Hôm nay,  

Việt Nam: Người Cũ, Việc Mới, Trăm Mối Tơ Vò

26/07/200700:00:00(Xem: 7953)

TRƯƠNG TẤN SANG : “Nền kinh tế đang phải đối mặt gắn kết với nhau, tạo thành thách thức bao trùm…”

Hoa Thịnh Đốn.- Bộ ba Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ nguyên các chức Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội nhưng tình hình chính trị và kinh tế không đứng nguyên một chỗ.

Trong nước, số các vụ dân xuống đường biểu tình đòi công bằng, chống bất công từ các toán nhỏ vài chục người đã lên số đông mấy nghìn người. Thành phần đòi đền bù, khiếu kiện cũng không còn thu hẹp ở thành phố trong phạm vi công nhân mà đã lan về thôn quê có sự tham dự trực tiếp của nông dân, các nạn nhân của các chương trình giải tỏa, chiếm đất.

Các nhóm tranh đấu dân chủ, tuy  lẻ tẻ, thiếu tổ chức nhưng vẫn duy trì sức phản kháng qua  các mạng Báo Điển tử bên ngoài Việt Nam. Và mặc dù nhà nước, qua hai Bộ Công an và Bưu chính-Viễn thông, đã dựng nhiều Bức tường lửa ngăn chận và kiểm soát các mạng Báo Điện tử nhưng nhiều người trong nước, phần đông là giới trẻ, vẫn tìm mọi cách để theo dõi và đọc tin tức từ bên ngoài.

Các tin chống đối nhà nước bị cấm đưa tin trong nước vẫn dội ngược về Việt Nam qua các Đài phát thanh Quốc tế như VOA, BBC, Á Châu Tự Do (Radio Free Asia), RFI (Radio France International), Đài Úc Đại Lợi v.v…nên nhiều người vẫn nghe được đầy đủ rồi chuyền miệng cho những người chưa biết để lan ra như những đợt sóng ngầm thấm vào xã hội.

Về mặt đối ngoại, người nước ngoài đã nhìn vào Việt Nam bằng con mắt khó chịu hơn từ tháng Hai năm nay (2007), khi Nhà nước Việt Nam gia tăng khủng bố và bắt giam những người bất đồng ý kiến, nhưng tranh đấu ôn hòa.

Các cuộc đàn áp này, lên cao độ  nhất từ phiên Tòa xử Linh mục Nguyễn Văn Lý ngày 30-3 (2007) tại Huế, xẩy ra  trước ngày Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước cầm đầu phái đoàn cao cấp sang chính thức thăm Hoa Kỳ từ 18 đến 23/6/2007 đã gây ngạc nhiên cho cả người trong nước.

Tấm hình người Công an bịt miệng Cha lý không cho ông nói tạI phiên tòa này đã gây chấn động khắp thế giới và  làm cho ngườI nước ngoài khinh bỉ nền Tư pháp của Việt Nam. Tấm hình này cũng đã bám theo Nguyễn Minh Triết trong suốt chuyến thăm Mỹ.

Tiến sỹ Dân chủ Nguyễn Thanh Giang đã công khai viết bài gửi ra nước ngòai báo động các việc làm phản tuyên truyền này của Công an là do  bàn tay “từ Bên ngoài” xúi bẩy để phá chuyến đi của Triết và nhằm cảnh cáo thái độ “nghiêng Mỹ” của  phe ôn hòa trong đảng CSVN.

Ông Giang không nêu danh người nước ngoài, nhưng ai cũng biết đó là đảng và nhà nước Trung Hoa đã nhúng tay xúi bẩy nhóm thân Tầu ở Việt Nam làm chuyện này.

Vì áp lực của Tầu mà phe bảo thủ trong đảng CSVN đã ép Nguyễn Minh Triết   sang “triều cống”  Bắc Kinh  từ 14 đến 18-5 (2007) trước khi đi Mỹ.  Đáng lẽ ra, lượt đi Tầu chỉ diễn ra sau khi Triết hòan tất chuyến công du Mỹ.

KINH TẾ BẤT ỔN
Về mặt kinh tế, báo cáo  của Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Thường trực tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII đã vẽ ra hai hình ảnh tương phản rất rõ mà nếu không quyết tâm làm như đã nói thì Việt Nam sẽ lâm nguy.

