Hôm nay,  

Thằng ăn cắp xe đạp

02/01/202413:52:00(Xem: 1649)
Truyện

toi

Mùa này trời tối nhanh, Tết sắp đến, trên con đường làng vắng vẻ, hai bên là những mái tranh nghèo xơ xác, thấp thoáng vài ngọn đèn dầu tù mù, nhìn xa như những đốm ma trơi thoắt ẩn hiện sau những hàng rào tre, càng làm tăng cái vẻ đìu hiu, quạnh quẽ. Ở đây, người dân lo ăn cơm cho nhanh trước khi mặt trời đi ngủ để còn thấy đường dọn dẹp và rửa chén; hơn nữa là để tiết kiệm nhiên liệu vì tiêu chuẩn mỗi gia đình một tháng, chỉ mua được 1 lít dầu hôi thắp đèn.
    Trong bóng đêm, hai bóng đen đang bước đều bên nhau, người cao lớn hơn đang hăng say vừa vung tay vừa thuyết phục người kế bên làm một việc gì đó, người kia vừa lắc đầu vừa thoái thác. Những căn nhà tranh đang nằm im lìm trong đêm đen như không còn sức sống vì chẳng mấy nhà còn để đèn sáng. Chợt người nhỏ con hơn lên tiếng:
    – Tao run quá mày ơi. Thôi tao về.
    – ĐM, sao mày nhát như thỏ đế. Muốn có tiền mà sợ.
    – Từ nhỏ tới lớn, tao chưa bao giờ làm chuyện này.
    – Tao làm chứ mày có làm đâu. Mày chỉ việc canh chừng bên ngoài thôi.
    – Nhưng tao là đồng lõa.
    Nói xong, người kia quay đầu lại, dứt khoát bỏ về, để người cao lớn đứng giữa con đường đất lẩm bẩm chửi thề trong miệng. Hắn ta tiếp tục bước đi trong đêm đen, những bước chân nặng nề như tâm hồn của hắn.
    Từ lúc bỏ lại thằng bạn một mình trên đường, thằng nhỏ con vội vàng quay về túp lều tranh trên miếng đất rẫy, rất xa xóm làng, nơi người vợ yêu dấu và đứa con trai mới chào đời được vài ngày. Lòng nó ngổn ngang bao suy nghĩ giằng co. Những bước chân hoang mang bước xiêu vẹo ngang qua khu nghĩa trang của làng. Bụng nó đói meo, cái bao tử cứ sôi lên òng ọc vì từ sáng đến giờ chỉ vài miếng khoai mì luộc trong bụng, còn toàn nước và nước. Nó cứ lê những bước chân vô hồn như thế đến trước căn chòi ọp ẹp lúc nào không hay.
    Nó nhìn cánh cửa xiêu vẹo được làm tạm bợ bằng tre, rồi nhìn chung quanh, những cây khoai mì mới cao đến thắt lưng, còn nhỏ lắm, chưa đến ngày nhổ, mờ mờ ẩn hiện trên những vồng đất thẳng tắp. Tết sắp đến rồi mà giờ này trong nhà nó không còn một chút gì để ăn. Nó không dám mơ đến một miếng thịt hay một miếng mứt tết. Nó chỉ mong có thêm vài lít gạo trong nhà. Nó có thể cải thiện bữa ăn bằng cách bắt rắn, thằn lằn, kỳ nhông hay bất cứ một con vật gì sống trên rẫy; rau là những loại rau dại mọc khắp nơi và đọt giây khoai lang, lá khoai mì mà nó trồng chung quanh nhà.
    Nâng nhẹ cánh cửa, nó bước vào bên trong. Căn chòi chỉ độc nhất cái đèn hột vịt còn leo lét chút ánh sáng sáng chập chờn trên cái bàn ở góc nhà, soi lên vách cái ánh sáng vàng vọt. Vợ và đứa con sơ sinh đắp mền, đang say ngủ trên cái chõng tre. Không một tiếng động, chỉ thỉnh thoảng tiếng cựa mình của đứa bé kiếm đòi vú mẹ. Vợ nó đang kiệt sức lắm, sinh nở xong, không có cái gì tẩm bổ, chỉ toàn sắn khoai, nên mệt mỏi, ngủ vùi như chết. Nhìn cảnh này, nó cố nuốt ngược nỗi đau vào lòng, thẹn vì mình bất tài, hận vì chung quanh mình ai cũng đói như nhau.
    Nó nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh giường và đưa bàn tay chai sạm rờ vào đầu tóc rối bù và khuôn mặt gầy gò của vợ. Nó cảm giác ướt dưới mấy ngón tay, hình như vợ nó đang khóc trong giấc ngủ mỏi mệt. Vợ nó trở mình, qua ánh đèn vàng vọt, nó vẫn thấy được những giọt lệ long lanh còn sót lại trong mắt nàng, đứa con trong lòng chợt cựa quậy, khóc đòi bú. Thằng bé đang nhai vú mẹ cố tìm những giọt sữa cuối cùng. Giọng vợ nó yếu ớt:
