Hôm nay,  

Một Tổng Thống “mới”?

14/12/201000:00:00(Xem: 13371)

Một Tổng Thống “Mới”"

Vũ Linh

...quyết định rất… “chính trị”, là câu giờ, không quyết định gì cho đến sau bầu cử...
Một tháng sau khi cuộc bầu cử giữa mùa tháng 11 vừa qua đưa đến chiến thắng lớn cho đảng Cộng Hòa, TT Obama đã “nghe” được tiếng nói của đa số dân Mỹ, và bắt đầu chuyển hướng. Ông bắt tay hợp tác với đối lập một cách thực tế hơn, chấm dứt sách lược “được làm vua” của hai năm đầu của ông.
Chúng ta còn nhớ trong hai năm đó, TT Obama tung ra được ba bộ luật có thể nói là theo khuynh hướng cấp tiến cực đoan (luật kích cầu kinh tế, luật cải tổ y tế, và luật cải tổ tài chánh). Trong cả ba trường hợp, ông đều tỏ thái độ bất chấp đối lập, không cần phiếu nào của Cộng Hòa. Kết quả hiển nhiên là ông thành công thông qua được ba bộ luật nhờ thế đa số tuyệt đối của đảng Dân Chủ. Nhưng sự thành công đó có cái giá khá đắt là đảng Dân Chủ mất đa số tại Hạ Viện, chỉ còn nắm được thế đa số rất lỏng lẻo tại Thượng Viện, trong khi chính cái ghế tổng thống cũng bị lung lay mạnh.
Dân Mỹ đã gửi một thông điệp hết sức rõ ràng cho TT Obama: chúng tôi bầu cho ông vì những hứa hẹn thay đổi, nhưng những thay đổi mà tổng thống ban hành trong hai năm qua đã đi quá xa, xa hơn những gì chúng tôi mong đợi quá nhiều. Bây giờ chúng tôi muốn trao quyền kiểm soát quốc hội cho đảng đối lập để họ có thể ngăn chận hay làm chậm đi chính sách quá cấp tiến, quá đắt giá, và quá phiêu lưu của tổng thống.
Ở đây ta cũng nên ôn lại lịch sử.
Năm 1992, TT Clinton đắc cử và trong hai năm đầu cũng rất hung hãn tung ra chính sách cấp tiến, đặc biệt là trao cho Đệ Nhất Phu Nhân Hillary quyền cải tổ y tế quy mô. Dù kế hoạch này thất bại hoàn toàn, nhưng người dân Mỹ cũng đã nhận ra  chủ trương cấp tiến cực đoan mà họ không sẵn sàng chấp nhận. Để rồi hai năm sau, 1994, họ trao quyền kiểm soát quốc hội cho phe đối lập Cộng Hòa. TT Clinton mau mắn thay đổi đường hướng, rẽ sang phiá hữu, tự tách mình ra khỏi vòng kiểm tỏa của khối cấp tiến cực đoan trong đảng Dân Chủ, bắt tay với Cộng Hòa. Dự luật cải tổ y tế không được nhắc đến nữa. Trong khi tổng thống lại cải tổ chế độ trợ cấp thất nghiệp theo đòi hỏi của khối bảo thủ Cộng Hòa, và công khai tuyên bố “thời đại của Nhà Nước bao quát đã chấm dứt”. Sách lược “ba chân vạc” – tổng thống, Dân Chủ, Cộng Hòa - được áp dụng, đưa đến sự tái đắc cử của ông năm 1996, bất chấp xì-căng-đan ăn vụng lăng nhăng với cô Monica.
