Hôm nay,  

QUAN HÊ VIỆT-MỸ-TRUNG

15/08/201502:39:00(Xem: 6350)

QUAN HÊ VIỆT-MỸ-TRUNG

 

 

 

MỤC LỤC

 

  1.         I.            TỔNG QUÁT
  2.       II.            QUAN HỆ VIỆT-TRUNG
  3.     III.            QUAN HỆ VIỆT-MỸ
  4.    IV.            YẾU TỐ ĐA PHƯƠNG
  5.      V.            LƯỢNG ĐỊNH TƯƠNG LAI

 

 

  1.         I.            TỔNG QUÁT

Trong các nước lân bang của Trung Quốc, Việt Nam là nước chịu nhiều hệ lụy nhất. Trong hơn 2,000 năm lập quốc, người Việt Nam đã bị 4 lần Bắc thuộc và đánh nhau với Trung Quốc bảy lần kể cả ba lần diễn ra khi Mông Cổ làm chủ Trung Hoa. Kể từ lúc lập quốc, Trung Quốc với dân số đông nhất thế giới là một quốc gia với nhiều thăng trầm: lúc thì bị chia năm xẻ bảy vì tranh giành quyền lực thời phong kiến, liên quân 8 nước Tây Phương tiến vào Bắc Kinh năm 1900, bị Nhật Bản xâm chiếm trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, nội chiến Quốc-Cộng cho đến 1949 nhưng mỗi khi Trung Quốc thống nhất trong một thời gian dài thì nước này lại không để cho các dân tộc chung quanh được bình an. Nhà cầm quyền Trung Hoa, dù là những vị hoàng đế thời phong kiến hay đảng Cộng Sản hiện nay vẫn luôn luôn nuôi mộng bành trướng lãnh thổ, xâm lược các nước lân bang. Từ thời nhà Hán qua các triều đại Đường, Tống, Nguyên, Minh, và Thanh đều mở rộng vùng đất họ kiểm soát. Thực ra chính các vị hoàng đế hay tổng bí thư, dù họ đóng kinh đô ở Trường An, Lạc Dương, Nam Kinh hay Bắc Kinh; dù họ là người gốc Hán hay gốc Mông Cổ, gốc Mãn Châu; dù rằng phong kiến hay Cộng Sản; đều chịu trách nhiệm về những cuộc xâm lăng chiếm đất, cướp của, giết người, tạo nên một nước gọi là Trung Quốc bây giờ. Đế quốc này bành trướng mạnh nhất vào đời nhà Thanh (1644 -1912), mở rộng ra gấp hai lần vùng kiểm soát của nhà Minh trước đó. Mà triều đại dài gần 400 năm này lại do một sắc dân thiểu số người Mãn Châu đứng đầu. Vì luôn luôn tự tôn rằng Hán tộc là cái rốn của vũ trụ, có thiên mệnh làm bá chủ thế giới nên từ ngàn xưa, người Tầu đã không ngớt xâm lấn khắp nơi khi có cơ hội. Chính sách đồng hóa thâm độc của Trung Quốc vẫn không thay đổi. Từ ngàn năm nay: đó là di dân ào ạt vào các nước chiếm được, hạn chế sinh đẻ áp đặt lên người bản xứ, gieo rắc chết chóc lầm than, hủy diệt văn hóa, văn tự chữ nghĩa như họ đang thực hiện ở Tây Tạng ... Người Tầu tự coi họ là văn minh, các sắc dân khác được họ gọi là Rợ, Man Di v.v .. Các vua Tầu như các Khang Hy, Càn Long đời nhà Thanh đã đem lãnh thổ Mãn Châu sáp nhập vào nước Tầu. Họ chiếm thêm Ngoại Mông và Hồi Cương để lập thêm các tỉnh mới như Thanh Hải, Tây Khang, Tây Hạ, Sáp Cát Nhĩ, Liêu Ninh, Thẩm Dương và Hắc  Long Giang. Sau khi đuổi quân Quân Dân Đảng của tướng Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan và thống nhất đất nước năm 1949 dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản Trung Hoa, họ đã đổi quốc kỳ: Cũng là nền đỏ sao vàng tượng trương cho phong trào Cộng Sản quốc tế nhưng đã để lộ ra bản chất đế quốc với ngôi sao lớn nhất tượng trưng cho dân tộc Hán, chung quanh là 4 ngôi sao nhỏ tượng trưng cho các nhóm Mãn, Mông, Hồi, Tạng.

Quan hệ Việt-Mỹ chỉ bắt đầu vào năm 1941, sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong những quốc gia đầu tiên mà ông Hồ Chí Minh mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị chính là Hoa Kỳ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 14 lá thư cho lãnh đạo Hoa Kỳ trong đó có Tổng thống Truman, đề nghị thiết lập quan hệ “hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. Nhưng do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, có những cơ hội lịch sử bị bỏ lỡ và hai nước đã trải qua những giai đoạn đầy thăng trầm và đau thương mà cuộc chiến Việt Nam 1960-1975 đánh dấu giai đoạn tệ hại nhất trong bang giao Việt-Mỹ.

