Hôm nay,  

Bà Hillary Và Phụ Nữ

25/02/201400:00:00(Xem: 8005)
...Bảo vệ phụ nữ là phải chỉ trích hay trừng trị ông chồng chứ không phải bênh ông chồng...

Trên cột báo này cách đây ít tuần, ta có bàn về chuyện các “ngôi sao” của đảng Cộng Hoà tự đào huyệt chôn mình. Câu chuyện tiếp tục với các “ngôi sao” bên đảng Dân Chủ.

Trước hết phải nói cho rõ về định nghiã “ngôi sao”. Ở đây, ta không bàn về ngôi sao theo kiểu ngôi sao Hồ Ly Vọng, được thật nhiều người biết đến và mến mộ, như những Brad Pitt và Angelina Jolie. Mà phải hiểu theo nghiã chính trị, tức là những chính khách có triển vọng đắc cử vào các chức vụ quan trọng, đặc biệt là chức tổng thống.

Trong chính trị, nếu nói về chuyện nổi tiếng, được nhiều người biết đến, thì chưa chắc đã có nghiã là thu được nhiều phiếu nhất. Nói cho rõ, “ngôi sao” trong bài viết này mang ý nghiã tương đối có nhiều triển vọng đắc cử vào Tòa Bạch Ốc. Phải là ứng viên tương đối ôn hoà, có khả năng thu phiếu của những cử tri độc lập và ngay cả các cử tri thuộc đảng đối lập. Như TT Bush năm 2000 đã đắc cử vì được hậu thuẫn mạnh của khối Dân Chủ tại tiểu bang Texas lúc đó đang kiểm soát quốc hội Texas, đưa ra hình ảnh một người có khả năng hợp tác được với đối lập, cũng như có được hậu thuẫn lớn của khối dân gốc La-Tinh thường là cử tri của Dân Chủ. Hay TT Obama đã đắc cử dựa trên chiêu bài đại đoàn kết dân tộc.

Dĩ nhiên tranh cử là chuyện khác xa với hành xử quyền lực. Cả hai TT Bush và TT Obama sau khi nắm quyền đều trở thành những tổng thống tạo chia rẽ rất lớn giữa hai chính đảng.

Trở lại câu chuyện “ngôi sao” bên Dân Chủ, vấn đề giản dị hơn nhiều vì chung quy chỉ có đúng một ngôi sao là bà Hillary Clinton.

Vấn đề đặt ra là 1) bà Hillary sẽ ra tranh cử hay không, và 2) nếu ra tranh cử, bà có hy vọng thắng trong nội bộ để làm đại diện cho đảng Dân Chủ không, và 3) nếu đắc cử làm đại diện cho đảng Dân Chủ, bà có hy vọng thắng ứng viên Cộng Hòa không?

Trước hết, ta bàn lại chuyện bà Hillary có muốn ra tranh cử lại không. Câu trả lời giản dị là “có”. Dĩ nhiên cho đến nay, bà Hillary đã tránh né không trả lời dứt khoát, mà chỉ trả lời kiểu ẫm ờ của mấy cô em gái “em chả…”, để mọi người đều hiểu là “em muốn lắm”. Bà muốn là chuyện 100%. Bà ra hay không là chuyện khó biết hơn vì dĩ nhiên có những yếu tố bà cần cân nhắc mà chúng ta không biết hết được.

Cả cuộc đời bà Hillary, tất cả những hành động, ngay từ chuyện lấy ông chính khách trẻ nhiều tham vọng và nhiều triển vọng Bill Clinton, cho đến việc ra tranh cử thượng nghị sĩ, ra tranh cử tổng thống, rồi nhận làm ngoại trưởng, tất cả đều thể hiện một phụ nữ có tham vọng, có chí lớn, có kế hoạch quy củ, và có tính toán cũng như kỷ luật thép đối với chính mình. Bà cũng là người có quan điểm chính trị cấp tiến dứt khoát, rõ ràng hơn ông chồng nhiều và có quyết tâm thực hiện ý nguyện của mình. Mục tiêu lớn nhất của bà là “giải phóng” phụ nữ, mà bà gọi là “đập vỡ cái kính trên trần” –breaking the ceiling glass- để phụ nữ có thể leo lên những nấc thang cao nhất. Việc bà có cơ hội đập vỡ kính đó năm 2008 nhưng lại bị ông Obama phá bĩnh là nỗi đau lớn nhất của đời bà. Bây giờ cơ hội lại đang ở trước mặt, và không còn ai làm kỳ đà cản mũi nữa thì làm sao bà bỏ được?

