Hôm nay,  

Cấp Cứu Thị Trường: Bear Sterns Và SCIC

20/03/200800:00:00(Xem: 8246)

...chứng khoán Việt Nam sụt giá là chuyện tất yếu của thị trường...

Hôm Chủ Nhật 16, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ bất ngờ dàn xếp việc cấp cứu Ngân hàng đầu tư Bear Sterns. Biện pháp đặc biệt ấy được dư luận khắp nơi chú ý vì tin Bear Sterns lâm khủng hoảng khiến các thị trường tuột giá mạnh và dẫn tới viễn ảnh sụp đổ hệ thống tài chính và ngân hàng của các nước. Diễn đàn Kinh tế của đài RFA tìm hiểu nội vụ với những phân tích liên hệ đến việc cấp cứu thị trường chứng khoán của Việt Nam, qua cuộc trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện ngày 18 vừa qua.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, việc hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ tung ra giải pháp cứu vớt ngân hàng đầu tư Bear Sterns đã được dư luận cho là một biện pháp bất thường. Trong chương trình tuần này, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về bối cảnh, nguyên nhân và hậu quả của biện pháp cấp cứu ấy, rồi qua phần so sánh với biện pháp cấp cứu thị trường chứng khoán của Tổng công ty Quản lý vốn nhà nước SCIC do Việt Nam mới ban hành vào Thứ Năm mùng sáu vừa qua.

Trước hết, về bối cảnh vấn đề, ngân hàng Bear Sterns là gì và vì sao cần cấp cứu"

 - Được thành lập từ năm 1923, và đã từng vượt qua cơn Tổng khủng hoảng 1929-1933, đây là ngân hàng đầu tư và giao dịch chứng phiếu có tầm hoạt động toàn cầu, đứng hàng thứ năm của Hoa Kỳ, với thương vụ hơn 16 tỷ tính đến cuối năm ngoái. Trong các tổ hợp đầu tư tài chính, Bear Sterns thuộc loại liều lĩnh nhất, vì lấy rủi ro cao nhất, qua việc đầu tư vào loại tín dụng thứ cấp, gọi là sub-prime, của thị trường gia cư. Khi thị trường ấy bị đình đọng từ đầu năm ngoái, Bear Sterns bắt đầu gặp khó khăn và trái bóng tín dụng thứ cấp bị bể khiến hai quỹ đầu tư đối xung, hay hedge fund, của ngân hàng này bị phá sản vào tháng Sáu năm ngoái. Nhưng từ đó về sau, tình hình vẫn không cải thiện mà vụ khủng hoảng tín dụng thứ cấp đã lan rộng thành khủng hoảng tín dụng vì các cơ sở tài chánh đều hạn chế cho vay và gây ra nạn cạn kiệt thanh khoản và ách tắc tín dụng.

Những tin xấu liên tục ấy khiến cổ phiếu Bear Sterns mất giá đều. Nhưng tình hình trở thành trầm trọng từ Thứ Ba tuần qua khi có tin đồn là Bear Sterns thiếu hiện kim, là tiền mặt. Tình hình thành nguy kịch vào Thứ Sáu 14 vì trong có hai ngày, cổ phiếu của ngân hàng mất giá tới hơn 90%.

Hỏi: Và vì vậy mà Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ mới phải vào can thiệp hôm Chủ Nhật. Thưa ông, biện pháp can thiệp ấy gồm có những gì"

- Cùng phối hợp với bộ Ngân khố, là bộ Tài chính Hoa Kỳ, và ngân hàng JPMorgan Chase, Ngân hàng Trung ương Mỹ cho phép JPMorgan mua lại cổ phần của Bear Sterns với giá cực rẻ là hai đồng một cổ phiếu, tức là có 1% so với giá thị trường của Bear Serns mới hai tuần trước. Ngân hàng Trung ương Mỹ còn ứng ra ngân khoản 30 tỷ trên các tài sản kém lưu hoạt của Bear Sterns để JPMorgan có thể ứng phó với nhu cầu thanh khoản.  Cũng ngày Chủ Nhật, Ngân hàng Trung ương Mỹ còn hạ lãi suất thế chấp, là tiền lời các ngân hàng thiếu hiện kim phải trả khi cần vay ngắn hạn của Ngân hàng Trung ương.

