Hôm nay,  

Hội Tết Tha Hương Tại Mỹ

30/01/201400:00:00(Xem: 10362)
Từ Tết tha hương Springfield...

Chúng ta đi đem theo quê hương? Điều đó có đúng hay không cũng tùy hoàn cảnh. Thực sự dù không gian cách trở, dù thời gian xa hay gần thì quê hương cũng không ở với khách tha hương mỗi ngày. Một năm quê hương chỉ đến 1 lần. Phải chờ đến Tết. Vì vậy mới gọi là Tết tha hương.

Sau 75 người Việt miền Nam ăn tết trong tù, tết kinh tế mới. Đau thương vất vả ngay tại quê nhà. Ngó về phương xa, ước mong được ăn tết ở phương trời Âu Mỹ. Ai cũng muốn được ăn tết tha hương. Ai cũng tự hỏi rằng không biết ở những miền băng giá và văn minh đó anh em ta ăn tết ra sao.

Chúng tôi là khách tha hương đã gần 40 năm, bây giờ còn nhớ thời kỳ bẩy lăm tám chục. Xin kể lại chuyện xưa. Lấy ngay chuyện mình làm thí dụ. Gia đình tôi ăn tết năm 1976 tại Springfield, tiểu bang Illinois. Cộng đồng chỉ có 9 gia đình. Chọn một ngày cuối tuần trước tết. Xum họp trong phòng họp dưới hầm nhà Thờ. Dù cộng đồng có mặt 100% nhưng cũng chỉ có hơn 40 người. Quan khách là các chức sắc tôn giáo và các nhà bảo trợ. Hương liệu Á châu phải đi 200 dậm mua tại chợ Tàu Chicago. Cũng có chả giò và súp cua. Có các quan viên Mỹ chúc tết. Có mừng tuổi cho trẻ em. Ngoài trời mưa tuyết, căn hầm nhà thờ dùng làm hội Tết tha hương không có sưởi nên rất lạnh. Củi tươi đốt lên khói làm cay mắt. Canh khuya, mấy đứa trẻ lăn ra ngủ. Khách Mỹ về sớm. Chợt 1 bà nhớ chồng đang ở tù khóc rống lên kể lể. Tất cả mọi người đều đẫm lệ. Khói làm cay mắt hay là khóc cho cái tết tha hương đầu tiên. Mỗi gia đình đều có người ở lại. Tin tức quê nhà chưa có thư trực tiếp. Những bà chồng tù, lại có anh bỏ vợ con chẳng biết tin tức. Tết mùa đông không có pháo xuân, không có manh áo mới, và thậm chí cũng không nghỉ được một ngày.

Đến Hội Xuân 1976 Chicago.

Không khí vẫn giá lạnh thường trực. Nhưng cuối tuần này chúng tôi rủ nhau đi Chicago vì có gia đình Phạm Duy về làm văn nghệ. Nói là gia đình nhưng chỉ có 4 người. Phạm Duy đệm đàn guitar và kiêm MC. Bà vợ Thái Hằng bên cạnh. Hai cô con gái là Thái Hiền và cô bé Thái Thảo. Thái Hiền năm đó 18 tuổi. Buổi trình diễn nhằm ngày sinh nhật của cô.

