Hôm nay,  

Tại người mua lấy những đa đoan

28/11/202310:18:00(Xem: 1450)
Truyện

alley-in-saigon



Trần Trọng Tâm sinh trưởng tại thành phố Quy Nhơn. Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Lý năm 1980 (anh là bạn học của anh rể tôi). Anh được bổ nhiệm vào dạy học ở Bình Chánh. Anh dạy tốt, kiến thức vững, nghệ thuật truyền đạt dễ hiểu. Phụ huynh học sinh rất quý anh! Ngoài giờ dạy anh thường ra uống cà phê ở quán bác Xuyến gần trường. Ở đó bác Xuyến đặt một cái bàn bi da. Cuối tuần rảnh rỗi anh cũng chơi vài ván với bác chủ quán cho vui! Bác Xuyến có vẻ quý Trọng Tâm nên thường cù rủ anh ở lại uống trà, đàm đạo và lúc nào cũng dành cho anh một bao thuốc. Thời bao cấp đồng lương nhà giáo eo hẹp, độc thân vẫn không đủ sống nên khi được người dân quý mến đùm bọc cũng là điều đáng quý. Nhờ vậy nhiều thầy cô giáo đứng vững được trên bục giảng để làm nghề mình chọn, ngắc ngoải cũng qua được giai đoạn khó khăn trong lúc cũng không ít thầy cô ra ngoài lăn lộn kiếm sống mặc dù rất yêu nghề!
    Nhà bác Xuyến có cô con gái là Thu Uyên nhỏ hơn anh 4 tuổi. đang học năm cuối của một trường cao đẳng sư phạm trong thành phố. Cô Thu Uyên cũng quý anh Trọng Tâm. Bác Xuyến cũng tạo điều kiện để anh và Thu Uyên gặp gỡ chuyện trò cùng nhau. Dần dần hai bên tâm đầu ý hợp và quyết định đi tới hôn nhân. Thế rồi chị được bổ nhiệm đi dạy tại một trường THCS gần nhà. Ít lâu sau các con lần lượt ra đời: Một trai, một gái, cách nhau ba tuổi, xinh xắn, bụ bẫm và đáng yêu. Hai vợ chồng chí thú làm ăn, ngoài giờ dạy chị có mở một tiệm sách, báo và văn phòng phẩm, trong vườn cũng trồng rau trái, chăn nuôi gà vịt… Làm ăn, tích cóp anh chị cũng tạo dựng được một căn nhà ấm cúng. Khi bận đi làm thì đem con cái qua nhà ông bà ngoại gửi. Nhà ngoại gần cũng đỡ đần cho anh chị rất nhiều. Có ngoại đùm bọc nên cuộc sống của gia đình anh chị cũng ổn, các cháu ngoan, chăm lo học hành, trưởng thành, ra trường và đi làm.
    Cuộc sống đang yên, đang lành như thế! Đùng một cái anh đi làm về nói với chị là muốn chia tay và đề nghị chị ký vào đơn ly dị. Chị không hiểu gì cả, sau giây phút sững sờ, chị khóc tức tưởi. Rồi hỏi nguyên nhân. Anh nói là anh xin lỗi vì anh không yêu chị! Lúc trẻ anh ngộ nhận tình yêu! Ngày xưa lấy chị là do quý bác Xuyến. Nay sống bên nhau anh không cảm thấy hạnh phúc nên đề nghị giải thoát cho nhau. Anh đưa đơn ra tòa nhưng chị khóc quá nên anh trì hoãn. Mặc dù anh rất muốn nhưng vẫn chưa ly dị được. Sau những tháng ngày, nhạt nhẽo, với những câu nói đôi khi có phần phũ phàng nhưng chị vẫn níu kéo với hi vọng anh hồi tâm chuyển ý. Nhưng không, một năm sau anh vẫn tiếp tục đòi ly hôn cho bằng được. Và anh cũng hé lộ cho chị biết là anh đã tìm được tình yêu đích thực của đời mình để chị buông.
    Hóa ra anh đã có tình nhân là một cô gái trẻ chỉ bằng tuổi con gái anh. Cô làm nghề thợ may công nghiệp. Chị không còn cách nào khác đành ngậm ngùi tức tưởi ký vào đơn ly hôn cho thỏa lòng anh.
    Anh đi xây tổ ấm với cô vợ trẻ, chị Thu Uyên ở nhà với hai con lúc này cũng đã có công ăn việc làm, đứa nào cũng đã có ý trung nhân và chuẩn bị lập gia đình. Thế rồi chị dựng vợ gả chồng cho các con. Ngày cưới con, chị cũng nhắn anh về để dự lễ, để lên sân khấu với chị. Nhưng chị không cầm tay anh sánh vai như những bố mẹ cô dâu, chú rể thường đi lên hôn trường mà mạnh ai nấy đi. Miễn sao điểm dừng là sân khấu nơi có hai ông bà thông gia và hai con của mình là được.
    Rồi các cháu ra riêng, cũng lo làm ăn, xây dựng nhà cửa. Chị về hưu, sống một mình. Thỉnh thoảng các con đưa cháu tới chơi với mẹ. Còn anh cũng đã có hai con (nhỏ tuổi hơn cháu nội ngoại của anh) với cô vợ trẻ. Bố cô vợ trẻ bằng tuổi anh, hay ngồi nói chuyện với anh như hai người bạn.
    Lấy vợ trẻ, thì sung sướng hạnh phúc đâu chẳng biết chứ về chăm con dại là cực hơn chị trong lúc chị tuổi này là có quyền thong dong, cà phê tán gẫu với bạn bè, hoặc đi du lịch đâu đó. Tóc thích thì nhuộm chơi, không thích để vậy cho tự nhiên cũng ok. Rất thoải mái. Nhưng anh thì phải nhuộm, cần làm mọi cách cho trẻ ít ra cũng giảm chênh lệch khi đi bên vợ mới.
