Hôm nay,  

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Chính Sách Đối Ngoại Vatican

12/04/200700:00:00(Xem: 11249)

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Chính Sách Đối Ngoại Vatican  Từ Tháng 04.2005 Đến 04.2007

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI trong buổi Thánh lễ ngày Chủ Nhật 22nd August 2005 tại Marienfeld, Đức - AFP PHOTO

   Như chúng ta biết, sau Thánh Lễ an táng cố ĐGH Gioan Phaolô II (John Paul II), qua đời ngày 02.04.2005, Tiến Sĩ Navarro Valls, phát ngôn nhân của giáo hội trong cuộc họp báo hôm 16.4.05 thông báo những điều lệ và quy định liên quan đến Mật Viện và cuộc bầu cử Tân Đức Giáo Hoàng. Theo luật lệ bầu Tân Đức Giáo Hoàng được Giáo Hội Ki Tô giáo ấn định thì cuộc bầu cử phải tiến hành sớm nhất là 15 ngày và trể nhất là 20 ngày sau khi ĐGH mất, vị chi phải hoàn tất ngày 22.04.2005.

Hội đồng Hồng Y gồm 111 Hồng Y thuộc 52 quốc gia khác nhau đã lui vào mật viện vào chiều thứ hai ngày 18.4.05 sau khi cử hành lễ cầu nguyện cho Cố Giáo Hoàng John Paul II vào lúc 10 giờ tại đền thờ Thánh Phê Rô và làm lễ tuyên thệ trong nhà nguyện vào lúc 16h30 là tất cả thề giữ bí mật, không đựợc tiết lộ các chi tiết liên quan đến cuộc bầu cử Tân Giáo Hoàng. Trong lần bầu cử kỳ này, ngày đầu tiên thất bại. Sang ngày thứ hai, 19.4.05 cũng thất bại sau 2 lần bầu cử kín vào buổi sáng. Nhưng sau 26 giờ họp mật và 5 lần bỏ phiếu kín, Hội Đồng Hồng Y đã bầu xong Tân Giáo Hoàng.

Đúng 17 giờ 50 phút khói trắng bốc ra từ ống khói nhà nguyện Sistine báo hiệu cho biết là giáo hội đã có một Tân Đức Giáo Hoàng. Khoảng 15 phút sau thì chuông nhà thờ đổ vang xác nhận cuộc bầu cử đã xong dưới sự vỗ tay vui mừng của du khách về đây hành hương. Khoảng 18h30, Hồng Y Jorge Medina Estevez, người Chí Lợi thông báo cho biết là Hồng Y Josef Ratzinger được bầu vào chức Tân Giáo Hoàng thứ 265, kế vị Cố ĐGH John Paul II và gần 19 giờ thì Tân Giáo Hoàng Benedikt XVI xuất hiện trước ban-công đền thờ thánh Phê Rô để ra mắt tín hữu và du khách hành hương, trước sự vỗ tay vui mừng của họ.

•* Tiểu sử Đức Giáo Hòang Benedikt XVI:

Tân Giáo Hoàng Benedikt XVI là người Đức, được bầu làm ĐGH thứ 265 của Giáo Hội La Mã, dẫn đầu hơn 1,1 tỉ tín đồ trên thế giới. Trước Ngài đã có 7 ĐGH gốc Đức đó là các Đức Giáo Hoàng Greogro V (996-999), ĐGH Clemens II (1046-1047), ĐGH Damasus (chỉ tại vị được có 23 ngày, từ 17.7.1048-09.8.1048,), ĐGH Leo IX (1049-1054), ĐGH Viktor II (1055-1057), ĐGH Stephan IX (2.8.1057-29.3.1058) và ĐGH Hadrian VI (09.1.1522-14.9.1523).

ĐGH Benidikt XVI tên thật là Josef Ratzinger, sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927 tại Marktl am Inn, một làng nhỏ chỉ có 2700 ngàn dân, nằm cạnh biên giới Áo, gần tỉnh Altoetting thuộc tiểu bang Bayern (Bavière) miền Nam nước Đức. Marktl là khu di dân được Bá Tước Graf von Leonberg lập ra vào thế kỷ thứ 13, được xem như là dinh cơ của vị Bá Tước này.

Năm 1422 trở thành thị xã nhỏ và kể từ năm 1677 Marktl mới có một vị Linh Mục đầu tiên riêng cho tín đồ trong làng. Ratzinger là con của một hiến binh (Gendarme) và có một người anh hiện cư ngụ tại thành phố Regensburg. Thưở thiếu thời Ngài sống tại tỉnh Traustein. Ngay từ khi còn ấu thơ Ngài đã có ước nguyện muốn trở thành Hồng Y (Kardinal). Năm 1946 Ngài theo học tại Đại Học Triết và Thần Học tại Freising và sau đó học ngành Triết và Katholische Theologie (Triết lý Thiên Chúa Giáo) tại Đại Học Muenchen.

Năm 1951 Ngài được thụ phong làm Linh Mục. Hai năm sau, vào năm 1953 Ngài lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học (Dr. Theol.) với luận án "Volk und Haus Gottes Augustins Lehre von der Kirche" (xin tạm dịch là Dân Tộc và Nhà Chúa qua học thuyết Thiên Chúa Giáo của Augustin). Bốn năm sau (1957) Ngài nộp luận án (Habilitation) nhận chức Giảng Sư Đại Học (Universitaetsprofessor) khi vừa mới được 30 tuổi.

Năm 1959, Ngài được mời về làm Giảng Sư (GS) về Giáo Điều ngành Thần Học tại Đại Học (ĐH) Bonn, kế tiếp là GS ở Đại Học Muenster (1963), ở Tuebingen (1966) và Đại Học Regensburg (1969). Ngày 28.5.1977, Ngài nhận được thư do chính tay ĐGH Paul VI viết bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục địa phận Muenchen và Freising, một điạ phận lớn thứ nhì sau Koeln tại Đức, 8 tháng sau cái chết đột ngột của Hồng Y Doefner không có người thay thế lãnh đạo. Chỉ 4 tuần sau đó Ngài được thụ phong chức Hồng Y khi còn rất trẻ, vừa mới 5o tuổi và là chuyện ít xảy ra theo luật giáo hội. Điều này cho thấy rằng ĐGH còn muốn giao cho ngài vài trọng trách khác.

Cũng chính trong thời gian này, nếu người viết nhớ không lầm, thì Hồng Y Ratzinger cũng đã giúp đở Cha Theophado Nguyễn văn Bích, cha xứ đầu tiên của Giáo Xứ Việt Nam, trực thuộc Tổng Giáo Phận Muenchen và Freising trong việc xây dựng Giáo phận cho thuyền nhân Việt Nam tị nạn Cộng Sản được chính quyền Đức cho phép định cư ở đây vào cuối thập niên 80.

