Hôm nay,  

Đức Đạt Lai Lạt Ma Và Bắc Kinh

03/12/200700:00:00(Xem: 8662)

...chúng ta đang chứng kiến một cuộc đấu trí giữa Bồ tát và Ma vương...

Trong tuần qua, dư luận thế giới đặc biệt chú ý tới phản ứng giận dữ của Chính quyền Bắc Kinh sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma của dân tộc Tây Tạng nói tới một số đổi thay có thể thực hiện trong tương lai về thủ tục đề cử người lãnh đạo Tây Tạng. Để tìm hiểu về nguyên nhân sâu xa và hậu quả lâu dài về việc này, ban Việt ngữ đã phỏng vấn nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa, một người am hiểu vấn đề và đã trực tiếp nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma. Cuộc phỏng vấn ly kỳ này sẽ do Việt Long thực hiện...

Hỏi: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Trong chương trình đặc biệt hôm nay, chúng tôi muốn phỏng vấn ông về lời tuyên bố mới đây của đức Đạt Lai Lạt Ma về thể thức tuyển chọn người lãnh đạo Tây Tạng trong tương lai, nhưng mà ý kiến của ngài lập tức gặp phản ứng dữ dội của lãnh đạo Trung Quốc. Cho nên câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là ông đã gặp đức Đạt Lai Lạt Ma trong hoàn cảnh nào và có nghe thấy gì về những điều đang gây sôi nổi trong dư luận hay không"

Qua các tiếp xúc với các tăng ni Tây Tạng tại California, và người bạn là một giáo sư Tây Tạng đã từng trực tiếp tử thủ tại kinh đô Lhasa năm 1959, chúng tôi có cơ hội trực tiếp được phỏng vấn đức Đạt Lai Lạt Ma vào tháng Chín năm 2006 khi Ngài thăm viếng và thuyết pháp tại California.

Cuộc phỏng vấn dự trù chừng 10 phút đã kéo dài thành một cuộc mạn đàm 40 phút và kết quả được tường trình trong số báo Xuân năm ngoái. Qua tháng Ba, tôi có được mời qua Dharamsala tại miền Bắc Ấn Độ, là nơi thiết lập Văn phòng của Chính quyền Tây Tạng lưu vong, để ăn Tết và dự Lễ hội Monlam, và có vinh hạnh diện kiến đức Đạt Lai Lạt Ma cùng nhiều vị cao tăng Tây Tạng đang tu tập và quảng bá Phật pháp tại đây. Đây cũng là lúc Ngài hoan hỉ đón nhận số Xuân Việt Báo có phần chủ đề về Tây Tạng và có lời chúc Tết mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã gửi tới Phật tử và người Việt Nam nói chung.

Nhưng mà theo đúng phép "thành thật khai báo" của người làm báo, tôi xin nói ngay rằng tôi là một Phật tử, hiện mỗi tuần đều dự khoá thuyết giảng về Phật pháp trong một tu viện Tây Tạng tại California. Và đang tìm hiểu Phật giáo Tây Tạng một cách đứng đắn, nghiêm túc.

Hỏi: Chúng ta trở lại chủ điểm của vấn đề là lời tuyên bố của đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng như phản ứng của Bắc Kinh về lời tuyên bố ấy, liên quan tới thể thức đề cử hay tuyển chọn người lãnh đạo. Ông có theo dõi chuyện này thì giải thích ra sao"

Tôi thiển nghĩ rằng ta có thể phân biệt hai khía cạnh bị lồng trong cùng một vấn đề và trong bối cảnh của Tây Tạng không có chủ quyền.

Khía cạnh thứ nhất là lãnh đạo tôn giáo, qua một tập quán đã có từ mấy trăm năm nay là một số vị đại sư hay Lạt ma là hóa thân của một vị cao tăng đã viên tịch để hoàn tất hạnh nguyện của mình là giúp cho toàn thể chúng sinh đều giác ngộ. Thủ tục xác nhận vị hoá thân - hay tulku nói theo tiếng Tây Tạng - là một trong những điều kỳ bí đầy hấp dẫn của Phật giáo Tây Tạng.

