Hôm nay,  

Tương Quan Phức Tạp Giữa Công Giáo Với Nhà Nước VN

27/09/200600:00:00(Xem: 6393)

(LGT: Bài tham luận tại Tọa đàm về: “Công giáo với Dân tộc: Xưa và Nay”, do Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức tại Hà Nội vào tháng 2 năm 2006, đăng trên NS Công giáo và Dân tộc, số 138, tháng 6-2006, tr. 16-31. Bài này có thêm một số bổ sung  -- nguồn: Bản Tin Công Giáo Việt Nam.)

Hỡi lịch sử, ta thương mình quá đỗi

Ta thương mình bởi chính nỗi ta đau.

 (Nguyễn Thùy)

Có nhiều quan điểm, tâm trạng, thế đứng và cách nhìn khác nhau về mối tương quan phức tap giữa Công giáo với Nhà Nước Việt Nam hiện nay. Rõ rệt nhất là thế đứng của những người ủng hộ hay chống đối, trong cuộc hay ngoài cuộc, chủ trương đối thoại hay nhất thiết quyết định loại trừ, hủy diệt nhau. Cuộc chiến tranh quá phức tạp và bi thảm ở thế kỷ XX không những làm cho đất nước khánh kiệt, mà còn gây thù hận, xung đột, chia rẽ giữa người Việt Nam với nhau. Có lẽ cần nhiều cố gắng và thời gian mới có thể hàn gắn những đổ vỡ, đau thương …

 Những dòng dưới đây chỉ là tâm sự của một người ở trong cuộc và thiết tha vừa với Đất nước, vừa với Giáo hội. Đây là cái nhìn của một người được ra khỏi nước trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến. Dù không được làm chứng nhân sống đối với giai đoạn lịch sử căng thẳng và phong phú nhất trong mối quan hệ giữa người Công giáo với Nhà Nước, người viết may mắn tạm thời được ra khỏi cơn lốc binh lửa nghiệt ngã đã cuốn hút cả dân tộc ta trong suốt nhiều thập niên. Vị thế đặc biệt này đã giúp người viết có một khoảng cách quý hóa để nhìn vấn đề một cách khách quan và thanh thản hơn, mặc dù cái nguy cơ cố hữu của nó là thiếu chất sống và rất dễ trở rơi vào lý thuyết hão!!!

 1- Có chăng một bầu trời chung"

 a)- Tôi rời Sàigòn sang Thụy sĩ vào năm 1972. Đây là giai đoạn cao điểm của cuộc chiến, với những trận đánh lớn và tổn thất nặng nề cho cả đôi bên vào mùa hè đỏ lửa. Đại lộ kinh hoàng, cổ thành Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn ... vẫn còn lại đó, như dấu tích bi thương của giai đoạn khói lửa này.

 Hồi tưởng lại thời khói lửa này, Võ Thị Hảo lạnh lùng viết: “Cả một đất nước rùng rùng ra trận, chân đi dép lốp, tay cầm súng, ngực đeo những lá thư. Những trang văn nói về thư, bay cùng những cánh thư thất lạc và không thất lạc, có người nhận và không còn người nhận cứ bay đầy trời như lá rụng. Và trong đó, tôi mới thấy rõ tôi, vàng bủng, đang chạy, đưa một phong thư lên miệng mút mút và hô “xung phong” trước khi ngã xuống”[2].

 Trong suốt nhiều thập niên, cuộc đối đầu giũa hai ý thức hệ, với mô hình kinh tế, đường lối phát triển dân tộc, chế độ chính trị tương phản ... đã cuốn hút tất cả dân tộc vào cơn binh lửa khốc liệt. Rất có thể cũng thiết tha yêu nước và mong muốn phục vụ đồng bào như nhau, nhưng nhất định “không đội trời chung”, không cộng tác và đối thoại với nhau. Có lẽ ít thấy giai đoạn nào trong lịch sử người Việt chia rẽ, hiềm khích, hận thù và đối xử độc ác với nhau như trong một vài giai đoạn ở thời hiện đại!

 Người dân Miền Nam, đặc biệt là những người gốc di cư, đã bị rơi vào vòng xoáy của cuộc chiến ý thức hệ này một cách hết sức nghiệt ngã! Thật vậy, trừ một thiểu số ít ỏi, đại đa số dân chúng hầu như không thể vượt khỏi “thời cuộc” để có thể nhìn cuộc chiến từ góc độ khác. Kể từ khi phát khởi “chiến tranh lạnh” vào năm 1947, thế giới chia thành hai phe rõ rệt và Việt Nam bỗng nhiên trở thành chiến trường của cuộc chiến tranh ý thức hệ đó. Cũng như nước Đức và Triều Tiên, nước Việt Nam lại một lần nữa bị chia đôi. Biến cố 30 tháng 4 năm 1975, chấm dứt chiến tranh và tạo điều kiện thuận lợi để thống nhất Đất nước. Không ai phủ nhận cái giá phải trả cho Tự do và Độc lập, nhưng nhiều người đau buồn vì Việt Nam đã phải trả một giá quá đắt. Nhìn lại giai đoạn bi thảm này, chính nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chân thành ghi nhận những nỗi đau và nhiều mất mát. “Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy (...). Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

 Hôm nay, nhìn lại quá khứ, nhiều người đã nhận ra thế kẹt của người Miền Nam nói chung và người Công giáo nói riêng trước gọng kìm của các thế lực quốc tế và cơn lốc thời đại. Một mặt, chủ nghĩa marxisme cổ điển vẫn chủ trương “tôn giáo là thuốc phiện”, người Công giáo nhiều lần bị liệt vào “công dân hạng hai hay hạng ba”. Cũng có nhiều biện pháp khắc nghiệt đã được đưa ra để làm “suy yếu” hay “triệt hạ” cơ cấu của Giáo hội. Mặt khác, Giáo hội Công giáo vào giai đoạn đó nhất quyết không chấp nhận nhân sinh quan và vũ trụ quan vô thần, cũng như chính sách độc tài của Đảng Cộng sản. Trên nguyên tắc, cuộc chiến vì lý do ý thức hệ và tôn giáo này đã biện minh cho tất cả. Thêm vào đó, các thế lực chính trị đã khéo léo lợi dụng sự đối kháng này để phục vụ những ý đồ riêng. Trong rất nhiều trường hợp, câu nói “giữa Công giáo và Cộng sản, không thể đội trời chung” hình như đã trở thành một thứ nguyên tắc! Đối diện với sự đối kháng nghiệt ngã này, hầu như không còn giải pháp thứ ba, chỉ có thể một mất một còn và hệ luận tất nhiên của nó là phải chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng. Hòa bình, nếu có, chỉ có thể thực hiện khi hoàn toàn tiêu diệt hay đè bẹt đối phương[3].

 b)- Thời gian sống ở Thụy sĩ, một đất nước trung lập, giàu có, thơ mộng và êm đềm, tôi có dịp nhìn rõ hơn tính chất bi thảm và phức tạp của cuộc chiến. Thú thật, khi còn ở Việt Nam, hầu như tôi cũng chỉ quanh quẩn ở thành thị hay những vùng được gọi là an toàn. Một vài lần cũng nghe đại bác đêm đêm vọng về, nhưng rất ít khi trực diện với cuộc chiến và những tàn phá của nó. Chính tại Au Châu, tôi mới có cơ hội nhìn rõ thảm cảnh và bộ mặt phi nhân của chiến tranh: cuộc chiến khốc liệt này đang tàn phá dân tộc và đẩy đại đa số người Việt vào cảnh khốn cùng.

