Hôm nay,  

Bài Thuyết Trình Về Việc Trung Cộng Xâm Phạm Chủ Quyền VN: Những Thái Độ, Hành Động Cần Có Của Người Việt Nam

19/12/200700:00:00(Xem: 12561)

Cộng đồng Người Việt Quốc gia Houston và vùng phụ cận họp ngày 14/12/2007: đưa tay cùng một lòng.

- Nguyễn Công Bằng, đại diện Đảng Vì Dân

Kính thưa quý đồng hương,

Nhận được lời mời thuyết trình của anh Huỳnh Quốc Văn, đại diện cho Cộng đồng Người Việt Quốc gia thành phố Houston và vùng Phụ cận, chúng tôi rất lúng túng. Lý do là đề tài này to lớn, quá phức tạp mà lại vô cùng quan trọng, trong khi thời gian chuẩn bị chỉ có không đầy 48 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, vì việc chung, tôi đã nhận lời. Vì vậy, tôi rất mong quý vị tôn trưởng và thức giả sẽ giúp tôi bổ túc, hoàn chỉnh những điều còn thiếu sót trong phần thuyết trình này.

Để bắt bầu cho bài thuyết trình, tôi kính mời quý vị nghe bốn câu thơ bất hủ của tiền nhân Lý Thường Kiệt, để cùng sống tinh thần bảo vệ non sông bất khuất từ ngàn xưa:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bản dịch thơ có nghĩa là:

Sông núi nước Nam vua Nam ở,

Rành rành định phận tại sách trời.

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Ngày nay, Việt Nam không còn chế độ quân chủ thì chúng ta có thể khẳng định là:

Sông núi nước Nam, DÂN Việt Nam ở!

1.  Quá trình xâm lăng của Trung Cộng:

Sau cuộc hải chiến với Hải quân VNCH và xâm lăng Hoàng sa vào tháng 1/1974, Trung Cộng đã liên tục tấn công, xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam nhiều lần, và bằng nhiều hình thức khác nhau. Những sự kiện được nhiều người biết đến là:

· Từ ngày 17/2/ — 26/3/1979, Trung Cộng tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam khiến cho hàng chục ngàn người Việt Nam bị thương vong. Sau khi triệt thoái, Trung Cộng đã nới rộng biên giới ở những cao điểm chiến lược và một số khu vực có giá trị chiến thuật cao.

·  Ngày 13/3/1988: 7 chiến hạm Trung Cộng đã bất ngờ tấn công hai chiến hạm CSVN tại vùng đảo Gạc-Ma, bắn giết tàn nhẫn 64 thuỷ thủ Việt Nam và bắt cóc 9 người.

· Ngày 30/12/1999, Trung Cộng áp lực CSVN chánh thức ký kết “Hiệp ước về Biên Giới Đường Bộ” để sang nhượng lãnh thổ Việt Nam cho Trung Cộng. Qua Hiệp ước này,  theo một bản nghiên cứu thì một vùng lãnh thổ từ 720 - 900 km2 của Việt Nam đã lọt vào tay Trung Cộng.

· Ngày 25/12/2000, Trung Cộng áp lực CSVN chánh thức ký kết “Hiệp Ước Phân Định Vịnh Bắc Bộ” để sang nhượng lãnh hải Việt Nam cho Trung Cộng. Qua Hiệp ước này Việt Nam chính thức mất thêm khoảng 9% lãnh hải, tương đương 11,000 Km2.

·  Sáng ngày 8-1-2005, hai tàu Việt Nam đang đánh cá ngoài khơi thì bị một số tàu Trung Cộng nổ súng tấn công dã man. Một chiếc chạy thoát về bờ biển Việt Nam với trên 400 vết đạn và một ngư phủ bị bắn chết. Chiếc tàu kia chịu số phận bi đát hơn: 8 ngư phủ bị bắn chết tại chỗ, 8 người khác bị thương và bị bắt đem về Trung Quốc.

· Ngày 9/7/2007: Hải quân Trung Cộng bắn vào một số tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam hoạt động gần lãnh hải quần đảo Trường sa, gây thương vong cho một số ngư dân.

· Ngày 10/8/2007: Trung Cộng đã quyết định sẽ mở tour du lịch ở hai vùng đảo Trường Sa và Hoàng Sa, một hình thức công khai tiếm dụng lãnh thổ Việt Nam.

