Hôm nay,  

Bà ... Nội ư?

20/01/202408:28:00(Xem: 2361)
Truyện

soingoc

Nằm trên giường tôi vươn vai duỗi chân thật thoải mái làm sao ấy, nhìn lên đồng hồ trên bàn đã 9 giờ sáng, bên ngoài trời Montreal tuyết nhè nhẹ bay trắng xóa thật đẹp. Hôm nay thứ hai đầu tuần, mọi người hàng xóm xung quanh đi làm hết, cả khu nhà yên ắng đến lạ thường, tôi mỉm cười thỏa mãn “mình về hưu rồi mà, phải tự sướng chứ!”
    Từ từ bước xuống giường, sau khi làm vệ sinh cá nhân xong, tôi đi vòng quanh nhà xem xét tất cả mọi ngõ ngách từng chi tiết nhỏ như người khách lạ mới dọn đến ở trọ vài đêm vậy. Từ xưa đến nay tôi lo đi làm, dậy sớm, đầu tắp mặt tối, chợ búa cơm nước, nuôi dậy con cái, đến cuối tuần là lao ra chợ mua bán cho cả tuần với hai xe chợ đầy ắp tải về, đến nỗi bà cashier phải lên tiếng:
    – Chị mua để bán dépanneur hả?
    Tôi quay qua quay lại xem chị quầy hàng hỏi mình hay ai, thấy chị gật gật đầu, tôi đáp :
    – Nhà tôi tuy chỉ có 2 thằng cu nhỏ và một thằng cu già thôi nhưng chúng ăn như hổ ạ!
    – Vậy mà em tưởng chị mua để bán depanneur thì em cho giá rẻ hơn.
    Đi chợ về rồi phải sắp thức ăn ra, cái thì bỏ vào freezer để giữ cho tươi, dùng cho vài ngày sắp tới, cái thì bỏ vào tủ lạnh thường để ăn dần trong nay mai…
    Tôi đã bận rộn để không có đủ thì giờ nhìn ngắm căn nhà mình còn mới hay cũ, cái gì cần sửa chữa, mà chỉ nhìn sơ xài thế thôi, tính tôi lại rất kỹ, thấy điều gì không hợp mắt ví dụ như bức tường bị tróc sơn vì lâu ngày hay bên ngoài nhà có vết nứt nhỏ là gọi thợ sửa ngay; bây giờ tôi đã về hưu non sau 32 năm cống hiến tất cả công sức, trí óc cho xã hội của quê hương thứ hai này, tôi sẽ có rất nhiều thì giờ để chọn thợ sửa lại căn nhà nếu cần phải sửa.
    Chắc hẳn mọi người sẽ hỏi tại sao chồng tôi không giúp vợ trong những vụ sửa chữa nhà cửa phải không ạ? Chàng biết tính tôi chỉ muốn làm điều gì tôi thích, nên chàng chỉ đưa tiền cho tôi, ủng hộ tôi, chứ chẳng bao giờ cho thêm ý kiến làm gì để mất công hai vợ chồng lại cấu xé lẫn nhau.
Trong lòng phơi phới, nhìn góc nào cũng thấy thật hoàn hảo, đẹp mắt đến không cần phải sửa đổi gì nữa cả. Những cánh hoa mai vàng « ngàn năm y nguyên » của tôi vẫn khoe sắc trong chiếc lọ cao thằng đứng trong góc phòng khách làm nổi bật bộ ghế salon da đỏ sẫm màu. Bên cạnh là bức tượng Phật Quan Thế Âm mùi trầm hương thơm ngát trên chiếc kệ gỗ nâu sậm kê sát tường. Tôi chắp tay lạy Phật đã cho gia đình tôi nhiều sức khỏe và phò hộ cho những ngày tháng thật bình an.
    Tôi tiến vào phòng ngủ của hai con trai, tất cả giường tủ còn đây, y hệt như trước khi chúng nó bỏ lại đến nơi ở mới riêng; anh Tutu (tên ở nhà) thứ nhất đi làm xa ở North Bay nha sĩ trong quân đội Canada, sáu tháng mới về thăm nhà một lần, và rất ít phone nói chuyện với mẹ tuy rằng cậu bé này rất tình cảm và thường hay quấn quít mẹ khi còn ở nhà. Cậu này chắc tính cũng giống tôi lắm, mê công tiếc việc, làm gì là đắm đuối đến quên ăn!
    Cậu nhỏ thứ hai tên Bê ở nhà, vừa đám cưới tháng năm xong, mua luôn căn nhà mới ở khá xa bố mẹ cho tiện đi làm. Tôi ngồi thừ trước những tấm hình của các con từ nhỏ đến lớn, ở mỗi độ tuổi của chúng, anh Tutu bế em Bê từ lúc mới lọt lòng trong vòng tay, rồi đến những tấm hình của hai anh em đẩy xe trượt tuyết cho nhau trên một núi tuyết thật cao sau nhà, đôi má phính căng hồng tròn như những trái đào, đầu đội mũ len có hai cái tai thỏ thật dễ thương, chúng nó lăn vòng vòng từ trên cao xuống, rơi lọt thỏm vào hố tuyết, bị tuyết trên cao rơi lấp miệng hố, một hai phút yên lặng trôi qua, bàn tay bé xíu với đôi găng đỏ nhô lên từ hố tuyết, nó đưa khuôn mặt đỏ au vì lạnh ra khỏi hố tuyết trắng. Những ngày mùa đông tôi tranh thủ về sớm để cho hai cu ra tuyết chơi, cả hai đều mê mùa đông, không biết lạnh là gì, nặn những ông già tuyết cao đến quá đầu người bằng cách khiêng cái thang ba chân để leo lên cao gắn cái đầu của ông già tuyết, với chiếc mũi dài bằng củ carotte.
 
