Hôm nay,  

Tấm Lòng Của Cô Nữ Sinh Lớp 12a-1

12/11/200800:00:00(Xem: 7519)

Tấm lòng của cô nữ sinh lớp 12A-1
Bùi Văn Phú
Năm Lớp 10 tôi học trường Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn. Niên học sau đó, 1971-1972, trường này chỉ dành cho nữ sinh nên tôi chuyển qua trường mới bên Gia Định, học lớp 11B-4 và trở thành học sinh bậc anh cả của trường vì năm đó trường Nguyễn Bá Tòng, Gia Định chưa mở lớp 12.
Niên học đó cũng là năm của Mùa hè Đỏ lửa, khi bộ đội miền Bắc tràn qua sông Bến Hải tấn công nhiều tỉnh phiá Bắc Việt Nam Cộng hoà.
Năm đó có lệnh đôn quân nên một số bạn, sinh năm 1954 hay trước đó, dù đậu Tú tài I cũng vẫn phải nhập ngũ tòng quân. Rớt thì vào Trường Hạ sĩ quan ở Đồng Đế, Nha Trang, đậu thì đi sĩ quan Thủ Đức. Thời đó câu chuyện thi cử đậu rớt đối với học sinh con trai là một một mốc thời gian của những định mệnh, như trong lời thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã được Phạm Duy phổ nhạc: "Ta hỏng tú tài / Ta hụt tình yêu / Thi hỏng mất rồi / Ta đợi ngày đi / Đau lòng ta muốn khóc…"
Chiến tranh gia tăng. Tin chiến sự gửi về thành phố kèm theo những hình ảnh anh hùng. Có "người anh hùng Mũ đỏ tên Đương" hi sinh bảo vệ căn cứ. Có cánh thép Không quân Trần Thế Vinh với thành tích diệt tăng T-54 và đã hi sinh sau nhiều chuyến phi hành vào vùng lửa đạn.
Đại úy Trần Thế Vinh là một đàn anh, một cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn.
Chiến trường sôi động. Nơi sân trường bọn học trò chúng tôi được lệnh theo học quân sự học đường. Thực ra chẳng thấy súng ống gì. Học sinh được đoàn ngũ hoá, chia thành đoàn, đội và được đặt tên. Vài tuần tập dượt xếp hàng cho ngay thẳng, đi những bước như theo nhịp quân hành. Chỉ có thế. Như là những buổi tập thể dục hơn là huấn luyện quân sự.
*
Sau mùa hè 1972 chúng tôi trở lại trường, vẫn với đồng phục áo trắng đóng thùng trong quần xanh. Lên lớp 12 tôi đổi từ ban B qua ban A như nhiều bạn khác. Học gạo môn vạn vật gỡ điểm dễ hơn chứng minh giải tích, rút đạo hàm hay lấy nguyên hàm.
Bạn bè đa số trở lại trường, nhưng cũng có đứa phải lên đường theo nghiệp đao binh. Trong số bạn thân nhất với nhau là Phạm Văn Thiêm, Trịnh Hoàng Long, Nguyễn Văn Lý và Lê Minh Châu thì Châu trong lứa tuổi đôn quân nên đã phải xếp bút nghiên lên đường vào trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Trong thời gian huấn nhục ở Quang Trung, cuối tuần chúng tôi rủ nhau lên thăm Châu để bạn khỏi buồn vì làm "con bà phước", tức là tân binh mà không có gia đình lên thăm.
Niên học 1972-73 lớp 12A-1 học chung với con gái và cũng là lần đầu tiên trong đời tôi học chung với nữ sinh. Cả lớp xôn xao vì những bông hoa biết nói cười.
Nữ sinh trong tà áo dài tung tăng sân trường trông thật dễ thương. Nhưng trong lớp nghịch phá, có hôm chúng tôi cột tà áo của ba cô ngồi gần nhau để tan lớp các cô lúng túng không biết làm sao gỡ ra, rồi được nghe Ngọc Truyền mắng giọng miền nam "Đồ quỷ" đã cho chúng tôi những trận cười thích thú.
Hơn mười năm đi học, từ tiểu học, trung học đệ nhất cấp rồi đến giờ tôi thường là đứa học sinh ngồi ở bàn đầu, nay tự nhiên cùng các bạn lùi xuống phiá sau, nhường những bàn trước lớp cho các cô, không biết vì bọn con trai mang tính ga lăng, hay xuống ngồi phiá sau để dễ phá phách, chọc ghẹo.
Năm đó có mấy nữ sinh được bọn chúng tôi chú ý: Nguyễn Thị Ngọc Truyền, Nguyễn Thị Ngọc Di, Ngô Thị Hằng, Minh Châu và Thuỷ Tiên. Minh Châu trông hiền nhất, dễ thương. Còn Truyền mang cặp kính gọng đen, hay phát biểu trong lớp là con người chất phác như giọng miền nam của cô. Hằng có dáng cao lớn, trông như Tây lai, nghe nói có bà con gì đó với Tướng Ngô Dzu và nhà cô là một ngôi biệt thự trên đường Chi Lăng, gần trường, đi học có người đưa đón bằng xe hơi. Thuỷ Tiên cũng hay thích cười vui, trò chuyện với bọn học trò con trai chúng tôi. Môn triết chúng tôi học với thày Phan Nguyên và thày Lê Phổ. Thày Phổ dạy tâm lí học và thường nhắc đến cụm từ "Nguyên tắc đầu tiên và chân lí". Mỗi lần như thế chúng tôi nhìn nhau tủm tỉm cười vì tên của hai bạn Tiên và Lý được ghép chung.


