Hôm nay,  

Tỷ Giá Đồng Nguyên - Vấn Đề Của Đông Á

18/11/200900:00:00(Xem: 8490)

Tỷ Giá Đồng Nguyên - Vấn đề của Đông Á
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long RFA

...khi đô la Mỹ lên hay xuống giá thì đồng Nguyên chuyển dịch theo...
Trong chuyến công du Trung Quốc và sau cuộc họp báo bên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hôm Thứ Ba 17, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố là ông rất vui khi thấy Trung Quốc hẹn sẽ áp dụng một chính sách ngoại hối thích hợp hơn với quy tắc thị trường. Lời tuyên bố khiến các nước Đông Á hy vọng Bắc Kinh sẽ sớm điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ cho sát hơn với quy luật cung cầu để khỏi gây thiệt hại cho kinh tế Đông Á... Nhưng vì sao tỷ giá đồng bạc Trung Quốc lại là mối quan tâm của Mỹ và các nước Đông Á" Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trong chương trình chuyên đề do Việt Long thực hiện sau đây.
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang chính thức thăm viếng Trung Quốc và, trong cuộc họp báo hôm Thứ Ba tại Bắc Kinh cùng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông Obama trình bày sơ khởi kết quả của hai lần gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc. Trong một chuỗi rất dài các vấn đề được hai vị nguyên thủ đề cập, có một chi tiết gây chú ý là việc Tổng thống Mỹ nói đến chính sách ngoại hối của Trung Quốc. Do đó, tiết mục chuyên đề tuần này xin yêu cầu ông trình bày cho thính giả hiểu rõ hồ sơ ấy.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Về chi tiết mà Tổng thống Hoa Kỳ đề cập tới, rằng ông vui mừng với lời hứa hẹn của Trung Quốc là sẽ áp dụng một chính sách ngoại hối phù hợp hơn với quy luật thị trường, tôi xin được trình bày trước về bối cảnh của vấn đề. Sau đó ta mới tìm hiểu xem vấn đề ấy là gì, cho ai và làm sao giải quyết.
- Trước hết, Trung Quốc áp dụng chính sách ngoại hối cố định, là neo giá đồng Nguyên của họ, cũng gọi là đồng Nhân dân tệ, vào đồng Mỹ kim của Hoa Kỳ theo một tỷ giá nhất định. Cụ thể là khi đô la Mỹ lên hay xuống giá thì đồng Nguyên chuyển dịch theo, trong một biên độ nhất định và thật ra rất hẹp. Tỷ giá đó được Ngân hàng Trung ương của Bắc Kinh ấn định khá thấp và khi Mỹ kim sụt giá như ta đang thấy từ đầu năm, đồng Nguyên sụt theo, khiến hàng hóa Trung Quốc giảm giá và dễ bán hơn.
- Nhưng, khi Mỹ kim sụt giá thì các đồng bạc Đông Á ngoài Trung Quốc lại tăng giá và hàng hóa của họ thành đắt hơn, khó bán hơn. Trong cảnh kinh tế hồi phục chậm và bấp bênh, các nước xuất khẩu Đông Á thấy họ bị thiệt và muốn Hoa Kỳ nêu vấn đề, tức là gây sức ép để Bắc Kinh phải nâng giá đồng Nhân dân tệ của họ. Vì vậy, ta mới có vấn đề tỷ giá đồng Nguyên trong quan hệ tay ba giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước xuất khẩu Đông Á, thí dụ như Thái Lan, Nam Hàn, Singapore và thậm chí cả Ấn Độ...