Năm 1981, Ngài được ĐGH Phao Lồ đệ nhị mời về Vatican để đảm trách chức vụ Tổng Trưởng Tín Lý, một vai trò then chốt trong cấp lãnh đạo giáo hội. Ngài được coi là cố vấn của ĐGH và là chiến lược gia của Toà Thánh, vạch ra hướng đi cho giáo hội. Ngài xem như là Hồng Y thân tín của ĐGH trên phương diện cố vấn ĐGH về giáo điều và đạo đức học (Glaubens- und Sittenlehre) và được xem như là một Hồng Y người Đức duy nhất đã có ảnh hưởng mạnh mẻ đối với Tòa Thánh kể từ thời Martin Luther (1483-1546). Năm 1982, Ngài từ chức Tổng Giám Mục địa phận Muenchen và Freising sau khi ĐGH bổ nhiệm ngài làm thành viên trong Ủy Ban Giáo Hoàng, đặc trách về đối ngoại cho giáo hội.

Ngoài các chức vụ trên, Ngài còn giữ thêm những chức vụ khác như chủ tịch Ủy ban thần học quốc tế và Uỷ ban giáo hoàng về ban kinh thánh. Năm 1993, Ngài được bầu làm Kardinalbishof (xin tạm dịch là Hồng Y Giám Mục) và từ đó được xem như là một trong 6 vị Hồng Y có địa vị cao nhất trong giáo hội. Năm 1996 Ngài được các Hồng Y bầu làm Praefekt (Prefect) của giáo đoàn chuyên đặc trách về giáo điều (Glaubenslehre) và kể từ năm 2002 Ngài là Chủ Tịch (Dekan) Hồng Y Đoàn Toà Thánh Vatican.

Ngày 19.4.2005 Ngài được bầu làm Giáo Hoàng, lấy danh xưng là Benedikt XVI.

Tân Giáo Hoàng Benedikt XVI là một con người khả aí và tế nhị, rất thông minh nhưng bình dị. Ngoài chuyện Ngài là nhà Thần học và là Giảng sư Đại Học tên tuổi trên thế giới, Tân Giáo Hoàng Benedikt XVI còn biết nhiều ngoại ngữ khác ngoài tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ như tiếng Ý, Anh, Pháp và Tây ban Nha. Ngài còn thích nhạc Mozart và Beethoven, yêu thơ và thương thú vật (mèo), đánh đàn Piano, không uống rượu nhưng Ngài lại thích uống nước Orangen-Limo.

Lễ đăng Quang Tân Đức Giáo Hoàng Benedikt XVI đã được tổ chức rất trọng thể vào ngày Chủ Nhật 24.4.2005 tại Peterplatz, trước đền thờ Thánh Phê Rô với sự hiện diện của hơn 300 ngàn tín hữu và đại diện chánh quyền từ khắp nơi trên thế giới về Rom tham dự như Ông bà Thủ Tướng Ý Berlusconi, Phó TT Mỹ Dick Cheney, Vua Tây Ban Nha Juan Carlos và Prinz Philip, đại diện Nữ Hoàng Anh, Jeb Busch, Thống đốc bang Florida/Mỹ, Đại diện Giáo Hội Chính Thống Giáo (Orthodox)... Từ Đức có Ông Bà Tổng Thống Koehler, Ông Bà Thủ Tướng Schroeder, anh của Tân ĐGH Georg Ratzinger, Ông Bà Thống Đốc bang Bayern, TS E. Stoiber, Ông bà chủ tịch đảng dân chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) TS Angela Merkel. Đặc biệt có phái đoàn từ Marktl là nơi mà ĐGH được sinh ra về tham dự và món quà dành cho ĐGH Benenikt XVI là một phóng ảnh giấy trích lục khai sinh có ghi ngày Ngài rửa tội tại đây.

Nhân dịp này Ngài đã thuyết giảng về một "Giáo Hội sống và Giáo Hội trẻ", đồng thời Ngài cũng còn nhấn mạnh là sẽ thi hành chức vụ của Ngài dựa trên căn bản cùng làm việc và tinh thần lãnh đạo tập thể. Ngoài ra Ngài còn khẳng định rằng "Giáo Hội chống lại bạo lực cũng như lên án những hệ tư tưởng có tính cách độc tài" (gegen Gewalt und verurteilt die totalitaeren Ideologien).

Ngài đã chuyển thông điệp đến tất cả mọi người rằng: "Không phải sự áp bức cứu giải mà chính TÌNH THƯƠNG mới giải thoát được", bởi " Con người luôn mong ước rằng Thiên Chúa cần cho thêm sức mạnh để diệt trừ quỉ sứ, hầu tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn". Ngài còn dạy chúng ta nên biết: "con người không thể từ bỏ được niềm tin. Chỉ có ai còn NIỀM TIN thì người đó mới không cô đơn, ngay cả lúc sống cũng như lúc chết"!

Như đã trình bày ở trên, chỉ sau 26 giờ họp mật và sau 5 lần bỏ phiếu kín, Hội đồng Hồng Y đã bầu xong Tân Giáo Hoàng. Hồng Y Josef Ratzinger (Đức) đã được tín nhiệm vào chức vụ cao quí này. Giới quan sát và chuyên gia phân tích cho rằng giáo hội vẫn còn muốn duy trì và tiếp tục đi con đường của Cố Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ Nhị để lại nên đã chọn Hồng Y Ratzinger làm người kế vị, bởi lẽ trong quá khứ, Tân Giáo Hoàng Benedikt XVI là một cộng sự viên tín cẩn, nhiều kinh nghiệm và đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Vatican cũng như có ảnh hưởng rất lớn đối với cố Giáo Hoàng John Paul II.

Ngay tại quê hương của Ngài, dân chúng Đức rất vui mừng và hãnh diện vì một Hồng Y trở thành ĐGH sau đúng 482 năm; nhưng cũng có vài nhà thần học hay Hồng Y Đức như Hồng Y Lehmann (Koeln) lên tiếng chỉ trích vì sự bảo thủ của Hồng Y Ratzinger trong quá khứ. Họ cũng chỉ trích luôn việc chọn tên Benidikt, vốn hàm chứa tính cách bảo thủ, không muốn cải tổ v.v... Tuy nhiên Tổng Thống và Thủ Tướng Đức, các chính trị gia tên tuổi, chủ tịch các đảng phái Đức nói riêng đều gởi điện thư chúc mừng.

Nhiều quốc gia khác lúc đầu tuy thất vọng vì họ mong đợi có một Tân Giáo Hoàng hoặc gốc Phi Châu hay nếu được, gốc Châu Mỹ La Tinh là nơi chiếm đa số tín đồ trên thế giới với hy vọng là Tân Giáo Hoàng đặc biệt sẽ chú trọng đến các nước nghèo hay chậm tiến hơn; nhưng có lẽ họ cũng nhìn thấy được vấn đề là Tân Giáo Hoàng Benenikt XVI chỉ đảm nhận chức vụ cao cả này trong một thời gian chuyển tiếp ngắn hạn, trong khi chờ đón một giai đoạn mới sau này nên sau đó họ cũng đã lên tiếng ủng hộ.