Nghiên cứu các động lực bên trong tam giác chiến lược Mỹ-Việt-Trung thì những diễn biến gần đây đang bước vào giai đoạn thứ 3 của một chu kỳ. Những năm 1950 – 1960 Việt Nam và Trung Quốc bắt tay chống Mỹ dù rằng Trung Quốc cũng đã lộ ra những ý định không thân thiện với Việt Nam. Trong những năm 1970  - 1980 thì Hoa Kỳ đứng yên trong khi Trung Quốc chống Việt Nam. Bây giờ “thủy triều thời cuộc” đã đẩy Hoa Kỳ và Việt Nam xích lại gần nhau khi cả hai cùng đối mặt với một Trung Quốc đang bành trướng.

Có thể nói rằng quan hệ Việt-Mỹ-Trung là một canh bài mà Việt Nam, vì vị trí địa chính trị và chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình, bắt buộc phải tham dự. Người Mexico thường hay than vãn rằng họ ở xa Thượng đế mà lại ở gần Hoa Kỳ quá. Câu nói này cũng có thể áp dụng cho người Việt Nam đối với Trung Quốc. Dù sao, Hoa Kỳ trong nhiều khía cạnh, tốt hơn Trung Quốc nhiều và Việt Nam cũng ít khi than vãn vì phải là láng giềng của Trung Quốc. Trong bang giao quốc tế, Việt Nam bắt buộc phải để ý đến những điều sau:

  1. Đồng minh hay Kẻ thù: Lord Palmerston của Anh Quốc đã từng nói một câu nổi tiếng: “Chúng ta không có đồng minh vĩnh viễn, chúng ta cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chúng ta chỉ có các lợi ích vĩnh viễn”. Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như Trung Quốc, đang theo đuổi các lợi ích của mình, và khi lợi ích thay đổi, các “đồng minh” và “kẻ thù” cũng thay đổi. Việt Nam và Trung Quốc ngày nay là đồng minh ý thức hệ nhưng điều này cũng chẳng có ý nghĩa gì.

 

Việt Nam, trong lịch sữ cận đại, đã chứng kiến những thay đổi bạn thù. Ngay từ hiệp định Geneve 1954, Việt Nam đã để vận mệnh đất nước, dân tộc nằm trong tay người khác, để người khác quyết định nhất là với Trung Quốc bất kể họ là phong kiến hay cộng sản. Đầu thập niên 60, Hoa Kỳ, vì những quyền lợi kinh tế và chiến lược ngắn hạn của mình, đã cùng Liên Xô, Trung Quốc tạo nên cuộc chiến Việt Nam mà  2 miền Nam-Bắc Việt đã trở thành 2 con cờ cho chiêu bài “Cộng Sản Quốc tế” và “Thế giới Tự do”. Vào cuối thập niên 60, Hoa Kỳ đã để lộ ý định muốn chấm dứt cuộc chiến Việt Nam và Liên Sô đang muốn bành trướng xuống vùng Đông Nam Á mà Bắc Việt là con cờ tiên phong. Hoa Kỳ đã trở thành đồng minh tạm thời với Trung Quốc. Cuộc gặp lịch sử giữa Mao Trạch Đông và Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 cũng đã có đổi chác lợi ích trên lưng các nước nhỏ, bao gồm Việt Nam. Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa với sự để yên của Hoa Kỳ. Trong những năm cuối cùng của cuộc chiến, Trung Quốc để lộ ý định không muốn thấy một nước Việt Nam thống nhất.  Một nước Việt Nam thống nhất sẽ là một cản lực cho mộng bành trướng về phía Nam của Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á cũng muốn thấy Việt Nam bị phân chia vì một nuớc Việt Nam thống nhất sẽ là một đối thủ đáng gườm về kinh tế cũng như quân sự. Ngay sau cuộc chiến, Trung Quốc bắt đầu dùng Pol Pot của Campuchia để phá rối Việt Nam. Đến năm 1978, số cố vấn của Trung Quốc tại Campuchia đã lên đến số 20,000 người. Bắc Kinh kích động lực lượng diệt chủng Pol Pot do họ nuôi dưỡng chống phá biên giới Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng an ninh biên giới của Việt Nam. Như là một mủi dao ở bên cổ họng của mình, Việt Nam bắt buộc phải phản ứng bằng cách cất quân lật đổ chế độ phi nhân dù biết trước cái giá mà mình phải trả. Trong hai điều xấu, Việt Nam bắt buộc phải chọn điều ít xấu hơn. Trung Quốc đã cay cú quyết định dạy cho Việt Nam “một bài học” vào năm 1979. Cuộc chiến ngắn ngủi đã gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên. Năm 1988, Trung Quốc chiếm các bãi đá ngầm của Việt Nam tại Trường Sa. Liên Sô  đã không làm gì  để  giúp Việt Nam dù rằng có sự hiện diện tại Cam Ranh. Liên bang Sô Viết sụp đổ vào năm 1991 và Nga Sô không còn là một sức mạnh toàn cầu trong khi Trung Quốc trở thành một công xưởng của thế giới và dùng những kỹ thuật sao chép được của phương Tây để canh tân quân lực. Trung Quốc bắt đầu tiến về phía Nam mà Việt Nam là nước chịu áp lực mạnh nhất. Vào thế kỷ 21, Trung Quốc cảm thấy đủ mạnh để có thể đọ sức với Hoa Kỳ như là hai cường quốc thế giới và đòi chia đôi Thái Bình Dương. Hoa Kỳ bắt buộc phải phản ứng với chủ trương chuyển trục sang Châu Á. Việt Nam, một lần nữa, lại trở thành một nhân tố quan trọng trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung tại vùng Á Châu-Thái Bình Dương.