 Trong giai đoạn này, tôi cũng có cơ hội đào sâu giáo huấn xã hội Công giáo. Đọc lại hiến chế “Giáo hội trong thế giới hôm nay”, tôi hiểu rõ hơn chủ trương xây dựng hòa bình và quyết tâm loại trừ chiến tranh của Giáo hội. Theo Công đồng Vatican II, “việc phát triển khí giới khoa học làm gia tăng một cách khôn lường phần ghê tởm và khốc hại của chiến tranh. Thật vậy, hành động hiếu chiến kèm theo việc sử dụng những vũ khí nói trên có thể gây nên những tàn phá kinh hoàng, bất phân biệt, do đó vượt khỏi những giới hạn của các cuộc chiến tranh tự vệ ... Tất cả những điều đó bó buộc chúng ta phải quan niệm lại chiến tranh trong tinh thần mới. Con người thời đại chúng ta phải biết rằng họ có trách nhiệm nặng nề về những hành động hiếu chiến, bởi vì vận mệnh tương lai của lịch sử lệ thuộc rất nhiều nơi những quyết định hiện tại”.

 Ngoài hai nguyên tắc cổ điển về “chiến tranh tự vệ” và “sự cân xứng giữa thiệt hại phải chịu với thiệt hại có thể gây nên”, Công đồng đã đưa thêm yếu tố thứ ba là việc “không phân biệt mục tiêu quân sự hay dân sự” trong chiến tranh hiện đại. Công đồng đã thẳng thắn tuyên bố: “Mọi hành động gây chiến nhằm tiêu diệt bừa bãi cả một thành phố hay những vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại con người. Phải cực lực và không ngần ngại lên án tội ác đó (…). Để thảm trạng chiến tranh không bao giờ xảy ra, các Giám mục trên toàn thế giới nhất trí tha thiết kêu gọi mọi người, đặc biệt các nhà lãnh đạo quốc gia và những vị chỉ huy quân sự, hãy cẩn trọng lượng định trách nhiệm của mình đối với Đấng Tối Cao cũng như đối với toàn thể nhân loại”[4].

 Sau khi kết án sự phi lý và tàn nhẫn của chiến tranh, cũng như việc chạy đua võ trang, Công đồng “khẩn thiết mời gọi các Kitô hữu, với sự trợ giúp của Đức Kitô, Đấng sáng tạo hòa bình, nên cộng tác với mọi người để chuẩn bị các phương tiện xây dựng hòa bình, đồng thời để củng cố giữa họ nền hòa bình đích thực, trong công lý và tình yêu”[5].

 Biến cố đầy ấn tượng giữa thập niên 60 là bài diễn văn của đức Phaolô VI đọc trước Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tổ chức này. Sau khi nhắc lại sứ mệnh cao cả của Liên Hiệp quốc là “nối kết các Quốc gia” và bắc “nhịp cầu giữa các dân tộc”, đồng thời nhắc lại câu nói lịch sử của cố tổng thống J. Kennedy “nhân loại phải chấm dứt chiến tranh, hay chiến tranh sẽ chấm dứt nhân loại”, đức Phaolô VI khẩn khoản nài xin: “Đừng bao giờ có chiến tranh, đừng bao giờ có chiến tranh! Hoà bình, hoà bình phải hướng dẫn vận mệnh các Dân tộc và toàn thể nhân loại”[6].

 Đối diện với cuộc chiến tranh ngày càng tàn khốc tại Việt Nam, đức Phaolô VI tuyên bố, với tư cách một người lãnh đạo tôn giáo, ngài không thể không lên tiếng. Kể từ lễ Giáng sinh năm 1965, ngài đã đưa ra nhiều đề nghị và sáng kiến hòa bình cho Việt Nam bằng con đường thương thảo. Cuối tháng 9 năm 1966, ngài cử TGM Sergio Pignedoli làm Đặc sứ Tòa Thánh để yêu cầu các Giám mục Việt Nam nên có thái độ mềm dẻo hơn trước tình hình của đất nước. Nhờ Phái đoàn, Hội Đồng Giám mục Việt Nam ra thông cáo tuyên bố hoàn toàn đồng thuận với đức Giáo Chủ và lặp lại y nguyên lời kêu gọi tha thiết của ngài: “Nhân danh Chúa, xin hãy dừng lại. Hãy gặp gỡ nhau, hãy đi tới bàn hội nghị, hãy thành thật thương thuyết. Ngay bây giờ hãy giải quyết các mối bất hòa tranh chấp, dù có phải chịu thiệt thòi chút ít, vì thế nào rồi cũng phải hòa giải, nhưng có lẽ với nhiều tai họa thảm khốc hơn mà hiện nay không ai lường được”[7].

 Năm 1968, hưởng ứng lời kêu gọi của đức Phaolô VI nhân dịp khai mạc ngày “Quốc Tế Hòa Bình” lần I, Thông cáo ngày 5 tháng giêng 1968 của HĐGMVN nói rõ: “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi đến thiện chí của Chính quyền hai miền Nam và Bắc, hãy cùng nhau kiến tạo Hòa Bình. Nhân danh Thiên Chúa, xin hãy dừng lại! Hãy gặp nhau, hãy đi đến bàn hội nghị, hãy thành thật thương thuyết”. Và Thông cáo còn trích dẫn một lời kêu gọi đặc biệt mà đức Giáo Chủ đã đọc ngày 2-5-1967: “Phải chấm dứt các cuộc oanh tạc trên lãnh thổ Bắc Việt và đồng thời cũng phải chấm dứt những cuộc xâm nhập vũ khí và vật liệu chiến tranh vào miền Nam”[8]

 b)- Mối tương quan giữa người Công giáo với những người thuộc các tôn giáo và các ý thức hệ khác cũng được cải thiện một cách đặc biệt nhờ con người và thái độ ngôn sứ của đức Gioan XXIII. Thông điệp “Hòa bình trên thế giới” đã chính thức chấm dứt “giai đoạn đối đầu – thù hận” và khai mở một hướng đi mới cho cuộc đối thoại giữa Công giáo với Cộng sản. Thật vậy, thông điệp này đưa ra hai biện phân quan trọng về lý thuyết, mang tính khai mở và định hướng cho hoạt động chính trị – xã hội của người Công giáo:

 Nguyên tắc thứ nhất là một biện phân sáng suốt: “Luôn luôn cần phân biệt giữa sai lầm và người sai lầm, cho dù đó là những người hoàn toàn không biết gì về chân lý hoặc chỉ biết một phần thôi, trong lãnh vực tôn giáo cũng như trong lãnh vực luân lý thực hành. Bởi vì, mặc dù sai lầm con người không phải vì thế bị tước bỏ điều kiện làm người, và cũng chẳng bao giờ tự động bị tước mất phẩm giá con người”[9].

 Nguyên tắc thứ hai là một định hướng cởi mở trong lãnh vực chính trị – xã hội: “Cũng rất cần thiết phân biệt giữa các lý thuyết triết học sai lầm về bản tính, nguồn gốc, cùng đích của thế giới và con người với những trào lưu kinh tế và xã hội, văn hóa hoặc chính trị, mặc dù các trào lưu này bắt nguồn và gợi hứng từ các lý thuyết triết học nói trên. Một học thuyết khi đã được kiến tạo và xác định thì không còn thay đổi nữa. Trái lại, các trào lưu nói trên, vì phát triển giữa những điều kiện đổi thay, do đó tư nhiên lệ thuộc vào sự biến đổi không ngừng. Ngoài ra, ai có thể phủ nhận rằng trong mức độ mà các trào lưu này cố gắng thích ứng với tiếng nói của lý trí và phản ánh một cách trung thực nguyện vọng chính đáng của con người, có thể chứa đựng những yếu tố tích cực đáng được chấp nhận"”[10].