Việt Long: Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng khía cạnh của vấn đề rắc rối này. Câu hỏi đầu tiên là vì sao tiền Mỹ lại mất giá như vậy" Sở dĩ câu hỏi được nêu ra vì thính giả tại Việt Nam thì đang thấy sức ép rất mạnh khiến đồng bạc Việt Nam có thể phải phá giá so với đồng đô la Mỹ.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khi nói là một đồng bạc bị mất giá thì mình phải xét tiếp xem là mất giá so với cái gì, thí dụ như so với các ngoại tệ khác, với vàng, hoặc với giá thương phẩm, nguyên nhiên vật liệu. Giữa hai nước buôn bán với nhau thì trị giá đồng tiền của họ, là tỷ giá ngoại hối hay hối suất, tùy thuộc vào luồng giao dịch mua bán với nhau. Khi Việt Nam bị nhập siêu nặng, vì nhập nhiều hơn xuất khẩu, đồng bạc của Việt Nam tất nhiên phải sụt giá và sụt giá mạnh so với loại ngoại tệ sử dụng phổ biến nhất để mua bán với bên ngoài, là đồng đô la. Khi Việt Nam định giá đồng bạc với mức giả tạo trên thị trường chính thức thì người ta mua bán đô la trên thị trường tự do, hoặc chợ đen, với tỷ giá trung thực hơn. Hiện tượng ấy làm hao hụt khối dự trữ ngoại tệ trong tay nhà nước và có thể gây khủng hoảng ngoại hối.
- Trong khi ấy, và trở lại giá Mỹ kim trên thế giới, thì đồng đô la Mỹ đã mất giá mạnh so với giá vàng và so với các ngoại tệ lớn trên thế giới thì mất từ 14 đến16% trong vòng năm nay. Riêng với các xứ Đông Á ngoài Trung Quốc, tiền Mỹ mất giá làm đồng bạc của các xứ này lên giá. Như trong sáu tháng qua, đồng Won của Nam Hàn lên giá 8%, đồng Yen Nhật, Rupee Ấn Độ tăng giá 6%, đồng Bath của Thái tăng 4%, nghĩa là hàng hóa các xứ đó lên giá theo cùng mức độ và khó bán hơn. Lý do chính của vụ đô la sụt giá có thể nhìn thấy từ hai góc.
- Thứ nhất, vì khủng hoảng tài chính năm ngoái tại Mỹ bùng nổ giữ cơn suy trầm kinh tế, Ngân hàng Trung ương Mỹ liên tục hạ lãi suất và duy trì lãi suất đó ở số không và ngoài ra còn in bạc bơm ra cả ngàn tỷ Mỹ kim để cấp cứu. Khi tiền quá nhiều và quá rẻ như vậy thì giá trị của nó phải sụt, nếu so với các đồng tiền khác. Hôm Thứ Ba, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ còn tuyên bố rằng vì kinh tế phục hồi chậm với thất nghiệp cao nên Mỹ sẽ duy trì chính sách tiền rẻ và lãi suất hạ khá lâu trong tương lai. Điều ấy càng đánh sụt tiền Mỹ, ít ra trong ngắn hạn.
Việt Long: Ông nói tới hai lý do của nạn đô la mất giá. Lý do thứ nhất là bơm tiền và hạ lãi suất, còn lý do thứ hai là gì"


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Lý do thứ hai là Chính quyền Obama đã tung ra 787 tỷ đô la kích thích kinh tế và tăng chi quá nhiều khiến ngân sách quốc gia bị bội chi rất nặng và rất lâu. Dự án cải tổ y tế đang được thảo luận còn tăng chi thêm ngàn tỷ nữa. Để bù đắp, Chính quyền Mỹ dự trù tăng thuế nhà giầu, nhưng tăng thuế thì sẽ đánh sụt lợi tức, là làm giảm căn bản tính thuế, mà phần tô suất phụ trội sẽ không bù đắp nổi. Hậu quả là trong 10 năm tới, nước Mỹ phải đi vay tiền tới mức kỷ lục để tài trợ thâm hụt ngân sách. Điều ấy mới làm Mỹ kim mất giá nặng và có khi tuột giá rất nhanh trong vài tháng tới, ngay cả trong kịch bản lạc quan là Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể nâng lãi suất kể từ mua Thu năm tới nếu tình hình kinh tế khả quan hơn.
