Bài Diễn văn Chào mừng Phật Đản 2544 của Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, tuy ngắn gọn vẫn bao hàm yếu tính thâm sâu của đạo Phật. Từ lòng xót thương cứu khổ - Đại Bi Tâm - như căn cơ giải thoát, đến sự thực hành Bố thí, Từ bi, Trí tuệ làm phương pháp diệt khổ. Chính nơi Đại Bi Tâm, mà mọi thành phần Phật tử quây quần hành đạo. Chẳng có gì ngăn cách được họ, như lời Hoà thượng tuyên bố: “Trên giải đất ba miền Nam Trung Bắc, từ đồng ruộng, thị trấn đến núi cao, hải đảo; từ đất khách xa xôi trên năm châu lục, hoặc nơi tù đày, quản chế... người Phật tử Việt Nam chẳng còn bị ngăn cách bởi không gian, thời gian, núi sông, hay tường vách, bỗng chốc nắm tay nhau lục hoà đoàn tụ trong Đại Bi Tâm”.
Từ Đại Bi Tâm ấy, mà thực hiện Bố thí, Từ bi, Trí tuệ. Hoà thượng Thích Quảng Độ giải thích: “Bố thí để diệt tham lam và đàn áp; Từ bi để diệt sân hận và tương sát; Trí tuệ để diệt vô minh, bất hoà, và cố tín”. Hoà thượng cũng nhấn mạnh tính chất tích cực và thường trực của đạo Phật trong hành động giải phóng con người, gọi là “Bản thệ độ sinh”, không bao giờ lay chuyển, dù vận nước có khi thăng khi trầm : “Đất nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng đạo Phật chưa hề thăng trầm trong đại nguyện cứu người lầm than”.
Bức Thông điệp Phật Đản 2544 của Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, nhắc nhở điều trọng đại mà người Phật tử phải lưu tâm: “Trong một đất nước mà Phật Pháp được lưu truyền đã gần hai nghìn năm, thì người Phật tử phải cảm thấy sự thiếu sót của mình trong nhắm mắt tu hành mà không biết đến những thống khổ của đồng bào chung quanh, không thấy trách nhiệm của mình trước những bất an và những tệ nạn của xã hội”. Thông điệp cũng nhắc đến công tác cứu trợ nạn lũ lụt thảm khốc vừa qua như một sự “nghĩ tưởng” và hành động cụ thể “đem tình thương xoa dịu khổ đau, khơi dậy niềm tin vào lẽ sống bao la cho những người đang gánh chịu quá nhiều mất mát”. Thông điệp kêu gọi: “Các chúng đệ tử cùng tôn thờ một đấng Đạo sư hãy cùng nhau hoà hiệp như nước với sữa” để “làm sống dậy di giáo của Phật”.
Nguyên văn hai văn kiện của Viện Tăng Thống và Viện Hoá Đạo kèm sau đây.
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT VIỆN HÓA ĐẠO
Phật lịch 2544 Số 01/VHĐ/VT
DIỄN VĂN CHÀO MỪNG PHẬT ĐẢN LẦN THỨ 2544 của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn Trưởng lão,
Kính thưa chư liệt vị Tôn đức Tăng Ni,
Thưa toàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước,
Giây phút thiêng liêng đã đến. Ngày Rằm tháng Tư tưng bừng và sáng láng, ngày Đức Bổn Sư Thích Ca ra đời.
Giây phút mà hằng trăm triệu Phật giáo đồ trên toàn thế giới không hẹn vẫn gặp nhau nơi BẢN THỆ ĐỘ SINH cao cả của Đức Phật, tuyên dương cách đây 2544 năm. Cũng như thế, trên giải đất ba miền Nam Trung Bắc, từ đồng ruộng, thị trấn đến núi cao, hải đảo, từ đất khách xa xôi trên năm châu lục, hoặc nơi tù đày, quản chế... người Phật tử Việt Nam chẳng còn bị ngăn cách bởi không gian, thời gian, núi sông hay tường vách, bỗng chốc nắm tay nhau lục hòa đoàn tụ trong Đại Bi Tâm.
Đức Phật ra đời để thực hiện mục tiêu duy nhất: Ấy là phục vụ chúng sinh thoát khỏi trầm luân khổ ách và ngộ nhập tri kiến Phật. Bản thệ ấy không lay chuyển, không thối chí dưới bất kỳ thời đại nào, hoàn cảnh nào, ở bất kỳ tuổi tác, chức vị hay thành phần xã hội nào.
Đạo Phật đến Việt Nam với mục tiêu duy nhất : Ấy là phục vụ dân tộc Việt Nam bước lên đường văn hiến như một khẳng định của trí tuệ, từ bi và tự chủ. Đất nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng đạo Phật chưa hề thăng trầm trong đại nguyện cứu người lầm than. Bởi thế, người Phật tử thực hành đạo Phật cũng là đóng góp xây dựng quê hương. Đây chính là hai mặt của một thể thống nhất giữa Dân tộc và Phật giáo.