 Chủ trương canh tân và thích nghi của đức Gioan XXIII đã khai mở một mùa xuân cho Giáo hội Công giáo, đồng thời đã tháo gỡ nhiều rào cản trong hoạt động chung giữa giới Công giáo với những người thuộc các ý thức hệ khác. Giáo hội Công giáo tích cực dấn thân vào con đường phục vụ vừa mang tính Tin Mừng, vừa thấm đượm tình người. Ngoại trừ một số nhỏ Giáo hội địa phương vẫn luyến tiếc cơ chế cũ, đại đa số các Giáo hội đã hăng hái dấn thân tranh đấu cho một thế giới công bằng, phát triển, nhân ái và an hòa hơn. Đây cũng cũng là giai đoạn năng động và nhiều sáng kiến nhất trong lãnh vực tư tưởng, với nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại, tọa đàm, hội nghị giữa Công giáo với Cộng sản[11].

 Những cuộc đối thoại này như thổi thêm sinh khí vào một số hoạt động chung nhằm kiến tạo hòa bình và tranh đấu cho công bằng xã hội vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70. Nhưng chẳng bao lâu những khó khăn ập tới và niềm lạc quan ban đầu giảm dần theo năm tháng. Theo nhiều chuyên viên để cuộc đối thoại này thực sự triển nở, cần thiết một aggiornamento khác trong lòng các phong trào Cộng sản thế giới. Sau thời kỳ toàn trị của Stalin, thế giới Cộng sản cũng đã trải qua giai đoạn “chính trị hòa hoãn” với một vài biện pháp cởi trói. Tuy nhiên, cho dù đã chuyển từ một “stalinisme cứng rắn” sang một “stalinisme ôn hòa”, các Đảng cầm quyền vẫn còn quá giáo điều và độc đoán. Chính vì vậy, những cuộc đối thoại này cuối cùng cũng chẳng đi tới đâu, vì chỉ là những trao đổi bên lề giữa các trí thức Công giáo cấp tiến với các trí thức tân marxistes hay marxistes phi truyền thống.

 Thực tế của khối Xã hội chủ nghĩa lúc đó đã tạo nên những dè dặt và thận trọng của Giáo quyền. Trong Tông thư “Octogesima adveniens” (1971), đức Phaolô VI thẳng thắn nhìn nhận rằng: “Hôm nay, người Công giáo cảm thấy bị lôi cuốn bởi các trào lưu xã hội chủ nghĩa và các biến thái khác biệt của nó. Các Kitô hữu nhìn thấy nơi đó một số khát vọng mà mình vẫn ôm ấp nhân danh niềm tin. Họ cảm thấy mình ở trong trào lưu lịch sử này và muốn thực hiện một cái gì trong trào lưu này”[12].

 Sau khi lấy lại biện phân lịch sử của đức Gioan XXIII và áp dụng vào các trào lưu lịch sử nói chung và trào lưu xã hội nói riêng, đức Phaolô VI yêu cầu các Kitô hữu cần có một nhận định sáng suốt, bởi vì dưới danh nghĩa trào lưu xã hội này chứa đựng nhiều phong trào và mô hình xã hội rất khác biệt. Marxisme là một trong các dạng thức của phong trào xã hội và ngay tròng lòng marxisme cũng có nhiều khuynh hướng hay phe nhóm khác nhau. Trên thực tế, có người coi marxisme là một chủ trương triệt để đấu tranh giai cấp; có người lại nhìn marxisme như một hình thức “dân chủ tập trung”, dưới quyền lãnh đạo của một Đảng duy nhất; một số người đề cao Marxisme như một phương pháp phân tích xã hội có khả năng đưa ra một phê phán có tính khoa học về thực trạng xã hội; nhiều người quan niệm marxisme như một ý thức hệ vô thần, xây dựng trên chủ nghĩa duy vật lịch sử và sự phủ nhận tất cả các chiều kích siêu việt.

Vào giai đoạn đó, một số người Công giáo dấn thân trong lãnh vực xã hội thường đề cao giá trị của phân tích marxiste và cho rằng có thể tách rời phương pháp phân tích xã hội này khỏi những yếu tố cấu trúc khác của chủ nghĩa Marx, như quan niệm về con người, chủ trương vô thần, đấu tranh giai cấp... Đức Phaolô VI sáng suốt cảnh báo: “Nếu trong chủ nghĩa Marx thực hiện có thể phân biệt các chiều kích khác nhau đó, những chiều kích đang đặt ra cho các Kitô hữu nhiều nghi vấn để suy nghĩ và hành động, thì quả là ảo tưởng và nguy hiểm lãng quên mối tương quan chặt chẽ nối kết chúng với nhau”[13].

 2- Một biến cố, hai ý nghĩa tương phản

 Những ai sống tại hải ngoại và theo dõi tin tức đầy đủ sẽ dễ dàng nhận thấy số phận của chế độ Sàigòn đã được quyết định tại Hội nghị Paris vào tháng giêng năm 1973[14]. Tuy nhiên, ở Miền Nam Việt Nam nhiều người hình như vẫn cố ôm ghì niềm hy vọng hão huyền về một giải pháp chính trị hay một quyền lực vạn năng nào đó có khả năng đảo ngược tình thế.

 Mặc dù đã mường tượng ngày chung cuộc gần kề của Sàigòn, nhưng tôi thực sự bàng hoàng khi đối diện với biến cố 30.4. Trong thâm tâm, cảm thấy nhẹ nhõm vì chiến tranh chấm dứt và viễn tượng thống nhất đất nước gần kề. Nhưng suốt mấy tháng liền, tôi khắc khoải âu lo trước một tương lai bất định cho gia đình, cho dân Miền Nam và cho chính bản thân. Nỗi lo sợ lớn nhất vẫn là những tin tức liên quan đến những trận tắm máu và những cuộc bách hại tôn giáo!

  Quan điểm của hàng Giáo phẩm Việt Nam, đặc biệt thái độ của hai Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Kim Điền, đã góp phần làm vơi nhẹ tình hình. Thực vậy, trái với cuộc di cư năm 54, lần này hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam đã nhất quyết ở lại trên quê hương. Các Dòng tu cũng quyết định ở lại Việt Nam và không chủ trương tổ chức di tản. Nhiều Giám mục, Linh mục và tu sĩ có phương tiện để ra đi, nhưng đã từ chối để được đồng hành với đồng bào mình.

 Ngay từ ngày mồng 9 -4-1975, tại lễ ra mắt của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành phố Huế, Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền đã bộc lộ những cảm nghĩ chân thành và thâm thúy, vừa chứa đựng ý nghĩa tôn giáo, vừa thấm đậm tình dân tộc:

 “Ở đời này, không có gì quý hơn mạng sống con người, không có gì quý hơn độc lập tự do. Bao nhiêu mạng sống con người được bảo tồn, nếu chiến tranh chấm dứt sớm đi một ngày. Chiến tranh đã chấm dứt trên một phần lớn quê hương chúng ta. Độc lập hôm nay là một sự thực cho cố đô Huế. Còn tự do thì Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã long trọng bảo đảm cho toàn thể đồng bào, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng cho đồng bào các tôn giáo.

 Mạng sống của con người, độc lập của đất nước, tự do của nhân quyền được đảm bảo, như vậy niềm vui mừng của chúng tôi, của những người công dân Công giáo Việt Nam yêu nước, được trọn hảo. Như vậy, đồng bào Công giáo nguyện tích cực góp phần với tất cả đồng bào ruột thịt để cùng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng xây dựng một xã hội đầy tình thương, tự do, dân chủ, thịnh vượng, hòa bình, trong đó chúng tôi được chu toàn bổn phận đối với Tổ quốc và đối với Thiên Chúa”.

