Hôm nay,  

Giã Từ Tháng Ba 2012

01/04/201200:00:00(Xem: 13040)
Mấy ngày cuối tháng ba, trời San Jose bỗng mưa gió để bù lại tháng giêng tháng hai thiếu nước trời và nông dân sẽ tha hồ vun tưới hoa màu cũng như chính quyền sẽ không phải bắt cư dân tiết kiệm nước xài trong đời sống. Đi ngang qua một tiệm tạp hóa thấy người ta đứng xếp hàng, hỏi ra mới biết là đợi mua vé số vì giải độc đắc đã lên tới một tỉ rưỡi Mỹ Kim. Bạn bè gọi nhau bảo hùn tiền mua vài tấm cầu may, người viết lắc đầu nói rằng số mình không bao giờ giàu có và không bao giờ mơ tưởng chuyện trúng số. Chợt nhớ tới chuyện cũ thời 1985-1986, có một anh tên Võ Hải ở vùng Oakland trúng số khoảng 2 triệu đô. Báo chí Việt Nam ở San Jose có chụp hình phỏng vấn và người viết tò mò xin coi thử bàn tay của kẻ may mắn, chỉ nhớ mang máng là anh ta có nét tướng của người nhàn hạ mặc dù đang là một ngư phủ. Không biết là bây giờ đời sống của anh ra sao.

Giã từ tháng ba 2012, tháng ba hoa khói thơ mộng; dù đã cuối tháng nhưng cây hoa anh đào trước nhà ai đó vẫn còn khoe sắc thắm. Nhờ anh bạn chụp mấy tấm ảnh làm kỷ niệm, lòng man mác nhớ đôi mắt hạt dẻ của cố nhân cũng đứng chỗ này năm cũ để làm người đẹp trong hình. Thật đúng với bốn câu thơ của Thôi Hộ

“ Khứ niên kim nhật thử môn trung . Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Nhân diện bất tri hà xứ khứ. Đào hoa y cựu tiếu đông phong” ( Năm xưa cửa ấy ngày này. Hoa đào đua nở cho ai thêm hồng. Nay đào đã quyến gió đông. Mà sao người đẹp bềnh bồng nơi nao – Tản Đà dịch). Nguyễn Du đã đưa ý thơ vào câu “ Trước sau nào thấy bóng người. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.

hoa_dao_1_medium

Hoa anh đào trước nhà còn khoe sắc cuối tháng ba. (Ảnh Phùng Hưng)
Có lẽ câu thứ nhì tả hoa đào và khuôn mặt giai nhân cùng một màu hồng là nét độc đáo của bài thơ. Thời còn trung học ở Việt Nam, nghe thầy giảng thơ Kiều, không cảm nhận được trọn vẹn ý thơ đó, bây giờ trên xứ California mới thấm thía.

Nhưng đó là hoài niệm về cố nhân ở San Jose, còn cố nhân ở quê nhà thời mới lớn cũng khó quên. Thôi thì đành hát câu “ Bên nay anh nhớ bên kia. Cali xa quá Việt Nam. Hẹn mùa yên vui đất nước. Anh ca bài hát hoa đào”.

Chợt nghĩ tới cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Mạnh Côn mang tên Mối Tình Màu Hoa Đào, nghe thì lãng mạn nhưng thực ra là một tập sách lý luận triết học và chính trị. Màu hoa đào của tác giả ám chỉ màu hồng của chủ nghĩa cộng sản, mới đầu cứ tưởng là lý thuyết đẹp đẽ thơ mộng nhưng dần dà thực tế cho thấy không phải vậy, nếu không nói là xấu xí. Nét đặc biệt của tác phẩm là cái tên đặt rất văn nghệ.

Giã từ tháng ba 2012, tin Bạc Hi Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh bị cách chức làm xôn xao dân để ý tới chính trị. Có người bảo là Trung Cộng sắp nội loạn đến nơi và sẽ ảnh hưởng tới Hà Nội và tạo cơ hội cho những thay đổi lớn về chính quyền và xã hội. Khi Đặng Tiểu Bình năm 1979 đưa ra chiến lược cải cách kinh tế đã giúp cho nước Tàu phát triển mạnh mẽ như hôm nay nhưng đồng thời cũng tạo ra sự phân hóa giàu nghèo to lớn trong xã hội. Những cán bộ quyền thế tha hồ tham nhũng kết hợp cùng đám kinh doanh làm giàu trong khi đó đa số cán bộ khác và nhân dân thì nghèo khổ. Và từ đó có khuynh hướng của phe muốn lôi kéo trở lại chủ nghĩa bình quân, nghĩa là ai cũng như nhau cho dù có nghèo đi nữa. Mâu thuẫn lớn nhất của Trung Cộng bây giờ và sắp tới là giữa nhân dân nghèo khổ và đám cán bộ quyền thế giàu có. Lý thuyết cộng sản nói tất cả tài sản đất nước là của chung và không có luật lệ nào rõ ràng; cho nên đám cán bộ lấy làm của riêng và tha hồ tham nhũng. Tình trạng này xảy ra tại Trung Cộng và cũng giống như vậy tại Việt Nam.

