Hôm nay,  

Mùa tuyết đầu tiên của tôi ở California

24/01/202408:48:00(Xem: 1557)
BuiVanPhu_2024_0122_MuaTuyetDauTienOCalifornia_H03
Tuyết trên công viên quốc gia Yosemite, California (Ảnh: Bùi Văn Phú).


California nắng ấm, biển xanh. Tôi nghe nói thế trong những ngày còn ở trại tị nạn trên đảo Guam. Đến đây vào giữa tháng Sáu, vừa ra khỏi cửa máy bay tại phi trường quân sự El Toro ở miền nam California để lên xe buýt mà lạnh run người.
    Những ngày sống trong trại tị nạn Camp Pendleton, ban ngày đi lại dưới ánh nắng mà nhiều người vẫn phải mặc áo len, áo jacket hay áo lính trê-di mới được phát cho. Từ miền nhiệt đới nay qua miền ôn đới, đêm nằm trong lều, ngủ trên giường xếp của lính, có chăn nhưng vẫn không đủ ấm nên mỗi tối tôi ra khu nhà tắm lấy một bình nước nóng ôm ngủ cho đỡ lạnh.
    Định cư ở thành phố Berkeley trên miền bắc California, đi học tôi cũng vẫn khoác trên người chiếc áo jacket mang theo từ trại tị nạn vì lúc nào cũng cảm thấy lạnh. Dần hòa nhập vào đời sống mới, tôi nhận ra biển Cali có xanh dưới chân cầu Golden Gate, nhưng nước biển lạnh và nắng ở đây cũng không ấm.
    Học kỳ đầu tiên của tôi tại đại học cộng đồng là vào Winter Quarter 1976. Một hôm, đang trong giờ toán bỗng sinh viên lao nhao nhìn qua cửa kính lớp học thì thấy những bông trắng bay lất phất. Một lúc sau sân trường phủ một màn tuyết. Thầy nói và tôi lõm bõm hiểu là hiếm khi có tuyết rơi trên đường phố ở đây, còn tôi mơ màng nhớ đến người tình Lara với bác sĩ Zhivago tình tứ bên tuyết trắng trong phim “Dr. Zhivago” nổi tiếng được chiếu ở Sài Gòn năm nào.
    Hôm đó không phải là lần đầu tiên tôi thấy tuyết. Vài tháng trước, trong lớp ESL ở Berkeley Adults School có nghe mấy bạn từ Nhật, Thụy Sĩ nhắc đến Lake Tahoe, một nơi vào mùa đông có tuyết, không xa San Francisco. Đó là một điều lạ khiến tôi tò mò.
    Sau Giáng sinh, mấy anh em trong nhà rủ nhau lên Lake Tahoe, quãng đường dài chưa đến 200 dặm. Mới qua Mỹ chưa rành đường sá, cũng chẳng biết thời tiết ra sao, nhưng nghe nói cảnh tuyết đẹp nên mạo hiểm, cầm bản đồ đi theo xa lộ 80 East đến Sacramento qua 50 East rồi cứ theo bảng chỉ South Lake Tahoe mà phóng tới. Trên người chỉ có bộ quần áo với chiếc áo len, không mũ phủ đầu, không giầy đi tuyết mà chỉ có đôi bata thường ngày đi học. Tuyết lạnh đến cỡ nào không biết, cứ đi xem sao.
    Từ nhà, chạy xe chừng hai giờ thì thấy có tuyết bên đường và thông xanh tuyết phủ đẹp như trong phim, như hình ảnh trên thiệp Giáng sinh. Lúc đó tôi không rõ ông anh họ cầm tay lái có sợ gì không vì đường tuyết mà xe lại không có xích. Nhìn bên lề thấy có chỗ ghé vào được, chúng tôi dừng lại, bước ra chạm tay vào tuyết xem thế nào. Rất mềm mịn, rất lạnh và đúng là trắng như tuyết. Cảnh đẹp như ở một xứ sở thần tiên nào đó vào mùa đông mà những ngày còn ở Việt Nam tôi mơ ước được thấy thì hôm nay đang hiện ra trước mắt.
    Đến Lake Tahoe, bờ hồ đầy tuyết và mặt hồ như đóng băng. Nhiều trẻ em với mũ áo quấn kín người ngồi trên những tấm nhựa mầu xanh đỏ lướt xuống trên tuyết. Chúng tôi bốc tuyết ném nhau. Đứng trong tuyết, tay bốc tuyết tung cao sao thích thú, vui quá quên cả cái lạnh. Rồi đắp tượng Snowman, chụp hình để khoe với bạn bè. Mấy anh em vui chơi một lúc, thấy buốt giá tay chân thì trở lại xe.
