Trong thời đệ nhị thế chiến, Stalin vẫn coi đảng Cộng sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông bằng nửa con mắt. Liên Sô thời đó liên minh với chính phủ Quốc dân đảng và làm ngơ trước những sự đàn áp tàn hại đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau Đệ nhị thế chiến, Mỹ giúp Tây Âu phục hồi kinh tế, khối NATO thành hình, chiến tranh lạnh bắt đầu, Liên Sô mới thấy cần đến người đồng chí Trung Cộng. Thế nhưng mối tình đồng chí đã rạn nứt ngay từ đầu trong cuộc chiến Triều Tiên và còn tiếp tục lớn để rút cuộc hai anh Cộng sản Nga Tầu choảng nhau chí tử ở biên giới trên Ô Tô Lý giang. Ý thức hệ Mác-Lê không tạo được sự đoàn kết chân thật mà chỉ tạo ra thời cơ lợi dụng lẫn nhau. Thực tế của thời đại là sự đoàn kết chỉ có khi quyền lợi phù hợp. Và quyền lợi cao nhất là quyền lợi kinh tế.
Sau khi Liên Sô sụp đổ, hai nước đã bắt đầu sáp vào nhau. Vào ngày tàn của chế độ Sô Viết năm 1989, bang giao được tái lập. Năm 1994 Giang Trạch Dân và Boris Yeltsin họp thượng đỉnh ở Moscow để cam kết không nhắm phi đạn nguyên tử vào nhau, không dùng vũ lực giải quyết những tranh chấp biên giới. Năm 1996, hai bên tiến đến việc tranh đấu cho một “thế giới đa cực” để quân bình với sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ. Hai bên gia tăng khối lượng mậu dịch từ 6 tỷ Mỹ kim năm 1997 lên đến 20 tỷ vào năm 2000. Đồng tiền là Tiên là Phật chớ không phải chủ nghĩa của ông Mác ông Lê.
Nếu bây giờ hai bên ký hàng loạt thỏa ước phân định đường ranh giới và đồng ý “phát triển chung” những hòn đảo đã từng làm nổ chiến tranh trên sông Ô Tô Lý, đó cũng chỉ là những bước tiến bắt buộc trên con đường “diễn biến hòa bình” chớ không có gì mới lạ. Vậy tại sao có sự ồn ào về chuyện liên minh chống Mỹ" Đó là vì hai bên gập đúng lúc đang có những vấn đề gay cấn trong nội bộ tương tự như nhau. Nga có cuộc chiến Chechnya gây tai tiếng và Trung Quốc có cái gai nhọn Đài Loan đâm thấu đến ruột. Hơn nữa hai nước đang hận vì sức ép của một nền kinh tế quá mạnh là kinh tế Mỹ đòi hỏi những cải cách, mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế.
Người ta đã thấy chuyến đi của ông Yeltsin được sắp xếp hối hả như thế nào. Yeltsin vừa ra khỏi bệnh viện ba ngày vì bệnh sưng phổi đã phải vội vã lên đường. Không rõ đây là lần thứ mấy thuộc hạ phải chở ông Tổng Thống bệnh hoạn này đến bệnh viện. Bác sĩ bảo ông không nên đi, nhưng ông vẫn chống gậy lảo đảo ra đi. Bởi vì Mỹ và các nước Tây phương đang làm khổ ông về vụ quân đội Nga tàn bạo tấn công Chechnya, một nước Cộng hòa nhỏ mới đây đã tách rời khỏi Liên Bang Nga. Ông lưu lại Bắc Kinh chỉ có 26 tiếng đồng hồ chỉ để làm một cuộc trao đổi và thi đua ngoạn mục. Giang ủng hộ Yeltsin về Chechnya và Yeltsin ủng hộ Giang về Đài Loan. Cố nhiên nếu quân Nga không bị dân Chechnya đuổi về thì Trung Quốc cũng có hy vọng không bị cắt đứt với Đài Loan. Ở đây hai bên cùng cầm một biểu ngữ hùng dũng giống nhau: chuyện nội bộ, bên ngoài không được can thiệp.
Thế nhưng có chuyện bất ngờ là Yeltsin sức đã tàn mà còn nổ được một quả pháo khá vang dậy. Yeltsin đã cảnh cáo Mỹ - trong một lời tuyên bố đột xuất với các phóng viên chớ không phải trong một bản tuyên ngôn chính thức có chuẩn bị sẵn. Ông nói Mỹ đừng quên “Nga là một cường quốc có một kho vũ khí hạt nhân. Chúng tôi không hề sợ lập trường bài Nga của Clinton. Tôi muốn bảo với Tổng Thống Clinton biết rằng chỉ một mình ông ấy không thể ra lệnh cho thế giới phải sống như thế nào, làm việc như thế nào, chơi như thế nào...Chúng tôi sẽ ra lệnh cho thế giới chớ không phải chỉ có một mình ông ta”. Giang có thể xoa tay hỉ hả, Bắc Kinh đang muốn nổi khùng lên vì sau khi đã ký thương ước với Mỹ, Clinton vẫn yêu cầu cho Đài Loan gia nhập WTO.
Nhưng vụ nổ bằng mồm của Yeltsin nhằm vào cá nhân Clinton hay nước Mỹ thì ít mà nhằm vào chuyện nội bộ của Nga thì nhiều. Lời tuyên bố của Yeltsin đã được phát thanh và truyền hình Nga điễn đi diễn lại nhiều lần tuần trước. Yeltsin chỉ còn ngồi - hoặc nằm - trên ghế Tổng Thống cho đến tháng 6 năm 2000 là hết. Nhưng tình trạng sức khỏe của ông đã đến độ gần đất nhiều hơn xa trời nên không có ai dám chắc ông còn tồn tại đến ngày đó. Chính đây là điều âu lo cho nhóm của ông đang cần củng cố chuyện kế vị trước thế lực của liên minh đối lập. Trong liên minh này, đảng Cộng sản Nga mạnh nhất với chiêu bài truyền thống “chống Mỹ cứu nước”.
Trong khi đó Giang cũng có nhu cầu nội bộ. Sau khi đã ký thương ước với Mỹ. Giang cần phải dẹp yên những mầm mống bảo thủ chống đối có thể còn ngóc đầu lên giữa lúc Mỹ và Trung Quốc còn nhiều chuyện rắc rối khác. Bởi thế vai trò của một ông già óc đã lú lẫn rất cần cho Giang trong lúc này. Khi cần, ngưu tầm ngưu mã tầm mã là đúng. Chỉ phiền là khi hết cần, trâu chỉ biết nói tiếng trâu và ngựa chỉ biết nói tiếng ngựa. Và khi quyền lợi riêng bị va chạm, cả hai đều có mồm và có cả răng.