 Tại Sàigòn, 5 ngày sau khi thủ đô Việt Nam Cộng hòa thất thủ, Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình cảm tạ Thiên Chúa vì “chiến tranh đã chấm dứt, từ nay không còn bom đạn, tang tóc, hận thù, phân ly (...). Đây là niềm vui chung của cả một dân tộc, và với cái nhìn theo đức tin của người tín hữu, đây cũng là một hồng ân của Thiên Chúa”. Ngài kêu gọi người Công giáo “nỗ lực tối đa góp phần vào công cuộc hòa giải và hòa hợp dân tộc, phát động tình thương, sự hiểu biết, lòng tha thứ và quảng đại (...). Quan trọng là biết hướng về tương lai, xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, một xã hội tiến bộ, công bình, giàu tình thương”.

 Qua “Thư Mục vụ 1980”, Hội Đồng Giám mục Việt Nam long trọng cam kết: sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc. Người Công giáo quyết tâm cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với Dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, Đất nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa.

 Hàng Giám mục Việt Nam cam kết: cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, Đất nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa[15].

 Nhưng chế độ bao cấp đã đẩy nền kinh tế Việt Nam đến chỗ phá sản, cuộc sống vật chất cực kỳ khó khăn. Thêm vào đó, việc cải tạo các sĩ quan và công chức chế độ cũ, chính sách hợp tác hóa nông nghiệp, các biện pháp ép dân thành thị đi kinh tế mới, chiến dịch đánh tư sản, chế độ hộ khẩu, lý lịch và những khó khăn về tôn giáo ... làm cho hàng triệu người, đặc biệt những người có tôn giáo, hầu như không còn đất sống. Nhiều người đã khổ sở, đắn đo cân nhắc và hầu như đã nhìn thấy cái chết trước mặt, nhưng rồi cũng phải “liều mình nhắm mắt đưa chân”. Làn sóng tị nạn ồ ạt này khiến chúng ta phải nghiêm chỉnh suy nghĩ về mối tương quan giữa chính trị với nhân quyền, giữa vai trò của Nhà nước với quyền lợi của người dân, giữa Công giáo với chế độ.

 Nhìn lại giai đoạn khủng hoảng trầm trọng vào 1975-1985, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện ghi nhận những sai lầm trầm trọng về kinh tế-xã hội-chính trị. “Sản phẩm nông nghiệp, kỹ nghệ, tiểu công nghệ giảm sút trầm trọng, chợ đen được đặc biệt ưu đãi do cơ chế một thị trường kép –thị trường tự do song đôi với thị trường qui định theo giá cả của Nhà nước– trải rộng thật nhanh ảnh hưởng tiêu cực của nó. Lạm pháp tăng vùn vụt, một mặt gây nên tình trạng bần cùng hóa nhanh chóng của nhiều tầng lớp trong nhân dân, đặc biệt giới công chức và công nhân của các xí nghiệp quốc doanh, mặt khác làm giàu nhanh chóng cho một thiểu số buôn lậu, cán bộ thoái hóa. Dân chúng ngày càng bất mãn và tính hợp pháp của chế độ bắt đầu bị xói mòn (...) Chỉ trong mấy năm, một triệu rưỡi người bỏ nước ra đi, cộng đoàn hải ngoại tạo thành một yếu tố đích thực mới lạ trong lịch sử dân tộc Việt Nam”[16].

 Đây là một vấn đề lớn và trách nhiệm trước tiên nằm trong tay những người đang lãnh đạo đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Tuyên bố Độc lập, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thẳng thắn đề cập đến vấn đề sinh tử : Đoàn kết dân tộc. Ông cho rằng, sau ngày 30-4-1975, nhà cầm quyền đã đánh mất một cơ hội ngàn vàng để thể hiện đại đoàn kết dân tộc “bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng – thua, bởi những kỳ thị ta – ngụy... Tiếp đó, cuộc cải tạo công thương nghiệp tư nhân ở miền Nam và việc hợp tác hóa nông nghiệp một cách rập khuôn, mà sau này Đại hội Đảng lần thứ VI đã rút kinh nghiệm, là vừa đụng chạm tới cả những người đã từng có công đóng góp cho cách mạng, vừa triệt tiêu đi một nguồn lực kinh tế rất quan trọng.

 Kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, cộng với những phương thức quản lý xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kỳ thị thành phần... đã làm cho cả một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước cũng đành dứt áo ra đi”[17].

 Những đợt di tản ồ ạt, cộng thêm chương trình HO và ODP đã củng cố các cộng đoàn Việt Nam hải ngoại. Không nói mọi người đều rõ, thái độ chính trị của hầu hết cộng đoàn người Việt Nam ở hải ngoại là chống Cộng. Tâm lý và ý thức hệ của họ gắn liền với màu cờ sắc áo của chế độ VNCH ngày xưa. Lá cờ “vàng ba sọc đỏ” vẫn là lá cờ của đại đa số người Việt di tản. Cho đến nay, đối với nhiều người Việt hải ngoại, ngày 30 tháng tư vẫn là ngày “quốc hận” hay “ngày mất nước”. Ngoài ra, sống tại những nước phát triển và tự do, họ không thể chấp nhận chế độ độc đảng và đường lối chính trị của Nhà Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam hôm nay. Thử hỏi có bao nhiêu nhật báo, tạp chí và gia trang của người Việt hải ngoại ủng hộ Nhà Nước Việt Nam"[18]

 Cộng đồng Công giáo VN hải ngoại cũng cùng chung tâm thức và quan điểm chính trị nói trên. So với các nhóm khác, có lẽ khối Công giáo hải ngoại còn chống Cộng hơn, vì gắn bó nhiều hơn với chế độ cũ và vì đối kháng kịch liệt với ý thức hệ vô thần. Vì bất đồng quan điểm với Nhà Nước Việt Nam hiện nay có những người đã đi đến chổ tẩy chay hàng hóa Việt Nam, hô hào cấm vận, chống bang giao, chống tự do mậu dịch giữa Việt Nam với thế giới.

 3- Đối với Quê hương, Dân tộc …

 Người Việt Nam thường gọi quê hương, nơi chôn rau cắt rốn và sinh thành của mình, bằng nhiều từ quen thuộc và rất thân thiết : Đất - Nước, Non sông, Quốc gia, Dân tộc, Quê cha, Đất mẹ... Đây là Đất nơi người dân trồng cấy và sinh cơ lập nghiệp, là Nước nuôi cây lúa của một dân tộc theo nghề trồng lúa nước. Đất – Nước này cụ thể là gò đất, mảnh vườn, thửa ruộng, bờ đê, luỹ tre, mái tranh, bếp lửa, con đường, dòng sông, dãy núi... Chính Đất – Nước này giao hoà với nhau không những đã thành nơi sinh sống, mà còn hoá thành sự sống, thành cơm gạo, xóm làng, tình nghĩa, tâm tình, bản sắc của cả một dân tộc[19].

 Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, Quê hương, Đất nước, Non sông, Nước nhà... là những từ mở rộng nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người, đi từ gần ra xa trong không gian và thời gian. Tất cả nói lên bộ mặt hiện thực của gốc rễ con người làm bằng đất đai, đồng ruộng, sông núi, mồ hôi nước mắt và xương máu của bao nhiêu thế hệ. Và một khi hàng ngàn thế hệ đã nối tiếp nhau đem chính mạng sống để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, non sông đó, thì đương nhiên chúng dễ dàng trở thành biểu tượng cho quốc gia – dân tộc.

