Hôm nay,  

Lá Phiếu Màu Gì?

26/01/200800:00:00(Xem: 7745)

...Hai ông bà Clinton đang xé đảng Dân chủ...

Cuộc tranh luận của năm ứng cử viên Cộng Hòa tại Florida vào tối Thứ Năm 25 được coi là "nhã nhặn" nhất. Như phép tỷ võ mà cụ Khổng tử đề nghị cho bậc quân tử là thi bắn, họ không bắn vào nhau. Chỉ lâu lâu nhắm vào Nghị sĩ Hillary Clinton bên đảng Dân Chủ, bật một phát ròn tan!

Thật ra, họ chẳng cần phải làm như vậy.

Chỉ vì "bắn vào nhau" đã thành môn võ sở trường của Hillary, với người trợ thủ đắc lực nhất là ông chồng, cựu Tổng thống Bill Clinton. Đây là một thảm kịch cho đảng Dân Chủ.

Nói chung, dư luận thông thường của Hoa Kỳ vẫn tin vào một huyền thoại - chuyện chẳng có mà cứ được lưu truyền. Thí dụ như đảng Cộng Hoà là đảng của dân nhà giàu, bọn tài phiệt. Còn đảng Dân Chủ là đảng của người nghèo, quần chúng bình dân lao động, hay những thiểu số bị ức hiếp.

Căn cứ trên các thống kê được thông báo, các ứng cử viên Dân Chủ được các đại tổ hợp hay tỷ phú tài phiệt yểm trợ nhiều hơn đảng Cộng Hoà. Hắc ám và kín đáo nhất là các quỹ đầu tư đối xung - các hedge funds - đầy tiền bạc và thế lực đã yểm trợ bên Dân Chủ nhiều gấp bốn bên Cộng Hoà. Mà chuyện ấy thực ra cũng chẳng quan trọng.

Đã gọi là đầu tư thì đầu tư từ đâu vào đâu cũng được, miễn là có lời.

Chuyện đáng nói là xưa nay đảng Dân Chủ vẫn tự xưng, hoặc được ngợi ca là chính đảng đặc biệt quan tâm và tranh đấu cho dân thiểu số. Tổng thống Bill Clinton ngày xưa còn được một nữ sĩ da đen phong cho danh hiệu "Tổng thống da đen đầu tiên" - hoặc dịch cho sát hơn, Tổng thống đầu tiên của người da đen.

Bây giờ, ông Tổng thống ấy đang làm dân da đen thất vọng!

Bay bổng trên huyền thoại là mình ưu lo cho dân thiểu số, điển hình là phụ nữ và da đen, năm nay, đảng Dân Chủ có cả hai trong số ứng cử viên sáng giá nhất. Nghị sĩ Hillary Clinton của New York và Nghị sĩ Barack Obama của Illinois.

Thế rồi, đang cưỡi trên đầu sóng để lừng lững đi lên đại diện cho đảng, Hillary bỗng bị sóng vật tại Iowa. Barack Obama thắng lớn trong một tiểu bang đa số da trắng. Biến cố ấy làm đảo lộn mọi chuyện. Bộ máy tranh cử của Hillary Clinton bèn cho thấy một đặc tính rất Hillary - dữ dội và tàn độc. Họ tấn công Obama không thương tiếc. Và còn có sự tham gia của một "con chó dữ" - xin dịch nguyên con, attack dog - là Bill Clinton.

Như một Triệu Tử Long, ông Clinton tả xung hữu đột và không để xót một mũi tên nào mà không nhắm vào Obama. Còn Hillary thì lạnh như tiền, đốp chát thẳng thừng trong cuộc tranh luận hôm Thứ Hai 21. Từ đó, Hillary và Obama coi như không đội trời chung nên chẳng thể đứng chung liên danh để hốt phiếu của cả phụ nữ (ưu thế Hillary) và người da đen (ưu thế Obama). Hiệu ứng Clinton - ảnh hưởng của ông Clinton - tại Nevada còn làm dân Latino có thêm ác cảm với người da đen! Ba nhóm thiểu số nay bị tách làm hai.

Nhân vật thứ ba, lẹt đẹt đi sau Hillary và Obama là Luật sư triệu phú John Edwards thì nhất quyết không chịu bước ra với cái đèn đỏ. Ông vẫn xứ xấn tới, và mặc nhiên chia bớt phiếu của Obama, tức là làm lợi cho Hillary. Làm sao cử tri da đen không thất vọng"

Chúng ta đang chứng kiến trước mắt, ngay trong tuần này, một thảm kịch của đảng Dân Chủ.