    Bao nhiêu kỷ niệm buồn vui lẫn lộn trôi qua dưới mái nhà mà chúng tôi đã trải qua cùng nhau từ thuở ấu thơ của hai cậu bé đến khi khôn lớn, hôm nay tôi mới có thì giờ ngồi đây hồi tưởng lại.
Tôi đã từng xem những vị khách hàng ở nhà bank của tôi làm việc là thượng khách, tôi đã đặt để họ lên trên tất cả, là ưu tiên số một, hơn cả sức khỏe vì khi bệnh tôi cũng cố lết vào để giải quyết hồ sơ và gặp gỡ họ; suốt 32 năm làm việc trong niềm đam mê say sưa đến cả những ngày nghỉ tôi cũng không lấy cũng chỉ vì quá yêu công việc!
    Thế mà sau khi cháu Bê lập gia đình, tôi bỗng đưa ra quyết định nghỉ hưu ngay lập tức vì cảm thấy đủ rồi, làm ai cũng không khỏi ngạc nhiên.
    Tôi muốn có thì giờ làm những điều tôi yêu thích mà từ trước đến giờ tôi chưa thể làm được vì không có thì giờ. Tôi nhớ lời thằng Bê nói trước khi lập gia đình:
    – Mẹ mà không về hưu đi chơi bây giờ thì đến khi mẹ muốn đi sẽ không đi được nữa đấy!
    – Tại sao chứ? Mẹ chưa đến tuổi về hưu cơ mà, còn phải đến 6 năm nữa.
    – Chúng con lấy nhau xong sẽ có con ngay đấy!
    – Bộ muốn có con là có dễ như mình muốn sao chứ?
    – Con đã plan rồi, sau đám cưới là vợ con sẽ có bầu ngay!
    Tôi cười mà quay phắt đi :
    – Nói cứ như thật!
    Nhưng ngẫm nghĩ lại thì nó nói phải, tôi phải ngưng làm để nghĩ đến bản thân mình và gia đình khi tôi còn sức khỏe tốt, chứ đợi già rồi mới về hưu, lúc đó quá mệt mỏi còn sức đâu mà lội bộ ở những nước Châu Âu nữa chứ!
    Đang miên man suy nghĩ về cuộc đời, tôi nghe tiếng phone reng cắt đứt dòng suy nghĩ của ngày đầu tiên về hưu non, tôi vội vàng nhìn thử ai gọi, tên « thằng Bê » hiện lên màn hình :
    – Allo con yêu…
    – Mẹ ơi, thứ bẩy này mình họp hai gia đình tại nhà con nhé.
    – Chuyện gì vậy con? … để mẹ xem thứ bẩy này mẹ có bận đi karaoke không cái đã nhe.
    – Rất quan trọng mẹ phải bỏ karaoke đó!
    – Thế à, chuyện gì quan trọng vậy? … ừ để mẹ phone bạn nhe.
    – Nếu đến mẹ nhớ đem cho con một món ăn ạ.
    – Ok mẹ sẽ đem món bánh cuốn hấp nồi nước cho con.
    – Dạ được đó, chứ con không thích ăn bánh cuốn chảo đâu.
    – Ừ được mà không lo!
    Từ nhà tôi đến nhà cháu Bê cũng mất 45 phút, phải qua cái cầu Champlain vì nhà cháu bên Longueuil, quẹo lòng vòng mới đến nơi. Nhà xa nên tuyết đầy đường, xe ủi tuyết chưa xúc, chúng tôi phải đi vòng quanh núi tuyết trước cửa nhà thằng Bê mới vô được trước thềm nhà. Bên trong đã đông đảo ba mẹ gia đình anh chị em bên con dâu Vân.
    Chúng tôi cùng nhau sắp xếp đồ ăn, bày biện bát đũa trên bàn và chuẩn bị nhập tiệc. Thằng Bê đặt máy quay hình ở đầu bàn trông thật long trọng, khi chúng tôi an vị hết, nó bắt đầu dõng dạc :
    – Con mời mọi người đến hôm nay để tuyên bố là….
    – Con sắp làm papa?
    – Vâng đúng rồi ạ, các mẹ sắp làm bà nội và bà ngoại, các bố lên chức ông nội, ông ngoại rồi ạ!
    – Oh thật vui quá! Thế con trai hay gái con biết chưa?
    – Dạ… lúc đầu con không muốn biết, định làm surprise khi sanh mới biết, nhưng vì ai cũng muốn mua đồ baby để sửa soạn cho dễ nên bây giờ tụi con mới quyết định là sẽ biết là trai hay gái!
    – Vậy hai con cũng chưa biết là mình có con trai hay gái luôn phải không?