Hỏi: Nói một cách dễ hiểu thì Ngân hàng Trung ương Mỹ đã giúp JPMorgan mua lại Bear Sterns, phải chăng là để một ngân hàng đứng hạng thứ năm của Mỹ khỏi sụp đổ" Nhưng vì sao mà một ngân hàng cổ xưa và vững chãi như vậy lại bị vỡ nợ và bán tháo"

- Ngân hàng Bear Sterns còn nhiều tài sản có giá trị, kể cả trụ sở là một cao ốc trị giá hơn một tỷ ở giữa New York. Nhưng trước mắt là hết thanh khoản và nếu thân chủ hốt hoảng vì tin xấu cứ loan truyền mà kéo đến đòi tiền về thì từ tình trạng thiếu thanh khoản có thể bị vỡ nợ nhất thời, sau đó là phá sản. Đó là vấn đề kỹ thuật của ngân hàng trong một bài toán kinh tế vĩ mô của nạn cạn kiệt thanh khoản vì khủng hoảng tín dụng.

Hỏi: Trong một kỳ trước, ông có nói đến hiện tượng ông gọi là "ỷ thế làm liều" mà kinh tế học gọi là moral hazard. Bây giờ, khi ngân hàng Bear Sterns kinh doanh liều lĩnh và sắp bị vỡ nợ thì lại được Ngân hàng Trung ương Mỹ nhảy vào cấp cứu. Quyết định ấy có gây ra phản ứng tâm lý là cứ làm liều rồi sẽ được Chính quyền cứu giúp hay chăng"

- Thưa không hẳn vậy và đây là một khía cạnh lý thú của vấn đề. Vì quản trị rủi ro quá kém, ngân hàng Bear Sterns có thể lâm vào cảnh vỡ nợ kỹ thuật và tài sản rất lớn bị sụt giá mỗi ngày. Cách đây một năm, cổ phiếu của họ trị giá gần 160 đồng, tuần qua phải bán tháo với giá rẻ mạt là hai đô la. Tức là các nhà đầu tư bất cẩn đã bị thị trường trừng phạt.

Khi Ngân hàng Trung ương nhảy vào cấp cứu thì đấy không phải cấp cứu nhà đầu tư - bề nào cũng bị lỗ rồi - mà để duy trì hoạt động của Bear Sterns hầu tránh gây hốt hoảng khiến ngân hàng phá sản và các thân chủ của Bear Sterns bị vạ lây. Tóm tắt là để chặn đứng một vụ khủng hoảng dây chuyền từ Bear Sterns lây lan ra các cơ sở khác. Vì vậy, việc cấp cứu được tiến hành rất nhanh để hoàn tất trong ngày Chủ Nhật, trước khi các thị trường Á châu mở cửa vào sáng Thứ Hai.

Hôm Thứ Hai, Bears Sterns vẫn mở cửa tiếp khách và cổ phiếu giao dịch đã nhích giá được hai đồng 84 xu, và sau khi tuột giá nặng vào lúc mở cửa thì thị trường chứng khoán New York đã tạm hồi phục vào buổi chiều Thứ Hai. Qua ngày Thứ Ba thì tăng vọt từ khi mở cửa trước dự kiến là Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ còn hạ lãi suất mạnh để kích cầu.

Hỏi: Điều ấy sẽ dẫn chúng ta qua bài toán của Việt Nam, nhưng trước đó, xin hỏi thêm một chi tiết là liệu biện pháp cấp cứu tuần qua có thể chặn được sự hốt hoảng và ngăn ngừa được cơn khủng hoảng tài chính tại Mỹ hay không"

- Đó là câu hỏi đáng giá bạc triệu vì ai ai cũng muốn biết, nhất là các nhà đầu tư tài chính! Dư luận đang xôn xao nói về hoàn cảnh của một số ngân hàng đầu tư hay tổ hợp kinh doanh chứng phiếu, như nhà Lehman Brothers, nhưng khó ai biết trước được mọi sự.

Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ thì ta có thể đang chứng kiến một cuộc cách mạng về lối ứng phó của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ và điều ấy cho thấy sự trầm trọng của vấn đề. Cách ứng phó ấy là dàn xếp cho các ngân hàng thương mại có cơ cấu tài chính lành mạnh như JPMorgan Chase có thể mua rẻ những ngân hàng đầu tư bị nguy cơ vỡ nợ vì thiếu thanh khoản. Quyết định cấp cứu Bear Sterns vì vậy có thể là tiền lệ báo hiệu cho nhiều vụ sát nhập các ngân hàng đầu tư bấp bênh để vừa tránh nạn phá sản dây chuyền vừa chấn chỉnh lại hệ thống tài chính và ngân hàng của Hoa Kỳ cho vững mạnh hơn.