 Khái niệm dân tộc, cũng tương đồng với khái niệm quốc gia, không phải là cái gì thuần túy lý thuyết, từ trên trời rơi xuống, nhưng là một thực tại khách quan, hết sức cụ thể, vật chất, máu mủ... Đây chính là tổ quốc, nghĩa là mảnh đất do tổ tiên để lại. Đây là nơi chúng ta chào đời, khôn lớn, thành người, nhưng đồng thời cũng là nơi quê cha đất tổ hay quê nhà, đất mẹ. Chính nơi đây ông bà tổ tiên đã an giấc ngàn thu và rất có thể đó cũng là nơi một ngày kia chúng ta sẽ trở về khi từ trần, tạ thế.

 Tuy nhiên, Dân tộc là một thực tại lịch sử, chứ không thuần túy là một thực tại tự nhiên, bởi vì dân tộc chỉ khai sinh khi có một lãnh thổ và cộng đồng những con người chấp nhận vai trò của một Nhà nước thống nhất, mà có người gọi là “Nhà nước – Dân tộc”. Nói rõ hơn, dân tộc chỉ xuất hiện khi xã hội đã đạt đến một trình độ phát triển về lãnh thổ, kinh tế, chính trị, văn hóa nào đó. Các yếu tố chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục ... có thể củng cố thêm tình đoàn kết và đẩy mạnh việc phát triển dân tộc, nhưng không phải là yếu tố quyết định, vì có những dân tộc xây dựng trên nguyên tắc đa chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo. Đứng trên quan điểm này, một số học giả cho rằng dân tộc Việt Nam chỉ hình thành kể từ giữa thế kỷ X, khi đất nước đã thoát khỏi ách thống trị của Trung Quốc và bắt đầu thời kỳ tự chủ.

 Tình yêu quê hương cũng như tình tự dân tộc có thể dẫn đến chủ nghĩa ái quốc hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đây là một thứ ý hệ có chủ đích vĩnh viễn hóa các thực tại dân tộc và khuếch đại, thần thánh hóa những gì được coi là giá trị đặc thù, bản sắc hay tinh hoa của dân tộc. Nhà cầm quyền thường xử dụng chủ nghĩa dân tộc này theo những mục tiêu mang tích chất quyền lực: để đoàn kết nhân dân, tập hợp các lực lượng hầu thống nhất dân tộc, để đương đầu với ngoại xâm hay để đánh bại những thành phần đối lập trong nước. Trong lịch sử nhân loại hiện đại, chủ nghĩa dân tộc khép kín đã làm chảy không biết bao nhiêu máu và nước mắt. Những kế hoạch thiêu sống của Đức quốc xã trong thời đệ nhị thế chiến hay các cuộc thảm sát ở Rwganda, Kosovo, Đông Timor... vào cuối thế kỷ 20 là những dẫn chứng hiển nhiên và gần gũi nhất.

 Cuối cùng, khái niệm Nhà nước tương đối mới, được xử dụng để chỉ một cơ cấu pháp lý hay một tổ chức pháp quyền để giải quyết vấn đề chung sống của xã hội. Xét như cơ quan pháp lý tối cao của xã hội, Nhà nước cũng là một cơ quan quyền lực . Khi cần Nhà nước có quyền dùng sức mạnh hợp pháp (cảnh sát, công an, quân đội...) để thi hành luật pháp và đảm bảo công ích. Tuy nhiên trong thế giới tân tiến hôm nay, quyền lực này là một quyền lực khách quan dựa trên yếu tố pháp lý và lấy Hiến pháp làm nền tảng. Đây là những nguyên tắc pháp lý căn bản và khách quan mà chính các nhà cầm quyền cũng phải tôn trọng.

 Trong mấy thế kỷ vừa qua, các nhà tư tưởng đã đưa ra nhiều mô hình Nhà nước nhằm trả lời cho những thách đố về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của nhân loại. Cho đến nay, chẳng ai có thể chứng minh mô hình nào hoàn hảo, lí tưởng, thích hợp cho mọi thời, mọi nơi. Nói cho cùng, tất cả chỉ là phương tiện và luôn mang tính thời gian. Trên hành trình dài của mỗi dân tộc, rất có thể vào một lúc nào đó mô hình này hay biện pháp nọ đem lại kết quả khả quan, nhưng khi hoàn cảnh thay đổi, những giải pháp cũ không còn hợp thời hay hữu dụng nữa thì đương nhiên phải thay thế. Nhà Lý, nhà Lê, nhà Trần, nhà Nguyễn đã tiếp nối nhau đi vào quá khứ. Các chủ nghĩa hay thể chế khác rồi ra cũng không thoát khỏi qui luật đào thải tự nhiên đó. “Quan nhất thời, dân chi vạn đại”, người xưa vẫn thường nói thế.

 Hiểu như vậy, không bao giờ có thể đơn thuần đồng hóa Nhà nước với Dân tộc hay Quê hương, Đất nước. Càng không thể dễ dàng chấp nhận xác quyết cho rằng “yêu nước là yêu Xã Hội Chủ nghĩa”. Cũng chẳng ai có thể “độc quyền yêu nước” hay đồng hóa yêu nước với việc chấp nhận một chế độ, theo một đảng phái hoặc một tôn giáo nào đó. Tổ quốc Việt Nam là của tất cả mọi người Việt và trong thời đại dân chủ hôm nay, phải chăng con người có thể chân thành yêu nước bằng nhiều cách thế" Thiết nghĩ, vấn đề cần phải thảo luận trong Tọa đàm này không còn là tương quan giữa Người Công giáo với Dân tộc, mà đúng hơn là tương quan giữa Công giáo với Nhà Nước hiện hữu do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

 Trong viễn tượng đó, chuyện Quê hương, Đất nước, Dân tộc, Quốc gia, Nước nhà, Nhà nước... trở thành câu chuyện dài phức tạp và nhiêu khê. Đàng sau hình ảnh “Quê hương” và “Đất nước” hiền dịu và thân thương ấy là dân tộc Việt Nam, oai hùng và bi thảm, với nhiều đau thương, gian khổ nhưng cũng rất nặng tình, nặng nghĩa. Từ đó, quê hương đâu phải chỉ là quê hương xinh xinh, êm đềm, thơ mộng của tuổi thơ, mà còn bao gồm tất cả chiều kích văn hóa, lịch sử, chính trị, xã hội, kinh tế... với bao nhiêu kinh nghiệm và kỷ niệm đau thương. Tất cả những yếu tố đó kết tụ lại, đan xéo, chồng chéo, giằng co nhau, làm cho nhiều người Việt Nam trong giai đoạn qua vừa hãnh diện vừa mặc cảm về đất nước mình.

 Nếu quan niệm Nhà nước – Quốc gia đã là nền tảng của cơ cấu chính trị trong những thế kỷ trước, thì hôm nay đang nhường bước cho một quan niệm chính trị mới mang tính toàn cầu hơn. Tổ chức đóng kín cố cựu dựa trên mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi văn hóa đang lùi bước trước những cơ cấu tổ chức mới có tính vùng, miền, lục địa hay hoàn cầu. Hiện tượng đa văn hóa, những tiến triển về khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin, toàn cầu hóa kinh tế, việc nổ bùng phong trào di dân đang khai mở viễn tượng một “làng thế giới” và một “gia đình nhân loại”. Người dân các nước chậm tiến đang được giải thoát dần dần khỏi sự ức chế và đóng kín của “Nhà nước – Quốc gia” để trở thành công dân của vùng, lục địa hay thế giới.