Tuy vậy vẫn không tránh được những phê phán. Báo chí Anh chạy tít chỉ trích ĐGH Benedikt XVI là sau Hitler lên đến chức Giáo Hoàng, lý do ĐGH Ratzinger năm 1943 từng là người giúp đở trong lực lượng phòng không Đức dưới thời Hitler. Nhưng sử gia Thiên Chúa Giáo Vinzenz Pfnuer, hiện là Giảng Sư tại Đại Học Muenster đã lên tiếng phủ nhận qua nhật báo die Welt. Josef Ratzinger không phải là cảm tình viên của phong trào dân tộc. Đúng hơn Ratzinger phải theo phái đoàn học sinh nội trú tỉnh Traustein khi Ngài mới 16 tuổi lên Muenchen để thụ huấn khoá chống phi cơ địch mà thôi. Chính Hồng Y Lehmann (địa phận Koeln) là người có lập trường chống ĐGH Benedikt XVI cũng đồng quan điểm với GS Pfnuer, không chấp nhận những luận điệu của báo chí Anh muốn ghép Ngài có liên hệ với Hitler, mục đích làm giảm đi uy tín của Ngài.

Chính quyền Trung Cộng thì lên tiếng cho biết rằng họ muốn có một sự liên hệ tốt hơn với Vatican nhưng lại đặt điều kiện là Vatican phải chấm dứt bang giao với Taiwan. Xa hơn nữa Trung Cộng, với 5 triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo còn nói là Vatican đừng nên lợi dụng việc truyền bá, tranh đấu cho tôn giáo mà can thiệp vào nội bộ chính trị của họ!

Trong khi đó thì ngược lại, TT Mỹ G. Busch ngợi khen Tân Giáo Hoàng là nhà thông thái, một nhà thần học tiếng tăm rất xứng đáng trong chức vụ dẫn dắt hơn 1,1 tỉ tín đồ Thiên chúa giáo. Những lời khen tương tự cũng được lên tiếng từ các nhà lãnh đạo các nước ở Âu Châu như Ý, Pháp v.v... và nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới. Từ Phi Luật Tân, Bà Tổng Thống Arroyo lên tiếng nói rằng Giáo Hội đã bầu lên một vị chủ chân xứng đáng dắt dìu Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ…

Dựa vào những lời thuyết giảng trong buổi Lễ Đăng Quang, người ta hy vọng rằng Tân Giáo Hoàng sẽ lưu ý nhiều đến tình hình chính trị và tôn giáo tại các quốc gia còn độc tài đảng trị nói chung vì ĐGH Benedikt XVI vốn xuất thân từ một nước Đức bị chia đôi, từng trải qua thời kì độc tài đảng trị Đức quốc xã, giống như Cố Giáo Hoàng John Paul II đã từng sống qua cảnh đàn áp của CS tại Ba Lan nên đã hiểu rất rõ thân phận con người thiếu nhân quyền của những quốc gia nhược tiểu hay theo chủ nghĩa chuyên chính vô sản và đi từ sự cảm thông này, chính Cố Giáo Hoàng đã từng giúp các phong trào dân chủ tại cố quốc đưa đến sự sụp đổ khối CS Đông Âu vào cuối thập niên 80, hầu như không đổ máu.

Vì thế người ta hy vọng là  Tân Giáo Hoàng Benedikt XVI sẽ tiếp nối con đường của Cố Giáo Hoàng John Paul II, sẽ viếng thăm những nước nhược tiểu trên thế giới nói chung hay CS tại Á Châu, điển hình là các nước ở Phi Châu hay Trung Cộng, Bắc Hàn và Việt Nam, giống như Cố Giáo Hoàng Phao Lồ đệ nhị đã thực hiện tại Cuba vào năm 1998, nhằm hoá giải những bế tắc, nhất là trên phương diện nhân quyền, tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại các quốc gia này.

Mặc dầu Tân ĐGH Benedikt XVI chưa cho biết rõ chương trình làm việc của Giáo Hội nhưng qua những buổi lễ sau khi nhậm chức, Ngài đã kêu gọi trong bài giảng là Giáo Hội Công Giáo do Ngài lãnh đạo sẽ tìm cách hiệp nhất với các giáo hội Thiên Chúa Giáo khác. Ngài muốn đạt được mục tiêu là các giáo hội Thiên Chúa Giáo anh em sẽ mở rộng vòng tay chào đó nhau. Qua thông điệp: "Tôi sẽ làm việc không ngừng nghỉ để gây dựng lại sự hiệp nhất toàn bộ và rõ rệt của những người theo đạo Thiên Chúa. Bày tỏ thiện chí không chưa đủ, chúng ta cần phải chứng tỏ thiện chí mình bằng hành động", Ngài đã xác nhận vai trò của mình. Liền ngay sau khi thông điệp được Ngài phát đi, nhiều đại diện của các cộng đoàn Thiên chúa Giáo và Do Thái Giáo đã lên tiếng ngợi khen thiện chí của Tân Giáo Hoàng.

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Benedikt XVI đã rõ ràng: "NIỀM TIN và TÌNH THƯƠNG" và hãy mở rộng vòng tay chào đón nhau để "CẢM THÔNG và HIỆP NHẤT".

Đó là căn bản có thể thay đổi thế giới tốt đẹp hơn hầu giải thoát được tội ác và diệt trừ quỉ dữ!

Thế giới đang nhìn về La Mã, đang chờ đợi những việc mà Tân Giáo Hoàng sẽ làm sau thời gian nhậm chức. Mọi người, nhất là tín đồ Thiên Chúa Giáo hy vọng Đức Giáo Hoàng Benedikt XVI sẽ tiếp tục đi theo con đường Cố Đức Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ Nhị để lại, đó là: tiếp tục nói chuyện với các tôn giáo bạn!

Ngày 16.04.2007 là ngày sinh nhật 80 tuổi của ĐGH Benedikt XVI, đánh dấu gần 2 năm làm việc kể từ lễ đăng quang. Chúng ta thử nhìn lại một vài sứ mạng chính, đặc biệt liên quan đến chính sách đối ngoại của Vatican đã được Ngài thực hiện trong suốt hai năm qua, từ tháng 04.2005 đến tháng 04.2007.

• Viếng thăm Đại Hội Thanh niên Thế Giới tại Koeln:

Koeln (Cologne):  Là người kế vị cố ĐGH Paul II nên ĐGH Beneditkt16 đã sang Koeln  tham dự đại hội thanh niên thế giới tổ chức tại Đức mà vị tiền nhiệm đã muốn thực hiện. Nhân dịp này  vị lãnh đạo Toà Thánh Vatican, là vị Giáo Hoàng thứ hai của giáo hội công giáo đã đến thăm 1 đền Do Thái Giáo đặt tại thành phố Koeln, một ngôi đền đã được tái thiết lại sau khi bị Đức Quốc Xã tàn phá trước đây.

Trong lần thăm viếng này, Ngài nói "Đáng buồn thay, ngày nay chúng ta chứng kiến những dấu hiệu mới của khuynh hướng chống Do Thái Giáo..” Theo lời Ngài, chúng ta cần phải tìm hiểu nhau nhiều hơn, và nên đề cao cảnh giác. Đức Giáo Hoàng Benedict 16 đứng lặng lẽ trong nghi thức cầu nguyện cho 6 triệu người Do Thái bị giết trong Thế Chiến 2.

Giáo sĩ Netanel Teitlebaum mô tả cuộc viếng thăm của ĐGH Benedikt XVI là một bước tiến tới hòa bình giữa các dân tộc. Giao tiếp với Do Thái Giáo và Hồi Giáo chính là chủ đề của ĐGH Benedikt trong chuyến công du đầu tiên của Ngài.  Ngài nói "Tuy đã có tiến bộ, nhưng cần làm nhiều hơn nữa".