Vấn đề thứ hai, nếu bà ra tranh cử, có hy vọng thắng trong nội bộ đảng Dân Chủ hay không?

Tất cả các thăm dò dư luận đều cho thấy bên Dân Chủ, bà Hillary được hậu thuẫn của trên dưới … 70% đảng viên. Người đứng thứ nhì là PTT Biden với khoảng 10%, rồi sau đó là khoảng nửa tá chính khách khách chia nhau 20% còn lại. Giống như mặt trời Hillary bên cạnh các ngôi sao lốm đốm đó đây.

Ở đây, chẳng những bà Hillary hơn trội vì kinh nghiệm và tên tuổi, nhưng quan trọng hơn nữa là chuyện bà là phụ nữ. Đảng Dân Chủ đã đi vào lịch sử như đảng đầu tiên có tổng thống da đen, bây cũng cũng muốn vào lịch sử lần thứ hai như đảng có tổng thống phụ nữ đầu tiên.

Tất cả chỉ là quyết định của bà Hillary. Nếu bà ra tranh cử thì các cuộc tranh cử nội bộ sơ khởi –primaries- bên đảng Dân Chủ có thể được hủy bỏ hết để khỏi mất thời giờ và tốn tiền bạc vô ích.

Bây giờ nói về khả năng hạ ứng viên Cộng Hòa và đắc cử tổng thống.

Trên căn bản, chưa ai thấy một nhân vật Cộng Hòa nào đủ nặng ký hạ bà Hillary, kể cả những “ngôi sao” khá nổi như các ông Rand Paul, Ted Cruz, hay những dân biểu Paul Ryan (ứng viên phó tổng thống của TĐ Romney), hay TNS Marco Rubio của Florida. Tất cả những thăm dò dư luận đều cho thấy bà Hillary hạ đo ván tất cả các đấng mày râu Cộng Hòa, kể cả TĐ Christie sau vụ xì-căng-đan kẹt cầu ở Nữu Ước.

Nếu nói về kinh nghiệm chính trị, không có ông bà nào trong cả hai đảng có thể so sánh được với bà Hillary, người đã từng là vợ của một tổng thống –hay chính xác hơn đã từng là “đồng tổng thống” (co-president) trong 8 năm, và sau đó là cánh tay mặt của một tổng thống khác trong 5 năm làm ngoại trưởng, sau gần 10 năm làm thượng nghị sĩ,

Nói về hậu thuẫn, bà là con cưng của giới cấp tiến và dĩ nhiên của khối phụ nữ, nhưng đồng thời lại được sự ca ngợi của giới quân sự bảo thủ như cựu bộ trưởng quốc phòng Robert Gates, và nhất là của người hùng David Petraeus, cựu tư lệnh chiến trường Trung Đông, Iraq và Afghanistan. Khối chính khách và cử tri da đen bỏ bà chạy theo Obama năm 2008 đã công khai trở về hậu thuẫn bà, ít ra cũng để chuộc lỗi. Khối lao động da trắng vẫn chưa bỏ bà. Chưa một chính khách Dân Chủ nào dám lên tiếng chống bà. Hàng loạt đại gia Dân Chủ đã chuẩn bị bạc triệu để yểm trợ bà. Cơ quan thăm dò Gallup cho biết bà đứng đầu danh sách phụ nữ được mến phục nhất Mỹ 18 năm qua, hơn xa bà Michelle Obama và Oprah Winfrey.

Nhưng như vậy không có nghiã là có thể hủy cuộc bầu cử cho xong chuyện. Vì bà Hillary vẫn có triển vọng thua vì chính bà, vì những vấn đề từ chính bà.

