Hôm nay,  

Đường Hướng Mới - Nhân Sự Mới "

25/01/201100:00:00(Xem: 12801)
Đường Hướng Mới - Nhân Sự Mới "
Vũ Linh

...chiếc tàu buồm Obama đang “cuốn theo chiều gió”...
Trong mấy bài viết gần đây, chúng ta đã xét lại sự thay đổi thái độ và lập trường của TT Obama sau cơn hồng thủy bầu cử giữa mùa tháng Mười Một. Người ta đã thấy một tổng thống “mới”, quay lưng lại với các đồng minh cấp tiến cực đoan để bắt tay với phe bảo thủ Cộng Hòa, tiêu biểu và quan trọng nhất dĩ nhiên là gia hạn luật giảm thuế của TT Bush. Thắc mắc lớn hiển nhiên là không biết đây chỉ là những sửa sai chiến thuật nhất thời để lấy lại thăng bằng, hay chính là những thay đổi sách lược để đáp ứng lại “ý dân”, đồng thời bảo đảm tương lai chính trị lâu dài cho tổng thống.
Muốn có một khái niệm chính xác hơn, có lẽ ta phải đi xa hơn các quyết định về chính sách vừa qua, để nhìn vào những quyết định về nhân sự, có tính lâu dài hơn nhiều.
Trong những ngày tháng gần sát ngày bầu cử đầu tháng Mười Một, và trong những ngày sau đó, TT Obama đã lấy một số quyết định nhân sự quan trọng, với những hệ quả lâu dài rất có ý nghĩa.
Trong tứ trụ triều đình thì ba người quan trọng nhất đã ra đi:
- Quân sư David Axelrod ra đi, chính thức là để về chuẩn bị cho cuộc tái tranh cử năm 2012 của TT Obama. Điều này tương đối dễ hiểu. Ông này là chuyên gia về tranh cử, làm quân sư về chính sách trị quốc dường như không thích hợp lắm. Theo nhận xét chung, những thất bại trong hai năm qua của TT Obama phần lớn đều do quân sư xúi dại.
- Chánh Văn Phòng Rahm Emanuel ra đi, chính thức là để ra tranh cử chức Thị Trưởng Chicago. Điều này nghe không ổn cho lắm. Có thể ông Emanuel thích làm “cá lớn trong ao Chicago” hơn là làm “cá nhỏ trong đại dương Hoa Thịnh Đốn”, nhưng ai cũng biết chức Chánh Văn Phòng Tổng Thống uy quyền hơn nhiều, có thể nói còn uy quyền hơn cả phó tổng thống nữa. Có nhiều tin ông Emanuel tính tình cứng rắn, đụng chạm lung tung. Bình thường khi thành công thì mọi người đều vui vẻ, xuề xòa với nhau, nhưng khi thất bại thì dễ gây gỗ, xỉa tay đổ lỗi, người càng cứng rắn thì càng đụng chạm mạnh. Cuộc bầu cử tháng Mười Một đã là bằng chứng hai năm đầu chấp chánh của tổng thống có vẻ không thành công. Trách nhiệm lớn nhất là từ tổng thống, sau đó đến ông Chánh Văn Phòng. Sau khi thất bại, mọi ngón tay đều xỉa vào ông này và với tính tình của ông, ông đã … xỉa lại. Chỉ còn một giải pháp là ra đi.
- Phát ngôn viên Robert Gibbs là người vừa mới thông báo sẽ ra đi. Ông này là tâm phúc lâu năm của tổng thống, nhưng xếp hạng chót trong tứ trụ. Ông đòi được nâng lên hàng cố vấn, nhưng bị bà cố vấn Valerie Jarrett phản đối. Ông Gibbs cũng là tiếng nói, cái mặt của chính quyền Obama, do đó, nếu tổng thống muốn đổi bài ca, đổi bộ mặt thì bắt buộc ông này phải ra đi.