Mừng ngày Phật Đản ngoài niềm hoan hỉ tự tâm, cung nghinh cúng dường, còn là giây phút thiêng liêng mà mỗi năm một lần, người con Phật lập nguyện thi hành BẢN THỆ ĐỘ SINH cao cả của Đức Phật. Hãy để cho BẢN THỆ ĐỘ SINH ấy tràn ngập thân tâm, đào thải mọi mầm mống tư ngã, thiên kiến, khiến cho người con Phật không nhìn nhận ra nhau trong công trình độ thế. Nhân lành của Phật tính không phát huy, làm sao có quả tốt để đối trị một xã hội suy thoái đạo đức, nơi con người chỉ biết tích cực gây thảm khổ cho nhau"
Cho nên, thực hiện BẢN THỆ ĐỘ SINH của Đức Phật, trước là tăng trưởng tín tâm, kiên trì giới hạnh ; sau là thực hiện Lục hoà làm nền tảng cho công cuộc chấn hưng Đạo pháp và phục hồi sự vẻ vang cho Dân tộc.
Nhân lễ Phật Đản lần thứ 2544, cũng là Khánh đản đầu tiên trước thềm thiên kỷ Tây lịch mới, tôi kêu gọi sự thực hiện ba điều Đức Phật và chư Bồ tát đã hoàn tất và nay chúng ta phải kế tục truyền thừa. Đó là Bố thí, Từ bi và Trí tuệ. BỐ THÍ để diệt tham lam và đàn áp. TỪ BI để diệt sân hận và tương sát. TRÍ TUỆ để diệt vô minh, bất hoà và cố tín.
Trong giờ phút thiêng liêng này, tôi kêu gọi chư Liệt vị cùng toàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước dành một phút mặc niệm chư vị Thánh tử đạo, những người đã hy sinh để bảo vệ Dân tộc và Chánh pháp ; đồng lúc cầu nguyện cho quốc thái dân an và Đạo pháp huy hoàng bất diệt.
Thanh Minh Thiền viện
Saigon, Mùa Phật Đản, ngày 7.5.2000
Viện trưởng Viện Hoá Đạo
Sa môn THÍCH QUẢNG ĐỘ
*
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
Phật lịch 2544
Số 03/VTT/TĐ
THÔNG ĐIỆP PHẬT ĐẢN 2544
Nam mô thập phương thường trú Tam bảo
Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Kính lạy đấng Đại bi Đại trí, hơn hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi từ Niết bàn vô trụ Ngài hóa sinh vào thế giới Ta-bà ngập tràn thống khổ này, ánh sáng của giáo lý từ bi và trí tuệ đã từng là nguồn sáng cho phân nửa Á châu, ở đó con người một thời biết sống với độ lượng khoan dung, không tàn hại nhau vì dị biệt tín ngưỡng và tư tưởng; biết lắng đọng tư duy để chiêm nghiệm lẽ sống và lẽ chết. Ngày nay nguồn sáng ấy càng lúc càng được khơi tỏ ở phương Tây, là điểm tựa an ổn cho những tâm hồn cảm thấy đang bị quay cuồng giữa một thế giới hoa lệ vật chất nhưng thác loạn bởi những nghiện ngập, bởi bạo lực khủng bố, bởi hận thù sắc tộc và tôn giáo.
Kính lạy đấng Đại hùng Đại lực, trong vô số kiếp Ngài đã hóa sinh khắp nẻo luân hồi, đã làm những việc khó làm, trải thân cát bụi để tìm nguồn an lạc chân thường cho khắp cả chúng sinh. Gần hai nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt nam đã phụng hành giáo lý của Ngài bằng khoan dung, từ ái, và bằng cả hy sinh vô uý ; đã góp phần xây dựng một dân tộc hiền thiện, một xã hội ít phải chứng kiến những cuộc tàn sát kinh hoàng.
Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão,
Kính thưa chư Hoà thượng, Thượng tọa,
Chư Đại đức Tăng, Ni,
Và toàn thể Phật tử,
Trong những ngày này, Phật tử Việt nam cùng hòa nhịp tâm tư với tất cả Phật tử các nước trên thế giới, đón mừng Phật đản 2544, trong niềm hoan hỷ trước sự truyền bá hài hòa của giáo lý từ bi và trí tuệ đến khắp nơi trên thế giới, trong đó có một phần đóng góp của Tăng Ni và Phật tử Việt nam.
Trong suốt hai nghìn năm thừa truyền Chánh pháp, Phật tử Việt nam vừa làm tròn phận sự con dân của mình, đồng thời học Phật và tu Phật, góp phần vun đắp nên truyền thống dân tộc tốt đẹp cho đến ngày nay. Tuy triều đại có hưng có phế, Phật pháp có thạnh có suy, nhưng Phật tử Việt nam vẫn giữ trọn Chánh tín, không hề bịĩ lung lạc bởi quyền lựĩc thế gian, không bênh vực cường hào để gieo khổ đau cho trăm họ.