Cuộc viếng thăm của ĐGH Benedict đã xoa dịu phần nào sự tranh chấp giữa Vatican và Israel, phát sinh từ lời tuyên bố của chính phủ Israel rằng Ngài đã không nói tới các vụ đánh bom ở Israel khi lên tiếng kết án chủ nghĩa khủng bố.

Đức Giáo Hoàng nói rõ "Người Do Thái Giáo và người Thiên Chúa Giáo đều công nhận tổ phụ Abraham, và cùng tìm hiểu những răn dạy của tiên tri Moi-se và các tiên tri".

Ngài nói: “Cần cải thiện các quan hệ để bạo hành không tái diễn” và Ngài tiếp: "Đối thoại phải chân thành, không hoa mỹ và coi thường các bất đồng, cần phải tôn trọng lẫn nhau và yêu thương nhau".

Đại hội Thanh niên thế giới 2005  có hàng trăm ngàn giới trẻ từ 200 nước về tham dự. Thánh lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ XX, được tổ chức trên sân cỏ Marienfeld tại thành phố  Koeln có gần 800.000 thanh thiếu niên trên toàn thế giới tham dự, được các cơ quan truyền thông truyền đi khắp thế giới cũng như được mọi người theo dõi.

Điều làm người Việt tị  nạn ngạc nhiên và  vui mừng là bỗng dưng xuất hiện trên Ti-Vi LÁ CỜ VIỆT NAM CỘNG HOÀ, cờ VÀNG BA SỌC ĐỎ, LÁ CỜ CHÍNH NGHĨA TUNG BAY TRONG ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ XX TẠI KOELN, sau Vương Cung Thánh đường trên đền thánh.

Tôi nói riêng rất vui mừng, xúc động khi nhìn thấy lá cờ thân yêu tung bay nơi đền thánh. Lá cờ VNCH thật lớn, đã ngạo nghễ tung bay phất phới sau bàn thờ, nơi Đức Thánh Cha Bênêđicto XVI cử hành Thánh Lễ ngoài trời.

Vâng, lá cờ vàng đã tung bay đúng vị trí chính nghĩa của nó: Cờ vàng ba sọc đỏ tượng trưng cho chính nghĩa, vì cờ vàng ba sọc đỏ tượng trưng cho sự bảo vệ nhân quyền, nhân phẩn và gía trị của con người Việt Nam; Cờ vàng ba sọc đỏ biểu tượng cho tình thương và tha thứ.

Đúng vậy! Cờ vàng ba sọc đỏ có chỗ đứng chính đáng của nó nơi Vương Cung Thánh đường, biểu tượng sự yêu thương và sự hiến dâng. Cả hoàn vũ đã nhìn thấy lá cờ VNCH.  Đây là một hãnh diện cho người Việt lưu vong nói chung và cũng may là cờ đỏ sao vàng không được tung bay tại đây! Hơn ai hết, người Việt chúng ta đã biết là cờ đở sao vàng tượng trưng cho sự gian ác, giả dối và lường gạt. Những người đứng sau biểu tượng cờ đỏ, họ chỉ tuyên truyền cho sự hận thù, oán ghét và cướp bóc nên mới có hơn ba triệu người Việt liều chết bỏ nước ra đi tìm tự do,  làm chấn động cả thế giới, làm người ta mới biết thêm bề trái của những người cộng sản, cho nên cờ đỏ sao vàng không xứng đáng để tung bay nơi thánh đường, nơi thánh thiện được và đã nhường chỗ đứng, vinh dự này cho lá cờ chính nghĩa và có lẽ đây là thông điệp của Thiên Chúa muốn chuyển đạt cho toàn thế giới biết! 

Lá Cờ Vàng Lịch Đức Giáo Hoàng là hình ảnh lịch sử, khi cả tỉ người trên thế giới theo dõi buổi lễ ngoài trời của Đức Giáo Hoàng đã nhìn thấy nó tung bay trên sân khấu của ban tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2005, lá đại kỳ màu vàng của Việt Nam Cộng Hòa đã phất phới bay ngay sau ghế của Đức Giáo Hoàng Benedikt XVI, chỉ cách Ngài vài bước. Điều hết sức huy hoàng là lá cờ vàng ba sọc đỏ được dựng ngay giữa sân khấu, do một thanh niên cầm, ở vị trí trang trọng nhất so với 5 lá cờ cùng trên sân khấu. Chưa rõ lá cờ vàng, được ban phép lành này thuộc về đoàn giáo dân Việt từ nước nào về Cologne tham dự, và do những cơ may nào mà lá cờ VNCH được ở vào vị trí trang trọng nhất trên sân khấu, sau ghế Đức Giáo Hoàng".

* Đức Giáo Hoàng thăm Ba Lan, Giáo Dân Nồng Nhiệt Đón

WARSAW - Dân chúng Ba Lan dành cho vị Giáo Hoàng sinh quán Đức một cuộc nghênh đón nồng nhiệt khi Ngài tới thủ đô Warsaw trong chuyến viếng thăm 4 ngày để vinh danh cố Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II và xa hơn nữa, góp phần hàn gắn các vết thương trong quá  khứ do Đức quốc Xã còn để lại sau thế chiến giữa 2 dân tộc Ba Lan và Đức.

Tổng Thống Kaczynski, đội quân danh dự và khoảng 1000 người chờ đón nhà lãnh đạo Công Giáo thế giới tại phi trường trong khi những người khác thì cầm cờ Vatican chào đón Ngài dọc đường dẫn vào thành phố.

Bài hát "The Barge" mà cố Giáo Hoàng Gioan Phao Lô đệ nhị  ưa thích vang lên cho thấy vị cố Giáo Hoàng vẫn còn hiện hữu tại đây, kể từ ngày Ngài giã từ dương thế.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã thăm    nguyên quán của vị tiền nhiệm và trại tập trung Auschwitz-Birkenau, nơi từng giam giữ khoảng 1 triệu rưỡi người, đa số là người Do Thái.

Cũng nhắc lại, năm 2005, Ngài đã ghé thăm một đền Do Thái Giáo tại thành phố Koeln (Cologne-Đức) - nhưng chuyến thăm trại tập trung Auschwitz có ý nghĩa hơn đối với một  người Đức đã có lần phục vụ trong đoàn thanh niên Hitler

Đức Giáo Hoàng Benedikt đã cử hành thánh lễ ngoài trời thu hút khoảng 270 ngàn tín hữu tại Warsaw, thủ đô Ba Lan, quê hương Ngài tiền nhiệm, nơi mà Đức Giáo Hoàng John Paul 1979 đã lên tiếng  khuyến khích họ chống lại giới cầm quyền cộng sản đã gây kích động đồng bào Ba Lan. Năm 1980 Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan ra đời và 10 năm sau, 1989 chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ. Hiện nay Ba Lan là một nước dân chủ, thành viên của Liên Hiệp Âu Châu kể từ tháng 5-2004.

Tuy có ít người hơn dọc các đường phố dẫn vào Warsaw chào đón, so với số lượng hàng trăm ngàn người đã tới đón cố Giáo Hoàng John Paul II trước đây, nhưng những người Ba Lan đón mừng Tân Giáo Hoàng người Đức tại phi trường đã bày tỏ vui mừng và hài lòng khi ngài đọc bài diễn văn mới tới bằng tiếng Ba Lan rõ ràng.

