Hôm nay,  

Lực Lượng Thứ Ba... Màu Hồng

22/09/201000:00:00(Xem: 9876)

Lực Lượng Thứ Ba... Màu Hồng
Nguyễn Xuân Nghĩa

Phong trào Tea Party là một lực lượng đại chúng... chưa có đầu
Tuần qua, khi cố chống đỡ làn sóng bất mãn của dân Mỹ, kết thụ vào phong trào Tea Party, Tổng thống Barack Obama lại phạm vào một sai lầm. Ông đả kích quần chúng đó là cứ đòi hỏi những chuyện mơ hồ như thu hẹp sự can thiệp của nhà nước, tiết giảm công chi hay tạo thêm công ăn việc làm, v.v... mà không nói cụ thể là họ đề nghị những gì.
Sai lầm ở đây là về vị trí hay vai trò.
Người dân trong một xứ dân chủ có quyền than phiền về những điều không vừa ý - nhiều khi rất tào lao, lặt vặt, hoặc mâu thuẫn. Lãnh đạo được bầu lên là người có vai trò giải quyết các vấn đề ấy, không giải quyết được thì phải giải thích. Và nếu có thể thì phải hướng dẫn hoặc tuyên truyền để dư luận nhìn ra vấn đề thật - theo quan điểm của mình - rồi cùng giải quyết. Được dân bầu lên mà lãnh đạo lại mắng ngược xuống người dân thì quả là đã lầm vị trí.
Huống hồ sự bất mãn này lại... có cơ sở.
Người dân Mỹ nói chung không hài lòng về những gì đang xảy ra sau hai tháng cầm quyền của Tổng thống Obama, với sức đầy rất mạnh của Quốc hội Dân Chủ. Hai phần ba dân Mỹ thấy là quốc gia đang đi chệch hướng và một số đã huy động nhau thành một phong trào phản đối, đó là Tea Party. Ai hiểu ra lòng dân thì sẽ có hy vọng lãnh đạo và trước hết đắc cử trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày mùng hai Tháng 11 này.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, làn sóng phản đối này có cường độ cao bất thường. Theo các chuyên gia khảo sát dân ý như Scott Rasmussen và Doug Schoen thì "chưa khi nào mạnh như vậy".
Họ xuất phát từ phía bảo thủ và trước tiên bày tỏ sự bất mãn với đảng Cộng Hoà, một đảng có xu hướng bảo thủ hơn đảng Dân Chủ. Họ kết án nhiều chính khách Cộng Hoà là giả hiệu - RINO, Republican In Name Only - vì loay hoay rồi thì cũng toa rập với đảng Dân Chủ để biểu quyết tăng chi, gây khiếm hụt ngân sách và chỉ chú trọng tới cái ghế của mình hơn là quyền lợi của dân. Họ đả kích chứng tật này của Cộng Hoà từ dưới thời George W. Bush chứ không phải bây giờ.
Vì vậy, qua hàng loạt những cuộc bỏ phiếu từ năm ngoái, phong trào Tea Party đi ngược quan điểm của lãnh đạo đảng mà loại khỏi vòng chiến các chính khách chuyên nghiệp hoặc thiếu lập trường dứt khoát.
Nhưng sau khi "thanh lý môn hộ", phong trào này hy vọng chiếm thế mạnh trong đảng Cộng Hoà và trong Quốc hội để đẩy lui chủ trương cực tả của Chính quyền Obama. Vấn đề vì vậy không là chuyện nội bộ Cộng Hoà mà thôi.
Vì chỉ là một phong trào tự phát, Tea Party không có lãnh đạo hay chủ trương nhất quán, được công bố trong một chương trình hành động mạch lạc. Các nhân vật Cộng Hoà như cựu Thống đốc Sarah Palin của Alaska hay Nghị sĩ Jim DeMint của South Carolina không là người khởi xướng hay lãnh đạo phong trào. Họ đón bắt ý dân, yểm trợ và thực tế nương vào phong trào để nhắm vào mục tiêu khác. Như khôi phục lại giá trị chính trị truyền thống của nước Mỹ hoặc tìm bàn đạp để tiến tới vị trí lãnh đạo cao hơn. Kể cả tranh cử Tổng thống vào năm 2012, là giả thuyết đặt ra cho Sarah Palin.
Nhưng vấn đề chính không là các khuôn mặt tên tuổi hoặc có ảnh hưởng đó. Mà cũng chẳng là các bộ máy vận động nhằm giành lại đa số cho Cộng Hoà như Phòng Thương mại Hoa Kỳ, tổ chức American Crossroads, hoặc American Action Network hay Hiệp hội các Thống đốc Cộng Hoà.
Vấn đề chính là nguyện vọng của khối cử tri ồn ào này.
Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, ta thấy họ ô hợp, bất mãn, có màu sắc "đại chúng" - populist- và triệt để chống hệ thống chính trị đương quyền và đả phá loại chính khách sẵn sàng thỏa hiệp để giữ ghế. Thật ra, chìm sâu bên dưới là một sự thất vọng lớn về các định chế chính trị Hoa Kỳ.
Họ phân biệt quần chúng là đa số ở dưới và các chính khách lẫn trí thức là thiểu số ở trên đã khai thác sự yếu kém trong các định chế chính trị để trục lợi hoặc dẫn Hoa Kỳ vào vụ khủng hoảng ngày nay. Không chỉ khủng hoảng về kinh tế, ngân sách hay nhân dụng mà trong nhiều địa hạt khác nữa, kể cả văn hoá và tinh thần ỷ lại.
Đây là một lực lượng thứ ba nằm giữa hai đảng và ngày càng quy tụ thêm nhiều người thất vọng trong cả hai đảng để đòi hỏi một điều gì khác. Một số không nhỏ xuất phát từ đảng Cộng Hoà và thiên về xu hướng tự do hay bảo thủ của đảng này, nhưng để đảng Cộng Hoà lột xác. Nhiều thành phần độc lập cũng tham gia phong trào trong ý hướng đó.
Và phong trào này không có địa dư xác định là quần chúng bảo thủ miền Nam hay thành phần lao động bình dân ở miền Bắc. Họ có địa bàn rộng lớn hơn, quy tụ nhiều lực lượng xã hội, văn hoá và chính trị đa diện hơn.
Căn cứ trên một số phát biểu hay phản ứng ban đầu - phong trào này mới chỉ nổi lên từ 17 tháng nay thôi - ta có thể thấy ra hai làn sóng ngầm nằm bên dưới.
Trước hết là tư tưởng tự do tuyệt đối hay tự do cá nhân - libertarian. Đây là hiện tượng rất Mỹ. Những người theo chủ trương "libertarian" là một lực lượng chính trị thứ ba với một số tư tưởng có thể là hấp dẫn cho cả hai đảng và thực tế thu hút một số quần chúng của hai đảng lớn.