  1. Vị trí chiến lược của Việt Nam: Vị trí địa chiến lược trọng yếu của Việt Nam đã khiến mình trở thành tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Song chính vì vị trí địa chính trị đó mà dân tộc Việt Nam đã thường xuyên phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược, và do đó có rất ít thời gian hòa bình để xây dựng đất nước. Tuy nhiên, yếu tố này đã giúp cho dân tộc Việt Nam không ngại hy sinh xương máu để giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, mặt khác luôn luôn phát huy trí sáng tạo trong chính sách, chiến lược hòa hiếu, cân bằng với các nước.

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Suez, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Úc, Tân Tây Lan; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Úc và Tân Tây Lan, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5,000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30,000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Kông. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực. Cảng Cam Ranh cộng thêm cảng Subic của Philippines là 2 cảng có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Cảng Cam Ranh chỉ cách tuyến giao thương hàng hải quốc tế vài chục hải lý. Tất cả mọi nước đều thấy tầm quan trọng của cảng Cam Ranh.

  1. Đường lối của Việt Nam: Lịch sử biến thiên, bạn thù vẫn luôn thay đổi theo thời cuộc, nhưng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam thì độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc luôn bất biến. Trong bối cảnh các cường quốc tranh giành ảnh hưởng và lợi ích địa chính trị, địa chiến lược trong khu vực có tác động sâu sắc đến Việt Nam, người Việt sẽ phải tỉnh táo trước mỗi bước đi, mỗi quyết sách để làm sao giữ gìn cho được độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền và đấu tranh đòi lại những gì bị kẻ khác xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp. Độc lập tự chủ trong quan hệ đối ngoại là lựa chọn đúng đắn, dựa nước này chống nước kia là tự sát. Việt Nam cũng vậy thôi, không thể trông chờ, dựa dẫm vào bất kỳ nước nào để bảo vệ chủ quyền và phát triển cường thịnh. Người Việt phải tự lực cánh sinh, kết hợp với đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, khai thác tối đa các xu thế có lợi cho sự nghiệp này. Các nhà lãnh đạo Việt Nam từ lâu đã khẳng định chủ trương đối ngoại nhất quán: Đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, cùng phát triển thịnh vượng. Đừng hình dung Việt Nam nằm trên một đường thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vì khi đó nếu Việt Nam lại gần một bên thì sẽ rời xa bên kia một cách tương ứng. Đây không phải là cách thức tốt giúp nâng cao độc lập chủ quyền cho Việt Nam. “Hãy hình dung Việt Nam nằm trong tam giác quan hệ với Mỹ và Trung Quốc và tam giác này lại được liên kết với nhiều đa giác quan hệ với các nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Liên Âu, ASEAN ... Khi đó Việt Nam sẽ là một “đỉnh” trong các đa giác như các nước khác, dù họ có lớn hơn Việt Nam đến mấy. Khi di chuyển trong không gian đa chiều như thế, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để không bị các nước lớn “mặc cả trên lưng mình”.

 

  1.       II.            QUAN HỆ VIỆT-TRUNG

 

Trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc đã cất quân xâm lược Việt Nam ít nhất cũng hơn 15 lần. Người Việt một mặt chiến đấu ngoan cường bảo vệ nền độc lập tự chủ, một mặt vẫn chấp nhận nhún nhường ngoại giao để bảo vệ hòa bình. Tuy nhiên, dã tâm bành trướng lãnh thổ của phương Bắc xuống phương Nam vẫn chưa có lúc nào ngừng nghỉ.

 

Ba nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung: Thứ nhất là vị trí địa lý quá gần và tính bất đối xứng về sức mạnh; Thứ hai là lịch sử "vừa yêu vừa hận" giữa 2 nước cũng như nỗi lo chủ nghĩa đại Hán từ người Việt; Thứ ba là sự tương đồng về ý thức hệ cũng như nhu cầu ổn định chế độ chính trị.