 Theo quan điểm của phái nhân bản, chính con người mới có giá trị tối thượng, chứ không phải Quốc gia, Dân tộc, Nhà nước hay bất cứ một cơ cấu chính trị nào khác. Nếu nhìn lại lịch sử cận đại bằng cặp mắt không định kiến, chắc hẳn phải thừa nhận rằng nhờ xác tín vững mạnh và sự kháng cự kiên cường của những người tranh đấu cho nhân quyền mà hôm nay nhiều người đã chính thức thừa nhận lý tưởng nhân quyền là “chân trời đạo lý của thời đại” (Robert Balinter).

 Giáo huấn của Kitô giáo cũng không bao giờ công nhận Quốc gia như mục tiêu tối thượng của cuộc sống. Con người có những quyền lợi tự nhiên và một sứ mệnh vượt trên thực tại thế trần, mà chính Quốc gia phải tôn trọng. Nếu người Do Thái thời xưa thần thánh hóa luật giữ ngày “hưu lễ”, biến nó thành bất khả xâm phạm và nhiều khi còn đặt nó trên cả con người, Đức Kitô, trái lại, đã thẳng thắn và cương quyết xác định mối tương quan giữa con người và lề luật: “Ngày sabát vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát”. Nói cách khác, cơ cấu chính trị, luật pháp, văn hóa... chỉ có ý nghĩa trong viễn tượng phục vụ và làm triển nở con người. Không thể đảo lộn mức thang giá trị để biến hay bắt con người làm vật hy sinh cho những cơ chế đó[20].

Đức Gioan Phaolô II đúc kết quan điểm nhân bản này một cách ngắn gọn như sau: “Theo truyền thống chung, người ta xếp các quyền của con người thành hai loại, một bên là các quyền công dân và chính trị, và bên kia là các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Các hiệp ước quốc tế bảo đảm hai loại quyền này, cho dù với những cấp độ khác nhau. Kỳ thực, các quyền của con người liên kết chặt chẽ với nhau, vì chúng diễn tả các chiều kích đa diện của cùng một chủ thể duy nhất là con người. Cổ võ tất cả các loại nhân quyền là bảo đảm thật sự việc tôn trọng trọn vẹn mỗi một loại nhân quyền. Bảo vệ tính phổ quát và bất khả phân của nhân quyền là điều kiện cần thiết để xây dựng một xã hội hòa bình và để phát triển toàn diện các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia”[21].

 Bản “Tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền” của Liên Hiệp Quốc cũng xác định rõ rệt: “Mọi người đều có quyền tự do đi lại, tự do chọn nơi cư trú trong mỗi nước. Mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, và có quyền trở về nước mình” (điều 13). Chính vì thế, khi quê hương không còn là vùng đất sống hay không đủ khả năng nuôi sống người dân, mỗi người có quyền tìm một vùng đất khác để bảo vệ mạng sống và phát triển con người toàn diện.

 Trong mấy thập niên vừa qua, vì hoàn cảnh, nhiều người Việt nam phải rời quê cha đất tổ để đi tìm... đất sống. Rất có thể nhiều người là “những đứa con phải rời xa Tổ quốc” và “chỉ sống nửa tâm hồn”, nhưng đã bó buộc phải lựa chọn, ngậm ngùi nuốt nước mắt ra đi. Đối với một số người khác, ra đi là cơ hội ngàn vàng để thoát khỏi cảnh đói nghèo tích lũy từ bao đời hay để “bảo vệ niềm tin”"

 4- Từ một trường hợp cá nhân …

 Giả sử phải tái sinh làm người và được tự do chọn lựa, chưa chắc tôi sẽ chọn làm người Việt Nam trong giai đoạn đau thương vừa qua. Nhưng dù sao mảnh đất chữ S đã là quê hương của tổ tiên và của chính bản thân, đồng thời với tư cách một tu sĩ đã cam kết dấn thân phục vụ những nơi cần đến sự hiện diện của mình hơn cả, cho nên tôi chưa thấy lý do cần đổi quốc tịch. Đầu năm 1976, khi phải quyết định giữa xin tị nạn hay đổi hộ chiếu Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam cũ) để lấy hộ chiếu mới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi đã chọn lựa đổi hộ chiếu với hy vọng mong manh một ngày nào đó được trở về phục vụ tại quê hương.

 Cho đến đầu thập niên 90’ của thế kỷ trước, sống tại hải ngoại với hộ chiếu và quốc tịch Việt Nam quả là một khổ ải! Đôi lúc tôi băn khoăn tự hỏi “có phải làm người Việt Nam là một kiếp nợ nần "” Rất nhiều lần tôi cảm nhận thấm thía cái thân phận làm người Việt Nam “đi đến đâu cũng bị rầy la xua đuổi”. Dù có giấy mời, giấy giới thiệu đầy đủ và với tư cách là giáo sư, cộng thêm cái "mác" linh mục, nhưng với quốc tịch và hộ chiếu Việt Nam, vẫn phải nhẫn nhục van xin và chờ đợi lòng xót thương của từng sứ quán.

 Nhưng có lẽ oan nghiệp, rắc rối và trắc trở còn nhiều hơn khi muốn trở về thăm quê hương của mình! Trước đây, mặc dù có hộ chiếu Việt Nam, nhưng khi về nước phải xin thị thực. Và xin thị thực về nước là chuyện trần ai, hầu như là một đặc sủng, mà Nhà nước thường ban nhỏ giọt cho một số người nào đó thôi. Những lần may mắn được về thăm quê hương, vì là linh mục, tôi bị hạn chế và thiệt thòi đủ thứ. Nhiều lần đã bị công an gọi dậy, giữa đêm khuya. Phải chăng như một nhà thơ nào đó đã viết: “Giữa tổ quốc tôi vẫn mất mình / và ngờ ngợ như người vô tổ quốc”.

 Từ cuối thập niên 90’, Nhà nước đã hủy bỏ việc xin thị thực xuất nhập cảnh cho các công dân Việt Nam hiện sống tại hải ngoại. Trên nguyên tắc, các công dân Việt Nam cũng có thể xin về sống trong nước, nhưng trong thực tế mấy ai vượt qua những thủ tục phiền hà và phức tạp hiện tại" Bao giờ người công dân Việt Nam mới được tự do trở về định cư nơi chính quê hương của mình" Và trường hợp các linh mục sẽ như thế nào"

 Từ năm 1996, mỗi năm tôi về Việt Nam khoảng sáu tháng và từ ba năm nay hầu như đã sống sinh hoạt thường xuyên tại quê hương. Trong bốn năm vừa qua, tôi chưa gặp khó khăn trong việc giảng dạy tại Trung tâm Học vấn Đa Minh, Lớp Bồi dưỡng Phaolô Nguyễn Văn Bình, Học viện Liên Dòng Nữ và một số Trung tâm thần học Công giáo khác. Năm ngoái, tôi còn được mời thuyết trình tại một số Trung tâm của Nhà Nước như Viện Khoa học Xã hội, Viện Triết học, Viện Thông tin Khoa học, Viện Nghiên cứu Tôn Giáo, Ban Triết học – Trường ĐH Khoa Xã hội – Nhân văn, Hà Nội. Mỗi năm, tôi vẫn có đầu sách mới hay các bài đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, kể cả một vài tạp chí của Nhà Nước. Nhưng theo pháp lý, tôi vẫn là “trường hợp chưa ổn”, vì chưa có hộ khẩu.

