Hôm nay,  

Kế Hoạch Kích Động Kinh Tế

03/02/200900:00:00(Xem: 5925)

Kế Hoạch Kích Động Kinh Tế

Vũ Linh
...và cũng chẳng tạo công ăn việc làm cho ai hết...
Thứ Tư tuần qua, Hạ Viện Mỹ đã biểu quyết chấp thuận kế hoạch cứu nguy kinh tế của TT Obama.
Đây là một kế hoạch quy mô và vĩ đại, tốn 819 tỷ đô. Trên căn bản thì kế hoạch đặt nền tảng trên nhu cầu bơm tiền vào các chương trình có mục tiêu sản xuất, tạo công ăn việc làm cho mọi người, đặc biệt là cho giới trung lưu và thợ thuyền, để kích động kinh tế đang bị suy trầm, có thể đi đến suy thoái trong năm nay.
Điểm đặc biệt của kế hoạch là nó lớn hơn gấp mười lần chương trình kích động kinh tế của TT Bush ban hành đầu năm 2008 (chương trình hoàn trả 600 đô tiền thuế cho mỗi người và 1.200 đô cho mỗi gia đình, mà chúng ta đã lãnh kể từ tháng 5 tháng 6 của năm ngoái). Nó cũng lớn gần ba chục lần kế hoạch kích động kinh tế hơn 30 tỷ do TT Clinton phát động năm 1993. Không ai có thể nói ông Obama keo kiệt.
Trước khi Hạ Viện biểu quyết, TT Obama đã đích thân đến Hạ Viện họp với các lãnh tụ Cộng Hòa, để cho người ta nhìn thấy rõ thiện chí là ông đã làm đủ cách bắc cầu qua bên kia và tìm hậu thuẫn của Cộng Hòa. Nhưng chuyện này chỉ làm cho những người đa nghi đặt câu hỏi tại sao TT Obama phải “nhún nhường” như vậy" Có phải vì ông biết trước kế hoạch này rất  khó nuốt đối với phe Cộng Hòa không"
Quả nhiên, điều đáng chú ý là kế hoạch này đã được Hạ Viện thông qua với số phiếu 244 thuận, 188 chống. Sự kiện nổi bật là tất cả 177 dân biểu Cộng Hòa đều chống, không có được một phiếu thuận, và với 11 phiếu chống của các dân biểu Dân Chủ bảo thủ.
Nhìn qua cuộc biểu quyết của Hạ Viện, người ta phải ngạc nhiên về chuyện kế hoạch của TT Obama lại không được một phiếu nào của phe Cộng Hòa. Rõ ràng là kế hoạch của TT Obama không có tính cách dung hòa mà chỉ phản ánh quan điểm cấp tiến cực đoan của ông. Chẳng những không được các dân biểu Cộng Hòa chấp nhận, lại còn bị ngay cả khối Dân Chủ bảo thủ bác bỏ.
Trong thời gian tranh cử, ứng viên Obama lớn tiếng quảng bá ông sẽ là biểu tượng cho đoàn kết lưỡng đảng qua các chính sách ôn hòa có thể được cả hai chính đảng chấp nhận. Hoàn toàn ngược lại các chính sách cực đoan của TT Bush.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trong suốt thời gian tám năm cầm quyền, chưa bao giờ một đề nghị nào của TT Bush lại bị phe Dân Chủ chống đối đến 100%. Có nghĩa là ngược lại với những hứa hẹn trong mùa tranh cử, TT Obama đã trở thành cực đoan hơn TT Bush rất nhiều.
Trên căn bản, có hai lý do chính khiến kế hoạch kích động kinh tế của TT Obama bị chống đối.
Thứ nhất là số tiền cực kỳ lớn lao. Ai cũng biết là TT Obama là người chịu xài giấy lớn qua việc ông tung ra hơn 700 triệu để chạy đua vào Tòa Bạch Ốc (so với 85 triệu của ông McCain), nhưng dù sao thì con số hơn tám trăm tỷ cũng phải làm nhiều người khựng lại. Trong tình trạng kinh tế suy trầm hiện nay, và nhất là cùng lúc với những hứa hẹn cắt thuế của TT Obama, người ta khó mường tượng được là Nhà Nước Mỹ sẽ lấy tiền ở đâu ra để chi trả cho kế hoạch vĩ đại này. Bội chi ngân sách đã được tính là sẽ từ quãng 460 tỷ vào năm ngoái lên tới 1.200 tỷ đô la vào năm nay - chưa kể kế hoạch hơn 800 tỷ vừa được Hạ viện biểu quyết sẽ thực hiện trong hai năm tới!