Tuy nhiên, quan hệ hai nước vẫn còn tồn tại ba trở ngại chính:

Trở ngại thứ nhất là các vấn đề trên Biển Đông (gồm biển và quần đảo). Cái gọi là “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã lấn vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo luật quốc tế. Về vấn đề quần đảo, chúng ta có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây chính là trở ngại lớn nhất hiện nay trong quan hệ hai nước.

Trở ngại thứ hai là sự tin cậy lẫn nhau đang bị xói mòn, dù sau bình thường hóa quan hệ, hai nước đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng lại. Nhưng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong vùng biển của ta rồi tiếp đó là việc xây các đảo nhân tạo tại Trường Sa và các hành động xâm lấn khác (thành lập thành phố Tam Sa, luật cấm đánh cá, bắt bớ và hành hạ ngư dân Việt Nam v.v..) đã làm tổn thương đến nhân dân Việt Nam, tác động tiêu cực đến sự tin cậy lẫn nhau mà hai bên vừa qua cố gắng lắm mới đạt được. Việc xây đảo nhân tạo tại Trường Sa và sau đó sẽ là quân sự hóa các đảo này đang là những giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước trong quan hệ Việt-Trung. 

Trở ngại thứ ba là nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc còn lớn, mà chủ yếu là nguyên vật liệu phụ trợ, linh kiện và máy móc thiết bị. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2014 đạt 58.77 tỷ USD trong đó, Việt Nam nhập siêu xấp xỉ 29 tỷ USD từ Trung Quốc (xuất khẩu đạt 14.9 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 43.87 tỷ USD). Hướng giải quyết là một mặt phải tự chủ động trong nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, mặt khác phải đa dạng hóa thị trường cung cấp. Một trong những điều kiện mà Hoa Kỳ và các nước tham gia đòi hỏi Việt Nam khi gia nhập TPP là phải giảm nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc để mua nguyên liệu từ các nước trong nhóm. EU cũng có đòi hỏi tương tự. Hàng hóa phải được sản xuất từ Việt Nam với vật liệu mua của các nước trong nhóm, tránh việc mua hàng hóa của nước thứ ba, dán nhãn Việt Nam để xuất khẩu qua Liên Âu. Dù rằng giá có mắc hơn nhưng điều này sẽ giúp Việt Nam có được một cấp bậc cao hơn trong mức sống thế giới.

 

  1.     III.            QUAN HỆ VIỆT-MỸ

 

Sau cuộc chiến Việt Nam, cả hai nước đều phải trải qua giai đoạn điều chỉnh vô cùng khó khăn và đau thương. Kể từ khi hai nước bình thường hóa năm 1995, cả hai nước đã đi một quãng đường dài và quan hệ hai nước đã đạt được nhiều tiến bộ đặt nền tảng cho mối quan hệ đối tác vững chắc để tiến lên phía trước. Việt Nam đang trong tiến trình trở thành 1 trong những đối tác tiềm năng (Emerging partner) của Hoa Kỳ. Điều cần để  ý  là  thái độ  của Hoa Kỳ  đối với thể  chế hiện nay tại Việt Nam. Trong cuộc hội thảo tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), Tiến sĩ Murray Hiebert, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á khẳng định trước các học giả Việt Nam, Hoa Kỳ rằng: Lật đổ chế độ ở Việt Nam hoặc diễn biến hòa bình không phải mục đích của Mỹ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cũng khẳng định: “Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị và không có ý định thay đổi chế độ tại Việt Nam.” Nên để ý đến hai lời tuyên bố có thể xem như là quan trọng nhất trong năm 2015. Câu đầu là lời tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tại hội thảo Biển Đông của CSIS ngày 21/7/2015  khi ông xác định rằng Hoa Kỳ “sẽ không trung lập khi nói đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, và sẵn sàng hành động mạnh mẽ khi việc tuân thủ luật lệ được đặt ra. Câu thứ hai của Thượng nghị sỹ John McCain tại lễ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức ngày 31/7: “Mỹ sẽ luôn đứng cạnh Việt Nam trong duy trì hoà bình và ổn định tại Biển Đông”.