Là một đảng thiên tả - theo định nghĩa là quan tâm tới công bằng xã hội nhiều hơn là phát triển kinh tế - đảng Dân Chủ đã đi tiên phong trong việc tranh đấu cho dân quyền - trong đó có quyền bình đẳng của thiểu số da màu. Người ta quý trọng đảng này vì lý tưởng ấy. Nhưng, khi đảng Dân Chủ đã thành công trong mục tiêu bình đẳng ấy tới độ có một Nghị sĩ da đen lần đầu ra ứng cử Tổng thống với rất nhiều hy vọng thì phản ứng từ gia đình Clinton - tức là ông bà Clinton - và ban tham mưu tranh cử của họ đã mở ra một lý luận khác đầy tai họa cho đảng.

Lý luận ấy có thể được tóm lược như sau: người da đen sở dĩ có được bình quyền thì cũng là nhờ sự đấu tranh của các lãnh tụ cấp tiến da trắng. Những ai biết ơn họ thì nên bỏ phiếu cho Hillary Clinton - hơn là cho Barack Obama. Nói cho rõ hơn theo kiểu ơn đền oán trả thì bỏ phiếu cho Obama là vô ơn!

Ngày xưa, khi còn chế độ thuộc địa, không thiếu gì người da trắng tự xưng là tiến bộ đã tranh đấu để đòi "giải phóng thuộc địa". Nhưng khi có cơ hội cầm quyền thì họ chủ trương tiếp là sẽ đem lại hạnh phúc cho các xứ thuộc địa bằng sự lãnh đạo của họ. Lập trường của các đảng Xã hội hay Cộng sản Pháp đối với Đông Dương là những gì mà người Việt không thể quên được.

Trong tiềm thức, họ vẫn là những kẻ tự nghĩ là mình đứng trên để khai hoá kẻ đứng dưới.

Dễ hiểu hơn thì đó là tinh thần kỳ thị nhuốm mùi miệt thị. Nhiều người Mỹ trắng năm xưa đã từng cứu giúp hay bảo trợ thuyền nhân có khi nay lại không vui khi con cháy thuyền nhân hay dân tỵ nạn lại thành công hơn con cháu họ. Phản ứng tâm lý ấy không phải là không có!

Năm ngoái, Hillary cũng cho thấy đặc tính ấy trong tiềm thức khi đả kích Tổng thống Bush là hành xử như trong các đồn điền khi còn chế độ nô lệ của người da đen. Lúc đó, dư luận chưa chú ý lắm đến tâm lý kỳ lạ của ứng cử viên này. Barack Obama làm nổi bật khía cạnh đó khi chặn sóng Hillary ngay trên cao trào tại Iowa làm bà nổi giận mất khôn!

Chúng ta sẽ còn thấy ra sự thể ấy. Tuần này, khi Hillary Clinton và ông chồng cố nhường đất South Carolina cho Barack Obama thắng lớn, họ thầm muốn cử tri khắp nơi ý thức được một điều, rằng Obama là ứng viên da đen của người da đen. Chỉ vì South Carolina có phân nửa là cử tri da đen. Họ thầm mong là cử tri ở các tiểu bang khác sẽ tự rút lấy kết luận! Giả thuyết bi quan trên bài "Da Trắng Vỗ Bì Bạch" của cột báo này, số ra ngày Thứ Ba mùng tám tháng Giêng, đã thành hiện thực!

Một tính toán cực kỳ ngôn khoan - mà quá ác. Ác cho dân da đen, hay da màu nói chung. Và nhất là ác cho đảng Dân Chủ.

Hillary Clinton chiếm đa số phiếu của phụ nữ, dân thiểu số da màu - ngoài da đen và chủ yếu là dân Latino - thành phần lao động, bình dân, nói chung là khối cử tri truyền thống của đảng Dân Chủ. Obama thì chiếm đa số phiếu của dân da đen, giới trẻ và thành phần trí thức hay giới trung lưu - một điểm son của xã hội Hoa Kỳ. Nếu cứ theo thống kê ấy thì giải pháp lý tưởng mà nhiều đảng viên Dân Chủ hoang tưởng đã mơ ước là hai người đứng chung liên danh. Đảng Cộng Hoà hết đất chơi.