Điều đầu tiên là tuổi tác. Nếu bà đắc cử năm 2016, bà sẽ nhậm chức năm 2017 khi bà 70 tuổi, cái tuổi cổ lai hy của tổng thống già nhất lịch sử Mỹ, Ronald Reagan. Thiên hạ đều còn nhớ những hình ảnh TT Reagan thường xuyên… ngủ gật, chẳng hạn như khi viếng thăm Đức Giáo Hoàng tại La Mã. Người ta cũng chưa quên TT Reagan đã bắt đầu có triệu chứng của bệnh lãng trí hai năm cuối của nhiệm kỳ hai. Mà TT Reagan khi đắc cử lần đầu khỏe hơn bà Hillary bây giờ nhiều. Cách đây không lâu, đã có lần bà Hillary đang đọc diễn văn bị té xỉu phải vô bệnh viện khẩn cấp vì kiệt sức.

Nhiều người lo ngại làm sao bà có thể chịu đựng nổi những đòi hỏi khủng khiếp về thể xác trong cuộc vận động tranh cử kiểu Mỹ, nhất là đối với một phụ nữ ở tuổi gần 70. Dòng dã trong cả hai năm trời, một ngày đọc diễn văn tại hai ba thành phố cách nhau cả trăm dặm, thăm hỏi, bắt tay cười nói với cả chục ngàn người. Nói huyên thuyên cả chục giờ mỗi ngày, gặm hamburger hay hot dog, và ngủ khách sạn hay trên máy bay liên tục ngày này qua tháng kia năm nọ. Mà dù mệt mỏi cỡ nào cũng không thể không tươi cười và nhất là không nói hớ một câu nào hết.

Đã vậy, đại đa số cử tri Mỹ là giới trẻ trong tuổi 20-30-40. Đó là giới cử tri đã công kênh ông Obama vào Tòa Bạch Ốc. Người ta khó có thể tưởng tượng giới cử tri đó lại có thể hồ hởi bầu cho một bà cụ 70 tuổi. Mà không có khối cử tri đó thì đảng Dân Chủ khó thắng được.

Vấn đề nữa là cái tên “Clinton”. Nước Mỹ, tính ra từ năm 1980 cho đến giờ, gần 35 năm qua, đã phải nghe đến hai cái tên Bush và Clinton liên tục đến ù tai luôn. Nếu bà Clinton ra làm tổng thống, ta sẽ thấy tình trạng Bush – Clinton – Bush – Clinton làm tổng thống Mỹ. Nước Mỹ không có người nào với cái tên nào khác hơn sao? Hơn ba trăm triệu dân Mỹ mà chỉ có hai cha con và hai vợ chồng đó thôi sao?

Với lại cái tên Clinton nghe cũng rất khó chịu đối với nhiều người, nhắc lại một giai đoạn không đẹp của chính trường Mỹ. Nhiều người lo ngại ông Clinton trở về lại Tòa Bạch Ốc theo chân bà vợ, không chừng lại sẽ mang theo vài bà tình nhân vào theo.

Ở đây có một chuyện đáng nói. Cựu TT Clinton mới có một trợ tá mới, Tina Flournoy, một phụ nữ da đen từng làm việc trong ban tham mưu của bà Hillary. Các quan sát viên đã mau mắn nhận định bà này là trợ tá, nhưng đồng thời cũng là “lính gác chồng” của bà Hillary đưa vào.

Một vấn đề quan trọng hơn nhiều: đó là thành tích của bà Hillary. Không ai chối cãi, bà Hillary có một quá trình dầy cộm gấp ngàn lần quá trình của TT Obama khi mới ra tranh cử, nhưng nếu nói về thành quả cụ thể thì bà còn tệ hơn TNS Obama. Ít ra, TNS Obama không có thành tích gì, nhưng cũng không có thất bại nào.