 

Những mãng sáng trong dự tính kinh tế chiến lược của Việt Nam cũng như quan hệ Việt-Mỹ đã bắt đầu hiện rỏ từ 2015:

 

  • Ngày 25/6/2015, Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tổng kinh phí là 16 tỷ USD với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm, dự trù hoàn tất 2023. Phi trường Changi của Singapore chỉ có công suất 57 triệu hành khách/năm. Các phi trường và cảng biển Việt Nam đang được nâng cấp liên tục. Phi trường quân/dân sự Cam Ranh theo quy hoạch dự kiến đến 2015 có công suất 1.5 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2014 con số này đã tăng vượt 2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 900,000 lượt là khách quốc tế. Dự án xây dựng đường cất, hạ cánh số 2 đã được khởi công. Chỉ sau chưa tới 5 năm đưa vào khai thác nhà ga hành khách mới, sân bay quốc tế Đà Nẵng đã bắt đầu có những dấu hiệu quá tải. Dự kiến là đến năm 2020 sân bay Đà Nẵng mới đạt mức 4.5 – 6 triệu khách/năm nhưng nay đã đạt 5 triệu khách/năm là vượt xa kế hoạch đã đề ra. Bộ Tài chính đã  chấp thuận đầu tư, nâng cấp và mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng để đạt công suất 8-10 triệu lượt khách/năm vào 2017, sau này sẽ mở rộng nữa để đảm bảo tính đến 2030 ga hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ đón được 20 triệu khách. Cảng hàng không Phú Quốc với công suất hiện nay là 2.65 triệu hành khách/năm sẽ đạt công suất thiết kế vào khoảng năm 2017, sớm hơn dự báo khoảng 3 năm. Nếu được Bộ GTVT chấp thuận, cảng Phú Quốc sẽ được nâng cấp lên 4 triệu hành khách/năm, dự  trù đưa vào khai thác vào năm 2017. Số lượng tiền đầu tư vào Phú Quốc năm 2015 đã lên đến 8 tỷ USD (180,000 tỷ đồng) để biến đảo này thành khu du lịch quốc tế.
  • Đến nay, thương mại hai chiều đã bùng nổ lên hơn 35 tỷ USD vào cuối 2014. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Nhờ BTA, Việt Nam đã tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên 36 lần, từ 800 triệu USD vào năm 2000 lên gần 29 tỷ USD năm 2014. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 29 của Mỹ. Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) ước tính, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể đạt 57 tỷ USD. Khi tham gia vào TPP, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ như dệt may, da giầy, thủy sản có thể hưởng mức thuế suất 0%.
  • Riêng với ngành dệt may, trong 20 năm qua, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ con số không (0) đã tăng vọt lên 9.8 tỷ USD vào năm 2014. Và dự kiến với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, năm 2015, xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ có thể đạt 11 tỷ USD. Không chỉ vậy, nếu Hiệp định kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết thì con số này sẽ vượt gấp đôi.
  • Chỉ tính riêng trong năm 2014, khi 8 nền kinh tế châu Á xuất khẩu khoảng 1 nghìn tỷ USD giá trị hàng điện tử, thì Việt Nam chiếm 3.5%, tăng so với tỷ lệ khiêm tốn 0.4% năm 2010. Việt Nam đã vượt trên Thái Lan (3.3%), Philippines (2.7%) hướng tới soán ngôi Singapore (3.8%) để trở thành nhà xuất khẩu điện tử lớn thứ năm trong khu vực trong hai năm tới, DBS dự đoán.
  • Sự tăng tốc đó đã giúp cho Việt Nam vượt qua Thái Lan, Malaysia, Indonesia để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Hoa Kỳ trong ASEAN. Năm 2014, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 28.66 tỉ đô la, chiếm khoảng một phần năm tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam tương đối phổ biến ở Mỹ.
  • Việt Nam hiện có 16,098 sinh viên, đứng thứ tám toàn thế giới và thứ nhất Đông Nam Á về số lượng sinh viên, học sinh đang học tập ở Mỹ. Quỹ học bổng VEF (Vietnam Education Foundation) đang cung cấp học bổng cho trên 300 du sinh cấp tiến sĩ đã đến Mỹ học tập trong các ngành về khoa học và kỹ thuật.
  • Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, hiện Mỹ mới đứng ở vị trí thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tỷ lệ này có thể tăng mạnh sau khi Việt Nam gia nhập TPP. Theo Financial Times, Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới trong lĩnh vực tăng trưởng xanh tại các thị trường mới nổi. Financial Times nhận định Việt Nam tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 22% và cải tổ hệ thống thông tin tín dụng. Do vậy, Việt Nam thu hút số dự án FDI mới cao gấp 8 lần so với những dự đoán dựa trên quy mô của nền kinh tế. Các tỷ phú đầu tư như Wilbur L. Ross, Phillip A. Falcon đều có cái nhìn khá tốt về triển vọng đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu cơ tiền tệ nổi tiếng George Soros còn có cái nhìn cực đoan, cho rằng kinh tế Trung Quốc đang chờ đợi một sự sụp đổ hoàn toàn và Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nhưng về lâu về dài, Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
  • 2 công ty Vienam Airlines và Vietjet của Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá 13 tỷ để mua 16 máy bay của hảng Boeing. Việt Nam đã ký hợp đồng mua 14 máy bay thế hệ mới A350-900 XWB của hãng Airbus với tổng trị giá thương vụ này là $4.26 tỷ USD. Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên ở Châu Á và là hãng thứ hai trên thế giới sau hãng hàng không Quatar đưa vào khai thác máy bay thế hệ mới A350 XWB.
  • Tờ báo Bloomberg tiết lộ cho biết hơn chục công ty quốc phòng Mỹ, bao gồm cả Boeing Co, BAE Systems Plc, Lockheed Martin Corp, và Honeywell International Inc cũng như các công ty Âu Châu như Saab, Eurofighter, Airbus đã được mời tới tham dự hội thảo về mua bán vũ khí tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày 22/4.
  • Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng 11.58%, vượt xa mức tăng trưởng của các nước như Mông Cổ 7.81%, Hy Lạp 4.72% ... Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc có phiên sụt giảm mạnh nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