· Vào ngày 2/12/2007, sau một chuỗi dài lấn áp thô bạo, nhà cầm quyền Trung Cộng đã hợp thức hoá sự xâm lăng bằng một quyết định hành chính, công bố thành lập huyện Tam Sa, bao gồm luôn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tóm lại, chỉ tính từ năm 1975 đến nay, chúng ta mất hàng ngàn cây số vuông đất, và hơn chục ngàn cây số vuông biển, và hơn 100 mạng người bởi sự bành trướng của Bắc phương.  Đó là chưa kể con số hàng chục ngàn người bị thương vong trong cuộc tấn công quân sự năm 1979.

Theo một thống kê tìm thấy được thì vào thời điểm tháng 4/1975, có 102 đảo nhỏ thuộc Trường Sa & Hoàng Sa do VNCH quản lý. Năm 1988, số còn lại 90 đảo. Năm 2007 Việt Nam chỉ còn 21 đảo còn lại thuộc chủ quyền. Các đảo còn lại đang có khuynh hướng bị Trung Cộng chiếm dần. 

2. Các chứng cứ mang tính “logic” về lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

·  Từ năm 1909 trở về trước, không có bản đồ cỗ nào của Trung Hoa do người Trung Hoa vẽ có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là biên giới cực Nam của nước Trung Hoa.

·  Năm 1812, khi vua Gia Long tuyên bố giữ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và thiết lập đơn vị hành chánh, quân sự, khai thác nguyên liệu và thu thuế trên đảo, các triều đại Trung Hoa đều không có một sự phản đối chính thức nào.

· Từ năm 1954-1975, không hề có một văn kiện chính thức nào của Trung Cộng gửi chính phủ Việt Nam Cộng Hoà phản đối sự xác nhận chủ quyền của chính phủ VNCH trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có địa danh hành chính trực thuộc nước Việt Nam Cộng Hoà.

·  Công hàm của nguyên Thủ tướng CSVN Phạm văn Đồng gửi Chu Ân Lai (ngày 14/9/1956) tán đồng quyết định của Chính phủ Trung Cộng (nới rộng hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Hoa Lục) là hoàn toàn không có tư cách pháp lý, kể cả công pháp quốc tế.  Lý do là “trước năm 1975, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản lý những đảo này. Lúc đó, những quần đảo này nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hoà; mà các chính phủ VNCH luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo.”

· Trong các văn khố Việt Nam và quốc tế, có rất nhiều chứng liệu lịch sử của Việt Nam đã ghi rõ hoạt động hành chánh, quân sự và kinh tế của Việt Nam trên các đảo ở Hoàng sa và Trường Sa.

· Theo tài liệu của Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị VNCH xuất bản năm 1974 thì: Về mặt pháp lý quốc tế: trong số 51 quốc gia tham dự hội nghị San Francisco năm 1951, tất cả đều công nhận chủ quyền của VNCH trên quần đảo Hoàng Sa. Cùng năm này, khi Việt Nam tham dự ký hiệp ước với Nhật Bản, quần đảo Hoàng Sa do Nhật dùng võ lực chiếm đóng cũng đã được chính thức trao trả cho Việt Nam.

· Bốn tư liệu phương Tây xác nhận về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

- Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.

-  Le mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels.

- An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển của Việt Nam.

- The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels).

- The Journal of the Geographycal Society of London (năm 1849) GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels...

3. Tính chất pháp lý quốc tế về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo

Mặt khác, căn cứ vào Hiến chương Liên Hợp Quốc được thông qua năm 1945 có điều 2, khoản 4 cấm sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ của một Quốc gia.

Nghị quyết 26/25 năm 1970 của Liên Hiệp Quốc viết rằng:

"Các quốc gia có nghĩa vụ không được dùng đe doạ hoặc dùng vũ lực để xâm phạm các đường biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hoặc như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các Quốc gia".

Nghị quyết này cũng không công nhận lãnh thổ cướp đoạt bằng vũ lực:

"Mọi hành động thụ đắc lãnh thổ bằng đe doạ hoặc bằng sử dụng vũ lực không được thừa nhận là hợp pháp".