Việt Long: Bây giờ, ta nhìn qua vế bên kia là chính sách ngoại hối của Trung Quốc khi giàng giá đồng bạc của họ vào tiền Mỹ, khiến tiền Mỹ chìm tới đâu thì đồng Nguyên sụt tới đó. Vì sao họ lại áp dụng chính sách này thay vì để đồng bạc lên hay xuống giá theo quy luật cung cầu"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nói chung các nước Đông Á đều định giá đồng bạc của họ căn cứ trên Mỹ kim, nhưng theo một hối suất hay tỷ giá linh động. Sau khi mở cửa giao dịch với bên ngoài, Trung Quốc, và cả Việt Nam, áp dụng chế độ tỷ giá cố định vì nghĩ là điều ấy đảm bảo ổn định giá cả và giúp cho người ta tính toán lời lỗ với cái giá định trước, biết trước. Nhưng, khi thị trường chuyển động, cũng như con nước lên hay xuống, mà dây neo quá ngắn thì có thể ghìm con tầu xuống, hoặc bật đứt dây neo và gây khủng hoảng ngoại hối.
- Vì vậy, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 và đạt xuất siêu lớn, Trung Quốc thấy đồng Nhân dân tệ của họ bị đẩy lên giá trong khi họ lại muốn giữ tỷ giá thấp để càng dễ xuất khẩu hơn. Các nước khác, kể cả Hoa Kỳ, than phiền chính sách ghìm giá đồng Nguyên là cạnh tranh bất chính nên vào tháng Bẩy năm 2005, Bắc Kinh đành nâng giá đồng bạc một cách tiệm tiến, chầm chậm, thay vì duy trì chế độ cố định. Từ đó, đồng Nguyên đã tăng cỡ 21% so với đô la, từ giá 8 đồng 28 xu ăn một đô la lên tới 6,83 đồng là đã đổi được một đô la.
- Nhưng tháng Bảy năm ngoái, khi thấy kinh tế Mỹ suy trầm, Bắc Kinh sợ là xuất khẩu của mình sẽ giảm. Vì vậy, dù lương thực và dầu thô đang lên giá mạnh, họ quyết định giữ tỷ giá 6,83 ấy chứ không điều chỉnh nữa, và giữ nguyên tới bây giờ, mặc dù đang khoe là kinh tế đạt mức tăng trưởng tới 8,9% trong quý ba vừa qua. Đấy là lý do khiến các nước Đông Á muốn Hoa Kỳ gây áp lực để Bắc Kinh phải điều chỉnh hối suất cho sát với tình hình cung cầu của thị trường. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng vừa mới có lời khuyến cáo tương tự.
Việt Long: Bây giờ, Tổng thống Obama tỏ vẻ hài lòng là Bắc Kinh có thể điều chỉnh tỷ giá đồng bạc cho sát với quy luật thị trường hơn, liệu điều ấy có xảy ra không, bao giờ điều chỉnh à điều chỉnh tới mức nào"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta không rõ là trong hai buổi họp, lãnh đạo hai nước có đề cập tới các chi tiết kỹ thuật ấy hay chăng. Riêng tôi thì e là không. Ta nên chú ý là ông Obama nói ra điều ấy chứ ông Hồ Cẩm Đào đứng bên cạnh thì vẫn mặt lạnh như tiền!
- Xét vào chi tiết thì hôm 11 tháng 11, Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh công bố báo cáo về chính sách tiền tệ. Bên trong, ta để ý tới một điều được viết ra là họ sẽ "tùy thời định giá đồng Nhân dân tệ căn cứ trên luồng giao dịch tư bản và sự chuyển động của các loại ngoại tệ mạnh khác". Chi tiết này đáng chú ý vì họ không nói tới khẩu hiệu cố hữu là theo đuổi chính sách ngoại hối ổn định. Các thị trường bèn kết luận là Bắc Kinh bắn tiếng là họ sẽ điều chỉnh đồng Nguyên căn cứ trên tình hình giao dịch của thị trường và có lẽ đó cũng là kết luận của Tổng thống Mỹ. Nhưng với Trung Quốc thì ta nên cẩn thận trừ bì chớ đừng cả tin mà đã vội mừng.
Việt Long: Vì sao ông lại kết luận có vẻ bi quan như vậy"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vì nhiều lý do lắm. Thứ nhất là sau khi Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh bắn tiếng như vậy thì ngay trước khi Tổng thống Mỹ hạ cánh tại Thượng Hải, bộ Thương mại Trung Quốc lại nói ngược và bác bỏ khuyến cáo của các nước. Điều ấy cho thấy bên trong Chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa có sự nhất trí.