    – Anh về hồi nào?
    – Về nãy giờ rồi.
    – Có kiếm được cái gì không anh?
    – Bữa nay không ai dám đi nhổ trộm khoai mì nữa vì nghe đâu tụi du kích, công an nó đi lùng dữ lắm. Anh tới nhà thằng bạn ngồi chơi hút vài điếu thuốc rồi về.
    – Thôi vậy cũng đành.
    – Để anh đi nấu cho em nồi cháo nóng, húp cho khỏe.
    Tiếng lon sữa bò quẹt vào đáy cái hộp nhựa đựng gạo nhỏ xíu vang lên trong đêm nghe não lòng như những tiếng thở dài hằng đêm của hai thân phận khốn cùng. Vợ chồng nó đã kiếm hết cách rồi, từ đi rừng, bắt cua còng, làm thuê, mót lúa, kể cả đi kéo xe cải tiến, chồng kéo, vợ đẩy cả xe củi, đổ mồ hôi sôi con mắt. Không còn việc gì mà hai vợ chồng không làm. Sắp đến ngày sinh, vợ nó phải nghỉ ở nhà, chỉ mình nó bương chải nhưng vẫn không đủ ăn. Vốn là thằng học trò từ thành phố, đi kinh tế mới về vùng quê vài năm nay, nó đâu biết việc gì mà làm.
    Căn chòi hai vợ chồng đang ở là do mấy thằng bạn phụ một tay, cất tạm bợ trên miếng đất rẫy của người bà con xa bên vợ, người ta thương tình cho nó vừa ở vừa trông coi vườn khoai mì của họ. Thời buổi mà con người lúc nào cũng đói, lúc nào cũng nghĩ đến ăn, làm sao để lấp đầy cái bụng; nhận thức không cao hơn bao tử, cuộc sống không bằng một con vật nên hở cái gì là mất cái đó. Người người ăn cắp lẫn nhau để sống còn.
    Ăn cháo xong, vợ nó trở lại giường nằm bên con, nó cũng ra nằm trên chiếc giường tre, gian bên ngoài. Cứ lăn qua trở lại cả đêm mà không sao nhắm mắt được. Lúc vừa thiu thiu ngủ thì có tiếng đập cửa, một giọng nói cất lên:
    – Công an ấp! Mở cửa ra!
    Nó vùng dậy, kéo chốt và nâng cánh cửa qua một bên. Một đám người võ trang súng ống, đèn pin, rọi thẳng vô mặt nó. Vài ba cánh tay xúm lại trói quặt hai cánh tay nó ra sau. Tên công an ấp nói to:
    – Mày bị bắt vì tội đồng lõa ăn cắp xe đạp.
    Chưa kịp định thần thì đám người đã kéo nó đi ra khỏi căn chòi. Quay lại, nó chỉ còn thấy mờ mờ bóng dáng vợ nó đứng vịn cửa nhìn theo, tiếng đứa con trai khóc ngằn ngặt sau lưng. Đó là hình ảnh và âm thanh cuối cùng nó mang theo trong những năm tháng tù đày.
    Khi bị chuyển lên công an huyện hỏi cung, nó mới biết rằng, đêm hôm đó, thằng bạn cao lớn đi chung với nó, ăn trộm một chiếc xe đạp, bị người ta phát giác và đuổi theo, phang cho một đòn gánh té lăn xuống đường. Bị đánh đau quá, hắn hèn nhát khai bậy ra nó là đồng lõa, mong người ta thương tình mà bớt đánh đập. Ngay trong đêm, công an xã, ấp đến tận căn chòi bắt nó đi dù thật sự nó không hề đi ăn trộm.
    Sau một ngày bị hỏi cung, bị đánh bầm giập, dù không nhận, nó cũng bị bắt ép phải ký giấy nhận tội, còn không thì bị tra tấn dã man. Nó bị tống vào một phòng tạm giam ẩm ướt, hôi hám, nóng bức, nhung nhúc những người tù khác, đủ thành phần. Nó nghĩ chắc đây là đoạn cuối của cuộc đời mình. Vợ con nó sẽ ra sao? Nó không dám nghĩ tới. Trời ơi là trời! Muốn khóc mà không khóc được. Muốn gào to lên để trời cao đất thấp hiểu được nỗi lòng nó.
    Quá tuyệt vọng, nhìn quanh, nó thấy một chai cồn xức ghẻ của một bạn tù vừa được người nhà thăm nuôi. Nó chộp lấy, mở nút chai, uống liền một hơi cạn sạch. Nó lăn ra nền phòng giam, tay chân co giật, dãy dụa, đau đớn, la hét kinh hoàng, mũi, miệng sùi bọt trắng, mắt trợn trừng như con chó ăn phải bã thuốc độc. Có tiếng la kêu cứu, tiếng cửa phòng giam bật mở, người ta khiêng nó ra ngoài và vất nó nằm cạnh phòng hỏi cung.