Do đó:

·  căn cứ vào các chứng cứ lịch sử của Việt Nam, Tây phương và cả Trung Hoa;

·  căn cứ vào Nghị quyết 26/25 năm 1970 của Liên Hiệp Quốc;

· Quốc gia và nhân dân Việt Nam có quyền tái khẳng định rằng:

Tất cả đảo (thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có địa danh hành chính trực thuộc lãnh thổ Việt Nam từ thế kỷ 17 đến nay là thuộc chủ quyền của nước Việt Nam.  

4. Phản ứng bất xứng của nhà cầm quyền CSVN:

Cho đến nay, ông Lê Dũng, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao CSVN vẫn chỉ phản đối một cách máy móc và bị động vào ngày 3/12 rằng:

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam phản đối việc Trung Quốc thành lập thành phố hành chính Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, quản lý 3 quần đảo trên biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đã vi phạm chủ quyền lãnh thỗ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên.

Trước sau như một, Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông năm 2002 nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển Đông và khu vực”.

Lập trường này đã thường được lập đi lập lại nhiều lần mỗi khi Việt Nam bị xâm phạm lãnh thổ hay lãnh hải, và chỉ có vậy. Nhà nước CSVN không có những biện pháp ngoại giao cứng rắn hơn như triệu tập Đại sứ Trung Cộng để chính thức phản đối, hoặc trục xuất nhân viên ngoại giao cấp cao của Trung Cộng. Ngay cả những người lãnh đạo cao cấp như Chú tịch nước, Thủ Tướng, Tổng bí thư đảng CSVN cũng chưa bao giờ thấy lên tiếng chính thức về tình trạng Trung Cộng vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Ngược lại, nhà cầm quyền đã chỉ thị các cơ quan an ninh ra sức ngăn chận các cuộc biểu tình tự phát của thanh niên, sinh viên vào ngày 9/12/2007 ở Hà nội và Sàigòn. Theo một số nguồn tin độc lập thì một số người đã bị bắt giữ vì hành động tham gia lên tiếng khẳng định chủ quyền đất nước.

Thái độ đó có xứng đáng không"

Đúng ra, nhà nước CSVN không phải chỉ để người phát ngôn của Bộ Ngoại giao lên tiếng như vừa rồi, mà phải triệu tập Đại sứ Trung Cộng tại Việt Nam đến để chính thức phản đối trực tiếp. Nếu ông ta không có thái độ hợp lý thì phải trục xuất ông ta và một số nhân viên ngoại giao cao cấp của Trung Cộng ngay để bày tỏ thái độ quyết liệt của nhà nước Việt Nam trước chính sách bá quyền của Trung Cộng.

Mặt khác, ông Nguyễn Minh Triết, với tư cách là Chủ tịch nước; ông Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là Thủ Tướng; và ông Nông Đức Mạnh, với tư cách là Tổng Bí thư đảng CSVN; đều phải đồng loạt chính thức công khai lên tiếng phản đối Trung Cộng về hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Rất tiếc là nhà nước CSVN đã chưa có được một thái độ thể hiện được quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước một cách dứt khoát và cứng rắn.

5. Phản ứng của người Việt Nam ở trong và ngoài nước:

·  Ngày 9/12: Khoảng mấy trăm người, đa số là sinh viên, thanh niên đã biểu tình trước toà lãnh sự Trung Cộng ở Sàigòn và mấy trăm người khác đã biểu tình trước toà Đại sứ Trung Cộng ở Sàigòn.

Sau hơn một tiếng đồng hồ biểu tình, nhà cầm quyền đã khéo léo giải tán sự tụ họp và hứa sẽ ra lệnh choThành đoàn tổ chức một cuộc biểu tình quy mô hơn vào cuối tuần này.

Sự can đảm lên tiếng của những thanh niên, sinh viên ở trong nước là một điều vô cùng khích lệ và quan trọng. Thái độ này khẳng định là nhân dân Việt Nam có thể bất đồng với nhau về một số vấn đề thuộc nội tình đất nước nhưng khi có hiểm hoạ xâm lăng thì dân tộc Việt Nam luôn giương cao tinh thần yêu nước theo truyền thống chống xâm lăng của Cha Ông.

