay và bên đường vẫn còn những trụ điện thoại công cộng với nhiều người sử dụng. Muốn liên lạc bằng email về Mỹ, khách sạn Riviera là nơi đoàn chúng tôi ở chỉ có ba bốn máy điện toán đặt tại hành lang, mua thẻ dùng tốn hơn 8 đô-la cho nửa giờ.

Havana vẫn còn những cửa hàng bán nhu yếu phẩm theo tem phiếu, tuy ngoài đường đã có sinh hoạt buôn bán cá thể như bán rau, trái cây trên xe ba bánh hay một vài chợ nông dân. Quanh khu phố cổ có những người đạp xích lô, chạy coco taxi đưa đón khách là những nghề mới có trong vòng một thập niên, kể từ khi Chủ tịch Fidel Castro từ nhiệm và trao quyền lại cho em là Raúl Castro và ông đã cho phép một vài hoạt động kinh tế tư nhân.

blank
Sinh viên tại Đại học Nghệ thuật ISA (ảnh Bùi Văn Phú).

Dăm bảy năm trước người dân Cuba không được ở trong những khách sạn dành cho du khách nước ngoài. Nay người dân có thể cho du khách thuê phòng, được phép mở cửa hàng ăn uống, thường là tầng trệt của một ngôi nhà khang trang. Những sinh hoạt kinh tế giống như ở Việt Nam vào những năm cuối thập niên 1980.

Sau khi Liên bang Sô-Viết sụp đổ vào đầu thập niên 1990 và không còn trợ giúp về tài chánh và năng lượng, Cuba đã trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn gọi là “thời kỳ đặc biệt” với thực phẩm cắt giảm, xăng dầu thiếu, như “thời bao cấp” ở Việt Nam. Nhưng Havana vẫn không có những bước ngoặt thay đổi kinh tế như Hà Nội đưa ra năm 1986 sau nhiều thất bại với hợp tác xã và nền kinh tế tập trung.

Chính sách “Đổi mới” của Việt Nam mở ra cho sinh hoạt kinh tế nhiều thành phần, giúp phát triển đất nước, cải thiện cuộc sống của dân nhưng cũng đã kéo nền giáo dục và y tế vào khủng hoảng, đã biến bệnh viện và trường học thành những nơi mà người dân phải tốn nhiều tiền mà vẫn không được phục vụ tốt.


Đó cũng là nhận xét của người hướng dẫn mà tôi có dịp trò chuyện khi ở Cuba. Anh nói Việt Nam đã xa rời xã hội chủ nghĩa, Cuba nhìn vào kinh nghiệm Việt Nam và không cho đó là những cải cách tốt đẹp khi giao tiếp với phương Tây. Sau hơn nửa thế kỷ áp dụng xã hội chủ nghĩa, dù qua nhiều khó khăn và vẫn còn bị Mỹ cấm vận, ngày nay mọi người dân Cuba vẫn được hưởng giáo dục và các dịch vụ y tế miễn phí.

blank
Lớp học phổ thông ở Cuba (ảnh Bùi Văn Phú).

Thời gian một tuần ở Havana, buổi sáng mỗi ngày đoàn chúng tôi nghe thuyết trình, thảo luận với các giới chức văn hoá, giáo dục, y tế và nghệ thuật để hiểu hơn về Cuba. Sau đó đi tham quan các cơ sở y tế, trường học, bảo tàng.

Về chăm sóc y tế, cứ khoảng 150 dân là có một bác sĩ. Mỗi khu cư dân đều có một trạm y tế gia đình điều hảnh bởi một bác sĩ và là người chăm sóc sức khoẻ cho cư dân khu vực. Ai bệnh nặng sẽ được chuyển lên bác sĩ chuyên khoa hay bệnh viện để chữa trị mà không phải trả bất cứ chi phí nào. Ngành y của Cuba nổi tiếng đào tạo được nhiều bác sĩ giỏi được gửi đi làm việc ở Nam Mỹ, châu Phi. Cả nghìn sinh viên Mỹ đang theo học ở Cuba, một nửa trong ngành y, theo lời một bác sĩ thuyết trình.

Cũng như trong giáo dục, học sinh đi học từ mẫu giáo lên hết bậc đại học đều không phải đóng học phí. Những học sinh có năng khiếu sẽ được vào những trường chuyên.

Những tháng qua truyền thông ở Hoa Kỳ tràn ngập tin tức về Cuba với viễn cảnh đất nước này sẽ mở ra cho Hoa Kỳ mau chóng vào đầu tư, sẽ đón chào du khách Mỹ ào ạt sang thăm.

blank
Nghệ sĩ José Fuster và ngôi nhà nghệ thuật của ông (ảnh Bùi Văn Phú).