    Người ta cậy miệng và đổ nước vào. Nó sặc sụa, vừa ho vừa khóc, nước mắt lẫn nước bọt dàn dụa ướt cả khuôn mặt. Nó cảm thấy ruột gan bị thiêu đốt, như đứt ra từng đoạn, đau đớn oằn oại; một cảm giác nóng kinh khủng chưa bao giờ nó trải qua, vẫn cứ chạy rần rật toàn thân. Người ta để mặc cái thân hình gầy gò của nó nằm rên la thê thảm như vậy cho đến lúc kiệt sức, nó chỉ còn thều thào qua hơi thở yếu ớt. Bọt nước miếng vẫn tràn ra hai bên khóe mép như bọt xà bông.
Nó ước ao, nó van lạy, nó cầu xin cho được chết ngay lập tức để khỏi phải kéo dài cực hình khủng khiếp này, để nó không còn phải nghĩ đến tình cảnh vợ con nó hiện giờ ra sao. Đầu óc nó mê đi, lẫn lộn mơ với thực. Những hình ảnh hỗn độn, lần lượt lướt qua tâm thức nó trong im lặng sâu thẵm. Một tấm màn đen sụp xuống. Nó chìm vào hôn mê.
    Lúc mở mắt, nó thấy mình nằm ở góc phòng giam cũ. Tiếng ngáy đều của các bạn tù lẫn tiếng ho khan của ai đó. Nó biết mình còn sống. Ruột gan nó vẫn còn buốt rát như ai xát muối bên trong, tuy không còn nóng bỏng, nhưng nó thấy cồn cào, nhộn nhạo như có ai vẫn đang cào cấu trong bao tử. Nó muốn ngồi dậy, nhưng cơ thể không còn sức. Cuối cùng nó lấy hết sức bình sinh, chống hai tay ngồi dựa vào tường, mắt nhắm nghiền.
    Người ta đưa nó ra trại cưỡng bức lao động. Nó không biết tin tức gì của vợ con và cũng chẳng ai đi thăm nuôi nó. Nó sống như một cái xác không hồn. Ngày đi phá rừng làm rẫy, tối về nó không nói chuyện và không kết bạn với ai cả. Người ta thấy nó hay ngổi nói lảm nhảm một mình, cặp mắt nhìn thẳng phía trước nhưng không thấy ai. Được cái nó rất hiền lành, chẳng làm phiền ai; người nào được thăm nuôi, cho nó miếng đường, cục kẹo, nó nhận và cười hiền lành nói lời cám ơn.
    Rồi hai năm trôi qua. Người ta kêu tên nó, đọc lệnh tha. Hờ hững cầm tờ giấy, nó không vui mà cũng chẳng biểu lộ một nét gì trên khuôn mặt đã già đi trước tuổi. Nó bước ra khỏi cổng trại, cái bị cói trên vai, ngơ ngác nhìn quanh, đứng thẫn thờ suy nghĩ hồi lâu, rồi chậm rãi bước đi. Tiền không có để đón xe, nó đi bộ.
    Hai ngày sau, về đến làng cũ, nó đứng trước miếng đất rẫy ngày xưa, bây giờ um tùm một màu xanh cây khoai mì và cây Điều, cặp mắt lạc thần ngơ ngác. Nó không thấy nhà cũ, không thấy bóng dáng vợ con mình. Nó ngồi thụp xuống đất, khóc nức nở, khuôn mặt nhòe đi, lấm lem vì nước mắt và bụi đường.
    Dân làng dẫn nó đến trước một ngôi mộ đất không ai chăm sóc, mọc đầy cỏ hoang. Người ta kể cho nó nghe, một người đi làm rẫy gần đó, nghe mùi hôi thúi xông lên nặng nề, ông tìm đến căn chòi và thấy hai mẹ con chết nằm kề bên nhau, đứa con trai vẫn còn ngậm vú mẹ. Người ta thương tình, bó chiếu, chôn hai mẹ con cùng một huyệt mồ. Nó ngã vật xuống đất, ngất đi một hồi lâu. Khi tỉnh dậy, cặp mắt nó khô queo, đỏ ngầu những đường gân máu. Nó không còn nước mắt để khóc nữa.
    Hôm sau, nó trở lại với một cái cuốc, một cây thánh giá nhỏ, và một bó nhang. Khói hương nghi ngút bên nấm mộ đã được dọn dẹp sạch cỏ và vun đất ngay ngắn. Nó ngồi kế bên, từ sáng cho đến tối mịt, mắt vẫn ráo hoảnh. Nó thì thầm tâm sự, nó nói nhiều lắm, khi cười, khi nức nở, rồi nó nằm ôm ngôi mộ vào lòng. Sau ngày đó, không một ai trong làng biết nó đi đâu và không một ai thấy nó trở về thăm nấm mộ đất đìu hiu, giờ cỏ đã xanh rêu phủ đầy.
 
– Nguyễn Văn Tới
(1/2024)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.