Ngay bây giờ thì còn hơi quá sớm để có thể khẳng định TT Obama sẽ đi theo lộ trình Clinton, mặc dù cựu TT Clinton được đánh bóng và đưa ra công chúng cùng hiện diện với TT Obama để cổ võ cho quyết định thỏa hiệp thuế của TT Obama. Dù sao thì chúng ta cũng đã thấy một chuyển hướng quan trọng.
Đầu tháng Chạp vừa qua, TT Obama đã mau mắn đi đến thoả hiệp với khối Cộng Hòa về vấn đề gia hạn luật giảm thuế do TT Bush ban hành năm 2003. Mặc dù nhiệm kỳ quốc hội mới sẽ chỉ bắt đầu cuối Tháng Giêng năm tới, nhưng tổng thống đã làm việc chặt chẽ với khối thiểu số Cộng Hòa đương nhiệm, hoàn toàn khác với thái độ có tính phách lối “đường ta ta cứ đi” trước đây.
Luật giảm thuế do TT Bush ban hành không có tính cách vĩnh viễn, mà chỉ có hiệu lực đến cuối năm nay. Nếu không gia hạn thì sẽ tự động hết hiệu lực, có nghĩa là thuế suất của tất cả mọi tầng lớp quần chúng sẽ trở về lại mức dưới chế độ Clinton, tức là gia tăng đồng loạt.
Tất cả mọi người, từ các chính khách của cả hai đảng, cũng như tất cả các chuyên gia kinh tế, đều đồng ý trong tình trạng kinh tế bết bát và thất nghiệp cao hiện nay, để mức thuế gia tăng sẽ rất tai hại, sẽ kéo dài tình trạng trì trệ kinh tế và không giải quyết nạn thất nghiệp. Tin tức mới nhất trong tháng 11 vừa qua cho biết sau gần hai năm kích cầu kinh tế - stimulus - tỷ lệ thất nghiệp chẳng giảm mà lại tăng lên mức 9,8%. Do đó luật giảm thuế cần phải được gia hạn. Nhưng sự thỏa thuận chỉ đến mức tổng quát này thôi. Đi vào chi tiết thì khác biệt nẩy sinh ra ngay.
Phe cấp tiến Dân Chủ và TT Obama chủ trương chỉ gia hạn giảm thuế cho giới trung lưu với lợi tức dưới 200.000 Mỹ kim một năm, và những người có lợi tức cao hơn sẽ không được hưởng chính sách giảm thuế nữa, thuế suất của họ sẽ tăng mạnh. Phe bảo thủ Cộng Hòa chủ trương những người lợi tức cao này chính là những thành phần có tiền đầu tư để tạo công ăn việc làm, giúp phục hồi kinh tế, nên không thể tăng thuế họ trong tình trạng hiện tại, do đó luật giảm thuế của TT Bush phải được gia hạn toàn diện cho tất cả mọi mức lợi tức.
Phe chống đối cũng đưa ra một lập luận khá mạnh, cho rằng tiếp tục gia hạn thuế xuất thấp cho các “triệu phú” sẽ tốn của ngân sách 800-900 triệu một năm trong khi ngân sách đang bị thâm thủng nặng. Nhưng lập luận này quên mất hai chuyện. Chuyện thứ nhất là chẳng có gì bảo đảm tăng thuế xuất sẽ thu được thêm cả ngàn tỷ thuế của mấy tay cự phú với hàng ngàn chuyên gia thuế vụ sẵn sàng chỉ dẫn cả ngàn cách trốn thuế. Chuyện thứ hai là cách tính này đã không tính đến kết quả kinh tế của các đầu tư mà các cự phú này sẽ bỏ ra, giúp phục hồi kinh tế và tạo công ăn việc làm.