Ban Phạm Duy những ngày đầu hết sức cô đơn

Chuyến đi Chicago gặp trời mưa nhưng còn đến xem kịp thời. Khi về bão tuyết phải nằm đường mất nửa ngày. Đó là kỷ niệm hết sức văn nghệ mở đầu đời di tản. Phạm Duy, dù chỉ có 1 ban văn nghệ nửa vời nhưng đã đem quê hương đến với người Việt Chicago. Lúc đó gia đình ông đang cư ngụ tại Florida và đã bắt đầu đi lưu diễn khắp nơi. Bốn năm sau, 1982 chúng tôi và nhạc sĩ Lê Văn Khoa lần đầu tổ chức cho gia đình Phạm Duy trình diễn tại San Jose. Trong chỗ riêng tư, ông bày tỏ tấm lòng tan nát vì mấy anh con trai còn kẹt lại. Ông nói: “Vì mấy đứa còn ở Saigon nên “moi” không thể động đến chính trị.” Quả thực nhạc sĩ vẫn là người hết sức thực tế. Sau này ông báo tin mấy đứa con vượt biên đang chờ bên đảo. Cũng là thời gian ông viết những bài mắng cộng sản đâu ra đấy. Bài 54 và 75 hai lần tỵ nạn sáng tác vào dịp này. Nhưng đó là chuyện Phạm Duy.

Văn nghệ tại học khu 1982

Qua năm 1981 vào dịp Tết chúng tôi tổ chức Xuân cho học sinh Việt Nam tại học khu San Jose. Các bài hùng ca học trò, các bài xuân thiếu nhi, nhớ được bài nào thì thầy trò ca bài đó. Ba ông cựu đại tá, ăn lương teacher aid nhận chức cố vấn giáo dục chia nhau dựng một chương trình văn nghệ xuân tha hương. Thầy Anh-Việt, Trần văn Trọng, thầy Mã Sanh Nhơn và thầy Vũ văn Lộc giã từ vũ khí quay sang làm văn nghệ.

Quan khách học khu là người Mỹ, quan khách phụ huynh là người Việt Nam. Màn quan trọng nhất là Hội Nghị Diên Hồng. Các em nhỏ đeo râu mặc áo Halloween làm quân ta và quân tàu. Phe ta mặc áo đen, phe tàu mặc áo đỏ. Ông Lộc đóng vai thằng mõ bắc loa kêu gọi toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến. Mã Sanh Nhơn đóng vai vua nhà Trần, thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh.

Trần văn Trọng đóng vai Thủ Độ: Bệ hạ muốn hàng, hãy chặt đầu thần. Khi quân ta đánh quân tàu, có một đứa té bể đầu phải đưa lên phòng cấp cứu. Suốt 3 ngày tết thầy trò phải thay phiên vào nhà thương thăm học trò. Còn sợ mất job. Từ đó chúng tôi không làm văn nghệ tết ở học khu San Jose. Bây giờ hai ông Mã sanh Nhơn và Trần văn Trọng không còn nữa. Tôi kể lại chuyện này cho ai đây.
resized-tet-tha-huong-y
Hình ảnh Tết tha hương.

Hội Tết lần đầu tiên tại San Jose 1983

Trên thế giới Việt Nam hải ngoại bây giờ hàng năm có biết bao nhiêu là Hội Tết. Nhưng cái hội Tết lớn lao đầu tiên phải nói là San Jose. Vào năm 1982 dân Việt tại San Jose chỉ có khoảng 25 ngàn người. Vậy mà con số vào cửa hội tết gần 20,000. Như vậy gần như nhà nào cũng đi hội tết và đi nhiều lần. May thay các tay tổ chức hội tết lịch sử 1982 giờ này vẫn còn sống cả. Bác sĩ Đỗ văn Hội ở Florida, thi sĩ Nguyễn bá Trạc ở Phần Lan, phi công Lê văn Thặng ở Nam Cali và nhà hoạt động Lại Đức Hùng thì ở San Jose. Riêng phần chúng tôi cũng xin ghi rằng có góp công sức cho tất cả mọi kỳ tổ chức.

Nhưng bây giờ xin kể lại chuyện xưa. Thời đó cộng đồng Việt Nam ở quận Cam chưa phải là số 1. Lúc đó đầu thập niên 80 chính San Jose mới là thủ phủ của người Việt Hải ngoại. Cái gì San Jose cũng đầu tiên. Tờ nhật báo

đầu tiên. Radio Việt Ngữ hàng ngày đầu tiên. TV hàng ngày phát đầu tiên. Kỳ đài đầu tiên. Quyên góp nhiều nhất cho thuyền nhân. Biểu tình chống cộng ở San Fran mạnh mẽ nhất và sau cùng là hội Tết vĩ đại đầu tiên.