Khi làm Đệ Nhất Phu Nhân, bà được trao trách nhiệm cầm đầu nhóm soạn thảo cải tổ y tế quy mô, và bà đã thất bại trọn vẹn khi đề nghị của bà chết trong trứng nước. Trong 9 năm làm thượng nghị sĩ, ba biểu quyết quan trọng nhất của bà là chấp nhận cho TT Bush giảm thuế, đánh Afghanistan và đánh Iraq. Cả ba quyết định bà đều bị phe cấp tiến chống đối kịch liệt khiến bà hối tiếc và mất không biết bao công sức biện giải. Trong 5 năm làm ngoại trưởng, bà đạt được thành tích chu du thế giới nhiều nhất lịch sử, nhưng kết quả chẳng có một thành tích cụ thể nào.

Bình luận gia bảo thủ Charles Krauthammer đã lên tiếng thách các nhà báo ủng hộ bà Hillary hãy nêu ra được một thành quả cụ thể nào đó của ngoại trưởng Hillary Clinton, và cho đến nay, chưa ai làm được chuyện này một cách thỏa đáng.

Nhiều quan sát viên chính trị nhận định chức Ngoại Trưởng mà bà điều đình trước với ứng viên Obama đổi lấy hậu thuẫn mạnh của vợ chồng bà trong cuộc tranh cử Obama-McCain, chỉ là cách bà mang tên tuổi bà ra khỏi cái dù của ông chồng.

Nói tóm lại, bà Hillary là một chính khách tuy có nhiều hành trang, với thật ít thành tích cụ thể, nhưng lại là người khó có thể đánh bại được nếu bà quyết định ra tranh cử. Nhìn cho kỹ, có lẽ lý do quan trọng nhất khiến thiên hạ có thể bầu cho bà Hillary: bà là một phụ nữ, sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, và sẽ giúp “giải phóng” phụ nữ Mỹ. Đây là chiêu bài phe cấp tiến Dân Chủ đang chuẩn bị khi họ đồng thanh khua chiêng trống báo động “cuộc chiến chống phụ nữ của Cộng Hòa”.

Nhưng vấn đề này cần xét lại. Bà Hillary có thật sự là biểu tượng cho phụ nữ và sẽ giúp giải phóng phụ nữ Mỹ không?

Bà Hillary trước đây có một bà bạn cố tri mà bà thường tâm sự, để xả hơi khi có chuyện ấm ức, hay để có dịp phân trần giải thích. Bà bạn Diane Blair, giáo sư chính trị học, chăm chỉ ghi chép lại hết trong nhật ký của bà. Bà này qua đời năm 2000, những tài liệu cá nhân của bà được tặng cho đại học Arkansas, và bây giờ nhật ký của bà được tiết lộ trọn vẹn.

Qua những trang nhật ký đó, người ta thấy một bà Hillary mưu mô, thủ đoạn, tính toán và cứng rắn thẳng tay –ruthless-. Một người từng chê quốc hội toàn là dân làm biếng chẳng làm gì, chê cả Toà Bạch Ốc chẳng có ai đủ cứng rắn, chê TT Clinton không dám sa thải ai, thiếu kỷ luật, không có chiến lược, không biết tổ chức, không dám lấy quyết định, làm chuyện ngu xuẩn (vụ Monica),... Một đệ nhất phu nhân với một ngôn ngữ đanh đá, thậm chí thô tục, sẵn sàng có biện pháp mạnh trừng trị đối thủ chính trị của bà và của ông chồng. Không có gì là hình ảnh của một một nữ nhi liễu yếu đào tơ, hay một phụ nữ tề gia nội trợ cổ điển.

Trong vụ ông chồng lem nhem với cô Monica cũng như với biết bao bà khác, bà Hillary đã quyết tâm ngậm bồ hòn, đóng vai hiền thê tha thứ cho những phút yếu lòng của ông chồng bay bướm, chịu đựng sóng gió vì bà hiểu rõ bỏ con thuyền Bill Clinton thì bà cũng sẽ bị chết chìm theo luôn. Chỉ có bám vào đó thì mới còn tương lai. Và bà đã tính toán đúng, cho đến nay vẫn còn tương lai huy hoàng.

