Hôm nay,  

Con Cá Bống Dưới Giếng Thần

30/04/201300:00:00(Xem: 4565)


Phúc Nguyễn
Bố mẹ tôi có 5 người con, 3 gái 2 trai . Tôi là con trai út trong gia đình.
Quanh tôi chỉ có 1 anh và 2 chị còn lại. Bố mẹ tôi không bao giờ nói cho tôi biết về người chị cả của tôi. Những gì tôi biết về chị cả đều qua các chị và anh còn lại.
Chuyện người chị cả này hoàn toàn gần như một chuyện cổ tích bởi chuyện kể chị đã lấy chồng và theo chồng đi xa trước khi tôi sinh ra đời vào năm 1945.
Bao giờ và ở đâu? Tôi cũng chẳng biết
Có nghĩa là ngày tôi mở mắt chào đời cho tới 30 tháng 4 năm 1975, 30 năm đã trôi qua trong đời, tôi vẫn chỉ biết tôi có một người chị cả, đi lấy chồng ở xa và chẳng bao giờ biết mặt, ngay một bức hình tôi muốn được xem, cũng không có.
Vậy thì tôi có gì để kể lể về người chị này trong 30 năm qua đi này.
Không có gì.
Nhớ thương? Không. Đi hỏi thăm? Không. Đi tìm kiếm? Không. Thắc mắc? Không. Buồn? Cũng không luôn.
Chuyện cổ tích luôn luôn là một giấc mơ thật đẹp của tuổi thơ.
Khi trẻ thơ, tôi vẫn mang trong trái tim hai chữ Chị Cả với tất cả yêu thương mong đợi từ khi biết ngoài 3 anh chị kế tôi, tôi còn có một người chị lớn nữa.
Chỉ có thế thôi.
Câu chuyện có lẽ sẽ chẳng có gì đáng nói ở đây vì toàn là không và không nhưng ngày 30 tháng 4 năm 1975 lại là bắt đầu cho những cái có trong cuộc đời của tôi về người chị cả này.
Năm 1968, tôi ra đại học Văn Khoa Saigon và bị gọi nhập ngũ cùng với tất cả bạn bè cùng khóa ra trường năm đó.
Chúng tôi cùng rủ nhau đi trình diện một ngày ở trung tâm huấn luyện Quang Trung.
Lần lượt qua những phòng khám sức khỏe, ai cũng chỉ được mặc quần sà loỏng và phòng cuối cùng là hội đồng y khoa tuyên bố kết quả giám định sức khỏe.
Bạn bè tôi gần như 100% được tuyên bố “đủ sức khỏe”.
Từng người bước ra ngoài phòng để bắt đầu đặt dấu chân đầu tiên vào đời quân ngũ. Nhìn mọi người với vẻ ưu tư trên khuôn mặt nhưng tôi không thấy và không nghe một tiếng xì xào hay than vãn gì ngoài trừ tiếng nói của các sỹ quan trong hội đồng khi đọc hồ sơ khám sức khỏe của tân binh sắp nhập ngũ.
Trước mặt hội đồng y khoa, tên tôi được gọi, tôi bước ra và đứng yên để chờ nghe quyết định của hội đồng. Họ đọc hồ sơ tôi hơi lâu hơn các hồ sơ khác. Tôi nghĩ có chuyện gì đây nhưng vẫn đứng yên chờ đợi. Cuối cùng, vị sỹ quan ngồi giữa bàn hỏi tên tôi xong tuyên bố tôi được “Miễn dịch vì lý do sức khỏe. Chân trái có tật.”
Hội đồng đóng hồ sơ tôi lại và chuẩn bị đọc hồ sơ kế tiếp thì tôi dơ tay xin nói.
Hội đồng ngạc nhiên và hỏi tôi chuyện gì vì cái quyết định miễn dịch này là một cái tin hoàn toàn vui và thiệt tốt, họ không hiểu tôi có thắc mắc gì.
Tôi nói :
- Tôi xin tình nguyện nhập ngũ.
Tôi nhớ tất cả sỹ quan trên bàn hội đồng y khoa trung tâm 3 nhập ngũ đều cười ùa lên vì có lẽ chả bao giờ họ nghe được câu nói lạ lùng này trong phòng khám sức khỏe. Chắc họ nghĩ tôi đùa hay bị chạm giây chăng?
Không . Tôi không nói đùa và cũng không bị chạm giây. Vị sỹ quan chủ tịch hỏi tôi về lý do tại sao xin tình nguyện.