HỘI XUÂN Tháng 2 – 1983

Khi đại diện ban tổ chức cho biết sẽ có 8.000 người đến dự Hội Chợ Quý Hợi vào ngày thứ bẩy 12 tháng 2 – 83 tại San Jose, viên trung úy cảnh sát của hạt Santa Clara gần như nhẩy ra khỏi chiếc ghế da. Đối với trưởng ty cảnh sát San Jose khối đồng bào Việt Nam tại đây vẫn còn là một tập thể mới lạ. Những người dân tỵ nạn đã đến từ một quốc gia mà tên gọi là một ám ảnh của Hoa Kỳ. Cũng chính những người Việt Nam đó đã sang lại các cửa tiệm điêu tàn để mở chợ, tiệm ăn, tiệm kim hoàn, tiệm vải với các tên hiệu to lớn màu mè và làm sống lại cái down town San Jose. Cũng những người di tản lạ lùng đó, vốn Anh ngữ khiêm tốn đã chia nhau chờ đợi kiên nhẫn ở các sở xã hội một thời gian cho đến khi chiếm được đa số chổ ngồi trong các hãng điện tử. Mỗi năm vào cuối tháng 4 thì xin phép biểu tình và giữa tháng 2 thì xin phép tổ chức ănTết Tầu. Tuy nhiên trên giấy phép thì lại không chịu ghi là Chinese New Year mà nhất định đòi ghi cho được là ngày “TẾT“.

Đành rằng giấy phép Hội chợ thì đóng tiền là có ngay, nhưng nếu ước tính 8.000 người dự 1 ngày tại 1 trường học giữa khu của người Mễ là một điều rất đáng ngại. Lại còn đòi xin giấy phép đốt pháo, phép xử dụng loa phóng thanh ban đêm, giấy phép mở các quán bán đồ ăn, giấy phép cho đoàn “ CARNIVAL” với 8 trò chơi vĩ đại chiếm hết diện tích của cả một bãi đậu xe. Vấn đề quả nhiên là hơi khó. Nhưng sau cùng các nhân viên cảnh sát cũng phải họp đủ 4 lần để bàn kế hoạch yểm trợ cho Việt Nam ăn Tết. Hai tuần lễ trước khi Hội Chợ Quý Hợi San Jose bắt đầu, ban tổ chức nhận được 2 cú điện thoại của đồng bào yêu cầu xét lại địa điểm. Tổ chức ở San Jose High School chắc chắn xe cộ của dân ta sẽ bị xẹp bánh, bể kính và trận chiến Việt Mễ sẽ có cơ hội bùng nổ ở miền thung lũng điện tử Santa Clara.

Với tất cả các khó khăn sẵn có, thêm vào đó thời tiết u ám của một trận bão vô duyên vừa tầm tã vừa dai dẳng. Gió Đông-Nam cực mạnh đưa sóng biển lên đến mức mà dân vượt biển gọi là sóng cấp 5 đã làm đứt các dây cờ của đoàn Thanh-Niên Thiện-Chí vào tối thứ sáu. Cũng ngọn gió tàn khốc đó đã thổi bay nóc Tam Quan của Hội Việt-Mỹ. Phải nói thực tình, đối với ban tổ chức đêm thứ sáu trước ngày khai mạc không phải là đêm có nhiều mộng đẹp. Chỉ có các em hướng đạo Việt-Nam của Liên Đoàn Diên Hồng ngủ lại để canh gác đã tìm được giấc ngủ hồn nhiên giữa đêm giông bão.