 

  1.    IV.            YẾU TỐ ĐA PHƯƠNG

 

Như đã nói ở trên, chúng ta phải hình dung Việt Nam nằm trong tam giác quan hệ với Mỹ và Trung Quốc và tam giác này lại được liên kết với nhiều đa giác quan hệ với các nước khác, như Nhật Bản, Nga, Liên Âu, Ấn Độ, ASEAN ...

 

NHẬT BẢN: Nhật Bản là nước quan trọng nhất trong việc giúp Việt Nam cân bằng thế đối chọi với Trung Quốc. Với sự đồng ý của Hoa Kỳ, Nhật Bản có thể tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông. Dù rằng khá nhiều dân chúng Nhật Bản vẫn còn nghi ngại về đường lối chính phủ nhưng khi cần thiết, họ sẽ sẵn sàng ủng hộ chính phủ bảo vệ quyền lợi của đất nước Nhật trên thế giới. Chuyến viếng thăm Nhật Bản của PTT Phạm Bình Minh vào cuối tháng 7 và TBT Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9/2015 có thể xem như là sự khởi đầu của liên hệ chiến lược Việt-Mỹ-Nhật.

 

  • Trước thềm Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7, diễn ra ngày 3/7, khi đề cập đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN sắp ra đời vào cuối năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định rằng "Việt Nam có thể trở thành cầu nối các doanh nghiệp của Nhật Bản với một thị trường xuất khẩu rộng lớn với 600 triệu dân".
  • Ngày 16/7, Hạ viện Nhật đã thông qua 2 dự luật an ninh cho phép binh lính Nhật được tham chiến ở nước ngoài, lần đầu tiên kể từ Đại chiến Thế giới thứ hai tới nay. Vấn đề phê chuẩn tại Thượng viện cũng tương đối dễ dàng.
  • Bản tin của hãng Reuters ngày 17/7/2015 dẫn lời Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), Đô đốc Katsutoshi Kawano cho rằng Trung Quốc sẽ ngày càng quyết đoán hơn tại Biển Đông, do đó trong tương lai Nhật Bản có thể tiến hành các hoạt động tuần tra và giám sát tại vùng biển này.

 

NGA SÔ: Cho đến bây giờ, sự hợp tác Việt-Nga chỉ giới hạn trong việc bán các tàu chiến, phi cơ Su-30 và hõa tiển cho Việt Nam. Nga đang tìm cách củng cố hơn nữa các quan hệ sẵn có với Việt Nam, và coi Hà Nội là một trong các đối tác chiến lược chủ yếu của Moscova tại Đông Nam Á. Trong bối cảnh các cường quốc thế giới đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Moscova cũng tìm cách củng cố chỗ đứng đã có tại Việt Nam để mở ra một cánh cửa vào các nước ASEAN. Muốn thực hiện kế hoạch của mình, Nga đang đẩy mạnh các quan hệ thương mại với Hà Nội, lên tới 10 tỉ đôla trong 5 năm tới, chủ yếu qua các dự án phát triển hợp tác trong các lĩnh vực: hạt nhân, năng lượng và công nghệ quân sự. Nga Sô có thừa khôn ngoan để là một nhân tố trong thế chiến lược tại Đông Á.

  • Ngày 12/3 nguồn tin Reuters cho biết, Hoa Kỳ đã đề nghị Việt Nam ngừng cho phép Nga sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho các máy bay ném bom hạt nhân có khả năng tham gia vào các chương trình phô diễn sức mạnh ở Thái Bình Dương. Không có trả lời chính thức từ phía Việt Nam nhưng hình như Nga đã ngưng các chuyến bay này. Cảng Cam Ranh là lá bài chủ chốt của Việt Nam trong mối quan hệ với Hoa Kỳ-Nga Sô-Nhật Bản. Nhật báo Nhật Bản Asahi Nhật báo Asahi ngày 20/7 cho hay, vịnh Cam Ranh là một địa điểm lý tưởng Washington muốn từ đây theo dõi Bắc Kinh. Nga cũng thừa biết rằng mình không phải là nhân tố độc nhất trong nhu cầu xữ dụng hải cảng Cam Ranh.
  • Trang tin hải quân Nga ngày 8/7, Trung tâm kỹ thuật đóng và sửa chữa tàu SSTC (ở St.Petersburg, Nga) cho biết đã phát triển dự án xây dựng một nhà máy sửa chữa và đóng tàu cho Việt Nam tại Cam Ranh.
  • Nga đã bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật mới giữa Mỹ và Việt Nam có thể dẫn tới hệ quả là người Việt sẽ dần dần thay thế các thiết bị quân sự của Nga bằng của Mỹ.