Đại sứ quán Cuba ở Washington đã mở cửa tháng trước. Sáng 14/8/2015 Ngoại trưởng John Kerry đến Havana dự lễ thượng kỳ và mở cửa Đại sứ quán Mỹ ở đây. Trong bài diễn văn, ông nhắc đến bang giao Mỹ-Việt như một thành quả đưa hai nước từ cựu thù đến gần nhau, giúp Việt Nam phát triển sau hai mươi năm mở ra quan hệ.

Những chuyển động từ sáu tháng qua mới chỉ đưa đến việc nối lại bang giao hai nước nhưng nhiều người dân Cuba hân hoan nhảy múa, phất cờ Mỹ đón mừng sự kiện này.

So với Việt Nam vào tháng 7/1995 khi hai nước cựu thù nối lại bang giao, ở Hà Nội không có cảnh dân ra phố phất cờ Mỹ múa hát reo mừng và lãnh đạo Việt Nam đón nhận tin bang giao với sự e dè. Vài tháng sau, cựu Tổng thống George W.H. Bush đến Hà Nội nói chuyện về tương lai phát triển quan hệ hai nước chỉ được đón nhận chừng mực trong một thính đường với số khách chưa đầy một nửa.

blank
Quảng trường Thánh Phanxicô ở Thủ đô Havana (ảnh Bùi Văn Phú).

Khi ở Cuba tôi không khỏi có những suy nghĩ và so sánh với Việt Nam vì cũng có những điểm tương đồng, chỉ cách nhau 20 năm.

Những ngày ở Cuba tôi gửi về cho gia đình hai bưu thiếp qua đường bưu điện. Lâu không thấy nhận được, tưởng đã thất lạc. Ba tháng sau bưu thiếp mới đến. Như những cánh thư giữa Việt Nam và Mỹ thời còn cấm vận, đi lòng vòng hơn tháng mới đến tay người nhận.

Chuyến bay từ Havana về lại Miami dự định cất cánh lúc 11 giờ 40 sáng, đến Miami lúc 12 giờ 45. Tôi và nhiều bạn đã lên chương trình đi thăm Little Havana vài tiếng đồng hồ vì chuyến bay về lại San Francisco cất cánh lúc 8 giờ tối.

Buổi sáng ở phi trường José Martí, đang xếp hàng check-in thì cúp điện. Nhân viên không làm gì được nên mọi người phải chờ. Lúc sau có điện lại chừng 15 phút rồi lại bị cúp nữa. Vào phòng đợi thì biết chuyến bay khởi hành sẽ trễ hai tiếng, rồi lên hơn bốn tiếng.

blank
Bảo tàng Cách mạng (ảnh Bùi Văn Phú).

Về đến Miami gần 6 giờ chiều. Nhân viên di trú hỏi qua Cuba làm gì? Tôi trả lời qua đó trong một chương trình học để tìm hiểu về giáo dục và y tế. Ông nói: “In Cuba they dont teach you anything, only about communism.” - Ở Cuba họ không dạy gì ngoài chủ nghĩa cộng sản.

Tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói đó. Một tuần ở Cuba, nghe thuyết trình và đi tham quan nhiều nơi những tôi cũng mới chỉ nhìn thấy bề mặt của đất nước này xem ra vẫn kiên định với xã hội chủ nghĩa, còn bề sâu chưa được biết nhiều. Nhân quyền của người dân Cuba chắc chắn không có vì còn chế độ cộng sản và đó cũng là những quan tâm của chính giới Mỹ trong tiến trình phát triển quan hệ hai nước. Giờ đã bang giao với Mỹ, rồi Cuba sẽ có cải tiến kinh tế, chính trị nhanh chóng hay lại bị tham nhũng, cửa quyền từ một giai cấp giầu sang mới gọi là “tư bản đỏ” cản trở.

Tôi nhớ người tài xế và anh hướng dẫn cho đoàn. Anh là một trong hai người có điện thoại cầm tay mà tôi gặp trong thời gian ở Cuba. Người khác nữa có điện thoại là cô thiếu nữ lo sắp xếp đưa các diễn giả đến nói chuyện với đoàn.

blank
Tượng đài văn hào Ernest Hemingway ở làng Cojímar (ảnh Bùi Văn Phú).

Trước khi chia tay, 29 người trong đoàn góp nhau tiền típ cho tài xế 600 đô-la, anh hướng dẫn hơn 700 đô. Với lương trung bình của người dân là 30 đô một tháng thì làm trong ngành du lịch, ngoài lương căn bản, với tiền típ một tuần như thế là rất khá. Anh hướng dẫn đã có tâm sự với chúng tôi, anh là kĩ sư công nghệ thông tin, làm việc cho chính phủ lương không cao nên bỏ đi làm hướng dẫn viên du lịch.