Sáng thứ bẩy ngày 12 tháng 2-83, ngày cuối năm âm lịch anh em dự trù 10 giờ khai mạc nhưng trời vẫn còn mưa nên phải đến 11 giờ mới có thể cắt băng khánh thành và chào cờ Mỹ Việt. Gần 1.000 đồng bào và quan khách đứng dưới mưa để tham dự lễ chào cờ chính thức ngoài trời với quốc ca Mỹ Việt ghi dấu ngày văn hóa trọng đại của cộng đồng Việt Nam Bắc Cali. Trời vẫn còn mưa suốt ngày thứ bẩy cho đến 10 giờ sáng mùng một Tết, vào ngày chủ nhật, ánh sang Cali mới bắt đầu sưởi ấm Hội Chợ San Jose năm Quý Hợi.

Các bác sĩ trẻ trung tham dự gian hàng y tế Hội Tết

Bản tin của CBS lúc 6 giờ chiều ghi nhận sơ lược kết quả của Hội-Chợ nhưng bản tin 11 giờ tối thì đi vào chi tiết. Bỉnh bút của tờ Mercury News và phái viên CBS đều ghi nhận là có 20.000 người đến dự. Đây là một tập họp lớn lao nhất của người Việt-Nam từ 8 năm nay tính trên khắp nước Mỹ. Theo tài liệu kỹ thuật của ban tổ chức thì số lần vào cửa chính, ghi nhận được trên vé ủng hộ 25 xu và 50 xu là 14.309 người. 1.000 vé tặng cho học sinh Mỹ, các vé dành cho quan khách, số trẻ em vào cửa, vé dành cho các gian hàng, và một số lớn đồng bào đi vào các lối không chính thức, tổng số ước chừng 4.000 người.

Như vậy con số 20.000 coi như gần với sự thật do giới truyền thông Mỹ nhìn Hội-Chợ với con mắt tình cảm.

Được sự tham dự và ủng hộ của 40 hội đoàn, có 10 gian hàng triển lãm. 30 gian hàng giải trí và đồ ăn, 3 chương trình văn nghệ Xuân, các trò chơi cổ truyền, với hàng chục ngàn người tham dự, đã không xảy ra một tai nạn, không đụng chạm, ẩu đả như mọi người lo ngại, Hội-Chợ Xuân Quý-Hợi là một thành công rực rỡ cho công đồng ta tại hải ngoại. Điều quan trọng và cần thiết hơn hết là tổ chức đã thuyết phục để được sự yểm trợ của cộng đồng Mễ-Tây-Cơ tại địa phương. An ninh và trật tự ngoại vi đã được sự phối hợp giữa Việt Nam và 26 thanh niên Mễ tình nguyện.
resized-tet-tha-huong-b
Hình ảnh Tết tha hương.

Thống đốc CA lần đầu thăm Hội Tết

Đoàn Thanh-Niên Thiện-Chí đảm trách trang trí khu Hội-Chợ cùng với cổng Tam Quan của Hội Việt-Mỹ đã được sửa chữa kịp thời trước giờ khai mạc. Gian hàng của Hội Văn-Hóa-Việt và gian hàng xin xâm đã được quan khách và đồng bào đặc biệt tán thưởng. Hướng- đạo Việt-Nam thuộc Liên-Đoàn Diên-Hồng với hai đêm canh thức, hai ngày tổng vệ sinh. Trật tự Parking và một ngọn cờ giây

không có cột đưa cao quốc kỳ vàng 3 sọc lên không phận Hội-Chợ là một thành tích xứng đáng được chấm công đầu.