Lấy tiền đâu ra" Chỉ có hai cách:
1. Nhà nước in tiền tùy hỷ và tùy nhu cầu; trường hợp này sẽ không khỏi gây ra lạm phát, như kinh nghiệm của TT Carter. Nếu lạm phát xẩy ra, đồng tiền mất giá thì nạn nhân đầu tiên không phải là mấy ông bà triệu phú mà là dân nghèo và những người có lợi tức cố định, như người đang lãnh oeo-phe, tiền già, tiền thất nghiệp, như phần đông dân tỵ nạn chúng ta.
2. Nhà nước Mỹ vay tiền thiên hạ qua việc bán công khố phiếu; trong tình trạng kinh tế đang suy trầm hiện nay, khối công khố phiếu này khó có thể tiêu thụ được trong nước Mỹ. Phần lớn giới tài chánh có tiền mua công khố phiếu sẽ là các nước và đại gia Trung Quốc hay Ả Rập. Có nghĩa là kinh tế Mỹ sẽ càng ngày càng lún sâu vào vòng kiềm tỏa của Trung Quốc và Trung Đông.
Lý do thứ hai kế hoạch bị chống đối quan trọng không kém.
Đó là việc TT Obama và  các Dân biểu Dân Chủ lợi dụng chiêu bài kích động kinh tế để gài vào trong kế hoạch hàng loạt biện pháp có tính cách phục vụ lý tưởng tái phân phối lợi tức của phe cấp tiến, không liên hệ gì đến chuyện kích động kinh tế, hay tạo công ăn việc làm cho dân chúng.
Theo báo Wall Street Journal, số phát hành ngày 28 tháng 1 vừa qua, chôn giấu trong kế hoạch kích động kinh tế là rất nhiều tiết mục chẳng ăn thua gì đến kích động kinh tế, và cũng chẳng tạo công ăn việc làm cho ai hết. Một vài thí dụ điển hình:
- 1 tỷ dành cho việc bù lỗ của hãng xe lửa Amtrak, 6 tỷ tu bổ hệ thống chuyên chở công cộng (xe buýt, xe lửa, xe điện công cộng), do áp lực của các nghiệp đoàn (chỉ bù đắp lỗ lã, trả lương thêm cho nhân công tu bổ và điều hành hệ thống, chứ không lập hệ thống mới hay tạo việc làm mới).
- 50 triệu cho National Endowment of the Arts, một tổ chức phát huy văn hoá cho dân nhà giàu, được sự ủng hộ của giới trí thức cấp tiến, thiên tả.
- 2 tỷ cho việc bảo trì, chỉnh trang, trồng cây cho các công viên quốc gia.
- 400 triệu cho việc nghiên cứu về năng lượng và hiện tượng nhiệt hoá địa cầu.
- 600 triệu để mua xe mới cho các công chức cao cấp.
- 250 tỷ tiền chuyển nhượng lợi tức (income-transfer funds) qua hình thức gia tăng tiền Medicare, Medicaid, food stamps, tiền già, tiền thất nghiệp, …
- 66 tỷ cho bộ Giáo dục, để tu bổ trường ốc, và tăng lương giáo chức.
- Gần như tất cả các cơ quan Nhà Nước đều được hàng chục tỷ cho mỗi cơ quan, mà không rõ để làm gì. Một số lớn sẽ dành để mướn thêm hàng trăm ngàn công chức lè phè, chắc chắn phần lớn là dân thiểu số da màu.


- 5 tỷ cho ACORN, là tổ chức trên nguyên tắc được thành lập để huy động cử tri, kêu gọi dân chúng tham gia vào tiến trình chính trị và đi bầu, trên thực tế chỉ giúp phát huy đảng viên Dân Chủ trong khối cử tri da đen (người ta còn nhớ trong thời tranh cử, báo chí đã khui ra trường hợp một thanh niên da đen đã được ACORN trả tiền để ghi danh đi bầu 72 lần).