 Phải chăng trường hợp riêng tư này là một thí dụ, bé nhỏ nhưng ngộ nghĩnh, để minh họa mối tương quan đặc biệt giữa người Công giáo với Nhà Nước Việt Nam trong thời hiện đại" Bao giờ mới chấm dứt tình trạng ngộ nghĩnh này" Phải chăng vấn đề chỉ có thể giải quyết trọn vẹn khi chấp nhận có những nhân sinh quan và vũ trụ quan khác nhau"

 Có lẽ những mơ ước trên chỉ thành hiện thực khi ló dạng mô hình xã hội « ba bàn tay » : bàn tay vô hình của thị trường, bàn tay pháp lý của Nhà Nước và bàn tay liên đới của xã hội công dân. Trong một thời gian dài, Nhà nước và thị trường đã thay phiên nhau khống chế mô hình phát triển, nhưng trên thực tế cả hai đã tỏ ra bất lực trong sứ vụ thực hiện một chiều hướng phát triển quân bình giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, an sinh xã hội và bảo vệ môi sinh. Hy vọng rằng với những đóng góp tích cực của xã hội dân sự, nghĩa là các hiệp hội chuyên nghiệp, tổ chức dân sự, tổ chức phi chính phủ, báo chí, nhà trường, công đoàn, cộng đồng tôn giáo, làng xóm, khu phố… chúng ta sẽ tìm được một mô hình phát triển quân bình hơn. Sự kết hợp hài hòa giữa “ba bàn tay” giúp đạt tới một tăng trưởng nhanh về kinh tế, nhưng không gây nên những băng hoại về xã hội và luân lý[22].

 5- Trước viễn tượng toàn cầu hóa

 Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, nhân loại đã bước sang ngàn năm thứ ba với điều kiện kinh tế xã hội mới. Việt Nam cũng đã lật qua nhiều trang sử và đã tích cực hội nhập vào dòng chảy chung của nhân loại. Đất Nước đã thành công với chủ trương “Đổi mới”, chính thức gia nhập ASEAN, thiết lập bang giao với Mỹ, tham gia AFTA, APEC và chuẩn bị gia nhập WTO. Tạp chí “The Economist” đánh giá cao con đường hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam[23]. Nhưng để Đất Nước mau chóng tình trạng nghèo đói và phân hóa, phải chăng cần thúc đẩy hơn nữa con đường hòa giải và hòa hợp dân tộc"

 Ngày 11 tháng 6 năm 1995, ông Nguyễn Hộ, nguyên Chủ tịch Liên Hiệp Công đoàn, Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc và sáng lập viên Câu lạc bộ Cựu Kháng chiến Tp.HCM, công bố thư ngỏ về “Một giải pháp hòa hợp Dân tộc”. Mười một năm đã trôi qua, nhưng bức thư ngỏ này vẫn mang tính thời sự, vì vậy xin mạn phép trích dẫn đoạn sau đây: “Nếu tính tất cả các cuộc chiến tranh và các cuộc khởi nghĩa đã nêu ở trên (từ Khởi nghĩa chống Pháp và thành lập Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 cho đến cuộc chiến chống bọn diệt chủng Pol Pot 1979-1991) thì tổng số thương vong ở nước ta ước tính có thể lên tới 11-12 triệu người. Đó là cái giá quá đắt và quá nặng nề đối với dân tộc Việt Nam ta. Sở dĩ có hậu quả ấy là vì cuộc chiến tranh cứu nước của nhân dân ta vừa mang tính chất giải phóng dân tộc, lại vừa mang tính chất đấu tranh giai cấp (giữa Cộng sản và Quốc – giữa Vô sản và Tư bản – giữa chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Tư bản) và đấu tranh ý thức hệ (giữa duy vật và duy tâm – giữa vô thần và hữu thần – giữa Cộng sản và các Tôn giáo: Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo ...).

 Với tính chất giai cấp ấy, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã biến thành cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn – nội chiến chém giết lẫn nhau giữa những người anh em ruột thịt có chung một dòng máu Lạc Hồng. Tính chất đấu tranh giai cấp ác liệt của cuộc chiến tranh cứu nước của Dân tộc ta được thể hiện trong tổng số thương vong kể trên; đồng thời được thể hiện ở các sự kiện chấn động chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta: 2 triệu người miền Bắc ồ ạt di cư vào miền Nam từ năm 1954-1955 và hơn 2 triệu người trong cả nước ồ ạt di tản đi khắp thế giới từ năm 1975 trở đi”.

 Hôm nay, mặc dù tiếng súng đã im trên quê hương, nhưng hận thù và đối kháng cũ vẫn còn sâu đậm. Chính vì thế ông Nguyễn Hộ có lý khi yêu cầu phải khẩn cấp “hòa giải hòa hợp dân tộc”. Theo ông, “dân chủ, bình đẳng, đối thoại là những yếu tố quyết định đối với hòa giải, hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên một yếu tố khác cũng không kém phần quyết định: đó là sự sám hối của ĐCSVN. Sám hối nghiêm túc, chân thành, súc tích, có sức thuyết phục sẽ làm tan biến nhanh chóng bao nỗi u buồn, đau khổ, uất hận, tiềm tàng từ lâu trong trong các tầng lớp nhân dân từng là nạn nhân ĐCSVN. Chính bản thân sám hối nghiêm túc đó mới dẫn đến kết quả tiết kiệm thật sự xương máu của nhân dân ta và thúc đẩy công cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc đến thắng lợi huy hoàng”.

 Hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chính thức công nhận “tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn tự hỏi tại sao trong lúc các tổ chức và cá nhân nước ngoài được mới gọi đầu tư vào y tế và giáo dục, tại sao các tổ chức tôn giáo vẫn chưa được trực tiếp tham gia vào lãnh vực này" Nếu Nhà Nước khuyến khích “lien doanh liên kết” với người nước ngoài, tại sao không có những hình thức liên doanh tương tự với các thành phần tôn giáo trong nước, những người cùng chung một giòng máu, một tình tự dân tộc và một ước mong phục vụ đất nước"

 Đối với người Công giáo, sám hối vẫn là điều kiện cần thiết để cử hành các nghi thức phụng vụ và để lãnh nhận các bí tích. Đặc biệt, với quyết tâm khai mở một thiên niên kỷ mới nhân ái, an hòa và bao dung hơn, cố Giáo chủ Gioan Phaolô II đã công khai “sám hối” về những lỗi lầm trong quá khứ. Một trong những lỗi lầm được nêu đích danh là thái độ bất bao dung và bạo động chống lại những người ly khai, chiến tranh tôn giáo, việc sử dụng vũ lực trong các chiến dịch của nghĩa binh Thánh giá, những hình thức tra tấn, cưỡng chế vi phạm nhân quyền ...

 Nhân danh Giáo hội Công giáo, Giáo chủ Gioan Phaolô II bày tỏ nỗi đau xót sâu xa về những lần người tín hữu đã sử dụng bạo lực để bảo vệ chân lý, một hành động hoàn toàn đi ngược với Tin Mừng của Đức Kitô: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của mọi người, trong một vài giai đoạn của lịch sử, người Kitô hữu đôi lúc đã sống bất bao dung và đã không trung thành với giới luật yêu thương lớn lao, như thế đã làm hoen ố khuôn mặt Giáo hội, Hiền thê của Ngài. Xin tỏ lòng thương xót với những đứa con tội lỗi của Ngài, và xin thương đón nhận quyết tâm của chúng con nhằm kiếm tìm và cổ võ chân lý trong thái độ dịu dàng của đức ái, với niềm xác tín rằng chân lý chỉ có thể chiến thắng bởi chính chân lý mà thôi”.