Tôi trả lời ngay:
- Tôi muốn được nhập ngũ như các bạn bè của tôi.
Câu trả lời của tôi không bao giờ được chuẩn bị và cũng không bao giờ được suy nghĩ trước.
Ở ngay hôm đó và vào lúc đó, thấy bạn bè mình đi lính, mình cũng hăng tiết vịt xin đi. Thế thôi.
Nếu nói tôi xin tình nguyện đi lính vì nào là do lý tưởng hay vì lòng yêu nước hoặc thích đời quân ngũ, chắc tôi hơi loạn ngôn với đời để trở thành anh hùng rơm hay tiểu thuyết hóa đời trai thời chiến do ảnh hưởng của phim ảnh và chuyện tình đời lính lãng mạn ướt át trong văn chương báo chí.
Thật sự ra, một trong những lý do này cũng có ở trong tôi từ lâu, từ khi có cuộc chiến với cộng sản ở miền Nam này nhứt là năm cao điểm của tết Mậu Thân 1968.
Tôi đã từng có những giấc mơ được khoác lên mình bộ áo bay của phi công, đeo trên mặt cặp kiếng Ray Ban và nhếch miệng cười với một tí ria mép như Clark Gable khi đứng trước chiếc khu trục cơ AD6.
Đó là bức hình của một thằng bạn thân sau khi đậu tú tài 1, đi không quân gửi về cho tôi trong thời gian huấn luyện ở bên Mỹ. Tấm ảnh nó đứng trên cánh máy bay AD6 với một điếu thuốc trên môi vẫn luôn luôn là nỗi thèm thuồng của tôi ở tuổi trai trẻ buổi chinh chiến này.
Thế nhưng vị sỹ quan ngồi giữa hội đồng cười hề hề hỏi tôi:
- Anh có chạy được không?
Tôi đáp:
- Dạ chạy được.
Viên sỹ quan này nói tiếp:
- Tôi muốn nói chạy dã chiến vài cây số với ba lô súng đạn trên vai.
Tôi ngập ngừng đắn đo, nói nhỏ:
- Tôi không biết.
Vị sỹ quan này bèn lên cao giọng với nụ cười ruồi trên môi và phán ngay một câu:
- Thôi, về đi cha nội.
Câu nói tếu làm mọi người trong phòng cười ồ lên.Tôi chết đứng đi trong vài giây đồng hồ.
Thế là chấm dứt một giấc mộng không bình thường của tôi.
Nếu giấc mộng này trở thành sự thực hôm đó thì có lẽ tôi không có câu chuyện về người chị cả của tôi để kể ra đây với đời.
Sự thực này hoặc sẽ đưa tôi về nằm nghỉ vĩnh viến ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa hay sẽ còng lưng cuốc xẻng ở một trại tù lao động học tập cải tạo nào đó, nơi đèo heo hút gió hay tận vùng núi hẻo lánh xa xôi miệt biên giới Tầu, nơi cuộc đời sẽ luẩn quẩn chạy quanh với nhớ mong chết chóc, bệnh hoạn, sợ hãi, đói khát, canh gác và trả thù rình rập suốt 24 tiềng đồng hồ mỗi ngày và hoặc tôi, cuối cùng, có thể đang ngày đêm cầy bừa trên xứ lạ quê người xa xôi đâu đó trên quả địa cầu.
Những hay và hoặc này sẽ là đoạn kết về câu chuyện cổ tích của tôi nhưng ngày 30 tháng 4 năm 1075 đã đưa tôi về một câu chuyện cổ tích mới, câu chuyện không có cá bống dưới giếng thần mà mẹ tôi hay kể cho tôi nghe khi còn bé và nay, chỉ có bo bo, khoai mì và nón cối bên cạnh.
Tôi vẫn biết gia đình tôi có ít tin tức về chị cả từ sau khi lấy chồng đi xa khoảng năm 1942, 43 dù không gặp nhau. Một ngày nào đó sau 30 tháng 4 năm 1975, tôi nghe phong phanh là chị sẽ từ ngoài Bắc vào Saigon hội ngộ với gia đình.
Tin đến với tôi với chút ít xôn xao nôn nóng trong lòng hơn tôi tưởng.
Ngày xưa chuyện cổ tích của tôi có cá bống và giếng thần, chị cả tôi là một tưởng tượng ôi thật nên thơ. Tôi thầm mơ một ngày nào đó, bà tiên cho tôi gặp chị, chắc là mừng đến rơi nước mắt mới được.