Họ triệt để đòi hỏi một chính quyền "vô vi" - ít can thiệp vào đời sống người dân để thu hẹp quyền tự do cá nhân của công dân. Vì vậy, họ muốn có một bộ máy nhà nước giản lược, đánh thuế ít, tiết giảm công chi và hạn chế kiểm soát. Trong tinh thần đó, họ đứng gần với phe bảo thủ bên đảng Cộng Hoà và có thể lấy mất phiếu Cộng Hoà, như Ross Perot năm 1992 hoặc Dân biểu Cộng Hoà Ron Paul của Texas, người phát động phong trào Tea Party năm 2006 và có con trai đang tranh chức Nghị sĩ Cộng Hoà tại Kentucky. Họ là những người bảo thủ nhất trong cái hướng "vô vi" - không can thiệp.
Nhưng vì chủ trương tự do tuyệt đối, họ cũng quan niệm rằng các vấn đề đạo lý xã hội - như phá thai hay đồng tính - là sự chọn lựa cá nhân và không muốn ai can thiệp, chỉ bảo, sai khiến. Trong tinh thần đó, họ lại gần với xu hướng phóng túng xã hội bên đảng Dân Chủ và triệt để nghi ngờ phe bảo thủ về đạo đức và tôn giáo trong đảng Cộng Hoà. Trong phong trào Tea Party ngày nay, khi Sarah Palin nhảy vào đưa phong trào theo hướng "bảo vệ các giá trị truyền thống của Hoa Kỳ", bà có thể đùa với lửa nếu đem chuyện đồng tính hay phá thai vào nghị trình tranh cử!
Về đối ngoại, nhóm "libertarian" này có tinh thần... phản chiến. Họ chủ trương là Hoa Kỳ không nên can thiệp vào chuyện thiên hạ như không nên can thiệp vào chuyện kinh tế. Việc xây dựng dân chủ, vãn hồi hòa bình hay viện trợ phát triển cho xứ khác là không nên, hoặc chỉ tiến hành với thận trọng và phải được kiểm soát. Cũng trong tinh thần đó, họ nghi ngờ các định chế quốc tế như Liên hiệp quốc hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, và đòi kiểm soát ngân sách viện trợ của bộ Ngoại giao, theo ý họ thì chỉ nuôi tham nhũng và độc tài!
Cho tới nay, vấn đề đối ngoại chưa được đặt ra trong cuộc tranh cử nên chưa biết là quần chúng bất mãn này đòi những gì một cách cụ thể và hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ sẽ xử trí ra sao. Vì cuộc bầu cử tháng 11 chỉ bầu lên các định chế có thẩm quyền chủ yếu là nội trị nên vấn đề chưa gây tranh luận. Nhưng vì sau cuộc bầu cừ này sẽ là bầu cử tổng thống năm 2012 nên ta cũng cần chú ý theo dõi ngay từ bây giờ.
Và càng nên chú ý về khía cạnh quốc tế vì trong phong trào Tea Party này có sự tham gia rất mạnh của người Mỹ theo tư tưởng Jackson.
Xuất phát từ Tổng thống Andrew Jackson vào thế kỷ 19, thành phần này là thế hệ tiên phong khai phá, trước tiên gồm sắc dân Scotch Irish (Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan) đã từng tranh chấp nặng với thế hệ "quý tộc" thời lập quốc như Washington hay Jefferson. Họ thành lập ra đảng Dân Chủ nguyên thủy nhưng từ thời Nixon đến nay thì thiên về đảng Cộng Hoà vì bản thân có thay đổi theo tình hình địa dư, kinh tế và xã hội của nước Mỹ.
Họ chủ trương bảo vệ quyền tự do cá nhân chống lại sự bành trướng của nhà nước vì có một đặc tính văn hoá là tự tin, tự chủ và rất ghét tinh thần ỷ lại. Thứ hai, họ rất hãnh diện là người Mỹ và tôn sùng kẻ chiến thắng, cho nên dù không ưa can thiệp vào chuyện bên ngoài, họ sẵn sàng hy sinh tới tuyệt đối, và đòi chiến thắng tới cùng, khi danh dự hay quyền lợi của Hoa Kỳ bị xúc phạm. Trong tinh thần đó, họ cũng nghi ngờ các định chế quốc tế như nghi ngờ bộ máy thư lại ở nhà.