Trong tứ trụ, chỉ còn lại bà Valerie Jarrett, cố vấn về những vấn đề quan hệ với quần chúng (Public Engagement, ai muốn hiểu sao thì hiểu). Bà Jarrett là bạn cố tri của tổng thống, cũng là người được TT Obama coi trọng nhất. Nghe nói bà này thật ra chẳng phải là chuyên gia lỗi lạc gì, mà chỉ có một trách nhiệm duy nhất mà bà thi hành rất tích cực là bảo vệ tổng thống. Bà đã từng công khai đụng chạm với cả ba vị trong tứ trụ nói trên về những chuyện mà bà cho là có hại cho tổng thống, bất chấp các điểm lợi hại khác cho đảng Dân Chủ hay cho cả nước.
Điều đáng lưu ý nữa là ngoài tứ trụ triều đình ra, thay đổi nhân sự còn được thực hiện ở nhiều nơi khác, toàn là cấp thượng tầng, trong đó có toàn bộ nhóm tham mưu kinh tế (Tổng Giám Đốc Ngân Sách Peter Orszag, Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế Larry Summers, Chủ Tịch Hội Đồng Kinh Tế Christina Romer, Cố Vấn Đặc Biệt Paul Volker). Một sự nhìn nhận rõ ràng là chính sách kinh tế trong hai năm qua đã là một thất bại khổng lồ.
Các quyết định thay đổi nhân sự đến một cách dồn dập, trong một thời gian rất ngắn chỉ có vài ba tháng, và sau hai năm cầm quyền. Thông thường, sau hai năm chấp chánh, các tổng thống Mỹ hay thay đổi nhân sự, nhưng có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử cận đại Mỹ, lại có chuyện thay đổi những nhân vật trụ cột một cách nhanh chóng và sâu đậm như vậy.
Một nhà báo Anh nhận định Obama là người lãnh đạo lạnh lùng nhất, “ít tình cảm nhất” (the most unsentimental), hoàn toàn trái với TT Bush là người bị coi như quá nhiều tình cảm. Chẳng hạn như phải mất đến ba năm TT Bush mới quyết định thay thế Bộ Trưởng Quốc Phòng Don Rumsfeld trong khi ông này bị chống đối từ mọi phiá vì bị coi như người có trách nhiệm lớn nhất trong những khó khăn tại Iraq và Afghanistan. Quan niệm của TT Bush là những thất bại là thất bại của tổng thống chứ không phải thất bại của nhân viên thừa hành, do đó thay đổi là phải thay đổi sách lược và hành động từ tổng thống chứ không phải thay đổi bằng cách sa thải nhân viên thuộc cấp. Hiển nhiên là TT Obama không chia xẻ cách suy nghĩ này.
Nhìn dưới khía cạnh khác, thì người ta có thể nói là TT Obama đã chứng minh là người ít kinh nghiệm nhất khi nhậm chức. Bổ nhiệm lung tung để rồi hai năm sau phải thay đổi sâu đậm hàng loạt.
Những bổ nhiệm ban đầu hiển nhiên gồm phần lớn là những khuôn mặt mới, điển hình là trước đây, chưa ai nghe nói đến tên các tứ trụ triều đình bao giờ. Những nhân vật mới được đưa ra để thực hành chiêu bài tranh cử “Thay Đổi”. Nhưng rồi TT Obama mau mắn khám phá ra rằng đưa chiêu bài để ra tranh cử thì dễ, làm được hay không lại là chuyện khác. Những nhân vật mới này đã nhanh chóng chứng minh họ đều yếu kém, về kinh nghiệm cũng như khả năng, đưa đến thất bại cho tổng thống. Khiến tổng thống phải “thay đổi” nữa: trở về với quá khứ. Tức là trở về với nhân sự của chính quyền Clinton.

Thật ra, nội các Obama trước đây đã đầy rẫy những nhân vật của nội các Clinton như bà Hillary, Chánh Văn Phòng Emanuel, Cố Vấn Kinh Tế Larry Summers, Giám Đốc CIA Leon Panetta, Bộ Trưởng Tư Pháp Eric Holder, … Nhưng bây giờ một vài người ra đi, chỉ để TT Obama có thể thay thế bằng những người còn thân cận với Clinton hơn nữa. Như ông Gene Sperling thay thế ông Summers, và ông William Daley thay thế ông Emanuel. Chưa kể thêm ông Jack Lew thay thế ông Orszag trong trách nhiệm Giám Đốc Ngân Sách. Ông Lew trước đây là Giám Đốc Ngân Sách cho Clinton, bây giờ trở về chức cũ.