    Chạy vài phút là đến khu khách sạn và ranh giới phân chia hai tiểu bang, chỉ cách nhau con đường mang tên Stateline. Bên này cũng khách sạn, cửa tiệm nhưng thuộc về California nên không được phép mở sòng bài. Bên kia là Nevada, bước vào sảnh khách sạn thấy đèn nhấp nháy trên máy đánh bạc và nghe leng keng tiếng bạc cắc chạm vào nhau.
    Vào khách sạn Harrah’s tìm gì ăn uống cho ấm người và cũng thử vận hên xui. Mỗi người 5 hay 10 đôla, chỉ kéo máy vì không biết các trò chơi bài bạc khác. Một ông anh trúng gì đó mà đèn chớp liên tục và máy reo inh ỏi. Nhân viên sòng bài đến xem xét, báo cho biết trúng lớn, quá nhiều bạc cắc máy không đủ trả nên chuông vang lên. Ông anh vừa trúng được 80 đôla. Đây là một số tiền khá lớn, tương đương với thu nhập của một tuần làm việc, vì lương tối thiểu lúc đó là 2 đô 10 xu một giờ. Tôi làm thợ sơn được trả 2 đô 50 xu một giờ. Đi xe buýt đến trường chỉ 25 xu một chuyến. Gửi một lá thư cần con tem 10 xu.
    Chúng tôi ra về. Trên đường có tuyết rơi lất phất và trời đã tối khiến tầm nhìn không được xa, năm đôi mắt phải căng tròn nhìn phía trước để cảnh báo cho tài xế. Đường núi quanh co nên ai cũng lo, chỉ sợ bị kẹt trong tuyết hay tai nạn thì không biết phải làm sao. May mắn là tuyết không rơi nhiều và khi xuống đến đồng bằng, không còn tuyết chúng tôi mới hết lo.
    Sau vài năm sống ở Mỹ, quen với đường phố, xa lộ tôi đã có những chuyến đi chơi xa lên Canada hay xuống Mexico.
    Giáng sinh năm 1979, tôi và mấy bạn học cùng trong Bút nhóm Ý Thức đi xuyên bang từ Berkeley lên Vancouver, Canada là hành trình xa nghìn dặm. Chiếc xe Dodge Dart tám máy của anh bạn còn chạy khỏe, chỉ có máy sưởi trong xe không làm việc. Biết thế nên chúng tôi đã chất lên xe chăn mền, túi ngủ và ít thức ăn nước uống.
    Khởi hành vào sáng sớm. Trên đường, theo xa lộ 5 North chúng tôi ghé vào Lake Shasta ăn trưa, quay phim chụp ảnh. Xôi đậu xanh nấu đêm qua, bọc trong giấy bạc mà sao giờ nhão nhoẹt nên mỗi bạn ăn vài miếng rồi bỏ cho cá dưới hồ. Bữa ăn còn lại có khoai tây, bánh qui, bánh ngọt, các loại hạt đậu và uống Coke.
    Khi xe chạy qua núi Shasta gần biên giới với tiểu bang Oregon, trước mặt là một biển tuyết mênh mông. Xa lộ chỉ hơi quanh co và thoai thoải lên xuống dốc nên nhìn xa xa giữa mầu trắng thấp thoáng những hàng thông, với nhà có đèn trắng, đèn mầu treo trước hiên đón mừng Giáng sinh là một bức tranh tuyệt đẹp.
    Vào đến Oregon không còn tuyết nhưng chúng tôi ai cũng đã lạnh cóng tay chân, phải ráng chạy tới thị trấn Roseburg nơi có bạn cùng bút nhóm đang chờ ở nhà. Đến được nhà bạn, ba anh em chúng tôi đã ngồi trước lò sưởi rất lâu cho tan buốt giá tay chân, ấm lại trong người.
    Ngày hôm qua chúng tôi chạy xe 12 tiếng đồng hồ và mới đi được nửa đoạn đường. Tiếp tục hành trình, thêm bạn từ Oregon cùng đi, bốn anh em quyết định, vì máy sưởi trong xe không hoạt động, chỉ lái xe ban ngày từ 10 giờ sáng đến 4 hay 5 giờ chiều rồi tìm Motel 6 nghỉ qua đêm.
    Vancouver không lạnh lắm vì có mưa. Chuyến đi có mục đích thăm anh Vũ Mạnh Hải là hàng xóm của một bạn học. Anh Hải là vận động viên bóng đá của đội tuyển trong nước, vượt biển đến trại Bidong và được định cư tại đây. Hôm đó có nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, cũng từ Bidong, và vài bạn nữa ghé chơi. Sau bữa cơm tối là văn nghệ bỏ túi, đàn hát bên nhau thật vui.