Họ không ngờ được "hiệu ứng Clinton".

Hiệu ứng đó khiến dân Latino thấy mình là thiểu số mà còn bị một nhóm thiểu số khác lấn lướt là dân da đen. Họ sẽ dồn phiếu cho Hillary. Không phải đảng Cộng Hoà mà chính là ông bà Clinton đã đánh đòn ly gián ấy ngay tại Nevada. Hiệu ứng đó cũng khiến lá phiếu của phụ nữ bị xé đôi, theo tuổi tác và mức sống. Và khiến dân da đen nổi giận hoặc tủi thân. Có khi sẽ ở nhà vào ngày bốn tháng 11 này.

Điều tai hại là nếu không có lá phiếu da đen, đảng Dân Chủ khó thắng tại các tiểu bang vùng MidWest và miền Nam. Thiếu lá phiếu Latino, đảng này sẽ khó thắng tại miền Tây.

Truyền thống của đảng Dân Chủ là chủ động giành nhiều quyền lợi hơn cho người thiểu số - phụ nữ và da màu - để tiến tới một xã hội bình đẳng hài hoà, không còn nạn phân biệt đối xử vì màu da hay tính phái. Năm 2008, cuộc tranh cử Tổng thống lại khiến đảng này bị rạn nứt nặng ngay trong khối thiểu số ấy.

Thật ra, trên mệnh giá và ngoài bạc mặt mà nói thì Barack Obama không thể thắng cử được chẳng phải vì màu da của mình. Ông là tay hùng biện mà không có chiều sâu và được thổi lên đầu sóng nhờ những ưu điểm hời hợt ấy. Loại bỏ một đối thủ như vậy thật ra không khó, nhưng Hillary lại chọn phương pháp rủi ro nhất, là đặt mầu da lên thành vấn đề. Một người khôn ngoan và già dặn ở trong cuộc có thể khuyên bà tránh khỏi cái hướng nguy hiểm đó là Bill Clinton thì lại còn nóng giận hơn. Ông lao vào cuộc với nét mặt đỏ dừ, mập phệ dưới mái tóc bạc phơ!

Nhìn ông ta bươn bả tranh cử cho vợ, ta thấy Nghị sĩ John McCaine là người trai trẻ!

Đây là vết thương khó lành của đảng Dân Chủ, cho cuộc tranh cử năm nay, và năm 2012.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm đó, Vân Quỳnh còn rất bé. Cùng với người chị lớn là Quỳnh Giao, ba chị em tên Vân, con gái Dương Thiệu Tước
Tổng cục Thống kê tại Việt Nam vừa cho biết là chỉ số giá tiêu dùng đã tăng gần 2,4% so với tháng 12. Và nếu so với tháng Giêng năm ngoái
Thụy Khuê là môt nhà nghiên cứu và phê bình văn học nổi tiếng. Bà sinh năm Giáp Thân, 1944, tại Hải Hậu, Nam Định
Tưởng niệm 40 năm Tết Mậu Thân trong Giai phẩm Việt Báo Xuân Mậu Tý vừa xuất bản bỗng soi ra nhiều chuyện bất ngờ từ một cuốn phim đã bị lãng quên
Tại Saigon sau tháng Tư 1975, sách vở miền Nam bị đốt, nhà văn miền Nam bị cầm tù.  Riêng “Giải Khăn Sô Cho Huế” cuốn sách viết về Huế Mậu Thân
Bốn mươi năm đúng đã trôi qua, kể từ biến cố đau thương Tết Mậu Thân 1968. Quãng thời gian gần nửa thế kỷ, đủ dài cho mấy thế hệ dã lớn lên
Nhà thơ Vương Đức Lệ đã ra đi vào lúc 13:50 trưa  ngày  20 Tháng Giêng 2008 tại Virginia
Trước và sau Đại hội X đảng Cộng sản (CS), tin tức thật là ồn ào về vụ PMU 18 và chuyện các cô gái Việt trưng hàng tại Saigon hay được rao bán công khai
Mỗi khi năm hết Tết đến, ai cũng có cảm tưởng: Thời gian đi mau quá! Mới hôm nào đây còn nghe tiếng súng nổ vang trời trong dịp Tết Mậu Thân 1968
Biến cố tết Mậu Thân sắp được hầu hết toàn thể dân tộc VN, đặc biệt nhân dân miền Nam, kỷ niệm lần thứ 40 với trái tim vẫn còn rỉ máu
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.