Ông Sperling trước đây đã làm Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế cho TT Clinton, bây giờ coi như cũng trở về việc cũ.
Ông Daley trước đây là Bộ Trưởng Thương Mại của TT Clinton, bây giờ làm Chánh Văn Phòng.
TT Obama khi còn tranh cử, đã lớn tiếng chỉ trích guồng máy chính trị cổ điển của Hoa Thịnh Đốn, và hứa hẹn “thay đổi” không khí làm việc đó. Nhìn vào nội các của TT Obama, không ai có thể nói đã có “thay đổi” gì hết. Dù vậy, việc bổ nhiệm ông Daley vẫn có thể coi như là một trong những thất hứa lớn nhất của Obama. Ông Daley này chẳng những là cựu chính khách lão làng trong guồng máy chính trị Hoa Thịnh Đốn, mà cũng còn là một trong những đại tài phiệt của Wall Street, đồng thời là nhân vật trụ cột trong triều đại Daley đã xưng hùng xưng bá tại Chicago từ hơn nửa thế kỷ qua.
Ông Daley hiện nay là Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Hành (Chairman Executive Committee) của đại tổ hợp ngân hàng JP Chase Morgan, thành viên Hội Đồng Quản Trị của hãng máy bay khổng lồ Boeing, cùng nhiều đại công ty khác. Hai ông anh ruột của ông Daley là Richard M Daley, thị trưởng Chicago từ 1989, và John Daley, thành viên đầy uy quyền của Hội Đồng Quận Hạt Cook (Cook County Board of Commissioners) ở Chicago từ 1992. Cả ba anh em này cũng là con của ông Richard J Daley, thị trưởng khét tiếng của Chicago từ 1953 đến 1976. Trong lịch sử cận đại của thành phố Chicago, tiếng tăm và uy quyền của gia đình Daley còn lớn hơn trùm mafia Al Capone nhiều. Có nhiều tin khẳng định ông Kennedy năm xưa đắc cử tổng thống, thắng PTT Nixon có vài ngàn phiếu tại Chicago, nhờ ông Daley (cha) chỉ thị cho các nghiệp đoàn Chicago gian lận phiếu giúp Kennedy.
Điều quan trọng đáng nói là ông Daley này cũng là thành viên Hội Đồng Quản Trị của Third Way –Con Đường Thứ Ba- là một nhóm nghiên cứu (think tank) của đảng Dân Chủ, với chủ trương ôn hoà, thân thiện với giới kinh doanh. Khi nhậm chức thành viên HĐQT, ông Daley đã tuyên bố “… chúng ta phải nhìn nhận chương trình của phe tả đã không được hậu thuẫn của đa số dân Mỹ, dựa trên sự nhìn nhận này, chúng ta cần phải bẻ lái về một đường hướng ôn hòa hơn”. Ông Daley vừa là người ôn hòa trong chính trị, vừa là một nhà kinh doanh được sự tin tưởng của giới doanh gia, là giới đã hoàn toàn mất tin tưởng vào chính sách cấp tiến cực đoan của TT Obama. Chicago có thể là ổ tham nhũng của Mỹ, nhưng ông Daley này chắc chắn không bị lệ thuộc vào đồng tiền. Ông sẽ lãnh lương 170.000 đô một năm với TT Obama, chưa bằng lương hai tuần của ông với Chase hiện nay, khoảng năm triệu đô một năm.