     Từ mùa đông đầu tiên với tuyết rơi ngoài cửa lớp, đến nay tôi chưa thấy lại cảnh tuyết trên đường phố nơi mình sống. Những năm thật lạnh cũng chỉ có tuyết trên đỉnh núi quanh vùng là núi Tamalpais ở phía bắc San Francisco, núi Hamilton ở phía nam và núi Diablo ở phía đông.
    Tuyết trắng có vẻ đẹp hấp dẫn. Tôi không biết trượt tuyết nhưng thỉnh thoảng lên núi mùa đông là để thay đổi không khí, ngắm, chụp cảnh thiên nhiên. Có vui chơi cùng các con hay với bạn bè thì vợ chồng cũng chỉ ngồi trên đĩa hay thuyền nhựa lướt trên tuyết theo dốc thoai thoải. Lớn tuổi rồi, bị bong gân hay vẹo chân tay sẽ nhiều phiền phức.
    Vui chơi với tuyết thì thích, nhưng có nguy hiểm. Một lần đi cắm trại mùa đông, rời Lake Tahoe vào một sáng nắng chan hòa. Đang chạy chầm chậm bỗng xe như trôi, tôi hoảng hốt bẻ bánh lái khiến xe quay 360 độ. May là không có xe chạy bên kia đường hay chạy gần theo sau. Thật hú vía đứng tim, còn các con nhỏ lại tưởng bố biểu diễn quay xe vòng tròn. Thì ra vừa bị “black ice”, nước đông đá trên mặt đường mà không nhìn thấy.
    Nhiều người chỉ biết đến California nắng ấm với Hollywood, Rose Parade, Disneyland, cây cầu đỏ, nhưng ít ai biết tiểu bang này còn nổi tiếng với Lake Tahoe từng là nơi tổ chức Olympic mùa Đông 1960. Dọc theo phía đông tiểu bang là rặng Sierra Nevada, có tuyết mùa đông từ Lake Tahoe ở miền bắc, Yosemite ở miền trung, xuống đến Big Bear ở miền nam, mà nếu nhìn từ cửa sổ máy bay sẽ thấy tuyết trắng quanh năm trên những đỉnh của dãy núi này. Từ bắc California lái xe theo xa lộ 80 East qua Reno, Nevada phải qua đỉnh đèo Donner Summit ở độ cao trên 7 nghìn bộ, khoảng 2 nghìn 200 mét.
    Giữa thế kỷ 19, nhiều nhà thám hiểm trên đường tây tiến đã không vượt qua được đỉnh núi này, theo đường mòn gọi là Oregon Trail và đã có nhiều người bỏ mình. Tên của đỉnh đèo là để tưởng nhớ gia đình Donner mà thành phố Truckee ngày nay còn có một bảo tàng tưởng niệm. Chuyện kể rằng đoàn thám hiểm của Donner với 87 người gồm cả trẻ em đến đây vào mùa đông 1846-47, bị kẹt trong bão tuyết khiến 39 người thiệt mạng.
    Đây cũng là khu vực mà trong khoảng thời gian những nhà thám hiểm tìm cách vượt núi tây tiến thì người Hoa từ châu Á đã được đưa đến để làm đường rầy tàu hỏa hay đãi vàng trên những con sông, con suối mà ngày nay du khách có thể thấy dưới nước lấm tấm vàng trông như cát.
    Lake Tahoe là một hồ nước thiên nhiên rộng lớn, là nguồn nước cho nhiều khu vực của tiểu bang California. Thời tiết ghi nhận qua nhiều năm cho thấy tuyết rơi trên Lake Tahoe có thể sớm nhất từ tuần lễ Thanksgiving cuối tháng Mười Một và trễ nhất là ngày Memorial cuối tháng Năm.
    Một lần tôi đưa gia đình lên đây dịp lễ Memorial để bắt đầu cho kỳ nghỉ hè nên mang theo toàn quần soọc với áo ngắn tay, áo tắm. Ngủ một đêm, sáng dậy nhìn qua cửa sổ khách sạn thấy tuyết phủ trắng cả rừng thông nên phải bỏ sinh hoạt đạp xe quanh bờ hồ như đã dự tính và chỉ quanh quẩn trong khách sạn và mấy khu thương mại.
    Mỗi khi có bão tuyết, như năm nay, phủ ngập miền đông, miền trung và tuyết rơi xuống tận tiểu bang Texas làm tôi lại nhớ đến mùa đông năm 1976 ở California với tuyết rơi trên đường phố vùng Vịnh San Francisco và chuyến đi chơi tuyết đầu tiên trong đời trên Lake Tahoe.
    Năm đó cũng có bão tuyết ở miền đông vì thế nhiều người Việt mới đến Mỹ không chịu nổi cái lạnh đã tây tiến về California nắng ấm, biển xanh. Và nhiều nơi trong tiểu bang này cũng có tuyết vào mùa đông.
 