Đẹp nhất lớp là Ngọc Di, có đôi mắt to đen như cặp mắt bồ câu và làn môi mỏng. Nghe các bạn nói Ngọc Di người Nha Trang vào Sài Gòn trọ học. Ngọc Di ít nói. Tôi nghĩ thế. Hay tại mình thấy người đẹp nên nhát không dám mở miệng nói chuyện thì không biết.
Ngọc Di có người chú là thày Thành, dạy Pháp văn tại trường. Dù thày không dạy chúng tôi nhưng thấy vẻ mặt của thày lúc nào cũng rất nghiêm nên ít ai dám lần mò tìm cách tán tỉnh cô cháu. Có lần tôi đứng nói chuyện với Ngọc Di trong giờ ra chơi, thày trông thấy và tìm cách tách rời. Sau có muốn nói gì thì viết thư, tặng hoa sứ nhặt ở sân trường hay gửi đi những cánh thiệp.
Một hôm chúng tôi nhận được tin không vui. Người yêu của Ngọc Di là một sĩ quan không quân mới trở về sau thời gian huấn luyện bên Mỹ và thường ghé đón Ngọc Di sau buổi tan trường. Thế là mơ mộng của tuổi học trò tan bay.
Lúc đó trong lớp chúng tôi mới biết có một bạn nữa rất say mê vẻ đẹp của Ngọc Di là Nguyễn Duy Nam, tức ca sĩ Duy Nam, là học trò và có giọng ca giống như Duy Khánh. Nam có được một tấm hình nhỏ cỡ 4x6 của Ngọc Di và đem khoe với chúng tôi, nhưng không biết từ đâu. Đến ngày mãn niên học, trường phát hành kỉ yếu thì trong số ảnh của học sinh lớp 12A-1 không có hình Nguyễn Thị Ngọc Di. Không biết làm sao Nam đã có được hình đó từ ban thực hiện kỉ yếu.
Năm đó tôi được nhà trường chọn là học sinh đứng nhất về hạnh kiểm. Nhưng vui nhất là tôi thi đậu Tú Tài II cùng với các bạn thân khác.
Lên đại học được ít lâu chúng tôi hay tin Ngọc Di lấy chồng là anh sĩ quan không quân hay ghé trường ngày trước. Rồi lại có tin những bạn bè ra đi không bao giờ trở lại. Duy Nam chết ngoài chiến trường. Lê Minh Châu mất tích sau khi đồn của anh ở Cai Lậy bị tấn công.
Chiều ngày 29.4 tôi nhảy xuống tàu ở bến kho 5.
*
Sau ba tháng trôi dạt qua các trại tị nạn, tôi định cư ở thành phố Berkeley, California.
Những tháng năm đầu nơi miền đất lạ người Việt tị nạn thường tìm kiếm nhau qua các mục nhắn tin trên báo. Tôi liên lạc được với Ngọc Di, đang ở Florida, là bạn học duy nhất từ trường Nguyễn Bá Tòng đã có thể rời Việt Nam trong cơn biến loạn 30.4. Hỏi thăm gia đình thì Ngọc Di chỉ viết gọn "never, never" như là sẽ không bao giờ còn được gặp lại chồng nữa mà tôi cũng không hiểu tại sao và rồi sau đó mất liên lạc với nhau cho đến giờ.
Tháng trước hay tin Ngọc Di về Việt Nam để lo đem tro than của chồng là cố Trung úy Không quân Nguyễn Văn Lộc qua Mỹ. Tôi điện thoại hỏi thăm và đầu giây bên kia từ máy có giọng của Gina Nguyễn. Tên có khác nhưng dù đã hơn ba mươi năm tôi vẫn nhận ra giọng nói của cô nữ sinh lớp 12A-1 ngày nào.
Đọc những thông tin về chồng của Ngọc Di, tôi xúc động và cảm phục. Lo cho vợ ra đi vào những ngày cuối tháng 4.1975, còn anh ở lại chiến đấu đến giờ phút cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà. Khi đất nước không còn giữ được anh cũng như bao nhiêu người lính khác phải đi học tập cải tạo. Trong lao tù anh tìm cách vượt ngục, bị bắt lại và bị bắn chết cùng với một đồng đội khác vào ngày 26.3.1976. Thân xác anh được bạn tù cuốn chiếu, chôn vội nơi ven rừng Long Khánh.
Cảm phục hơn nữa là Ngọc Di vẫn giữ một tấm lòng với người chồng đầu tiên, quyết đi tìm xác chồng từ những chuyến đi Việt Nam đầu tiên trong phái đoàn Hoa Kỳ tìm kiếm người Mỹ mất tích vào giữa thập niên 1980.
Sau bao năm bền bỉ tìm kiếm, hôm 8.11 tro than của cố Trung úy Nguyễn Văn Lộc, cùng với đồng đội là Sĩ quan Không quân Lê Văn Bé, đã được an vị tại Hoa Kỳ trong một buổi lễ truy niệm do gia đình và chiến hữu của các anh tổ chức.
All give some. Some give all. Trong chiến tranh, chúng ta mỗi người đều hi sinh một phần, nhưng có người đã hi sinh tất cả. Đó là những chiến sĩ như anh Nguyễn Văn Lộc. Anh đã sống cho lí tưởng và chết cho quê hương. Xin được nghiêng mình kính phục sự hi sinh đó.
Berkeley, ngày Cựu Chiến binh 11.11.2008