Hội Phụ-Nữ Việt-Nam Bắc Cali đã đảm trách phần tế lễ giao thừa rất nghiêm trang với những y phục rực rỡ trước bàn thờ tổ tiên trang trí tuyệt vời bởi hội Việt-Nam Tương-Tế. Hội Phụ-Nữ Việt Nam Santa Clara đã tổ chức phát quà cây mùa Xuân cho gần 70 thiếu nhi Việt-Nam trong chương trình văn nghệ Xuân của đoàn Văn-Nghệ Quốc-Gia San Jose và các sinh viên thực hiện. Cũng tại Hội-Trường Tao-Ngộ còn có chương trình văn nghệ của ban Vi-Vân với nhiều màn vô cùng độc đáo vào thứ bẩy để tiếp theo đến chiều chủ nhật là chương trình văn nghệ của gia đình Phật-Tử. Phía cộng đồng Công-Giáo có riêng một phòng triển lãm, cộng thêm một gian hàng trò chơi phi cơ hạ cánh rất hấp dẫn đồng bào.

Tại phòng triển lãm nghệ thuật có đầy đủ hình và tranh của các nghệ sĩ Hà-Cẩm-Tâm, Đức-Cung, Nguyên-Khai, Trương-Thị-Thịnh, v.v…

Hội Ái-Hữu Không-Quân Bắc Cali ngoài gian hàng triển lãm còn có một lều bán đu đủ bò khô và thịt nướng được coi là hoạt động thương mại sầm uất nhất của Hội Chợ. Quan tầu bay Trịnh Tùng của căn cứ Tân- Sơn-Nhất đã phóng ra trong hai ngày trên 1.000 xâu thịt nướng và ném vào Hội Chợ 300 đĩa bò khô.

Báo Mỹ đã nhận xét rằng hội chợ có vẻ thiên về ăn nhiều hơn là chơi. Sự thực cũng có có nhiều gian hàng ăn lời hàng ngàn đồng.

Tuy nhiên nói về sinh hoạt thể thao nổi bật nhất là tại thể dục đường Vạn-Kiếp. Đội bóng bàn Việt đã oanh liệt hạ đội bóng bàn Hoa-Kỳ cả giải đơn, đôi và toàn đội để lãnh tất cả các phần thưởng của ban tổ chức. Ngoài ra phải kể đến các gian hàng hấp dẫn không ngờ là hàng coi bói, cờ tướng và chiếu phim thời sự.

Sau hết về phương diện tài chánh, dù mới tổng kết sơ lược ban tổ chức đã trình lên học giả Đào-Đăng-Vỹ, Chủ tịch Ủy-Ban Lễ Tết kết tóan tiền lời trên 1.000 đồng để dùng làm vốn cho chợ Tết sang năm. Với kích thước lớn lao, tổ chức Hội-Chợ Quý-Hợi San Jose quy tụ đồng bào từ Sacto, Fresno, Stockton đến Monterey, San Francisco, đem lại tình tự quê hương nơi viễn xứ, biểu lộ được nghĩa hợp quần và sức mạnh văn hóa Việt cho các thân hữu Hoa-Kỳ, Mễ, Tầu, Phi, Nhật tại địa phương.

Đó là câu chuyện về những mùa Xuân tha hương gần 40 năm trước. Cụ thể là kỷ niệm về hội Tết đầu tiên trên thế giới năm 1983 tính đến nay 2013 là vừa đúng 30 năm. Chúng ta sẽ bước qua năm 2014. Miền Nam đang chia năm xẻ bẩy nên còn lại 3 tổ chức Hội Xuân. Bắc Cali ngay riêng tại San Jose cũng đã có đủ 3 Hội Tết. Tinh thần chia rẽ cả Bắc lẫn Nam Cali chúng tôi chẳng thua ai. Nhớ lại ngày xưa cộng động chỉ có 40 người ăn tết dưới hầm họ đạo Sprinfield dường như có niềm vui ngay trong tiếng khóc. Bà con thân thuộc gần gũi vì cùng mới mẻ dốt nát như nhau. Ngày nay anh em khó ngồi chung vì quá nhiều người tài chí có thừa. Đành vậy thôi. Chuyện Tết như vậy xưa như vậy. Còn vài tuần nữa đến Tết 2014, xin hãy cùng nhau ta luận cổ suy kim...