Bùi Văn Phú


BuiVanPhu_2024_0122_MuaTuyetDauTienOCalifornia_H01_LakeTahoe_1975

Trên đường đi Lake Tahoe cuối năm 1975 với người thân.

 

BuiVanPhu_2024_0122_MuaTuyetDauTienOCalifornia_H04_TuyetCalifornia

Cảnh tuyết mùa đông California.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hai phụ nữ bị thưa ra Tòa án Paris về tội xúc phạm sĩ diện và đời sống riêng tư vì hai người này quả quyết bà vợ của ông Tổng thống Macron là người chuyển giới và bà vì thế không phải là mẹ của các con của bà. Hai phụ nữ loan tin thất thiệt đó sẽ ra Tòa vào ngày 16 tháng 6 tới đây. Một bà là đồng bóng, bà kia là nhà báo độc lập. Đồng thời, nhiều Twitter và hashtag #JeanMichelTrogneux đồng loạt quả quyết Đệ nhứt phu nhơn thật sự là một phụ nữ chuyển giới, tên khai sanh là Jean-Michel Trogneux.
Ảo thì không phải là sự thật, không có thật. Những từ ngữ mà chúng ta thường nghe có liên quan xa gần đến việc sống ảo là ảo ảnh, ảo giác, ảo tưởng, ảo vọng, vân. vân...Ảo thuật nhằm đánh lừa giác quan chớ không phải là thật. Đó chỉ là một trò giải trí để mua vui chớ không có hại như ảo giác, ảo tưởng, ảo vọng của những người sống ảo, xa rời thực tế. Sống ảo là một căn bệnh tâm lý gây ra bởi nhiều lý do phức tạp khác nhau, tùy trường hợp của mỗi cá nhân. Có thể là do kém hiểu biết cùng với mê tín, mê muội, có thể do một tại nạn hay một biến cố xảy ra để lại một vết thương trong tâm hồn, có thể do một chấn động vì người thân đột ngột qua đời, có thể do sự thất bại ngoài xã hội, và trong gia đình, có thể vì ảo tưởng theo đuồi một mục tiêu không thật và cuối cùng chạm phải một thực tế phủ phàng.
Ngày nhỏ chúng tôi căng miệng hát một cách thích thú bài nhạc chế từ bài La Marseillaise, bài quốc ca của Pháp. Tôi thuộc cho tới bây giờ, sau nhiều chục năm tôi vẫn còn hát được. “Thầy đồ ngày xưa quen thói nuôi móng tay dài / quần trễ tai hồng đỏ đen mực son. Đầu lúc la lúc lắc đảo như lên đồng / được dăm trẻ ghẻ lở quá hủi phong. / Quát lấy điếu, đem bình phóng , bưng cơi trầu. / Nhân chi sơ, người đi trước / ta bảo phải để vào tai dốt đặc. Ở trên đầu thầy có cái chi lúc lắc? Búi tó, nó to bằng niêu / tính ghét móng tay hằng cân / thọc luôn trong nách, bật tanh tách hoài / Ngâm thơ thích chí rung đùi”. Nhớ nhưng không chắc có đúng không, có thể có chỗ không nhớ tôi đã chế ra. Nhạc chế cũng như ca dao không bao giờ có tên tác giả. Không biết đây là một bài nhạc chế để chọc quê chính quốc lúc đó đang cai trị Việt Nam hay đùa chơi với các thầy đồ của một anh học trò không thích tới trường.
Tình cờ trong một gian hàng của nghệ nhân làm Bonsai, cây kiểng, tôi thấy trưng bày một chậu kiểng nhỏ, có nhiều nhánh cong queo, lá hình bầu dục, phía dưới có nhiều lông trắng óng ánh như nhung, trĩu nặng từng chùm quả nhỏ tròn trông giống như trái mồng tơi nhưng nhiều màu sắc: xanh, vàng, đỏ, tím đen... trông rất quen, nhưng không thể gọi ngay ra tên của loài cây này được...