 

ẤN ĐỘ: Chính phủ Ấn Độ gần đây đã chuyển chiến lược từ “hướng Đông” (Look East) sang “hành động ở phía Đông” (Act East) với “hành động” và “can dự” của Ấn Độ cả về kinh tế và quân sự ở Đông Nam Á và Trung Á. Sự hợp tác giữa Việt Nam- Ấn Độ hiện nay chỉ đến mức hợp tác khai thác dầu khí, viếng thăm của các chiến hạm, giúp huấn luyện thủy thủ đoàn tàu ngầm, chiến đấu cơ Su-30 và mua hõa tiển Brahmos. Không hiểu Ấn Độ có đủ khả năng tuần tiểu chung với Hoa Kỳ-Nhật Bản ở Biển Đông không. Ấn Độ cũng có những vấn đề riêng của họ vì với 1.2 tỷ dân phải nuôi và kinh tế, quân sự còn thua Trung Quốc nhiều. Một điểm sáng cho kinh tế Ấn Độ là nước này gần Châu Phi và Trung Đông. Nếu biết khai thác thì Ấn Độ có lợi điểm hơn nhiều so với Trung Quốc.

 

LIÊN ÂU: Trong các nước Liên Âu, Hòa Lan là nước có liên hệ mật thiết với Việt Nam. Công ty đóng tàu Damen của Hòa Lan có 6 công ty đóng tàu liên doanh với Việt Nam đã gần 10 năm. Liên doanh đã có khả năng đóng tàu công nghệ cao dân cũng như quân sự cỡ 3,000-5,000 tấn. Các nuớc Liên Âu khác có thể cọng tác với Hòa Lan trong lãnh vực này. Phối hợp với Việt Nam có 2 điều lợi là đưa sản phẩm đến gần thị trường tiêu thụ và giảm giá thành để có thể tạo thành một đối tượng kinh tế ngang ngữa với Trung Quốc. Cuối tháng 7, Thủ tướng Anh đã dẫn đầu một đoàn doanh nhân hùng hậu viếng thăm Việt Nam. “Sẽ rất hữu ích” nếu như Liên Hiệp Châu Âu có thái độ rõ ràng hơn để hỗ trợ Hoa Kỳ trong lúc Trung Quốc đang bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Đông Nam Á, Amy Searight, tuyên bố như trên tại hội thảo về chính sách Đông Á của Washington và Bruxelles ngày 29/7/2015.

 

ÚC ĐẠI LỢI: Dù có quan hệ thương mãi mật thiết với Trung Quốc nhưng Úc Đại Lợi ở trong vị thế mà Trung Quốc cần mình hơn nên Úc Đại Lợi đã để cho Hoa Kỳ dùng các căn cứ hải-không quân và Thủy Quân Lục chiến của mình. Vấn đề phối hợp với Hoa Kỳ-Nhật Bản tuần tiểu Biển Đông cũng không phải là quyết định khó khăn cho Úc.

 

PHILIPPINES: Philippines vẫn tiếp tục cương quyết trong chính sách ngoại giao của mình:

 

  • Từ ngày 7-13/7, Tòa án Trọng tài về Luật Biển đã họp để nghe phần trình bày của Chính quyền Manila về quan điểm chống lại tuyên bố về “đường 9 đoạn bất hợp pháp” của Trung Quốc, Cuối năm 2015, Tòa án Quốc tế sẽ ra phán quyết đầu tiên.
  • Ngày 16/7, Philippines tuyên bố sắp khởi động lại căn cứ hải quân Subic để đối phó Trung Quốc. Trước đó, Philippines đã cho Hoa Kỳ và có thể cả Nhật Bản xử dụng 8 căn cứ hải-không của mình kể cả các căn cứ trên đảo Palawan.  

 

ASEAN: Các nước ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myamar cho đến bây giờ vẫn giữ thái độ nước đôi trước Trung Quốc. Singapore có khả năng kỹ thuật cao và tài chánh dồi dào hơn các nước trong vùng nhưng chỉ là một đảo quốc nhỏ với 7 triệu dân. Các nước khác có tiềm năng kinh tế và quân sự không thua Việt Nam và trong nhiều khía cạnh chỉ muốn bảo vệ quyền lợi riêng của mình. Thậm chí các nước này còn mua khí tài của Trung Quốc. Việt Nam chỉ có 1 đường đi là tận dụng vị trí địa chiến lược và quyết tâm của mình. Với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và các cường quốc, Việt Nam và Philippines là đầu cầu để đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc. Philippines ở trong vị thế dễ dàng hơn. Các nước ASEAN bắt buộc phải phối hợp với Việt Nam trong nỗ lực cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Giữ thái độ hàng hai để thủ lợi là thái độ không chấp nhận được.