Cuộc tranh cãi lên đến cao điểm hai tháng trước ngày bầu cử, và các vị dân cử lúc đó đã lấy quyết định rất… “chính trị”, là câu giờ, không quyết định gì cho đến sau bầu cử. Trước ngày bầu cử chẳng có chính khách nào dại dột muốn bàn chuyện tăng thuế hết. Sau ngày bầu cử, với khối bảo thủ Cộng Hòa chiến thắng thì vấn đề sẽ rõ ràng và giản dị hơn nhiều. Phe Cộng Hoà có thể dựa trên chiến thắng của mình là “ý dân” để quyết định gia hạn luật giảm thuế, trong khi phe Dân Chủ cũng có thể sau này bán cái, dùng chiêu bài “Cộng Hòa giảm thuế cho triệu phú” để đánh Cộng Hòa.
Trên căn bản, TT Obama đã đồng ý với khối Cộng Hòa, gia hạn thêm hai năm nữa toàn bộ luật giảm thuế cho tất cả mọi tầng lớp lợi tức. Bù lại, phe Cộng Hòa cũng nhân nhượng phần nào khi chấp nhận ý kiến của TT Obama triển hạn trợ cấp thất nghiệp thêm 13 tháng nữa, đồng thời tiếp tục cho khấu trừ 400 đô thuế cho mỗi người đi làm việc trở lại.
Mặc dù có sự nhân nhượng của phe Cộng Hòa, nhưng không ai chối cãi được nhân nhượng của TT Obama quan trọng hơn nhiều khi ông chấp nhận duy trì mức thuế thấp cho giới “nhà giàu”, trái với một trong những lời hứa quan trọng nhất của ông khi còn tranh cử. Nhận định về thoả hiệp, TT Obama tuyên bố ông tin chắc chắn sẽ có người không thỏa mãn với dự luật mới, nhưng lúc này không thể là lúc chơi trò chính trị khi cả nước đang cần giải quyết vấn đề kinh tế trì trệ và thất nghiệp nặng. Nói cách khác, TT Obama cuối cùng đã phải nhìn nhận tăng thuế “nhà giàu” sẽ không phải là giải pháp cho những khó khăn kinh tế hiện tại.
Các cơ quan truyền thông dự đoán phần lớn các dân cử Dân Chủ sẽ bỏ phiếu chống khi dự luật được mang ra biểu quyết, và ngay Tòa Bạch Ốc cũng ngấm ngầm khuyến khích càng nhiều dân cử Dân Chủ chống càng tốt, miễn sao dự luật vẫn được thông qua, với mục đích sau này dễ dàng “ăn nói” hơn. Nếu đến ngày bầu cừ năm 2012, kinh tế phục hồi, thất nghiệp giảm thì sẽ có cơ hội khoe thành tích sáng suốt của TT Obama và đảng Dân Chủ. Nếu ngược lại, kinh tế vẫn bết bát thì có cơ hội đổ thừa Cộng Hòa ép tổng thống phải thi hành một chính sách sai lầm.
Quan điểm mới của TT Obama không được phe cấp tiến cực đoan ủng hộ. Trái lại khối này đã lớn tiếng chỉ trích sự “yếu đuối” của tổng thống, khiến ông phải phân bua giải thích không ngừng để duy trì hậu thuẫn nền tảng của ông. 
Thật ra, không phải là vấn đề tổng thống yếu đuối hay không mà là thực tế chính trị mới. Tình trạng đảng Dân Chủ độc bá võ lâm bị dân Mỹ chấm dứt khi họ bỏ phiếu cho Cộng Hòa, đưa đến chuyện đảng này chiếm được thêm 63 ghế tại Hạ Viện, 6 ghế tại Thượng Viện, và 5 ghế thống đốc tiểu bang. Những vị dân cử mới được bầu chưa nhậm chức cho đến đầu tháng Giêng, do đó trên nguyên tắc, TT Obama có thể cứ để cho luật giảm thuế của TT Bush hết hiệu lực, rồi qua năm mới, “đánh nhau” với đa số Cộng Hòa trong Hạ Viện mới. Nhưng như vậy thì quan hệ giữa tổng thống và lập pháp Cộng Hòa sẽ cực kỳ xấu cho hai năm tới, có thể đưa đến khủng hoảng chính trị liên tục. TT Obama muốn tỏ thiện chí ngay từ bây giờ để giúp thiết lập một quan hệ tốt trong tương lai, giúp lấy lại được hậu thuẫn của đa số quần chúng Mỹ trong kỳ bầu tổng thống năm 2012. TT Obama chỉ có một cái khung hai năm để tự điều chỉnh, lấy lại uy tín và hậu thuẫn sau kỳ thua đậm vừa rồi.
Nhìn dưới góc độ này, quyết định của TT Obama đáng hoan nghênh, chắc chắn sẽ được khối độc lập không theo đảng nào ủng hộ, và tương lai chính trị của ông sáng sủa thêm nhiều. Cho dù khối cấp tiến cực đoan bất mãn, cuối cùng thì họ cũng sẽ phải chấp nhận, chứ chẳng lẽ lại quay qua ủng hộ phe bảo thủ Cộng Hòa, hay một nhân vật Dân Chủ khác tạo chia rẽ trong nội bộ đảng"
Thỏa hiệp gia hạn luật giảm thuế trên căn bản không có ảnh hưởng đặc biệt gì với khối tỵ nạn chúng ta, vì đại đa số chúng ta nằm trong khối được cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ cho tiếp tục được hưởng thuế suất thấp. Nhưng quyết định thỏa hiệp của TT Obama đáng chú ý vì nó có thể đánh dấu bước đầu của một chuyển hướng của TT Obama từ cấp tiến cực đoan đến tương đối ôn hòa hơn vì nhu cầu sinh tồn chính trị, tức là nhu cầu tái đắc cử khi ông ra tranh cử trở lại vào năm 2012.
Và dưới khía cạnh này thì sự thoả hiệp lại cho chúng ta một cảm giác “an toàn” hơn. An toàn hơn hiểu theo nghĩa sẽ không còn - hay bớt đi - những kế hoạch cực đoan vĩ đại tốn kém hàng ngàn tỷ mà chúng ta cũng như các thế hệ con cháu chúng ta sẽ cong lưng ra trả. Hy vọng sự chuyển hướng này không là một chiến thuật nhất thời, mà sẽ phản ánh một thay đổi cơ bản về sách lược trị quốc, bớt thiên tả cực đoan hơn.
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.