Nhìn trên toàn cảnh vĩ mô thì Ngân hàng Trung ương vừa hạ lãi suất như đã thấy và có khi duy trì lãi suất ở số âm, là dưới mức lạm phát 2,2%, từ nay đến cuối năm để kích cầu, đồng thời cũng bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng đang được chấn chỉnh để khai thông ách tắc tín dụng vì thiếu hiện kim. Những biện pháp đồng loạt ấy có thể giảm bớt nguy cơ suy trầm kinh tế đồng thời tránh được sự sụp đổ dây chuyền của các ngân hàng.

Hỏi: Sau khi tìm hiểu về biện pháp cứu vãn của Hoa Kỳ, giờ ta đi qua chuyện Việt Nam: có những tương đồng và dị biệt nào giữa vụ cấp cứu Bear Sterns và việc Tổng công ty đầu tư tài sản của nhà nước SCIC đang muốn cấp cứu thị trường chứng hoán hay chăng"

- Hoàn cảnh hai nước khác nhau. Hoa Kỳ muốn kích cầu để giảm thiểu nguy cơ suy trầm kinh tế đồng thời giải quyết vấn đề cạn kiệt thanh khoản. Việt Nam thì muốn đẩy lui lạm phát nhưng vì vậy mà trước mắt bị cạn kiệt thanh khoản. Thị trường chứng khoán Mỹ có sụt giá chừng 20% từ tháng 10 năm ngoái, chứ thị trường Việt Nam thì tuột mất nửa giá và vì nhiều lý do chứ chẳng vì ngân hàng nhất thời bị thiếu thanh khoản.

Xin nói thêm rằng cơ sở đứng ra mua lại Bear Sterns là một ngân hàng tư nhân có cơ cấu tài chính vững vàng, với tài sản của tư nhân, từ nay vẫn do tư nhân quản lý. Chứ Ngân hàng Nhà nước hay bộ Tài chính Mỹ không lấy tiền thuế của dân đi cứu nhà đầu tư bất cẩn để sau đó giao cho công chức Mỹ quản lý cơ sở này như một ngân hàng quốc doanh. Khi Chính quyền Việt Nam tung ra biện pháp giải cứu bằng một doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty SCIC và vì những mục tiêu khác thì đấy là liều thuốc đổ bệnh mà ta cần nhìn cho ra.

Hỏi: Ông có thể giải thích điều ấy cho rõ hơn được không"Thế nào là liều thuốc đổ bệnh"

- Trước hết, chứng khoán Việt Nam sụt giá là chuyện tất yếu của thị trường vì giới đầu tư mong đợi quá nhiều điều không thực tế nên đã thổi lên một trái bóng đầu cơ sẽ phải bể. Không thực tế vì tiền lời của cổ tức không cao và nay có thể kém tiền lời của các trương mục tiết kiệm. Rồi vì lạm phát bùng nổ sẽ đánh sụt mức lời của doanh nghiệp yết giá trên thị trường. Không thực tế vì các doanh nghiệp ấy lại lấy tiền đầu tư vào thị trường khác, kể cả nhà đất, theo kiểu đầu cơ. Đã thế, biện pháp ngăn ngừa lạm phát được ban hành đã nhất thời gây ra nạn cạn kiệt thanh khoản của ngân hàng, và việc đô la sụt giá rồi bị ứ đọng khiến dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán bị cạn. Và cơ bản nhất, các nhà đầu tư đi vào thị trường như vào sòng bạc nên mới bị lỗ nặng.

Bây giờ, vì muốn cứu vãn giới đầu cơ đó, người ta lấy tài sản công - là của công chúng - để bơm vào thị trường chứng khoán, như bơm vào một cơ thể hôn mê hầu tạo ra sự chuyển động cơ bản là giả tạo chứ không nhằm khôi phục mức sản xuất của các công ty yết giá trên sàn. Nói vắn tắt là lại bơm tiền giúp cho một thiểu số vốn dĩ là có tiền nếu so với quảng đại quần chúng còn lại, nhưng cũng vì đó mà gây hậu quả bất lợi lâu dài cho mọi người. Trong khi lợi ích ngắn hạn là thổi phồng trị giá của cổ phiếu vẫn cũng không bền như ta đang thấy ngày nay.