Khía cạnh thứ hai là việc đề cử người lãnh đạo chính trị của Tây Tạng, tức là vị Quốc trưởng của một quốc gia. Ngay từ khi phải lưu vong ra ngoài, từ Tháng Ba năm 1959, đức Đạt Lai Lạt Ma đã muốn thay đổi hệ thống chính trị đó và có nói đến chuyện này từ năm 1969. Chiều hướng của Ngài là phải canh tân xứ sở theo nguyên tắc dân chủ hơn và Ngài cũng đã đề xướng việc lập ra cơ chế dân chủ để bầu ra một Quốc hội, với nhiệm vụ giám sát hoạt động của Nội các.

Khi nói đến việc thỉnh cầu ý kiến của tín đồ Phật giáo Tây Tạng, ở những nơi mà họ có quyền tự do, tức là tại các nước tiếp giáp với Tây Tạng quanh rặng Hy Mã Lạp Sơn, và cả cộng đồng Tây Tạng lưu vong trên thế giới, để tu chỉnh thể thức tuyển chọn lãnh đạo, đức Đạt Lai Lạt Ma thực ra chỉ khai triển một ý kiến Ngài đã nêu ra từ lâu. Tuy nhiên ý kiến đó cũng là một đề xuất cách mạng vì thay đổi một thể thức đã có từ 650 năm nay, từ năm 1357, với sự ra đời của Tsongkapa, vị Lạt Ma sáng lập ra dòng Gelugpa, hay từ năm 1578, với tước vị Đạt Lai Lạt Ma được thành lập lần đầu tiên.

Hỏi: Thế thì vì sao mà Bắc Kinh lại có phản ứng dữ dội với lời đề nghị này, và - tôi xin trích dẫn lời người phát ngôn của bộ Ngoại giao Trung Quốc - rằng "đức Đạt Lai Lạt Ma đã vi phạm phật pháp và giáo lý của Phật giáo Tây Tạng đã có trong lịch sử""

Phản ứng đó là một sự khôi hài vì một chế độ vô thần lại đả kích một vị lãnh đạo tôn giáo là xúc phạm giáo lý nhà Phật sau khi chính chế độ này chiếm đóng, tàn sát và cầm tù nhiều tăng ni Tây Tạng. 

Tây Tạng hiện bị Trung Quốc cai trị, và vào cuối tháng Bảy vừa qua Bắc Kinh đã ra quyết định là bắt đầu từ ngày một tháng Chín, mọi vị Lạt ma muốn tái sinh để tiếp tục hoằng pháp thì phải xin phép chính quyền Trung Quốc. Đồng thời, Bắc Kinh chứ không phải Giáo hội Công giáo Vatican mới có quyền tấn phong các linh mục. Đây là một quyết định rõ ràng là can thiệp vào quy ước tôn giáo và xúc phạm tín ngưỡng của thiên hạ.

Nói cho dễ hiểu thì một chế độ vô thần và đàn áp tôn giáo lại quyết định rằng mỗi khi các vị đại sư Phật giáo muốn chuyển hộ khẩu từ kiếp này qua kiếp sau là phải xin phép chính quyền trung ương! Khi ấy, lãnh đạo của Bắc Kinh đã coi Phật pháp hay các quy ước truyền thống của Phật giáo Tây Tạng là chiếc dép rách. Bây giờ, họ lại nhân danh đạo pháp và truyền thống Tây Tạng đả kích một đề nghị của đức Đạt Lai Lạt Ma.

Hỏi: Nói như vậy thì mọi chuyện vẫn chỉ là chính trị, vì Bắc Kinh không muốn việc đề cử lãnh đạo Tây Tạng sẽ vuột khỏi tầm kiểm soát của mình"

Không hơn không kém, thưa ông.

Trong hệ thống chính trị Tây Tạng - và tôi xin nhắc lại là chính trị, chứ không phải tôn giáo - thì ngoài đức Đạt Lai Lạt Ma còn có đức Ban Thiền Lạt Ma. Vị cao tăng này đã bị Bắc Kinh khống chế từ lâu - từ khi họ xâm lấn Tây Tạng năm 1950, một năm sau khi Mao Trạch Đông giải phóng Hoa Lục, và hoàn toàn chiếm đóng Tây Tạng năm 1959.