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đảng CSVN đang rối beng lên về tình trạng cán bộ tham nhũng quyền lực, nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến dân te tua. Tình trạng này được báo của Trung ương đảng “vạch áo cho người xem lưng” cả trong hai lĩnh vực...
Số lượng người nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ cao kỷ lục đang khiến cho hệ thống nhập cư vốn đã quá tải càng thêm phần căng thẳng. Dữ liệu mới đây của chính phủ cho thấy các viên chức biên phòng đã thực hiện 2.05 triệu vụ bắt giữ trong năm tài chánh kết thúc vào tháng 9. Đây là năm thứ hai liên tiếp mà số vụ bắt giữ như vậy cao hơn 2 triệu. Trong quá khứ, các con số tăng và giảm dựa trên những thay đổi quan trọng về kinh tế và chính sách, như các đợt suy thoái kinh tế và siết chặt biên giới trong thời kỳ đại dịch. Nhưng chưa bao giờ số vụ bắt giữ vượt quá 1.7 triệu, và cũng chưa bao giờ duy trì ở mức cao như vậy trong mấy năm liên tục.
Hai việc đang làm cho Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng mất ăn mất ngủ là “tình trạng xa rời Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” và “tham nhũng quyền lực” ngay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ chống tham nhũng, thanh tra và thi hành kỷ luật...
Lúc còn tại thế, có lúc ông Phạm Văn Đồng đã phải đối diện với một câu hỏi khó: “Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về sự kiện thuyền nhân hồi 1975, nhất là hồi 1978, 1979… Về nguyên nhân và trách nhiệm trong những sự kiện ấy, với những hiện tượng bán bãi thu vàng và khá nhiều tầu, thuyền bị hải tặc bão tố và chìm trong đại dương…
Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ báo cáo thường niên trước Quốc hội: Những diễn biến quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc...
Tại sao chính sách Hoa Kỳ phải giúp đỡ những quốc gia khác, kể cả những quốc gia chống đối quyền lực của Hoa Kỳ? Có anh hàng xóm tức giận muốn qua đốt cháy nhà mình, mình lại đem tiền qua giúp đỡ; đôi khi lại mang con qua xây dựng hàng rào, chuồng gà, sơn quét nhà cửa cho anh ta. Chuyện thật ngược đời. Đảng Cộng Hòa nói: Không được. Đảng Dân Chủ nói: Được. Đáng giúp đỡ. Còn bạn, nghĩ sao? Ngày 18 tháng 10 năm 2023, Hãng thông tấn ABC News đưa tin: “Chính quyền Biden đang soạn thảo gói viện trợ nước ngoài trị giá 100 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ cho Israel cũng như các ưu tiên an ninh hàng đầu khác.” Dự thảo này phải được quốc hội phê chuẩn. Chắc hẳn sẽ gặp khó khăn vì Đảng Cộng Hòa giữ đa số ở hạ viện. 100 tỷ là số tiền khá lớn, trong lập luận của đảng Cộng Hòa, tại sao không dùng số tiền này để phát triển kinh tế nước Mỹ? Xây dựng những công trình nội địa mang lợi ích đến cho người dân? Trong lập luận của đảng Dân Chủ, giúp người tức là tự giúp mình
Lại một lần nữa, cộng đồng tình báo quốc tế cho thấy khả năng dự báo hoàn toàn sai lạc khi nhận định rằng xung đột Trung Đông không có dấu hiệu leo thang trong khi chiến tranh Ukraine đang tiếp diễn. Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phạm phải sai lầm nghiêm trọng hơn khi thiếu chuẩn bị các biện pháp phòng thủ cần thiết, vì ông tin tưởng tuyệt đối ưu thế quân sự của 170.000 quân Do Thái so với 40.000 chiến binh Hamas. Chính ông Ehud Barak, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cùng 80% dân chúng cũng đồng quan điểm, cho rằng Thủ tướng Netanyahu phải chịu trách nhiệm chính trị cho thảm hoạ hiện nay.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.