Hỏi: Ông trở lại lý luận về liều thuốc đổ bệnh, thế đâu là những chứng bệnh có thể do giải pháp Tổng công ty Quản lý vốn đầu tư này gây ra"

- Công ty này có cơ chế pháp lý mù mờ mà lại có quyền can thiệp vào thị trường theo chỉ thị của Thủ tướng cho nên việc can thiệp hay mua bán cổ phiếu không tuân thủ quy luật cung cầu khách quan khi mua hay bán cổ phiếu. Vì vậy, sự can thiệp tiện thiện và hiển nhiên là thiếu chuyên môn sẽ làm giá cổ phiếu thăng giáng theo quy luật khác hơn quy luật thị trường và mất hẳn tính khả tín, đáng tin. Rồi cũng vì vậy mà tạo ra cơ hội tham nhũng hoặc nạn giao dịch nội tuyến, tức là chỉ có lợi cho một thiểu số có quan hệ, mà vẫn làm nhà đầu tư cò con có thể sạt nghiệp. Mà đó chỉ là một trong rất nhiều tệ đoan khác.

Hỏi: Nếu đã vậy, xin ông nói thêm cho rõ hơn là những tệ đoan gì"

- Vấn đề thứ hai là khi lấy công quỹ chuyển qua SCIC bơm vào thị trường thì Chính phủ Việt Nam mặc nhiên gây thêm khiếm hụt ngân sách, hoặc phải tăng thuế, trong khi lại thổi bùng lạm phát làm mọi người đều bị lây. Chẳng hạn như bơm tiền mãi mà chỉ số VN-Index không vượt qua ngưỡng 700 điểm thì lại bơm thêm và cứ như vậy sẽ lấy tiền ở đâu, hay là sẽ phải in tiền và đẩy thêm lạm phát"

Thứ nữa, khi SCIC tập trung một số tài sản tài chính như vậy thì sẽ mặc nhiên tăng cường vai trò của doanh nghiệp nhà nước và càng có nhu cầu trì hoãn việc cổ phần hóa hay tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước theo đúng với cam kết của Tổ chức WTO. Đồng thời, một số doanh nghiệp yết giá trên thị trường chứng khoán cũng sẽ có phản ứng ỷ thế làm liều, là đầu tư bất kể rủi ro, vì nghĩ rằng cuối cùng thì vẫn sẽ được Nhà nước hay Tổng công ty SCIC bơm tiền cấp cứu.

Kết cuộc thì đây là biện pháp bất công về xã hội, nguy hại về kinh tế và khiến thế giới phải xét lại mức độ tự do kinh doanh của Việt Nam khi Chính quyền có thể tùy tiện can thiệp vào thị trường và củng cố thêm vai trò của doanh nghiệp nhà nước.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 22 tháng 3 năm 2008 là ngày anh chị em thân hữu của www.ninh-hoa.com đáng ghi nhớ và cùng hãnh diện. Nói như thế để mọi người, bạn bè khắp thế giới
Ngày 20 tháng 03 năm 2008, theo thư mời của Commando Diensten Centra. Chúng tôi đến dự lễ tốt nghiệp của trường Sĩ Quan Quân Y Quân-Đội Hòa Lan
Người Trung Hoa đã nói: “Đại thống nhất”, họ tự cho họ là cái rốn của vũ trụ, là một dân tộc ưu việt. Nên xem các nước láng giềng là “man di” cần đem
Trưa thứ bảy 22 tháng 3, mặc dù trời mưa tuyết và gió rét giữa mùa Phục Sinh, đáp lời kêu gọi của bà Deki Youdon, đại diện Cộng đồng Tây Tạng tị nạn vùng
Cách đây đúng một năm, Iraq qua báo chí Mỹ là một biển máu. Mỗi tháng, trung bình có khoảng 2.000 thường dân Iraq và 200 lính Mỹ bị chết
Từ mấy tuần qua, một số dư luận quan tâm về kinh tế của Hoa Kỳ - và thế giới - có nhắc đến viễn ảnh của cuộc Tổng khủng hoảng 1929-1933.
Năm Mậu Tý 2008 là đúng 40 năm sau biến cố Tết Mậu Thân và cuộc thảm sát tại Huế. Đúng vào thời điểm này, sau 17 năm yên lặng làm chủ nhiệm Việt Báo
Chiến tranh lạnh Đông Âu chưa kịp nguội thì lại đến nạn diệt chủng ở Kosovo. Khối Bắc Đại Tây Dương với sự dẫn đầu của Chú Sam đã oanh tạc trừng phạt đất Serbia
"Giải Khăn Sô Cho Huế," là bút ký về những ngày địa ngục tại Huế Tết Mậu Thân 1968 khi cộng quân chiếm thành phố. Toàn bộ tác quyền từ sách này được góp vào việc trùng tu
Ai có khả năng ra lệnh cho bộ công an, viện kiểm sát , tòa án đình chỉ điều tra vụ án liên quan đến vụ án giết người" Ai chỉ thị công an tịch thu xác một cách bất bình thường"
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.