Ngày nay chúng ta đang kế thừa ngọn đèn Chánh pháp rạng rỡ ấy mà Chư Tổ đã liên tục thắp sáng ; đang tiếp nối di sản của truyền thống dân tộc tốt đẹp. Bản phần sự của chúng ta trước hết tu tập để phát triển thiện pháp của tự tâm, có Giới thanh tịnh để nâng cao phẩm chất con người, có Định để bình thản trước mọi cám dỗ của vật chất xa hoa, trước dọa nạt và quyến rủ của quyền lực và danh vọng thế tục, có Tuệ để thấy rõ bản chất tồn tại, để thắp sáng niềm tin cho chính mình và cho cả đồng bào, đồng loại.
Chúng ta cũng ý thức rằng Phật tử đang hành đạo giữa một thế giới càng ngày càng nhiều xáo trộn bất ổn, càng lúc càng tăng tiến những tiện ích vật chất, khiến cho ý nghĩa tri túc như là yếu tính của Bát Thánh đạo không được nhận thức chân chính, để tùy tiện giải thích và biến đổi Phật pháp theo tư ý và tư dục mà kết quả là chỉ binh vực cho sự tồn tại của tham vọng quyền lực mù quáng.
Trong xu hướng toàn cầu hóa của nhiều vấn đề nhân sinh trong thế giới hiện đại, mà thể hiện cái xấu nhiều hơn cái tốt, Phật tử càng lúc càng có cơ sở hiện thực để hiểu rõ ý nghĩa “thế biệt do nghiệp sinh.” Thế gian này tốt hay xấu, do chính hành vi của chúng sinh sống trong đó; được hình thành duy trì bởi biệt nghiệp và cọng nghiệp chúng sinh. Cho nên nhiều vấn đề không trở thành là vấn đề nội bộ của một nước. Ý thức được điều này, Phật tử luôn luôn hiểu rõ mối tương quan duyên khởi của ta và cộng đồng mà ta đang sống trong đó. Cho nên, trong một đất nuớc mà Phật pháp được lưu truyền đã gần hai nghìn năm, thì người Phật tử phải cảm thấy sự thiếu sót của mình trong nhắm mắt tu hành mà không biết đến những thống khổ của đồng bào, chung quanh, không thấy trách nhiện của mình trước những bất an và những tệ nạn của xã hội. Người Phật tử phải tự thấy mình có phận sự góp phần xây dựng xã hội mình đang sống tốt đẹp hơn, bình đẳng hơn, phẩm giá con người đuợc tôn trọng hơn. Lập Bồ tát nguyện, hành Bồ tát đạo, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh, là con đường hướng thượng của người tu Phật, tự hòan thiện bản thân, đồng thời hoàn thiện xã hội.
Tưởng niệm ngày Phật đản năm nay, Phật tử Việt nam cũng không quên nghĩ tưởng đến thiên tai thảm khốc vừụa qua mà hằng triệu đồng bào phải gánh chịu. Phật giáo Việt nam trong thời gian đó đã thể hiện được lời dạy cao cả của đức Phật, tu hạnh từ bi cứu khổ. Điều rất xứng đáng được tán dương, và cần được phát triển thêm lên để hoàn thiện, đó là, một phần nào làm sống dậy di giáo của Phật, rằng các chúng đệ tử cùng tôn thờ một đấng Đạo sư hãy cùng nhau hòa hiệp như nước với sữa. Tuy chưa thể làm cho di huấn ấy được sáng ngời trong thế giới chất chứa đầy những hận thù chia rẽ, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội, trước vô vàn thống khổ của đồng bào ruột thịt, hãy gác bỏ những dị biệt tông môn pháp phái, hãy quên đi những tranh chấp danh tướng, Tăng Ni Phật tử Việt nam khắp cả năm châu bốn biển cùng hướng về vùng lũ lụt, bằng tài lực và vật lực tuy hữu hạn trước vô hạn của khổ đau. Tăng Ni Phật tử tại các vùng thiên tai đã không ngại nguy hiểm, không quản gian lao, ngày đêm đi đến với đồng bào nạn nhân, làm những người bạn không cần mời gọi, đem tình thương xoa dịu khổ đau, khơi dậy niềm tin vào lẽ sống bao la cho những người đang gánh chiụ quá nhiều mất mát.
Ngày hôm nay, trước Thánh tượng Bồ tát sơ sinh, thành kính đốt nén tâm hương cúng dường mười phương Chư Phật, chúng ta đồng thời lắng đọng tâm tư, lập tâm thệ nguyện phụng hành di giáo của Phật, cùng sống hòa hiệp, cùng hỗ tương sách tấn, cùng tu tập tăng tiến Giới, Định, Tuệ, để làm cho ngọn đèn Chánh pháp càng lúc càng ngời sáng.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT
Quảng Ngãi, ngày 3.5.2000
Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
Tỳ Kheo THÍCH HUYỀN QUANG