 Thể theo định hướng căn bản đó, dĩ nhiên người Công giáo Việt Nam cần nghiêm túc trở về nguồn và chân thành sám hối về những lỗi lầm quá khứ đối với Quê hương, Đất nước, đặc biệt đối các thành phần khác của Dân tộc mà người Công giáo đã xem như thù địch, “không thể đội trời chung”.

 Không phải chỉ riêng người Cộng sản và người Công giáo mà tất cả tín đồ Tôn giáo khác và các thành phần khác của dân tộc cũng phải sám hối mới có thể tiến tới hòa hợp và hòa giải đích thực. Có người đặt vấn đề “Tổ quốc ăn năn” khi nghĩ lại “những gia tài nhục nhằn” Mẹ Việt Nam để lại cho đàn con và nhất là những thách đố đang đặt ra cho Đất nước trước thiên niên kỷ mới[24]. Còn Trần Trung Đạo chân thành thổ lộ trong “Trang Nhật ký ngày giỗ cha” như sau: “Những con sông Gianh trong lòng người phải cần được lấp lại. Lấp lại bằng cảm thông chứ không phải bằng những bãi xương khô, những cánh đồng nhuộm máu. Người Việt Nam cần được nghe tiếng chuông chùa nhẹ đưa, tương tự như cũng cần được nghe tiếng chuông nhà thờ thánh thoát. Hãy trao cho các thế hệ tương lai Việt Nam một cơ hội để được sống hòa thuận, bao dung, tha thứ. Tại sao phải mang theo một gánh nặng của phân hóa, rẽ chia, hoài nghi, mặc cảm, trong lúc dân tộc Việt Nam đang cần một đôi cánh để bay cao, để vượt qua ao hồ quá khứ, để mong đuổi kịp nhân loại, đã nhiều thế kỷ, tiến xa về phía trước"”.

 Và như vậy, phải chăng còn rất nhiều vấn đề cần được đặt lại trong mối tương quan giữa Nhà Nước Việt Nam với người Công giáo nói riêng, với các tôn giáo và các thành phần khác của Dân tộc nói chung. Ước mong sao người Việt sớm xóa bỏ chia rẽ, hiềm khích và hận thù để cùng nhau xây dựng một tương quan mới, mang tính toàn cầu, hiện đại và nhân ái hơn.

Lm. P. Nguyễn Thái Hợp, O.P.

Ghi chú

-----

[1] Bài tham luận tại Tọa đàm về: “Công giáo với Dân tộc: Xưa và Nay”, do Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức tại Hà Nội vào tháng 2 năm 2006, đăng trên NS Công giáo và Dân tộc, số 138, tháng 6-2006, tr. 16-31. Bài này có thêm một số bổ sung.

 [2] Võ Thị Hảo, Máu của Lá, trong Biển Cứu Rỗi, Hà Nội, 1993, tr. 65.

 [3] Xem Hoàng Phương, Cộng sản và tôn giáo tại Việt Nam, Sàigòn, 1966; UBKHXH Việt Nam – Ban Tôn giáo Chính Phủ, Một số vấn đề lịch sử Đạo Thiên Chúa trong lịch sử Dân tộc Việt Nam, Tp HCM, 1988; Nguyễn Văn Đông, Tìm hiểu chính sách của Đảng và Nhà Nước đối với Đạo Thiên Ch úa, Tp. HCM, 1988; Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Tp HCM, 1988; Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công giáo ở Việt Nam, Calgary- Canada, 2002; Đỗ Quang Hưng (Chủ biên), Bước đầu tìm hiểu về mối quan hệ giữa Nhà Nước & Giáo Hội, NXB Tôn giáo, 2003; Đỗ Quang Hưng, Vấn đề tôn giáo trong cách mạng, NXB, 2006.

 [4] Vatican II, Gaudium et Spes, 80.

 [5] Ibidem, 77.

 [6] Diễn văn ngày 4 tháng 10 năm 1965.

 [7] HGPCGVN, Thông cáo của HGPCGVN 1966, trong Hàng Giáo Phẩm Công giáo Việt Nam 1960-1995, Đắc Lộ Tùng thư, Paris, 1996, tr. 186.

 [8] HGPCGVN, Thông cáo HĐGMVN 1968, sđd., tr.194.

 [9] Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, số 158.

 [10] Ibidem, 159.

 [11] Xem chẳng hạn Marxistes et Chrétiens. Entretiens de Salzbourg en 1965, Mame, 1968; L’homme chrétien et l’homme marxiste, La Palatine, 1964; D. Dubarle, Pour une dialogue avec le marxisme, Cerf, 1964; G. Girardi, Marxisme et christianisme, Paris, 1968; R. Garaudy, De l’anathème au dialogue, Paris, 1965.

[12] Phaolô VI, Octogesima adveniens, 31.

 [13] Ibidem, số 34. Chính V. Lénin, Rose Luxemburg và hầu hết các lý thuyết gia marxiste khác cũng không chấp nhận bất cứ sự phân chia tuyệt đối nào giữa các chiều kích nói trên.

 [14] Những gì Nguyễn Tiến Hưng kể lại trong cuốn “Khi đồng minh tháo chạy”, California, 2005, chỉ xác nhận thêm cho những gì mà nhiều người đã biết …

 [15] Xem Trương Bá Cần và một số tác giả khác, Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945- 1995), Tp. HCM, 1996.

 [16] Nguyễn Khắc Viện, Vietnam, une longue histoire, Thế Giới, Hà Nội, 1993, tr. 431 & 436.

 [17] Võ Văn Kiệt, Đại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta, Tuổi Trẻ, ngày 29-8-2005.

 [18] Xin coi Nguyễn An Tôn, Công giáo miền Nam Việt Nam sau 30-4-75, Lousiana, 1988; Tôn Thất Thiện, Nguyễn Gia Kiểng, Vũ Quốc Thúc, Võ Long Triều, Lê Đình Thông ..., Những vấn đề cấp thiết của Việt Nam, Paris, 1995; Trần Ngọc Báu, Nguyễn Tiến Cảnh, Mặc Giao, Đỗ Hữu Nghiêm, Bửu Sao, Đỗ Mạnh Tri …, Ba mươi năm Công giáo Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản 1975-2005, California, 2005; Bùi Diễm, Bùi Tín, Lê Xuân Khoa, Nguyễn Xuân Cường, Phạm Đỗ Chí .. , Việt Nam 2005: Phát triển và Hội Nhập Toàn cầu, Houston, Texas, 2005.

 [19] Xc. Kim Định, Nguồn gốc văn hóa Việt Nam, Sài-gòn, Nguồn Sống, 1973; Đinh Gia Khánh, Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á, Hà Nội, KHXH, 1993 Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Tp. HCM, 1997; Thái Văn Kiểm, Việt Nam tinh hoa, NXB Mõ làng, 1997.

 [20] Xin xem Jacques Maritain, Man and the State, University of Chicago Press, 1952; J. Messner, Social Ethics, St.Louis-London, Herder Book Co., 1965; J. Moltmann, Religion and Political Society, New York,1974.

[21] Gioan Phaolô II, Bí quyết của Hòa bình chân thật là tôn trọng Nhân quyền, Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới, 1-1-1998, số 3.

[22] M. Camdessus, “El mercado y el Reino. La doble pertenencia”, in Criterio (Mexico), 10-9-1992, tr. 480; Nguyễn Thái Hợp, Giá trị đạo đức trong cơn lốc thị trường, 2000, tr. 80-88.

[23] The Economist, Vietnam Good morning at last, August 5th 2006, 37-38.

 [24] Nguyễn Gia Kiễng, Tổ quốc ăn năn, Paris, 2001.

(Nguồn: Bản Tin Công Giáo Việt Nam)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.