Lồng bên trong còn có điều khoản nhắm vào mục tiêu "bảo hộ mậu dịch" (chỉ mua hàng của Mỹ, "buy American"), thí dụ như trong xây cất thì chỉ được dùng thép của Mỹ dù có đắt hơn, và thực tế là cạnh tranh bất chính với các xứ khác.
Kế hoạch kích động kinh tế này dày 647 trang, bên trong liệt kê hàng trăm dự án nhỏ của các dân biểu nhét vào để phục vụ nhu cầu của cử tri của mình, cốt để các dân biểu Dân Chủ lấy điểm và lấy phiếu cho mùa tranh cử 2010.
Nếu đi sâu vào chi tiết, chắc chắc sẽ thấy không biết bao nhiêu mục chi vớ vẩn, vì hoàn toàn có tính cách chính trị hay xã hội. Chẳng hạn như hàng trăm triệu để mua “áo mưa” và thuốc ngừa thai phát cho dân “nghèo”. Hay cả trăm triệu để tung ra các chương trình cai thuốc lá. Đều là những chương trình tốt thật, nhưng chẳng liên hệ gì đến chuyện tạo công ăn việc làm cho dân chúng. Nhìn vào danh sách rất giới hạn nêu trên ta sẽ thấy ngay.
Tiền dành cho ACORN hoàn toàn là một chi tiêu chính trị có lợi cho đảng Dân Chủ, không một chút liên hệ gì đến chuyện kích động kinh tế hay tạo công ăn việc làm.
Tiền “chuyển nhượng lợi tức” có thể gồm những số tiền cần thiết trong việc giúp đỡ những dân có lợi tức thấp. Nhưng đó là các khoản chi lớn, chính đáng và quan trọng, có tác dụng xã hội lâu dài, cần phải có sự điều nghiên, phân tách và quyết định trong những cuộc tranh luận giữa các khuynh hướng chính trị. Chứ không thể bị lén lút nhét vào kế hoạch kích động kinh tế có tính cách ngắn hạn, mà không có thảo luận kỹ lưỡng.
Trên căn bản, số tiền “chuyển nhượng lợi tức” này rõ ràng có mục đích tái phân phối lợi tức theo đúng chủ trương cấp tiến. Có thể tốt, có thể xấu. Nhưng chắc chắn là không có tác dụng kích động kinh tế. Trái lại, lấy tiền của nhà đầu tư để chia sẻ lại cho những người già có thể có tác dụng xã hội tốt, nhưng lại có hại trên phương diện sản xuất kinh tế. Do đó, không thể xập xí xập ngầu gọi là biện pháp kích động kinh tế được.
Theo một bài viết khác cũng của Wall Street Journal, kế hoạch này sẽ chi ra khoảng 215 tỷ để tạo việc làm cho hơn 330.000 công chức, là giới không bị đe dọa mất job gì hết. Rất ít khi mà công chức bị sa thải. Vị chi Nhà Nước sẽ chi ra 650.000 đô để tạo việc làm cho một công chức. Không cần phải là nhà thông thái cũng thấy được cái vô lý của công thức: tốn 650.000 để tạo việc làm cho một công chức với mức lương trung bình trên dưới 30.000 đô một năm"""
Một câu hỏi không ai dám huỵch tẹt nói ra vì sợ là “không phải đạo về chính trị” (politically incorrect): có phải đây là hành động “trả ơn” của TT Obama cho khối dân thiểu số đã bầu cho ông không"
Tờ Wall Street Journal trích dẫn một câu tuyên bố của ông Rahm Emanuel, Chánh Văn Phòng của TT Obama: “…không bao giờ nên để thoát một cơ hội khủng hoảng. Điều tôi muốn nói là khủng hoảng là cơ hội cho chúng ta thực hiện những chuyện trước đó mình không làm được”.
Nói cách khác, đảng Dân Chủ muốn lợi dụng cơ hội khủng hoảng kinh tế hiện nay để cho thông qua hàng loạt biện pháp tái phân phối lợi tức theo đúng chủ trương cấp tiến hay bao cấp của đảng
Khối cấp tiến cực đoan đã có nhiều chương trình ấp ủ từ mấy chục năm nay mà không thực hiện được vì sự “thống trị” của phe bảo thủ từ thời TT Nixon cách đây 40 năm đến giờ. Bây giờ, với sự nắm quyền của tam đầu chế Obama-Reid-Pelosi (Bạch Ốc-Thượng Viện-Hạ Viện), là cơ hội để thực hiện những chương trình này.