·  Hàng trăm người gô´c Việt đã tụ tập biểu tình trước trước toà Lãnh sự Trung Cộng ở San Francisco, và hai toà đại sứ CSVN và Trung Cộng ơ" Washington DC vào chiều thứ Hai 10.12.2007

· Đang có nhiều cuộc biểu tình khác được chuẩn bị ở nhiều nơi có người Việt định cư trên thế giới, đặc biệt là ở những nơi có toà Đại sứ hay Lãnh sự quán Trung Cộng.

· Nếu không bị công an ngăn chận thì sẽ có một cuộc biểu tình lớn ở Sàigòn và Hà nội vào ngày Chủ Nhật 16/12/2007.

6.  Thái độ xấc xược của Trung Cộng:

Ngày 11/12/2007, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Cộng là ông Tần Cương trâng tráo lên tiếng phản đối làn sóng người Việt chống sự bành trướng của Trung Cộng như sau:

"Chúng tôi thực sự quan ngại về những diễn biến mới đây ở Việt Nam. Điều đó sẽ làm tổn hại quan hệ tốt đẹp giữa hai nước".

"Chúng tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ có thái độ trách nhiệm đồng thời có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn những sự việc làm tổn hại đến quan hệ song phương như vậy".

Về chủ quyền các hòn đảo, ông Tần Cương nói: "Trung Cộng có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo và vùng biển lân cận ở khu vực biển Nam Trung Hoa".

Ông Tần Cương nói tiếp: "Lãnh đạo Trung Cộng và Việt Nam nhiều lần trao đổi về vấn đề chủ quyền các hòn đảo, và đã đồng ý tiếp tục cùng nhau giải quyết những tranh cãi qua đàm phán, đối thoại nhằm duy trì ổn định ở biển Nam Trung Hoa và vì quyền lợi toàn diện đôi bên".

Thái độ trâng tráo và hách dịch của người phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Cộng đã châm ngòi cho những vụ biểu tình chống đối Trung Cộng trong thời gian tới.

Phân tích lời phát biểu này chúng ta thấy rõ là Trung Cộng mâu thuẫn trong vấn đề chủ quyền, vì vẫn đặt chuyện trao đổi về vấn đề chủ quyền. Nếu Trung Cộng tự tin Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh hải của họ thì tất gì họ phải đàm phán"!

7. Thái độ cần có của chúng ta:

·Phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng một cách mạnh mẽ và quyết liệt, cho đến khi chủ quyền nước Việt Nam trên các đảo thuộc Hoàng sa và Trường Sa được tôn trọng.

-  Phản đối Trung Cộng là phản đối chính sách bành trướng của nhà cầm quyền.

-  Không khích động thù ghét hay gây hấn với nhân dân Trung Hoa ở lục địa và Hoa kiều ở khắp nơi trên thế giới.

· Hoan nghênh và khích lệ sự lên tiếng, biểu tình, tranh đấu của người Việt ở trong và ngoài nước, đặc biệt là của các anh chị em thanh niên, sinh viên. Điều quan trọng là phải hết sức tế nhị trong việc yểm trợ, đừng có những tuyên bố hay ngôn ngữ gì khiến CSVN có cớ đàn áp các cuộc biểu tình tự phát đang có.

· Phản đối và lên án thái độ thiếu trách nhiệm của nhà nước CSVN đối với vấn đề Trung Cộng xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

·  Để tập trung sự chú ý của công luận, chúng ta đặt trọng tâm sự phản đối vào nhà cầm quyền Trung Cộng. Các phản ứng, thái độ cần có đối với CSVN cần được thực hiện một cách riêng biệt.

8. Hành động cần có của chúng ta:

·  Vận động thành lập một Uỷ Ban có chức năng đặc trách việc vận động bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với sự phối hợp và yểm trợ của nhiều cá nhân, đoàn thể ở khắp nơi.

·  Trực tiếp đặt vấn đề trách nhiệm với nhà nước CSVN, qua các cơ quan đại diện như đại sứ và lãnh sự ở các nước, yêu cầu có biện pháp cụ thể và cứng rắn đối với Trung Cộng.

·  Yểm trợ và phối hợp hành động với các cộng đồng, đoàn thể khắp thế giới.

·  Gửi email, fax và thư đồng loạt phản đối đến Bộ ngoại giao Trung Cộng

· Lập chiến dịch kêu gọi, vận động tẩy chay Thế Vận Hội 2008 ở Bắc Kinh.