    Đùng một cái. Cô vợ trẻ đề nghị anh ly hôn, vì cô cũng đã có nhân tình mới. Anh chàng cùng lứa với cô, trẻ như cô. Mặc anh năn nỉ ỉ ôi, phân tích, trái phải này nọ, cô vợ trẻ vẫn cương quyết ly hôn. Ai khuyên nhủ gì cô cũng mặc kệ, cô không nghe kể cả lời khuyên của gia đình bên ngoại. Cô dứt khoát ra tòa rồi dứt áo ra đi. Cô cùng người tình thuê phòng trọ sống cùng nhau như vợ chồng. Để hai con lại cho anh nuôi. Lúc này một đứa 6 tuổi, một đứa 2 tuổi. Ban đêm con khóc ngằn ngặt đòi mẹ mà lòng anh như dao cắt. Lúc này anh vẫn còn đi dạy, không ai giữ con, anh đem chúng tới trường, cho ngồi chơi ngoài ghế đá sân trường. Cuối tuần mẹ trẻ về thăm con, chở con đi chơi một ngày rồi mang về trả lại cho anh.
    Mẹ vợ anh qua đời, ba cha con về chịu tang nhưng vợ anh không hỏi anh một câu, vẻ mặt dửng dưng lạnh lùng như người không quen biết. Chỉ có ông ngoại và mấy dì của các con thì vẫn quý anh, thương cháu.
    Có lần cô ấy về đón bé đầu đi Mũi Né chơi vài ngày. Trở về nhà bé nói với ba rằng: về khách sạn lúc đầu mẹ ngủ với con. Đến nửa đêm thì mẹ qua ngủ với chú ấy. Anh nghe con kể mà tan nát cõi lòng.
    Anh vẫn “gà trống nuôi con”. Đôi khi anh ngồi ngẫm nghĩ hay tại mình phụ tình nên giờ trời hành, phải trả giá? Có lần anh ghé thăm vợ đầu. Nghe bạn chị kể là chị thỉnh thoảng đi chơi với bạn, bạn gái có, bạn trai có. Đặc biệt có một anh cũng chững chạc thường hay tới sửa mấy việc cho chị như lợp lại mái nhà, sơn lại cửa, kê lại mấy chậu hoa… Anh nghe vậy trong lòng thấy cũng ghen ghen. Mặc dù anh biết ghen là vô lý, vì anh không còn quyền ấy nữa rồi!
    Cuộc sống của anh hết sức vất vả vì hai con còn nhỏ quá, khóc cả ngày, đôi khi đau ốm nữa. Đêm ru con ngủ xong thì anh nằm vắt tay lên trán suy nghĩ. Mới ấy năm mà trông anh có vẻ già đi nhiều, hốc hác hơn so với hồi dứt áo ra đi khỏi nhà người vợ đầu tiên.
    Rồi cũng lại đùng một cái, cô vợ trẻ năm nào mò về xin lỗi anh, xin anh cho nối lại tình xưa. (Không biết do nguyên nhân nào, có khi nào chị ân hận, có thể người tình mới đã chán chị hay chị thấy người này không chiều chuộng chị như anh, v.v.)
Bạn bè cảm cảnh anh nhưng cũng không biết phải khuyên thế nào! Tùy con tim của anh. Nhưng nếu cho cổ về nuôi con, để con anh đỡ khổ, dù sao thì gửi con cho mẹ nó vẫn tốt hơn người ngoài. Hai người nuôi con sẽ tốt hơn một người, mặc dù biết bụng anh còn tức anh ách. Nếu được thì mở lòng chấp nhận cho cổ về lại. Nhưng họ cũng dặn rằng: Luôn cảnh giác vì ngựa có thể quen đường cũ.
    Mấy năm gần đây thấy anh đưa ảnh gia đình gồm vợ chồng anh và hai con lên fb. Anh cười rất tươi bên vợ con. Bạn bè mừng cho anh! Vì ở tuổi anh, mọi người đã vui hưởng tuổi già, bên các con, cháu nội ngoại sum vầy rồi.Trong lúc anh còn phải chăm con dại vừa đa đoan, trần ai khoai củ như thế. Thôi thì cầu cho vợ anh đã biết nhận ra lỗi lầm, chuyên tâm chăm lo con cái để đoạn cuối cuộc đời anh được bình yên!
    Có lúc nào anh ngộ ra rằng: Tại mình mua lấy những đa đoan?
 

– Hoàng Thị Bích Hà

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ông làm bí thơ, quyền lực trùm một phương, ở triều đình hay ngoài châu quận đều đứng trên vạn người trong thiên hạ. Người ta vẫn bảo ông làm vua một cõi, điều này chẳng phải nói điêu mà thật sự như vậy! Lời bàn tán cũng đến tai ông, ông không nói năng gì nhưng tỏ vẻ hài lòng và mặc nhiên cho là thế. Ông chẳng phải là nhân viên công quyền mà chỉ là người đứng đầu một bang phái nhưng quyền hành của ông phủ khắp, mọi việc lớn nhỏ đều do ông định đoạt, mọi chức vụ cao thấp do ông đặt để...
Trung úy Nguyễn Thanh Long, đã hy sinh 1972 ở Núi dài Châu Đốc. Anh tốt nghiệp Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt. Cùng khóa của anh nhiều người cũng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt...
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.