Chuyện cổ hôm nay chỉ còn có bo bo, khoai mì và nón cối bên cạnh.
Mỗi đêm, tôi không có một giấc ngủ yên dài với mộng đẹp bởi họp hành, tổ dân phố, kiểm tra với tên công an khu vực đi rảo thường xuyên khắp xóm giềng. Ban ngày, tôi không có thời gian để mơ mộng khi nhìn quanh chỉ thấy nỗi lo âu, sợ hãi và mệt mỏi của bố mẹ, anh chị, hàng xóm và mọi người.
Chiếc loa phát thanh đầu xóm là tiếng rống của một con quái vật máy ra rả nghe đến phát điên lên mỗi sáng sớm, trưa nóng hay chiều về.
Bảo tôi hãy chuẩn bị những giọt nước mắt cho một cuộc hội ngộ tương phùng lần đầu tiên trong đời được gặp người chị cả với bo bo, nón cối và tiếng quái vật như vậy, tôi nghĩ có lẽ mình phải tập dợt dữ lắm, nhứt là để đón chờ một người chị trong giấc mờ trở về với một ông chồng là… một đảng viên Cộng Sản.
Từ ngày nghe tin phong phanh đó, tôi vẫn đi làm bình thường ở thư viện Quốc Gia đường Gia Long, Saigon. Sự phong phanh mỏng đến độ nó không có chỗ đứng được trong trái tim của tôi.
Hằng ngày, tôi phải lo dọn dẹp thư viện, sắp xếp, chọn lựa sách báo để làm danh sách báo cáo cho những người từ rừng mới về muốn biết Thư Viện ở đây chứa cái gì?
Công việc nhàm chán nhưng vẫn phải làm. Chiều đến là chỉ mong hết giờ để về nhà không phải là để nghỉ mệt mà chỉ muốn ra khỏi cái nơi mình không ưa này, tránh khỏi phải nhìn những bộ quần áo mầu cứt ngựa, nón cối, dép râu và súng lục lủng lẳng bên hông với giọng nói miền Bắc quê mùa chát chúa lỗ tai tôi chưa bao giờ được nghe.
Nhìn và nghe thấy những cái không ưa trong 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày quả thật là quá nhiều cho một ngày của tôi.
Một buổi chiều nào đó, tan sở về, chán chường, tôi đạp xe lang thang khắp phố, chả biết đi đâu và rồi định ghé lại nhà một người bạn để giết thì giờ.
Tới nơi, nó không có nhà. Tôi đành lên xe cuốc về nhà.
Đến cửa nhà, bỗng nghe nhiều tiếng lao xao trong nhà, tôi hơi ngạc nhiên và chẳng hiểu chuyện gì xẩy ra?
Có vài “giọng nói miền Bắc quê mùa chát chúa lỗ tai” trong nhà tôi vọng ra. Cái âm thanh này không phải là tin tốt cho tôi vì tôi đã phải chịu khổ để nghe nó mỗi ngày 8 tiếng từ mấy tháng trời nay cộng với khẩu súng lục lủng lẳng bên hông.
Làm sao bây giờ nó lại ở trong nhà tôi giờ này?
Tôi hồi hộp đẩy xe bước vào. Trong nhà có khá nhiều người hơn thường ngày, tôi nhìn thấy bố mẹ tôi, hai chị lớn và anh trai của tôi và vài người lạ.
Tất cả tiếng nói và tiếng động đều ngưng lại tức thì. Mọi người trong nhà quay ra nhìn tôi, người mới bước vào dựng xe.
Trong vài người lạ đó, một người đàn bà hơi đen đủi, búi tó, dáng thâm thấp, tuổi chừng các chị tôi, mặc quần dài đen và áo bà ba nâu nhạt, bước ra dang hai tay đón tôi.
Tôi nghe một tiếng nói nhỏ của bà đó, một “giọng nói miền Bắc quê mùa chát chúa lỗ tai.”
- Em.
Tôi hơi sững sờ và chưa kịp trả lời một tiếng nào thì cả thân tôi đã nằm trong vòng tay của bà, người vừa gọi tôi bằng em.
Tôi vẫn hai tay buông xuôi trong vòng tay của bà, người đứng thẳng, không nói được tiếng nào và trong chớp nhoáng, tôi biết bà đó là ai.
Người chị cả của tôi.