·  Đề nghị người ngoại quốc gọi South China Sea là East Vietnam Sea (Biển Đông Việt Nam).

·  Vận động các nhà dân cử ngoại quốc bày tỏ sự đồng tình với chúng ta.

·   Kêu gọi những tổ chức đấu tranh và nhà dân chủ Trung Hoa bày tỏ thái độ ủng hộ chúng ta và phản đối chính sách bá quyền của Trung Cộng.

·   Vận động những người Việt gốc Hoa tỵ nạn CS cùng lên tiếng với chúng ta.

Phân nhiệm: Tuỳ theo ý kiến của toàn hội nghị.

· Chương trình hoạt động ngắn hạn: Thành lập một uỷ ban đặc trách công tác biểu tình trước Toà Lãnh sự Trung Cộng.

· Chương trình hoạt động dài hạn: Đề nghị một số tổ chức chính trị nghiên cứu phương thức đấu tranh liên tục và lâu dài, với sự hợp tác, yểm trợ của các đoàn thể, nhân sĩ trong cộng đồng các nơi.

9. Kết luận:

Theo một số tài liệu thì trong trận hải chiến lịch sử vào tháng 1/1974, 58 chiến sĩ Hải quân và Địa phương quân QLVNCH đã chiến đấu và hy sinh một cách anh dũng để bảo vệ tổ quốc, trong đó có xương cốt của rất nhiều người vẫn còn nằm lại chung quanh hòn đảo Hoàng Sa.

Trong lịch sử cận đại, cuộc hải chiến năm 1974 của Hải quân VNCH đối đầu với HQ Trung Cộng đánh dấu một thái độ bảo vệ chủ quyền Việt Nam một cách rõ rệt nhất.

Nó ghi đậm vào sử sách đến nỗi vào năm 2004, một độc giả ở trong nước đã viết trên tờ Tuổi Trẻ như sau:

"Tim tôi như nghẹn lại khi được biết rằng vào tháng 1/1974, hạm đội hải quân miền Nam đã chiến đấu đến người cuối cùng với gần trăm tàu chiến Trung Quốc. Cuối cùng, vì sức cô, thế yếu và tàu chiến nhỏ bé, quân ta đã đành chịu thua nhưng cũng đã đánh chìm nhiều tàu giặc. Những người lính hải quân Việt Nam anh dũng đã hy sinh trên Hoàng Sa không bao giờ bị lịch sử lãng quên."

Kể từ năm 1975 đến nay, ngoại trừ cuộc xung đột năm 1979 trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc, CSVN luôn bị động và không có được một thái độ hay hành động xứng đáng trong việc đối phó với Bắc Phương trên mặt biển, ngay cả khi ngư dân bị bắn giết nhiều lần, và ngay cả hải quân CSVN cũng bị tấn công, tàn sát vào năm 1988.

Vì các nhu cầu chiến lược và lợi ích chính trị riêng tư cho đảng của từng giai đoạn, CSVN đã có những sai lầm lịch sử hết sức nguy hại.

Vậy, chúng ta có chấp nhận để mất Hoàng Sa và Trường Sa hay không"

Năm 1473, vua Lê Thánh Tông chỉ thị cho những người đi giải quyết vấn đề biên giới với nhà Minh:

"Chớ để họ lấn dần, nếu các ngươi dám lấy một thước núi, một tấc sông tổ tiên để lại mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di".

Hơn 500 năm trước, Cha Ông chúng ta đã ý thức được chủ quyền đất nước như thế nào. Ngày nay, chúng ta bị mất hàng ngàn cây số vuông lãnh thổ, hàng chục ngàn cây số vuông lãnh hãi, và bây giờ thêm các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, mà nhà nước CSVN vẫn không hề có một phản ứng mạnh mẽ, một thái độ cứng rắn.

