Hôm nay,  

Gặp Lại Sophie Quinn-Judge Ở Đại học Temple, Philadelphia

13/05/201200:00:00(Xem: 11509)
Từ sáng chủ nhật 6 tháng Năm, tôi đã bay từ Orlando đến Philadelphia để thăm viếng bà con và bạn hữu tại địa phương. Buổi trưa hôm nay thứ Tư mồng 9, như đã hẹn qua điện thư tôi đã đến gặp chị Sophie Quinn-Judge tại Đại học Temple. Sophie dậy môn Sử Á châu tại Phân khoa Triết học và Nhân văn tại đây từ mấy năm nay và đồng thời cũng kiêm nhiệm luôn chức vụ Giám đốc Trung tâm Văn hóa Triết học và Xã hội Việt nam của Phân khoa nữa.

Mấy năm trước Sophie có cho tôi 2 cuốn sách chị viết, đó là cuốn “ Ho Chi Minh : the Missing Years” và cuốn “The Third Indochina War”, và tôi vừa viết bài “Giời thiệu sách” về cuốn sau. (Bài này tôi đã chuyển cho Sophie và chị rất thích). Còn cuốn trước, để tôi tìm xem bản dịch mới đăng trên internet trước đây xem sao đã, rồi mới giới thiệu luôn một thể cho tiện. Đại khái chúng tôi có duyên về chuyện sách vở chữ nghĩa với nhau như vậy đó

Chị vừa mời đi tham dự một Hội nghị quốc tế được tổ chức tại London về, nên công việc giảng dậy và chấm bài cho sinh viên còn khá bề bộn, nhưng cũng bỏ ra vài giờ để chuyện trò riêng với tôi trong một bữa ăn trưa tại câu lạc bộ giáo chức của trường. Mới cách có ba năm, mà lần này gặp lại tôi thấy Sophie tóc bạc hơn nhiều và ở tuổi 63 trên khuôn mặt của chị đã thấy dấu vết chân chim rõ nét hơn biểu lộ sự mệt mỏi – mặc dầu trí tuệ vẫn còn sắc bén và lối nói vẫn ngọt ngào hiền dịu như ngày nào.

Sau phần thăm hỏi thường lệ về gia đình và thông tin về một số bạn bè chung, thì tôi đã mở đầu câu chuyện với Sophie là : “Tôi vừa đi một vòng xung quanh Temple, chỗ nào tôi cũng thấy xây cất đủ thứ cơ sở này nọ, rõ ràng là có bàu không khí lạc quan phấn khởi nơi khuôn viên đại học danh tiếng này. Sao mà nhà trường lại có sẵn tiền của để mở mang lớn lao như vậy, giữa lúc kinh tế khắp nơi suy xụp trầm trọng từ mấy năm nay?” Sophie nói luôn: “ Việc xây cất là một chuyện đầu tư bó buộc phải thực hiện thôi; nhưng mà ngân sách do tiểu bang trợ cấp cho trường vừa mới bị cắt đi nhiều, nên giáo chức chúng tôi cũng bị giảm lương đáng kể đấy và nhiều môn học cũng bị dẹp bỏ luôn”. Chị cũng cho tôi biết là có đến trên 30,000 sinh viên theo học tại các phân khoa của trường, trong đó số sinh viên đến từ ngọai quốc cũng lên đến hàng mấy ngàn nữa.

Tiếp theo, chúng tôi trao đổi với nhau về công chuyện nghiên cứu viết lách của mỗi người. Sophie cho tôi biết đang chuẩn bị cuốn sách khác về “ chủ trương đường lối thứ ba tại miền Nam Việt nam thời kỳ trước năm 1975”. Lần này, chị sẽ gửi bản thảo cho nhiều bạn bè đọc trước và cho ý kiến bổ túc. Và chị nói : “Tôi sẽ gửi cho anh để đọc giúp tôi với nhé”. Tôi nói là giữa bạn hữu với nhau, thì tôi cũng sẵn sàng thôi. Trả lời câu hỏi về nhà xuất bản nào sẽ ấn hành tác phẩm này, thì Sophie cho biết có thể là Nhà xuất bản Đại học Wisconxin sẽ nhận việc này. Nhưng mà coi vẻ họ không mặn mà cho lắm, vì họ coi đề tài của cuốn sách “chẳng có sexy” (nguyên văn) tý nào cả.

Đến lượt Sophie hỏi lại tôi :” Còn sách của anh đang viết, thì chừng nào sẽ ra mắt bà con đây?” Tôi nói phải đến năm 2014, nhân kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ (1989 – 2014) thì hai tác giả chúng tôi – giáo sư Walter Sawatky và tôi - mới cho trình diện tác phẩm “The Recovery of Civil Society in post-communist Eastern Europe” được.

Tôi nói rõ hơn với Sophie : “Tôi vốn là con người hành động (man of action) chứ không phải là một học giả (not a scholar), nên lối viết của tôi nhằm tới đại chúng, nên cần ngắn gọn, sáng sủa – chứ không có đi quá sâu vào chi tiết chuyên môn, rườm rà phức tạp. Vì thế mà cho đến nay, tôi đã viết được đến trên 500 bài báo rồi, mà riêng về đề tài “Xã hội Dân sự”, thì tôi đã viết đến trên 30 bài – có thể sắp xếp vào trong một cuốn sách riêng biệt nữa. Nhưng tôi chưa có thời giờ để làm công việc này, vì còn bận rộn với bao nhiêu việc khác cần thiết hơn.

Tôi cũng còn nói với Sophie là sau khi hòan thành cuốn sách về “Sự Phục hồi Xã hội Dân sự ở Đông Âu hậu cộng sản”, thì tôi sẽ viết tiếp về đề tài “Phong trào Hòa bình Mỹ và cuộc Chiến tranh Việt nam” (The American Peace Movement and the Vietnam War). Tôi sẽ mời Doug Hostetter cùng đứng ra viết chung với tôi. Tôi nảy sinh ý kiến này là vào mấy năm trước tôi được chị dẫn đến coi thư viện của Đại học Swarthmore, trong đó có Peace section với bao nhiêu tài liệu thật quý báu được thâu thập và lưu giữ từ gần một thế kỷ nay. Sophie gật đầu : “Anh làm việc này là phải lắm đấy. Hoan hô lắm…”

Đại khái câu chuyện trao đổi giữa Sophie và tôi vào buổi trưa hôm nay miên man xoay quanh việc nghiên cứu viết lách như vậy. Mà vì hiện tôi còn đang bận rộn với nhiều việc khác, nên tôi chỉ có thể tạm thời ghi lại thật vắn tắt trong bài viết này. Và xin để dịp khác sẽ trình bày chi tiết hơn đến với quý bạn đọc vậy nhé./

Trên đường từ Philadelphia đến thủ đô Washington DC

Buổi chiều ngày 9 tháng Năm 2012
Đoàn Thanh Liêm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.