Tôi lặng im, không một cử động và không một tiếng trả lời. Tôi biết thân tôi đang rung động với hai cánh tay của “chị tôi”, bên vai tôi, có một khuôn mặt đang nức nở khóc và áo tôi bắt đầu ướt một bên.
Chữ đầu tiên, tôi mở miệng nói nhỏ:
- Chị cả.
Tôi nghe tiếng trả lời với nước mắt:
- Ừ ! chị đây, em là Nam phải không?
Tôi nghe nhiều tiếng nói lao xao trong nhà nổi dậy ;
- Ừ! Nó đấy, Nam đấy.
Tôi bắt đầu định đưa hai tay lên cầm hai tay chị nhưng đôi mắt của tôi không nhìn chị vì đằng sau chị, có một vóc dáng của một người đàn ông với chiếc nón cối trên đầu.
Nước mắt tôi chưa kịp chảy ra thì sự xúc động của tôi bị tắc lại tức thì bởi cái nón cối.
Tôi nhìn người đàn ông này, ông ta trông khá già, người tầm thước và xương xẩu, da vẻ hơi nhăn nheo, không đến nỗi đen, không mặc quần áo bộ đội mầu cứt ngựa nhưng có sặc nét …”Cộng Sản” trên đó.
Cái nét tôi cảm thấy đó không biết từ đâu ra, tại bởi cái nón cối? hay tại bởi khuôn mặt? hoặc do tôi bị dị ứng?
Cái sặc nét Cộng Sản đó đang đứng trước mặt mình, tôi nghe tiếng chị nói:
- Anh ơi! Nam đấy.
Tôi vẫn đứng yên. Không gật đầu chào và cũng không một cử chỉ vồn vã hay thân mật hoặc một lời nói xã giao ngoại trừ một nụ cười nhỏ trên môi để trả lời cho chữ “ Nam đấy!”
Nó lặng lẽ như những ngày tháng kế tiếp lặng lẽ trôi qua.
Nhà tôi cũng có thêm tiếng cười đùa và tiếng nói lao xao. Tôi nghe tiếng chị cả tôi và tiếng các chị kế trò chuyện hỏi han và kể chuyện gần xa, tôi không hiểu sao mình vẫn đứng ngoài câu chuyện của gia đình.
Tôi không lại gần, không hỏi thăm và cũng cảm thấy không biết bắt đầu bằng như thế nào bởi giữa tôi và người chị cả, tôi không có một hình ảnh nào, một kỷ niệm nào để khơi chuyện với chị và làm một nhịp cầu bắt đong đưa qua lại giữa hai chị em cho những ngày quá khứ.
Chị đã lấy chồng và theo chồng trước khi tôi được sinh ra đời.
Tiếng cười đùa và lao xao trong gia đình không kéo dài được lâu sau một vài ngày đầu.
Tôi bắt đầu cảm thấy có chuyện hơi lạ lùng xẩy ra.
Cho đến một buổi tối cuối tuần, nằm trong phòng, đọc sách truyện lăng nhăng, tôi thoáng nghe tiếng đối đáp từ dưới nhà bếp của các anh chị tôi.
Tiếng chị cả:
- Tháng 9 năm 1969, nghe tin bác Hồ mất, chị và mọi người ngoài đó khóc quá trời.
Tôi nghe tiếng chị ba tôi tiếp thêm:
- Trong này, em và mọi người cũng khóc.
Chị cả tôi chắc cảm động bèn hỏi dồn:
- Thế hả, thật sao?
Tiếng chị ba tôi nói ngay:
- Ừ thật. Khóc vì mừng bác chết. Sắp hết chiến tranh.
Và cứ như thế, sau 30 tháng 4 năm 1975, chiến tranh Nam Bắc đã kết thúc ờ ngoài đời nhưng cuộc chiến ấy lại mới bắt đầu xẩy ra trong gia đình tôi trên mọi chiến tuyến.
Tôi không rõ anh chị cả đã ở lại đây bao lâu và cũng không nhớ ngày anh chị chia tay với gia đình trở về miền Bắc hay có một lời từ giã giữa tôi và anh chị được trao đổi.
Con cá bống dưới giếng thần nay đã biến thành người trên trần gian và chả bao giờ quay lại giếng xưa nữa.
Chuyện cổ tích luôn luôn là một giấc mơ thật đẹp của tuổi thơ.
Phúc Nguyễn
Kỷ niệm 38 năm mất nước – 30 tháng 4 năm 2013

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.