    – Vâng! Tụi con cũng chưa biết là sexe nào cả. Hôm vợ chồng con đi nghe tim baby thì bà y tá có giấu một cái card cho biết trai hay gái vào một bao thư đưa cho người bạn con, khi nào con muốn biết thì sẽ xem cái card đó, nhưng cô bạn đưa ý kiến là làm party với hai bên gia đình như vậy để họp mặt và sẽ nói cho biết trai hay gái khi mọi người nhìn cái bánh mà các cô bạn sẽ đem tới trong vài phút nữa thôi.
    – Bây giờ mình chơi « cá độ» đi!
    – Ok! Mỗi vé cá độ trai hay gái thì sẽ phải đóng 5$, một người có thể cá cả hai sexes luôn.
Cả bàn ăn nháo nhào lên, quên cả ăn vẫn thấy no, mọi người hào hứng viết xuống tờ giấy nhỏ cá độ trai hay gái.
    Tôi mới về hưu chưa đi du lịch gì cả, chả lẽ lại đi nuôi cháu, thay tã, cho bú hay sao chứ, tôi thầm nghĩ nên ngồi thộn mặt, nhìn mọi người vui cười nói chuyện rôm rả. Bà sui lớn hơn tôi cả chục tuổi, bà mong có cháu lắm. Bà quay qua tôi lên tiếng :
    – Mình mong nó có con để bây giờ mình còn sức thì trông đỡ cho nó, chứ sau này mình lớn tuổi quá thì sao giúp nó được.
    Tôi vội vàng bán cái liền:
    – Vâng! Con gái khi sanh mà có mẹ còn khỏe trông nom thì thật quý lắm! Chị ở đây cùng với các cháu hay sao?
    – Đúng rồi, con Vân nó đã ordered mình ít nhất là ba tháng đấy! nó cũng dọn cho mình căn phòng cạnh phòng baby rồi.
    – Vậy thật đỡ lo ạ!
    Thằng Bê ôm cổ tôi nhõng nhẽo hỏi:
    – Mẹ thích trai hay gái? Mẹ lên chức bà nội rồi đấy!
    – Bà … Nội ư?... Con cũng sắp lên chức papa, đừng như con nít nữa nhe, trai hay gái mẹ đều yêu cả, miễn sao nó nhiều sức khỏe là được. Mà mẹ nghĩ nó là con trai đó!
    Ông bà sui nói to cho cả bàn nghe:
    – Tôi cá nó là con gái…
    Bỗng tiếng chuông cửa reo vang, cả nhà ùa ra reo lên :
    – Cake đã tới rồi! tránh ra để đem cake vào nào.
    Một chiếc bánh cao 40cm, đường kính 25cm được đặt ngay giữa gian bếp, tất cả mọi người đều hồi hộp, chiếc bánh này sẽ quyết định cuộc cá độ ăn thua của chúng tôi! Thằng Bê hào hứng :
    – Mọi người đã sửa soạn máy quay film chưa?
    Tôi nhìn xung quanh gian phòng bếp đầy ắp người bao quanh với cell phone như hôm cưới cách đây tám tháng, không có chỗ cho người chụp hình và quay phim di chuyển nữa.
    Thằng Bê lúc nào cũng lắm bạn nhiều bè, tính nó vui cười cả ngày nên được các bạn yêu quý lắm; ngẫm nghĩ không biết nó có chững chạc được để làm papa người ta không nữa.
Tôi cũng sửa soạn máy video chỉ muốn quay xem sự phản ứng của thằng Bê và con dâu Vân như thế nào khi biết con tương lai của mình là trai hay gái mà thôi.
    Khi cả hai đứa cùng cầm con dao đặt vào chiếc bánh, cùng đếm :
    – 1… 2… 3…
    Con dao răng cưa phập xuống chiếc bánh cao ấy, tất cả mọi người nhón gót bu vào chiếc bánh để nhìn vào bên trong, một lớp màu nâu của chocolate chảy ra, chính giữa bánh là lớp màu xanh nước biển hiện ra, màu xanh tượng trưng cho phái mạnh!
    Thằng Bê bỏ dao xuống hét lên vui mừng :
    – Con trai!
    Cả hai họ cùng hò reo :
    – Ah! Con trai! Con trai! A baby boy! My congrats! Mes félicitations!
    – Mẹ thằng Bê thắng lớn rồi!
    Tiếp theo sau đó là tiếng nổ bốp bốp của những chai champagne chúc mừng thằng Bê sẽ làm cha, người làm cha đầu tiên trong đám bạn học cùng lớp của nó…