- Nếu tìm hiểu kỹ thì lãnh đạo xứ này vẫn sợ động loạn và muốn dùng xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng và tạo ra việc làm, là quan điềm của các tỉnh duyên hải. Ngược lại, nhiều thành phần khác thì cho là đến lúc nâng giá đồng Nguyên để tăng mức tiêu thụ nội địa và giúp các tỉnh nghèo bị khoá trong lục địa. Ngay cả trong giả thuyết lạc quan là có sự thống nhất ý kiến, tôi e là Bắc Kinh vẫn trì hoãn điều chỉnh sau một quyết định có vẻ ngoạn mục ban đầu, và rốt cuộc nếu có tăng giá đồng bạc chừng 6% trong suốt cả năm nữa thì cũng chưa giải quyết được vấn đề.
Việt Long: Nếu như vậy, vì sao trong một danh mục rất dài những đề tài đã được hai bên trao đổi, Tổng thống Mỹ lại nói đến chuyện ngoại hối"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thì ông Obama cũng phải nói đến một hy vọng nào đó có vẻ tích cực chứ chẳng lẽ không có gì sao" Tới Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ kêu gọi tái lập quân bình kinh tế toàn cầu qua việc Mỹ tiêu thụ ít hơn và xuất khẩu nhiều hơn, trong khi Trung Quốc và Đông Á phải tiêu thụ và nhập khẩu nhiều hơn. Nguyên tắc đó đúng mà không vui cho Đông Á đang sợ suy trầm và còn đáng ngại cho Bắc Kinh vì phản ứng bảo hộ mậu dịch rất mạnh của Quốc hội Mỹ hiện nay. Trong khi ấy Mỹ sẽ lại mắc nợ nặng, khi cho Mỹ vay tiền mà đồng bạc mất giá và lấy tiền lời về với lãi suất hạ thì họ cũng không vui. Trong cảnh đó, và chưa kể tới nhiều vấn đề phức tạp khác về an ninh hay môi sinh, ông Obama khó có thế mạnh để gây sức ép ngoại hối với Bắc Kinh, nên đành phải hài lòng với một lời hứa, trong tinh thần ngoại giao chưa có thực chất.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ông Trương Văn Ba, một cư dân tại Hawaii, đã trở về Việt Nam để vận động cho cuộc dân chủ hóa đất nước bằng phương pháp ôn hòa
Đại Lễ Tam Hợp Vesak trong năm 2008 cũng là dịp để một nhà sư học giả Hoa Kỳ đứng giữa lòng Hà Nội
Trong lúc chúng ta đang chuẩn bị chào đón một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc ở đây thì ở quê nhà mình hằng triệu đồng bào vẫn còn chịu đựng cảnh  bức bách
Trung Quốc sau khi đã hiện đại hoá quân sự, đang từng bước chủ trương thực hiện chính sách Đại Hán
Trong cả ngàn năm, nước Việt Nam độc lập vẫn phải khéo léo hành xử với phương Bắc theo phận nhược tiểu. Các phần tử ưu tú của nước ta
Nghe tin và thấy sinh viên biểu tình chống Trung Quốc lòng mừng trong cảm xúc tuổi trẻ ngàn sau đang tiếp nối hùng tâm đảm lược ngàn xưa
Hầu hết những vùng đông dân cư Việt Nam đều có trung tâm sinh hoạt văn hóa, trong khi cộng đồng vùng Hoa Thịnh Đốn
Từ một năm nay, dư luận Đông Á đã theo dõi vụ tranh chấp giữa tập đoàn Danone của Pháp và đối tác liên doanh tại Trung Quốc
Trong khi binh sĩ thuộc Đại Đội Charger đang diễn tập cho một công tác khác tại căn cứ của họ gần Iskanditiyah, phía nam Thủ Đô Baghdad
Nhận được lời mời thuyết trình của anh Huỳnh Quốc Văn, đại diện cho Cộng đồng Người Việt Quốc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.