Cho đến thập niên 60s, những bộ phim Hollywood phần lớn là các phim tình cảm lãng mạn, chiến tranh hay cao-bồi viễn Tây. Sự xuất hiện những phim võ thuật Hồng Kông như Đường Sơn Đại Huynh (The Big Boss-1971), Tinh Võ Môn (Fist of Fury-1972), Mãnh Long Quá Giang (The Way of The Dragon-1972), Long Tranh Hổ Đấu (Enter The Dragon-1973) của Lý Tiểu Long vào những năm đầu thập niên 70s đã trở thành một hiện tượng trong điện ảnh Mỹ, đưa Lý Tiểu Long vào danh sách những biểu tượng văn hóa đại chúng của nước Mỹ trong thế kỷ 20.
Nhân 50 năm ngày mất của Lý Tiểu Long (1940-1973), hãy nhắc lại đôi điều về huyền thoại võ thuật này.
Có cha là một nghệ sĩ cải lương Hồ Quảng nổi tiếng, Lý Tiểu Long sinh tại San Francisco với tên thật là Lý Chấn Phiên và tên Mỹ là Bruce Lee khi cha mẹ ông sang Mỹ trong một chuyến lưu diễn. Trở về Hồng Kông, cậu bé gầy gò ốm yếu được cha cho học võ để rèn luyện thể lực. Rồi anh được bước vào điện ảnh, đóng phim tại Hồng-Kông khá sớm với nghệ danh sân khấu là "Tiểu Long" (Little Dragon) vì anh sinh năm 1940, năm Canh Thìn. Một vài tài liệu về tiểu sử của Lý Tiểu Long còn viết là anh cũng sinh vào giờ Thìn (khoảng 7-9 giờ sáng).
Đóng hàng chục bộ phim trẻ em, từng vô địch quyền Anh và quán quân khiêu vũ cha-cha-cha năm 18 tuổi, nhưng cha mẹ ông đã quyết định gởi ông quay lại Mỹ sống với chị gái sau khi Lý Tiểu Long thường xuyên bị cảnh sát cảnh cáo và bắt về chuyện đánh lộn trên đường phố, nhằm tránh khỏi những rắc rối với luật pháp và băng đảng tại Hồng-Kông.
Lý Tiểu Long dọn sang Seattle, hoàn tất bậc trung học, rồi ghi danh học kịch nghệ, triết học, tâm lý học... tại đại học University of Washington nhưng bỏ dỡ để lập võ đường dạy võ. Giấc mơ ban đầu của Lý Tiểu Long là sáng lập và mở hệ thống võ đường khắp nước Mỹ thay vì mơ đến chuyện có ngày trở thành một đại tài tử của Hollywood và cả thế giới. Một số môn sinh của anh sau này cũng trở thành những tài tử võ thuật nổi tiếng tại Hollywood.
Năm 1964, chàng võ sư vô danh được chú ý khi một cuộc tỉ thí võ thuật Trung Hoa "Kung-Fu" tổ chức tại Long Beach, California và Lý Tiểu Long đã nhanh chóng hạ gục Dan Inosanto, một võ sư khét tiếng từng là lính Dù của Mỹ lúc bấy giờ. Dan Inosanto về sau cũng trở thành một đại võ sư và đóng phim Hollywood.
Cũng trong năm 1964 này, cuộc thách đấu và tỉ thí giữa Lý Tiểu Long và một võ sư khác tại San Francisco là Wong Jack-man cũng từng tạo ra dư luận ồn ào. Những võ sư người Hoa tại San Francisco chỉ trích Lý Tiểu Long đã truyền dạy võ công cho người Mỹ, bởi phần lớn các võ sinh của Lý Tiểu Long là các thanh thiếu niên da trắng, nên đã thách đấu Lý Tiểu Long nếu thua cuộc phải đóng cửa võ đường. Các tài liệu kể rằng chỉ sau vài phút thi đấu, Wong Jack-man đã phải bỏ chạy vì những đòn thế quá sắt máu và nguy hiểm trong sự giận dữ của Lý Tiểu Long .
Từ khoảng năm 1966-1970, Lý Tiểu Long bắt đầu xuất hiện trên những phim truyền hình Mỹ trong các vai đánh đấm mà thoạt đầu các đạo diễn Mỹ chỉ muốn anh sử dụng kiểu đánh nhau bằng tay, nắm đấm thông thường của người Mỹ nhưng anh từ chối. Bởi quyền cước vẫn là những thế võ truyền thống trong võ thuật Châu Á và anh là một võ sư Kung Fu chuyên nghiệp không thể thiếu những cú đá hiểm hóc và ngoạn mục. Kỹ thuật thu hình lúc bấy giờ cũng chưa tân tiến như hiện nay, Lý Tiểu Long phải xuất đòn chậm lại để các máy quay phim có thể thu kịp những thế võ của anh.
Cũng thời gian này, năm 1967, Triệt Quyền Đạo (Jeet Kune Do) ra đời. Nó không chỉ là môn phái võ thuật mà mà một "võ đạo" mà chàng chưởng môn ở tuổi 27 đã sáng lập, mang tính triết lý trong võ thuật và cả đời sống từ những suy nghiệm sau trận tỉ thí cùng Wong Jack-man.
Anh nhận thấy võ thuật Trung Hoa truyền thống cứng nhắc, khuôn mẫu nên khai sáng Triệt Quyền Đạo theo một "phong cách (võ thuật) phi phong cách" (the style of no style), phi truyền thống và mang tính sáng tạo cá nhân. Uyển chuyển mà vũ bão, đơn giản song hiệu quả.
Lý Tiểu Long giải thích về Triệt Quyền Đạo rằng, "...Sự thật tồn tại bên ngoài mọi khuôn mẫu, mô thức và nhận thức không bao giờ là độc quyền. Một lần nữa tôi nhắc lại là Triệt Quyền Đạo chỉ là một cái tên được sử dụng, là chiếc thuyền để đưa người qua sông và một khi đến bờ thì sẽ bỏ lại, chẳng cõng theo trên lưng".
Triết lý "Hãy như nước" (Be Water) nổi tiếng của Lý Tiểu Long đã được nhiều tác giả viết về nó, khai mở thành một triết lý sống. Phong trào dân chủ "Dù Vàng" tại Hồng Kông vài năm trước cũng đã áp dụng nguyên tắc "Be water" này trong những cuộc biểu tình của họ.
Năm 2023 này là tròn 50 năm Lý Tiểu Long qua đời ở tuổi 32, vào năm 1973, khi anh còn rất trẻ và sự nghiệp cùng danh tiếng đang lẫy lừng. Thế giới mất đi một tài năng lẫy lừng đang là ngôi sao sáng.
Không phải ngẫu nhiên khi tạp chí Time đưa Lý Tiểu Long vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20. Bởi Lý Tiểu Long không chỉ đơn thuần là một võ sư, một tài tử Á Châu đã mở đường cho những thế hệ tài tử võ thuật hay đại chúng gốc Á nói chung vào Hollywood mà những triết lý cuộc sống được thể hiện qua võ thuật của anh đã ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới.
– Đinh Yên Thảo
Gửi ý kiến của bạn