Chuyến đi của Tân Giáo Hoàng Benedikt đã giúp xóa bỏ nghi ngại tại Ba Lan về Ngài và Đức Quốc, một nước đã giết nhiều người Ba Lan và Do Thái trong thời gian Đức quốc xã có đạo binh chiếm đóng Ba Lan thời Thế Chiến 2. Để tránh sơ suất và  hiểu lầm có thể  xảy ra, ĐGH Benedikt tế nhị đã tránh nói Đức Ngữ, ngoại trừ lúc ngài cầu nguyện vào chủ nhật tại trại tử thần phát xít ở Auschitz.

* Đức Giáo Hoàng về thăm quê hương:

Hơn một năm sau chuyến công du thăm Koeln nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế giới lần thứ XX, ngày 09.09.06 Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Benedikt XVI bắt đầu chuyến thánh du 6 ngày về vùng đất quê hương Bayern (Baviere) của Ngài, thuộc miền Nam nước Đức.

Tổng thống Đức Horst Koehler và Thủ tướng Angela Merkel đều về Munich chào đón vị giáo hoàng đồng hương. Từ tuần lễ trước đó, cảnh sát đã chuẩn bị sẵn sàng, nhất là vấn đề an ninh để nghênh tiếp Đức Giáo Hoàng và khoảng nửa triệu người đổ về thành phố Muenchen. Đây là nơi Đức Giáo Hoàng từng trải qua một thời gian dài làm việc, kể từ khi được tấn phong linh mục cho tới lúc trở thành Hồng Y.

Tổng thống Horst Koehler cùng phu nhân đã đón tiếp ngài tại phi trường FJS Muenchen ngày 09.09.06. Tháp tùng TT Koehler còn có vợ chồng Ts Stoiber, đương kim Thống Đốc tiểu bang Bayern. TT Koehler, một người theo đạo Tin Lành đã kêu gọi Đức Giáo Hoàng nối lại những mối giây liên lạc giữa hai giáo phái với nhau. ĐGH Benedikt 16 luôn luôn đặt việc ngồi lại giữa Thiên Chúa giáo và Tin Lành là mối ưu tiên hàng đầu, dầu vậy có nhiều người theo đạo Tin Lành ở Đức vẫn cho rằng ngài không chú ý đến họ, mà chỉ chủ ý đến Giáo hội Chính Thống giáo tại Anh quốc.

Thành phố thăm viếng đầu tiên của Ngài là Muenchen, thủ phủ của tiểu bang Bayern. Đây là chuyến thăm Đức thứ hai của ĐGH Benedikt XVI kể từ khi đăng quang vào tháng 4 năm 2005 vừa qua. Như tòa thánh Vatican cho biết thì chuyến đi lần này có tính chất riêng tư. Đức Giáo Hoàng Benedikt 16 đã tâm sự với truyền hình Đức rằng ngài muốn về thăm lại quê hương, những nơi và thân nhân, bạn bè đã cùng ngài khôn lớn, đã có bao nhiêu kỷ niệm với Ngài trong quá khứ, đồng thời để cảm ơn họ.

Chuyến thăm Đức đánh dấu lần thứ tư Ngài công du ra ngoài Vatican, tất cả đều ở Châu Âu. Ngoài Munich ra, Đức Giáo Hoàng còn tổ chức lễ cầu nguyện ở Altoeting, Marktl-am-Inn là nơi chôn nhau cắt rún và Regensburg, nơi mà ngài từng làm Giảng sư (Uni-Prof.) về thần học. Ngày 13.09 ngài ghé thăm anh trai Georg Ratzinger, cũng là Linh Mục nhưng đã về hưu ở Regensburg và hai anh em cùng đi viếng mộ cha mẹ và người chị được chôn tại vùng này. Ngày cuối cùng trong chuyến đi thăm quê hương 6 ngày, ĐGH Benedikt XVI đã ghé thăm thành phố Freising, nơi mà Ngài theo học đại học cũng được thụ phong Linh Mục và sau đó được tấn phong làm Tổng Giám Mục địa phận Muenchen và Freising (1977), trước khi đáp máy bay về lại Rom.

Người tiền nhiệm của ngài là Giáo Hoàng John Paul II nổi tiếng vì đi thăm gần như khắp toàn cầu khi còn tại thế. Còn đương kim Giáo Hoàng Benedict 16 cho biết là ngài chưa bao giờ cảm thấy có đủ sức khỏe để vạch kế hoạch cho nhiều chuyến đi dài.

Trong bài diễn văn đầy xúc động ở phi trường Muenchen, Cựu Hồng Y Joseph Ratzinger nói rằng trong ngài vẫn còn rất nhiều những kỷ niệm ở Muenchen và Regensburg nay đang đổ dồn về, những kỷ niệm với nhiều người và bao nhiêu sinh hoạt mà ngài không bao giờ quên được. Sau khi đọc một bài diễn văn ngắn ở trung tâm thành phố, Đức Giáo Hoàng đã đến cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Đồng Trinh được xây cất vào năm 1638 để cám ơn thành phố Muenchen không bị tàn phá trong cuộc chiến kéo dài 30 năm. Ngài đã tiếp xúc và nói chuyện với những chính trị gia mà ngài quen biết khi còn phục vụ tại thành phố này. Đức Giáo Hoàng từng cho biết là ngài muốn dựng lại niềm tin với Giáo hội Thiên Chúa giáo vốn đang mất dần những ảnh hưởng đối với những người theo đạo Tin Lành trong những thập niên vừa qua tại Đức.

Trong lần về  thăm quê cũ, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã thực hiện thánh lễ ngoài trời tại Munich, thủ phủ của tiểu bang Bayern (Bavìere) hôm 10.9.06. Ngài nói trước 250,000 tín đồ là thế giới hiện đại đang trở nên “điếc trước lời Chúa,” và than phiền về sự “giễu cợt thánh linh” lấy cớ  “tự do ngôn luận”. Ngài nói Tây Âu cần trở về gốc Công Giáo. Hiện thời thì tại Đức Quốc, Giáo Hội Công Giáo Đức mỗi năm mất khoảng 100.000 giáo dân và chỉ có 14% tín đồ dự Thánh Lễ mỗi chủ nhật. Tại thành phố Altoeting có khoảng 60 ngàn và ngay tại Regensburg có trên 250 ngàn tín đồ tham dự thánh lễ do Ngài chủ trì. Riêng tại Marktl am Inn, một làng nhỏ với dân số chưa tới ba ngàn đã có đến hơn 10 ngàn tín đồ hiện diện, không ngoài mục đích trực tiếp chào đón Đức Giáo Hoàng, vốn là người đồng hương của họ.