Trước tình hình chủ quyền đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng như hiện nay, chúng ta cần trực tiếp và chính thức nói cho đảng CSVN biết rằng: đã đến lúc để họ từ bỏ khối Cộng sản còn sót lại. Tại sao phải giữ thế Cộng sản trong khi chính nước Cộng sản đàn anh này cứ tiếp tục lấn áp và xâm lăng nước ta. Có phải chăng đến giờ phút này mà đảng CSVN vẫn còn chủ trương “vô tổ quốc”"

Nếu đảng CSVN mạnh dạn bỏ Cộng sản, bỏ độc tài, cùng với toàn dân xây dựng lại đất nước thì không những họ không bị cô lập, khinh khi, mà Trung Cộng cũng khó thể nào dám ngang nhiên vi phạm chủ quyền Việt Nam như hiện nay. Lúc đó, với sức lực của toàn dân, toàn quân ở trong nước và thế lực của cộng đồng người Việt hải ngoại ở khắp nơi, chúng ta sẽ có đủ thế lực để tranh đấu giành lại những phần giang sơn đã mất.

Câu hỏi đặt ra là: nếu như Trung Cộng vẫn không trả lại đất và biển của ta lại cho ta thì làm sao" Câu trả lời của chúng ta là sẽ giành lại chủ quyền đất nước bằng mọi cách và mọi giá, kể cả bằng máu!

Nếu Trung Cộng vẫn muốn thôn tính Việt Nam thì chắc chắn là nhân dân Việt Nam sẽ gác lại tất cả mọi dị biệt để chung sức bảo vệ tổ quốc. Kinh nghiệm lịch sử với hàng ngàn năm chống xâm lăng Việt Nam, và gần đây nhất là cuộc chiến 1979, cho thấy rằng: Nếu cần phải đối đầu để bảo vệ tổ quốc, người Việt Nam luôn có đủ hào khí và khả năng tự bảo vệ mình.

Hơn ngàn năm trước đây, với một lãnh thổ chỉ khoảng phân nửa hôm nay và một dân số chỉ vào khoảng 10-20% hiện nay, tiền nhân ta đã thành công trong cuộc chống xâm lăng. Ngày nay, với một kinh nghiệm chống xâm lăng sâu dày, với một dân tộc đông đảo và một cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã vững mạnh, chẳng lẽ nào người Việt chúng ta lại chịu nhục nhìn đất nước mất dần vào tay đế quốc Trung Cộng" Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG! KHÔNG! KHÔNG!

Nếu Trung Cộng muốn thu phục nhân tâm thế giới để phát triển kinh tế thì Trung Cộng cần chứng tỏ thiện chí hoà bình và hữu nghị thực sự với mọi dân tộc, đặc biệt là với nước láng giềng Việt Nam. Ngược lại, nếu Trung Cộng tiếp tục hung hăng thì chính thái độ đó sẽ tự tố cáo bản chất bá quyền của họ và cộng đồng thế giới sẽ phải xa lánh, ngưng cộng tác kinh tế với họ.

Chúng ta kêu gọi nhân dân Trung Hoa hay lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền Trung Cộng hãy tôn trọng chủ quyền Việt Nam và ngưng ngay các hành động xâm lăng, gây hấn.

Chúng ta kêu gọi những bậc có tri thức trong bộ máy lãnh đạo của Trung Cộng hãy xét lại ngay vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và không để cho khuynh hướng gây hấn có thể làm cho sự bang giao giữa hai dân tộc bị thương tổn trầm trọng.

Chúng ta kêu gọi những tổ chức Dân chủ Trung Hoa khắp mọi nơi hãy lên tiếng để chứng tỏ tinh thần hoà bình, hữu nghị thực sự của những người Trung Hoa tự do.

Chúng ta không chống nhân dân Trung Hoa. Chúng ta không muốn gây chiến tranh với nước Trung Hoa. Nhưng chúng ta muốn nhà nước Trung Cộng ý thức được rằng người Việt Nam có chủ quyền bằng chứng cứ lịch sử về các hòn đảo có địa danh hành chính thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tóm lại, chúng ta không thể khoán trắng trách nhiệm bảo vệ tổ quốc cho CSVN, chỉ vì họ đang độc tài lãnh đạo đất nước.

Chúng ta phải hành động trong tư thế và điều kiện thuận lợi có được của ta, để mai này khi đất nước đã có dân chủ, chúng ta sẽ không nói đến Hoàng sa và Trường Sa như là một trang sử ô nhục, hay nói đến trong sự nuối tiếc. Chúng ta phải luôn nhắc nhở, vận động cho Hoàng sa và Trường sa để khi thời cơ thuận lợi đến, chúng ta có thể sẵn sàng giành lại phần thân thể của đất mẹ Việt Nam.