 

  1.      V.            LƯỢNG ĐỊNH TƯƠNG LAI

Sau khi tình hình Biển Đông căng thẳng trở lại, giới lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam đã có sự có thay đổi về lập trường và chuẩn bị đối phó với Trung Quốc. Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng đánh dấu một bước ngoặc trong mối liên hệ Việt-Mỹ. Lãnh đạo Việt Nam hơn ai hết hiểu rõ lợi ích quốc gia trong mối quan hệ  hai nước. Trong quá khứ khi Trung Quốc chiếm toàn bộ đảo Hoàng Sa hồi năm 1979 và rồi năm 1988 khi họ chiếm các bãi đá ngầm ở Trường Sa, Việt Nam đã không nhận được sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ và Liên Xô. Trong thời gian gần đây, khi Trung Quốc xây các đảo nhân tạo tại Trường Sa thì ngoài mặt Hoa Kỳ cũng chẳng làm được gì. Ai cũng biết được bước đi kế tiếp của Trung Quốc là quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa và điều này có thể xẩy ra trong thời gian rất gần. Hoa Kỳ là quốc gia độc nhất có thể ngăn cản Trung Quốc trong âm mưu bành trướng này. Tờ Washington Times ngày 14/6 đăng bài phân tích của Đô đốc James A. Lyons, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ và là đại diện quân sự cấp cao của Mỹ tại Liên Hợp Quốc cùng Richard Fisher, một học giả thành viên Trung tâm Chiến lược và đánh giá quốc tế về căng thẳng leo thang trên Biển Đông cho rằng khoảng 300 quả tên lửa có thể phá hủy ngay lập tức các đảo nhân tạo nếu Trung Quốc có ý định sử dụng vũ lực từ đây. Có thể những điều này sẽ được thảo luận trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 này. Ai cũng hiểu được quan hệ tròng tréo giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc nhất là trong lãnh vực thương mãi và kinh tế. Hoa Kỳ không muốn và không thể đánh sập nền kinh tế Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng không muốn gây chiến, dù rằng giới hạn, với Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ là nước độc nhất có thể ngăn được hành động của Trung Quốc về kinh tế cũng như quân sự.

Trong 30 năm qua, Hoa Kỳ đã cố ý hay vô tình không ngăn chặn được tham vọng bành trướng của Trung Quốc, cũng một phần bởi chiến lược "bành trướng cường độ thấp", hay tằm ăn dâu, gặm nhấm từ từ của Trung Quốc. Chưa phải là quá muộn để Washington trung hòa tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Theo các nhà hoạch định quân sự, điều Hoa Kỳ và Đồng minh phải làm trong ngắn hạn và trung hạn:

  • Tuần tiểu Biển Đông với sự tham gia của hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Philippines và Việt Nam. Các quốc gia khác trong vùng cũng có thể góp sức.
  • Trang bị các hõa tiển tầm ngắn tại các đảo do Philippines và Việt Nam chiếm giữ tại Trường Sa.
  • Xây dựng các căn cứ quân sự khống chế Trường Sa và kiểm soát Biển Đông từ Philippines và Việt Nam. Đầu tiên là Washington và Manila có thể xây dựng căn cứ và đặt tên lửa trên 3 đảo gần Trường Sa là Palawan, Visayas và Luzon. Sau đó Mỹ cần nhanh chóng triển khai các phi đội chiến đấu cơ tân tiến đa năng. Vấn đề chuyển giao cho Philippines còn tùy thuộc khả năng tài chánh và kỷ thuật của nước này. Việt Nam cần các hõa tiển tầm xa hơn hay các hõa tiển di động vì khoảng cách từ bờ biển Việt Nam đến Trường Sa xa hơn so với Philippines.

Vì những biến chuyển gần đây tập trung vào việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo tại Trường Sa nhắm vào mục đích quân sự nên bài viết chỉ giới hạn vào những biện pháp đối trọng tương ứng. Trong tổng thể, những điều trên sẽ phải triển khai đồng bộ với các hành động kinh tế, chính trị và ngoại giao để có một chính sách toàn diện đối với Trung Quốc.

 

 

Hồ sơ: NMT-081515-QT-Quan he Viet-My-Trungoa D.doc

 

 

Nguyễn Mạnh Trí

E-Mail: prototri2012@yahoo.com

www.tranhchapbiendong.com

Tu chỉnh: 15  tháng 8 năm 2015

 

 

 


.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.