Năm 1989 thì đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10 viên tịch tại Tây Tạng và chư tăng của Phật giáo Tây Tạng đã kín đáo liên lạc với đức Đạt Lai Lạt Ma để theo đúng thủ tục Tây Tạng xác định vị hoá thân của đức Ban Thiền. Thủ tục ấy gồm có sự tìm kiếm và tuyển cử của chư tăng lãnh đạo bốn dòng tu chính của Phật giáo Tây Tạng với sự phê chuẩn sau cùng của đức Đạt Lai Lạt Ma.

Năm 1995, từ bên ngoài, đức Đạt Lai Lạt Ma xác nhận chú bé có tên Tây Tạng là Gedhun Choekyi Nyima do chư tăng tìm ra tại Tây Tạng là hoá thân và là đức Ban Thiền đời thứ 11. Lập tức, vị cao tăng đã tiến hành việc tìm kiếm đó tại Tây Tạng bị bắt giam. Đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11 bị bắt cóc và mất tung tích cho tới ngày nay, dù được Bắc Kinh thông báo là vẫn còn sống.

Thay vào đó, Bắc Kinh đã cho chọn một người khác để khoác áo Ban Thiền Lạt Ma.

Nói cho rõ ràng thì Bắc Kinh đã can thiệp vào việc tuyển chọn các vị Lạt ma nhằm xoá dần ảnh hưởng chính trị của Phật giáo Tây Tạng và bây giờ họ lại phản đối khi đức Đạt Lai Lạt Ma đề nghị là Phật giáo đồ của Phật giáo Tây Tạng tại các nước độc lập như Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Mông Cổ, Nga và trên các quốc gia khác hãy cùng suy nghĩ về một thể thức tuyển chọn người lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng.

Hỏi: Tuy nhiên, vì người lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng cũng mặc nhiên lãnh đạo dân tộc Tây Tạng, cho nên đề nghị của đức Đạt Lai Lạt Ma cũng hàm nghĩa là có thể bãi bỏ quy chế Đạt Lai Lạt Ma, tức là một quyết định rất cách mạng vì thể thức này đã ra đời từ năm 1357, như ông vừa nói. Có phải như vậy không" 

Thật ra, chúng ta có thể hiểu điều ấy rõ ràng hơn nếu mình tách rời hai vấn đề là các vị cao tăng lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng và nhân vật lãnh đạo dân tộc hay xứ sở Tây Tạng. Xưa kia, Tây Tạng có các vị vua cai trị bên cạnh các vị Lạt ma hay các bậc quốc sư, xin tạm gọi như vậy theo kiểu Việt Nam cho dễ hiểu. Và những tranh đoạt chính trị lẫn tranh chấp tôn giáo thực tế có xảy ra trong lịch sử xứ này như tại nhiều xứ khác.

Ngoài ra, nếu ta liên tưởng tới Giáo hội Công giáo La Mã trong bối cảnh lịch sử chính trị của Âu Châu, mình thấy không thiếu gì trường hợp các Hoàng đế hay Vua chúa Âu châu cũng khuynh đảo tòa Thánh hoặc bị Toà thánh Vatican chi phối, kể cả việc tuyển chọn các đức Giáo hoàng.

Hỏi: Bây giờ, đức Đạt Lai Lạt Ma đang lưu vong bên ngoài mới đề nghị Phật giáo đồ cùng cứu xét lại những thủ tục này để xem có nên duy trì hay thay đổi. Chúng ta có thể hiểu như vậy nên cũng hiểu vì sao Bắc Kinh mới giật mình vì bị giảm mất ảnh hưởng.

Nhưng thuần về giáo lý của Phật giáo Tây Tạng, việc đức Đạt Lai Lạt Ma nêu ra ý kiến này cũng là điều đáng chú ý chứ" Là một Phật tử đang học hỏi Phật giáo Tây Tạng, ông nghĩ sao và giải thích thế nào với các thính giả"

Tôi mới chỉ là kẻ sơ cơ nên không thể có câu giải đáp chính thức, tuy nhiên mình có thể thấy ra vài điều sau đây:

Thứ nhất là đức Đạt Lai Lạt Ma hiện đã 72 tuổi và thường nói đến ý nguyện là được làm một tỳ kheo, và rằng Tây Tạng phải có hệ thống lãnh đạo chính trị thích hợp với thời đại mới. Tình trạng sức khoẻ rất tốt đẹp khiến Ngài đã tuyên bố sẽ thọ thêm vài chục chục năm nữa và cũng từng phát biểu nhiều lần rằng trước khi ra đi thì đã chuẩn bị cho việc trở về của mình. Và nếu tái sinh thì Ngài sẽ tái sinh ở bên ngoài lãnh thổ Tây Tạng, để hoàn tất hạnh nguyện của kiếp này cho dân tộc Tây Tạng và để tiếp tục quảng bá Phật pháp trên thế giới.