Sự thay đổi của Trung Cộng làm người dân Việt Nam quan tâm vì nước đàn anh phương Bắc này có ảnh hưởng rất nhiều đến xứ sở hình chữ S. Chính Đặng Tiểu Bình là người đã ra lệnh đánh Việt Nam vào năm 1979 và hôm nay kế hoạch lấn chiếm Biển Đông của Bắc Kinh vẫn cứ tiếp tục cho dù Hoa Kỳ đã lên tiếng muốn chận đứng tham vọng của Tàu tại Thái Bình Dương.

Cho dù tháng 11 này Obama hay Roomney đắc cử thì chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam vẫn không thay đổi gì mấy, nghĩa là vẫn cứ o bế Hà Nội để họ không hoàn toàn ngã vào vòng tay của Bắc Kinh. Và vì thế tình trạng bắt giam và kết án tù những nhà hoạt động tôn giáo và dân quyền trong nước vẫn cứ tiếp tục gia tăng.

Giã từ tháng ba 2012, số chữ ký thỉnh nguyện thư đã hơn con số 130 ngàn nói lên tấm lòng tha thiết với quê nhà của người Việt tại Hoa Kỳ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng người Việt hải ngoại đã không biết lợi dụng ưu thế về tài chánh để hỗ trợ cho sự cải thiện tình trạng dân chủ nhân quyền tại Việt Nam. Con số hàng tỉ đô la gởi về giúp thân nhân hàng năm gián tiếp đã nuôi sống chế độ Cộng Sản và đám cán bộ tham nhũng cùng bọn con buôn thời cơ.

Nhìn lại hoạt động của nhiều cá nhân và hội đoàn tại hải ngoại thật không lạc quan. Người ta ao ước chỉ cần có một phần trăm, một phần ngàn của số tiền hàng tỉ đô la gởi về kia để giúp các hoạt động cho mục tiêu nhân quyền dân chủ tại quê nhà.

Có mấy người quen về Việt Nam chơi và trở lại Mỹ, hỏi thăm thì họ nói là ở trong nước người dân không ai biết Việt Khang cũng như chuyện anh bị bắt vỉ hai bài ca yêu nước chống giặc ngoại xâm Tàu, nói lên sự bưng bít của chế độ và kiềm soát tuyên truyền của Hà Nội.

Giã từ tháng ba 2012, tin một tờ báo tại San Jose sẽ đóng cửa làm nỗi buồn báo giấy càng mênh mang. Báo thì biếu không, quảng cáo thì ít, người ta đọc trên mạng trước khi bài viết in trên báo giấy. Các đài phát thanh và truyền hình xuất hiện nhiều và báo giấy đang ở vào buổi hoàng hôn. Thời buổi kinh tế khó khăn càng làm nguồn thu quảng cáo eo hẹp. Không biết là có còn cảm hứng để viết những lời chào em hay giã từ năm tháng nữa hay không. Cái gì có bắt đầu, có hiện hữu và sẽ chấm dứt và có thể cũng sẽ lại bắt đầu một chu kỳ mới mẻ khác. Giã từ tháng ba hoa khói, tháng tư lửa khói lại đến.

Trần Củng Sơn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một hiện tựơng đang làm nức lòng giaó dân Việt Nam: nhiều ngàn người Công Giáo Hà Nội trong đêm 18-12-2007
Thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, từng bước chúng biến đất nước nầy thành một nhà tù vĩ đại, từng bước chúng muốn biến vua quan nước này
Từ thế kỷ 17, năm 1686, chúa Nguyễn Đàng Trong đã tổ chức một Hải Đội Hoàng Sa để thường xuyên tuần tiểu đảo Bãi Cát Vàng, tức Hoàng Sa
Quê nhà Cần Thơ lọt thỏm giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long cho nên chỉ hiểu biết tận tường đất nước con người như mùa màng
Thưa quý thính giả, trong khi Hà Nội tiếp tục im lặng và chưa có một hành động cụ thể nào trước việc Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn chủ quyền Việt Nam
Trước sự kiện Trung Cộng tuyên bố chủ quyền và thiết lập hệ thống chính quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, giới thanh niên trong nước đã lên tiếng
Về tâm lý học, con người thường tin vào những điều mình muốn tin. Nhưng sự thật đôi khi không làm hài lòng ý muốn đó.
Ngày 2-11-2007 Quốc Vụ Viện Trung Quốc (TQ) thông qua việc thiết lập đơn vị hành chính huyện Tam Sa thuộc tỉnh đảo Hải Nam
Hành động cấm dân chống Tàu xâm lược của Nhà nước Cộng sản Việt Nam trong hai Cuộc biểu tình tại Sài Gòn và Hà Nội ngày 9 và 16-12
Ông Trương Văn Ba, một cư dân tại Hawaii, đã trở về Việt Nam để vận động cho cuộc dân chủ hóa đất nước bằng phương pháp ôn hòa
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.