Hình ảnh này cũng còn được bố túc rõ nét hơn bởi Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bí thư đảng, trong bài viết trong Tạp chí Cộng sản số 133/2007 phát hành tại Hà Nội.

Hùng báo cáo :

“ Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm ở mức cao nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu phấn đấu của kế hoạch cả năm 2007 là 8,5%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm thì tốc độ tăng trưởng sáu tháng cuối năm phải đạt trên 9%, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao cả trong chỉ đạo điều hành cũng như tổ chức thực hiện của tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp.”

 “Hai là, một số sản phẩm công nghiệp có giá trị sản xuất lớn, có khả năng đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng của toàn ngành, thậm chí giảm so với cùng kỳ như dầu thô giảm 1 triệu tấn, mức tăng trưởng ngành điện 11,6%, khí đốt thiên nhiên 7,7%, xi-măng 11,6% chưa theo kịp nhu cầu xã hội và sản xuất kinh doanh.”

 “Ba là, tốc độ tăng trưởng nông nghiêp thấp hơn cùng kỳ cả về giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tình hình hạn hán, sâu bệnh và dịch cúm gia cầm diễn biến bất lợi, tuy đã khống chế được nhưng dịch bệnh xảy ra vào mùa hè và còn diễn biến phức tạp nếu không có giải pháp kịp thời cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, sức khỏe và đời sống nhân dân.”

 “Bốn là, khối lượng thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước đạt thấp so với cùng kỳ năm trước. Tình hình đó đòi hỏi các cơ quan, doanh nghiệp, chủ dự án phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện và giải ngân mới có thể đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra.”

 “Năm là, nhập khẩu ước tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, làm cho tỷ lệ nhập siêu tăng cao hơn nhiều so với sáu tháng đầu năm 2006, bằng 21,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.”

“Sáu là, mức tăng giá tuy vẫn trong tầm kiềm soát nhưng đã ở mức cao, trong khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây biến động bất thường. Kiềm chế tốc độ tăng giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định đời sông nhân dân là nhiệm vụ quan trọng trong những tháng còn lại của năm 2007.”

“Bảy là, việc gia tăng tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, những bất cập trong quản lý và sử dụng vắc-xin đang gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân; tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng công dân tập trung đông người khiếu kiện tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu cần có biện pháp tập trung chỉ đạo giải quyết.”

Cuối cùng Hùng kê ra với Quốc hội những việc quan trọng phải làm trong thời gian tới : “ Thực hiện nói đi đôi với làm, nói đúng mức, làm kiên quyết. Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vi từ Trung ương đến địa phương. Kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phi, trước hết trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm, kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và công bố công khai những cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham nhũng, nhận hối lộ; đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, nhũng nhiễu, tiêu cực.”

Nhưng đề án làm kỳ  này không khác với các Báo cáo của Chính phủ trước đây là mấy.  Cũng chỉ có bằng ấy việc mà khi Phan Văn Khải còn làm Thủ tướng đã  được trình với Quốc hội các khoá trước rồi.

TRƯƠNG TẤN SANG


Trong khi đó, Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị cũng đã vẽ ra bức tranh kinh tế   còn nhiều bức xúc  sau hơn 20 năm Đổi mới.
Sang bảo : “  Nguồn vốn đầu tư Nhà nước và khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nhưng hiệu quả còn thấp. Tiềm năng của khu vực dân doanh và khu vực đầu tư nước ngoài chưa được phát huy đầy đủ do những cản trở về thủ tục hành chính và một số chính sách còn thiếu ổn định, nhất quán.”

“Hệ thống thể chế thị trường phát triển chậm và thiếu đồng bộ, trong khi đó, các yếu tố của cơ chế kinh tế cũ còn duy trì, cho nên gây cản trở sự phát triển.”

“Sau 20 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta từng bước chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đứng trước một thực tế đáng báo động là các thị trường đầu vào của nền kinh tế như thị trường đất đai, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường khoa học - công nghệ đều phát triển chậm, không cùng nhịp độ với nền kinh tế. Vì thế, hệ thống các thị trường chưa thể vận hành đồng bộ”.