Nói chung, cuộc viếng thăm của ĐGH Benedikt XVI đã thành công trên nhiều phương diện. Sự bảo vệ an ninh rất chu đáo nên chẳng có gì đáng tiếc xảy ra. Riêng trên phương diện truyền bá tôn giáo thì qua cuộc viếng thăm trên đã ảnh hưởng không ít đến quần chúng Đức và Giáo Hội hy vọng dân Đức sẽ đến và trở lại với Thiên chúa, điều mà ĐGH đạt nhiều hy vọng trước khi Ngài về thăm quê hương. Chỉ tiếc một điều là trong bài giảng tại Đại học Regensburg, tuy rằng từ khi lên làm ĐGH đến nay ngài luôn cổ động liên kết với các tôn giáo bạn nhưng qua lời trích đã gây ngộ nhận làm cho các theo hồi Giáo nỗi giận và yêu cầu ngài phải xin lỗi. Lý do, trong bài phát biểu tại Đại học Regensburg, ĐGH Benedikt 16, gốc Đức phân tích những sự khác biệt về lịch sử và triết học giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo cũng như mối quan hệ giữa tín ngưỡng và bạo lực.

Nhấn mạnh rằng đây không phải là lời nói của mình, Ngài đã trích lời hoàng đế Manual II Paleologos từ thế kỷ 14 của đế chế Byzantine, triều đại Chính thống giáo đặt kinh thành ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Lời của vị hoàng đế này là: “Hãy chỉ cho ta Mohammed đã mang lại cái gì mới mẻ, và các vị sẽ chỉ tìm thấy những điều độc ác và phi nhân tính, mệnh lệnh của ông ta là truyền bá tôn giáo của mình thanh kiếm”. Dựa vào đó, báo chí và đài truyền hình Thổ ầm ỉ nói rằng ĐGH Benedikt XVI "liên kết Hồi Giáo với khủng bố" và kêu gọi Đức Thánh Cha phải rút lại nhận xét, và chính thức đưa ra lời xin lỗi Hồi Giáo. Mặc dầu bà thủ tướng Đức, Angela Merkel và nhiều chính khách khác lên tiếng bênh vực ĐGH cũng như phát ngôn viên của Vatican, Frederico Lombardi đã tìm cách giải thích và  khẳng định rằng ĐGH không hề có ý phê phán đạo Hồi, không có ý định đánh giá một cách kỹ lưỡng Jihad và quan điểm của người Hồi giáo về khái niệm này, lại càng không có ý định xúc phạm đến những tín đồ Hồi Giáo nhưng vẫn không xoa dịu được sự phẫn nộ của các quốc gia vùng Trung Đông, Thổ và Ấn Độ v.v... nên cuối cùng, ngày 16.09.2006 ĐGH chính thức lên tiếng là Ngài lấy làm tiếc đã đưa đến sự ngộ nhận trên, điều mà ngài không bao giờ muốn, không ngoài mục đích đánh tan đi phần nào sự nỗi giận của thành phần hồi Giáo quá khích cũng như không muốn gây thêm trở ngại cho chuyến công du Thổ nhĩ Kỳ, một quốc gia hầu hết theo đạo Hồi vào tháng 11.2006.

• * Đức Giáo Hoàng Benedikt 16 thăm Thổ nhĩ  Kỳ:

Đức Giáo Hoàng viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 28-11 đến 1.12.06. Trước đó cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một người tên Ibrahim Ak, 26 tuổi đã nổ súng bên ngoài Lãnh Sự quán Ý tại Istabul để phản đối chuyến thăm của ĐGH Benedict 16 nói trên. Không có ai bị thương trong vụ nổ súng này, liên quan đến bài phát biểu của ngài tại một đại học ở Đức hồi tháng 9. Phát biểu của Ngài bị hiểu lầm cho là bôi lọ Tiên tri Mohammad và phỉ báng đạo Hồi, dấy lên làn sóng phản đối lan rộng tại các nước Hồi. Tuy Đức Giáo Hoàng Benedict sau đó đã bày tỏ xin lỗi, nhấn mạnh ngài không cố ý nói những điều gây đụng chạm đến người Hồi Giáo và kêu gọi đối thoại giữa Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo nhưng vẫn bị các nhóm Hồi Giáo quá khích lên án. Ngay cả Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoga muốn tránh gặp Đức Giáo Hoàng.

Chuyến viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ của Đức Thánh Cha được Tòa Thánh loan báo nhằm 3 mục đích: viếng thăm mục vụ, viếng thăm đại kết với các Giáo hội Kitô và là chuyến viếng thăm đối thoại với thế giới Hồi giáo.

Thổ Nhĩ Kỳ là miền đất đã từng được gọi là "Thánh Địa của Giáo Hội". Vì sự chống đối Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI nên chính quyền Ankara tăng cường an ninh, đã tổ chức bảo vệ chuyến đi của lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo La Mã thật là chặt chẽ, trong nỗ lực không để cho bất cứ một việc nhỏ đáng tiếc nào xảy ra. Theo nhận xét của các nhà quan sát, ngay cả về phía Tòa Thánh cũng thế, xem đây là một chuyến đi hòa giải rất cần thiết nên mọi hành động, ngôn từ trong các bài diễn văn của Đức Thánh Cha đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, ra tận phi cơ đón Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI, sau đó hội kiến với Ngài trong khoảng 20 phút,. Sau đó ĐGH đã gặp đại diện các tôn giáo và bộ trưởng bộ Tôn Giáo Thổ. Trong dịp này, ĐGH đọc một diễn văn quan trọng liên quan đến Hồi Giáo.

Sau cuộc tiếp xúc với đại diện các tôn giáo, Ngài đã gặp gỡ ngoại giao đoàn vào buổi tối cùng ngày. Sáng ngày 29.11.06, tại Êphêsô, ĐGH cử hành thánh lễ mà phần chính yếu trong ngày là buổi tiếp đón Đức Thánh Cha tại Vương Cung Thánh Đường St. George do Tòa Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo Constantinople tổ chức. Sau buổi tiếp đón, ĐGH đã hội đàm với Đức Thượng Phụ Đại Kết Barthôlômêô I. Ngày 30.11.2006, Ngài và Đức Thượng Phụ cử hành Phụng Vụ Thánh tại Vương Cung Thánh Đường St. George. Sau bài giảng của Đức Thánh Cha là phần công bố Tuyên Ngôn Chung Công Giáo-Chính Thống Giáo và cầu nguyện chung với Đức Thượng Phụ Mesrob II tại Vương Cung Thánh Đường của Giáo Hội Armenia Tông Truyền..

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI tuyên bố ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Đức Giáo hoàng kêu gọi đối thoại thực sự giữa người Cơ đốc và người Hồi giáo, yêu cầu lãnh đạo các tôn giáo từ chối ủng hộ mọi hình thức bạo lực nhân danh đức tin. Đức Benedictô XVI được giáo sĩ Hồi giáo lo về các vấn đề tôn giáo, Ali Bardakoglu, tiếp đón long trọng. Đức Giáo Hoàng nói rằng niềm tin vào một Thượng Đế của Thiên Chúa Giáo và Hồi giáo đã tạo căn bản hợp tác giữa hai tôn giáo. Trong cuộc nói chuyện với các nhà ngoại giao tại Ankara, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ sự quan ngại về các cuộc xung đột ở Trung Đông ngày càng gia tăng, tác động nguy hiểm đến mọi sinh hoạt của các cộng đồng. Đức Thánh Cha kêu gọi các bên liên hệ mở đối thoại chân thành nhằm tìm ra các giải pháp chính trị có thể được các bên chấp nhận. Ngài cũng nói với các nhà ngoại giao tại Ankara rằng chủ nghĩa khủng bố và các cuộc xung đột cấp vùng cho thấy rõ sự cần thiết của sự gìn giữ hòa bình của quốc tế mạnh mẽ và có hiệu quả.