Khẳng định chủ quyền không phải chỉ là là lớn tiếng hô to khẩu hiệu và trưng ra chứng liệu lịch sử. Lãnh thổ quốc gia là di sản được tạo dựng và bảo vệ bằng máu của tiền nhân. Trách nhiệm của chúng ta là phải bằng mọi cách, và bằng mọi giá để góp phần bảo vệ non sông. Chủ quyền của tổ quốc còn thì đất nước mới còn. Đất nước còn thì dân tộc mới còn. Khẳng định chủ quyền Quốc gia phải được thể hiện bằng hành động của chính chúng ta.

Trước khi dứt lời, tôi mong rằng người Việt chúng ta phải có thái độ rõ rệt đối với lời tuyên bố xấc xược của ông Tần Cương, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng vào ngày 11/12, khi ông nói rằng: "Trung Cộng có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo và vùng biển lân cận ở khu vực biển Nam Trung Hoa".

Trung Cộng sai! Tôi đề nghị câu khẳng định của người Việt Nam chúng ta là:

"Người Việt Nam có chủ quyền và chứng cứ lịch sử không thể tranh cãi đối với các quần đảo và vùng biển lân cận ở khu vực biển Đông Việt Nam"

Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đất nước là của tất cả người Việt Nam. Là người Việt Nam, chúng ta đến đây để cùng chia sẻ một phần trách nhiệm đó.

Xin quý đồng hương hiện diện ở đây và khắp nơi trên thê giới cùng góp một ý kiến, một bàn tay cho nỗ lực góp phần bảo vệ chủ quyền Việt Nam từ sự xâm lăng của Trung Cộng.

Cuối cùng, tôi xin phép được mời toàn thể quý đồng hương đứng lên để cùng lên tiếng khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Âm vang của lời khẳng định này sẽ chan hoà và tăng cường độ cho những tiếng nói đấu tranh của đồng bào, thanh niên, sinh viên ở quê nhà.

Xin mọi người cùng tôi hô to: “Hoàng Sa của Việt Nam!” và “Trường Sa của Việt Nam!”

“Hoàng Sa…. của Việt Nam!  

“Trường Sa…. của Việt Nam!

Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và chia sẻ của tất cả đồng hương thân thương!

*** Nội dung chính của bài thuyết trình đã được một đồng hương ở Houston đưa lên mạng www.youtube.comở địa chỉ:

http://youtube.com/watch"v=r3qLxqy9KJY&feature=PlayList&p=1DFBD02A8371C844&index=3

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Phong trào sinh viên, thanh niên và trí thức Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc là hồi chuông cảnh báo về một nguy cơ bị xâm lăng
Khoảng đầu thập niên 1970s, phong trào phản chiến khá mạnh ở miền Nam. Vì là chế độ tương đối tự do nên những bài nhạc phản chiến được sáng tác
Chỉ tiêu lao động mỗi người trong ngày là một khúc củi dài 1.5 mét, đường kính ít nhất là 3 tấc. Chúng tôi dùng các dụng cụ tự chế để cưa và tỉa nhánh
Một hiện tựơng đang làm nức lòng giaó dân Việt Nam: nhiều ngàn người Công Giáo Hà Nội trong đêm 18-12-2007
Thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, từng bước chúng biến đất nước nầy thành một nhà tù vĩ đại, từng bước chúng muốn biến vua quan nước này
Từ thế kỷ 17, năm 1686, chúa Nguyễn Đàng Trong đã tổ chức một Hải Đội Hoàng Sa để thường xuyên tuần tiểu đảo Bãi Cát Vàng, tức Hoàng Sa
Quê nhà Cần Thơ lọt thỏm giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long cho nên chỉ hiểu biết tận tường đất nước con người như mùa màng
Thưa quý thính giả, trong khi Hà Nội tiếp tục im lặng và chưa có một hành động cụ thể nào trước việc Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn chủ quyền Việt Nam
Trước sự kiện Trung Cộng tuyên bố chủ quyền và thiết lập hệ thống chính quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, giới thanh niên trong nước đã lên tiếng
Về tâm lý học, con người thường tin vào những điều mình muốn tin. Nhưng sự thật đôi khi không làm hài lòng ý muốn đó.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.