Riêng với tôi, một người gốc Việt nên được anh kể cho nghe đôi điều về gạo và cà-phê Việt trên đất Cuba. Anh nói trước đây cố vấn nông nghiệp Cuba từng sang Việt Nam dạy trồng cà-phê, nay cà-phê Việt ở Cuba nổi tiếng ngon thơm. Gạo mà Hà Nội viện trợ cho Havana cũng thế, đó là loại gạo trắng và ngon hơn các loại gạo khác có ở Cuba.

Với quan hệ Mỹ-Cuba ấm lên, du lịch sẽ bùng phát và tôi tin anh sẽ trở thành những người giầu có trên đất nước Cuba trong giai đoạn mới.

© 2015 Buivanphu.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đảng CSVN đang rối beng lên về tình trạng cán bộ tham nhũng quyền lực, nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến dân te tua. Tình trạng này được báo của Trung ương đảng “vạch áo cho người xem lưng” cả trong hai lĩnh vực...
Số lượng người nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ cao kỷ lục đang khiến cho hệ thống nhập cư vốn đã quá tải càng thêm phần căng thẳng. Dữ liệu mới đây của chính phủ cho thấy các viên chức biên phòng đã thực hiện 2.05 triệu vụ bắt giữ trong năm tài chánh kết thúc vào tháng 9. Đây là năm thứ hai liên tiếp mà số vụ bắt giữ như vậy cao hơn 2 triệu. Trong quá khứ, các con số tăng và giảm dựa trên những thay đổi quan trọng về kinh tế và chính sách, như các đợt suy thoái kinh tế và siết chặt biên giới trong thời kỳ đại dịch. Nhưng chưa bao giờ số vụ bắt giữ vượt quá 1.7 triệu, và cũng chưa bao giờ duy trì ở mức cao như vậy trong mấy năm liên tục.
Hai việc đang làm cho Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng mất ăn mất ngủ là “tình trạng xa rời Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” và “tham nhũng quyền lực” ngay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ chống tham nhũng, thanh tra và thi hành kỷ luật...
Lúc còn tại thế, có lúc ông Phạm Văn Đồng đã phải đối diện với một câu hỏi khó: “Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về sự kiện thuyền nhân hồi 1975, nhất là hồi 1978, 1979… Về nguyên nhân và trách nhiệm trong những sự kiện ấy, với những hiện tượng bán bãi thu vàng và khá nhiều tầu, thuyền bị hải tặc bão tố và chìm trong đại dương…
Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ báo cáo thường niên trước Quốc hội: Những diễn biến quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc...
Tại sao chính sách Hoa Kỳ phải giúp đỡ những quốc gia khác, kể cả những quốc gia chống đối quyền lực của Hoa Kỳ? Có anh hàng xóm tức giận muốn qua đốt cháy nhà mình, mình lại đem tiền qua giúp đỡ; đôi khi lại mang con qua xây dựng hàng rào, chuồng gà, sơn quét nhà cửa cho anh ta. Chuyện thật ngược đời. Đảng Cộng Hòa nói: Không được. Đảng Dân Chủ nói: Được. Đáng giúp đỡ. Còn bạn, nghĩ sao? Ngày 18 tháng 10 năm 2023, Hãng thông tấn ABC News đưa tin: “Chính quyền Biden đang soạn thảo gói viện trợ nước ngoài trị giá 100 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ cho Israel cũng như các ưu tiên an ninh hàng đầu khác.” Dự thảo này phải được quốc hội phê chuẩn. Chắc hẳn sẽ gặp khó khăn vì Đảng Cộng Hòa giữ đa số ở hạ viện. 100 tỷ là số tiền khá lớn, trong lập luận của đảng Cộng Hòa, tại sao không dùng số tiền này để phát triển kinh tế nước Mỹ? Xây dựng những công trình nội địa mang lợi ích đến cho người dân? Trong lập luận của đảng Dân Chủ, giúp người tức là tự giúp mình
Lại một lần nữa, cộng đồng tình báo quốc tế cho thấy khả năng dự báo hoàn toàn sai lạc khi nhận định rằng xung đột Trung Đông không có dấu hiệu leo thang trong khi chiến tranh Ukraine đang tiếp diễn. Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phạm phải sai lầm nghiêm trọng hơn khi thiếu chuẩn bị các biện pháp phòng thủ cần thiết, vì ông tin tưởng tuyệt đối ưu thế quân sự của 170.000 quân Do Thái so với 40.000 chiến binh Hamas. Chính ông Ehud Barak, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cùng 80% dân chúng cũng đồng quan điểm, cho rằng Thủ tướng Netanyahu phải chịu trách nhiệm chính trị cho thảm hoạ hiện nay.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.