Đức Giáo Hoàng đã đến thăm Ephesus, nơi Đức Mẹ Đồng trinh Maria đã sống những năm cuối đời. Tại đây, Ngài cử hành Thánh Lễ ngoài trời, gần đền thờ Đức Trinh Nữ Maria được người Công giáo rất kính yêu. Nhưng vì lý do an ninh chỉ có 250 người được cho phép tham dự. Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha ra phi trường Istanbul. Tại đây sẽ có nghi thức chào tạm biệt, trước khi Đức Giáo Hoàng Benedikt XVI lên phi cơ trở về Vatican.

* Papst tìm cách đến gần Trung Cộng

Vatican (KNA): Đức Giáo Hoàng Benedikt XVI vừa bất ngờ truyền đi một tín hiệu nhằm giải hoá những khó khăn của Giáo Hội với Trung Cộng. ĐGH Benenikt đã phong tặng (bổ nhiệm) 4 vị Linh Mục của Trung Cộng vào Hội Đồng Thánh Giáo Tổng Giám Mục Thế Giới ở Roma. Có ba trong 4 vị Linh Mục nói trên được nhà nước Trung Cộng thừa nhận. Sự bổ nhiệm của Giaó Hội La Mã đối với các “Tổng Giám Mục yêu nước”  vào Hội đồng Giám Mục thế giới là chuyện hi hữu có một không hai từ trước đến nay. Tại Trung Cộng hiện có hai “giaó hội” khác biệt nhau.  Một do những Linh mục quốc doanh, thiên về chính quyền Bắc Kinh do những Linh mục được gọi là “có tinh thần yêu nước” lập ra và lãnh đạo; Và một rất trung thành, đi theo đường lối của Tòa thánh Vatican, được CS Trung Hoa ghép vào thành phần “hoạt động bí mật chống đối nhà nước”. Cho đến ngày nay, những Linh Mục trong nhánh thuộc thành phần chống đối  thường xuyên bị nhà nước giám thị, theo dõi. Nhiều vị đã và đang bị giam giữ rất lâu (giống như CSVN đang giam giữ các Mục sư Tin Lành, Linh mục Thiên Chúa Giáo, Đại diện PGHH và quí vị lãnh đạo tinh thần của GHPGVNTN, những người không thuộc thành phần quốc doanh hay ủng hộ nhà nước!).

Năm 1998, lần cuối cùng ĐGH Johannes Paul Đệ Nhị đã mời hai Tổng Giám Mục Trung Cộng tham dự  Hội đồng thánh giáo Á Châu, trong đó có một vị được chính quyền Cộng Sản thụ phong vào năm 1949 nhưng Trung Cộng đã cấm không cho họ xuất ngoại tham dự. Bốn vị linh mục (Lm) được Vatican bổ nhiệm vừa nói trên là Lm Aloysius Jin Luxian từ Schanghai, Lm Antonius Li Duan từ Xian, Lm Lucas Li Jinfeng từ Fengxiang và Lm Joseph Wei Jingyi. Theo tin tức của Asia News, tiếng nói của giáo hội thiên chúa giáo tại Á Châu, thì Linh mục Wei là vị linh mục duy nhất không phải là linh mục quốc doanh trong số 4 vị được Vatican phong tặng.

* Vatican tiếp đón Nguyễn tấn Dũng

Tại tòa thánh Vatican, hôm 25.11.2006, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã triều kiến Đức Giáo Hoàng Benedict XVI và hội đàm với Thủ tướng Vatican, Hồng y Tarcisio Bertone.

Đây là cuộc gặp lần đầu tiên giữa Thủ tướng CSVN với Giáo Hoàng và Thủ tướng Vatican. Cuộc gặp gỡ này khiến người ta hy vọng là Tòa Thánh Vatican sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng Sản Việt Nam này sau nhiều thập niên căng thẳng.

Tòa Thánh Vatican cho biết cuộc họp với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là một bước tiến mới và quan trọng liên quan tới việc thành lập quan hệ ngoại giao đôi bên. Ngoài ra, Tòa Thánh còn nói rằng, hy vọng qua chuyến viếng thăm của Thủ Tướng CSVN “đã tạo điều kiện thuận lợi cho tự do tôn giáo” tại Việt Nam.

Quan hệ giữa Giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã và nhà nước CSVN đã căng thẳng trong nhiều thập niên qua, ngay từ năm 1940 khi hàng giáo sĩ Thiên Chúa Giáo lên tiếng chống đối đảng CSVN. Sau khi Cộng Sản nắm quyền kiểm soát toàn bộ Việt Nam từ 30 tháng tư năm 1975, nhà cầm quyền CSVN đã đóng cửa tất cả mọi tu viện Thiên Chúa Giáo. Mãi tới năm 1983, các tu viện này mới được mở cửa lại và mối quan hệ Vatican-CSVN dần dần được cải thiện từ đó. Tuy nhiên sự chọn lựa các giám mục mới của giáo hội vẫn chưa hoàn toàn được tự do.

Trong khuôn khổ chuyến công du này, Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Thủ tướng Ý, Romano Prodi ở Rome. TT Prodi cho biết, Ý (là nước đứng thứ 9 trong khối Liên Hiệp Âu (EU) và đứng thứ 31 trong số các quốc gia trên thế giới về mức đầu tư tại Việt Nam với 22 dự án, tổng trị giá 55,9 triệu đôla, thuộc các lĩnh vực giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép) sẽ ủng hộ Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, khóa 2008-2009; sẽ phối hợp tham khảo ý kiến và hợp tác với Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc và ASEM.

Quan hệ giữa Vatican và Hà Nội thân hơn khi Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng thăm Đức Giáo Hoàng Benedict XVI hôm 25-1-2007 vừa qua. Hai bên đã đồng ý xúc tiến bàn thảo quan hệ ngoại giao toàn diện giữa Vatican và CSVN.

Để đáp lại, một phái đoàn Tòa Thánh Vatican do Đức Ông Pietro Parolin, Thứ Trưởng Ngoại Giao Vatican hướng dẫn tới thăm Việt Nam vào ngày 5-3-2007, kéo dài một tuần lễ cho đến ngày 11 tháng 3. Mục đích chuyến viếng thăm của phái đòan Vatican đến Việt Nam lần này là nhằm thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa hai bên sau chuyến viếng thăm Vatican của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng. 

Trong chuyến thăm Việt Nam phái đoàn Vatican gặp gỡ và làm việc với giới chức lãnh đạo cao cấp CSVN để bàn về các giải pháp bình thường hoá quan hệ song phương cùng những vấn đề quan trọng khác liên quan đến sự sinh hoạt của khoảng 6 triệu giáo dân ở Việt Nam, sẽ gặp gỡ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và viếng thăm giáo phận Quy Nhơn và Giáo phận Kom Tum. Với 6 triệu giáo dân, Việt Nam là quốc gia có cộng đồng người theo đạo Thiên Chúa lớn thứ nhì ở vùng Đông Nam Á, chỉ sau Phi Luật Tân mà thôi.