Tôi sẽ là …Bà Nội người ta ư? Bà Nội đó! Cái cảm giác này đến thật bất ngờ, thú vị và đằm thắm, len lỏi vào trong tim và từng tế bào nhỏ trong óc, chưa bao giờ tôi có thể nghĩ đến cái chức không thi mà được nhận lãnh này! Chức này còn lớn và quan trọng hơn cả chức giám đốc ngân hàng của tôi hồi xưa nữa kia! chức này là cả đời chứ không phải chỉ vài năm phù du khi còn trong độ tuổi lao động đâu đấy!
    Tôi sẽ là người đầu tiên trong dòng họ có cháu, kiêu hãnh gì đâu ấy! tôi sẽ loan tin này cho tất cả cô chú, chị em trong nay mai thôi.
    Hít một hơi thật sâu, tưởng tượng một thằng bé con kháu khỉnh tròn vo như con gấu giống thằng Bê chạy chung quanh nhà, nghịch ngợm và láu lỉnh, nửa vui vì có thằng cháu đích tôn, nửa buồn là từ đây tôi sẽ phải bận bịu với nó, khó có thể tự tung tự tác sung sướng đi chơi như hiện nay.
    Tôi cảm động, đứng yên trong góc bếp, chụp từng người một trong máy của tôi, tôi muốn làm một album nhỏ sửa soạn cho sự ra đời của thằng cu Junior, nó sẽ là cháu đích tôn của cả hai thông gia chúng tôi, là sợi dây kết nối tình gia đình nội ngoại.
    Chồng tôi giữ yên lặng từ nãy giờ mới lên tiếng nhỏ bên tai tôi :
    – Ở Việt Nam làm ông bà nội phải chững chạc lắm rồi, bên đây sao lên chức ông bà nội mà mặt còn ham vui quá!
    Thằng Bê biết mẹ đang suy nghĩ mông lung cho tương lai, nó nhè nhẹ cười cười đến đứng bên tôi thầm thì :
    – Nhiều Bà Nội cũng còn… múa, ca hát và làm văn nghệ mà, mẹ cứ làm những gì mình thích nhé, đừng nghiêm túc quá sẽ mất vui!
    Thằng Bê và con dâu Vân đưa mời tôi một ly rượu champagne nhỏ, chúng tôi cụng ly, cùng nhìn sâu trong ánh mắt của nhau, hiểu rằng tre già măng mọc, xã hội có tốt hay không cũng chính do sự xây dựng từ trong gia đình nhỏ của mình; những người trẻ của ngày hôm nay là sự trưởng thành của thế hệ tương lai.

 

-- Sỏi Ngọc

Montreal, Jan’24

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...