Đã có rất nhiều lời bàn về chuyện bà Hillary có thể sẽ không ra tranh cử. Lý dó đầu tiên là sự mệt mỏi. Bà đã lăn lộn trong chính trường Mỹ từ 40 năm qua, từ ngày bà là một luật sư trẻ trong khối luật sư của khối dân biểu Dân Chủ truy tội TT Nixon trong vụ Watergate từ đầu thập niên 70 đến nay. Bây giờ lại còn phải tiếp tục vật lộn thêm 10 năm nữa (2 năm tranh cử và hai nhiệm kỳ tổng thống tổng cộng 8 năm nữa). Bà có muốn và có chịu nổi không?

Đối với một phụ nữ bình thường, có thể là không muốn và không chịu nổi. Nhưng bà Hillary tuyệt đối không phải là một nữ nhi bình thường.

Một lý do khác là chuyện con gái bà Hillary đã thành hôn. Đối với rất nhiều phụ nữ, việc trở thành bà nội, bà ngoại là điều thật quan trọng. Thời trẻ, có con nhưng lại phải đi làm, không có thời giờ ôm con, bây giờ về già rảnh rỗi, có thời giờ ôm cháu, đó là giấc mộng của hầu hết phụ nữ bình thường. Nhưng rồi bà Hillary lại không phải là một phụ nữ bình thường.

Điều miả mai lớn nhất là bà Hillary luôn lớn tiếng bênh vực chồng, là người đã lợi dụng quyền thế, lạm dụng tình dục hàng lô phụ nữ ngay từ những ngày ông mới lên làm Thống Đốc Arkansas, và cô Monica nhỏ hơn ông ta cả hai con giáp. Bảo vệ phụ nữ là phải chỉ trích hay trừng trị ông chồng chứ không phải bênh ông chồng, đánh các phụ nữ nạn nhân của ông này. Bà Kathleen Willey, một trong những nạn nhân tình dục của TT Clinton và nạn nhân trả thù của bà Hillary đã nhận định bà Hillary chính là người chống phụ nữ mạnh nhất.

Ngoài ra, ta cũng phải đặt câu hỏi nếu bà Hillary phải được coi như là mẫu mực cho phụ nữ thì việc bà chấp nhận ông chồng lăng nhăng để bà có dịp tiến thân có phải là thái độ đúng cho phụ nữ không? Mà chẳng phải chỉ có bà Hillary có thái độ như vậy trong thế giới của bà Clinton, mà bà Huma Abedin, trợ tá tay mặt của bà cũng vậy. Bà này có ông chồng là cựu dân biểu, bị ép từ chức vì chuyên tung ảnh khoả thân của mình gửi qua điện thoại di động cho các bà các cô. Bà Abedin cũng có thái độ không khác gì bà Hillary, bênh vực chồng và sỉ vả những nạn nhân của chồng mình. Đó có phải là một thái độ đúng để bảo vệ quyền lợi và nhân cách của phụ nữ không?

Thử tưởng tượng bà Hillary làm tổng thống và bà Abedin làm Chánh Văn Phòng, các phụ nữ có chồng đi “ăn phở” có thể sẽ được bênh vực và bảo vệ kỹ hơn không? Hay là nữ tổng thống Hillary Clinton sẽ khuyến cáo các bà này nên thông cảm và tha thứ cho chồng để bảo vệ cái job của chồng?

Nhiều chiến lược gia trong đảng Dân Chủ đã lên tiếng nhắc nhở nên thận trọng trong vấn đề khai thác “cuộc chiến chống phụ nữ của đảng Cộng Hoà” đề phòng chuyện gậy ông đập lưng ông khi bà Hillary ra tranh cử.

Việc bà Hillary ra tranh cử và đắc cử có nhiều hy vọng thành sự thật, nhưng chuyện bà bảo vệ quyền lợi và tranh đấu cho phụ nữ là một dấu hỏi lớn. Chỉ có một điều chắc chắn là bà sẽ hết lòng tranh đấu và bảo vệ quyền lợi của cá nhân bà. (23-02-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.