Từ nhiều thập niên qua, nhà cầm quyền CSVN và Giáo hội Thiên chúa La Mã có mối quan hệ căng thẳng, nhất là sau khi kết thúc cuộc chiến và Việt Nam rời vào tay cộng sản. Cũng giống như chính quyền cộng sản ở Trung Quốc, đa phần sự bất đồng với Toà thánh xuất phát từ việc Hà Nội luôn đòi có tiếng nói cuối cùng đối với hầu hết các vụ bổ nhiệm giáo sĩ của Toà thánh.

Theo tin AsiaNews, chuyến viếng thăm lần này của phái đoàn Vatican tới Hà Nội nhằm củng cố thêm tiến trình cải thiện theo hướng tích cực hơn các quan hệ ngoại giao song phương, tập trung vào vấn đề bổ nhiệm các giám mục mặc việc bình thường hoá ngay lập tức chưa thể  thực hiện được trong lúc này. Như chúng ta biết, nhà cầm quyền CSVN lại vừa mở chiến dịch đàn áp khốc liệt các tôn giáo và các nhà tranh đấu cho dân chủ ở VN.

Ngày 18/2/07, một lực lượng hùng hậu khoảng gần 100 công an Cộng Sản Việt Nam đã bao vây Nhà Chung, cơ sở của tòa tổng giám mục Huế, lục soát và tịch thu của Linh Mục Nguyễn Văn Lý 6 máy điện toán, 100 sim cards điện thoại di động, 200 kí lô tài liệu. Lm Lý bị cấm ra khỏi phòng. Để phản đối hành động xâm phạm tự do cá nhân và xâm phạm cơ sở tôn giáo, Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã tuyên bố tuyệt thực ngay sau đó. Ngày 24/2/07, công an Cộng Sản Việt Nam đã cưỡng bách chở ngài tới quản chế ở Bến Củi, một họ đạo nhỏ cách Huế 22 cây số nhằm cách ly Lm Lý với các người từ nhiều năm qua đã can đảm, cùng sát cánh với ngài đứng lên đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền ở trong nước cũng như hải ngoại.

Theo các nhà quan sát, các cuộc đàm luận hiện đang bị lu mờ vì mối quan ngại đối với linh mục Nguyễn văn Lý, một tu sĩ công giáo đang bị chính quyền giam giữ, mặc dầu Đức ông Pietro Parolin, người giữ chức thứ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh Vatican, đã bầy tỏ niềm hy vọng vào lúc bắt đầu các cuộc đàm luận với ông Nguyễn Thế Doanh thuộc Ủy ban Tôn giáo Nhà Nước Việt Nam ....

Những tưởng CSVN sẽ thay đổi cách hành xử đối với các nhà dân chủ và các vị Linh Mục tại VN sau chuyến thăm viếng của Vatican vừa qua nhưng tất cả đã đi ngoài dự tính của mọi người. Trong phiên toà thiếu dân chủ ngày 30.03.2007 vừa qua, chẳng những bị can không có luật sư bào chữa, CSVN đã tuyên án phạt các nhà đấu tranh, qua đó Lm Nguyễn văn Lý nói riêng bị lãnh bản án 8 năm tù. Tin mà các phóng viên báo chí ngoại quốc truyền đi là trong phiên toà nói trên, Lm Nguyễn văn Lý đã lên tiếng nói “Đã đảo Cộng Sản” và liền bị công an bịt miệng không cho nói tiếp. Bức hình này đã được phổ biến rộng rãi trên các cơ quan truyền thông và diễn đàn dân chủ ở hải ngoại. Một chiến dịch vận động yểm trợ Cha Lý cũng như lên án CSVN đang được xúc tiến nhưng chưa biết kết quả như thế nào. Liệu Vatican, Đức Giáo Hoàng Benedikt 16 có can thiệp được, đòi hỏi CSVN phải trả tự do ngay cho cha Nguyễn văn Lý (") nói riêng, hay tất cả những gì đôi bên “đã thoả thuận ngầm với nhau” chỉ là những bánh vẽ". Không hiểu những thoả thuận (nếu có) giữa Vatican và Hội đồng Giám mục VN, giữa Nguyễn tấn Dũng và Đức Thánh Cha Benedikt 16 có được thi hành như đã hứa hay CSVN chỉ nói cho xong chuyện trên phương diện ngoại giao hầu lấy cảm tình ... để rồi khi làm thì lại trái ngược hoàn toàn"! Chắc chắn sự kiện này không thể được gọi là “NIỀM TIN” và “TÌNH THƯƠNG” như thông điệp của Đức Giáo Hoàng phát đi và lại càng không phản ảnh đúng căn bản Ngài đã đề cập đến: “Bày tỏ thiện chí không chưa đủ, chúng ta cần phải chứng tỏ thiện chí mình bằng hành động", từ phía CSVN.

Ngày 16.04.2007 là ngày sinh nhật thứ 80 của Đức Giáo Hoàng Benedikt XVI, cầu mong ơn trên ban phước lành cho ĐGH để Ngài có đủ nghị lực và sức khỏe hầu từ đó sớm đạt được mục đích qua thông điệp Ngài đã phát đi mà lập trường đã được khẳng định rõ ràng là: "Giáo Hội chống lại bạo lực cũng như lên án những hệ tư tưởng có tính cách độc tài", cũng như hoàn thành mỹ mãn các sứ mạng được Thiên Chúa giao phó cho Ngài trong tương lai ...

* (Trung tuần tháng 4.2007)

(Tài liệu tham khảo: Dựa theo tin đã đăng trên Việt Báo, Cali Today, Nam Úc Tuần Báo và tin Đức Quốc của báo Viên Giác, ấn hành tại Đức)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhật Bản chỉ mất 62 năm đã thành một cường quốc trên thế giới và người Nam Triều Tiên (Nam Hàn) mới xây dựng đất nước
Trong mấy ngày liền, người ta bàn tán đến "phát mửa" - ad nauseum - về hung thủ của vụ tàn sát tại Đại học Virginia Tech
Hình ai" Miệng quấn bởi chằn tinh" Có bàn tay sắt đang ghì chặt, Kìm tiếng hô vang giữa pháp đình!
Năm nay, tôi có cảm giác bất an vì báo cáo của IMF thì quá lạc quan trong khi dư luận chỉ chú trọng đến tai tiếng
Thời gian này, tôi luôn phải sống trong hai trạng thái tình cảm: yêu thương, căm giận, sung sướng và khổ đau, hai làn ranh giới rõ nét
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ còn cách chúng ta chừng 20 tháng, nhưng đã tưng bừng nhộn nhịp còn hơn cuộc bầu cử tổng thống Pháp
Còn ba tuần nữa, ở Pháp sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vòng 1. Hôm nào tôi đến trường cũng nghe sinh viên bàn tán sôi nổi về chuyện này
Những tưởng rằng có sự chỉ đạo của kiểm tra trung ương đảng trên thủ đô Hà Nội nhắc nhở, chắc lần này tôi sẽ được giải quyết
Cuối tháng 3 năm 1975 Quân Khu 1 hoàn toàn thất thủ, Quân khu 2 chỉ còn Phan Rang và Phan Thiết trong tổng số 12 tỉnh
Ngoại trừ Quốc hội khóa I năm 1946, từ đó đến khoá XI vừa kết thúc, chưa bao giờ có Cuộc bầu cử Quốc hội nào lại được bàn tán
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.