Tôi quen biết một cô Tây, gọi là một cô đầm thì đúng hơn, tên gọi đầy đủ là Florence Cavalier, vợ của ông tây Jean Paul Cavalier. Florence còn trẻ, lối 30 tuổi. Ngày từ khi còn nhỏ, 9 tuổi, Florence đã là một hướng đạo sinh, scout, lớn lên em học và hành nghề y tá. Cái gốc scout và nghề nghiệp y tá bổ túc lẫn cho nhau, thêm Flor có ngoại hình xinh xắn tươi vui, thành ra trông lúc nào cô ấy cũng tràn đầy nghị lực, sức sống và yêu đời...
Muốn biết một đất nước có văn minh hay không, người ta thường quan sát nhiều khía cạnh khác nhau với một tinh thần phóng khoáng, một tâm trạng cởi mở, không thiên vị, về xã hội, cách điều hành đất nước (governance), việc bảo tồn và thăng tiến văn hóa, về mức sống người dân như việc chăm sóc sức khỏe, môi trường, giáo dục, và trên hết là sự hạnh phúc (well-being) của người dân...
Cuối tháng ba, đầu tháng tư và kéo dài đến tháng sáu, tháng bảy, du khách đến với Đà Lạt, từ những con đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, đến Hồ Xuân Hương, Chợ Đà Lạt, hay Thung Lũng Tình Yêu, Thiền Viện Trúc Lâm... sẽ thấy lòng mình chùng xuống, trước sắc tím lãng mạn, êm đềm và thơ mộng của những cây “ phượng vĩ tím” hay gọi tắt là “phượng tím”. Những cây phượng có nguồn gốc từ Châu Âu, du nhập vào Đà Lạt từ những năm 1962 của thế kỷ trước.
Trong vài thập niên gần đây, thuật ngữ “tâm linh” trở nên rất thời thượng, tràn ngập khắp trên mặt báo chí, truyền thông, mạng xã hội, người người nói, nhà nhà nói. Nó trở thành từ cửa miệng của rất nhiều người trong đạo lẫn ngoài đời. Những tà sư, thầy cúng, các nhóm lợi ích kết hợp với những thế lực chính trị và thế lực ngầm ra sức phá rừng, xẻ núi, lấp ruộng… để làm những ngôi chùa, đền, miếu khổng lồ phục vụ cho cái gọi là du lịch tâm linh, hành hương tâm linh… Ngoài những ngôi chùa khổng lồ ấy ra còn có vô số chùa tư, đền, miếu, am, dinh, miễu...mọc lên như nấm sau mưa. Có một điểm chung là các cơ sở này thờ hằm bà lằng từ Phật, thánh thần, thiên, ông đồng bà cốt, cậu hoàng… và cả những nhân vật chính trị thế tục.
Người đọc nhìn thấy môt hình ảnh rất nhỏ, khiêm tốn, ngay trong ngày đầu 30-4-1975, hình ảnh người chiến binh giải phóng Sàigòn đang quì gối cầu nguyện bên ngoài ngưỡng cửa Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn. ..
Tôi đã xem phim “Oppenheimer” chiếu ngoài rạp, một phần vì tiểu sử của nhà khoa học vật lý đã chế ra bom nguyên tử, từng giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học U.C. Berkeley và vì cũng muốn biết ngôi trường thân yêu của mình đã được lên phim như thế nào.