Khối bảo thủ, trong đảng Cộng Hòa cũng như trong đảng Dân Chủ, nhìn thấy rõ kế hoạch này, nên mau mắn bỏ phiếu chống lại, dù biết rằng không đủ túc số để ngăn cản kế hoạch này trở thành luật.
Sau khi được Hạ Viện thông qua, bây giờ kế hoạch kích động kinh tế đang chờ Thượng Viện bổ túc vài điều để có được vài nghị sĩ Cộng Hoà ủng hộ, nhưng vẫn chi thêm vài mục, tốn thêm vài chục tỷ trước khi tổng hợp làm một và đưa qua Hành Pháp cho TT Obama ban hành. Nhưng ngay một số thượng nghị sĩ Dân Chủ cũng dè đặt không dám đoan chắc kế hoạch sẽ được thông qua dễ dàng.
Hy vọng là sự chống đối kế hoạch kích động kinh tế sẽ làm TT Obama suy nghĩ lại và bớt ỷ y, phung phí vốn liếng chính trị thật lớn của ông. Và trong tương lai sẽ đưa ra được những chính sách ôn hòa hơn.
Sự chống đối này hy vọng cũng chứng minh là có nhiều lý do rất chính đáng để không ủng hộ ông Obama. Không phải như lập luận của một số người từ trước đến giờ, hoặc là mù quáng tôn thờ Obama, hoặc là hoàn toàn mù tịt về chính trị, không hiểu được lập trường của TT Obama, cũng như không thấy được sự khác biệt nào giữa tư tưởng bảo thủ và cấp tiến về kinh tế, nên cho rằng ông Obama là tuyệt hảo, không có gì chê bai, chỉ trích hay chống đối được. Nghĩa là nếu chống Obama thì cũng chỉ vì kỳ thị màu da đen của Obama!
Những người này không thể hiểu được có những lý do chính đáng để chống Obama, những lý do không liên hệ xa gần gì đến màu da của ông. Không thể nói toàn thể khối bảo thủ hay khối Cộng Hòa đều kỳ thị được, nhất là khi đảng Cộng Hòa vừa bầu một người da đen, ông Michael Steele, làm Chủ Tịch đảng. Và nếu Đại tướng Colin Powell không lạnh cẳng mà thoái thác thì ông đã là ứng cử viên da đen của đảng Cộng Hoà từ 1996 rồi! (1-2-09)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Con người đôi khi cần phải khóc. Không ai cần phải học cách khóc, bởi vì ngay từ lúc được sinh ra ở cuộc đời này con người đã biết khóc
Năm 2007 sắp kết thúc đánh dấu 200 năm của một biến cố đáng chú ý, là đạo luật bãi bỏ chế độ buôn bán nô lệ của nước Anh
Quan niệm đầu tiên là không thể không viết quyển “Từ Điển Chiến Tranh Việt Nam”. Chúng ta là một trong 4 lực lượng quân sự tham chiến, 3 lực lượng kia
Sau 5 ngày im lặng, kể từ khi bắt giữ 3 đảng viên Việt Tân và một số người Việt Nam khác vào cuối tuần trước, Hà Nội mới lên tiếng xác nhận việc bắt giam
Người dân Việt Nam không chỉ sẵn sàng phá bỏ công trình nhà Quốc Hội, một di tích lịch sử đặc biệt quan trọng, là công trình kiến trúc tiêu biểu
Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ ngày càng hấp dẫn qua các màn tố khổ lẫn nhau ngày càng nặng nề giữa các ứng viên cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa.
Bản Tin Tiếp Theo Về Trường Hợp Nhà Báo Đối Lập Nguyễn Khắc Toàn Đang Bị Công An CSVN Bao Vây Ngặt Nghèo Tại Hà Nội.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Dòng đời nhiều khi chỉ thấy như một dòng thác loạn, với những nhịp xung đột, làm thâm gan
Đôi lời của tác giả: Sau khi loạt bài về trại A-20 Xuân Phước được phổ biến, nhiều độc giả đã gửi thư về yêu cầu viết thành một tập hồi ký từ ngày đầu
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.