Nhìn dưới khía cạnh tích cực, ông Daley la một người có đầu óc thực tế, ôn hoà, được tin tưởng của giới chính trị và kinh doanh Hoa Thịnh Đốn. Nhìn dưới khiá cạnh tiêu cực, ông cũng là hình ảnh tiêu biểu của chính khách cổ điển mà TT Obama đã từng đả kích mạnh mẽ khi còn tranh cử. Cố gắng lấy lại niềm tin của giới kinh doanh sau đó cũng được TT Obama củng cố bằng việc bổ nhiệm ông Chủ Tịch Tổng Giám Đốc hãng General Electric làm Cố Vấn Đặc Biệt về Kinh Tế.
Đấng Tiên Tri dường như đã trở về với thực tế, chẳng những chăm chỉ học kinh nghiệm của Clinton, mà còn dùng toàn người của Clinton cho chắc ăn, để hy vọng làm đủ hai nhiệm kỳ. Người chiến thắng lớn và vui mừng nhất hiện nay không ai khác hơn là cựu TT Bill Clinton. Cho dù bà vợ Hillary làm tổng thống, chưa chắc bà đã đi theo con đường Clinton bằng TT Obama. Trái lại, có khi để tránh mang tiếng lệ thuộc chồng, bà sẽ dùng những người mới nhiều hơn.
Một nhà báo đã nhận xét một cách hóm hỉnh: “thay đổi” mà ứng viên Barack Obama hứa hẹn có nghĩa là thay đổi từ Bush trở về Clinton, chứ không phải thay đổi từ Bush qua một cái gì mới lạ thực sự. Dân Mỹ bác bỏ bà Clinton nhưng lại lãnh đủ ông Clinton thứ hai.

***
Trong lúc này, vẫn chưa khẳng định được TT Obama cho thay đổi nhân sự vì nhân sự cũ quá bết bát và cực đoan đã mang họa đến tổng thống, hay tổng thống đang sửa sai nhất thời để lấy lại thăng bằng sau khi bị cơn bão bảo thủ quật ngã, hay vì tổng thống đã quyết định thực sự chuyển hướng theo con đường ôn hòa, trong hai năm tới nên cần sa thải mấy tay phụ tá cấp tiến quá mức. Có khi cả ba lý do đều đúng.
Dù sao, thì cho đến nay, ta thấy chiếc tàu buồm Obama đang “cuốn theo chiều gió”, chiều gió ôn hòa theo mô thức Clinton, cần thiết để đối phó với cơn bão bảo thủ, với hy vọng thoát nạn và thuận buồm xuôi gió sáu năm nữa. (23-01-11)
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ hai, TT Bush thao thao bất tuyệt quảng bá và hô hào “Dân Chủ”.
Không biết người đứng đầu chính phủ CSVN trả lời thế nào về thực tế truyền thông báo chí trong nước
Cổ nhân ta thường khuyên khi ta không tự chế được sự tức giận thì trí  ta sẽ mất khôn và dễ đưa ta đến việc làm  xằng bậy để bị người khinh
Vào tháng trước, sau khi đắn đo trong phiên họp mùng bảy tháng Tám của Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng (FOMC), Hội đồng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ quyết định
Sự việc này tưởng chừng là nhỏ nhưng thật ra không nhỏ chút nào và có thể gây hậu quả lớn vượt ra ngoài tầm kiểm soát và dự kiến của người trong cuộc
Thảm kịch dân oan đang là vấn đề nhức nhối của dân tộc. Chính vì thế, những người dân chủ nên để tâm suy nghĩ về vấn đề này để xác định cho mình
Trong tư cách là Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, ngày 27-8-2007 vừa qua, nhân kỷ niệm 62 năm "cướp chính quyền"
Trăn trở trước hiện trạng các đoàn biểu tình khiếu kiện đông người ngày càng rầm rộ kéo về 110 Cầu Giấy - Hà Nội và trụ sở Văn phòng 2 của Quốc hội
Đao, thương, kiếm, kích, súng đạn...dĩ nhiên là dụng cụ dùng để giết người. Còn ngòi bút của văn nhân, ký giả có thể giết người không"
Mùng sáu vừa qua, trùm khủng bố Al-Qaeda là Osama bin Laden công bố băng hình với các lập luận vừa đe dọa, vừa đả kích, vừa tuyên truyền
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.