Nhưng mà từ nay đến đó, dân tộc Tây Tạng vẫn còn đó và phải giải quyết hai mục tiêu là có được quyền tự trị dưới chế độ cai trị của Trung Quốc và có được quyền tự do để bảo vệ văn hoá Tây Tạng và phát huy Phật giáo Tây Tạng. Tôi thiển nghĩ rằng việc đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi giáo dân và tăng chúng trên toàn cầu cùng suy nghĩ và chuẩn bị cho loại vấn đề ấy là một điều bình thường.

Chúng ta hãy tưởng tượng ra bài toán về đạo và đời trong hoàn cảnh bị ngoại xâm của các vị vua Việt Nam đồng thời cũng là những bậc cao tăng như Trần Thái Tông hay Trần Nhân Tông thì mình có thể rõ. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma còn nói ra vài điều khá kỳ lạ với người ở bên ngoài hệ thống Phật giáo Tây Tạng, như có trường hợp mà trước khi mất, nhiều vị đã chọn trước nơi sẽ tái sinh. Hoặc như việc tái sinh ấy không nhất thiết diễn tiến một cách tuần tự là vị này phải viên tịch rồi mới lại tái sinh để tiếp tục hoàn thành hạnh nguyện, mà có thể là một vị khác sẽ đảm nhiệm công trình dang dở ấy.

Thuần về giáo lý, Phật giáo Tây Tạng tin rằng đức Đạt Lai Lạt Ma là một hoá thân của Quán Thế Âm Bồ Tát và đức Ban Thiền Lạt Ma là một hoá thân của Phật A Di Đà. Khi mà ứng hoá thân của đức A Di Đà bị giam giữ và thay vào đó là một người do Bắc Kinh chỉ định và thực sự sai khiến, thì mình có thể nghĩ rộng ra là hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát phải xử trí ra sao trong những năm Ngài còn tại thế" Có khi chúng ta đang chứng kiến một cuộc đấu trí giữa Bồ tát và Ma vương, hoặc nói theo ngôn ngữ của con người, giữa cái Thiện và cái Ác. Kết luận ra sao thì tùy theo đức tin của từng người.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi một biến cố xảy ra mà ngần ấy phe đều thấy mình đúng - và đối phương sai lầm -  người ta tất nhiên phải phân vân về lẽ đúng sai.
Nếu muốn nói về sức mạnh và hiệu quả đấu tranh dân chủ, làm tan băng chánh trị VN, làm sáng sủa con đường đi tới cũng như lẽ đúng sai
Việt Nam đã và đang làm hết sức để cải tiến quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng chỉ mới tám tháng trước
Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam 2007 (DLNQ), đã thông qua Hạ Viện ngày 18/9/2007 với đa số áp đảo 414/3, tố cáo mạnh mẽ CSVN đã vi phạm nhân quyền
Hai cuộc thử nghiệm  lòng  dân cùng xẩy ra một ngày, ở hai lục địa khác nhau nhưng có cùng một bài học về dân chủ  cho đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên các báo mạng ra ngày 27-11-2007, và cả báo truyền khẩu quán cóc vỉa hè, xe ôm, hớt tóc dạo... tất cả đều luân lưu những bản tin
Hội Đồng Giám Sát Quận Cam đã vinh danh ông Nguyễn Nam Lộc vì đã hoạt động liên tục 32 năm qua
Trong dịp ra mắt CD "Lá Rơi Bên Thềm” của Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở Paris, Tuyết Mai được dịp gặp gỡ một số nghệ sĩ tài danh ở đây
Vào giữa tháng 11, 2007, báo chí loan tin: Mới đây, 20.000 công dân của Hiệp hội Những người ăn chay ở Pháp
Tôi đã quan sát sự tương quan giữa nền kinh tế của Việt Nam và vấn đề tham nhũng tại đó trong nhiều năm qua. Chính tôi nhìn thấy nhà nước cộng sản
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.