Giao chỉ, San Jose.

Mỗi độ Xuân về, đoàn viên Kháng Chiến lại treo cờ tại các khu thương mại.

Ghi chú đặc biệt

Nhân dịp Tết Giáp Ngọ Dân Sinh Media sẽ phát hành DVD lịch sử: Chuyến Hải Hành Cuối cùng tại các Hội Tết tại Orange County và San Jose. Xin chào đón phim tài liệu hết sức giá trị nhất từ xưa đến nay. Xin đọc qua đoạn giới thiệu mở đầu:

12 giờ trưa 7 tháng 5-1975

LỄ HẠ KỲ NGOÀI KHƠI SUBIC BAY.

Giao Chỉ, San Jose.

Lễ hạ kỳ

Bộ DVD do Dân Sinh Media phát hành 1 Tết Giáp Ngọ 2014 chấm dứt bằng hình ảnh lễ hạ kỳ Việt nam Cộng hòa ngoài khơi Subic Bay thuộc hải phận Phi Luật Tân.

Trên 32 chiến hạm của hải quân Việt Nam Cộng Hòa có 34.000 người Việt Nam hiện diện. 30 ngàn quân dân chính tỵ nạn và 4.000 đoàn viên hải quân.

Toàn thể hạm đội ra khơi đêm 29 tháng 4-1975. Sáng 30 tháng 4-75 vị tổng thống cuối cùng của VNCH đầu hàng. Hạm đội tập trung tại Côn Sơn và khi nghe

lệnh đầu hàng đã lên đường tìm tự do và đem trả tàu cho Mỹ.

Cộng sản vừa chiếm Sài Gòn, nước đồng minh Phi Luật Tân vốn đã từng đưa các đoàn y tế qua yểm trợ chiến trường Việt Nam đã vội vàng lên tiếng công nhận một nước Việt Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa độc lập và thống nhất.

Sau tuần lễ hải hành, hạm đội của binh chủng mất quê hương với 30 ngàn quân dân tỵ nạn đến cửa ngõ đất nước tự do và dừng lại. Phải bỏ hết vũ khí xuống biển, bôi xóa danh hiệu, hạ cờ Việt Nam Cộng Hòa, kéo cờ Mỹ lên. Thể hiện hình thức trao trả tàu cho Mỹ ngoài biển khơi. Rồi sẽ vào quân cảng SUBIC, để Mỹ tặng cả hạm đội cho hải quân Phi Luật Tân. Quân dân Việt Nam di tản sẽ được bốc qua Hoa Kỳ. Họ trở thành con số thống kê của các người tỵ nạn không giấy tờ, không nằm trong tiêu chuẩn di tản của tổng thống Ford.

Nhưng trước khi đó, 34 ngàn người, trên biển cả mênh mông chợt nghe tiếng còi tàu với âm độ sắc bén, rít cao. 32 lá quốc kỳ vàng sọc đỏ hạ xuống, những giọt nước mắt lăn theo. Ai cũng khóc. Già trẻ lớn bé. Đàn ông đàn bà, quân nhân, công chức, dân sự và... tất cả. Chan hòa nước mắt. Dù trước đây không cảm thấy tình quê. Nhưng giây phút này, với bài ca và một lá cờ, chợt thấy biết ta mất nước là mất tất cả.

Bài quốc ca này công dân ơi với lời lẽ hết sức hào hùng đã cất lên trong hoàn cảnh cay đắng.

Nhưng rồi chẳng ai đứng lên đáp lời sông núi, chỉ còn một đám người gẫy súng tháng 4, đau thương buồn tủi, lôi thôi lếch thếch dìu nhau lên bến tự do. Từ đó đoàn người chia tay nhau mỗi người đi một ngả. Cho đến hôm nay....

Xem tiếp đầy đủ vào tuần tới...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.