 “Thêm vào đó, việc xóa bỏ các yếu tố của cơ chế cũ chưa triệt để. Tình trạng bao cấp, độc quyền, chia cắt thị trường và cơ chế bộ chủ quản vẫn tiếp tục tồn tại, kéo dài, cản trở quá trình hình thành cơ chế thị trường lành mạnh”.

Sang nói tiếp : “ Trong một hệ thống thể chế còn thiếu đồng bộ và không ít mặt yếu kém, bất cập như vậy, nền kinh tế thị trường đang được tạo lập khó có thể vận hành thông suốt và hiệu quả. Đây chính là nguồn gốc sâu xa, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp và của sản phẩm Việt Nam chậm được cải thiện.”

 “Trong nền kinh tế mở, để cạnh tranh thắng lợi và khẳng định vị thế trong nền kinh tế thế giới được cấu trúc theo nguyên lý dựa trên lợi thế và luôn tạo ra lợi thế mới (lợi thế động) là yêu cầu bắt buộc. Nhưng trong giai đoạn vừa qua, trên thực tế, nguyên tắc này chưa được coi trọng đúng mức, do vậy dẫn tới chỗ cơ cấu kinh tế chậm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém sức cạnh tranh và hiệu quả thấp.”

 Trong lĩnh vực lao động, Sang bảo : “Cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, chưa cùng nhịp với sự chuyển dịch cơ cấu ngành và yêu cầu nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Đây là vấn đề hết sức lớn của nền kinh tế nước ta. Nó là hậu quả trực tiếp của việc đầu tư nghiêng về các ngành, các dự án dùng nhiều vốn hơn là nhiều lao động, chưa quan tâm đúng mức đến khu vực tạo nhiều việc làm trong nền kinh tế. Về mặt xã hội, sự chuyển dịch này dẫn đến sự gia tăng chênh lệch về cơ hội việc làm và thu nhập, làm cho tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ngày càng tăng lên, gây ra hậu quả xấu trong xã hội.”

 “Trong cơ cấu công nghiệp, một khâu đặc biệt quan trọng là các ngành công nghiệp phụ trợ chưa được quan tâm phát triển. Việc định hướng sử dụng công nghệ chưa được quan tâm, thực chất là còn tự phát. Vì thế, cơ cấu kinh tế không tạo được sự kết nối và lan tỏa phát triển cần có giữa các doanh nghiệp, nhất là giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước…”

CƠ SỞ VÀ CON NGƯỜI
 Khi nói đến các điều kiện cơ bản Việt Nam phải có để phát triển, Sang vạch ra những yếu kém : “ Tình hình này bộc lộ đặc biệt rõ trong thời gian gần đây, khi cơ hội đầu tư và thương mại có khả năng tăng nhanh cùng với sự kiện Việt Nam gia nhập WTO. Chúng ta đang đứng trước một tình thế là: Cơ hội và phát triển càng mở rộng, những điểm yếu của nền kinh tế lại càng bộc lộ rõ. Trong số các điểm yếu đó, sự yếu kém của kết cấu hạ tầng, cả "cứng" lẫn "mềm" là đặc biệt nghiêm trọng. Năng lượng (điện) và hạ tầng giao thông là hai điểm yếu điển hình nhất. Trước viễn cảnh thiếu hụt năng lượng và yếu kém về hạ tầng giao thông, đường sá, cảng biển có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế trong khi quy mô đầu tư đang gia tăng nhanh, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải cân nhắc khi quyết định đầu tư vào nước ta. Vấn đề đang đặt ra cấp bách, để thoát khỏi những điểm tắc nghẽn đó, chúng ta cần rất nhiều vốn, công nghệ và cần có thời gian, đòi hỏi phải tranh thủ thật tốt thời cơ do hội nhập mang lại.”
Về tình trạng thiếu khả năng của đảng viên và cán bộ, Sang không ngần ngại nói thẳng ra : “ Đội ngũ cán bộ, công chức còn thiếu và yếu cả về năng lực chuyên môn, trình độ tin học, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết các tranh chấp thương mại, tư vấn cho doanh nghiệp trong kinh doanh. Lực lượng lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ trọng lớn, số lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao còn thiếu nhiều”