Sùng chuộng quyền tự do cá nhân và sức mạnh, họ coi việc có súng ở nhà là quyền... thiêng liêng. Phải có súng và biết dùng súng một cách an toàn và chuyên nghiệp thì mới là anh hùng! Khi biểu dương cái nét chơi súng rất hào, đi săn rất giỏi, Sarah Palin gãi vào chỗ ngứa của cử tri loại Jackson, những người coi tài tử John Wayne là thần tượng.
Sau cùng, thành phần Jacksonian này rất kỵ trí thức, lý thuyết gia và các nhà lý luận của cánh tả phản chiến. Họ không tin vào các chủ thuyết do thành phần ưu tú vẽ ra, thích dân ca nhà quê hơn là nhạc rock hay kịch nghệ nhức đầu. Nói cách khác, họ có vẻ rất ruộng, thô kệch và dữ dội, tin vào bản năng hơn là lý thuyết cao xa - và rất ghét những kẻ làm dáng.
Thành phần này thật ra khá đông đảo trong nước Mỹ thâm sâu, trong các thị trấn hơn là các thành phố lớn ở hai bờ đại dương. Và họ chịu khó đi bầu nên đã tham gia rất mạnh vào phong trào nổi loạn ngày nay.
Hai thành phần libertarian và Jacksonian này có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có dị biệt. Dị biệt như về đối ngoại hay chánh sách kinh tế tự do - phe libertarian - hoặc bảo hộ mậu dịch - khá hấp dẫn trong thành phần Jacksonian.
Cho tới nay, mẫu số chung lớn nhất và cũng là điểm tương đồng quan trọng nhất lại nằm trong vấn đề nội chính, chủ điểm tranh cử của đảng Cộng Hoà. Đó thu hẹp vai trò của nhà nước bao cấp và ưa kiểm soát. Vì vậy, phong trào mới nảy nở từ trong đảng Cộng Hoà ra và sẽ khiến đảng này thay đổi còn mạnh hơn. Sau đó ra sao thì chưa ai biết. Vì chúng ta chưa thấy cái đầu.
Cho nên sẽ còn phải tìm hiểu thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khả năng chánh trị có giống khả năng kỹ thuật không" Khả năng về mặt tâm linh, trình độ trí thức và tri thức có giống khả năng về kỹ thuật không"
19/07/2007. Em hy vọng tất cả mọi người hãy nhớ lấy hôm nay mà kể từ đây em sẽ gọi là NGÀY DÂN HẬN. Và cũng xin thưa với tất cả các Đảng viên Cộng sản
Hai Tổng thống Bush và Musharraf đang ngờ, đang chờ, đang nhờ nhau" Sau khi một số Nghị sĩ Cộng Hoà bày tỏ sự hoài nghi về chiến lược Iraq
Sau 28 ngày màn trời chiếu đất, đói khát, bệnh hoạn, những người dân cùng khổ rủ nhau lên trước tòa nhà gọi là Quốc Hội của thành phố mang tên Hồ Chí Minh
Vừa nghe thông tin từ Đài Truyền hình Việt Nam: Trong đợt thi vào lớp 10 ở TP. HCM mới đây, có tới 13.000 học sinh (mười ba ngàn) đạt kết quả điểm thì cao
Dường như đảng Cộng sản Việt Nam không biết chán khi nói đi nói lại các vấn đề : Tư tưởng đảng viên đã mòn; Nội bộ Đảng đã ruỗng; Cán bộ thích làm quan
Sau 26 ngày dầm mưa dãi nắng, chịu đựng đói khát lên khiếu kiện mất nhà mất đất ở
Quốc hội Châu Âu ra Quyết Nghị định giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam và tố cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền và tôn giáo...
Ngày hôm qua 18, Tổng thống Bush đã tránh được một viên đạn giấy từ Thượng viện phóng ra khi viện trên của Quốc hội Mỹ vẫn không hội đủ
Cho tới 11 giờ đêm Thứ Hai 17-7, khoảng 300 công an CSVN sắc phục, vũ trang vẫn đang bủa vây đoàn dân oan biểu tình tại Saigon.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.