 “Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, sau 10 năm tiến hành cải cách hành chính, những bước tiến đạt được trong lĩnh vực này chưa nhiều. Đây là một phần việc quan trọng của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta.  Sự chậm trễ của cải cách hành chính so với đổi mới về kinh tế làm cho năng lực quản lý của bộ máy hành chính công quyền kém hiệu quả, ảnh hưởng đến quá trình phát triển nền kinh tế. Điều đó càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh nước ta gia nhập WTO.
Theo Sang thì : “ Sáu nhóm vấn đề lớn và cấp bách nêu trên mà nền kinh tế đang phải đối mặt gắn kết với nhau, tạo thành thách thức bao trùm. Vì thế, nhanh chóng vượt qua thách thức với các nội dung cụ thể như vậy cũng là nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của giai đoạn tới.”

Những lời cảnh báo đen thui của Nguyễn Sinh Hùng và Trương Tấn Sang  cho thấy sau hơn 20 năm được gọi là Đổi mới, đảng và Nhà nước CSVN vẫn chưa lột  được xác đề làm con người mới.  Cách nghĩ và cách làm của đội  ngũ cán bộ, đảng viên vẫn cũ mòn, hủ lậu, chậm tiến, rụt rè vì những người đứng đầu chưa chịu thay đổi tư duy cầm quyền.

Nguyên do sợ thay đổi sẽ mất quyền, mất lợi, mất bạn bè, mất tình đồng chí nên lãnh đạo cứ quanh co nói dối nhân dân như sẽ “nói và làm”, nhưng cứ ì ra đấy  rồi cũng xong !

Điều được gọi là “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước”  và “cải tổ hành chính”, được quyết định bởi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng  năm 2006, đã chứng minh cũng chỉ là những lời nước bọt nói cho vui miệng mọi người.

Thời gian hơn một năm thực hành Nghị quyết của đảng X đã qua mà chưa đem lại kết qủa nào rõ rệt đủ  sức làm đòn bẩy thay đổi nên Ban Chấp hành Trung ương  đã  phải cấp thời  họp kỳ V,  vừa kết thúc hôm 14-7 (2007), để bàn lại chủ trương “đổi mới” phương thức lãnh đạo của đảng.

Nhưng liệu với những con người cũ Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng tiếp tục cầm quyền với Nông Đức Mạnh, người chưa chứng minh  được là một Lãnh đạo xuất sắc sau khóa đảng IX (2004-2006), thì tình hình kinh tế rối như tơ vò hiện nay  sẽ đưa đất nước  thoát ra ngõ nào  hay sẽ  tiếp tục lôi dân chũi đầu xuống cát  " -/-

07-07

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong kinh Pháp Hoa, có phẩm “Dược thảo dụ” trong đó đức Phật so sánh căn cơ nhận thức và thấu hiểu Phật pháp của chúng sanh như cây cỏ trong rừng
LƯ THỊ THU DUYÊN, gia đình diện chính sách, có công với chế độ, hiện tôi đang ngụ tại 77/13B Trần Bình Trọng, Phường 1, Quận Gò Vấp, Thành phố Sài Gòn
Cách đây mấy năm, tôi được một người bạn xếp đặt để đi thăm bức tranh mắc tiền nhất thế giới
Những lúc gần đây báo chí tại hải ngoại hay đề cập đến vấn đề thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam và Trung quốc thường bị nhiễm chất cấm hoặc không đáp ứng đầy đủ
Trong thời gian gần đây, trong một số các cuộc tranh luận liên quan đến tự do báo chí
Sau gần một tháng trời đoàn người dân oan gần 20 tỉnh thành phía Nam đã phải sống cảnh màn trời chiếu đất, dầm mưa dãi nắng
Dùng thủ đoạn có thành công không hay chỉ thất bại" Thành công trong trường hợp nào và thất bại trong trường hợp nào"
Tình trạng một số người dân tập trung về Sài Gòn và Hà Nội khiếu kiện vượt cấp diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng
Chúng tôi xấu hổ vì Việt Nam có ĐCS, chúng tôi tự hào vì Việt Nam có Nguyễn Vũ Bình".
Mùa hè trong nước đang nóng, cái nóng nung người nóng nóng ghê! Thời sự trong nước cũng nóng, nóng nóng ghê, nóng dồn dập
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.